Mai Hương là một trong những nữ ca sĩ xuất sắc nhất của tân nhạc Việt Nam kể từ thập niên 1950. Giọng hát phảng phất nét sang cả với một âm vực đặc biệt của bà gắn liền với dòng nhạc tiền chiến và trữ tình mang tính chất thính phòng có giá trị trường tồn với thời gian, những ca khúc của Phạm Duy, Văn Cao, Hoàng Trọng, Văn Phụng, hoặc là của người chú ruột Phạm Đình Chương.
Ca sĩ Mai Hương tên thật là Phạm Thị Mai Hương, được sinh ra trong một đại gia đình nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhất cho nền nghệ thuật Việt Nam. Cha của bà là Phạm Đình Sỹ, dù là một công chức nhưng yêu thích nghe thuật và vợ là Kiều Hạnh phụ trách, trông nom ban Tuổi Xanh nổi tiếng Sài Gòn thập niên 1950-1960. Ông Phạm Đình Sỹ cũng là anh ruột của những tên tuổi huyền thoại trong ban hợp ca Thăng Long, đó là Hoài Trung – Phạm Đình Viêm, Hoài Bắc – nhạc sĩ Phạm Đình Chương và 2 đệ nhất danh ca là Thái Hằng – Thái Thanh.
Mẹ của Mai Hương là nữ kịch sĩ kỳ cựu Kiều Hạnh, quê gốc ở Hà Nội, từng được Bộ Thông tin VNCH trao tặng danh hiệu Nữ kịch sĩ xuất sắc nhất về Thoại kịch vào năm 1956.
Ông Phạm Đình Sỹ là công chức thuộc ngành thuế nên được hoán đổi công tác nhiều nơi. Tại Đà Nẵng ông gặp và cưới bà Kiều Hạnh, 2 chị em Mai Hương và Bạch Tuyết lần lượt được sinh ra ở Đà Nẵng vào năm 1941 và 1943. Sau đó ông Sỹ chuyển công tác ra Huế công tác được một thời gian ngắn thì cách mạng bùng nổ, cả gia đình trở lên miền thượng du Bắc Việt, vùng Cao – Bắc – Lạng. Năm 1947, tại Lạng Sơn, ca sĩ Mai Hương có thêm người em trai tên là Phạm Lang Sơn.
Đến năm 1951, gia đình ông Phạm Đình Sỹ mới trở về Hà Nội, cuối năm 1952 di cư vào Sài Gòn sống cho đến năm 1975.
Tại Sài Gòn, ca sĩ Mai Hương theo học tiểu học ở trường đạo Thánh Linh tư thục, sau khi trường Nguyễn Bá Tòng được thành lập thì Mai Hương chuyển sang học khóa đầu tiên vào năm đệ lục. Đây đều là 2 trường đạo, nhưng Mai Hương cho biết bà không có đạo mà chỉ theo đạo thờ ông bà.
Ông Phạm Đình Sỹ tiếp tục là công chức ở Sài Gòn, còn bà Kiều Hạnh là gương mặt thường xuyên trên các sân khấu kịch, tham gia ban kịch vô tuyến Quốc gia trên đài phát thanh Pháp Á.
Tuy có mẹ là nữ kịch sĩ nổi tiếng, nhưng ca sĩ Mai Hương không theo nghề của mẹ, mà lại ảnh hưởng nhiều hơn từ cô chú ruột và có năng khiếu về tân nhạc từ nhỏ. Khoảng năm 1954, Mai Hương được cô là danh ca Thái Thanh khuyến khích tham gia cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tổ chức.
