Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành: Trả Lại Sự Thật Cho Lịch Sử

Năm 2013, linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành nhận được lời đề nghị tiếp nối việc giúp đỡ cho các quý ông TPB-VNCH từ hòa thượng Thích Không Tánh. Lúc đó sức của chùa Liên Trì không còn đủ để lo cho các quý ông TPB-VNCH nữa, vốn số lượng tăng lên ngày càng nhiều, cũng như các cuộc ngăn cản của công an tại chùa Liên Trì, Thủ Thiêm, khi đó ngày càng gắt gao hơn.

Linh mục Phạm Trung Thành nói rằng lúc đó, ông chợt nhận ra một sứ mạng lớn phải theo đuổi, không chỉ là việc giúp đỡ cho kẻ khó, mà như ông tâm tình dưới đây, đó là một hành trình lên tiếng cho sự thật và công bằng.

Và rồi chương trình tri ân “Bên nhau đi nốt cuộc đời” bắt đầu và ngày càng lớn mạnh. Hàng ngàn người đã tìm đến Phòng công lý và hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, Sài Gòn. Những món quà được trao đi, những bữa cơm thân tình chia sẻ và những niềm vui hiếm hoi sau hàng chục năm, ngày miền Nam Việt Nam được “giải phóng”. Nhưng điều lớn lao hơn là những con người từ lịch sử của một cuộc chiến tranh gặp nhau, thanh thản vì thấy mình được trả lại phẩm giá, được sống với sự thật và danh dự.

Trong cuộc trò chuyện với linh mục Phạm Trung Thành vào cuối năm 2018, có lúc ông ngừng lại một chút vì điện thoại, rồi sau đó quay sang cười lớn “an ninh nào đó cảnh báo rằng sân nhà thờ treo cờ hoàng kỳ, nhưng đâu có, chỉ là những băng rôn có mai vàng mừng Tết thôi”. Gương mặt ông lúc nào cũng vậy, cười vui và thanh thản với mọi thứ ập đến.

Và ngay trong phần trả lời về những điều xấu nhất có thể đến, ông vẫn luôn xen kẻ bằng nụ cười hiền lành của mình. An nhiên.

Đây đã là năm thứ 6 của chương trình Tri ân TPB-VNCH “Bên nhau đi nốt cuộc đời”, đến năm nay thì chương trình đã có những điều gì đáng lưu ý, thưa Cha?

Lm Phạm Trung Thành: Mỗi năm, chi phí cho hoạt động này mỗi năm lại tăng. Thí dụ năm 2106 là 21 tỷ, đến năm 2017 đã là 26 tỷ. Đến hôm nay, vừa rồi chúng tôi tổng kết là 28 tỷ. Con số tăng nói lên một điều là người đến tham gia mỗi ngày một nhiều. Việc này đồng nghĩa với việc những người góp sức thực hiện chương trình này cùng chúng tôi cũng đã biết đến chương trình nhiều hơn để tiếp cận.

Chỉ là những hoạt động mang tính từ thiện, nhưng theo Cha, vì sao nhà cầm quyền lại tìm nhiều cách, hết lần này đến lần khác ngăn cản chương trình TPB-VNCH, thậm chí nối kết với các tỉnh xa để ngăn chận?

Lm Phạm Trung Thành: Phải nói là nhà nước này không tiết kiệm một lực lượng nào, một ảnh hưởng nào, sức mạnh nào… để can thiệp điều họ không thích. Tôi rút ra được điều này từ việc sống 44 năm dưới chế độ cộng sản. Họ không muốn một tập hợp nào, một thành phần nào lớn lên, mạnh lên mà không thuộc hệ thống của họ. Bất cứ điều gì tập hợp, phải thuộc về họ như Đoàn thanh niên của họ, Hội phụ nữ của họ, Hội luật sư của họ…

Nhưng phải nói là cái gì hiện nay mà đụng đến chế độ VNCH là họ rất sợ. (cười) Cho dù đó là những ông đã què cụt hay đui mù, già yếu gì đó thì họ cũng rất sợ.

Nhưng cũng không thể phủ nhận là chính quyền rất sợ những hoạt động của tôn giáo nói chung, đặc biệt lúc này là giới Công giáo. Một phần thì người theo đạo đã nhiều, và bên cạnh đó còn có phần là họ thấy mình không đủ sức kiểm soát được đám đông này.

