Bà Mai Whelan, 55 tuổi, người chơi mang số 287, giành được giải thưởng trị giá $4.56 triệu của gameshow thực tế “Squid Game: The Challenge” do Netflix tổ chức. (Hình: Netflix cung cấp)
FALL CHURCH, Virginia – Bà Mai Whelan, 55 tuổi, một thuyền nhân gốc Việt, cựu quân nhân Hải Quân Hoa Kỳ, hiện là thẩm phán di trú ở Fairfax, Virginia, vượt qua 455 người chơi, giành được giải thưởng trị giá $4.56 triệu ở vòng thi quyết định thứ mười “Oẳn Tù Tì” (Rock, Paper, Scissors) của gameshow thực tế “Squid Game: The Challenge” do Netflix tổ chức.
Bà sẽ trở thành triệu phú vào ngày 5 Tháng Giêng, 2024.
Người chơi mang số 287
“Squid Game: The Challenge” là gameshow truyền hình thực tế gồm 10 tập do Netflix tổ chức, dựa theo cuốn phim “Squid Game” của Nam Hàn từng “làm mưa làm gió” màn ảnh nhỏ năm 2021.
Điểm khác biệt lớn nhất của gameshow so với cuốn phim đó là người thua cuộc chỉ rời cuộc chơi, không phải mất mạng. Còn lại, từ trang phục người chơi, số người chơi, trang phục, cách bố trí phim trường, cho đến tinh thần cuộc chơi, mô phỏng khá sát sao với phim “Squid Game”.
Để khoác lên bộ áo màu xanh lá và mang một số báo danh, 456 người chơi phải vượt qua rất nhiều thử thách, về sức khỏe lẫn tinh thần của 10 trò chơi (game).
Họ tập trung suốt 17 ngày đêm, cùng ở tập thể trong phim trường Wharf Studios, London, Anh. Máy ghi hình mở suốt 24/24. Cuối cùng, chiếc thẻ ngân hàng trị giá $4.56 triệu đã thuộc về bà Mai Whelan, người Châu Á và là người gốc Việt duy nhất của trò chơi.
Người phụ nữ trong chiếc áo len màu thiên thanh, dáng vẻ thanh lịch, mái tóc hợp thời trang, đôi mắt tinh anh phản chiếu qua cặp kính, xuất hiện trên màn hình Zoom rất đúng giờ hẹn với phóng viên nhật báo Người Việt.
Dù biết đây là bà Mai Whelan, tôi vẫn bất ngờ trước hình ảnh hiện tại này, hoàn toàn trái với người chơi mang số 287 trong suốt 10 tập (episode) của gameshow “Squid Game: The Challenge.”
“Chúng tôi không được mang bộ áo đó về,” bà Mai trả lời, khi tôi tò mò hỏi bà hiện đang cất bộ áo kỷ niệm ấy ở đâu.
Bà Mai Whelan trong cuộc phỏng vấn qua Zoom. (Hình: Chụp màn ảnh)
Là phụ nữ gốc Á duy nhất trong cuộc chơi, cảm giác của bà là vẫn “thấy mình mạnh mẽ, có thể vượt qua mọi thứ.”
“Tôi không cảm thấy như là phụ nữ đối chọi với đàn ông. Tôi chỉ cảm thấy rằng với sự kiên trì và bền bỉ, tôi có thể trở thành một người như tôi hôm nay. Tôi không đặt mình là phụ nữ hay Á Châu, mà chỉ là vấn đề cá nhân mà mỗi người vượt qua khi tham gia trò chơi, đó là tâm lý và thể chất để tôi có thể đạt đến vòng cuối cùng,” bà chia sẻ.
Khi tôi hỏi động lực để bà trở thành “287” của ngày hôm nay? Bà trả lời rất nhanh: “Đó là thử thách chính bản thân của mình.”
“Tôi ghi danh gameshow vì gia đình của tôi tin rằng tôi có thể làm được, có thể chấp nhận những thử thách. Tôi thích chơi game, thích thử thách bản thân, thích những cuộc thi đấu. Mỗi khi gia đình của tôi cùng chơi cờ, tôi rất ‘háo thắng,’ con gái và cháu gái của tôi cũng thế. Rất thú vị. Nên tôi tham dự, mặc dù căng thẳng diễn ra suốt thời gian chơi của gameshow, nhưng tôi thích thú hưởng ứng từng phút, và cố gắng làm tốt nhất tôi có thể,” bà kể.
