Chân dung ông Nguyễn Văn Ngân, nguyên Phụ Tá Đặc Biệt của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Buổi trưa Thứ Năm, ngày 2 Tháng Mười Một, 2023, tôi được tin anh Nguyễn Văn Ngân đã vĩnh viễn ra đi chiều hôm 1 Tháng Mười Một, 2023 đúng vào dịp Lễ Các Thánh của người Công Giáo.
Trong nỗi bàng hoàng, xúc động, tôi tự hỏi: sự sống và nỗi chết tại sao lại cận kề, gắn bó, đan xen với nhau chặt chẽ đến thế?
Mới vài ngày trước còn nghe anh Nguyễn Đắc Điều, người bạn thân của anh cho hay, anh tỏ ý muốn đọc cuốn “Còn Ai Giữa Mênh Mông Đời Mình” của bà Phạm Minh Tâm (Úc Châu) vừa được một số anh em chúng tôi giới thiệu ở Tiểu Sài Gòn hôm Chủ Nhật 22 Tháng Mười, 2023.
Thế mà thoáng chốc, hôm nay anh đã ra người thiên cổ!
Ký ức trong tôi bừng bừng trỗi dậy. Nó cuốn hút, lôi kéo tôi trở về với quá khứ năm 2006, chẵn 17 năm trước. Đấy là những tháng ngày lái xe từ Laguna Niguel, một thành phố cực Nam Quận Cam lên thị trấn Norwalk, vùng Biển Dài, nơi anh ngày ngày phụ chị điều hành một tiệm giặt, sau khi từ Texas dọn về miền nắng ấm California mấy năm trước đó.
Đây là thời gian tôi vinh dự được anh Ngân dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt về những trải nghiệm của anh trong suốt thời gian đảm nhiệm vai trò Phụ Tá Chính Trị Đặc Biệt tại Phủ Tổng Thống thời Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam sau biến cố Tháng Mười Một,1963.
Trước khi khởi sự, chúng tôi mặc nhiên dành thời gian đầu để biết chút đỉnh về quá khứ của nhau, dù rằng anh Mặc Giao Phạm Hữu Giáo, người bạn chung của chúng tôi đã cho biết sơ qua, trước khi Mặc Giao trở thành trung gian kết nối giữa anh Ngân và tôi.
Trong hơn bốn tháng trời cặm cụi làm việc bên người bạn mới quen, ngày qua ngày tôi phát hiện nơi anh nhiều đức tính cao quí. Kín đáo, cẩn trọng, trung thực, nhất là thái độ khiêm cung, hòa nhã khi xử kỷ tiếp vật.
Cụ thể là trong khi thâu âm và ghi chú phần trả lời, đôi lần gặp một lời phát biểu mà tôi thấy có phần hơi quá đối với một nhân vật nào đó trong chính trường Việt Nam trước 1975, tôi ngừng lại nghiêm trang hỏi anh có cần xét lại đoạn vừa phát biểu không, anh đều điềm đạm trả lời.
– Đối với tôi, cho dù khen bất cứ ai tôi cũng phải hết sức thận trọng, nói chi chuyện phê phán về hành vi sai trái của một nhân vật dù còn sống hay đã quá cố, làm sao tôi có thể nói khác được. Xin anh cứ ghi nguyên văn như thế.
Nội dung cuộc phỏng vấn đã được độc quyền giới thiệu với độc giả trên trang mạng ĐCV Online do nhóm anh Lã Mạnh Hùng điều hành và trên nhật báo Người Việt ở Quận Cam thời cố ký giả Vũ Ánh làm chủ bút.
Về báo Người Việt tôi không rõ, nhưng trên ĐCV Online, sau bốn kỳ trong bốn tuần liên tiếp trên mạng, chỉ riêng phần ý kiến người đọc, tôi đã in ra được 200 trang khổ 81/2 x 11.
Điều này cho thấy những tiết lộ của người phụ tá đặc biệt của Tổng Thống Thiệu được bà con tị nạn quan tâm theo dõi như thế nào.
Sau đó, vì những lý do riêng, cả hai chúng tôi đều quyết định ngưng. Tôi không có quyền tiết lộ lý do về phía người trả lời phỏng vấn vừa mãn phần. Riêng tôi, chỉ vì những cam kết của chủ bút báo Người Việt với tôi đã không được coi trọng. Chuyện nhỏ nhưng với tôi không dễ chấp nhận. Đó là sự thay đổi đột ngột vị trí đăng bài trên Người Việt như đã thỏa thuận ban đầu.
Dù vậy, sau đó chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau. Lâu lâu tôi vẫn cố gắng tìm giờ thuận tiện ghé thị trấn Norwalk thăm anh.
Cho đến đầu năm 2017, vì lý do căn bệnh mất trí nhớ của mẹ các cháu trở nên ngày một xấu khiến tôi phải dành toàn thời gian săn sóc nhà tôi. Vì thế chúng tôi ít gặp gỡ trực tiếp, ngoại trừ những trao đổi hỏi thăm nhau qua email hoặc điện thoại.
Trước khi dẫn vào nội dung chính của bài viết, tưởng cũng cần phải nói thêm rằng, trong bốn tháng làm việc bên anh Ngân, dù đôi khi anh có chia sẻ với tôi về mình, nhưng những cái biết của tôi về anh vẫn còn rất giới hạn.
Phải chờ tới khi được nghe bạn bè nói lại, nhất là được đọc những bài do anh thuật lại về quá khứ của anh hoặc những biến cố sôi động trên chính trường trong hai nền Cộng Hòa Miền Nam mà anh vửa là tác nhân vừa là nhân chứng, tôi mới thật sự hiểu biết hơn về hành trạng, nhân cách và con người thật của anh. Nó trái hẳn với những gì người ta thêu dệt được giới truyền thông bát nháo ở Sài Gòn thời ấy loan tải.
