Quà Tết Đặc Biệt Tôi Trao Tặng Con Tôi

Cựu Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương

Con ơi ! Hôm nay là ngày mồng 3 Tết, một ngày đặc biệt đối với mẹ vì đó là ngày giỗ của ông Bác Ba, ông Trần Văn Hương.

Từ ngày ông Bác Ba qua đời, không có Tết nào mà mẹ không bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm của người bác ruột, cũng là một người thầy, nêu cho mẹ một tấm gương thanh bạch, yêu nước thương dân, coi thường cái chết khi cần bảo vệ chính nghĩa.

Bài nầy, mẹ viết vào năm 1982, khi hay tin Bác Ba qua đời tại Sài gòn, trong lúc mẹ vừa cùng các con qua Canada, tỵ nạn theo diện thuyền nhân trốn Cộng sản.

Mẹ viết như thắp lên một nén hương tạ tội với ông Bác Ba, vì mẹ đã không giữ được lời hứa với Ông là lo “chung sự” cho Ông khi Ông qua đời.

Vâng chúc thư của Ông, mẹ và cô Trần thị Chín (em của ông Bác Ba) là hai người được ông Bác Ba nhờ đem tro của Ông rải xuống sông Sài gòn.

Năm nay, mẹ quá già yếu, mẹ trao lại cho con bài nầy như trao một vật gia bảo, mong con lấy đó làm gương mà noi theo.

* * *

Tôi không viết lịch sử của Việt Nam. Tôi chỉ ghi lại vài nét đẹp của một cuộc đời trong sạch, của một công dân yêu nước, lúc nào cũng đặt Tổ Quốc và trách nhiệm lên trên sự an nguy của cá nhân mình. Người đó là ông Trần Văn Hương, người bác ruột của tôi, cũng là người cha tinh thần của tôi. Trong gia đình, tôi gọi Ông là Bác Ba vì Ông là con trai trưởng nam của ông bà nội tôi.

Lúc tôi vừa sáu, bảy tuổi, đối với tôi, Bác Ba chỉ như những bác, chú, cậu, dượng bên nội, bên ngoại. Dịp Tết, giỗ, hoặc dịp nghỉ hè, tựu về nhà ông bà nội, chỉ chào hỏi cung kính, rồi được xoa đầu, hoặc cho “lì xì” rồi chạy ra sân chơi.

Nhưng lúc bà nội tôi qua đời là dịp để tôi khám phá ra rằng Bác Ba không giống tánh những “người lớn” khác. Khi bà nội mất, cả nhà phải chờ Bác Ba về chịu tang và chôn cất. Bác Ba làm Hiệu trưởng trường tiểu học Tây ninh, đi về Vĩnh long phải đi xe, đi đò. Vừa về tới, Bác Ba đi thẳng đến quan tài Bà Nội và gục đầu lên quan tài, Bác Ba khóc nức nở. Tôi quá ngạc nhiên vì tôi chưa bao giờ thấy một “người lớn” khóc như vậy. Và ngay lúc ấy, tôi sực nhớ lại những lần nghỉ hè, Bác Ba về nhà Ông Bà Nội, Bác Ba chở về rất nhiều trái cây đặc biệt của Tây ninh mà Ông Bà Nội rất thích. Có lần tôi thấy Bác Ba tự tay nấu món ăn cho Bà Nội, lúc Bà Nội bịnh, nằm một chỗ.

Sau đây, lại thêm một khám phá khác, lúc tôi được 10 tuổi. Năm 1945, gia đình tôi ở Cần thơ, thình lình phải tản cư về Vĩnh long để chạy trốn giặc Tây. Lúc đó tôi chẳng hiểu gì về thời cuộc nhưng tôi có nhớ rõ hai điều: Tôi bị bịnh sốt rét rất nặng, phải chích thuốc quinimax mỗi ngày, rất đau, mà người chích thuốc cho tôi là Bác Ba. Lúc đó, tuy còn bé, tôi vẫn thắc mắc: tại sao lần nầy Bác Ba về Vĩnh long mà ở luôn tại nhà Ông Nội, không trở lại Tây ninh?

