Gia Tộc Gốc Hoa

Bí thư TP.HCM Lê Thanh Hải và Trương Mỹ Lan

Gia tộc Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát chỉ là một mắt xích nhỏ trong “BAMBOO NETWORK” của các gia tộc gốc Hoa ở Đông Nam Á

Khu vực Đông Nam Á (ĐNA) có chưa đến 10% dân số là người gốc Hoa (Hoa kiều) – rơi vào khoảng 67,6 triệu người. Ngoại trừ Singapore có người gốc Hoa chiếm đa số (74,3% dân số), thì ở 10 quốc gia Đông Nam Á còn lại, người gốc Hoa đều chỉ là dân tộc thiểu số. Nhưng tôi tin rằng, bạn sẽ vô cùng bất ngờ nếu biết về tiềm lực và sức mạnh kinh tế của nhóm thiểu số Hoa kiều này… (Bài viết tập trung nhận định từ số liệu, không đánh giá dựa trên quan điểm cá nhân)

Người gốc Hoa ở Đông Nam Á ước tính kiểm soát 2.000 tỷ USD tài sản lưu động, để biết được con số này lớn đến mức nào thì chúng ta hãy nhìn vào Tổng GDP của khu vực, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2023, tổng GDP của cả 11 quốc gia Đông Nam Á cộng lại chỉ có 3.317 tỷ USD.

Chưa dừng lại ở đó, tuy người gốc Hoa chiếm chưa đến 10% dân số, nhưng họ lại kiểm soát 70% tài sản doanh nghiệp của ĐNA, và cứ 100 tỷ phú thì có 86 người có gốc gác là Hoa kiều. Họ còn kiểm soát 500 tập đoàn lớn nhất ở Đông Nam Á với tài sản lên tới 500 tỷ USD. 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở ĐNA cũng thuộc sở hữu của Hoa kiều, kiểm soát 2/3 giao dịch bán lẻ và sở hữu 80% tổng số công ty niêm yết công khai theo vốn hoá trị thường chứng khoán trên toàn khu vực Đông Nam Á.

Nói thẳng ra thì chưa đến 10% dân số, nhưng lại kiểm soát đến 70% tài sản, trong khi đó 90% dân số bản địa Đông Nam Á tranh nhau 30% còn lại. Vì thế nhiều người đã dùng câu nói “Thiểu số giàu có, đa số nghèo khó” để mô tả vấn đề này.

Bạn sẽ bất ngờ thêm một lần nữa khi biết rằng, tổ tiên của những người gốc Hoa ở Đông Nam Á phần lớn là nạn nhân của các cuộc di dân vì kinh tế, họ phải rời bỏ quê hương của mình vì quá nghèo đói, đặc biệt là cuối thời Nhà Thanh, họ đến các thuộc địa của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á để tìm kế sinh nhai. Họ làm bất cứ nghề gì miễn là có thể kiếm được tiền để gửi về Đại lục cho thân nhân của mình. Vì thế chúng ta phải công tâm để nhận xét rằng, người gốc Hoa ở Đông Nam Á rất siêng năng và chịu khó. Trong giai đoạn đầu định cư, để tích luỹ tài sản, họ đã làm cả những nghề nghiệp mà xã hội bản địa khinh rẻ… Nhưng khi tích luỹ đủ tài sản để bước đến giai đoạn đầu tư và làm chủ thì người gốc Hoa “bất chấp” thêm một lần nữa, lần này là “làm giàu bất chấp”, để đạt được mục tiêu, họ không ngại đụng chạm, không ngại hối lộ, luồn lách, lươn lẹo, thao túng thị trường và cả phạm pháp…

Vua Rama VI của Thái Lan, một nhà cai trị có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ, dù tổ tiên của ông có một phần dòng máu Hoa kiều, ông cũng có vợ gốc Hoa, nhưng ông ghét người Hoa trên lãnh thổ của mình. Ông viết một cuốn sách với tựa đề “The Jews of the East”, và ông xem người Hoa như là người Do Thái ở phương Đông, các bạn cần lưu ý, đây là một hình thức so sánh ẩn dụ mang tính miệt thị chứ không phải tôn vinh. Trong mắt của nhiều người châu Âu trước Thế chiến thứ hai, đặc biệt là những người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, họ xem người Do Thái như là loài ký sinh trùng, trong suốt chiều dài lịch sử châu Âu có rất nhiều lần người Do Thái bị d.i.ệ.t c.h.ủ.n.g và g.i.ế.t hại hàng loạt, chứ không phải “D.i.ệ.t c.h.ủ.n.g Holocaust” của Phát Xít Đức là lần đầu tiên như nhiều người lầm tưởng.

Giờ chúng ta quay lại tư tưởng “Bài xích Hoa kiều” của vua Rama VI trong cuốn sách “Người Do Thái ở phương Đông”, ông ấy đã mô tả người Hoa là “những kẻ man rợ hám lợi, hoàn toàn không có đạo đức và lòng thương xót”. Ông miêu tả các doanh nhân Hoa kiều đang gặt hái thành công thương mại của họ từ sự tổn thất của người Thái bản địa. Chính những tư tưởng này của nhà vua đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tinh thần bài Hoa kiều của xã hội Thái Lan, đặc biệt là trong giới chính trị và thượng lưu, họ đã đổ lỗi cho các doanh nhân người Thái gốc Hoa đã làm nền kinh tế khó khăn, họ xem giới tài chính Hoa kiều đã làm bần cùng tầng lớp nông dân Thái vì những món nợ với lãi suất cao. Từ đó vua Rama VI và chính phủ của ông đã ban hành nhiều chính sách nhằm đồng hoá người gốc Hoa trên lãnh thổ Thái Lan, trong đó buộc tất cả phải sử dụng “họ” bằng tiếng Thái. Kiểm soát các trường học chuyên biệt dành cho người Hoa, thậm chí là đặt ra các tiêu chuẩn ngôn ngữ, buộc người Hoa phải nói được tiếng Thái.

Tuy các chính sách đồng hoá người gốc Hoa của Thái Lan được xem là hiệu quả nhất Đông Nam Á, nhưng ở mặt kinh tế và chính trị thì sẽ làm cho mọi người lại bất ngờ thêm một lần nữa… Theo ước tính, Thái Lan có 14% dân số là người gốc Hoa (khoảng 9-10 triệu người), vì thế cộng đồng Hoa kiều ở Thái Lan là đông nhất thế giới, và 14% thiểu số này lại sở hữu khoảng 85% toàn bộ nền kinh tế Thái Lan. Trong danh sách 40 người giàu nhất Thái Lan thì 80% trong số đó có tổ tiên là người Hoa. Chưa dừng lại ở đó, 10 doanh nghiệp gia tộc gốc Hoa giàu có nhất lại kiểm soát đến ½ tổng tài sản doanh nghiệp của toàn đất nước Thái Lan. 50 gia tộc gốc hoa giàu nhất đã kiểm soát từ 81-90% tổng vốn hóa thị trường của toàn bộ nền kinh tế Thái Lan.

Về chính trị, tính đến nay, Thái Lan có 30 người từng được bổ nhiệm vào ghế Thủ tướng chính phủ, trong đó 23 thủ tướng là người Thái gốc Hoa, bao gồm cả vị thủ tướng đương nhiệm hiện giờ là Srettha Thavisin hay 2 cựu thủ tướng bị lật đổ của gia tộc Shinawatra là Thaksin và em gái Yingluck cũng là người gốc Hoa. Trong lịch sử Quốc hội và Nội các chính phủ Thái Lan thì không thể đếm hết số chính trị gia gốc Hoa trong các nhiệm kỳ.

