Dòng xe bị Google Maps dẫn lạc đường. (Ảnh chụp màn hình video của cô Shelby Easler)
Cổ nhân có câu “Trường Giang hậu lãng thôi tiền lãng,” (Trường Giang sóng sau đè sóng trước,) không chỉ con người, mà các thành tựu khoa học cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Từ khi có ứng dụng chỉ đường Google Maps được xài free rộng rãi trên smartphone, dường như Google Maps đã “đè” công cụ dẫn đường cổ lỗ sĩ là bản đồ thực địa in trên giấy, GPS Navigator lẫn Apple Maps.
Phàm ở đời cái gì miễn phí mà xài tốt tất nhiên ai cũng hưởng ứng, và Google Maps là một thí dụ. Người dùng không cần phải bỏ tiền ra mua bản đồ giấy, không cần phải đi đâu cũng “vác” cuốn sổ in bản đồ kè kè theo mình, và học định hướng Đông Tây Nam Bắc rất nhiêu khê. Đầu năm 2016, tôi mua cái GPS Navigator hiệu Garmin giá $150, và bây giờ tôi “vô cùng đau lòng” khi kiểm tra giá bán trên trang Amazon, thấy hạ xuống còn $102.
Từ lúc sử dụng GPS Navigator thì tôi thấy tôi bị ngu hẳn đi khi mà khả năng xác định phương hướng của tôi “nhẵn lì”. Mà xác định phương hướng NEWS để làm gì nếu ta cứ theo hướng mũi tên màu hồng trên GPS mà thẳng tiến? Bản đồ GPS có sẵn North và South luôn, đi tới đâu nó hiện chữ lên tới đó.
Ngày nay, trừ các ông bà quá già lão không biết English, phần lớn người nào cũng cầm trong tay một cái smartphone “đa chức năng”, trong iPhone còn có luôn Apple Maps xài miễn phí nữa. Nhưng ngay cả Apple Maps cũng bị người dùng iPhone chê, vì nó không cụ thể hóa điểm đến bằng hình ảnh nhận diện “bản mặt” ở đích, thí dụ hình tòa nhà, cửa tiệm hay công viên. Apple Maps chỉ đường cho xe hơi, không chỉ đường cho người đi bộ, người đi xe đạp, đi xe bus, đi máy bay một cách chi tiết như Google Maps, Google Maps nó lại còn chỉ đường bằng 160 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt “Hà Nội mới”. Một ứng dụng miễn phí và giàu tiện ích như Google Maps thì ai mà chê nữa.
Tuy nhiên, có ở trong “chăn” mới biết “rận” trở chứng như thế nào. Tôi đã nghe không dưới 2 lần 2 người quen (ở Little Sài Gòn) kể họ bị Google Maps “trác” bằng cách dẫn vô các khu đất hoang không có đường đi, kinh khủng hơn lại rơi vô thời điểm ban đêm tối thui không biết hướng nào để trở ra, phải gọi điện thoại về cho người nhà mở máy tính ngồi trước bản đồ rồi “dẫn đường” bằng công cụ “GPS miệng”.
Thời gian tôi mới định cư ở Little Sài Gòn, có lần tôi lái xe từ nơi ở tới tiệm Costco (quãng đường mất khoảng 20 phút,) nhưng lúc đó tôi không biết đường đi, và tôi đang lái xe thì điện thoại mất sóng. Tôi bị lạc đường, mất hơn một giờ đồng hồ mới tới nơi. Vì vậy, cho tới hôm nay, tôi luôn đem theo GPS Navigator trong xe. Cứ 6 tháng tôi lại gắn nó vô máy tính để “up date” bản đồ mới cho nó, dù hiện nay tôi đã quen đường sá, thỉnh thoảng mới dùng nó. Nếu xét về khả năng bắt sóng thì GPS Navigator tốt hơn smartphone do GPS dùng sóng vệ tinh, ít ra với tôi GPS không hề bị trục trặc.
Cũng vì những tiện ích trên mà phần lớn người dùng “ỷ y” vô smartphone đang cầm trên tay và Google Maps. Đùng một cái, kẻ dẫn đường “hùng bá thiên hạ” mang tên Google Maps ngày 19 Tháng Mười Một (2023) đã “chơi trác” người dùng, bằng cách gởi cho họ các hướng dẫn để đi giữa Los Angeles và Las Vegas trên những con đường vòng sa mạc nguy hiểm, hóa ra là con đường dẫn đến “hư không”, khiến nhiều người bị mắc kẹt ở nơi hoang vắng không có lối ra. Mãi tới ngày hôm qua (Nov 28, 2023, sau khi xảy ra sự việc tới 8 ngày) Google mới đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân bị lạc đường.
