Bác Sĩ Sang Từ “Magic Hands”

Khoảng hơn 8 giờ tối, ở spa tại phòng gym chỉ lác đác vài ông bà Mỹ cao niên. Tình cờ tôi nhìn thấy một phụ nữ có dáng dấp Á Đông:
– Are you Vietnamese?
– Dạ.
– Chắc cô mới vô gym này? Lâu nay tôi chưa từng gặp cô ở đây.
– Dạ không. Tại giờ này mới làm về?
– À, về trễ hen, làm nails hả cô?
– Dạ không. Em là bác sĩ Vật Lý Trị Liệu, chuyên về Dry Needling.

Tôi quen bác sĩ Sang Từ như thế.

Thiên An: Dry Needling là gì vậy cô?

Bác sĩ Sang Từ: Dạ, đây là một hình thức trị liệu mới, dùng kim châm không có thuốc, lý do là tránh bị phản ứng phụ (side effects).

Thiên An: Vậy nó cũng khá giống châm cứu hả bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Nó được một bác sĩ người Mỹ nghiên cứu và chắt lọc từ khoa châm cứu của Trung Hoa, nhưng chỉ chuyên sâu và tập trung vào một phần thôi.

Khi hỏi về chuyên môn, tôi buộc phải “đặt” cô Sang đúng vị trí của người làm việc chuyên ngành.

Thiên An: Bác sĩ có thể giải thích Dry Needling điều trị trong lãnh vực nào?

Bác sĩ Sang Từ: Phương pháp điều trị này để chữa trị các vấn đề về đau nhức qua việc kích hoạt gân cơ (trigger points). Người thầy thuốc sẽ dùng những chiếc kim mỏng kích vào các huyệt để “giải phóng” những điểm gút trong cơ thể của bệnh nhân, nguyên do gây ra các chứng co cơ và làm đau đớn, thậm chí không thể co dãn bình thường.

Bác sĩ Sang Từ (trái) và đồng nghiệp tại Parkland Hospital

Thiên An: Thực tình là lần đầu tôi được nghe thấy.

Bác sĩ Sang Từ: (cười) Không phải chỉ có anh đâu, người Mỹ chưa biết rành còn không nói gì, nhiều người Việt mình cũng thấy lạ lắm luôn.

Thiên An: Phòng mạch của bác sĩ ở đâu vậy?

Bác sĩ Sang Từ: Dạ, tôi đang làm ở bệnh viện Parkland Hospital (Dallas, Texas), chuyên khoa Physical Therapy (Vật Lý Trị Liệu).

Thiên An: Bệnh viện này là bệnh viện công, lớn lắm, vậy ở đó có nhiều bác sĩ như vậy không?

Bác sĩ Sang Từ: Tại chuyên khoa Physical Therapy có cả thảy 24 bác sĩ, đây là bệnh viện có nhiều bác sĩ Trị Liệu nhất. Nhưng trong đó chỉ có 5-6 bác sĩ chuyên về Dry Needling.

Thiên An: Tại sao ngành này phát triển mạnh vậy bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Bây giờ người Mỹ ngày càng hạn chế dùng thuốc Tây, do chúng có nhiều phản ứng phụ. Vì vậy càng ngày họ càng chuộng các phương thức không dùng thuốc.

Thiên An: Những bệnh nhân dạng nào thì thường tìm đến chuyên khoa này?

Bác sĩ Sang Từ: Những ai bị đau nhức lâu năm, và sử dụng những phương thức khác không hiệu quả. Đặc biệt là các trường hợp tai biến khiến cho cơ bắp bị co lại, khó cử động.

Thiên An: Như tôi thì làm sao lấy hẹn được, và phải chờ bao lâu?

Bác sĩ Sang Từ: Anh phải cần giới thiệu của bác sĩ gia đình và sẽ được sắp xếp trong vòng 3 tuần.

Thiên An: Vậy hơi bất tiện cho tôi ha. Có cách nào tôi có thể gặp bác sĩ được?

Bác sĩ Sang Từ: Sau giờ làm ở bệnh viện thì tôi có nhận bệnh nhân tại văn phòng riêng, ở nhà.

Bác sĩ Sang Từ (thứ 2 từ phải) và đồng nghiệp tại Parkland Hospital trước Giáng Sinh

Thiên An: Vậy thì tốt quá. Nghề của tôi ngồi trên computer cả ngày, hai bả vai bị đơ, mỏi cổ, nhưng quan trọng hơn hết là tôi đang bị đau gót chân. Đây là một triệu chứng lần đầu tôi gặp trong đời. Hễ chạy bộ là bị đau hai gót chân, về nhà đi phải nhón, có hôm phải lết, không rõ dạng này có nằm trong khả năng điều trị của bác sĩ không?