Một hôm, tôi bạo gan hỏi, thì Bác Ba cho biết:

– “Con ơi! Dân mình bị Tây cai trị từ lâu, khổ lắm. Bây giờ là lúc mình đuổi Tây, không để nó cai trị mình nữa. Vì vậy, Bác Ba bỏ sở Tây ninh, đi kháng chiến đuổi Tây”.

Và có điều Bác Ba không nói ra hôm đó, nhưng sau nầy tôi biết thêm là Bác Ba đã ngưng đi theo kháng chiến vì trong hàng ngũ kháng chiến có Cộng sản len lỏi vào.

Một thời gian sau, Bác Ba lên Sài gòn, làm công nhân cho Pharmacie de la Gare. Bác Ba không có nhà, Bác Ba sống nhờ nơi dảy nhà kho của ông Trần văn Văn. Bác Ba không nhận lời ông Văn, muốn Bác Ba chiếm một phòng trên lầu! Lúc đó, tôi theo chồng sống ở Đà nẵng.

Thình lình chúng tôi rất ngạc nhiên được tin Bác Ba nhận lời ông Ngô đình Diệm mời Bác Ba ra làm Đô trưởng Sài gòn-Chợ lớn. Từ trước, ai cũng biết nhà giáo Trần văn Hương với nếp sống thong dong, thanh đạm, không xe hơi, chỉ có một chiếc xe đap, một tủ sách, một chiếc vợt tennis và một bàn cờ tướng. Con người như vậy mà chịu nhận làm Đô trưởng Sài gòn-Chợ lớn trong lúc tình hình chính trị vô cùng rối ren, phức tạp!! Nhứt là lúc đó ông Ngô đình Diệm không được lòng dân lắm đâu.

Trước sự ngạc nhiên của tôi, Bác Ba giải thích:

– “Con ơi! Trước hiểm họa độc ác của Cộng sản Bắc Việt, toàn dân phải đoàn kết để bảo vệ miền Nam. Khó khăn rất nhiều vì có rất nhiều phe, phái; nhưng mình phải ngồi lại với nhau, phải đoàn kết và phải dấn thân. Không nên ích kỷ, thờ ơ hoặc chỉ trích mà không đóng góp công sức”.

Có lẽ đó cũng là lý do tại sao, vài năm sau, nhà giáo Trần văn Hương hợp tác với hai ông quân nhân Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn cao Kỳ.

Hợp tác để chống ngoại xâm, không vì danh, vì lợi vật chất cá nhân mình, ông Trần văn Hương, trước sau vẫn sống đúng là một người thanh liêm, chân thật, và có tinh thần trách nhiệm cao đối với đồng bào, và “tinh thần đồng đội” mặc dầu ông chỉ là một “hạ sĩ danh dự” của quân đội VNCH.

Trong gia đình bên nội tôi, ai cũng biết chuyện ông hiệu trưởng Trần văn Hương trường tiểu học Tây ninh không bao giờ nhận quà mà cha mẹ học trò hoặc các thầy giáo mang đến tặng ông vì ông không muốn ân huệ riêng tư, một hình thức hối lộ.

Đến lúc liên tiếp đảm nhiệm trọng trách Thủ tướng rồi phó Tổng thống rồi Tổng thống, ông Trần văn Hương luôn tiếp tục đặt quyền lợi cá nhân của ông sau sự an nguy của tập thể.

Ai cũng biết chuyện ông Trần văn Hương đã từ chối ông Đại sứ Martin khi ông Martin đến tìm, lúc Trần văn Hương vừa bị Quốc hội áp lực giao quyền lại cho Dương văn Minh. Đại sứ Martin giao cho ông Trần văn Hương 2 chiếc máy bay để ông Hương và gia đình, thân thuộc, đi lánh nạn ở nước ngoài. Khi đó, ông nói:

– “Thưa Ngài Đại sứ! Tôi cám ơn Ngài. Nhưng tôi không nhận 2 chiếc máy bay nầy và sẽ không rời Việt nam để đi lánh nạn vì tôi quyết ở lại trong nước tôi để chia xẻ số phận của dân tôi và những người từng làm việc dưới quyền của tôi, nếu Sài gòn thất thủ và miền Nam Việt nam thuộc về Cộng sản Bắc Việt”.

