Ảnh: Phạm Quỳnh 1942 (trái) – Tạ Thu Thâu
Để độc tôn chiếm đoạt quyền thống trị đất nước, Đảng Cộng sản đã nhẫn tâm tàn sát hằng triệu đồng bào vô tội trong suốt Thời Kỳ Kháng Pháp, Cải Cách Ruộng Đất, Tết Mậu Thân, Chiến Tranh Bắc Nam… Họ cũng không ngần ngại ra tay triệt hạ và thủ tiêu người khác đảng phái hoặc bất đồng chính kiến, bao gồm cả những bậc nhân tài xuất chúng như Phạm Quỳnh và Tạ Thu Thâu. Trước khi lật lại trang sử bi hùng của chuỗi tháng ngày đau thương đó, xin mời quý thức giả đọc qua bài thơ “Tưởng Nhớ”:
Nén hương lòng tưởng nhớ
Người vị quốc vong thân
Vì thương nước thương dân
Mà bạo quyền sát hại
Chết không hề sợ hãi
Tên mãi mãi lưu danh
Xứng đáng bậc hùng anh
Ngời sử xanh nước Việt
1. PHẠM QUỲNH (1892-1945)
Là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn. Đi tiên phong trong việc quảng bá chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt để viết lý luận hoặc nghiên cứu.
Học rất giỏi. Đỗ đầu Thành Chung trường Thông Ngôn. Giải thưởng văn chương Viện Hàn Lâm Pháp.
Mới 16 tuổi đã vào làm việc trường Viễn Đông Bác Cổ. Chủ bút Nam Phong Tạp Chí từ 1917-1932.
1932 sang Pháp dự Hội Chợ Triển Lãm Marseille rồi đăng đàn diễn thuyết trong dịp này.
Năm 1932 Vua Bảo Đại về nước. Ngài bắt đầu trẻ trung hóa đội ngũ quan Đại Thần bằng những người nhỏ tuổi và tinh thông Âu Á với hai gương mặt sáng giá là Phạm Quỳnh cùng Ngô Đình Diệm. Suốt 13 năm, Phạm Quỳnh đảm trách Thượng Thư Bộ Học rồi Bộ Lại.
Tác phẩm: xuất bản hơn 20 cuốn.
Viết và dịch gần 500 bài báo đăng trên Đông Dương và Nam Phong Tạp Chí với nhiều thể loại: văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát, tùy bút, du ký.
Bộ sách cuối cùng là Thượng Chi Văn Tập dày hơn 1000 trang, tổng hợp những bài Phạm Quỳnh đăng trên Nam Phong Tạp Chí suốt 17 năm. Tác giả tập trung thành 3 chủ đề: học thuyết Á Đông, Âu Tây và Văn Hóa Việt.
Đây là tác phẩm vô cùng phong phú, giá trị, rất cần thiết cho việc nghiên cứu hoặc tham khảo văn học sử nước nhà trong giai đoạn tiền bán thế kỷ 20.
* Phạm Quỳnh với Sự Nghiệp Văn Hóa Nước Nhà (Nguyễn Hải Hoành, nghiencuuquocte.com):
Phạm Quỳnh hiểu văn hóa là cách rèn luyện tinh thần con người sao cho trở nên tốt đẹp hơn. Nếu ví con người như cái cây thì văn hoá là cách vun trồng, chăm bón sao cho con người nẩy nở được hết cái tốt đẹp của mình.
Cuối thế kỷ 19, từ “culture” được các học giả Nhật chuyển ngữ thành “văn hoá” – Ở đây văn là văn minh, hoá là biến đổi trở thành, “văn hóa nghĩa là trở nên văn minh”. Phạm Quỳnh quan niệm văn hóa là gốc, chính trị là ngọn, gốc có vững thì ngọn mới tốt.
Trước 1932, Ông chủ yếu hoạt động văn hóa, làm được nhiều việc hữu ích, dùng quốc ngữ để mở mang dân trí.