Bác sĩ Sang Từ: Chỉ trừ phần ngực hay khu vực liên quan đến phổi và gần tim thì không, nhưng những bộ phận khác đều được.

Thiên An: (mừng húm) Vậy cảm phiền bác sĩ cho tôi xin một cái hẹn.

Tôi lấy hẹn với bác sĩ Sang Từ, một văn phòng sạch sẽ tại nhà riêng. Chỉ hai lần châm cách nhau hai ngày và bác sĩ hướng dẫn một vài động tác thể dục dãn gân. Lần thứ nhì là có kết quả thấy rõ. Tuy nhiên, tôi muốn chắc ăn, lấy hẹn lần 3, cũng là lần cuối. Vài hôm sau, sau khi thử nghiệm bằng đi bộ, rồi chạy. Tôi hào hứng khoe:

Thiên An: Gót chân tôi bữa nay hết đau rồi bác sĩ à! Nhưng bác sĩ cứ để dành mấy cây kim của tôi, mai mốt lỡ nó trở chứng, tôi sẽ quay lại.

Bác sĩ Sang Từ: Dạ, loại kim Dry Needling chỉ dùng một lần thôi ạ. Nếu anh còn đau thì cứ trở lại, đừng lo bị thiếu kim (cười). Tuy nhiên, thường thì chỉ sau 2 hoặc 3 lần châm là có thể dứt hẳn.

Thiên An: Có ai phải điều trị lâu hơn không bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Cũng có, tùy trường hợp và tình trạng nặng nhẹ.

Thiên An: Người Việt thì quen rồi, nhưng người Mỹ cũng chưa biết nhiều về phương cách trị liệu này ha bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Dạ, bây giờ người Mỹ nào biết rồi thì họ thích lắm. Hồi xưa họ chưa quen, nhưng ngày càng  có nhiều người bị “ghiền”, họ cứ kiếm cớ lấy hẹn với bệnh viện để được chăm sóc tiếp … Nhiều bệnh nhân đã quay lại vì họ thấy thích.

Thiên An: Thích bác sĩ hay thích kim?

Bác sĩ Sang Từ: (cười) Tôi không rõ, có một số bệnh nhân yêu cầu tôi mở khẩu trang (mask) để xem mặt nhưng tôi lắc đầu.

Thiên An: May là tôi gặp bác sĩ ở đây, chứ vào bệnh viện cũng sẽ yêu cầu như vậy (cười). Vui ha, Bác sĩ có thể kể vài câu chuyện bên lề trong công việc không?

Bác sĩ Sang Từ: Có nhiều chuyện lắm, như tuần rồi một người co-worker bị đau vai, nhờ tôi trị liệu mặc dầu ông ấy không có giấy giới thiệu của bác sĩ. Sau 2 lần châm, ông dứt hẳn. Ông rất ngạc nhiên và vui mừng nữa, ổng muốn mang vợ ổng đến trị, nhưng bà không có trong network của bệnh viện nên hẹn đến văn phòng tại nhà tôi. Bà ấy bị chứng đau cổ và cùi chỏ kinh niên, và đã dứt hẳn sau vài lần trị liệu.

Bác sĩ Sang Từ và đồng nghiệp tại Parkland Hospital trong tiệc Giáng Sinh

Thiên An: Có người Việt nào đến đây không bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Cũng có khá nhiều, mới đây có một chị người Việt làm nails khoảng trên 10 năm, có lẽ do thế ngồi sao đó, chị bị đau cổ, đau đến nỗi không quay đầu sang hai bên được nên đành ở nhà vì không lái xe được, thêm cánh tay bị “đơ” không nhấc lên được. Trường hợp chị này rất nặng, ban đầu châm vào huyệt như chạm phải cục đá. Sau 3 tháng trị liệu thì cổ của chị ấy xoay như bình thường và cánh tay hoạt động trở lại. Bây giờ chị ấy có thể lái xe và đã đi làm trở lại.

Thiên An: Nếu nhu cầu tăng như hiện nay, công việc ở bệnh viện của bác sĩ chắc bận rộn lắm ha?

Bác sĩ Sang Từ: Không ạ. Mỗi ngày họ chỉ giao cho tôi 9 bệnh nhân, còn lại các bác sĩ khác sẽ phụ trách, chỉ khi nào họ gặp ca khó trị thì mới cần tôi giúp. Do được bệnh nhân yêu cầu nhiều nhất, và có thể do mình có kinh nghiệm hơn mà người ta hay gọi tôi “mát tay” (cười).