Giây phút này tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghe tin anh bất ngờ giã từ cuộc sống để trở về miền miên viễn, từ giã người thân yêu, bè bạn, cởi bỏ hết mọi khát vọng cũng như ưu phiền. Trong một giây xúc động, tôi tự hứa sẽ dành thì giờ viết đôi điều về anh.
* * *
Chất liệu chính gây cảm hứng cho tôi đến từ trang “Những Năm Tháng Cũ” của tác giả Nguyễn Hoàng Lưu viết về “Bà Ngô Đình Nhu và cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một, 1963.”
Thuở sinh thời anh Ngân, có lẽ rất ít người biết đây là một trong những bút danh của anh. Tôi công khai nói ra với ý nghĩ chủ quan rằng lúc này anh đã vĩnh viễn ra đi. Những gì tốt lành, cao cả thuộc về anh, cần phải trả lại anh. Nói cách khác, nó cần được “qui hoàn cố chủ” như “châu về Hiệp Phố” để mọi người cùng biết. Biết để khỏi có những ngộ nhận về sự thật của một thời vàng son trong lịch sử Việt Nam cận đại. Và cũng biết để trả lại danh dự cho dòng họ Ngô Đình, cách riêng cho Tổng Thống Diệm, ông bà Nhu, qua những chứng từ khả tín của anh. Trong tinh thần ấy, tôi viết bài này như một nén tâm hương tưởng niệm anh, một mẫu người Công Chính mà tôi hết lòng quý mến.
Tục ngữ Việt Nam có những câu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây,” “ăn cây nào, rào cây ấy.” Từ ý nghĩa đơn giản, dung tục người xưa gửi vào hai câu nói cửa miệng của người bình dân, sau khi đọc hết bài viết của anh Ngân với bút hiệu Nguyễn Hoàng Lưu, áp dụng vào trường hợp anh, tôi thấy tuồng như không mấy ứng hợp. Dù vậy, nó lại mang ý nghĩa vô giá.
Nếu xét riêng về danh vọng, địa vị, quyền thế, thì Đệ Nhị Cộng Hòa –cách riêng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, phải là cơ chế và nhân sự để ông ghi nhớ và tri ân. Thế mà trong bài viết này anh đã làm công việc của một phán quan trung trực, với những lời biện hộ tận tình cho hầu hết những khuôn mặt lớn trong dòng họ Ngô Đình, từ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông cố vấn Ngô Đình Nhu, và cả cá nhân bà Nhu nhũ danh Trần Lệ Xuân, một người mà trong bài tiểu luận của mình, anh Ngân cũng đã ghi lại những lời lẽ báng bổ của miệng đời:
“Dư luận cho ông Nhu là con người lạnh lùng, thủ đoạn, thâm hiểm, và bà Nhu là người đàn bà lộng quyền, lăng loàn, trắc nết; báo chí ngoại quốc gọi bà Nhu là “rồng cái,” mụ phù thủy, Lucrèce Borgia v.v…”
Còn về cố Tổng Thống Diệm, hẳn anh cũng thừa biết, tuy có nhiều người kính trọng, suy tôn, nhưng cũng không ít người đố kỵ gán cho là quan liêu, độc tài, gia đình trị, thậm chí là một nhà lãnh đạo bất tài, cổ hủ!
Ấy vậy mà người đọc tìm được trong bài nhận định về bà Ngô Đình Nhu và cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một,1963 rất nhiều đoạn tác giả đã không ngần ngại đưa ra những lời phản biện đầy xác tín, dựa trên những chứng từ giá trị, gián tiếp phản biệt những lời kết án hàm hồ ấy.
Đành rằng trong đoạn mở đầu cho biết, anh khởi sự làm việc ở Quốc Hội VNCH (Đệ Nhất Cộng Hòa thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm) như một chuyên gia về luật pháp bên cạnh một số Thẩm phán, Luật sư danh tiếng thời ấy. Nhưng phải nói, hầu hết những chức vụ anh đảm nhiệm dưới thời Đệ Nhất CHVN chỉ mang tính chuyên môn trong phạm vi luật pháp. Vì thế, trong các bài viết của anh cũng như trong khi trao đổi với anh, cá nhân tôi chưa bao giờ đọc hay nghe anh nói đến những lần gặp mặt trực tiếp ông hay bà Nhu, nói chi tới Tổng Thống Diệm.
Qua bài tiều luận khá dài, anh Ngân đã bỏ biết bao nhiêu công sức để tự tìm hiểu qua những tiếp xúc trực tiếp với các tướng tá, nhân sĩ một thời được coi là tay chân thân tín của Tổng Thống Diệm. Cụ thể như tướng Trần Văn Đôn, ông Cao Xuân Vỹ. Từ đấy, nhờ tính thiện thừa hưởng từ gia đình, dù không có nợ gì với đệ nhất CHVN, lương tâm đòi buộc anh phải nói lên những lời công đạo để soi sáng cho các thế hệ sau về một giai đoạn lịch sử tối quan trọng của nước nhà, nhưng lại chất chứa biết bao chuyện thị phi, oan trái, vàng thau lẫn lộn.
Đấy là lý do vì sao, khi viết về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông bà Nhu, tác giả đã cẩn trọng ghi lại với những lời lẽ có cánh sau đây:
“Về căn bản ông Diệm là một nhân sĩ được ông Bảo Đại mời nắm chính quyền, là một người đạo đức; cầm quyền vào thời loạn nhưng luôn luôn mang tư tưởng: nếu hoàn cảnh và thời thế cho phép làm được thì làm, bằng không thì đi vào tu viện. Cụ thể năm 1933 ông từ chức Thượng Thư Bộ Lại (thủ tướng) vì những yêu sách không được người Pháp thỏa mãn mặc dầu ông Bảo Đại năn nỉ ở lại.
Sau 9 Tháng Ba 1945, ông Bảo Đại nhờ người Nhật tìm ông Diệm để giữ chức vụ thủ tướng nhưng người Nhật biết khó làm việc với ông Diệm nên đã đưa ông Trần Trọng Kim bấy giờ đang sống ở Singapore dưới sự bảo vệ của người Nhật.