Phạm Quỳnh nhận định: nước ta xưa nay đời nào cũng có văn hóa, cho nên con người thuần phác, xã hội có trật tự, lịch sử vẻ vang, nhưng ta chưa có nền văn hóa độc lập, đó là do ta thiếu nền quốc học của mình. Ông nói: “Không có quốc văn thì không thể nào có quốc học. Không có quốc học thì không thể nào có độc lập tinh thần. Không độc lập tinh thần thì không có độc lập chính trị”.
Ông cho rằng muốn có quốc học thì trước hết phải có nền quốc văn chân chính, nhưng ta chưa có nền quốc văn đó, vì trong mười thế kỷ Bắc thuộc, chúng ta bị đồng hóa và chỉ có mỗi một nền văn học chữ Hán, là thứ văn học của tầng lớp trên, không phải của đại đa số dân chúng.
Một quốc gia chưa có nền học thuật riêng của mình thì không thể độc lập về tư tưởng. Do đó Ông đề xướng xây dựng nền quốc văn tiếng Việt.
Giáo Sư Phạm Thế Ngũ từng nhận xét: “Phạm Quỳnh muốn xây dựng cho nước nhà trong buổi Âu Á giao thoa một nền học thuật mới thay thế cho Hán học suy tàn, luôn thể Ông muốn dần dà gây lấy trong quốc dân một chủ nghĩa quốc gia ôn hòa dựa trên cơ sở văn hóa”.
Để đưa đất nước tiến lên phú cường, Phạm Quỳnh luận giải:
Phương Tây chú tâm vật chất, coi trọng khoa học và tri thức, gắng sức làm cho nước mạnh dân giàu, Phương Đông chú trọng đạo đức, dùng đạo đức để mưu cầu hạnh phúc. Từ đó Ông kết luận: tri thức chứ không phải đạo đức mới là động lực thúc đẩy đất nước tiến lên văn minh giàu mạnh. Đây là một quan niệm tiến bộ, ngày nay vẫn còn giá trị.
* Văn giới ca ngợi Phạm Quỳnh:
– Nhà Phê Bình Vũ Ngọc Phan nhận định: Cái công của họ Phạm khai thác lúc đầu cho nền quốc văn được như ngày nay thật là không nhỏ. Trong 16 năm chủ trương Nam Phong, Ông đã xây đắp cho nền móng quốc văn vững vàng bằng những bài bình luận và khảo cứu uyên thâm mà từ Bắc chí Nam hết thảy giới thức giả đều lưu tâm đến.
– Cụ Đồ Nguyễn Bá Học công khai khâm phục tài năng của người trai trẻ này qua câu nói: “Bách tuế lão ô bất như sơ sinh phượng hoàng” (Con quạ già 100 tuổi cũng không bằng con phượng hoàng mới sinh).
– Nhà Nghiên Cứu Lịch Sử Nguyễn Phúc Vĩnh Ba phát biểu:
• “Phạm Quỳnh xây dựng nền quốc học dựa trên quan điểm “Thổ Nạp Âu Á”, nghĩa là nhả ra cái lạc hậu cũ và thu thập những tinh hoa của văn minh Đông Tây.
“Ông bày tỏ tình yêu đất nước tràn trề của một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa khi đứng trước nghị viện Pháp diễn thuyết hùng hồn, để yêu cầu người Pháp phải tôn trọng chủ quyền và truyền thống văn hóa Việt Nam: Dân tộc chúng tôi không thể ví như tờ giấy trắng. Chúng tôi là một cuốn sách dày đầy những chữ viết bằng thứ mực không phai đã hằng mấy mươi thế kỷ nay. Quyển sách cổ ấy có thể đóng theo kiểu mới cho hợp thời trang, nhưng không thể đem một thứ chữ ngoài in lên những dòng chữ cũ được. Vấn đề là phải giáo dục người Việt Nam thế nào cho vừa truyền được học thuật cao thượng đời nay vừa không đến nỗi khiến chúng tôi mất đi cái quốc tính, làm thành ra một dân tộc vô hồn, không còn tinh thần đặc sắc gì nữa.