“Lúc đó tôi được cô ruột là cô Thái Thanh khuyến khích ghi tên vào chương trình thi tuyển lựa tài tử dưới thời ông giám đốc đài phát thanh Pháp Á chương trình Tiếng Việt là ông Hoàng Cao Tăng, hát bài Chú Cuội của Phạm Duy. Vào đến chung kết mà qua 4 thời kỳ như vậy là cũng không phải dễ. Qua thời kỳ thi tuyển, tôi trúng tuyển ngay. Tuần tự như vậy vào chung kết, cô Thái Thanh tập cho bài Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối, lời Thế Lữ. Tất cả mọi người ngồi ban giám khảo nói rằng một con bé 12 tuổi hát bài ấy là quá khó, thế là chấm đậu luôn.” (Mai Hương chia sẻ trên đài RFA)
Cũng trong thời gian đó, đài Pháp Á thành lập Thiếu sinh nhi đồng được danh ca Minh Trang phụ trách. Lúc ấy Minh Trang vừa hát, vừa là xướng ngôn viên tiếng Pháp cho đài Pháp Á bận rộn không có nhiều thời gian, nên ngỏ ý nhờ vợ chồng bà Kiều Hạnh phụ trách giúp. Từ ban thiếu nhi tên là Thiếu sinh nhi đồng, ban đầu có vài thành viên ít ỏi là Mai Hương, Đào Nguyệt Ánh, Anh Minh (con trai của Minh Trang), sau khi được Kiều Hạnh phụ trách thì ban này đổi thành ban Tuổi Xanh để mở rộng hơn độ tuổi, nhận thêm nhiều thành viên nổi tiếng, như là chị em Bích Chiêu, Tuấn Ngọc vừa xuống từ Đà Lạt, sau đó có thêm những thành viên mượn từ ban Việt Nhi là Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm,… và Quốc Dũng (sau này là nhạc sĩ).
Vì Mai Hương là thế hệ đầu tiên của Ban Tuổi Xanh, lại lớn tuổi nhất nên phụ mẹ hướng dẫn, luyện hát cho các em mỗi khi chuẩn bị lên hát ở các đài phát thanh, truyền hình.
Có 2 nhạc sĩ giúp bà Kiều Hạnh phần ban nhạc mỗi khi thu thanh, đó là Võ Đức Tuyết và Hoàng Lang, là những người có ban nhạc riêng, thường phụ trách nhạc trên đài phát thanh. Hai ông nhạc sĩ biết Mai Hương từ nhỏ, sớm nhận ra tài năng của cô gái mới 15-16 tuổi nên giới thiệu sang hát cùng ban người lớn trên đài phát thanh. Nhờ tham gia các ban nhạc của Võ Đức Tuyết và Hoàng Lang cùng với những tên tuổi thượng thặng của nền tân nhạc lúc đó là Anh Ngọc, Duy Trác, Nhật Bằng, Kim Tước, Mộc Lan, Châu Hà…, ca sĩ Mai Hương bắt đầu được biết đến nhiều hơn, được các trưởng ban nhạc để ý đến, lần lượt xuất hiện trong nhiều ban khác, như Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc, ban Phương Hoa của Vũ Thành, ban Hương Quê của Hoàng Trọng…
Mai Hương và em gái Bạch Tuyết
Song song với thời gian cộng tác với các chương trình ca nhạc nhi đồng, rồi các ban người lớn, ngoài việc học ở trường Nguyễn Bá Tòng thì Mai Hương theo trường Quốc Gia Âm Nhạc được khoảng 3 năm, dưới sự hướng dẫn của những giáo sư tên tuổi: học violon với thầy Nhiên, ký âm pháp với thầy Nguyễn Cầu, đàn tranh với thầy Nguyễn Hữu Ba và hợp xướng với thầy Hải Linh. Vì bận thi tú tài 1 nên phải bỏ dở dang việc học nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, tuy nhiên Mai Hương cũng đã lĩnh hội được căn bản vững vàng về nhạc lý để dễ dàng hát cùng các ban nhạc trên đài phát thanh.
Mai Hương được hầu hết đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý, nên khi vào hát trong đài phát thanh ngay từ khi còn rất trẻ, bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được và phối hợp rất ăn ý với ban nhạc, chứ không cần phải tập dượt trước như nhiều ca sĩ khác.
Dù là một giọng ca nổi tiếng và được đánh giá cao, nhưng khi còn ở Việt Nam, bà ít khi xuất hiện trước khán giả, hầu như không đi hát ở vũ trường, vì theo bà, muốn nghe nhạc với lời hay ý đẹp, không nên nghe lúc khiêu vũ để tập trung vào tinh thần của nhạc phẩm. Chỉ có lần duy nhất Mai Hương hát ở phòng trà, đó là vì nể lời mời của Khánh Ly vào năm 1970, bà ký hợp đồng 6 tháng để hát ở phòng trà Tự Do.