Năm 1948 khi giải pháp quốc gia thành hình, ông Diệm là người đầu tiên được ông Bảo Đại mời giữ chức vụ thủ tướng nhưng đã từ chối. Năm 1954 trước tình trạng đất nước phân chia, ông Bảo Đại mời ông Diệm giữ chức thủ tướng toàn quyền về dân sự và quân sự. Trong hồi ký của ông Bảo Đại không hề có một lời trách cứ nào đối với ông Diệm về cuộc trưng cầu dân ý 23 Tháng Mười,1955 vì ông Bảo Đại hiểu con người ông Diệm không phải chủ tâm đoạt quyền mà do hoàn cảnh lịch sử bấy giờ.
Ông Ngô Đình Nhu là một học giả, nặng về suy nghĩ, nghiên cứu hơn là hành động. Ông Đoàn Thêm, làm việc cạnh ông Nhu từ 1955 đến 1963, tác giả bộ sách ‘Việc từng ngày’ có nhận xét: ‘Về phương diện trí thức, trình độ của ông Nhu rất cao, học vấn cổ điển và nhân bản của ông rộng và vững.’ Ông là người đề ra triết lý chính trị làm nền tảng cho chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, định hướng cho chính sách, đường lối quốc gia; thấy rõ các vấn nạn của đất nước do tình trạng chậm tiến và nhu cầu khẩn thiết phải giải quyết, là động lực cho các kế hoạch ngũ niên, kỹ nghệ hóa, khu trù mật, ấp chiến lược … trên cơ sở cộng đồng đồng tiến. Ông là nhà chính trị có tư tưởng, điều mà các chính khách Việt Nam khác rất thiếu sót.
Ông Nhu không có tham vọng chính trị, lãnh đạo. Ông giúp ông Diệm như một tư nhân, không có văn kiện chính thức bổ nhiệm ông vào chức vụ cố vấn tổng thống. Ông không muốn ở trong dinh Độc Lập cũng như dinh Gia Long sau này nhưng vì lý do an ninh và ông Diệm yêu cầu vì cần ông ở bên cạnh. Ông muốn sau này khi không còn giúp ông Diệm thì về Đà Lạt dạy bọn con nít trung học Pháp về cổ ngữ (tiếng Latin). Những người làm việc cạnh ông Diệm, ông Nhu nói với tôi: ngoại trừ các vấn đề được ủy quyền, ông Nhu hoàn toàn tự giới hạn trong vai trò cố vấn, ông Nhu rất tôn trọng chức vụ tổng thống của ông Diệm, đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền chuyên độc của tổng thống, ông Nhu không cho ý kiến ngoại trừ khi được ông Diệm yêu cầu.
Không có vấn đề ‘lấn quyền’ hay ‘thao túng’ như dư luận đồn đãi, ông Diệm luôn luôn là người quyết định tối hậu.
Năm 1962 trong dịp nói chuyện với sinh viên sỹ quan Thủ Đức khóa 13 gần ba tiếng đồng hồ, có đoạn ông tự thuật về quãng đời của ông, ông nói lúc trẻ ông có ý định theo học ngành kỹ sư thủy lâm vì muốn gần gũi với thiên nhiên nhưng sau đổi ý vào École nationale des chartes vì muốn đi vào thế giới sách vở, tư tưởng, còn lãnh vực chính trị là do hoàn cảnh thúc đẩy sau này. Nói đến đây, ông liên hệ đến chúng tôi (đa số là thành phần động viên): ‘Cũng như các anh, có bao giờ ngờ là giờ đây các anh ngồi ở đây không?’ Đúng vậy, nếu chọn binh nghiệp thì chúng tôi đã vào lính từ 18, 20 tuổi để còn lên tướng, bây giờ tất cả đều trên dưới 30 tuổi, nhiều người đã vợ con đùm đề trong tình trạng chồn chân gối lỏng, có người vừa du học từ ngoại quốc về mang theo vợ đầm nay trong tình trạng chới với …
Việc đời thăng trầm vô thường. Cũng như ông Ngô Đình Nhu hôm đó có đâu ngờ trong số cả ngàn sinh viên sỹ quan ngồi bệt trên nền xi măng nghe ông nói chuyện, có một “nhân vật” chỉ hơn mười tháng sau đã đóng đinh vào quan tài của ông và ông Diệm. Anh ta cùng đại đội với tôi, thuộc Đại Đội 8 khoá 13, là chủ và tài xế chiếc xe hơi Austin DBA599 đưa Thượng Tọa Quảng Đức đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt tự thiêu. Anh ta không phải chỉ là tài xế mà là thành phần đạo diễn vụ tự thiêu, ông Quảng Đức chỉ là nạn nhân.”
* * *
Ông Diệm có cuộc sống độc thân khắc khổ của người tu hành, có lòng thương người, dễ nóng giận nhưng cũng dễ tha thứ, đêm ngày hoàn toàn lo việc nước, không có một thú vui giải trí nào ngoài sở thích chơi máy ảnh.
Ông Nhu xuất thân là một quản thủ thư viện, ham mê đọc sách, làm việc nhiều về trí óc nên gần như không chú trọng về đời sống vật chất. Ông không phải là người quảng giao, trong giao tế thiếu sự vồn vã nên bị xem là lạnh lùng, khinh người. Ông Nhu từng nói:“Mình có học là bởi cha mẹ ông bà có tiền cho ăn học, chớ mình hơn gì ai!”
Một trí thức khoa bảng xuất thân từ giai cấp quan lại phong kiến nói một câu như vậy không phải là hạng người ‘mục hạ vô nhân’ mà là con người phân biệt được những giá trị ‘thực’ và những giá trị ‘giả’. Do đấy một số trí thức và tướng tá có mặc cảm, sợ và ghét vì ông thấy rõ chân tướng họ, trong thực tế ông Nhu chẳng làm hại ai cả.
Bà Nhu quán xuyến mọi công việc gia đình, săn sóc chồng và con như truyền thống của các bà vợ và mẹ Việt Nam.