• Qua Nam Phong, Phạm Quỳnh đã tập hợp được một số trí thức tân và cựu học để xây dựng nền quốc học, tạo được cao trào nâng cao dân trí sôi nổi. Đông đảo thanh niên đã hưởng được ơn ích từ kiến thức đến tinh thần qua đọc Nam Phong, làm cơ sở cho việc phát triển nền văn chương học thuật sau này.
• Khi khăn đen áo dài đăng đàn diễn thuyết trước quốc hội Pháp để đòi hỏi cho nền độc lập văn hóa của Việt Nam, Phạm Quỳnh chỉ là một ký giả quèn, tốt nghiệp trung học nhưng đã làm trí thức Pháp kinh sợ với ngôn ngữ khúc chiết, lý luận đanh thép và lòng yêu nước nồng nàn hơn hẳn các trí thức Việt Nam Tây học khác có bằng cấp vượt xa Ông.
* Nghe Phạm Quỳnh diễn thuyết: Nguyễn Vỹ kể trong Văn Thi Sĩ Tiền Chiến:
Chiều thứ bảy ấy, Ông Phạm diễn thuyết bằng tiếng Pháp tại giảng đường Cao Đẳng Đông Dương Hà Nội. Sinh viên đến nghe rất đông. Ở tầng dưới là các dãy ghế danh dự, có Thống Sứ Bắc kỳ chủ toạ, với tất cả các nhân vật cao cấp Pháp Việt, đa số là Tây và Đầm. Còn sinh viên thì chen chúc nhau đứng chật bao lơn tầng dưới.
Sau lời giới thiệu của viên Giám Đốc Học Chánh, Ông Phạm Quỳnh từ cửa hậu giảng đường ung dung bước ra diễn đàn với dáng vẻ bình tĩnh, thong dong, thư thái.
Lúc bấy giờ không có micro, nhưng Phạm Quỳnh truyền đạt rõ ràng, dõng dạc, êm ái. Nói mấy lời cảm ơn quan khách, rồi Ông thong thả ngồi xuống ghế, trước chiếc bàn gỗ gụ lớn có trải tấm khăn nhung xanh màu da trời.
Ông đủng đỉnh gỡ cặp kính trắng gọng bạc để xuống bàn, lấy cặp kính trắng gọng vàng đeo vào, và rút trong túi áo ra một xấp đánh máy.
Ông cất tiếng nói, không chúi mũi xuống giấy kiểu nhiều diễn giả khác đọc như đọc bài văn tế. Ông cũng tránh nói lung tung lộn xộn như một số người chẳng theo dự thảo hoạch định trước. Ông đã viết sẵn bài thuyết trình rồi theo đó mà thao thao bất tuyệt, thỉnh thoảng mới ngó vào giấy, nói rất tự nhiên, lưu loát, văn hoa. Chúng tôi đứng im phăng phắc, nghe mê. Tất cả đều phục Ông có tài hùng biện hoạt bác, duyên dáng.
Lần đầu tiên được nghe một người bản xứ diễn thuyết trước công chúng trí thức Việt Pháp trên 500 người, bằng tiếng Pháp lôi cuốn hấp dẫn như thế. Hôm ấy Phạm Quỳnh đã hoàn toàn gây được lòng khâm phục của toàn thể thính giả.
Tôi vô cùng thích thú hài lòng. Từ đó về sau kiếm mua đọc tất cả sách của Ông. Và học hỏi được lắm điều trong đó. Tất nhiên tôi cũng chịu nhiều ảnh hưởng về lối hành văn và cách diễn đạt tư tưởng của bậc văn sĩ tài hoa ấy.
* Nhận định về Phạm Quỳnh:
Một số người công kích Phạm Quỳnh thân Pháp. Trong thời gian dài, quan điểm chính thống của cộng sản luôn luôn kết án Ông là tên bán nước, tay sai đắc lực của Pháp. Nhưng nhiều văn nhân khác lại bất đồng với ý kiến đó.
– Giáo Sư Văn Tạo: Phạm Quỳnh không có hành vi nào tàn ác với nhân dân, không đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân như nhiều quan chức khác, không ra lệnh bắt bớ tù đày các nhà yêu nước. Ông lại có công chuyển tải văn hóa Đông Tây trên văn đàn và báo giới Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm cho ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thời đầu thế kỷ 20. Công lao đó đáng được ghi nhận.