Kể nhanh về cuộc đời mình, bà nói bà sinh ra ở Việt Nam, “hình như đó gọi là Chợ Lớn.” Bà rời Việt Nam năm 1975, lúc 8 tuổi. Cuộc đời của bà thay đổi trong “một cái chớp mắt.” Trong tập thứ bảy của gameshow, bà kể lại một chi tiết mà bà nói rằng “không bao giờ quên trong đời.”
“Những người chạy nạn nằm rạp xuống trên một cánh đồng. Tôi tò mò, muốn biết bom đạn đến từ đâu. Tôi nhổm người dậy, một sĩ quan chĩa súng vào thái dương của tôi vì nghĩ tôi có thể mang đến nguy hiểm. Mẹ tôi kịp kéo tôi nằm sát xuống. Trong tích tắc cuộc sống của tôi có thể đã chấm dứt. Và cũng chính khoảnh khắc đó đã dạy cho tôi phải thật dũng cảm,” bà nhớ lại.
Bà Mai Whelan trong gameshow “Squid Game: The Challenge.” (Hình: Netflix cung cấp)
Trải nghiệm và công việc
Trong suốt 10 tập của “Squid Game: The Challenge,” hình ảnh người chơi mang số 287 luôn là người phụ nữ đầy nội lực, kiên cường, bình tĩnh, đôi khi bình tĩnh đến lạnh lùng.
Không phải nghi ngờ gì với những bản chất ấy từ một người từng đối diện với cái chết trong chớp mắt, gia nhập Hải Quân Hoa Kỳ năm 18 tuổi và có 20 năm phục vụ, hiện đang là thẩm phán di trú (immigration adjudicator.) Tôi hỏi bà liệu có một tính cách nào ở mình mà bà chỉ phát hiện ra khi tham gia trò chơi Squid Game không?
Bà trả lời: “Tôi nghĩ tính cách của tôi là kiên cường, quyết tâm và chính trực. Tôi không muốn đi lòng vòng vì tôi muốn bảo đảm rằng mình có thể vượt qua bất cứ điều gì cản đường mình. Phần lớn trong cuộc chơi là nỗi sợ hãi. Nhưng sau đó, tôi giải thoát nỗi sợ hãi của mình bằng cách khóc rất nhiều vì tôi nghĩ rằng khóc sẽ giúp ích cho quyết định của tôi, bởi vì nó khiến tôi phải nhìn lại, suy định lại mình đang làm gì? Tôi làm điều đó đúng, hoặc tôi sẽ không làm điều sai. Vì vậy, tôi ‘ngoái đầu nhìn lại,’ để làm điều đúng hoặc phải làm gì để tránh sai lầm.”
Số tiền thưởng ngày càng tăng. (Hình: Netflix cung cấp)
Tôi cho rằng, những phẩm chất mạnh mẽ của một cựu quân nhân, cộng với kinh nghiệm chuyên môn sắc bén của một thẩm phán di trú đã là những yếu tố không nhỏ góp phần cho chiến thắng của bà Mai Whelan.
Bà đồng ý, và nói thêm: “Gần như là như thế. Tôi nghĩ vượt qua sự sợ hãi không bị bắn vào đầu lúc 8 tuổi, hoặc tinh thần đồng đội, tình bạn khi ở trong Hải Quân, làm tính cách tôi trở nên mạnh mẽ và khi vào cuộc chơi, nó giúp tôi trở thành một đồng đội. Tất cả những điều đó, kết hợp lại, nó thật sự giúp tôi vượt qua tất cả thử thách và lao tới để dành chiến thắng.”
Dù “Squid Game: The Challenge” chỉ là một gameshow, kết thúc của mỗi người là đi tiếp hoặc rời cuộc chơi, nhưng không thể chối cãi, sự cạnh tranh mỗi ngày một quyết liệt. Tinh thần “chơi đến cùng,” phải là người chiến thắng hiện rõ trên gương mặt, cử chỉ, ánh mắt, kể cả hơi thở của từng người chơi.