Trái với dư luận đồn đãi, ông Nhu không hút thuốc phiện nhưng là người nghiện thuốc lá nặng. Khi làm việc ông đốt thuốc lá liên miên, bốn, năm bao mỗi ngày. Về sau, theo lời dặn của bác sĩ, bà Nhu kiểm soát chặt chẽ bằng cách không để ông Nhu giữ thuốc lá mà giao cho người phục dịch giữ với số lượng nhất định mỗi ngày.
Hút thuốc lá còn bị bà Nhu kiểm soát như vậy thì làm sao có thể hút thuốc phiện được và làm sao có thể dấu những người phục dịch và các cộng sự viên vì người hút thuốc phiện có mùi đặc biệt (vụ hút thuốc phiện do Bộ Trưởng Nguyễn Đình Thuần phao tin với người Mỹ).
Ở một đoạn khác, anh viết: “Ông Nhu rất cưng chiều con cái nhưng bà Nhu là người trực tiếp giáo dục, kiểm soát việc học hành, đưa vào khuôn khổ. Bà Nhu sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu, giàu sang nên nhiều người tưởng bà là người sống xa hoa nhưng thực ra bà có cuộc sống giản dị, cần kiệm, ăn uống dễ dãi, không kén chọn, không mang các loại trang sức đắt tiền. Bà rất tốt với kẻ dưới. Những gia nhân phục dịch cũ nhắc đến bà với sự thương cảm, hàng tháng bà cho họ quà hay tiền được gói kín và trao tận tay.”
Đề cập chuyện bà Nhu thời làm Dân Biểu soạn bộ luật Gia Đình mà dư luận khi ấy suy đoán là bà có dụng ý ngăn chặn ông Bộ Trưởng Nguyễn Hữu Châu là anh rể bỏ chị của bà là Trần Lệ Chi, tác giả viết:
“Khi làm công việc san định chúng tôi có tìm hiểu ý chí của các nhà lập pháp, bà Nhu đã đề xuất việc cấm ly hôn chỉ vì thiện ý muốn bảo vệ quyền lợi của người đàn bà có chồng trong một xã hội bấy giờ còn trọng nam khinh nữ mà đa số trường hợp ly hôn đều do người chồng chủ động và phần lớn những người đàn bà bị ly hôn đều không đủ điều kiện tự lập, bị rơi vào tình trạng bơ vơ, không nơi nương tựa, xã hội và gia đình coi rẻ.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong buổi lễ mừng Quốc Khánh VNCH, Tháng Mười Một, 1962. (Hình: Keystone/Getty Images)
Trường hợp ông Nguyễn Hữu Châu và bà Trần Lệ Chi chỉ là sự trùng hợp. Cần phải đọc toàn bộ biên bản thảo luận tại Quốc Hội về Bộ Luật Gia Đình thì mới thấy được tư tưởng của bà. Bà Ngô Đình Nhu là người có tham vọng đóng vai trò tiên phong trong công cuộc giải phóng phụ nữ Việt Nam thoát khỏi những ràng buộc pháp lý và phong tục cổ hủ của xã hội cũ, phục hồi nhân cách, đưa lên địa vị bình đẳng với nam giới. Đó là lý do sau này dẫn tới việc thành lập phong trào Phụ Nữ Liên Đới, Phụ Nữ Bán Quân Sự… đồng thời cũng nhằm mục tiêu đưa quốc gia ra khỏi tình trạng chậm tiến.”
Trung thành với chủ đề viết về bà Ngô Đình Nhu và cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một 1963, anh Nguyễn Văn Ngân, với bút danh Nguyễn Hoàng Lưu đã cố gắng khách quan tối đa khi nói về ông Ngô Đình Diệm, người có công khai sáng nền Cộng Hòa Việt Nam, ông Ngô Đình Nhu được những người hiểu biết trong nước và thế giới nhìn nhận như một kiến trúc sư của chế độ. Do đó, tác giả đã dành khá nhiều thì giờ để tìm hiểu cặn kẽ về thói quen, lối sống cũng như nhân thân, tư cách của từng người, bao gồm bà Nhu vốn là người đã gánh chịu những búa rìu đầy ác ý của công luận đầy thiên kiến và thành kiến lúc bấy giờ.
Anh viết: “Một hôm tôi ghé lại phòng trực sỹ quan dinh Gia Long, có một người đàn ông lớn tuổi ăn mặc lam lũ bước vào xin lửa hút thuốc, tôi bật quẹt cho ông ta. Thấy ông nói giọng Huế và hút thuốc lá vấn, tôi hỏi: chắc bác làm việc ở đây từ thời Cụ (cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm)?
– Dạ phải.
– Bác làm gì?
– Dạ nấu ăn cho cụ.
– Thế bây giờ bác làm công việc gì ở đây?
– Dạ thưa tôi làm vườn.
Tôi ngạc nhiên, đinh ninh ông này là bếp Tây từ thời các công sứ, khâm sứ Pháp không lẽ lại bị chế độ mới “hạ tầng công tác”, nên hỏi:
– Tại sao người ta không để bác nấu ăn cho Trung Tướng Thiệu mà đưa bác đi làm vườn?
– Dạ tôi có phải bếp Tây, bếp Tàu chi mô. Tôi theo hầu Cụ từ xưa. Cụ ăn uống đơn sơ, buổi sáng dùng cháo trắng, dưa chua, trưa dùng cơm, món canh, món mặn…, tối Cụ không dùng cơm, chỉ dùng rau với trái cây; mỗi ngày đi chợ chưa đầy trăm bạc.
– Thế hàng ngày Cụ không dùng cơm chung với gia đình ông bà cố vấn (ông bà Nhu)?