Tiêu đề của bài viết tôi có nhắc đến thuật ngữ “Bamboo network” (Mạng lưới tre), thuật ngữ này được sử dụng để chỉ sự kết nối các doanh nghiệp của các gia tộc Hoa kiều ở Đông Nam Á với nền kinh tế của Trung Quốc Đại lục, chính mạng lưới này giúp CHND Trung Hoa mở rộng quyền lực và kiểm soát hiệu quả cũng như tạo sức ảnh hưởng về kinh tế và địa chính trị lên 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Bên trong “Mạng lưới tre” là một hệ thống các doanh nghiệp gia đình Hoa kiều, được truyền từ đời này sang đời khác, và “Trương gia” của bà Trương Mỹ Lan chỉ là một mắt xích tương đối khiêm tốn trong toàn bộ hệ thống này, dù khối lượng tài sản của gia tộc bà ở Việt Nam không hề nhỏ.

Nói thẳng ra thì Bamboo network là một hình thái cộng sinh giữa Bắc Kinh và các gia tộc gốc Hoa ở Đông Nam Á, 2 bên đều đạt được lợi ích riêng của mình, nhưng chính điều này đã đặt ra hàng loạt mối đe dọa vô hình đối với các quốc gia vừa và nhỏ ở khu vực.

Trên thực tế, từ buổi ban đầu di cư xuống Đông Nam Á, các Hoa kiều đã bắt đầu phát triển “Network” (mạng lưới) dựa theo nhóm văn hoá vùng miền của chính họ được gọi là “bang”. Ở miền Nam Việt Nam trước đây, người Hoa có đến 5 nhóm, được gọi là “Ngũ Bang”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (người Hẹ). Các nhóm này ban đầu được lập ra với mục đích tự bảo vệ cộng đồng người gốc Hoa ở xứ người, tương trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn… Nhưng qua thời gian, nó phát triển thành một mạng lưới làm ăn kinh doanh, từ đó thao túng thị trường và lũng đoạn giá cả, đặc biệt là ở những lĩnh vực người gốc Hoa độc quyền. Sự kiện “x.ử b.ắ.n Tạ Vinh” của Ngũ Bang người Hoa ở Sài Gòn năm 1966 khi họ thao túng thị trường gạo khiến giá gạo tăng từ 5,5 đồng lên 7 đồng là một điển hình của việc các bang hội người gốc Hoa kiếm lợi bất chính từ việc thao túng thị trường, dùng quyền lực mềm trong việc độc tôn thương mại để chèn ép chính quyền nhà nước.

Về sau này, mạng lưới các bang hội tiến hoá thêm một bậc, chúng liên kết xuyên quốc gia và kết quả là cuối thế kỷ XX trở thành “Bamboo Network”, một thực thể siêu liên kết, với lợi ích đạt được nhiều hơn, quyền lực mềm lớn hơn, nhưng kín đáo hơn.

Cộng đồng Hoa kiều lớn thứ 2 thế giới là ở Malaysia, ước tính có 6,7 triệu người gốc Hoa ở quốc gia này, tương đương với 22,8% dân số. Chính phủ Malaysia không có những chính sách hiệu quả trong việc kiểm soát và đồng hoá người gốc Hoa vào xã hội của mình, vì thế mà người gốc Hoa ở quốc gia này phần lớn đều duy trì văn hoá riêng của họ gắn liền với đạo Lão, đạo Khổng, bao gồm cả việc sử dụng tiếng Hoa trong giao tiếp hàng ngày và mở các trường học dành riêng cho con em người gốc Hoa. Mức độ người gốc Hoa thao túng nền kinh tế Malaysia được đánh giá là gây ra sự bất mãn của người bản địa nghiêm trọng hơn so với Thái Lan rất nhiều. Ước tính sơ bộ thì 6,7 triệu người Malaysia gốc Hoa đã kiểm soát đến 70% nền kinh tế quốc gia, họ sở hữu 69,4% các tổ hợp kinh doanh, 71,9% tổng số bất động sản thương mại và công nghiệp, cũng như 69,3% tất cả các khách sạn ở Malaysia.

Nếu so với sự mềm mỏng của người Thái và người Việt trong các mối quan hệ đối với cộng đồng người gốc Hoa thì có lẽ người Malaysia và Indonesia là những dân tộc có tư duy thù địch và cực đoan nhất đối với người gốc Hoa sống trên lãnh thổ của mình. Vì trong lịch sử, những người theo chủ nghĩa dân tộc Indonesia từng phát động các cuộc bạo loạn lớn nhắm đến người gốc Hoa. Trong đó, chính phủ của Tướng Suharto từng cân nhắc đến việc buộc toàn bộ cộng đồng Hoa kiều phải di cư ra khỏi lãnh thổ của Indonesia, khi ý tưởng này trở nên không thể thì chính phủ mới hướng đến giải pháp: “… tận dụng năng lực kinh tế của người gốc Hoa, nhưng đồng thời loại bỏ sự thống trị về kinh tế của họ”. Ngoài ra Indonesia còn cố gắng đồng hoá người gốc Hoa bằng cách cấm họ dùng ngôn ngữ, thực hành tôn giáo và tổ chức lễ hội truyền thống… Chính quyền đã liên tục kích động và tuyên truyền các chính sách bài Hoa kiều.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1989 do học giả Adam Schwarz thực hiện, một người được phỏng vấn đã nói rằng: “đối với hầu hết người Indonesia, từ ‘người Trung Quốc’ đồng nghĩa với tham nhũng”. Đỉnh điểm, vào tháng 3/1998, nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra nhắm vào người gốc Hoa, tài sản của họ bị đốt phá, cướp bóc, hơn 100 phụ nữ bị tấn công tình dục, chỉ tính riêng tại Jakarta và Sukarta, hơn 1000 người chết trong các trung tâm mua sắm do bị các nhóm biểu tình đốt cháy. Hàng chục nghìn người gốc Hoa đã rời bỏ Indonesia. Sau một loạt các vụ phân biệt đối xử khiến cho nhiều gia tộc giàu có gốc Hoa rời bỏ Indonesia dẫn đến nền kinh tế tê liệt và thiệt hại nghiêm trọng, chính phủ Hậu Suharto đã kêu gọi người gốc Hoa quay lại và các đặc phái viên được Jakarta phái đi đã gọi người gốc Hoa là “chìa khoá để khôi phục hoạt động kinh tế và vốn”. Vì chỉ tính riêng trong giai đoạn 1997-1999, thị trường của Indonesia đã bốc hơi 20 tỷ USD vốn để chuyển sang các thị trường nước ngoài như Singapore, Hong Kong và Mỹ. Hãy lưu ý, đây là 20 tỷ USD của những năm 90 của thế kỷ trước (tổng GDP của Việt Nam năm 1997 chỉ có 34,1 tỷ USD mà thôi).

Trong lịch sử di cư của người gốc Hoa ra thế giới, có lẽ Việt Nam là một trong những vùng đất mà người Hoa đến sớm nhất, điều này diễn ra là do chính sách đồng hoá của các triều đình phương Bắc áp đặt lên Việt Nam trong giai đoạn 1000 năm Bắc thuộc. Người gốc Hoa di cư đến Việt Nam trong nhiều giai đoạn và diễn ra khá liên tục, trong đó có cả các lần di cư vì chính trị cuối thời Minh, đầu thời Thanh và di cư vì kinh tế đầu thời kỳ thuộc địa. Tuy người Việt có xu hướng không ưa Hoa kiều, nhưng nếu so với thái độ thù địch của người Malay và Indo đối với người gốc Hoa thì người Việt ôn hoà và dễ tính hơn rất nhiều.

