Nhiều người tham dự Cuộc diễn hành Tết Nguyên đán Quốc tế vào ngày đầu năm của Tết Giáp Thìn ở Hồng Kông – Thứ Bảy, ngày 10 tháng 2 năm 2024. (Ảnh của Louise Delmotte / AP)
Các đội múa lân, trẻ mẫu giáo, người lớn tuổi và thành viên của một câu lạc bộ võ thuật địa phương sẽ tụ tập vào Thứ Bảy này để đón Tết Nguyên đán tại một trung tâm cộng đồng ở Dorchester – lần đầu tiên Cơ quan Phát triển Cộng đồng Việt Mỹ, hay tổ chức VietAID phi lợi nhuận, được ăn mừng trang trọng kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Lễ hội tưng bừng mừng Tết Nguyên Đán, ngày đầu năm âm lịch của người gốc Việt. Đây chỉ là một trong nhiều lễ hội, diễn hành và kỷ niệm được cộng đồng gốc Á tổ chức trên khắp tiểu bang nhân dịp đón Năm mới Âm lịch.
Nhiều nhà hoạt động cho biết dịp mừng Năm mới có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc khi cộng đồng người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương đang phải đối mặt với sự căm ghét và phân biệt đối xử ngày càng gia tăng trên khắp đất nước sau khi là mục tiêu vào những ngày đầu của đại dịch COVID-19.
Ông George Huỳnh, giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Cộng đồng Việt Mỹ, còn được gọi là VietAID, cho biết: “Chúng tôi đã trải nghiệm rất nhiều với tư cách là một cộng đồng và chúng tôi rất vui khi được trở lại hòa nhập với mọi thứ, ăn mừng và sinh hoạt trong cộng đồng với nhau”. “Nhưng mối đe dọa này, sự gia tăng tội phạm thù hận này, vẫn còn phổ biến. Ngoài tất cả những điều tích cực, chúng tôi muốn đoan chắc rằng chúng tôi có thể lướt thắng được những tác động tiêu cực mà cộng đồng của chúng tôi đã phải đối mặt và tiếp tục đương đầu ngày nay.”
Nhiều lễ hội mừng Tết Âm lịch bao gồm truyền thống của nhiều cộng đồng, trong đó có các cuộc diễn hành múa sư tử truyền thống của người Hoa, cộng đồng người Mông Cổ mừng Tsagaan Sar và truyền thống Seollal của Hàn Quốc. Buổi tiệc mừng tại Tòa thị chính Boston vào thứ Bảy tuần trước, do Liên minh người Mỹ gốc Hoa vùng New England tổ chức, có nhiều màn trình diễn của các ca sĩ Nhật Bản và vũ công Hàn Quốc.
Chủ tịch Liên minh Gary Yu cho biết: “Mọi người đều được chào đón và hàng năm chúng tôi mời các thành viên của nhiều cộng đồng địa phương khác, như cộng đồng người La tinh và cộng đồng người da đen, tham gia cùng chúng tôi”. “Tất cả đều được mời chung vui về truyền thống, văn hóa và những món ăn ngon của chúng tôi.”
Ông George Huỳnh cho biết điều quan trọng là lễ đón Tết của VietAID được tổ chức lại vào Năm con Rồng, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sức mạnh, sự tái sinh và sự đoàn kết sâu rộng.
Ông George Huỳnh nói: “Chúng tôi đang phát triển như một cộng đồng lớn mạnh và chúng tôi cảm thấy như mọi người – đặc biệt là thế hệ trẻ của chúng ta – ngày càng trở nên dồi dào năng lực về văn hóa và được tôn trọng hơn”. “Đó là một xu hướng tuyệt vời được mong đợi.”
Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Mỹ gốc Á chiếm khoảng 6% tổng dân số Massachusetts và là nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc phát triển nhanh nhất trên toàn liên bang.
Trên toàn quốc, tội ác căm ghét chống lại người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương đã vượt qua con số kỷ lục ở một số thành phố lớn của Hoa Kỳ vào năm 2020, theo dữ liệu tội phạm của Trung tâm Nghiên cứu Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan của Harvard. Năm tiếp theo, tội phạm căm thù chống AAPI tăng 339% so với năm 2020.
Theo báo cáo của FBI, mặc dù tỷ lệ tội phạm căm thù chống AAPI đã giảm 34% vào năm 2022, nhưng người Mỹ gốc Á ở Massachusetts vẫn phải đối mặt với mức càng gia tăng của tư tưởng bài ngoại và phân biệt chủng tộc kể từ năm 2015, theo báo cáo năm 2021 của ủy ban tư vấn về dân quyền của tiểu bang.
Bà Sifu-Mai Du, người điều hành Học viện Wah Lum Kung Fu và Tai Chi ở thành phố Malden, cho biết thành kiến chủng tộc và tội phạm thù hận vẫn là vấn đề lớn đối với cộng đồng AAPI ở Massachusetts. Bà nói rằng những bình luận của cựu Tổng thống Donald Trump về việc COVID-19 có nguồn gốc từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến làn sóng căm ghét chống AAPI tăng vọt.
Bà Du phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với Đài phát thanh công cộng Boston trong bản tin của GBH News: “Vấn nạn này tăng cao trong thời kỳ đại dịch chỉ vì chủ nghĩa Trump đang bao trùm chúng ta. “Trong thời gian đó, rất nhiều người cao niên – không phải chỉ với những người lớn tuổi không, mà tôi có thể nhấn mạnh đặc biệt là những người cao niên – sợ hãi thậm chí đến mức không dám rời khỏi nhà để đi … chợ hoặc thăm gia đình của họ.”
Để giải quyết vấn đề này, bà Du và cả nhóm đã tổ chức một loạt các khóa tập luyện miễn phí về tự vệ cho cộng đồng – và các chương trình này được mở rộng nhờ nguồn tài trợ từ Quỹ Cộng đồng Châu Á của Sáng hội Boston và Ủy ban AAPI của tiểu bang Massachusetts.
Bà nói: “Chúng tôi vẫn đang tổ chức các khóa tập luyện đó ở nhiều khu vực khác trong tiểu bang, vì chúng tôi được nghe nói rằng mọi người đang muốn tham gia khóa tập luyện này để cảm thấy được làm chủ bản thân hơn và có được một chút yên tâm.”
Cô Irene Li, một đầu bếp từng đoạt giải thưởng, đã xuất hiện trên Đài phát thanh công cộng Boston cùng với bà Du. Là người đồng sáng lập tiệm bánh bao Mei Mei, chuyển từ xe bán thức ăn, Cô Li cho biết cô hy vọng sẽ sớm tổ chức một số lớp học tự vệ như của bà Du tại nhà hàng South Boston vào cuối năm nay.
Cô nói: “Mặc dù chúng ta có thể ít thấy loại tin này xuất hiện trên các hệ thống truyền thông hơn, nhưng ở trong cộng đồng, vẫn còn rất nhiều nỗi sợ sệt”. “Phần lớn lý do tại sao chúng tôi tổ chức những sự kiện văn hóa này là để cố gắng giúp mọi người cảm thấy tự hào và có ý thức về căn tính của mình, cho dù đó là gấp bánh bao, bảo vệ bản thân, cảm giác như bạn có thể thả bộ xuống phố một cách an toàn.”
Tori Bedford
(tori_bedford@wgbh.org)
Bản dịch của BBT/NVB
Be the first to comment