Thiên An: Mát tay tiếng Anh là gì bác sĩ ha?

Bác sĩ Sang Từ: Tôi không rõ, nhưng các bệnh nhân gọi tôi là “magic hands” (cười).

Thiên An: Nếu ai đó thích học ngành Dry Needling thì phải mất bao lâu? Thời gian có ngắn hơn các ngành Y khác không bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Không đâu, thời gian học cũng tương đương. Đầu tiên phải xong 4 năm đại học, sau đó tiếp 3 năm physical therapy để có bằng Doctor of Physical Therapy.

Thiên An: Bác sĩ tốt nghiệp ở Texas hay ở đâu?

Bác sĩ Sang Từ: Hồi xưa gia đình và tôi sống ở Chicago, nhưng tôi lấy bằng Bachelor Degree Biology ở Illinois, học tiếp 3 năm để lấy bằng Doctor Physical Therapy tại Nova Southeastern University ở Florida.

Thiên An: Vậy cơ duyên nào bác sĩ vào làm việc ở Bệnh viện Parkland Hospital ở Dallas?

Bác sĩ Sang Từ: Sau khi tốt nghiệp tại Florida và tôi moved sang thành phố Conroe (Texas), nhưng có người chị sống ở Dallas rủ rê về đây. Tôi apply vào một vài bệnh viện, nhưng cuối cùng chọn Parkland vì muốn có cơ hội giúp cho những người low income.

Thiên An: Ban đầu chắc không có bệnh nhân người Việt ha bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Lúc đầu thì chưa nhiều, nhưng thỉnh thoảng tôi đi chùa, mà đi đâu cũng mang kim theo (cười). Đến chùa thì châm cho các sư cô, phật tử. Ngay cả khi đi thăm bạn bè ở xa cũng mang kim theo. Nên ai gặp tôi cũng… sợ hết (cười).

Thiên An: Nhưng chắc người ta sợ bệnh hơn sợ kim chứ?

Bác sĩ Sang Từ: Nói vậy chứ cũng ít người sợ kim lắm. Nên đi đâu, người ta cứ tiệc tùng, hội họp, hát hò, mình thì “phục vụ” hết thân chủ này đến thân chủ khác …

Thiên An: Vậy đâu còn gì vui?

Bác sĩ Sang Từ: Dạ, vẫn vui, thấy người ta hết bệnh là mình vui theo. Lại còn hẹn lần tới (cười).

Bác sĩ Sang Từ đang điều trị cho một bệnh nhân

Thiên An: Hiện nay thì số người tìm đến văn phòng bác sĩ nhiều không?

Bác sĩ Sang Từ: Không chỉ ở Dallas, tôi còn có một số bệnh nhân ở xa. Có hai bác lớn tuổi một 65 và một 91 tuổi bị cột sống, phải nhờ con gái lái xe 2 tiếng đến để điều trị. Bác bị đau cột sống lâu năm và đã trị đủ loại thuốc từ Tây sang Đông kể cả nắn xương, chỉnh hình, mổ xẻ vẫn không khỏi nên cuối cùng đến đây thử. Kết quả khả quan nên Bác đến thường xuyên 3 lần mỗi tuần.

Thiên An: Ngoài đau cột sống thì Dry Needling còn trị được gì nữa không bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Nhiều thứ lắm, có những chứng như nhức đầu, co cơ ở toàn thân, ví dụ như không quay cổ được, tay chân nhấc lên khó khăn, hoặc bị gập lưng không đứng thẳng lên được.

Thiên An: Tôi có người em làm nails, bị đau và sưng cổ tay, có khi lan tới tận bả vai, có thể trị được không bác sĩ?

Bác sĩ Sang Từ: Dạng này thì tôi đã gặp rất nhiều, và là một trong những triệu chứng phổ biến nhất trong cộng đồng người Việt.

Thiên An: Nếu điều trị bằng Dry Needling thì khoảng bao lâu là dứt hẳn?

Bác sĩ Sang Từ: Tùy vào cơ địa mỗi người, ai nhanh hồi phục thì chỉ 1 lần, ai chậm thì nhiều hơn. Phần lớn người ta tiếp tục vì thấy giảm hẳn, mà trước nay họ đã thử nhiều phương pháp trị liệu khác, từ thuốc bổ đến các loại thuốc men, hoặc massage, xoa bóp, hay mang những sợi nịt (brace belt) trợ giúp.

Thiên An: Tôi thì may mắn làm quen được bác sĩ ở đây, còn những người bệnh nhân khác làm sao họ biết đến bác sĩ được?

