Thế là sau nhiều ngày thấp thỏm chở đợi, việc gì đến đã phải đến với Văn phòng Công Lý và Hòa Bình (gọi tắt là Văn Phòng). Mọi người chắc sẽ mãi không quên hình ảnh của sáng ngày 15/5/2019, khi linh mục Lê Xuân Lộc đóng cửa VP lần cuối. Cha vẫn giữ trên môi một nụ cười, nhưng ai cũng biết đấy là nụ cười tiễn biệt.
Lùi về quá khứ trước đó 6 năm, vào ngày 24/3/2013, trong một buổi tiệc đơn giản các cha Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Sàigòn tại số 38 Kỳ Đồng đã cho khánh thành VP trong khuôn viên nhà thờ. Cha Đinh Hữu Thoại đã trình bày lý do ra đời của VP: “Nhìn thấy cảnh dân oan đi khiếu kiện lâu năm và họ là những người dân nghèo khổ khắp nơi trên đất nước VN này khiến chúng tôi chạnh lòng, không yên. Vì thế, chúng tôi, các linh mục, tu sĩ DCCT quyết định thành lập “Phòng Công Lý và Hòa Bình” hướng dẫn người dân biết bảo vệ những quyền của mình, mà chúng ta gọi là quyền con người”.
Kể từ ngày ấy VP là địa điểm nhiều dân oan ở khắp nơi − đặc biệt là các tỉnh miền Tây − đổ về xin giúp đỡ. Họ ngồi la liệt đầy ngoài sân, phần lớn là phụ nữ lớn tuổi. Ngoài việc hướng dẫn pháp luật cho dân oan, thỉnh thoảng chúng tôi còn thấy các tổ chức xã hội dân sự đến phát quà cho họ, mua cơm trưa, chỉ đường ra bến xe… Thú thật, lắm khi tôi có cảm tưởng khó khăn sẽ vượt ra ngoài khả năng của VP. Không phải là vì các Cha không đủ nhân lực, nhưng kẻ ra gây ra những oan khiên này chính là nhà cầm quyền, họ cũng không để yên cho VP ra tay trợ giúp những dân oan này. Tôi còn nhớ, trong những ngày tiếp dân oan, an nình chìm nổi len lỏi vào trong khuôn viên nhà thờ để dò la, theo dõi, nhận diện dân oan cũng như tình nguyện viên. Đó là chưa kể những “ánh mắt mang hình viên đạn” của một số người trong nhà thờ không đồng ý với sự hiện diện của những kẻ khố rách áo ôm trong khuôn viên vốn yên tĩnh và trang nghiêm của giáo xứ.
Sau hơn một năm hoạt động, dân oan từ từ thưa vắng. Thưa vắng không phải vì oan khiên đã hết, nhưng bởi vì nhà cầm quyền ra sức ngăn cản họ đến đây xin trợ giúp. Có dạo chính phủ đã ra quyết định địa phương nào có dân oan lên Sàigòn hoặc Hà Nội kiện tụng, phải có trách nhiệm mang xe lên “rước” về. Rước về để làm gì thì có trời mới biết. Cha Thoại kể “sự đánh phá chính yếu của an ninh, công an CSVN là nhắm vào dân oan. Rất nhiều dân oan bị đe dọa, sách nhiễu khi đến nhờ chúng tôi hướng dẫn và lên tiếng cho họ. Có những trường hợp vì sợ nên không dám đến”.
Song song với việc giúp đỡ dân oan về pháp lý, đến khoảng đầu năm 2014, VP bắt đầu một chương trình còn quy mô hơn rất nhiều lần, đó là trợ giúp cho các ông thương phế binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (TPB). Linh mục Giám tỉnh DCCT Phạm Trung Thành cho biết: “Đối với cá nhân tôi, tôi lớn lên trong cùng thế hệ với anh em thương phế binh. Tuổi trẻ của chúng tôi đã đi qua chiến tranh, đi qua mất mát đau khổ và tôi biết anh em là những người chịu thiệt thòi rất nhiều trong những năm qua vì hoàn cảnh. Chúng tôi tổ chức cuộc họp mặt này như gửi đến anh em một sứ điệp là tuy đau khổ còn đó nhưng Chúa phục sinh sẽ mang lại niềm vui bởi tình yêu thương và sự chia sẻ với nhau. Thứ hai nữa là anh em chúng mình những người có điều kiện tốt hơn phải công bằng với những anh em đã bị mất mát quá nhiều. Phải càng ngày càng gần nhau hơn trong tình thương, gần nhau hơn trong sự đoàn kết để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.”