Nếu ai yêu thích các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, một nhà văn chuyên viết về xã hội miền Nam thì các bạn sẽ phát hiện ra một điểm chung, hầu hết các tiểu thuyết của ông đều có xuất hiện các tuyến nhân vật phụ là người gốc Hoa, điều này nói lên cho chúng ta biết rằng, người Hoa ở miền Nam thời Pháp thuộc đã ảnh hưởng lên kinh tế xã hội rất nhiều, sự ảnh hưởng này liên tục phát triển cho đến sau năm 1975. Thời đó miền Nam có khoảng 1,2 người gốc Hoa, tuy chỉ chiếm 6,3% dân số nhưng họ lại kiểm soát hơn 80% cơ sở sản xuất các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hoá chất, luyện kim, điện… và gần như độc quyền 100% buôn bán, hơn 50% bán lẻ và 90% xuất nhập cảng. Theo ước tính, tổng số tiền mặt người Hoa ở Sài Gòn nắm giữ tương đương với 1/3 tổng số tiền đang lưu hành trong cả nước. Từ những dữ liệu mà tôi vừa cung cấp, rõ ràng là người gốc Hoa trước năm 1975 đã kiểm soát gần như toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam Cộng hoà.

Nhưng hiện nay, nếu so với các nền kinh tế khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines hay Singapore… thì kinh tế Việt Nam lại ít chịu ảnh hưởng và kiểm soát bởi người gốc Hoa nhất… tại sao lại như thế? Tất cả vấn đề này đều đến từ “Chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979”. Trước khi cuộc chiến chính thức nổ ra, vấn đề quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Hoa đại lục không hề êm đẹp, chính phủ Việt Nam vì lo sợ nếu chiến tranh xảy ra thì người gốc Hoa có thể trở thành đạo quân thứ 5 của Đặng Tiểu Bình nên đã bật đèn xanh để cho Hoa kiều ở trong nước rời khỏi Việt Nam.

Sau năm 1975 số người Hoa trên lãnh thổ Việt Nam đạt con số 1,8 triệu người, nhưng sau chiến tranh Biên giới, cộng đồng gốc Hoa ở Việt Nam chỉ khoảng 900.000 người. Những người gốc Hoa còn ở lại Việt Nam sau đợt di tản trước chiến tranh biên giới đã tạo dựng nên một số doanh nghiệp có tiếng ở Việt Nam như: Tập đoàn bánh kẹo Kinh Đô, Tập đoàn Thiên Long, Gốm sứ Minh Long, giày dép Biti’s hay Tập đoàn bất động sản Thành Thành Công (TTC Group) và cả các doanh nghiệp của gia tộc bà Trương Mỹ Lan hiện đang bị điều tra và khởi tố.

Rõ ràng là rất nhiều tài sản đi theo người Việt gốc Hoa đã rời khỏi Việt Nam trong đợt di tản trước chiến tranh biên giới, điều này có thể đã gây hại đến kinh tế Việt Nam sau khi chính thức mở cửa vào năm 1986, giống như trường hợp của nền kinh tế Indonesia khi người gốc Hoa rời khỏi quốc gia này sau những cuộc bạo loạn thập niên 80-90, nhưng đổi lại, kinh tế Việt Nam ít chịu lệ thuộc vào các doanh nghiệp gia tộc Hoa kiều hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Tất cả đều phải đánh đổi…

Nếu nền kinh tế chịu lệ thuộc quá nhiều vào các gia tộc Hoa kiều như Thái Lan hay Malaysia thì chính phủ sẽ rất bị động trong việc điều tra và khởi tố một doanh nghiệp gốc Hoa nào đó trong lãnh thổ của mình, vì các gia tộc có thể liên kết lại để chèn ép và thao túng hệ thống chính trị quốc gia bằng tài chính và sức mạnh kinh tế, hãy nhìn vào khái niệm “Bamboo network” thì sẽ rõ, họ là một mạng lưới, không chỉ liên kết với nhau mà họ còn liên kết với Trung Quốc đại lục. Trong tư duy của nhiều nhà nghiên cứu, “Bamboo network” chính là cánh tay nối dài của chính phủ Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.

Vợ chồng Trương Mỹ Lan và Chu Lập Cơ

Xưa kia, người ta ví những người đứng đầu Ngũ Bang người Hoa ở đất Sài Gòn – Chợ Lớn chính là một vị “vua không ngai”, vì quyền lực thao túng kinh tế và giá cả thị trường của họ. Đây là một hình thái ban đầu của “Bamboo Network” rộng lớn hơn sau này. Không chỉ sử dụng quyền lực của mình vào việc kiểm soát giá cả, các bang hội còn dùng điều này để “nắn gân” hoặc làm áp lực lên chính phủ…

Sự kiện thao túng giá lúa gạo vào năm 1966 là một điển hình như thế. Các xì thẩu đứng đầu Ngũ Bang ở Chợ Lớn muốn dằn mặt chính phủ ông Nguyễn Cao Kỳ nên sau tết Nguyên đán năm 1966 họ đã thao túng thị trường gạo để đẩy giá lên từ 5,5 đồng/kg lên 6-7 đồng/kg, trong khi lúc ấy người lao động chỉ có lương khoảng 8 đồng/ngày. Ngay lập tức, mọi thứ trở nên xáo trộn, ông Kỳ đã cho triệu tập 7 người Hoa đứng đầu ngành mua bán lúa gạo tại miền Nam đến văn phòng. Ông Kỳ ra tối hậu thư cho họ để kìm giá gạo xuống, nhưng vì quá tự tin vào mình, các “xì thẩu” đã không làm theo yêu cầu của chính phủ mà còn tăng giá từ 7 đồng lên 7,5 đồng.

Ông Kỳ đã cho điều tra và bắt Tạ Vinh, kẻ có nhiều âm mưu và phạm pháp nhất trong nhóm xì thẩu để xử bắn, lúc này các bang hội người Hoa mới tá hoả và hiểu rằng ông Kỳ không phải là một tay dễ chơi. Họ đã chạy chọt ở khắp nơi để cứu Tạ Vinh, trong đó nhờ cả các thế lực chính trị như CIA, hay chính phủ nước ngoài để tác động lên, bao gồm cả khối hội quan chức chính phủ, nhưng không ăn thua. Ngày 14/3/1966, Tạ Vinh bị xử tử. Đây là một chiêu thức “đánh gà doạ khỉ” hiệu quả của chế độ cũ trong việc kiềm hãm quyền lực của Hoa kiều ở miền Nam.

BÀI HỌC DÀNH CHO NGƯỜI GỐC HOA TRONG SỰ KIỆN NÀY LÀ RẤT LỚN…

Trước năm 1975, người miền Nam có câu nói mỉa mai rằng: “Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật sá” để ám chỉ người Hoa ở Chợ Lớn, khi còn sống lũng đoạn nền kinh tế và đến lúc chết lại tổ chức những đám ma một cách rình rang. Tuy rất cố gắng, nhưng chính quyền Việt Nam Cộng hoà chỉ có thể kiềm chế sức mạnh của người gốc Hoa áp đặt lên nền kinh tế chứ không thể loại bỏ họ. Năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đã có một quyết định khá táo bạo, buộc tất cả Hoa kiều phải nhập quốc tịch Việt Nam, nếu không sẽ bị trục xuất. Trong khi đó, đến thập niên 70 thì người Thái Lan mới làm được điều tương tự. Thương nghiệp tại miền Nam sau thời Pháp thuộc phần lớn nằm trong quyền kiểm soát của Hoa kiều. Vì vậy, chính phủ cố tạo sức mạnh cho doanh nhân Việt bằng cách hạn chế quyền lợi của người Hoa. Người gốc Hoa kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.