Nhằm tránh một cơn bão bụi cuốn qua freeway I-15 giữa SoCal và Vegas, cô Shelby Easler và gia đình đã chọn một tuyến đường vòng trên đường trở về L.A. để né freeway I-15. “Chúng tôi nghĩ sẽ an toàn hơn nếu tránh được cơn bão bụi. Đó là một tuyến đường thay thế sẽ giúp bạn tiết kiệm được 50 phút.” “Chúng tôi đã đi trên những con đường thực tế, lái xe qua những ngọn núi trong ít nhất 2 giờ đồng hồ.” Cô Easler nói với đài truyền hình KTLA 5. Google Maps đã dẫn họ tới một con đường ở sa mạc Nevada xa xôi.
Cuối cùng họ đến gần Kingston Peak, trên một con đường đất trải nhựa và họ phát hiện họ không đơn độc. Hàng trăm người khác dường như đã đi theo con đường tương tự. Trong một video Easler đăng lên TikTok, có thể thấy một hàng dài xe hơi đang hì hục di chuyển một cách vất vả trong “chuyến phiêu lưu địa hình” bất ngờ và không được chào đón.
Cùng ngày hôm đó, các nạn nhân khác, mà chúng ta có thể biết tên 2 người, là cô Gillian và anh David Strull (chồng cô Gillian). “Tôi nghĩ rằng nếu chúng tôi bị kẹt xe, bằng cách này hay cách khác, tôi chỉ muốn đi trên con đường mà tôi biết nó sẽ kết thúc ở đâu.” Anh David nói với KTLA 5 sau khi được cứu thoát.
Điều dở khóc dở cười là họ không biết họ đi lạc khi họ nhìn thấy trên đường họ đi có dòng xe cộ đông đúc đang di chuyển, cho tới khi tất cả “hội ngộ” với nhau ở một nơi không có lối ra và mọi người hiểu ra rằng tất cả đều bị đi lạc.
Xe của cô Easler bị hư hỏng, sắp bị bung vỏ hai bánh sau do địa hình gồ ghề gây nên. May mắn thay, họ được cứu giúp kịp thời, và người ta kéo xe của cô Easler ra khỏi khu vực nguy hiểm đó. Họ là những người may mắn khi được cứu giúp kịp thời.
Tuy nhiên, thời gian qua có những người không được may mắn như vậy.
Tháng Bảy năm 2023, người ta tìm thấy một người đàn ông đã chết trong xe của ông ta, ở Công viên Quốc gia Thung lũng Chết (Death Valley National Park). Cảnh sát trưởng Quận Inyo và Văn phòng Điều tra viên Quận Inyo kết luận rằng người đàn ông bị hư xe, máy lạnh xe cũng hư, và ông này chết vì nắng nóng, nhưng không nói rõ tại sao nạn nhân lại không gọi cấp cứu. Tôi nghĩ rằng điện thoại của nạn nhân bị mất sóng hoặc hết pin.
Tháng Sáu năm 2022, ông David W. Kelleher ở Huntington Beach đã thiệt mạng tại công viên nói trên sau khi hết xăng và cố gắng đi bộ để tìm kiếm sự giúp đỡ trong thời tiết nắng nóng. Nhân viên của công viên cho biết họ tìm thấy ông David W. Kelleher cách xe của ông gần 3 dặm, và trên chiếc xe có mảnh giấy ghi chữ “Hết xăng”.
Một trường hợp khác là ông John McCarry, 69 tuổi, ở Long Beach, được tìm thấy đã tử vong ở Thung lũng Panamint vào ngày 1 Tháng Sáu, cùng năm 2022.
Các nhân viên kiểm lâm công viên khuyên mọi người nên đợi bên cạnh chiếc xe bị hư của mình thay vì cố gắng đi bộ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ cũng khuyên bạn nên tránh đi bộ đường dài ở độ cao thấp sau 10 giờ sáng, đi bộ trong khoảng cách gần máy điều hòa, uống đủ nước và ăn đồ ăn nhẹ nhiều muối. Các quan chức của Đội tuần tra đường cao tốc California khuyên mọi người nên đi theo những tuyến đường chính, quen thuộc.
Những lời khuyên rất thực tế và hữu ích.
Tôi lái xe ở Little Sài Gòn và các thành phố phụ cận, ban đêm nếu không nhìn vô bản đồ GPS thì tôi thường bị đi lạc hoặc đi lố. Ngay cả đường từ nhà tôi ở tới trung tâm Little Sài Gòn, giữa ngày và đêm, quang cảnh hiện ra trước mắt tôi thật khác xa “một trời một vực”, thời gian đầu tôi cứ tưởng GPS chỉ lộn đường. Bây giờ, nếu làm biếng cắm dây GPS thì tôi chỉ lái trên các đường quen thuộc mà thôi.
Tạ Phong Tần
Theo baotreonline.com ngày 9/12/2023
Be the first to comment