Trực diện mà nói thì riêng nhà Dòng chúng tôi cũng bị coi là có “vấn đề” với chính quyền do chúng tôi luôn lên tiếng trước bất công, luôn suy nghĩ độc lập… Với những điều nói trên, họ ra sức đánh phá nhưng nhiều năm qua, với nhiều hình thức, nhiều cách… họ đã không thành công trong việc ngăn cản. Nhưng dù vậy, công việc chăm sóc các quý ông TPB-VNCH ngày càng rộng, ngày càng sâu hơn.

Chúng tôi được kể lại nhiều chuyện mà họ ngăn cản. Tệ nhất là họ chọn tấn công từ phía các quý ông từ chính quyền địa phương nơi các quý ông cư ngụ. Nhưng càng ngày càng không thành công do nhiều ông đã thoát ra được nỗi sợ hãi thường ngày để ghi danh và tham gia chương trình này.

Gần đây râm ran tin đồn là nhà cầm quyền ở Sài Gòn đã rất khó chịu, muốn chấm dứt các hoạt động TPB-VNCH tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Thậm chí có tin họ là sẽ tìm cách cho chương trình ngừng hoạt động trong năm 2019 này, theo Cha nghĩ, mọi thứ sẽ còn được tiếp tục bình yên không, trong năm nay?

Lm Phạm Trung Thành: Khi nãy anh nói một ý về hoạt động từ thiện của chúng tôi. Nhưng tôi xin phép được nói thêm đôi chút về chuyện này.

Với tư cách là linh mục, và là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chúng tôi không coi công việc chúng tôi đang làm là chuyện từ thiện.

Nghĩa là, với chúng tôi từ thiện là chia sẻ, nâng đỡ về vật chất cho những người kém may mắn nhưng hiện tại, chúng tôi coi đây là sứ mạng của nhà Dòng, của anh em chúng tôi trong việc đi nói lên sự thật, nói lên lẽ phải và trả lại công bằng cho những người bị tước đoạt. Chúng tôi không đơn thuần gây quỹ, chi tiền, giúp cư trú… Những việc đó chỉ là một phần thôi, vì chúng tôi không phải là một tổ chức hoạt động từ thiện, chúng tôi làm vì sứ mạng công bố một sự thật. Chúng tôi phải tiếp tục, phải làm theo sức cúa mình.

Sự thật là những con người đó không có tội. Sự thật là những người đó không “ngụy” như lời tuyên truyền. Lúc này là lúc cần phải trả lại sự công bằng cho họ. Hơn nữa là phải cám ơn họ, tri ân họ, vì họ đã hy sinh một phần thân thể cùng tuổi thanh xuân của họ cho sự bình an của Miền Nam Việt Nam.

Có vẻ như các Cha đang rất cô đơn trong xã hội này, dù chỉ khởi đi bằng lòng yêu thương. Hiện tình đất nước cho thấy những gì làm trái ý nhà nước độc tài, thường đem lại những kết quả rất xấu. Và liệu khi điều xấu nhất đến, thưa Cha, mọi người đã chuẩn bị gì cho bối cảnh đó?

Lm Phạm Trung Thành: Chúng tôi luôn luôn sẳn lòng đối diện với mọi sự khó khăn. Vì đó cũng là điều căn bản trong sự dấn thân mà chúng tôi đã chọn. Trong cuộc đời của chúng tôi, Chúa chưa bao giờ hứa hẹn cho chúng tôi sự vinh quang của trần gian này, nhưng Chúa lại chỉ rõ nơi đến của thập giá và nỗi khổ đau. Thậm chí, lúc này Chúa hứa hẹn những khung cửa hẹp, những sự bắt bớ những không phải là con đường thênh thang dễ bước.

Nếu không dám chọn đối diện, chúng tôi đã không chọn làm linh mục, không chọn Tin mừng để đi.

Điều quan trọng mà tôi đã thưa chuyện với anh, là chúng tôi đi để công bố một sự thật, lấy lại sự công bằng cho những con người đã bị tước đoạt. Chúng tôi luôn tin rằng nếu đó là việc của Chúa thì không ai có thể phá được. Còn nếu đó không phải là việc của Chúa, tức nó sẽ bị tiêu diệt. Tôi vừa mới nói với anh em cộng tác viên của chương trình TPB-VNCH là chúng ta không cần lo gì cả khi phụng sự ý Chúa. Nếu đây là điều mà chúng ta tạo dựng để tìm tên tuổi hay quyền lợi cho riêng chúng ta – thì tự chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn tin rằng mình sẽ đối diện với khó khăn nhưng sẳn lòng chấp nhận và tin, và hy vọng.