– Nhà Văn Mạc Phi: Không thể kết luận rằng câu nói của Phạm Quỳnh “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn” là ru ngủ nhân dân, kéo nhân dân xa rời mục tiêu độc lập dân tộc chống Pháp cứu nước. Cần thấy rõ âm mưu thâm độc của thực dân là làm cho thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam quên tiếng Mẹ đẻ, sùng bái văn hóa Pháp, coi thường di sản văn hóa Việt. Rõ ràng việc gìn giữ giá trị to lớn của Truyện Kiều và tiếng Việt trên Nam Phong đã góp phần thức tỉnh ý thức tôn trọng tiếng Việt trong một xã hội đang bị Âu hóa và chống lại âm mưu làm lu mờ văn hóa Việt, tôn thờ mù quáng văn hóa Pháp.
– Nhà Báo Nhật Hoa Khanh phỏng vấn Phan Hàm, từng đi bắt Phạm Quỳnh tại biệt thự Hoa Đường lúc Ông ngồi ăn cơm với vợ con. Viên tướng này mô tả vóc dáng Ông hơi cao nhưng không đẩy đà, gương mặt toát lên vẻ thông minh của người trí thức. Biết chúng tôi đến bắt, Ông hơi biến sắc nhưng rồi mau chóng trở lại bình thường. Khi bị giải ra xe ô tô, vợ con đi theo. Ông quay lại dặn dò: cứ yên tâm, chiều tối tôi sẽ được cách mạng cho về.
Phan Hàm cảm thấy việc bắt giam có một cái gì không phải, vội vã và thiếu cân nhắc. Ông đưa ra nhận thức: Phạm Quỳnh trong cương vị chủ bút Nam Phong xứng đáng được ghi công vì đã góp phần khẳng định tính nhân văn cao cả của nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Một tạp chí có nội dung tích cực và lành mạnh, tại sao lại bị đánh giá là phản động, bôi nhọ văn hóa dân tộc và tuyên truyền cho văn hóa thực dân??? Cây bút chủ lực như Phạm Quỳnh tại sao lại bị kết án là bán nước???
Nhật Hoa Khanh đã tìm được tại Thư Viện Trung Ương Hà Nội tuần báo Quyết Thắng số 11 (9/12/1945) đăng thông báo của Ủy Ban Khởi Nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương kính gửi Toà Án Quân sự Thuận Hoá (Huế) công bố Án phản quốc của Phạm Quỳnh:
“Một tay cộng sự đắc lực trong việc củng cố địa vị của giặc Pháp ở Đông Dương, bao phen làm cho quốc dân phải điêu đứng. Phạm Quỳnh đã giúp sức cho quân cướp nước làm mê muội dân chúng. Với cái nghề mãi quốc cầu vinh, từ một tên viết báo nhảy lên địa vị cao nhất trong làng quan lại Nam Triều. Phạm Quỳnh lại còn dựa vào thế lực Pháp và địa vị của mình bóc lột vơ vét tài sản quốc dân. Mặc dù chính quyền giặc Pháp đã bị truất sau ngày đảo chánh 9.3.45, nhiều triệu chứng tỏ rằng Phạm Quỳnh chỉ chờ cơ hội rước bọn thực dân trở lại làm cho tận diệt nước ta.
Cả ba tên Việt gian đại bợm bị bắt trong giờ cướp chính quyền ở Thuận Hoá và bị kết án tử hình ngay vào thời kỳ thiết quân luật.”
– Nhà Văn Sơn Tùng có bài viết “Sau 66 Năm, Lịch Sử và Còng Lý Nào cho Vụ Án Phạm Quỳnh?”:
Mãi tới 1956, sau khi Ngô Đình Diệm thành lập thể chế cọng hòa tại miền Nam, do sự chỉ dẫn của giới lãnh đạo Bắc Việt, qua trung gian đại sứ Ấn Độ trong Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến, gia đình các nạn nhân mới tìm được nơi chôn xác tại khu rừng Hắc Thú (Quảng Trị). Ba người (Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân) bị giết cùng một lúc (đập vỡ sọ bằng cuốc) và chôn chung một hố vào ngày 6.9.1945.