Tên tuổi Mai Hương được biết đến nhiều chủ yếu là từ các chương trình phát thanh và truyền hình. Ngoài đài phát thanh Pháp Á và Đài Phát Thanh Sài Gòn, bà còn hát trên những đài Quân Đội và Tiếng Nói Tự Do, đài Truyền Hình Việt Nam, cộng tác với hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng vào thời đó với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quí Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành…
Mai Hương và hai chú Hoài Trung (trái), Hoài Bắc
Mai Hương từng tâm sự: “Khán thính giả của tôi đại đa số là người lớn tuổi. Đó là điều dĩ nhiên vì giọng hát của mình là giọng hát cũ, bài hát mình cũng là bài hát cũ thì đương nhiên đối tượng của mình cũng phải là lớp khán giả đó, lớn tuổi và yêu loại nhạc tiền chiến”.
* * *
Ca sĩ Mai Hương lập gia đình với ông Trương Dục, một công chức tùng sự tại Nha Hàng Không Dân Sự. Bà từng cho biết là chỉ quen biết chồng được 3 tháng trước khi tổ chức lễ thành hôn tại nhà hàng Đồng Khánh vào ngày 17 tháng 9 năm 1961.
Đôi tân hôn
Nhưng sau tròn 60 năm chung sống, Mai Hương đã hoàn toàn tìm được hạnh phúc trọn vẹn bên chồng và 4 người con, gồm 1 trai và 3 gái. Không có ai trong số 4 người con của họ đi theo con đường của mẹ. Mai Hương cùng chồng và 4 con rời Việt Nam vào ngày 22 tháng 4 năm 1975. Sau một tuần ở đảo Guam, cả gia đình sang thẳng Nam California, tạm trú tại trại Pendleton một thời gian ngắn trước khi bắt đầu một cuộc sống mới trên xứ người. Chỉ một năm sau, Mai Hương đã được mời đi hát ở thành phố New Orleans.
Gia đình trẻ
Cũng trong năm 1976, Mai Hương đã được mời hát tại thành phố Seattle với những nhạc phẩm gắn liền với cô trước 1975 là “Giòng Sông Xanh” và “Giấc Mơ Hồi Hương”…
Vào năm 1980, băng nhạc đầu tiên của Mai Hương được phát hành tại hải ngoại mang tựa đề “Giấc Mơ Hồi Hương” do Trung Tâm Trường Hải thực hiện, một thời gian sau thì băng nhạc này được trung tâm Tú Quỳnh đưa vào CD, cho đến nay vẫn được nhiều người đặt mua. Tổng cộng có tất cả trên 10 CD với tiếng hát của Mai Hương đã được phát hành, trong số đó có CD “Tìm Nhau Bốn Mùa” được bà hát chung với Kim Tước và Quỳnh Giao, là 2 người bạn thân từng hát chung với nhau trên rất nhiều chương trình phát thanh và truyền hình tại Sài Gòn.
Ngoài ra CD mang tựa đề “Tìm Nhau Bốn Mùa” này còn có sự cộng tác đặc biệt của nam ca sĩ Duy Trác. Đa số những nhạc phẩm Mai Hương trình bầy trong những CD này là những nhạc phẩm tiền chiến. Bà chia sẻ: “Tôi cảm thấy cái giọng của tôi thích hợp với nhạc tiền chiến, tôi lại yêu thích nhạc tiền chiến và các nhạc sĩ tiền chiến thành ra mình cảm thấy hợp thì mình hay hát”.
Đó cũng là thời gian mà Mai Hương – Kim Tước – Quỳnh Giao đã hợp lại thành ban Tam ca Tiếng Tơ Đồng hải ngoại, gợi nhớ lại ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng nổi tiếng trước 1975.
“Tiếng Tơ Đồng hải ngoại”: (từ trái) Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao
Vào những năm cuối đời, cuộc sống êm đềm của Mai Hương cứ thế trôi qua trong những ngày hạnh phúc bên cạnh người bạn trăm năm trên vùng đồi Rowland Heights thơ mộng, là nơi bà tìm được sự thanh thản cho tâm hồn với những sinh hoạt bình thường của một ngày trong cuộc sống.
Đại gia đình Mai Hương năm 2018
Sau 60 năm sống hạnh phúc bên nhau, đôi vợ chồng Mai Hương – Trương Dục có thể được coi là một trong những cặp vợ chồng nghệ sĩ sống bền bỉ với nhau nhất. Một ngày cuối tháng 11 năm 2020, Mai Hương đã giã từ người thân để ra đi ở tuổi 79.
(Nguồn: nhacxua.vn)
Be the first to comment