Lúc quân Cộng sản Bắc Việt tiến gần đến Sài gòn, dân chúng miền Nam ùn ùn kéo nhau tìm cách bỏ xứ vì được tin bên Campuchia, ngày 15 tháng tư, khi quân Khmer đỏ tràn vào Phnom Penh, chúng đã giết thẳng tay tất cả những chính khách cầm quyền và luôn cả thường dân.

Trước hoàn cảnh đó, Bác Ba Trần văn Hương đã nghiêm cấm mọi người trong gia đình không ai được rục rịch tìm cách bỏ xứ đi trốn Việt cộng. Bác Ba nói:

– “Binh sĩ còn đang chiến đấu ở tiền tuyến mà người ở hậu phương bỏ chạy thì đó là phản bội. Ta quyết chiến đấu đến cùng, dù Sài gòn phải biến thành núi xương sông máu”.

Khi nói những lời đó, ông Trần văn Hương đã có kế hoạch đem quân của tướng Nguyễn khoa Nam về để bảo vệ Sài gòn.

Sáng 30 tháng tư 1975, sau khi Dương văn Minh đầu hàng Việt cộng và ra lệnh cho quân nhân các cấp buông súng, ngưng chiến đấu, riêng trong nhà của ông Trần văn Hương xảy ra một thảm cảnh mà tôi có chứng kiến: Khi tôi đến nhà Bác Ba vào sáng 1 tháng 5, tôi thấy ở giữa nhà xác chết của Phan hữu Cương vừa tự tử bằng thuốc ngủ với chúc thư như sau:

– ”Là một quân nhân, bổn phận tôi là giữ nước, cứu nước lúc lâm nguy. Nay đã mất nước vì tay giặc, tôi chọn cái chết chứ không đầu hàng Việt cộng”.

Phan hữu Cương là một cận vệ của Tổng thống Trần văn Hương mà cũng là cháu gọi ông Trần văn Hương bằng cậu.

Cũng với tinh thần đó, Bác Ba đã từ chối không nhận “quyền công dân” mà Việt cộng ban cho những người hoàn thành “học tập cải tạo” sau 30 tháng tư 1975. (Phải hiểu rằng: một người không có “quyền công dân” dưới chế độ Việt cộng là không có phiếu để mua gạo và các nhu yếu phẩm khác ở các cửa hàng quốc doanh, là không được cấp giấy di chuyển khỏi nơi mình cư ngụ…).

Ông Trần văn Hương nói với công an:

– “Tôi chỉ đồng ý nhận cái “quyền công dân” nầy khi nào tất cả những người quân, cán, chính đã từng làm việc dưới quyền tôi trước đây đều có cái “quyền công dân” nầy.

Thế là từ ngày 1 tháng 5 năm 1975, ông Trần văn Hương sống cô lập dưới sự quản chế của công an Việt cộng cho đến ngày ông qua đời. Công an cấp cho ông một căn nhà trong một hẻm đường Phan thanh Giản, có công an đóng chốt trước cửa ngày đêm. Nơi đó, Bác Ba sống với hai em ruột và một người em rể làm nghề thợ may để nuôi ông.

Tôi còn nhớ rõ, cô Chín và cô Út kể lại rằng, khi Việt cộng bắt dân miền Nam “đổi tiền”, cô Chín hỏi Bác Ba đưa tiền để đổi, Bác Ba không có tiền để đổi. Bác Ba nói:

– “Tao làm gì có tiền để đổi! Lúc dầu sôi lửa bỏng của mấy ngày mà Dương văn Minh đòi giao quyền, mạng sống của tao, tao còn không lo bảo vệ, có đâu lo bảo vệ tài sản, rút tiền ngân hàng. Bây giờ, tụi bây tính sao thì tính.”