– Dạ không. Chỉ khi nào có Đức Cha ghé lại (Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục). Dạ mà hôm nào có thức ăn còn lại thì bà (bà Nhu) thường dặn để dành ăn tiếp bữa sau…”
Cuộc đối thoại ngắn ngủi trên đây cho người đọc nhận ra, không chỉ lối sống giản dị, đạm bạc của Tổng Thống Diệm mà còn cho thấy hai bộ mặt của một bà Ngô Đình Nhu, khuê danh Trần Lệ Xuân. Một mệnh phụ giàu lòng nhân ái với kẻ ăn người ở, nhưng lại là một người vợ, người mẹ, người nội trợ căn cơ, cần kiệm khác thường.
Đi sâu vào những chi tiết nói về ông bà Ngô Đình Nhu, Tổng Thống Diệm và những nhân vật liên hệ, ngoài những chi tiết về quan điểm, trình độ tri thức, lối sống ngay thẳng, đơn sơ, đạm bạc gợi nhớ tới những bậc đại trượng phu thời cổ, anh Ngân còn hé mở cho người đọc nhận ra sự lương thiện trí thức của những nhân vật lãnh đạo ngoại thường.
Đó là thái độ dứt khoát không vì cha ông làm lớn mà đi vào vết xe đổ qua câu ca dao quen thuộc “Con Vua thì lại làm Vua,…”. Nói cách khác, bố mẹ một khi đã làm lớn thì dù trưởng thành giữa thời chiến, con cái vẫn được ưu tiên hoãn dịch, được chọn những trường danh tiếng đi học ở Mỹ, ở Âu châu, Úc châu…. coi nghĩa vụ quân sự để cứu nước (và cũng để lãnh thương tật trọn đời hay để chết) là của con em những thành phần thấp kém trong xã hội!
Anh viết: “Đa số những người trong gia đình ông bà Nhu đều tốt nghiệp các trường lớn ở Pháp, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp; kỹ sư Ngô Đình Luyện tốt nghiệp École centrale, ông Nhu tốt nghiệp đại học Sorbonne và École nationale des chartes, luật sư Trần Văn Chương (cha bà Nhu), bác sĩ Trần Văn Đỗ (chú bà Nhu) và ngay cả ông nội (Trần Văn Thông, 1875-1955), ông ngoại (Thân Trọng Huề, 1869-1925) đều du học ở Pháp. Bà Nhu lúc trẻ học Lycée Albert Sarraut…; nhưng tất cả các con cái ông bà Nhu đều học hành trong nước và ở trong nước. Ngô Đình Lệ Thủy con gái đầu của ông bà đậu Tú Tài Pháp năm 1962 và theo học đại học Văn Khoa Sài Gòn niên khóa 1962-1963.
Trong những giờ phút nguy hiểm, các con cái họ đều có mặt bên cạnh: cuộc đảo chánh hụt 11 Tháng Mười Một, 1960 lúc lính Dù công hãm dinh Độc Lập, vụ ném bom dinh Độc Lập 27 Tháng Hai,1962… Trong vụ ném bom 27 Tháng Hai, 1962 bà Nhu bị thương nhẹ, người xẩm giữ con nhỏ của bà Nhu (Ngô Đình Lệ Quyên) bị tử thương.
Trước biến cố 1 Tháng Mười Một 1963 vào lúc người Mỹ công khai ý định loại trừ ông bà Nhu và lật đổ chế độ, những người thân cận ông Nhu đã khuyên ông gởi các con ra ngoại quốc nhưng ông nói các con của ông sẽ phải chấp nhận số phận như những trẻ Việt Nam khác và phải chung hoạn nạn của gia đình một khi cha mẹ chúng đảm nhận các trách vụ chính trị.
Ông từng nói với con trai đầu Ngô Đình Trác mới 15 tuổi: … “rồi đây có lẽ con phải chịu nhiều đau khổ hơn những đứa trẻ khác. Là con trai lớn phải lãnh đạo gia đình nếu vì một lý do gì cha mẹ không còn ở gần!”
Tháng Chín 1963 bà Nhu rời Việt Nam đi Belgrade (Nam Tư) dự hội nghị Liên Hiệp Nghị Sĩ Quốc Tế. Tại phòng khách danh dự phi trường Tân Sơn Nhất, ý thức được tình hình đã nguy hiểm, bà tuyên bố: tôi đi chuyến này không phải để chạy trốn, bằng chứng là tôi còn gửi lại trên đất nưóc này tất cả những người thân yêu nhất: chồng và các con tôi… Ông Nhu dự định đi Tokyo để đón vợ trên đường trở về đồng thời nghỉ ngơi ít ngày nhưng bà Nhu đã cản: “Anh không nên đi lúc này, đi lúc này là đào ngũ.”
Tác giả viết tiếp: “Ủy Ban Điều Tra Tài Sản Và Tội Ác của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng 1 Tháng Mười Một 1963 cho thấy ông Diệm không có tài sản, ông bà Nhu chỉ có một bất động sản đang xây cất dở dang ở Đà lạt, họ không hề tham dự bất cứ một công cuộc làm ăn, kinh doanh nào.”
Nói về nhân cách, đạo đức của những nhân vật đầu não trong thời đệ nhất CHVN thì như thế, nhưng khi trở lại với Đệ Nhị, anh không khỏi đau đớn ghi nhận:
“Những người lãnh đạo sau này không có được tư cách như vậy. Tổng Thống Thiệu gởi con trai còn nhỏ đi học ở các tư thục đắt tiền nhất Thụy sĩ và Anh; con rễ Tổng Thống Thiệu và Thủ Tướng Khiêm đều thuộc thành phần trốn quân dịch. Kể từ khi mới bắt đầu cầm quyền các ông Thiệu, Khiêm đã lo tích lũy tài sản, tẩu tán ra ngoại quốc đề phòng lúc hữu sự, và tất cả đã đào thoát bằng máy bay Mỹ tối 25 Tháng Tư, 1975.
