Các Thực Phẩm Người Bị Cao Huyết Áp Nên Biết Để Ăn, Cũng Như Để Tránh

Minh họa: Stevepb/Pixabay

Các loại thực phẩm như cam, cá hồi, cà rốt, cà chua… được cho là có lợi cho người bị cao huyết áp. Còn các loại thực phẩm có nhiều muối, đường và mỡ thì nên tránh tối đa để hạn chế các bệnh gây tăng huyết áp như: vữa xơ động mạch, cholesterol máu cao, tiểu đường, suy gan, thận…

Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt cho người bị cao huyết áp.

Quả mọng:

Các loại quả mọng như dâu tây, nho, đặc biệt là quả việt quất chứa nhiều oxit nitric giúp tăng lưu lượng máu, do đó làm giảm huyết áp.

Một nghiên cứu cho thấy chỉ cần ăn hơn 28 gram quả việt quất mỗi ngày có thể giúp giảm huyết áp đáng kể.

Tỏi:

Hợp chất allicin trong tỏi có thể giúp giảm huyết áp. Tốt nhất khi tỏi được đập dập hoặc băm nhỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ khuyên nên ăn tỏi sống chứ đừng dùng thực phẩm bổ sung tỏi.

Sữa chua ít béo hoặc không béo: 

Các sản phẩm từ sữa ít béo là nguồn cung cấp canxi tuyệt vời, là một trong những hợp chất chính giúp chống lại bệnh cao huyết áp.

Minh họa: JillWellington/Pixabay

Cá béo: 

Các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá mòi,… là nguồn cung cấp chất béo omega-3, có thể giúp giảm huyết áp. Theo đó, tiêu thụ từ 2-3 g omega-3 mỗi ngày được cho là có lợi cho người bị cao huyết áp.

Trái bơ: 

Trái bơ là một nguồn cung cấp canxi, magiê và kali tuyệt vời. Một quả bơ chứa khoảng 975 miligam kali, chiếm khoảng 25% lượng tiêu thụ hàng ngày của bạn.

Rau lá xanh: 

Các loại rau xanh bao gồm cải xoăn, rau bina, rau cải thìa, rau arugula, rau diếp,… là những nguồn cung cấp kali tuyệt vời.

Loại rau họ cải như bông cải xanh cũng chứa nhiều canxi, kali, magie và vitamin C có thể giúp giảm huyết áp. Nói chung, chế độ ăn nhiều rau họ cải sẽ làm giảm mức độ bệnh tim và kéo dài tuổi thọ.

Khoai lang: 

Khoai lang giàu kali và magiê là một phần thiết yếu của việc tuân theo chế độ ăn giảm huyết áp. Khoai lang cũng giàu chất xơ rất tốt cho tim mạch của bạn.

Quả kiwi: 

Ăn ba quả kiwi mỗi ngày đã được chứng minh là làm giảm huyết áp đáng kể.

Ớt chuông đỏ: 

Ớt chuông đỏ giúp giảm huyết áp cao với sự giúp đỡ của kali và vitamin A. Chúng cũng giàu chất xơ và vitamin C, làm cho nó trở thành một món ăn nhẹ lành mạnh.

Cà rốt: 

Cà rốt là loại rau chủ yếu trong chế độ ăn kiêng của nhiều người. Cà rốt chứa nhiều hợp chất thực vật giúp kiểm soát huyết áp.

Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy ăn khoảng 100 g cà rốt mỗi ngày giúp giảm khả năng mắc bệnh cao huyết áp đến 10%.

Minh họa: LubosHouska/Pixabay

Cà chua:

Cà chua rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm kali và sắc tố lycopene. Lycopene có tác dụng tốt đối với sức khỏe tim mạch và giúp giảm nguy cơ mắc cao huyết áp.

Dầu olive: 

Dầu olive có nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

Một nghiên cứu cho thấy trong dầu olive có các chất dinh dưỡng và các hợp chất nguồn gốc thực vật như omega-9, chất chống oxy hóa polyphenol. Các chất này được chứng minh là có lợi cho người bị cao huyết áp.