Giống như phần lớn Đông Nam Á, người Philippines gốc Hoa thống trị nền kinh tế và thương mại Philippines ở mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy chỉ có 1,35 triệu người gốc Hoa ở quốc đảo này, nhưng thế lực của họ áp đảo 109 triệu người bản địa. Với sự nổi bật về kinh tế mạnh mẽ của mình, Hoa kiều gần như chiếm toàn bộ tầng lớp thượng lưu giàu có của đất nước. Trong số 17 tỷ phú giàu có nhất Philippines thì có đến 15 người là gốc Hoa. 1/3 trong 500 công ty bất động sản ở Phillippines được sở hữu bởi người Hoa và họ cũng sở hữu tất cả các hãng hàng không lớn của nước này, từ Philippine Airlines, AirphilExpress cho đến Cebu Pacific… Giới tư sản tài chính gốc Hoa thì kiểm soát 35% cổ phần các ngân hàng lớn khắp quốc đảo này. Trong số 1000 công ty lớn nhất Philippines, người gốc Hoa kiểm soát 36%, trong 100 công ty lớn nhất thì có 43 công ty là của người gốc Hoa. Các doanh nhân Philippines gốc Hoa cũng tạo ra 55% tổng hoạt động kinh doanh thương mại tư nhân của Philippines trên khắp đất nước.

Nếu nhận định một cách công tâm thì… chúng ta phải học hỏi người gốc Hoa nhiều vấn đề, đầu tiên chính là tinh thần “tương trợ” “gắn kết”. Nói khơi khơi thì không ai tin… nên tui xin lấy sự kiện Tạ Vinh năm 1966 để làm dẫn chứng cụ thể. Sau khi ông Nguyễn Cao Kỳ cho bắt Tạ Vinh, người cầm đầu nhóm thao túng lúa gạo người Hoa ở miền Nam năm 1966, khiến cho giá gạo tăng từ 5,5đ/kg lên 7đ/kg… chính phủ Sai gòn tịch thu toàn bộ gia sản của Tạ Vinh và cho đấu giá phát mãi. Những xì thẩu giàu có nhất trong Ngũ bang của Hoa kiều Saigon đã hùng tiền lại và mua toàn bộ gia sản của Tạ Vinh và giao lại cho người nhà của ông ấy quản lý. Để chạy án cho Tạ Vinh khỏi bị xử bắn, người gốc Hoa ở Chợ Lớn đã góp tiền lại, khoảng 200 triệu đồng – thời đó là một số tiền khổng lồ… họ mang tiền đi hối lộ các quan chức chính phủ Việt Nam Cộng hoà để chạy án, nhưng bất thành, dù 200 triệu đồng đó cũng bị lấy mất. Không dừng lại ở đó, họ nhờ các mối quan hệ ở nước ngoài trong đó có cả CIA, cố vấn Mỹ và chính phủ ngoại quốc tác động lên chính quyền để ép giảm án cho Tạ Vinh… Nói chung… người Hoa ở Saigon không bỏ mặt Tạ Vinh cho đến phút cuối cùng… dù ông ấy bị xử bắn thì họ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho con cháu Tạ Vinh.

Một số tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đã chia sẻ rằng, chính quyền Việt Nam trước chiến tranh Biên giới 1979 đã bật đèn xanh để cho người Hoa rời khỏi Việt Nam. Người gốc Hoa khu vực phía Bắc di chuyển bằng đường bộ để sang Trung Quốc, trong khi đó người gốc Hoa ở miền Nam Việt Nam thì đi bằng đường biển để đến các quốc gia tư bản phương Tây. Nhiều người Việt không muốn sống với chế độ mới đã tìm mọi cách lẩn trốn trong nhóm người Hoa vượt biên bằng đường biển. Một số người Hoa ngửi thấy mùi “tiền” trong các phi vụ đưa người Việt đi cùng, đã tổ chức các đường dây đào thoát để thu lợi, trung bình mỗi người Việt phải nộp từ 10 – 15 cây vàng cho chủ tàu người Hoa để vượt biển. Chính những xáo trộn trước và sau “Chiến tranh biên giới 1979” đã giúp nhiều người Việt vượt biên thành công sang các nước tư bản phương Tây.

Những cuộc vượt biên trong thập niên 1970–1980 đã tạo ra những cộng đồng người Việt trù phú ở Mỹ, Úc, Đức, Canada… ngày nay. Nền kinh tế Việt Nam ngày nay hưởng một nguồn lợi khá lớn từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Năm 2023, Việt Nam nhận được 19 tỷ USD kiều hối, trong đó 90% số tiền này được Việt kiều Mỹ, Canada, Úc, Đức… gửi về cho thân nhân của mình ở Việt Nam. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới – WB, Việt Nam nằm trong top 8 quốc gia tiếp nhận kiều hối lớn nhất thế giới.

CÂU CHUYỆN NÀY LÀ MỘT ĐIỂN HÌNH CỦA TRIẾT LÝ “TÁI ÔNG MẤT MÔ…  

Tuy người Việt không quá ác cảm với người gốc Hoa như người Malaysia và người Indonesia, nhưng nếu bảo không ghét thì là đang nói dối… người Việt ghét người gốc Hoa cũng là một cảm xúc thông thường của bất cứ người dân bản xứ của bất kỳ quốc gia nào khi bị dân nhập cư vào lãnh thổ của mình để kiếm lợi, làm giàu thậm chí là làm giàu từ những hành động bất chính… Nếu bạn là người thích văn học miền Nam trước 1945 thì sẽ không thấy xa lạ gì với nhà văn Hồ Biểu Chánh, ông là người đi tiên phong trong việc viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ. Ông để lại hơn 100 tác phẩm, và hiện nay nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình, VD như: Con nhà nghèo hay Tơ hồng vương vấn… Chịu để ý, bạn sẽ phát hiện ra… trong hầu hết các tác phẩm của ông, những tuyến nhân vật phụ đều xuất hiện người gốc Hoa, một số tác phẩm có cả người gốc Hoa là nhân vật chính, Ví dụ như: “Chúa tàu Kim Quy” hay “Ý và tình”… Điều này đã thể hiện rằng, người gốc Hoa có ảnh hưởng một cách sâu sắc lên đời sông văn hoá, kinh tế và xã hội miền Nam… từ trước cả khi người Pháp đô hộ Việt Nam. Phần lớn những phân cảnh xuất hiện tuyến nhân vật người Hoa trong các tác phẩm đều được thể hiện dưới con mắt kỳ thị, tuy không cay nghiệt, nhưng chúng ta dễ nhận thấy cảm xúc bất mãn… Ví dụ đoạn trích này trong tác phẩm “Vì nghĩa vì tình”: (tác phẩm của Hồ Biểu Chánh dùng rất nhiều từ thuần miền Nam mà hiện nay không còn được sử dụng)

