(Ảnh của Canva)
“Bạn người Đại Hàn phải không? Ý tôi là, bạn trông không giống người Trung Quốc lắm. Nhân tiện, đó là lời khen đấy!”
Bạn cùng lớp của tôi nói với một nụ cười, hơi gượng gạo, và huých nhẹ vào cô bạn “trông không giống Trung Quốc.” Gần đây tôi đã chuyển đến một trường cấp hai mới, chủ yếu là người da trắng.
Tôi sớm nhận ra rằng rất khó để học sinh khác màu da không bị bắt nạt. Tôi nhớ những ánh mắt liếc nhìn dữ dội khi những đứa trẻ xung quanh tôi quay đầu, nhìn chằm chằm vào mặt dây chuyền ngọc bích tôi đeo trên cổ. Dây chuyền này bà ngoại tặng tôi đeo cho gặp may mắn.
Điều này xảy ra khi các trường học mở cửa trở lại, sau đại dịch COVID-19 mà các nơi đều đóng cửa, và những từ như “kung flu” vang lên khắp hành lang trường học. Đối với tôi, tôi có cảm giác như ngay cả ở đây, Bay Area, nơi người Á châu chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng, nếu là người Trung Quốc, hoặc thậm chí chỉ trông giống người Trung Quốc, cũng là hướng nhắm tới để chỉ trích, căm ghét.
Lớn lên ở Millbrae, phía nam San Francisco – một vùng ngoại ô nhỏ có đa số người Á châu, từ bé, tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng. Có một vài lần, người bạn cùng lớp khăng khăng nói “đây là nước Mỹ” và bảo tôi phải nói tiếng Anh.
Khi gia đình tôi chuyển về miền nam và tôi ghi danh vào một trường trung học cơ sở mới đa số người da trắng, lần đầu tiên tôi bắt đầu hiểu rằng để hòa nhập với những người bạn mới, tôi phải “Mỹ hóa” danh tính của mình.
Những thử thách bắt đầu ở căng tin. Tôi nghe các bạn cùng lớp nhận xét về hộp cơm trưa của mình, trong đó thường có bánh bao và mì xào mà mẹ làm cho đem đi học. Cứ vào bữa trưa hàng ngày là tôi rõ sự khác biệt, giống như tôi là người ngoài hành tinh vậy.
Tôi trở nên tự ti và phải nhờ mẹ chuẩn bị bánh mì bơ đậu phộng và thạch, thay thế cho bữa ăn quen thuộc ở nhà. Cuối cùng, món ăn nhẹ có đường, trái cây đã trở thành món ăn bình thường mới của tôi.
Việc liên tục suy nghĩ về danh tính của mình là biểu hiện của cuộc đấu tranh của tôi để hòa nhập và được chấp nhận. Tôi nhận ra rằng tôi đang cố gắng che đậy những phần văn hóa có vẻ “quá khác biệt” của mình.
Tiếng mẹ đẻ đã trở thành mật mã mà tôi chỉ có thể thì thầm để ngăn chặn sự xa lánh. Tôi che giấu tổ tiên của mình vì lo ngại rằng cội nguồn của tôi tương phản với môi trường xung quanh. Nhưng tôi không phải là người duy nhất.
Một nghiên cứu năm ngoái cho thấy cứ năm người Á châu thì có một người cố gắng che giấu một phần danh tính của mình để phù hợp với cuộc sống.
Học sinh lớp 8 nghe cảnh sát giảng về an toàn trên Internet và nạn bắt nạt trên mạng tại Trường Trung học Cơ sở Scofield Magnet vào ngày 24 Tháng Mười năm 2022 tại Stamford, Connecticut. CDC báo cáo rằng tỷ lệ học sinh bị bắt nạt qua mạng cao nhất ở các trường trung học cơ sở và trẻ em từ 11-14 tuổi dành trung bình 9 giờ xem màn hình mỗi ngày trên toàn quốc. (Ảnh: John Moore/Getty Images)
Đối với tôi, cuộc đấu tranh đó đã trở thành một cuộc chiến tinh thần mà tôi tiến hành trong im lặng, vật lộn, giống như hầu hết thanh thiếu niên khác, với mong muốn hòa nhập, đồng thời cố gắng giữ vững cội nguồn văn hóa của mình.