Trong vụ này có thể nói chắc rằng người ra lệnh “giết” không ai khác hơn là Hồ Chí Minh. Nhưng chính phạm của tội ác này lại đóng kịch tài tình. Một mặt đổ tội cho cán bộ địa phương, mặt khác thăng chức cho Tố Hữu và ra lệnh mở chiến dịch kết tội “tay sai thực dân Pháp” cho Phạm Quỳnh, cùng với việc bôi xoá tên Ông trong văn học sử, thủ tiêu các tác phẩm của Ông.
Theo hồi ký năm 1992, bà Phạm Thị Thức kể rằng, sau khi Cha bị giết, bà cùng chị Phạm Thị Giá ra Hà Nội gặp Hồ qua sự giúp đỡ của Vũ Đình Huỳnh, bí thư Phủ Chủ Tịch. Trong dịp này, Hồ đổ tội cho Việt Minh ở Huế: “Hôm ấy tôi chưa về…, và trong thời kỳ quá độ có thể có nhiều sai sót đáng tiếc”.
Cả nước đều biết Hồ “đã về” Hà Nội từ tháng 8.45 và đọc “Tuyên ngôn độc lập” ngày 2.9, bốn hôm trước khi Phạm Quỳnh bị giết. Nếu sự thật việc giết này là sai sót, sao không sửa sai trong suốt 66 năm?
2. TẠ THU THÂU (1906-1945)
Mẹ mất sớm lúc Ông mới 11 tuổi, vừa học vừa phụ việc cho Cha.
1927 qua Pháp học đại học Paris. Lãnh đạo Đảng Việt Nam Độc Lập, chống Pháp trên lập trường một người quốc gia.
Ở Pháp Ông được bạn là học trò của Trotsky giới thiệu vào tổ chức này và trở thành lãnh tụ Trốt-kit đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1930 cùng một số kiều dân Việt tham gia biểu tình trước Dinh Tổng Thống Pháp, phản đối thực dân xử tử 13 Liệt Sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau đó bị trục xuất về nước.
Phương Lan trong bài “Nhà Cách Mạng Tạ Thu Thâu” kể lại:
Sau khi Staline thanh trừng Trotsky, Thâu đâm ra nghi ngờ chủ nghĩa. Chủ nghĩa gì mà cùng màu da, dòng giống nhưng tư tưởng khác biệt là thanh toán nhau, không còn một chút tình cảm gì cả. Họ cùng tranh đấu và hiến thân vì chủ nghĩa, rốt cuộc rồi cũng bị loại trừ một cách phủ phàng. Cởi ách Pháp để tròng vào đầu cái ách cộng sản độc tài thì đó cũng là con đường nô lệ, Dịch Chủ Tái Nô, có gì hơn!
Nhận thức như vậy nên Thâu cho Quốc Tế cộng sản cũng chỉ là công cụ của đế quốc đỏ mà thôi. Bởi vậy Thâu không sang Nga học khi có người mời, và từ chối gia nhập đảng cộng sản.
Tiến Sĩ Trần Mỹ Châu tiết lộ: từ 1933, hai nhóm Đệ Tam và Đệ Tứ liên kết chống Pháp, với mục đích dành độc lập cho đất nước và bảo vệ quyền lợi của giới thợ thuyền. Nhưng đến 1937, Staline ra lệnh tiêu diệt những người theo xu hướng Trotsky. Đảng cộng sản Pháp nhận chỉ thị ấy liền khuyến cáo Nhóm Đệ Tam phải chấm dứt hợp tác với phe Đệ Tứ.
Từ 1930-1945, Thâu là nhà ái quốc lừng danh của Việt Nam. Ông hoạt động cách mạng bằng mọi phương tiện: xuất bản báo chống Pháp, ứng cử vào các Hội Đồng Thành Phố Saigon – Chợ Lớn và Quản Hạt Nam Kỳ để tranh đấu cho đồng bào. Chỉ 8 năm (1932-1940), Ông bị kết án 13 năm tù và 10 năm biệt xứ.