– Em bán một bộ truyện là bao nhiêu tiền?
Thằng Hồi:
– Thiệt tình tui bán cho người ta 10 đồng, còn Khách trú (người Hoa) mua thì tui bán 15 đồng. Nếu thầy mua thì tôi bán 8 đồng mà thôi.
– Tại sao bán sách cho Khách trú lại bán mắc?
Thằng Hồi:
– Bán cho Khách trú thì phải bán mắc mới được, vì giống đó, hể cứ biết đến chữ quốc ngữ thì nó đã dựt của người Việt Nam mình nhiều lắm, nên có dịp nào mình dựt nó lại được một chút đỉnh thì cứ việc nhầu, sợ gì…

Có một nhóm người gốc Hoa rất kỳ lạ ở Đông Nam Á… họ hoàn toàn không còn bất kỳ một dấu tích nào liên quan đến văn hóa Hán tộc… dù thông qua ông bà kể hay gia phả còn để lại họ vẫn biết mình là người gốc Hoa. Những người này được các nhà văn hóa hay nhân chủng học gọi là “hòa nhập sâu rộng vào văn hóa bản địa” và họ tự nguyện chứ không phải hòa nhập theo lối cưỡng ép… Trong các đợt điều tra chủng tộc, họ sẽ không nhận mình là người gốc Hoa mà là người bản địa.

Theo nghiên cứu, người ta phát hiện nhóm người này là con cháu của các dòng người Hoa di cư từ giai đoạn đầu sau những lần khám phá viễn dương của Trịnh Hoà, đầu thời Nhà Minh – thế kỷ XIV… còn những người di cư vì kinh tế từ thế kỷ XVIII và XIX thì vẫn còn giữ nguyên bản sắc gốc Hoa của mình khá là đậm… vì thế… có thể tổ tiên bạn là một người gốc Hoa nhưng bạn không biết… vì gia tộc bạn đã bị đồng hóa một cách quá sâu sắc vào xã hội bản địa mà bạn đang sống. Nhóm này ở Thailand, Malaysia, Việt nam và Philippines rất đông…

Hui Bon Hoa là một người gốc Hoa ở Việt Nam mà tôi ấn tượng nhất, và cái tên này cũng gắn liền với nghệ thuật, kiến trúc, và những truyền thuyết đô thị đầy ma mị. Tên tiếng Việt của ông chính là Huỳnh Văn Hoa hay người Việt quen gọi Chú Hỏa. Xuất phát điểm của ông là một dân nhập cư vì kinh tế, quê hương Phúc Kiến của ông cuối thời Thanh rơi vào chiến loạn Thái Bình Thiên Quốc, khói lửa binh đao, nạn đói… Ông đến miền Nam Việt Nam khởi nghiệp lúc đầu bằng nghề “mua ve chai”… Ngày xưa, người Saigon rất quen thuộc với những người gốc Hoa gánh hai cái giỏ cà xé lớn để đi mua ve chai khắp Saigon, với chất giọng lơ lớ rất vui tai. Từ gánh ve chai ông ấy đã trở thành một trong 4 người giàu nhất của Sài Gòn xưa với biệt danh Tứ đại phú hộ: Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa. Tuy ông xếp thứ tư, nhưng rõ ràng ai cũng biết ông là người giàu nhất, có lẽ vì ông là người gốc Hoa nên bị xếp cuối.

Theo thống kê, Chú Hỏa từng sở hữu đến 20.000 căn nhà ở Saigon và nhiều bất động sản lớn khác. Ngày nay, nhiều công trình do ông xây dựng vẫn còn tồn tại, Ví dụ như Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố (là nhà ở của ông); Khách sạn Majectic Saigon, Bệnh viện Từ Dũ, Khu nhà Khách chính phủ… Chú Hỏa là một trong những người gốc Hoa được người Việt tôn trọng và đánh giá cao nhất, điển hình như Nhà biên khảo Vương Hồng Sển từng viết thế này: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”. Năm 1937, Chú Hỏa đã hiến mảnh đất của mình rộng đến 19.123 m2 để xây phần lớn bệnh viện Từ Dũ. Ngoài ra gia đình ông cũng đóng góp nhiều tiền để xây dựng Bệnh viện Đa Khoa Saigon, thời đó người ta còn gọi là Nhà thương Chú Hoả. Truyền thuyết đô thị về hồn ma trong căn biệt thự nhà Chú Hoả rất nổi tiếng, từng được dựng thành phim, kịch, cải lương với tựa đề “Con ma nhà họ Hứa”… Trong Tứ đại phú gia Saigon thì Chú Hỏa là người nổi tiếng nhất vì những truyền thuyết và lòng tốt của ông, người nổi tiếng thứ 2 là Huyện Sĩ, ông ngoại của Hoàng hậu Nam Phương và nổi tiếng thứ 3 là Tổng đốc Phương, vì ông này nổi tiếng là một Việt gian bán nước cầu vinh.

NĂNG LỰC KHỞI NGHIỆP VÀ NẮM BẮT CƠ HỘI CỦA CHÚ HOẢ XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC HỌC HỎI…

Người Việt gọi người Hoa bằng rất nhiều tên khác nhau, Ví dụ: Chệc, các chú, Tiều, chú Ba, xẩm, khựa, Ba tàu… và tất cả các tên gọi này đều có ý nghĩa riêng của nó cả.

Giờ tôi sẽ giải thích giúp các bạn hiểu nhé:

– Người Tàu hay Ba Tàu: là thuật ngữ thông dụng có sớm nhất, lý do cho tên gọi này chính là vì người Hoa thường qua Việt Nam, đặc biệt là miền Nam Việt Nam bằng tàu, thuyền. Còn thuật ngữ “Ba Tàu” thì lại gắn liền với sự kiện năm Kỷ Mùi 1679, khi các tướng cũ của Nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên dẫn theo 3000 quân, 50 chiếc thuyền và gia quyến vào Đàng Trong xin Chúa Nguyễn cho tị nạn chính trị vì không muốn trở thành phiên thần của Nhà Thanh, và nghe các cụ kể lại, họ vào cửa Tư Hiền để yết kiến Chúa Nguyễn trên 3 chiếc Tàu nên từ đó gọi chung người Hoa là Ba Tàu. (tui sẽ có thêm một comment nói rõ về câu chuyện này – rất hay).
– Chệc hay Chệt: là tiếng Triều Châu để chỉ từ “Thúc”, có nghĩa “em trai của cha”, đây là cách gọi mang tính “kính ngữ”, vì người Việt ta có văn hoá gọi những người lớn tuổi bằng kính ngữ… và dần dần nó trở thành tên chung dùng để gọi người Hoa.
– Các chú: có nguồn gốc từ người Minh hương với mẹ là người Việt còn cha là người Hoa, việc kêu Các chú cũng là cách nói lên sự gần gũi…
– Xẩm: trong các tác phẩm “Con nhà nghèo” của Hồ Biểu Chánh từng nhắc đến thuật ngữ “cô Xẩm” để gọi các cô gái người Hoa hay “Xẩm lai” để gọi các cô gái có 2 dòng máu Hoa-Việt. Người ta xem thuật ngữ này là miệt thị cùng với từ Khựa… nhưng nếu thêm kính ngữ vào thì ý nghĩa lại trái ngược và duyên dáng hơn… Ví dụ: Cô Xẩm, Thím Xẩm…

Hoa kiều không phải người Hoa Hạ?

