Giáo Sư Tiến Sĩ Ruby Hồng-Ngọc Nguyễn, đại học University of Minnesota (Hình: University of Minnesota)
MINNEAPOLIS, Minnesota – Sáu năm qua, Abby Gelineau dành nhiều thời giờ để thu thập dữ kiện cho các nghiên cứu khoa học tại Trường Y Tế Công thuộc đại học University of Minnesota. Gelineau, sinh viên tốt nghiệp đang theo đuổi văn bằng về dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng, cho biết cô rất vui mừng được chào đón những người tham gia mới và “giúp họ hứng thú với khoa học.”
Nghiên cứu chính mà cô thực hiện, một phần trong Chương Trình Ảnh Hưởng Môi Trường tới Kết Quả Sức Khỏe Trẻ em (ECHO) toàn Hoa Kỳ, đang theo dõi hơn 100,000 trẻ em tại các địa điểm nghiên cứu trên cả nước. Với mục tiêu: tìm hiểu những yếu tố môi trường đang làm ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em.
Nhưng với tư cách là một người Mỹ gốc Nam Hàn và là một người vừa làm mẹ, Gelineau nhấn mạnh nghiên cứu này thiếu tính cách đa dạng – đặc biệt là sự tham gia của người Mỹ gốc Á.
Điều này sắp thay đổi: Giáo Sư Tiến Sĩ Ruby Hồng-Ngọc Nguyễn, đại học University of Minnesota, gần đây giành được khoản tài trợ trị giá $13.6 triệu để bổ túc một nhóm vào nghiên cứu ECHO trên 780 người Mỹ gốc Á đang có thai từ khu vực đô thị Twin Cities.
Ruby Nguyễn, nhà nghiên cứu chính tại khu vực Twin Cities, nhấn mạnh việc thiếu sự đại diện này là điều thường xảy ra. Nhiều thập niên nghiên cứu về sức khỏe thai phụ trong môi trường không thu hút đủ số lượng dân Á Châu tham gia để phù hợp với thành phần dân số Hoa Kỳ.
Trong lịch sử, một số rào cản—gồm có ngôn ngữ và sự thiếu tin tưởng vào y học Tây Phương—làm cho dân Mỹ gốc Á không thể tham gia các nghiên cứu về sức khỏe. Kết quả là có rất ít người Á Châu tham gia tới nỗi các nhà nghiên cứu hiếm khi đưa danh mục này vào yêu cầu tài trợ.
Nghiên cứu của Tiến Sĩ Ruby Nguyễn tập trung vào sức khỏe sinh sản, gồm có các vấn đề về thụ thai và mang thai như dị tật bẩm sinh cũng như sự tăng trưởng và phát triển. Sau khi theo học tại Johns Hopkins và đào tạo về khoa học sức khỏe môi trường tại Viện Y Tế Quốc Gia NIH, Ruby Nguyễn muốn trở về quê nhà ở Minnesota để phục vụ cộng đồng dân Á Châu nơi bà lớn lên. Bà làm việc tại khoa Dịch Tễ Học và Sức Khỏe Cộng Đồng tại đại học University of Minnesota từ năm 2007.
Khoản tài trợ mới cho Ruby Nguyễn từ Viện Y Tế Quốc Gia NIH cho thấy sự thay đổi hướng tới tài trợ cho nghiên cứu toàn diện hơn. Cuối cùng, Ruby Nguyễn cho biết, điều đó sẽ giúp hiểu rõ hơn về các mối quan tâm sức khỏe trong các cộng đồng cụ thể — và chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Ví dụ, nhóm nghiên cứu của Ruby Nguyễn đóng góp cho nghiên cứu ECHO bằng việc kiểm tra phthalate, nhóm hóa chất làm nhựa dẻo hơn, được tìm thấy ở thai phụ. Các vật dụng hàng ngày như xà bông và dầu gội chứa các hóa chất mà các nhà sản xuất sử dụng để tăng độ bền cho nhựa. Kết quả nghiên cứu cho thấy những bé trai sinh ra từ những bà mẹ mang hàm lượng hóa chất cao hơn có nhiều khả năng biểu hiện những bất thường về bộ phận sinh dục và chậm tiến triển ngôn ngữ. Các nhà nghiên cứu cũng nghi ngờ các bé trai này có khả năng phải đối diện với các vấn đề về phát triển thần kinh, phổi và sinh sản.
Ruby Nguyễn liên lạc với các nhà nghiên cứu khác trên khắp Hoa Kỳ, những người đang hỗ trợ cho nỗ lực tăng cường sự tham gia của người Mỹ gốc Á trong các nghiên cứu về sức khỏe. Các nhà nghiên cứu đồng tình rằng việc thu thập dữ liệu là bước đi đầu tiên nhằm định hình sự chênh lệch. Ví dụ, Tiến Sĩ Qi Zhao, là nhà nghiên cứu chính tại một khu vực ECHO khác, thuộc đại học University of Tennessee, nói: “Chúng ta không thấy ảnh hưởng lên sức khỏe nếu không có dữ liệu.”
Các nghiên cứu khác kết hợp dữ liệu từ những người tham gia là dân Hoa Kỳ gốc Á chỉ ra cách cộng đồng y tế có thể áp dụng nghiên cứu để cung cấp hướng dẫn tốt hơn cho bệnh nhân. Một nghiên cứu đang diễn ra theo dõi hơn 900 dân Nam Á ở Chicago và Vùng Vịnh San Francisco. Các nhà nghiên cứu phát giác những người tham gia có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường ngay cả khi có trọng lượng cơ thể thấp hơn so với các nhóm chủng tộc và sắc tộc khác.
Trong một trường hợp khác, một nghiên cứu năm 2020 do Bác Sĩ Rupa Basu, đứng đầu Chi Nhánh Dịch Tễ Học Khí Hậu và Không Khí tại California EPA, làm đồng tác giả, cho thấy dân Á Châu và các nhóm thiểu số khác có nguy cơ sanh non cao hơn do sống trong môi trường nhiệt độ cao và không khí ô nhiễm ở Hoa Kỳ.
Gần đây, có những nỗ lực phân tách dữ liệu ở cả cấp tiểu bang lẫn quốc gia. Ủy Viên Sở Y Tế Minnesota Brooke Cunningham và giới chức Tòa Bạch Ốc đều cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn để chia nhỏ dữ liệu thành các đề mục cụ thể hơn. Điều đó có thể vượt ra ngoài các nhóm chủng tộc và sắc tộc, Ruby Nguyễn nói. Việc theo dõi các chi tiết như tình trạng di dân và người tỵ nạn cũng như nơi người ta sinh sống cũng sẽ rất hữu ích, bà cho biết. Dữ liệu càng cụ thể thì nó càng có thể kể một câu chuyện hoàn chỉnh.
TTHN
Theo Người Việt online ngày 19/12/2023
Be the first to comment