Bác sĩ Sang Từ: Tôi có văn phòng tại nhà, có thể lấy hẹn qua số điện thoại 469-988-8136. Tôi chỉ nhận tin nhắn (text message) vì phải làm việc ở bệnh viện và cũng có đăng quảng cáo trên báo Trẻ Dallas gần đây.

Thiên An: Mấy lần trước tôi được lấy hẹn sau 6 giờ chiều, sau giờ bác sĩ làm việc ở Parkland Hospital. Mỗi lần điều trị cũng từ 25 đến 35 phút, nếu bệnh nhân nhiều làm sao có đủ thời gian?

Bác sĩ Sang Từ: Tôi sẽ cố gắng sắp xếp, và tôi có thể làm thêm trong ngày thứ Bảy và Chủ Nhật.

Thiên An: Theo tôi biết, châm cứu và kỹ thuật Dry Needling có nguồn gốc hàng ngàn năm ở Trung Hoa, tại sao bây giờ Mỹ mới ứng dụng?

Bác sĩ Sang Từ: Dạ, đúng vậy, nhưng nó chỉ gây được chú ý ở Mỹ từ cuốn sách của ông Janet G. Travell, cuốn “Myofascial Pain and Dysfunction: Trigger Point Manual” (Đau cân cơ và rối loạn chức năng: Hướng dẫn sử dụng điểm kích hoạt), cuốn này xuất bản năm 1983 trong đó hướng dẫn sử dụng điểm kích hoạt (trigger points), tác động vào ngay chỗ huyệt đạo bị nghẽn hoặc thắt nút, vì vậy khi châm sẽ có cảm giác tê tê. Đó là khi huyệt được kích hoạt (trigger) và mở “nút thắt” ra.

Thiên An: Đúng rồi. Tôi có cảm giác giật giật y như vậy khi hôm được bác sĩ trị chứng đau gót chân. Nhưng tôi vẫn thắc mắc là từ năm 1983 đến giờ đã 40 năm, tại sao bệnh viện Mỹ mới chính thức đưa vào áp dụng?

Bác sĩ Sang Từ: Thực ra họ đã ứng dụng từ lâu, nhưng đến khi đưa vào thành khoa đào tạo thì phải được American Medicine Association (Hội đồng Y khoa Hoa kỳ) chuẩn duyệt và thông qua FDA thì mới được chính thức đưa vào bệnh viện như một chuyên khoa như hiện nay.

Thiên An: Cảm ơn bác sĩ Sang Từ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Chúc “magic hands (đôi tay huyền nhiệm) của bác sĩ giúp cho nhiều bệnh nhân được phục hồi để tiếp tục một đời sống vui tươi và khỏe mạnh.

Thiên An
Theo https://baotreonline.com ngày 30/12/2023

* * *

Bác sĩ Sang Từ “khoe” với tôi một vài nhận xét của bệnh nhân được cô điều trị tại bệnh viện Parkland Hospital. Do diện tích trang báo hạn hẹp, tôi xin trích vài đoạn ngắn…

“I merely want to say that I’m receiving therapy from Dr. Sang and want to state how wonderful she is. I came for therapy for my left heel and for about 30 yrs I’ve been having back pains. She has showed me how to stretch and most importantly introduced to Dry Needling, I’ve never heard of the procedure until now….”

“Tôi chỉ muốn nói là tôi đang được bác sĩ Sang trị liệu và muốn nói rằng cô ấy tuyệt vời như thế nào. Tôi bị đau gót chân trái khoảng 30 năm nay và cả đau lưng. Cô ấy đã chỉ cho tôi cách kéo dãn và quan trọng nhất là giới thiệu cho tôi Dry Needling, tôi chưa bao giờ nghe nói về cái này cho đến tận bây giờ….

“…she used the FDN therapy which really helped relief my leg pain and the round roll therapy, and the use of other equipment to strengthen my leg muscles.  Tu, Sang was always soft spoken, eager to help and patience working thru my leg pain.  She was most appreciated.  I would highly recommend Dr. Sang, PT and Parkland & #39;s PT department to my friends, and coworkers…”

cô ấy đã sử dụng FDN (Functional dry needling) liệu pháp thực sự đã giúp tôi giảm đau chân và dùng con lăn trị liệu cùng sử dụng các thiết bị khác để tăng sức mạnh cho cơ bắp chân. Tu, Sang luôn ăn nói nhẹ nhàng, sẵn sàng giúp đỡ và kiên nhẫn. Cô được đánh giá cao nhất. Tôi rất muốn giới thiệu Bác sĩ Sang, PT và Parkland’s PT đến bạn bè và đồng nghiệp của tôi….

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*