Và tại sao người Hoa nhập cư vào Đông Nam Á không nói tiếng Quang Thoại? Đầu tiên, chúng ta cần phân biệt khái niệm Hoa Hạ, nó là thuật ngữ dùng để chỉ cho cái nôi của nền văn minh Trung Hoa mà phần lớn người Trung Quốc tin rằng, tổ tiên của họ phát tích ra từ đó, lúc đầu, vùng đất này chỉ rộng khoảng 140.000 km2, nằm ở lưu vực sông Hoàng Hà, nhưng đến nay nó đã tạo ra một đất nước có quy mô lên đến 9,596 triệu Km2 và phần lớn người dân sống trong đó (người Hán) xem mình là con cháu của nền văn minh Hoa Hạ. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, tổ tiên của người Hoa Hạ là dân du mục và bán du mục, sau họ mới học được nghề trồng lúa nước của người phương Nam – Bách Việt – các dân tộc sống ở phía Nam sông Dương Tử. Người Hoa Hạ dần xâm chiếm các lãnh thổ của người Bách Việt và sau hàng nghìn năm, người Bách Việt đã bị đồng hoá và mất dấu tích văn hoá riêng của mình ngoại từ “Lạc Việt” (Văn minh sông Hồng) là có thể xây dựng và phát triển thành một nhà nước có chủ quyền riêng sau hơn 1000 năm bị Bắc thuộc.

Còn khái niệm Hoa kiều ở Đông Nam Á phần lớn dùng để chỉ những người nhập cư từ miền Nam sông Dương Tử vào thế kỷ XIX (nhóm nhập cư trước đó phần lớn đã bị đồng hoá vào văn hoá bản địa), vì sao? Cuối thời nhà Thanh, Thái Bình Thiên quốc nổi lên, vùng Hoa Nam chịu nhiều thiệt hại nhất, nên nạn đói và dịch dã diễn ra liên miên, nhiều người ở các vùng Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông mới di cư vì kinh tế đến Bắc Mỹ để làm đường sắt và thợ đào vàng; số còn lại đến Đông Nam Á làm nông, buôn bán, khai mỏ… Vì thế, phần lớn Hoa kiều họ không dùng tiếng phổ thông mà dùng phương ngữ của mình, tại sao? Vì người di cư chủ yếu là nông dân, ít học thậm chí mù chữ, nên họ chỉ có thể nói tiếng địa phương của mình. Mà các bạn cần lưu ý, tính địa phương trong tiếng Trung rất phức tạp, người của 2 vùng, thậm chí là 2 làng tuy nằm cạnh nhau nhưng họ không thể hiểu tiếng nói của nhau… nghe qua nó rất vô lý, nhưng thực tế là vậy. Còn về chữ viết… từ thời Chiến Quốc – Xuân Thu, mỗi quốc gia chư hầu đều có chữ viết riêng của mình, không có đồng nhất, sau khi thống nhất được Trung Nguyên, Tần Thuỷ Hoàng mới cho thống nhất văn tự và hệ đo lường… chữ viết của Trung Quốc đã được cải cách nhiều lần trong hàng nghìn năm qua để dễ viết và biểu đạt được nhiều ý hơn. Lần cải cách gần đây nhất là vào những năm 50 của thế kỷ XX, khi chính phủ Trung Quốc cho giản lược nét chữ để dễ viết hơn và gọi nó là chữ “Giản thể” để phân biệt với “Phồn thể” có trước đó. (hình ở dưới là bản đồ các phương ngữ tiếng Hán của Trung Quốc, dân di cư người Hoa vào Đông Nam Á chủ yếu đến từ các vùng nói tiếng Ngô, Mân, Khách Gia, Cám, Quảng Đông chứ họ không dùng tiếng Quang Thoại như phần lớn người Trung Quốc hiện giờ – phần đánh dấu màu đỏ là gốc tích của di dân vào Đông Nam Á).

Người Hoa giỏi buôn bán, vì thế phần lớn chúng ta biết đến họ như là những thương gia hoặc chủ tiệm buôn bán vừa và nhỏ hay mở tiệm cầm đồ… Nhưng trên thực tế, còn có một nhóm người Hoa ở Việt Nam là “điền chủ”, họ cũng giống như các điền chủ người Việt, sở hữu nhiều đất đai và cho tá điền thuê để canh tác, họ chờ đến vụ thu hoạch thì đi thu tô. Người Hoa làm điền chủ cũng có người tốt, nhưng cũng có người rất xấu, họ cũng giống như giới điền chủ Việt, tham lam, ranh ma, chơi thân với quan cai trị người Việt và quan Tây để đút lót mà cướp đất của dân. Chắc mọi người còn nhớ “Vụ án Nọc Nạng” trong tác phẩm Đất phương Nam của Đoàn Giỏi? Đây là một sự kiện có thật được đưa vào văn học chứ không phải là hư cấu. Nguồn cơn của sự việc là do lòng tham của một tên địa chủ người Hoa ở Bạc Liêu mà ra.

Đầu thế kỷ XX, ở Bạc Liêu có tên Hoa kiều giàu khét tiếng là Mã Ngân, thường được gọi là Bang Tắc, hắn tinh thông luật đất đai của người Pháp cũng như có nhiều tiền để đút lót quan Việt. Mã Ngân biết đất của gia đình Biện Toại chỉ mới được cấp bằng khoán tạm thời, nên hắn lập mưu cướp đất ấy, đầu tiên hắn ta mua đất của bà Nguyễn Thị Dương, giáp ranh đất với Biện Toại, nhưng trong hợp đồng ghi bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất của anh em Biện Toại đang sử dụng. Sau đó tranh chấp đất diễn ra, đơn kiện đưa lên Chủ tỉnh Bạc Liêu, rồi lên Thống đốc Nam Kỳ và cả Toàn quyền Đông Dương. Tên Mã Ngân mang tiền đi đút lót các quan phủ, huyện người Việt, rồi tiêu huỷ giấy tờ đất đai của Biện Toại trong kho lưu trữ, mặt khác hắn sai côn đồ đốt lều, giết trâu để dằn mặt anh em Biện Toại… Đỉnh điểm là lính Pháp chiếu theo lệnh quan địa phương xuống bức ép nên đã xảy ra 5 cái chết thương tâm. Chủ mưu toàn bộ trong vụ này là tên điền chủ Hoa kiều Mã Ngân, có sự tiếp tay của tên Tri phủ Ngô Văn H… Nhưng trong tác phẩm Đất phương Nam chỉ phản ánh một phần sự kiện, không rõ ràng… Sau sự kiện này, Toà Đại hình Cần Thơ do chánh án người Pháp đứng ra xử, hai luật sư người Pháp đã đứng ra biện hộ đòi công lý cho gia đình Biện Toại. Trong phiên toà, chánh án người Pháp đã lên án gay gắt những hành động làm việc thiếu trách nhiệm, ăn của đút lót của các quan chức người Việt, lên án sự tham lam của tên Hoa kiều… Ông chánh án đã ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý…