* * *
“Sau Tháng Mười Một 1963 không còn sự kiềm chế và kiểm soát, đám tướng lãnh ‘Hội Đồng Cách Mạng’ ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng, các nữ sinh viên Phật tử hiến thân cho “các anh hùng cách mạng,” các bà Phụ Nữ Liên Đới đem thân xác ‘chuộc tội,’ ‘Ủy Ban Điều Tra Tài Sản Và Tội Ác’ tróc nã tiền của lớp cần lao dân sự có máu mặt, có người biết đem của che thân thì thoát nạn (trường hợp tỷ phú N.C.T., ông này đã cúng cho Phật giáo Ấn quang đám đất xây Đại Học Vạn Hạnh đường Trương Minh Giảng Sài Gòn), có người đem thân che của thì thân đi Côn Đảo, của cải mất, vợ bị chiếm đoạt (trường hợp N.V.B.). Gian dâm vợ người, tống tiền, cưỡng đoạt tài sản không bị xem là tội ác mà được xem là những chiến lợi phẩm của ‘vụ đoạt quyền 1 Tháng Mười Một 1963’ Việc phân chia ‘quả thực’ (tiền bạc, chức vụ v.v..) không đồng đều, gây ra bất mãn, phe đảng…, là nguyên nhân chính đã đưa đến cuộc chỉnh lý ba tháng sau 30 Tháng Giêng 1964.”
Khi đưa ra những chứng tích về sự thiếu nhân cách của người lãnh đạo, từ ông Thiệu cho tới các tướng lãnh chủ chốt trong cuộc binh biến ngày 1 Tháng Mười Một 1963, hẳn tác giả bài viết không khỏi đau lòng. Chẳng đặng đừng anh đã phải làm ngược lại lời nhắn nhủ của tiền nhân trong hai câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây/Ăn cây nào rào cây ấy”. Trong trường hợp tréo cẳng ngỗng như thế, bằng cách nào, một Kẻ Sĩ Công Chính, có lương tâm trách nhiệm như anh có thể bẻ cong ngòi viết để làm khác?
Bài “Bà Ngô Đình Nhu và cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một 1963” dài khoảng mấy chục trang. Dù trích dẫn đã nhiều cho một bài 8/9 trang giấy nhưng vẫn còn có những thiếu sót cần ghi lại.
Trước khi kết thúc, người viết xin tóm tắt vài sự kiện quan trọng và giới hạn trích dẫn, như: a/.- Sự dối trá quanh lá thư tuyệt mệnh của ông Nguyễn Tường Tam; b/.- Bí ẩn trong chuyện thắng thua của cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một 1963; c/.- Sau cùng là chữ “NẾU” trong câu hỏi về trường hợp bà Ngô Đình Nhu không xuất ngoại và có mặt tại Dinh Gia Long ngày 1 Tháng Mười Một 1963.
Riêng vụ Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu đã được tác giả cho thấy qua mấy dòng: “Việc đời thăng trầm vô thường. Cũng như ông Ngô Đình Nhu hôm đó có đâu ngờ trong số cả ngàn sinh viên sỹ quan ngồi bệt trên nền xi măng nghe ông nói chuyện, có một “nhân vật” chỉ hơn mười tháng sau đã đóng đinh vào quan tài của ông và ông Diệm. Anh ta cùng đại đội với tôi, thuộc đại đội 8 khoá 13, là chủ và tài xế chiếc xe hơi Austin DBA599 đưa Thượng Tọa Quảng Đức đến ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt tự thiêu. Anh ta không phải chỉ là tài xế mà là thành phần đạo diễn vụ tự thiêu, ông Quảng Đức chỉ là nạn nhân.”
Đọc mấy dòng này, hẳn mọi người đã nhận ra người tài xế chở nạn nhân là ông Trần Quang Thuận, một trong những người đứng sau Thượng Tọa Trí Quang trong biến cố Phật giáo năm 63.
a/- Sự dối trá quanh lá thư tuyệt mệnh của ông Nguyễn Tường Tam.
Nếu độc giả muốn biết chi tiết cần đọc bài viết của anh Ngân để thấy cách nhìn của anh và nhất là phần trích dẫn hồi ký “Trong Bóng Tối Lịch Sử” của ông Lê Nguyên Phu, nguyên Ủy Viên Chính Phủ Tòa Án Quân Sự Đặc biệt. Câu chuyện quan trọng và phức tạp này xin rút gọn như sau.
Trong biến cố 11 Tháng Mười Một 1960, nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và nhóm đàn em của ông bị dính. Trên thực tế chỉ có nhóm của ông Hoàng Cơ Thụy biết trước vụ này. Còn những người khác như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Nguyễn Tường Tam cùng đám em út gồm có Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh v.v… đều là những người lúc nghe tiếng súng nổ mới chạy tới hiện trường, hoan hô đả đảo cho rậm đám. Theo cách nhìn của anh Ngân đây là những người không được mời ăn cổ, nhưng nghe có đình đám chạy đến để ăn có…Vì hầu hết đàn em bị bắt trong khi ông Tam được tại ngoại nên có sự chống đối, lời qua tiếng lại gay gắt.
Khi hay tin sẽ phải ra tòa đối chất với đám đàn em đang bị giam giữ, ông Nguyễn Tường Tam đã tìm tới đầu tiên là đại tá Lê Văn Khoa, và người kế nhiệm sau đó là ông Lê Nguyên Phu để xin được miễn trừ vì sợ mất mặt trước công luận. Ông Lê Nguyên Phu tỏ ra thông cảm những khó khăn, tế nhị của ông Nguyễn Tường Tam, nhưng hoàn cảnh không cho phép ông vượt qua những nguyên tắc về luật pháp, nên ông từ chối. Sau khi ra về, trong tâm trạng bấn loạn ông Nguyễn Tường Tam đã tự tử.