Đặc biệt càng vào vòng trong, số tiền trong trái cầu thủy tinh càng đầy vun. Nó đồng nghĩa với động lực của người chơi càng to lớn. Trò chơi đòi hỏi người tham dự phải vô cùng sáng suốt trong những quyết định, đôi khi đó là những quyết định “tàn nhẫn.” Vì chính từ những quyết định đó, họ phải mất đi một điều gì đó.
Cách bài trí và hình thức chơi của gameshow không khác nhiều so với phim “Squid Game.” (Hình: Netflix cung cấp)
Thí sinh mang số 287 không ngoại lệ. Tôi hỏi bà rằng, bà đã có gì và mất gì sau khi cuộc chơi kết thúc. Bà nói: “Điều mà tôi mất là sự thân mật, gần gũi với những người chơi khác. Nhưng tôi đã có trở lại điều đó khi liên lạc với mọi người sau trò chơi và chúng tôi có những cuộc trò chuyện bình thường. Tôi có thể là chính tôi, thư giãn và vui vẻ với bạn bè mà tôi đã gặp trong gameshow.”
“Đừng bi quan”
Đặc biệt, ngoài số tiền thưởng giá trị $4.56 triệu, điều mà bà đã mang về nhà khi rời khỏi phim trường Wharf Studios, London, Anh, đó là “tinh thần thoải mái” – bà trả lời và bật cười: “Tinh thần của tôi. Tôi đã có lại một sự thoải mái, không cần phải lo lắng ai là người bị loại kế tiếp, ai chiến thắng cuộc chơi. Cho nên, cơ bản đó là cuộc sống thoải mái.”
Tôi hoàn toàn tin điều này, vì trước mặt tôi, là không phải là số 287 có mái tóc dài cột vội vã, một tinh thần thép đến lạnh lùng trong “Squid Game: The Challenge.” Trước mặt tôi là một phụ nữ có nụ cười rực rỡ, chia sẻ về quan điểm sống tích cực của bà.
“Tôi sống cuộc đời đơn giản. Với những người tôi gặp gỡ trong cuộc đời, tôi luôn tin tưởng, gạt bỏ sự nghi ngờ dù biết người đó có thể đang nói dối. Và nếu họ xâm phạm lòng tin của tôi, tôi không cần phải gặp hay giao tiếp với họ nữa. Trong cuộc sống của tôi, tôi tin tưởng tất cả mọi người một cách khó tin đấy, và nếu họ làm tổn thương lòng tin của tôi, tôi chỉ là không muốn làm gì thêm với họ nữa,” bà nói.
Ba người vào chung kết cuộc chơi. Bà Mai Whelan (giữa) mang số 287. (Hình: Netflix cung cấp)
Giờ đây, mọi người có thể gọi bà Mai Whelan là một triệu phú. Nhưng với số tiền thưởng $4.56 triệu, bà vẫn không nghĩ đến chuyện về hưu. Bà nói: “Với tình hình kinh tế thế giới hiện nay, thì triệu đô chỉ có thể cho bạn nghỉ hưu nếu bạn sống một cuộc sống rất đạm bạc. Tôi muốn làm một số việc ý nghĩa với số tiền đó, như cải tạo ngôi nhà nhỏ, sau đó quyên góp cho các tổ chức nỗ lực cứu trợ động vật và biến đổi khí hậu.”
“Chúng ta phải đối diện với cuộc sống với cái nhìn tích cực. Đừng bi quan. Đừng tiêu cực. Mọi chuyện đều có thể xảy ra,” bà nói.
Trò chơi cuối cùng quyết định mang về cho bà Mai Whelan giải thưởng trị giá $4.56 triệu là trò chơi “Rock, Paper, Scissors” mà người Việt Nam thường hay gọi là “Oẳn Tù Tì.” Tôi hỏi bà có nhớ tiếng Việt gọi là gì không?
Bà mỉm cười, khẽ nói: “Không, tôi không nhớ…”
Tôi kết thúc cuộc trò chuyện với triệu phú mới của khu vực DMV, bà Mai Whelan, bằng cách chỉ cho bà nói ba chữ: “Oẳn Tù Tì.”
Kalynh Ngô
Theo Người Việt online ngày 13/12/2023
Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com
Be the first to comment