Thực phẩm người cao huyết áp không nên hoặc nên hạn chế ăn

Thực phẩm chế biến sẵn:

Người bệnh tăng huyết áp nên hạn chế các món ăn nhanh, chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt muối, jambon, lạp xưởng, xúc xích, giò chả vì chúng thường chứa nhiều muối và chất bảo quản. Tốt nhất là đừng đi ăn ngoài, còn nếu bắt buộc phải ăn, nên gọi các món hấp, luộc được chế biến theo cách chứa ít natri hơn.

Minh họa: Macroworlds/Pixabay

Phô mai chứa nhiều muối: 

Mặc dù phô mai thường được biết đến như một món ăn nhẹ lành mạnh vì chứa nhiều canxi và là một nguồn protein tuyệt vời nhưng một số loại phô mai cũng chứa nhiều muối và chất béo bão hòa. Nếu tiêu thụ nhiều phô mai loại này có thể gây tăng huyết áp và tăng cholesterol dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Bánh Pizza:

Bánh Pizza, đặc biệt là Pizza đông lạnh là thực phẩm không nên ăn của người bệnh cao huyết áp bởi nó chứa lượng Natri rất lớn. Muối có cả trong thịt ướp, phô mai, sốt cà chua cùng lớp vỏ bánh. Hơn nữa để tăng thêm hương vị cho bánh, nhà sản xuất còn dùng thêm muối khi chế biến bánh.

Một phần Pizza phô mai thịt có thể khiến cơ thể bạn nạp vào tới 700mg muối, bánh càng nhiều lớp phủ phô mai thì hàm lượng Natri càng cao.

Minh họa: DesignDrawArtes/Pixabay

Dưa muối: 

Đây là loại thực phẩm được nhiều người Việt Nam yêu thích, thế nhưng dưa muối hay bất cứ thực phẩm nào muối cũng đều cần dùng lượng muối rất lớn để ngăn chặn sự phân hủy của thực phẩm.

Dưa muối càng bảo quản lâu, chúng càng ngậm nhiều muối, và càng nguy hiểm đối với người bị cao huyết áp.

Đường: 

Đường cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp. Hội Tim Mạch Hoa Kỳ đã khuyến cáo, người bình thường muốn giữ huyết áp ổn định nên kiểm soát lượng đường nạp vào mỗi ngày như sau: phụ nữ tối đa 24g mỗi ngày, nam giới tối đa 36g mỗi ngày.

Da gà và thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu: 

Nhóm thực phẩm này bao gồm: da gà, thịt đỏ, bơ, sữa béo,… Việc hấp thụ quá nhiều chất béo xấu này làm tăng LDL trong máu, khiến tình trạng cao huyết áp tồi tệ hơn.

Minh họa: Julia M Cameron/Pexels

Các loại đậu đóng hộp: 

Hãy cẩn thận với đậu đóng hộp vì loại đậu này thường chứa rất nhiều muối. Nếu không có thời gian chế biến đậu tươi (hoặc khô), khi sử dụng đậu đóng hộp cần đỏ bỏ nước ngâm đậu, rửa đậu dưới vòi nước sạch hoặc ngâm đậu vào tô nước lọc và để ráo rồi mới nấu. Làm theo cách này, bạn sẽ cắt giảm được tới 40% lượng natri mà vẫn giữ được các chất dinh dưỡng khác tốt cho tim.

Thức uống chứa cồn: 

Nếu sử dụng với lượng vừa phải hàng ngày, loại thức uống này có thể có lợi cho sức khỏe. Thế nhưng hầu hết người bệnh lạm dụng thức uống chứa cồn, nó không những gây tăng huyết áp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể như: gan, thận, dạ dày,…

Đằng Vân tổng hợp
Theo Saigon Nhỏ ngày 26 tháng 11, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*