Theo nhận định của tác giả hồi ký “Trong Bóng Tối Lịch Sử”, sau khi nghe ông Nguyễn Tường Tam tâm sự, ông Lê Nguyên Phu nhận ra ông ta chỉ còn một lối thoát duy nhất để tránh vụ đối chất là tự tử. Lối thoát này giúp đương sự bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử… Vì biết tõ căn nguyên đích thực xô đẩy ông Nguyễn Tường Tam tự tìm cái chết chỉ vì tự ái quá lớn, nên ông Lê Nguyên Phu thẳng thắn viết:
“Nhưng tiếc thay, điểm son rực rỡ đã bị ông xóa nhòa, bôi đen bằng một mảnh giấy nhỏ được ông để lại khi phút lâm chung. Trên mảnh giấy ông cho biết ông tự tử vì không muốn bị xét xử trước Tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm và xin để lịch sử xét ông về sau. Những dòng chữ này không biết có đánh lạc hướng được lý do tự tử của ông hay không, nhưng chắc chắn đã hạ thấp phẩm giá của ông rất nhiều.”
b/- Bí ẩn về chuyện thắng thua trong cuộc chính biến ngày 1 Tháng Mười Một, 1963.
Vì quen biết cũng như sự nể vì của một số tướng lãnh chủ trương vụ đảo chánh, nhất là tướng Trần Văn Đôn nên sau này anh Ngân được biết tường tận nội tình bối rối, âu lo của họ trong suốt ngày đêm 1 Tháng Mười Một. Theo tiết lộ của tướng Đôn thì nhóm tướng lãnh chủ động cuộc chính biến có lúc đã tính chuyện lên máy bay tìm đường đào thoát. Cho đến khi nhận được điện thoại của Tổng Thống Diệm từ nhà thờ Cha Tam họ mới thở ra nhẹ nhõm và điều động đoàn thiết giáp đi đón hai anh em Tổng Thống Diệm. Chuyện xảy ra như thế nào sau đó, ngày nay mọi người đều đã rõ.
Về phía Dinh Gia Long, chỉ vì căn tính dè dặt, thiếu quyết đoán, nhất là ông Diệm không muốn nổ súng gây thương vong, chết chóc cho quân đội mình nên đã hai lần từ chối đề nghị động binh tấn công thẳng vào Bộ Tổng Tham Mưu, chống lại phe đảo chánh.
Tóm lại, khi vận nước đã tới hồi suy mạt thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Dù sao nó cũng là một bài học lớn đối với những người có trách nhiệm mai ngày.
c/- Về chữ “NẾU” trong trường hợp bà Nhu không xuất ngoại và có mặt tại Dinh Gia Long hôm 1 Tháng Mười Một, 1963.
Trong bài viết “Bà Ngô Đình Nhu và cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một, 1963,” tác giả có nhắc lại một chi tiết về cuộc binh biến ba năm trước vào ngày 11 Tháng Mười Một, 1960 như sau:
Trong cuộc binh biến 11 Tháng Mười Một 1960 các đơn vị dù đã tạo được yếu tố bất ngờ, nổ súng bao vây dinh Độc Lập từ phút đầu, vượt hàng rào chỉ cách dinh 50 thước. Trong khi tướng Nguyễn Khánh chờ lệnh, Tổng thống Diệm hỏi ông Nhu:
– Chú định thế nào?
Ông Nhu trả lời:
– Anh làm tổng thống thì anh định đoạt.
Bà Nhu can thiệp:
– Anh nói vậy sao được, phải giúp Tổng Thống.
Và bà đưa giải pháp, cương quyết không chấp nhận thất bại. Nhờ vậy, đã đảo ngược tình thế từ đang bị bao vây sắp đầu hàng chuyển sang thế thắng và dẹp được đảo chánh.
Từ câu chuyện cụ thể ba năm trước cũng như bằng vào bản chất cứng rắn và trí thông minh, lanh lợi trời cho của bà Nhu, để trắc nghiệm lại suy đoán của mình đúng đến đâu, tác giả hỏi ông Đôn:
– “Nếu có mặt bà Ngô đình Nhu tại dinh Gia Long ngày 1 Tháng Mười Một 1963 thì cục diện cuộc đảo chánh sẽ như thế nào?
Ông Đôn trả lời không suy nghĩ.
– Bà Nhu sẽ áp lực ông Diệm, ông Nhu dùng giải pháp quân sự chứ không chấp nhận rút lui một cách dễ dàng. Bà ấy là con người quyết liệt. Cuộc đảo chánh có thể bị dập tắt hay sẽ phải đổ máu nhiều. Nếu hôm ấy (1 Tháng Mười Một) có bà Nhu và thêm cố vấn quân sự như trường hợp Nguyễn Khánh trong vụ 11 Tháng Mười Một 1960 thì chắc chắn chúng tôi thất bại.”
* * *
Cũng trong tiểu luận này, trong một lần gặp ông Cao Xuân Vỹ, nhắc lại cuộc đảo chánh ngày 1 Tháng Mười Một 1963, anh Ngân thân mật hỏi, bọn tướng lãnh đảo chánh nói anh luôn có mặt bên Cụ và ông Nhu hôm ấy, tại sao lại để xảy ra cớ sự như vậy? Ông Vỹ trả lời, vẫn chỉ vì cả Tổng Thống và ông Nhu đều tỏ ra thiếu cương quyết, riêng ông Cụ thì lúc nào cũng không muốn xảy ra chuyện quân đội Quốc Gia tàn sát lẫn nhau. Ngừng lại giây lát, ông buột miệng cất tiếng như một lời than: “Phải chi hôm ấy có mặt bà Nhu?… Âu cũng là cái số!?”
Vài lời cuối trước khi kết thúc.
Đọc lại những trang trên đây, người viết thấy mình chưa khai phá được hết những điều anh Ngân muốn gửi tới người đọc qua bài viết “Bà Ngô Đình Nhu và cuộc chính biến 1 Tháng Mười Một 1963” dưới bút danh Nguyễn Hoàng Lưu. Tuy nhiên vì đã vượt quá số trang dự tính ban đầu nên tôi đành phải tự chế không thể viết dài hơn nữa.
Trước khi chấm dứt, tôi dành những lời cuối để thưa với anh, cho dù anh đã giã từ cuộc sống để đi về cõi vô cùng. Với tôi, tôi xác tín: hồn thiêng của anh vẫn hiện diện đâu đây.