Người Việt, người Pháp hay người Hoa… đều có người tốt và kẻ xấu, đối với bọn xấu thì chúng không kể gì đến liêm sỉ hay tình người, còn đối với người tốt, thì dù họ khác màu da, khác tiếng nói thì họ vẫn tốt… Trong cuộc phỏng vấn năm 1989 do học giả Adam Schwarz thực hiện, một người được phỏng vấn đã nói rằng: “Đối với hầu hết người Indonesia, từ ‘người Trung Quốc’ đồng nghĩa với tham nhũng”. Thật ra, vấn đề này thường đến từ cả 2 phía, là mối quan hệ giới tài phiệt Hoa kiều và những người làm chính trị “cơ hội”. Thường thì, chính phủ sẽ đưa ra các quy tắc, luật lệ để kìm hãm sự phát triển kinh tế và thao túng thị trường của người gốc Hoa để tạo cơ hội cho người bản xứ vươn lên chiếm lĩnh các thị phần trong nước. Các ông chủ gốc Hoa thừa hiểu điều này, họ sẽ dùng tiền và tài sản để biếu tặng cho các quan chức cấp địa phương hoặc cấp hành pháp bậc trung để được ưu ái và nhận quyền lợi. Châm ngôn “Thứ gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” luôn được thượng tôn và ưu tiên hàng đầu. Vì bất chấp kiếm tiền, nên giới xì thẩu của Ngũ bang hiểu rất rõ được sức mạnh của đồng tiền, họ luôn dùng chúng đầu tiên trong tất cả các thương vụ, kể cả chạy án cho các đồng phạm. Điều này diễn ra từ thời Pháp thuộc, điển hình như vụ án Đồng Nọc Nạng, mọi kế hoạch và chiến lược đều xuất phát từ một điền chủ người Hoa ở Bạc Liêu là Mã Ngân, tiền được vung ra thao túng hệ thống quan chức địa phương. Hay vụ án Tạ Vinh thời chế độ cũ… giới tài phiệt Hoa kiều Chợ Lớn đã dùng 200 triệu Đồng (một số tiền khổng lồ thời đó) để chạy án cho Tạ Vinh, nhưng bất thành, vì quyền thủ tướng thời đó là ông Nguyễn Cao Kỳ làm gắt quá, các cấp dưới của ông không dám hó hé… chứ 200 triệu đồng đó có thể chạy án cho 10-20 người chứ không chỉ cho mỗi Tạ Vinh; dù không chạy án được nhưng chính quyền cũng hốt mất 200 triệu đồng này…

Trong suốt thời Việt Nam Cộng hoà, giới tài phiệt Hoa Kiệu liên tục dùng tiền và quyền lực thao túng thị trường để kiềm hãm chính quyền Sài gòn. Ở trên quyết định chính sách, luật…, ở dưới thay vì thực thi thì lợi dụng để nhận hối lộ và làm méo đi… điều này diễn ra không chỉ ở miền Nam trước năm 1975, nó còn diễn ra dưới thời vua Rama VI ở Thailand, Malaysia sau 1946 và cả Indonesia thời Suharto.

Cũng có những người Hoa trung nghĩa với người Việt

Trong suốt 2000 năm, kể từ thế kỷ I sau công nguyên, người Hoa đã đến định cư trên lãnh thổ Việt Nam theo 3 hình thức khác nhau: (1) di cư cưỡng ép; (2) di cư vì chính trị và (3) di cư vì kinh tế. Tôi đã đối chiếu lịch sử và thấy rằng, những người Hoa di cư vì các vấn đề chính trị, chiến tranh là những người rất nghĩa khí, phần lớn họ trung thành tuyệt đối với triều đại cai trị ở Việt Nam đã mở lòng thu nhận họ. Trong khi đó, những người Hoa di cư vì kinh tế thường chỉ tập trung vào việc kiếm tiền và làm giàu, đương nhiên là có những người Hoa làm ăn lương thiện, luôn nhớ ơn vùng đất đã cưu mang họ, điển hình như Quách Đàm hay Chú Hỏa… Nhưng thể loại làm giàu bất chính, tham lam như Mã Ngân hay Tạ Vinh thì khá nhiều.

Ghi nhận quan trọng đầu tiên liên quan đến di dân người Hoa vào Việt Nam vì chạy nạn chiến tranh và chính trị là vào thế kỷ XIII, khi quân Mông Cổ hoàn thành chinh phục Nam Tống. Vua Trần Thái Tông đã tiếp nhận một lượng lớn người Hán, trong đó có các thổ quan, binh lính và cả dân thường. Các quan binh Nam Tống chạy vào lãnh thổ Đại Việt để xin làm thần tử, vì họ không muốn sống dưới ách thống trị của người Mông Cổ, trong số này có một người phụ nữ tên là Huệ Túc, bà là con gái của một thổ quan nước Tống. Bà rất xinh đẹp, giỏi thơ văn và xem tướng số, bà đã được vua Trần Thái Tông nạp vào cung làm thiếp và được gọi là Huệ Túc Phu Nhân. Bà chỉ ở Đại Việt một thời gian ngắn mà đã nhận được sự kính trọng của tất cả triều đình, trong đó có cả Thái sư Trần Thủ Độ, người nắm quyền bính hơn cả nhà vua. Trong Đông A Di Sử có viết rằng: Vì biết bà giỏi xem tướng số, nên vua Trần đã nhờ bà xem các quẻ bói cho các thân thích và trọng thần… đến lá số của Trần Quốc Tuấn thì bà đã xem đi xem lại rất kỹ… bà đã nói với nhà vua rằng, đây là một vị tướng nếu được trao quân thì sẽ không bao giờ bại trận, chỉ có hoà và thắng, một thánh nhân của tương lai. Nhà vua và thái sư Trần Thủ Độ rất bất ngờ, vì ai cũng biết Trần Quốc Tuấn là con trai của Trần Liễu, người anh trai phản nghịch của vua Trần Thái Tông, người đã từng khởi binh chống lại triều đình. Vì lý do này mà triều đình đã không tin dùng con cháu của Trần Liễu, dù vẫn ban chức tước và xem là hoàng tộc. Đến khi quân Mông-Nguyên kéo vào xâm lược Đại Việt lần thứ 2, lúc này lực của giặc rất mạnh, nhà vua đã một lần nữa hỏi ý kiến Huệ Túc phu nhân, bà lại xem thêm cho Trần Hưng Đạo và thuyết phục nhà vua phải trao ấn Quốc công tiết chế lãnh đạo toàn quân cho người này. Vua Trần đã tình thật mọi chuyện với Huệ Túc, và ông cho rằng rào cản lớn nhất chính là Thái sư Trần Thủ Độ, chỉ sợ ông ấy không thuận. Thế là Huệ Túc đến gặp thái sư và cam kết với ông một lời mà Trần Thủ Độ đã bằng lòng trao toàn quân cho Trần Quốc Tuấn. Và chuyện gì đã xảy ra thì mọi người đã biết, Trần Quốc Tuấn được dân tộc kính trọng đến mức gọi là Đức thánh Trần. Trong cuộc kháng chiến chống Mông–Nguyên của Đại Việt, có tài liệu đã viết rằng phía Đại Việt có khoảng 2.000 quân người Hán sát cánh cùng đánh quân Mông–Nguyên, có tài liệu thì tin rằng, con số này có thể là lớn hơn. Một điều chắc chắn rằng, nếu không có Huệ Túc Phu nhân thì Hoàng tộc Nhà Trần sẽ không bao giờ giao quân đội vào tay của Trần Hưng Đạo, vì cha ông có dớp phản loạn, những hoàng tộc trong sạch như Trần Ích Tắc còn chạy qua hàng giặc nói chi đến gia quyến của một người từng mang tội phản nghịch. Đây là tâm lý rất thường tình của bất cứ ai… Vì thế có thể nhận định rằng: Huệ Túc là người phụ nữ đã làm thay đổi lịch sử Việt Nam

Những người Hoa có lòng trung nghĩa với Đất Việt – trung thành đến mức bị diệt tộc.

