Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn.
Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Năm 2023 cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày hiệp định Paris được ký kết, đem lại một niềm hy vọng hoà bình cho hàng triệu người Việt Nam. Nhưng nhiều người tiên đoán trước rằng đây chỉ là một nền hòa bình giả tạo, để Mỹ phủi tay với Miền Nam, bắt tay với Tàu, tạo điều kiện cho Miền Bắc thôn tính Miền Nam chỉ hai năm sau đó.
50 năm nhìn lại một cột mốc lịch sử đáng buồn như vậy, hỏi ai còn nhớ điều gì vui? Xin thưa rằng vẫn có. Thí dụ như nghe lại 10 bài Bình Ca của nhạc sĩ Phạm Duy. Niềm hy vọng về hòa bình của muôn triệu người Việt được ghi lại thành những ca khúc tuyệt diệu, nhưng nhiều người yêu nhạc thuộc thế hệ trẻ có thể chưa biết đến.
Ngay cả những người yêu nhạc Phạm Duy từ trước 1975 cũng có thể khám phá ra một vài điều mới về Bình Ca. Là một chứng nhân lịch sử của Việt Nam trong thời hiện đại, hiểu thời cuộc, Phạm Duy không hy vọng hão huyền về nền hòa bình do hòa ước Paris đem lại vào đầu năm 1973. Trên trang mạng www.phamduy.com, ông viết: “…Bình Ca ra đời vào năm 1972, không xưng tụng nền hoà bình mà Hội Nghị Paris đạt được sau các vụ đi đêm và ký kết giữa các phe nhóm. Trong bình ca, không phải vì lý do có ký kết hoà bình mà nói tới chuyện tương lai, với sự trùng tu xứ xở, xây lại nhà máy, cầu cống v.v… Nó nói nhiều tới chuyện lấy lại sự bình thường, bình dị của dân tộc ta, bị mất đi sau mấy chục năm chiến tranh…”
Bình Ca là một chương khúc gồm 10 ca khúc, một hình thức được nhạc sĩ Phạm Duy thực hiện một cách xuất sắc với Đạo Ca, Tâm Ca trước đó. Bài Bình Ca 10, Ngày Sẽ Tới, được sáng tác mãi từ năm 1959, như một lời réo gọi hoà bình. Cùng với chín bài hát mới viết vào năm 1972, Bình Ca không hẳn là những bài hát nói tới hoà bình trên đất nước, mà là hoà bình trong lòng người. Tại sao vậy? Bởi vì chính Phạm Duy không tin là sẽ có hoà bình sau khi hòa ước ký kết! Điều này đã được chứng minh tại Miền Nam ngay trong những ngày cuối tháng Giêng 1973, khi mà tờ hòa ước Paris còn chưa ráo giấy mực.
Điều gì là nét độc đáo riêng của Bình Ca? Sự bình dị từ giai điệu đến ca từ. Thứ bình dị nhưng sâu sắc, đi thẳng vào lòng người thường thấy trong ca khúc Phạm Duy. Nó bình dị, chân thành, đầy cảm xúc rất thực của những người Việt luôn mơ về một ngày hòa bình.
Hãy cùng nghe và hát lại Bình Ca 1:
Trong một giai điệu đơn giản của thể nhạc cộng đồng, hát chung, bức họa về hòa bình được phát thảo tuyệt đẹp từ những điều hết sức đơn giản trong đời sống hằng ngày. Những con chim sau bao năm bị tiếng súng làm im tiếng nay hót trở lại. Những chú trâu già nay có thể thảnh thơi nhai cỏ, để nhường công việc đồng áng lại cho những chiếc máy cày, tượng trưng cho sự thịnh vượng của một đất nước VIệt Nam hòa bình:
Này em con chim lười,
Nhiều năm chim đau phổi
Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui
Này em con chim gầy,
Chiều nay chim đứng dậy
Và nó hát líu lo thật dài
Cũng vì Hoà Bình đã về đây…
Này em con trâu già,
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
Này em con trâu già,
Nằm chơi trâu nhai cỏ
Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa.
Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe…
Rồi hình ảnh trại giam cũ biến thành trường học… Rồi tiếng nổ khi sang xuân nay không phải là tiếng đạn bom, mà là tiếng pháo vui… Cảm động nhất là trong phiên khúc sau cùng, hình ảnh người lính già trở về, kể lại chuyện buồn vui thời chiến cho đám con trẻ:
…Này em anh đã già,
Tuổi cao thiếu sức khoẻ
Dù sống với trái tim cằn khô
Này em anh đã về,
Thì xin nghe anh kể
Chuyện mới, cũ, khóc vui tràn trề
Những chuyện hoà bình có người nghe…
Những hình ảnh giản dị mà xúc động về hòa bình, chỉ có thấy trong ca khúc Phạm Duy…
Sự mộc mạc của Bình Ca thể hiện rõ nhất trong Bình Ca 7, Lời Chào Bình Yên:
Người nghe có thể tưởng tượng ra hình ảnh một bác nông dân Miền Nam chất phác, vui vì hòa bình đến mà mặc khăn áo chỉnh tề, đứng ra đường cúi chào tất cả mọi người:
Mang giầy vớ tốt, mang khăn áo lành
Tôi chào đất nước tôi nay thái bình
Tôi cúi lưng, xin chào anh,
Tôi đứng lên, tôi chào em
Tôi vói lên cao, chào Đức Tin
Tôi chào sáng sớm, ban trưa, xế chiều
Đêm về vẫn cứ chưa thôi cúi chào
Tôi thấy trong tôi mừng reo,
Tôi thấy chung quanh chào nhau
Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu.
Lời… lời chào bình yên…
Lời… lời chào bình yên
Chào mừng một Việt Nam hòa bình, tại sao không thể mơ về một thế giới cũng hòa bình, nơi mà con người có thể chia sẻ cho nhau mọi thứ:
…Tôi chào trái đất xinh xinh giữa trời
Tôi chào thế giới chung nhau giống người
Chia với nhau dăm biển to,
Dăm núi cao băng lạnh co
Hay mấy khu sa mạc nắng khô
Tôi chào ý nghĩ chia vui chúng mình
Chia buồn, sẽ sống chung nhau thái bình
Chia nước ngon, chia hột cơm,
Chia áo khăn, chia mảnh tôn
Ta bắt tay nhau chào tiếng hân hoan.
Lời… lời chào bình yên…
Lời… lời chào bình yên
Đó là giấc mơ lớn nhất của nhân loại, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ trở thành sự thật. Nhưng đâu có ai ngăn được người nghệ sĩ mơ những điều tốt đẹp. Giống như Beethoven đã từng mơ và viết lên Hoan Khúc bất tử trong Bản Giao Hưởng Số 9 cách đây ba thế kỷ…
Sau những mùa xuân máu lửa, thù hận như Tết Mậu Thân, người Việt nay mơ đến một mùa xuân hiền hòa, thanh bình. Bình Ca số 5, Xuân Hiền, với giai điệu rộn ràng mùa xuân là một mùa xuân cổ kính, với các từ Hán Việt như : Xuân Huy, Xuân Phong, Xuân Tiêu, Xuân Miên… để nói tới ánh sáng mùa Xuân, gió Xuân, đêm Xuân và giấc mộng đêm Xuân:
Xuân huy chan hoà trên khắp quê hương
Nắng chói gia đình huyền bí trăm con
Năm mươi người xuống,
Năm mươi người lên
Đến lúc gặp chỗ hàn huyên
Xuân phong đem về tin tức vui chung
Gió mát cho lòng rộng rãi thong dong
Chung nhau cuộc sống,
Chung nhau cuộc chết
Và quyết định cưới Xuân liền!