Thưa anh Ngân,
Tôi có nhiều điều để cám ơn anh và cũng có điều phải tạ lỗi cùng anh.
Vượt lên trên mọi chuyện khác, tôi biết ơn anh đã cho tôi cơ hội gặp gỡ trực tiếp với những buổi trò chuyện thân tình trong khoảng bốn tháng trời 17 năm về trước tại nơi làm việc khiêm tốn của anh. Dĩ nhiên trước đó, tôi đã được diện kiến anh trong những lần nhóm ACE Thông Luận từ Pháp qua ở tư gia anh Nguyễn Tiến Ích hoặc nhà hàng Hoàng Sa, Tiểu Sàigòn. Những lần như thế, chúng ta chỉ mới biết nhau qua cái bắt tay, với những lời giới thiệu khách sáo. Ngoại trừ một lần khi anh đọc được bài điểm sách của tôi về tác phẩm đầu tay của anh bạn Vũ Thụy Hoàng – cuốn “Sàigòn Tuyết Trắng”- để có cơ hội nói chuyện với anh lâu hơn.
Khi anh Mặc Giao ngỏ ý muốn tôi thực hiện cuộc phỏng vấn anh, tôi rất vui nhưng thâm tâm không khỏi băn khoăn, ngần ngại trước một chuyện quan trọng quá đột ngột.
Lần đầu bước tới địa chỉ anh cho, tôi khựng lại trở vội ra xe với tâm trạng hụt hẫng khi bất ngờ thoáng thấy anh đang cúi đầu trên cuốn sổ cầm tay, vui vẻ tiếp khách hàng là những người Mỹ/Mễ mang những bọc quần áo tới hoặc đang kiểm lại từng chiếc áo quần mới giặt trước khi thanh toán tiền bạc ra về.
Đành rằng khi nói về cuộc phỏng vấn, Mặc Giao có cho tôi biết sơ qua là sau vụ ngành địa ốc ở Houston, Texas sụp đổ, gia đình anh chị dọn qua California. Nhưng tôi không ngờ cuộc sống của anh chị lúc này lại thay đổi lớn như thế!
Khi người khách cuối cùng rời tiệm, nhìn anh đang di chuyển vào bên trong, chờ một lúc cho cơn xúc động đi qua, tôi trở lại gõ vào cánh cửa mở ngỏ. Từ phòng trong anh tươi cười bước ra, nắm tay tôi thật chặt, kéo vào phòng khách, ân cần hỏi:
– Anh tới đã lâu chưa? Tôi vừa tiếp mấy ông bà khách hàng. Anh vào trong này mình nói chuyện, nhà tôi chắc cũng sắp đến thay tôi.
Mở miệng trả lời anh, nhưng thâm tâm tôi không khỏi bật lên câu hỏi thầm: “Có thật đây là ông Nguyễn Văn Ngân, Phụ Tá Đặc Biệt Về Chính Trị cạnh Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thời đệ nhị CHVN? Cố nén cơn xúc động bất ngờ, tôi hỏi anh nhà vệ sinh rồi thả tay anh bước vào khép cửa lại để che giấu tâm cảnh xao động của bản thân khi ấy.
Khoảng mấy phút sau, chị từ bên ngoài vào, tôi đứng lên cúi đầu chào. Anh nói mấy lời giới thiệu, tôi nghiêng mình chào chị lần nữa. Chưa kịp nói thêm điều gì thì có tiếng bấm chuông của khách hàng, chị giơ cao tay chào và bước ra nối tiếp công việc của anh.
Trong buổi gặp gỡ hơn một tiếng đồng hồ hôm ấy, anh và tôi chỉ tập trung vào việc tìm hiểu sơ qua về thân thế và gia đình của nhau. Trước khi chia tay, anh bàn thẳng vào chương trình làm việc rồi trao cho tôi mấy trang giấy phác thảo nội dung chủ đề các cuộc trao đổi dài để tôi chuẩn bị cho những buổi làm việc trong những ngày kế tiếp.
Chuyện kết thúc ra sao tôi đã trình bày tạm đủ trong bài viết này.
Gia đình ông bà Ngô Đình Nhu – Trần Lệ Xuân, hình chụp Tháng Giêng, 1956. (Hình: ARCHIVE/AFP via Getty Images)
Sau ngày hay tin mất anh vĩnh viễn, hồi tưởng lại những kỷ niệm cũ, tôi vẫn không khỏi có điều ân hận, dù trước ngày mẹ các cháu lâm vào căn bệnh quái ác là bệnh mất trí nhớ, tôi còn giữ liên lạc chặt chẽ với anh. Nhưng thâm tâm tôi vẫn mơ hồ cảm thấy ân hận. Nhớ lại ngót hai năm trước, chính xác là đầu năm 2022, các con cháu chúng tôi tổ chức mừng tôi 90 tuổi, có sự hiện diện của hai anh chị Nguyễn Đắc Điều, Phạm Tín An Ninh và anh Trần Huy Bích, những người vốn có những liện hệ mật thiết với chúng ta. Xa xôi như anh chị Mặc Giao không nói làm chi. Vậy mà tôi quên anh chị, vốn chỉ cách xa nơi chúng tôi cư ngụ trong khoảng 40-50 dậm! Quả là một lỗi lầm khó bỏ qua!
Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một 2023 này, tôi sẽ nhờ các con tôi lo cho Mẹ chúng để có mặt trong tang lễ anh, nhìn mặt anh lần cuối và để xin anh tha thứ cho những lỗi lầm, thiếu sót.
Bài viết cuối tưởng niệm anh trong niềm tôn kính, nuối tiếc và ân hận khôn nguôi.
Viết tại miền đất tạm dung Nam California, Hoa Kỳ, khuya Chủ Nhật 12, Tháng Mười Một, 2023.
Bái biệt anh,
Trần Phong Vũ
(*) Tất cả những đoạn tô đậm trong bài viết để tưởng niệm ông Nguyễn Văn Ngân này là do chính người viết muốn nhấn mạnh.
Theo SGN ngày 26/11/2023
Be the first to comment