1944 được phóng thích.
1945 bị Việt Minh sát hại tại bờ biển Mỹ Khê.
Ông là nhà cách mạng kiên cường, cây bút sắc bén, diễn giả xuất sắc, trí thức uy tín, ôn hòa, nhã nhặn. Những người biết Ông đều nhắc nhỡ với lời lẽ kính trọng.
Năm 1989, kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp, Ủy Ban nước Pháp của di dân, nước Pháp của tự do chọn đăng ảnh và tiểu sử họ Tạ trong cuộc triển lãm tại Paris.
* Nhận xét của Thiếu Sơn: Không ai phủ nhận được tấm lòng yêu nước của Thâu. Chẳng những yêu nước mà còn hy sinh cho nước. Chỉ có điều khác là nói tới nước, Ông liền nghĩ tới dân, thứ nhất là dân vô sản. Còn những ông XY thì chỉ nói tới giang sơn gấm vóc, để nghĩ ngay đến những gấm vóc che phủ nơi nhà các ông, không cần biết tới bao kẻ khố rách áo ôm mà đa số là đồng bào ruột thịt của mình.
* Tạ Thu Thâu với Nhượng Tống: Trong tác phẩm “Thím Bảy Giỏi”, Đỗ Bá Thế kể lại có thời gian Nhượng Tống thường xuyên đến nhà xuất bản Tân Việt viết cuốn “Đời Cách Mạng của Nguyễn Thái Học”.
Một bữa Thâu cũng tới đó đàm đạo với các nhà văn. Lần đầu hội ngộ, Tống không nhận ra Thâu. Lúc ấy Ông mặc áo the thâm đã úa bạc, quần trắng chớm ngã màu cháo lòng, đầu chụp chiếc khăn đóng đen, hai mắt mệt mỏi nhìn Thâu lấm la lấm lét.
Thấy tay Thâu run run nâng chén trà, Tống bỏ viết bước đến bàn nước rít một hơi thuốc Lào, rồi thân mật hỏi:
– Xem chừng Ông bệnh nặng lắm thì phải… Nước da hắc ám, mắt lờ đờ, tròng trắng giã, hết cả máu, thế này để lâu có thể nguy đến tính mạng.
Tân Việt nhanh nhẩu bảo với Tống:
– Hay là Tiên Sinh xem mạch cắt cho anh tôi vài chén thuốc. Ở trong Nam Thầy chạy cả. Bệnh nặng tất phải có danh y mới mong cứu thoát được. Rồi Tống bắt mạch và biên bài thuốc cho Thâu.
* Ngày hành quyết: Theo Nguyễn Văn Thiệt (tuần báo Hồn Nước ngày 30.7 và 7.8.49):
Ai đi ngang Quảng Ngãi vào khoảng tháng 9.45 cũng biết đến không khí hãi hùng. Các tín đồ Cao Đài, trí thức, phú hộ, nhà cách mạng quốc gia… bị Việt Minh chém giết, chôn sống, mổ bụng, chặt đầu… mỗi ngày. Chết nhiều đến nỗi một tờ báo thân Cộng đã lên tiếng: “Ở Quảng Ngãi ngày ngày đầu người rụng như sung”.
Một buổi sáng tôi đang đứng dựa cửa thiu thiu ngủ thì bỗng giựt mình vì nghe các bạn tù kêu lên:
– Tạ Thu Thâu! Tạ Thu Thâu! khiến tôi tỉnh hẳn người.
Tạ Thu Thâu! Trời ơi! Trong bao lâu khi còn đi học tôi đã nghe đến tên Người, từng bị mê hoặc vì cái oai hùng của đời Người, dệt toàn bằng tranh đấu, hy sinh.
Dưới thời Pháp thuộc, lắm nhà cách mạng khác trốn ở hải ngoại thì Thâu dám về hoạt động ngay trong nước và chịu tù đày. Cái tên Tạ Thu Thâu tự bao lâu nay và ngay cả bây giờ luôn gợi trong trí óc tôi hình ảnh một người ngang tàng khí phách, coi sự tù tội, hình phạt thể xác như là sứ mệnh thiêng liêng mà Người phải chịu đựng lấy để giải thoát cho đồng bào.