Như tôi đã lấy dẫn chứng trong phần “Có thể bạn chưa biết 13”, dựa trên so sánh và đối chiếu sử liệu, tôi đã phát hiện ra rằng, những người Hoa di cư vì chính trị và bức hại triều đại, họ thường có xu hướng rất trung thành và biết ơn vùng đất đã đưa tay ra đón nhận họ trong lúc họ không có nơi dung thân (rất khác với những người Hoa di cư vì kinh tế). Ở phần 13 tôi đã lấy dẫn chứng về người Nam Tống chạy vào Đại Việt sau khi triều đại này bị Đế quốc Mông Cổ thôn tính, sau đây tôi sẽ lấy thêm một dẫn chứng nữa nói về lòng trung nghĩa này.

Sau khi tàn dư của Nhà Minh là triều Nam Minh bị tiêu diệt, những phản kháng cuối cùng của người Hán trước sự đô hộ của người Mãn Châu, Đế chế Đại Thanh đã thống trị cả Trung Quốc. Nhiều vị tướng của Nam Minh không chịu làm tôi thần của triều Nhà Thanh nên họ đã đưa binh lính và gia quyến của mình men theo biển Đông để xuống phương Nam. Trong đó có 50 chiến thuyền chở theo 3000 người của 2 tướng Dương Ngạn Địch (Tổng binh Long Môn) và Trần Thượng Xuyên (Tổng binh Cao – Lôi – Liêm) đã đậu ở biển Đà Nẵng và cho “3 chiếc tàu” đi vào cửa Tư Hiền diện kiến Chúa Nguyễn Phúc Tần để xin làm bề tôi (nhiều nhà nghiên cứu xem đây là mốc sự kiện ra đời của thuật ngữ “Ba Tàu” để gọi người Hoa ở Việt Nam). Sau khi họp bàn với các đại thần, Chúa Nguyễn quyết định thu nhận họ, nhưng không thể để cho họ định cư ở đất Đàng Trong mà viết thư cho Phó vương Ang Nan của Chân Lạp, người được Chúa Nguyễn bảo hộ đang ở Sài gòn cấp đất cho họ ở vùng Thủy Chân Lạp, vị phó vương này đồng ý, nên Chúa đã thu xếp cho Dương Ngạn Địch vào ở đất Mỹ Tho, còn Trần Thượng Xuyên thì vào đất Biên Hoà. Các bạn cần lưu ý rằng, dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần, lãnh thổ của Việt Nam chỉ vào đến bờ Bắc sông Phan Rang (sông Dinh-Ninh Thuận ngày nay), còn từ bờ Nam sông Phan Rang trở xuống hết Bình Thuận vẫn là đất của các Chúa Chiêm Thành, còn từ Đồng Nai cho đến Mũi Cà Mau là đất Thuỷ Chân Lạp của người Khmer. Vì thế… chúng ta cần phải nhận định công tâm rằng chính những người Hoa chạy nạn vì chính trị đã giúp các Chúa Nguyễn sáp nhập thành công đất Nam Bộ vào Việt Nam (gồm 6 tỉnh thành của Đông Nam Bộ và 13 tỉnh thành của Đồng bằng sông Cửu Long) với tổng diện tích là 62.755,2 Km2 (chiếm gần 19% diện tích toàn Việt Nam).

Tại sao lại nhận định như thế…?

Khi ông Trần Thượng Xuyên đưa người của mình vào Biên Hoà thì ông ấy đã xây dựng nên một thương cảng trù phú nổi tiếng trong lịch sử, đó là Cù Lao Phố; còn người của Dương Ngạn Địch thì xây dựng nên đô thị Mỹ Tho, thời đó, Sài gòn không có cửa để so sánh với 2 nơi này, đến tận thời Pháp, đất Mỹ Tho vẫn còn là một trung tâm chính trị và kinh tế của cả vùng sông Cửu Long, thời đó Cần Thơ chỉ mới bắt đầu được xây dựng. Khi Hoàng Tiến giết chủ tướng của mình là Dương Ngạn Địch để cướp quyền và xua quân đi cướp bóc khắp nơi trên đất Chân Lạp (ông ấy không đụng đến người Việt và vẫn xưng thần với Chúa Nguyễn), phó vương Chân Lạp viết thư cầu cứu Chúa Nguyễn, nên Chúa đã cử quân vào cùng với Trần Thượng Xuyên tiêu diệt Hoàng Tiến rồi sau đó trao quyền nhóm người Hoa ở Mỹ Tho cho Trần Thượng Xuyên quản lý luôn. Ngoài trấn thủ và phát triển kinh tế những vùng đất được Chúa Nguyễn trao cho, Trần Thượng Xuyên còn là một tướng quân đắc lực cho Chúa Nguyễn, ông thường xuyên nắm quân của mình hiệp đồng tác chiến với tướng Việt tiểu phạt Chân Lạp, nhiều lần ông cũng được trao toàn bộ binh quyền để tự hành động. Chứng minh quan trọng nhất để khẳng định Trần Thượng Xuyên và những binh tướng người Hoa của ông giúp Chúa Nguyễn thực hiện Nam Tiến, lấy đất sáp nhập vào VN chính là năm 1700, ông đích thân ra trận đánh đến tận kinh đô Nam Vang, quân Chân Lạp tan vỡ, sau cuộc tấn công này, vùng đất Biên Trấn (Biên Hoà), Phiên Trấn (Gia Định), Định tường, Long Hồ (Vĩnh Long) và An Giang đã được sáp nhập vào Đàng Trong của các Chúa Nguyễn. Sau khi qua đời, ông ấy được lập đền thờ và phong làm Thượng đẳng thần. Trần Thượng xuyên và gia tộc của ông cũng giống như gia tộc họ Mạc ở Hà Tiên, đã trung thành với các Chúa Nguyễn đến người cuối cùng, hai gia tộc này cũng vì trung thành với Chúa Nguyễn mà bị diệt tộc (không còn bất cứ một người nào còn sống sót).

CÓ NHỮNG NGƯỜI HOA RẤT ĐÁNG KÍNH TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM…

Dương Anh Vũ
Kỷ lục gia Trí nhớ học thuật Thế giới
Theo: https://vietnamthoibao.org ngày 24.11.2023
Nguồn: Vietnam Business Insider

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Thailand’s 40 Richest. Forbes
– China’s Communist Revolutions: Fifty Years of The People’s Republic of China. (Draguhn, Werner; Goodman, Gary)
– The United States, China and Southeast Asian Security: A Changing of the Guard? (Bert, Wayne)
– Overseas Chinese Entrepreneurship and Capitalist Development in Southeast Asia. (Gambe, Annabelle)
– International Management: Strategy and Culture in the Emerging World. Southwestern College Publishing. (Ahlstrom, David; Bruton, Garry D.)
– Private Banking: A Global Perspective. Woodhead Publishing. (Weldon, Lucy)
– Chinese Business: Rethinking Guanxi and Trust in Chinese Business Networks. Springer. (Tong, Chee-Kiong)
– “Insight: China’s capital targets Asia’s bamboo network”. Financial Times.
– A Nation in Waiting: Indonesia’s Search for Stability (Adam Schwarz) – Chinese Business in Malaysia: Accumelaton, Ascendance, Accommodation (Gomez, Edmund)
– Building Social Capital in Thailand: Fibers, Finance and Infrastructure. Cambridge University Press (Unger, Danny)
– “Saigon’s Chinese–going, going, gone”. Asia Sentinel. (Brown, David)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*