Cụ thể, các ông TPB được mời đến để kiểm tra sức khỏe (chụp hình phổi, xét nghiệm máu, siêu âm…) Sau khi có kết quả, các bác sĩ khám bệnh và cho thuốc. Các Cha DCCT đã huy động hàng chục phòng xét nghiệm trong khu vực, hàng chục bác sĩ, y tá và hàng trăm tình nguyện viên phục vụ cho công tác này. Có những lần gần 500 ông TPB tới trong một buổi, các Cha phải dùng nguyên một tầng của giáo xứ để phục vụ khám bệnh và ăn uống cho các ông. Con số TPB ghi danh từ 500 ban đầu đã lên đến hơn 7000 vào đầu năm 2019. Ngoài việc khám bệnh VP còn đến tận nơi xây nhà cho các ông và lo hậu sự khi các ông nhắm mắt lìa đời. Công việc gian khó nhưng nhờ vào lòng quyết tâm của mọi người, mọi chuyện dần đi vào nề nếp. Ở đây ta cũng không quên đồng bào khắp nơi, trong lẫn ngoài nước đã đồng tâm hiệp lực với VP để tiếp tục nuôi dưỡng việc làm nhân bản này.
Năm 2015, DCCT bầu ra một vị Giám Tỉnh mới − Cha Nguyễn Ngọc Bích − và kể từ giờ phút này mọi việc đi vào một “nề nếp mới”. Những sinh hoạt thường xuyên của nhà thờ hướng về đất nước như các buổi thánh lễ cho Công Lý và Hòa Bình vốn được tổ chức vào mỗi Chúa Nhật cuối tháng thưa dần, các chương trình phát thanh dần bị xóa sổ, các cha phụ trách VP “được” điều đi các địa phương khác, thường là những nơi xa xôi, hẻo lánh. Có làm việc trong những “điều kiện mới” này, tôi mới cảm nhận được sự bền chí, nhẫn nại và chịu đựng của cả VP, từ các cha đến các tình nguyện viên. Chương trình TPB cũng bắt buộc phải điều chỉnh cho phù hợp và vì thế trong suốt 4 năm sau đó, với chủ trương “liệu cơm gắp mắm”, công việc vẫn được tiếp tục trong những điều kiện hạn hẹp hơn.
Cuối năm 2018, Cha Bích tái đắc cử, và những “nề nếp mới” được điều chỉnh cho ngày “một mới hơn”. Những “ánh mắt mang hình viên đạn” ngày một sắc nét hơn. Và sau nhiều chi tiết không tiện nêu lên đây − chuyện phải đến đã đến. Cha Trương Hoàng Vũ nhận lệnh rời Sàigòn, vài ngày sau VP được lệnh giải tán. Ngày 14/5, các tình nguyện viên thu dọn đồ đạc, sáng 15/5 linh mục độc nhất còn lại, Cha Lộc khép lại cánh cửa sắt của VP lần cuối.
Tôi viết đến đây mà ngỡ như mình đang viết về những ngày cuối cùng của tháng 4/75. Cánh cửa sắt vẫn còn đấy mà tôi có cảm giác như xe tăng quân “giải phóng” đang ủi sập. Nghe nó chua chát làm sao!
Chuyện gì đã đưa đến việc Văn Phòng Công Lý và Hòa Bình phải đóng cửa trong sự ngỡ ngàng của mọi người? Tôi xin đưa mọi người đi xa, đi thật xa hàng ngàn cây số để tìm hiểu. Chúng ta đến Vatican.
Đối với giáo dân Công giáo, Vatican là một thánh địa, nơi người đứng đầu Giáo Hội là Đức Giáo Hoàng làm việc. Tuy nhiên dưới khía cạnh pháp lý, Vatican là một quốc gia, và cũng như mọi quốc gia khác, bang giao của Vatican với Việt Nam là bang giao giữa hai quốc gia, cũng có đại sứ, cũng có hợp tác bình thường, Tuy nhiên, cộng sản nói chung vẫn coi tôn giáo như một mối nguy tiềm tàng và họ dùng đủ mọi phương cách để triệt tiêu hay nói đúng hơn là phải quy phục họ. Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo được nhào nặn lên trong mục đích này, và đối với những phần tử “ngoan cố” không chấp nhận sự quy phục này, nhà nước cộng sản sẽ sử dụng đến “ngón bài ngoại giao”.
Kể từ năm 1975, bất kỳ một thay đổi nhân sự nào trong Giáo Hội Công Giáo VN đều phải có sự chấp thuận của nhà nước. Tôi muốn nói đến việc tấn phong các linh mục (các cha). Lên đến hàng giám mục thì lại càng khắt khe hơn. Ở nhiều địa phương, vì nhu cầu truyền giáo, Giáo Hội đã phảì “lén” tấn phong nhiều linh mục vì trước đó nhà nước đã không đồng ý. Những linh mục này dĩ nhiên không được phép làm việc một cách công khai. Và điều oái oăm là một trong những vị “tấn phong chui” lại chính là Cha Nguyễn Ngọc Bích, người đang đứng đầu DCCT!