Mẹ tôi sinh ra ở Hàng Châu, Trung Quốc và qua California để học đại học. Mặc dù tôi và anh trai sinh ra ở San Francisco, nhưng chúng tôi chủ yếu nói tiếng Phổ Thông ở nhà. Khi lớn lên, tôi bắt đầu hiểu những điều mẹ tôi đã từ bỏ khi đến Mỹ: bạn bè, gia đình, văn hóa… Và bây giờ, tôi đang cố gắng che giấu nền văn hóa đó với những học sinh khác xung quanh tôi ở trường.
Tôi cảm thấy xấu hổ. Nhưng tôi vẫn cố gắng hòa nhập. Tôi có cảm giác mình là một con tắc kè hoa, luôn thay đổi để phù hợp với mong đợi của mọi người xung quanh, dù ở nhà hay ở trường.
Bây giờ tôi đã lên trung học và khi nói chuyện với những người bạn quốc tế đến từ Trung Quốc ở đây. Các bạn ấy chia sẻ những câu chuyện tương tự, như bị các học sinh khác nhắm đến vì hoàn cảnh xuất thân hoặc vì giọng nói,… nhất là trong giờ ăn trưa.
Bắt nạt học đường đang gia tăng ở Mỹ, với 20% học sinh K-12 cho biết họ đã từng bị bắt nạt ít nhất một lần. Trong đó, học sinh bị coi thường vì quốc tịch, dân tộc hoặc giới tính.
Trong một cộng đồng đa dạng như Bay Area, điều quan trọng là các trường học phải thúc đẩy sự hiểu biết và đánh giá cao các nền văn hóa khác nhau, thúc đẩy một môi trường lành mạnh, nơi mà mọi người cảm thấy được chấp nhận và có giá trị, bất kể giọng nói hay nền tảng văn hóa khác nhau.
Kinh nghiệm nhắc nhở tôi rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Nó đòi hỏi nỗ lực của cả nhóm để loại bỏ định kiến, đối đầu với định kiến và tạo ra một bầu không khí nơi mỗi người có thể phát triển con người thật của mình.
Nhưng nó cũng dạy tôi coi sự khác biệt của mình như một sức mạnh đặc biệt hơn là một điểm yếu. Bằng cách đặt câu hỏi về những câu chuyện chủ đạo, tôi đã tìm thấy những đồng minh sát cánh cùng mình, chấm dứt điều cấm kỵ xung quanh trải nghiệm của những người cảm thấy bị loại trừ.
Bằng cách làm việc cùng nhau, chúng tôi đã tạo ra một cộng đồng trường học bao trùm sự đa dạng và thúc đẩy bầu không khí thân thiện hơn với tất cả mọi người. Thay vì trở thành nạn nhân của thành kiến, tôi là một tấm gương về sức mạnh, vì biết trân trọng chính con người mình.
Jeannine Chiang
Jeannine Chiang – một học sinh trung học – viết câu chuyện này cho một loạt bài đặc biệt về nạn bắt nạt và phân biệt chủng tộc ở California do EMS tổ chức, với sự hợp tác của các phương tiện truyền thông dân tộc California, một phần trong sáng kiến Stop the Hate (Ngăn chặn sự căm thù) của EMS, được thực hiện với sự tài trợ của California State Library – CSL) và Ủy ban về các vấn đề người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương của California (California Commission on Asian and Pacific Islander American Affairs – CAPIAA).
T.N. lược dịch
Theo https://saigonnhonews.com ngày 16 tháng 2, 2024
Be the first to comment