Và chuyện lạ đời là: Cũng nơi đó, trong thời gian Bác Ba bị công an giam giũ tại gia, là nơi tôi đến gặp Bác Ba mỗi ngày, được trò chuyện với Bác Ba nhiều hơn trước kia. Lý do là: Bác Ba khai với công an rằng tôi là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Bác Ba, và yêu cầu công an để tôi đến, đi bất cứ lúc nào, để lo cho Bác Ba.

Trên thực tế, lúc đó tôi thuộc diện bị đuổi đi “kinh tế mới” vì chồng tôi bị Việt cộng bắt giam, tội phạm là đã làm giám đốc bệnh viện Chợ rẩy trong thời VNCH. Vậy là tôi “vô gia cư”, mỗi sáng đạp xe đạp đi tìm mối để vượt biên. Chiều tối, tôi về ngủ trong nhà Bác Ba, dưới sự canh gác cẩn thận của công an Việt cộng.

Như vậy, mặc dầu Bác Ba đang bị giam lỏng, sống trong nghèo túng, Bác Ba vẫn có khả năng che chở tôi. Và quý hóa nhất cho tôi là nhờ dịp nầy mà tôi được hiểu thêm về một nhân vật mà tôi cho rằng hiếm, quý, nếu ta không đem sự thành bại mà đánh giá những ai biết quên mình để phục vụ tha nhân.

Có lần tôi hỏi:

– “Sao sống trong hoàn cảnh nầy mà Bác Ba lúc nào cũng thanh thản, không lo, không buồn?”.

Bác cười nhẹ rồi đáp:

– “Đây đâu phải là lần thứ nhất ta bị giam cầm bởi bạo quyền. Mười hai năm trước, ta đã cùng một nhóm bạn trí thức miền Nam (mà lúc đó báo chí gọi là “nhóm Caravelle” bị ông Ngô đình Diệm bắt giam vì ta và các bạn phản đối ông Diệm đã phạm những điều thiếu dân chủ. Cả nhóm bị cho vào tù không xét xử. Lại một lần, ta bị tướng Nguyễn Khánh giam lỏng ở Vũng tàu…

Còn hiện nay, ta bị công an buộc ta sống cô lập trong nhà nầy, không được liên lạc với ai, không được di chuyển đi khỏi nhà thì có khác gì ta bị cầm tù. Đây cũng là hậu quả của thái độ ta không chịu khuất phục bạo lực. Để ta kể cho con nghe: Khi Việt cộng nắm quyền ngày 30-4-1975, tất cả quân nhân và công chức của VNCH đều bị cho vào các trại tập trung cải tạo (đó là những trại tù lớn) để “cải tạo tư tưởng”, học tập “tư tưởng Cộng sản” và “tôn vinh” Hồ chí Minh. Riêng các người có chức vụ cao trong cơ quan hành pháp và lập pháp thì “học tập” một tuần lễ. Ta đã dự khóa đó. Nhưng khi công an bảo làm bài đúc kết, thay vì chép lại những lời tôn vinh Hồ chí Minh, ta đã viết đại khái như vầy: …”Những gì ông Hồ chí Minh đã làm là có công hay có tội đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, hãy để lịch sử phán xét. Riêng tôi, ông Hồ chí Minh không phải là một người làm gương để tôi noi theo”.

Ngày mùng ba Tết, sau lễ cúng ông bà, ông Trần văn Hương đã ngủ và không bao giờ thức dậy. Ông ra đi không một lời trối, lặng lẽ, khiêm nhường.

Nhưng con cháu và đồng bào của Trần văn Hương được ghi thêm một người nữa vào bia của biết bao con dân yêu nước trong lịch sử Việt Nam.

Lâm Thu Vân
Năm 1982

Nguồn: https://nguoiphuongnam52.blogspot.com ngày 5/2/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*