Kẹo Ngon Khó Cưỡng

(Ảnh: yves-scheuber-unsplash)

Thụy Sĩ nổi tiếng nhiều cảnh quan tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, nhiều sản phẩm chất lượng hoàn hảo, từ dao kéo, đồng hồ, máy móc cơ khí… và còn là món ngon khó cưỡng này. Tám lần du lịch Thụy Sĩ thì có bốn lần tôi đi thăm các nơi sản xuất chocolate.

Dù đó là shop đẹp của nhà Laderach trên con phố chính ở Zurich; cửa hàng mini Max Chocolatier trong khu phố cổ ở Lucerne; hay nhà máy lớn của Cailler gần Gruyère, nơi xuất phát loại pho-mát cùng tên nổi tiếng thế giới; hoặc bảo tàng kiêm shop Lindt trên núi tuyết Jungfraujoch, mệnh danh Nóc nhà châu Âu.

Ảnh: Unsplash

Ảnh: natalia-rudisuli-unsplash

Thật khó cưỡng lại lực cám dỗ của các chuyến du ngoạn mini thật thú vị này. Bước vào mỗi nơi là được hít thở, sống trong bầu không khí thơm lừng rồi được chỉ dẫn phương thức chế biến chocolate từ khi còn là hạt cacao đến khi trở thành những viên kẹo ngọt bùi thật “mê ly đời ta”. Và dĩ nhiên không thiếu khoản thử thách tự tay mình làm ra thanh chocolate theo “sáng tạo, thiết kế kiểu dáng” của chính mình. Thật là mãn nguyện khi nhận tờ giấy chứng thực đã trải qua lớp đào tạo làm chocolate!

Tác giả trong một tiệm chocolate ở Zurich

Nếu như Bỉ lừng danh là xưởng chocolate ngon nhất thế giới thì Thụy Sĩ cũng đâu đó là lãnh thổ của chocolate. Đúng vậy, đi du lịch Thụy Sĩ là chắc chắn hít thở, xem nhìn và thưởng thức rất nhiều chocolate. Nó là món ngon khoái khẩu của công dân đất nước trên rặng núi Alps đến độ mỗi năm mỗi người tiêu thụ đến 11.9 kg, hơn hẳn người Đức và người Anh. Diện tích khiêm tốn, dân số chỉ bằng dân số một thành phố cỡ trung nào đó ở châu Á nhưng Thụy Sĩ có đến 18 nhà máy sản xuất chocolate, thuê dụng hơn 4,400 người làm việc quanh năm và đạt doanh số 1.69 tỷ Francs Thụy Sĩ (CHF) hồi năm 2011.

Ở châu Âu hồi cuối thế kỷ 17, cacao là thức uống bổ dưỡng, kích thích tính dục được bồi thêm mật ong dành riêng cho những ông hoàng bà chúa và giới thượng lưu quyền quý mà thôi, nông dân làm sao có điều kiện mà với tới nổi. Và cacao cũng chẳng hề có ở Thụy Sĩ mà là hàng hiếm của Tây Ban Nha rồi bị đưa sang Bỉ.

Chuyện xưa kể rằng vào năm 1679, ông Henri Escher, Thị trưởng của thành phố Zurich ngày nay khi sang Bỉ du lịch và lần đầu nếm vị thơm ngọt ngất ngây của tách chocolate nóng tại Brussels, ông quá thích thú và tìm mọi cách “xuất khẩu” cách pha chế chocolate mang về Thụy Sĩ. Theo dòng thời gian, chocolate Thụy Sĩ trở thành đối thủ nặng ký nhất của chocolate Bỉ.