Nếu Chúa đóng cánh cửa này, thì ắt sẽ mở một cánh cửa khác. Những gì đã diễn ra trong những năm qua, đều chứng minh rõ như vậy.

Tuấn Khanh

3 Comments

  1. Linh mục Phạm trung Thành với tựa đề ” Trả lại cho lịch sử “cũng như cô giáo miến Bắc Thảo Dân ” Bên nhau đi suốt cuôc đời ” đăng trong số báo nầy cho thấy tâm tình về sự thật của các TPB/VNCH là họ bị đầy aỉ còn tệ hơn những người lính hay dân còn may mắn hơn trong chiến tranh!
    Chùa Liên-Trì hay sau đó đến DCCT dều tâm niệm như nhau là “Bên nhau đi suốt cuộc đời” nên quý vị chính yếu trong Ban Tổ Chức hành động hơn là dùng ngôn ngữ! Trái lại thì một vài người trên diễn đàn không biết có dấn thân hay không nhưng rất cay ngfhiệt với các vị tu sĩ mà không cần hiểu sự vận hành của các tôn giáo như thế nào về việc điều hành Giáo-hội!
    Một điều cũng rất khó hiểu là các vị tình nguyện có nên tiếp tục vô tình tạo lý cớ để csvn đàn áp? Tỷ dụ y phục, các màn màn trình diển có cần phải đạc thù để csvn lấy lý do ngăn cấm? TPB/VNCH có cần nhìn lại Quân phục hay nghe những bài hát cho thời chiến? Hay TPB/VNCH chỉ cần nghe tâm tình biết ơn, nhận vài viên thưốc trị bịnh, một vài phương tiện vật chất khiêm nhường mổi năm 1 lần như là món quà ân tình từ bốn phương?
    Phải chăng sự vô tình của các bài trên diển đàn hay hành xử của các thiện nguyện viên đã là lý cớ để csvn cấm cản ” Bên nhau đi suốt cuộc đòi ” vố đã ” gảy gánh”?

    • Bạn còm có lý ,nhũng liên hệ về Quần áo hay bài hát của Vnch làm csvn ngứa mắt ,đây là sự vô tình tiếp tay với csvn triệt đường sống của các thương binh Vnch ,tốt hơn nên hạn chế sự khiêu khích bằng các bộ đồ lính ngày xưa ,đều quan trong là giúp đỡ các anh ,khỏi cần phô trương về hình thức ,chúng ta cần csvn để yên cho các Cha làm nhưng đều tốt đẹp cho các anh tpb Vnch ./

  2. Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành dòng CCT.Một người mà tôi quý mến.Tên sao thì người vậy,tốt đạo đẹp đời là nguồn sống của người Công Giáo Việt Nam.Những LM DCCT đã ảnh hưởng đậm nét vào đời sống đạo của tôi.Khi còn trẻ đi học tại mọt xứ đạo nghèo cầy lên sỏi đá miền trung,có lẽ những vị LM dòng CCT đã là nguồn cảm hứng của chúng tôi vào những dịp Phục Sinh trong những bài giảng tuần đại phúc . . .Các Linh mục dòng CCT giảng rất hay mà lại có nghệ thuật thu hút,cảm hóa người nghe đánh động được lý trí tình cảm cuẢ CON NGƯỜI YẾU ĐUỐI MỎNG DÒN,bài giảng bác thang lên hỏi Ông Trời ba ngày liên tục tai sân vận động Quảng Ngai cả chục ngàn người nghe của LM Nguyễn văn Vàng cứ đi theo tôi mãi mãi,rồi những bài học nghệ thuật hùng biện tại khóa học căn bản CTCT tai đai hoc CTCT Đà Lạt cứ ám ảnh tôi.Cảm đông hơn nũa khi DCCT phát động bên nhau đi nốt cuộc đời.Là người lính cầm sung giữ quê hương, ai mà không cảm động và sót xa cho thân phận người thương phế binh VNCH.Một bông hồng đep cho dòng CCTVN.Mới đay tôi nghe hội luận cà phê đá hàng tuần của Cha Vũ và Thanh tôi lại càng thương và thông cảm vói dòng CCT,yêu người nghèo đã khó mà yêu những người nghèo bị xã họi CSVN đặt ra ngoài vòng pháp luật thì lại càng khó hơn.Tôi cầu nguyện cho các cha thêm tuổi thêm khôn ngoạn đạo đức,để đem đạo vào đời . . .Amen . . ./-

Leave a Reply to Binh Nguyen Cancel reply

Your email address will not be published.


*