Các bạn tù tranh nhau nhìn qua cửa. Từ một phòng giam có 7, 8 dân quân mang súng, gươm, lựu đạn… lôi ra người đàn ông cao lỏng khỏng mà tôi nhận biết là Tạ Thu Thâu. Ông mặc sơ mi cụt tay có hai túi áo trên ngực, quần Tây, chân đi giày vàng, áo quần đã bàu nhàu bẩn thỉu, nhiều vết đen đỏ còn đọng lại, ghi dấu tích những cuộc tra tấn vừa qua.
“Râu tóc rối beng, mặt mày hốc hác, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh nhìn mọi người, miệng Ông hơi nhếch một nụ cười.
Các bạn tôi lao xao:
– Lần này thì Tạ Thu Thâu phải chết.
Một người nào đó nói nhỏ:
– Quân khốn nạn !
Tôi gián mắt nhìn đám người hùng hổ đi với ông chủ tịch luôn mồm la hét, nạt người này, ra lệnh kẻ kia, và ở giữa, một bóng trắng khập khiễng bước đi… biến sau rặng cây mà có khoảnh đất trống gọi là pháp trường.
“Tôi bàng hoàng quá đổi, không biết mình tỉnh hay mê. Tạ Thu Thâu vừa ở tù Pháp ra, thân thể bị tiêm thuốc cho chết xuội một bên. Người suốt đời hy sinh cho đất nước và chịu tật nguyền vì dân tộc, thì còn có thể phạm tội gì với quốc gia mà đến nỗi khi Việt Nam vừa mới có chút chủ quyền lại bị bắt bớ, đoạ đày và xử tử.
Các bạn tôi nói Tạ Thu Thâu bị buộc tội phản cách mạng và âm mưu lật đổ chính quyền. Tra tấn bao nhiêu Ông cũng đếch thèm khai.
Một người bạn nói:
– Tội Tạ Thu Thâu nặng hơn nhiều. Ông phạm cái tội rất lớn là được dân chúng thương yêu.
Anh lính gác cửa phòng chúng tôi nói rằng: Trần Văn Giàu từ Nam Bộ đánh điện ra cho các tỉnh, hễ ai gặp Thâu phải bắt lại. Sau khi Ủy ban tình báo cho Saigon biết đã bắt giam họ Tạ thì được lệnh giết ngay lập tức. Khi đem ra pháp trường, Ông Tạ diễn thuyết hay quá, đúng quá nên mấy anh lính đều buông lơi, có anh khóc. Không ai dám bắn. Lại đem về lao. Đánh điện vào Saigon hỏi sợ có bắt lầm chăng.
Nhưng Giàu ra lệnh phải giết. Trước mũi súng, Thâu lại diễn thuyết kêu gọi chút mảy may lương tâm còn sót lại của đám người chỉ biết vâng lệnh trên. Cũng không ai dám bắn. Rồi lại mang về, rồi lại đem đi.
– Hôm nay thì chắc Thâu phải chết !
Các bạn tôi và anh lính cũng đều bảo thế vì vừa hay tin có điện của Hà Nội gởi vô khiển trách Ủy Ban bất tuân thượng lệnh.
Tôi rùng mình lo sợ, ngồi bệt xuống đất, hồi hộp đợi chờ. Trong cái im lặng rợn người, một tiếng đoành!
Bỗng người lính gác la lên:
– Chu cha, Tạ Thu Thâu lại về. Tất cả đều nhao nhao. Quả Thâu về thiệt. Đám người đi qua rặng cây. Nước mắt tôi trào lên sung sướng khi thấy bóng trắng khập khiễng kia có vẻ vững chắc hơn và tôi thoáng thấy cái nụ cười ngạo mạn.
Đám người đi vừa đến cổng lao thì một cậu trai trẻ mặc áo nâu quần sọt ra vẻ học trò chừng 17 tuổi đang đứng cạnh cổng, hung hăng nhảy ra, rút dao găm đâm vào vai Thâu, miệng vừa hét:
– Đồ phản động !