Nhưng để đến được thực tế này thì ngành chocolate Thụy Sĩ cũng đã trải qua không ít thử thách. Hồi ấy, năm 1772, thành phố Zurich nói riêng và Thụy Sĩ nói chung là nơi đa số người dân theo đạo Tin Lành nên Hội đồng Zurich đã có lệnh cấm tiêu thụ cacao vì cho rằng nó là chất kích dục! Phải đến năm 1792 thì cửa hàng bán chocolate đầu tiên mới mở cửa đón khách tại Bern (nay là thủ đô Thụy Sĩ). Nhưng từ những năm 1800 trở đi, nhiều cơ sở sản xuất và kinh doanh chocolate đã tiếp nhau mọc lên ở Lausanne, Blecino, Ticino…

Chính những biến động chính trị, tôn giáo, kinh tế tại các nước hàng xóm đã khiến nẩy sinh những cuộc di dân vào Thụy Sĩ và trong số người ấy không thiếu những nghệ nhân, chuyên gia ở các lãnh vực đồng hồ, ngân hàng, tài chính, cơ khí… và cả chuyên ngành chocolate, chẳng hạn như Francois-Louis Cailler xuất thân ở Turin bên Ý.

Một lò sản xuất chocolate truyền thống của Thụy Sĩ (Ảnh: pascal-muller-unsplash)

Và thế là lần lượt xuất hiện các viên, thanh chocolate sữa, một sáng chế của ông Daniel Peter và ông Henri Nestlé vào năm 1875 tại nhà máy ở làng Vevey bên bờ hồ Léman. Trước đó, năm 1826, ông Philippe Suchard tạo ra máy ép cuốn hạt cacao; năm 1830 ông Charles-Amédée Kohler sáng tạo loại chocolate nhân hạt dẻ; và năm 1879, ông Rodolphe Lindt làm việc trong cơ sở của mình tại Bern đã tạo ra máy nhào trộn bột cacao cho ra chocolate mỏng mịn như phấn, tan chảy trong miệng!

Món thơm ngon đã có lại được dịp phát tỏa sức quyến rũ hơn khi xuất hiện công nghệ in tờ quảng cáo (nay chúng ta quen gọi là posters) vào cuối thế kỷ 19. Đám đông tiêu dùng hoàn toàn bị chinh phục. Kết quả là vào đầu thế kỷ 20, Thụy Sĩ nắm hơn 50% thị trường xuất khẩu chocolate thế giới – đạt 170,000 tấn vào năm 1914. Chocolate đã lên ngai vàng ở đất nước trên núi cao.

Ảnh: fidel-fernando-unsplash

Ngày nào trong tương lai, khi du lịch Thụy Sĩ, xin nhớ các nhãn hiệu này mà tìm đến thăm quan và mua, bạn sẽ có những hộp quà chocolate không ai chê được: Chocolaterie Cailler (ở Broc, gần Gruyères); Sprungli (tại Zurich, khai trương từ năm 1859); Chocolatier Du Rhône (Genève, từ năm 1875); Max Chocolatier (Lucerne, còn non trẻ nhưng đã sáng danh); Chocolatier Auer (Genève); Laderach (nhiều nơi); Lindt (nhiều nơi);

Mẫu số chung của những thương hiệu chocolat thơm ngon lừng danh thế giới, từ Favargé, Lindt, Nestlé (tức nhãn Cailler trước đây) đến Suchard, Teuscher, Tobler… đều là Thụy Sĩ. Trong khi có nhiều nhãn chocolate Thụy Sĩ được bày bán ở nhiều nước thì cũng có vài nhãn bạn chỉ có thể mua được khi đi du lịch Thụy Sĩ. Tọa lạc trong khu phố cổ của thành phố Lucern là một cửa hàng rất ư là mini nhưng đó là một cửa hàng chocolate nổi tiếng: Max Chocolatier.

Tất cả những loại chocolat bày bán ở đây đều được làm ra bởi sáu bàn tay của ba nghệ nhân, gọi là chocolatier. Những hộp chocolate nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng giá bán đến vài chục đồng Francs Thụy Sĩ trong cửa hàng này là chuyện bình thường.

Khi mùa Phục sinh đến gần, trong tủ kính của Max Chocolatier xuất hiện đủ kiểu chocolate hình trứng, thỏ… Đến mùa Giáng sinh thì ôi thôi lại đủ mọi hình hài ngôi sao, Ba vị Chiêm tinh, máng cỏ, đàn gia súc… Tha hồ mà ngắm và chọn mua. Nếu bạn là du khách hảo ngọt. Về đến phòng lại được nếm vị chocolate Thụy Sĩ, món quà của khách sạn Zurich Marriott!

P. Nguyễn Dũng
Theo https://saigonnhonews.com ngày 19/2/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*