À ạ ơi ! À ạ ơi !…
Và khi tâm người nhạc sĩ phơi phới với mùa xuân hòa bình, Phạm Duy hướng tới một mùa xuân vĩnh cữu trong lòng người; thứ mùa xuân trong cõi tâm mà tác giả từng nhắc đến trong Xuân Ca, Tâm Xuân, Xuân Hành:
…Xuân non, Xuân già, Xuân vẫn Xuân quen
Mới biết Xuân là cuộc tái sinh duyên
Thu, Đông, Hạ chết,
Nhưng Xuân còn nguyên
Khuyến khích dòng máu về tim
Xuân không lên đường, Xuân đứng êm êm
Đứng mãi trong đời để cõng ta lên
Yêu Xuân đằm thắm, Yêu Xuân một phen
Và sống cùng với Xuân hiền…
À ạ ơi ! À ạ ơi !…
Bình Ca có đến hai ca khúc lấy tình yêu Thiên Chúa để nói lên tình yêu của nhân loại đối với hòa bình. Trong Bình ca 4, Xin Tình Yêu Giáng Sinh (thơ Trụ Vũ), hòa bình như tình yêu Giáng Sinh, đem lại cho quê hương Việt Nam sự hồi sinh:
Xin tình yêu giáng sinh, Trên quê hương cằn cỗi
Xin tình yêu giáng sinh, Trên địa cầu tăm tối
Xin tình yêu giáng sinh, Trong lòng người hấp hối
Xin tình yêu giáng sinh, Trên cuộc đời lầy lội…
…Xin tình yêu giáng sinh, Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh, Cho một lần ngực thở
Xin tình yêu giáng sinh, Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh, Tình yêu của chúng mình…
Đặc biệt hơn nữa, trong Bình Ca 9, Phạm Duy muốn được nhìn Chúa Giê Su như một con người của hoà bình, một con người có khả năng kiến tạo hòa bình bằng những hành động minh triết:
Nếu có ai giận dữ, Nếu có ai bất hoà
Nếu có ai lầm lỡ, Rồi sinh ra khắt khe
Sẽ đánh tôi một cái, Tát tôi nơi má này
Sẽ thấy tôi lặng lẽ, Chìa luôn ngay má kia !
Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Nhân ái ban xuống đời
Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Cho hiếu hoà khắp nơi…
Hay là cách Chúa đã bảo vệ người phụ nữ mang tội bán thân khỏi hình phạt bị ném đá trước công chúng:
…Đã chót mang tội gốc, Gái hư thân não nùng
Khóc giữa nơi quần chúng, Nằm cho viên đá quăng
Hỡi những ai ở đó! Sẽ đóng vai phán toà
Nếu tự thấy không tội lỗi, Thì quăng viên đá coi.
Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Thương xót cho giống người
…Lạy Chúa! Lạy Chúa tôi! Không xét người! Xét tôi!…
Như đã nói trên, bài Bình Ca 10, Ngày Sẽ Tới, viết từ 1959 được dùng để kết thúc Bình Ca. Có lẽ vì định mệnh, mà ca khúc cho hòa bình này lại viết ở tông thứ, với lời mở đầu và kết thúc giống như một tiếng kêu van hơn là một tiếng reo vui đón chào hòa bình: “…này hỡi, hỡi Hòa Bình…”
Này hỡi, hỡi Hoà Bình!
Này hỡi, hỡi Hoà Bình!
Ngày sẽ tới, biết bao nhiêu mừng vui
Mừng biết mấy chiến tranh đã tàn phai
Quê hương ta xưa nay đã đẹp rồi
Thêm xinh tươi, thêm vui, thêm tuyệt vời!
Này hỡi, hỡi Hoà Bình!
Này hỡi, hỡi Hoà Bình!…
Mà định mệnh của đất nước Việt Nam buồn thật! Nền hòa bình từ hòa ước 1973 chỉ là giả tạo. Và ngay cả khi đất nước ngưng tiếng súng vào năm 1975, quê hương vẫn đầy hận thù, bạo lực, vẫn chưa bao giờ thực sự tươi sáng cho đến tận nửa thế kỷ sau…
Vận mệnh của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đầy đen tối trong những những ngày cuối năm 2023, Isarel-Palestine, Nga-Ukraine… Có lẽ nhân loại luôn có những dân tộc chỉ thèm khát một ngày hòa bình.
Trong một thế giới chiến tranh, hận thù, những ca khúc như Bình Ca giúp nuôi dưỡng niềm hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn. Cho dù ở Việt Nam, hay ở Ukraine, hay ở Palestine, và ngay cả ở Mỹ, chỉ có Chân-Thiện-Mỹ mới có thể đưa con người đến gần nhau hơn.
Hòa Bình trong mỗi con người hy vọng sẽ góp phần xây dựng nên Hòa Bình cho một quốc gia, cho toàn thế giới.
Doãn Hưng
Theo https://vietbao.com ngày 22/12/2023
Be the first to comment