Rồi đạp vào bụng Thâu cho ngã quay xuống đất, đoạn đấm, đá túi bụi. Tôi nhớ đám người bao quanh bóng trắng đang quằn quại giữa vũng máu. Và từ đó giọng the thé của người thiếu niên vang lên:
– Các đồng chí hèn quá, một thằng Việt gian cũng không dám giết!”
Người dân Quảng Ngãi biết Thâu như một bậc hiền tài. Họ hết lòng thương tiếc và kính trọng, rồi nhân lúc đêm khuya cùng nhau lấy thi thể bầm dập của Ông đem về chôn cất tại làng Xuân Phổ.
* Một Cánh Đồng Dương (Đỗ Kh, Talawas.org): Đầu tháng 9.45 nhà cách mạng Tạ Thu Thâu bị sát hại như là một tên Việt gian.
Do ai giết?
– “Thì thằng Giàu chứ còn ai !”, người đàn ông quát. Tuy đã lớn tuổi và đẩy đà bệ vệ, từ chân mày đến giọng nói của Bác Sĩ Hồ Tá Khanh khi trong thập niên 1980 tôi có dịp tiếp xúc với Ông nhiều lần, vẫn còn cái quắc thước của một người trung trực. “Đến tôi mà nó cũng còn định giết ! Đó là cái thằng bất nhân bất nghĩa. Lúc ở Pháp, chính Anh Thâu lo cho nó từng bữa ăn đến quyển sách!”. Ông nghẹn cả giọng: “Nó… Nó… Có lần tôi lên Paris, Anh Thâu đưa mấy quyển sách, nhắn là mang về Marseille cho Giàu nó đi học. Mà thằng đó thì học hành cái gì! Sau này nó sang Moscou vài tháng cho tụi Komintern huấn luyện, nó trở về học được cái giết người!” Thiếu điều Ông văng tục.
* Hệ lụy sau cái chết của Tạ Thu Thâu: Bà Phương Lan đau buồn than thở: Tạ Thu Thâu mất… Gia đình mất người con chí hiếu, bạn bè mất người bạn chí tình, giới cách mạng mất một chiến hữu can trường, hy sinh đức độ, yêu nước vô biên.
Dân tộc mất một nhân tài, trọn đời chỉ biết phụng sự xã hội, dân tộc, quốc gia.
Cả một thế hệ mới hun đúc nên bậc vĩ nhân lạ thường, một tinh hoa, ngôi sao sáng độc đáo của dân tộc, làm gì có được con người thứ hai như thế.
* Ý kiến của Hồ Văn Đồng: Trong tập biên khảo công phu “Tội Ác của Cộng sản Việt Nam”, nhà báo kỳ cựu này bình luận:
Việc tàn sát phe Đệ Tứ ở Việt Nam là một vấn đề tranh đấu sống còn giữa hai hệ phái Đệ Tam và Đệ Tứ Quốc Tế, giữa hai kẻ thù bất cộng đái thiên. Bên này còn thì bên kia phải mất. Làm sao mà Tạ Thu Thâu và những nhà lãnh đạo Đệ Tứ khác có thể sống song hành với Hồ, trong khi họ được dân chúng miền Nam mến chuộng hơn phe Đệ Tam. Chính Hồ đã khẳng định vào năm 1939 theo lời trích dẫn của Vũ Thư Hiên: “Đối với bọn Trốt-kit, không thể có thỏa hiệp hay nhân nhượng nào cả. Phải lột mặt nạ chúng như là tay sai của Phát-xit, phải tiêu diệt chúng về chính trị”.
* Bài thơ khóc Tạ Thu Thâu:
Tin: Quảng Ngãi anh Thâu bị giết
Khắp miền Nam chí xiết hoang mang
Cuộc cách mạng mới mở màn
Người trung lâm nạn đứa gian lộng quyền.
(Minh Tải Đặng Văn Ký, 1946)
Phạm văn Duyệt
Ngày 3/3/2024
Be the first to comment