Sự can thiệp vào việc tấn phong chức danh này dĩ nhiên tạo khó khăn cho công việc truyền giáo, và đến lúc này thì “ngón bài ngoại giao” sẽ tác dụng. Nhà nước sẽ cử người xuống các giáo xứ, thuyết phục các linh mục chấp nhận những đòi hỏi của họ, chẳng hạn như không tổ chức xuống đường phản đối Formosa, không trả lời phỏng vấn báo đài, ngược lại nên tham gia và các hoạt động do Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức, hoặc tích cực hơn, là trở thành thành viên của Mặt Trận này. Thậm chí nếu có một cuộc tuyển cử trong nội bộ Giáo Hội, nhà nước còn có thể “khuyến cáo” các linh mục dồn phiều cho một ứng viên “dễ bảo” nào đó. Để đổi lại, nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện dễ dàng trong việc truyền đạo cũng như mọi sinh hoạt khác, trong đó dĩ nhiên sẽ có việc tấn phong linh mục. Đến đây mọi người có lẽ đã hiểu cụm từ “ngón bài ngoại giao” mà tôi đang dùng. Bởi vì nếu việc tấn phong các chức danh trong Giáo Hội được dễ dàng thì đó là bang giao giữa VN và Vatican đang tốt đẹp. VN hưởng lợi thì dễ hiểu, nhưng Vatican cũng có lợi vì việc truyền giáo không còn bị khó khăn.
“Ngón bài”, nói trắng ra là thủ đoạn này đã được sử dụng rộng rãi trong các nước độc tài, đặc biệt là tại Trung quốc, nơi mà Công Giáo chiếm con số rất nhỏ. Phóng viên của báo Figaro của Pháp đã lặn lội vào huyện Mân Đông nằm trong tình Phúc Kiến, nơi này có 80.000 giáo dân sinh sống. Đại đa số họ vẫn tuân phục Vatican cũng như các linh mục mà họ yêu mến, đồng thời tẩy chay Giáo Hội do nhà nước nặn lên từ năm 1957 (kiểu Ủy Ban Đoàn kết Công giáo ở VN). Nhưng cách đây vài năm, Bắc Kinh đã đồng ý cho Vatican tấn phong một vài giám mục, để đổi lại Vatican phải công nhận 7 giám mục khác do Bắc Kinh… phong lén! Tệ hơn, các giám mục “phong lậu” này sẽ chiếm chỗ của các giám mục do Vatican tấn phong trước đó. Giáo dân Mân Đông ban đầu cảm thấy bất mãn, nhưng “để lâu cứt trâu hóa bùn”, và bây giờ họ tự an ủi rằng “Giáo xứ thuộc cha nào cũng được, miễn là họ được đi lễ”. Kể từ đó, mọi chuyện vào “nề nếp mới”! Nhà nước Trung Quốc muốn tung hoành cái gì cũng đưọc, vì những lãnh đạo tinh thần bây giờ đều nằm trong tay họ cả.
Thủ đoạn thâm nhập đánh phá Công Giáo vốn là ngón sở trường của cộng sản và nó còn xảy ra ngay trong một nước trong đó Công Giáo là quốc giáo như Ba Lan với vụ ở Czestochowa hồi thập niên 50. Nếu ai có khả năng ngoại ngữ, có thể tìm đọc lời tự thú của Bella Dodd nguyên là lãnh đạo đảng cộng sản Mỹ, hoặc những phóng sự của nhà báo Đan Mạch Iben Thranholm, của các linh mục Mỹ là Michael và Peter Dimond, hay của các nhà báo Pháp là Thierry Wolton và Stéphane Courtois.
Trở lại với DCCT, những tin tức sau cùng cho hay VP Công Lý và Hòa Bình sẽ được đổi tên thành Phòng Phát Triển Con Người Toàn Diện, chương trình TPB sẽ được tiếp tục với “phương cách và nhân sự mới”. Tôi ước mong rằng đây sẽ là sự thật.
Tuy nhiên, tôi lại nghĩ rằng, với sự hỗ trợ của nhà nước, “phương cách và nhân sự” của ban lãnh đạo DCCT sẽ dồi dào gấp trăm lần truớc đây, nhưng sự khả thi thì không mấy bảo đảm vì để làm được việc này, điều cần thiết hơn cả là tấm lòng yêu thương đối với những người gần 50 năm sống trong cô đơn, nghèo đói, bệnh tật và sự khinh miệt của nhà cầm quyền cộng sản.
Và đó lại chính là cái thiếu của những “Con Người Toàn Diện” ngày hôm nay.
Từ Facebook Phạm Minh Hoàng
Ngày 16/5/2019
Dòng thông báo trước Văn phòng Công Lý và Hòa Bình
Lm Nguyễn ngọc Bích đã làm Bề trên DCCT từ nhiều năm và trong thời gian đó, việc yểm trợ TPB/VNCH gia tăng mạnh!
Vì thế thay vì việc chỉ trích quá đáng , chúng ta chờ xem công tác nầy sẽ chấm dứt hay tiếp tục như thế nào hơn là nặng lời với nhau, chỉ làm lợi cho csvn vì sự phân hoá của chúng ta là kế sách mà họ luôn xử dụng, nhất là Nghị Quyết 36 đang thi hành tại hải ngoại!
Việc đòi hỏi csvn tôn trọng nhân quyền hay TPB còn nhiều cách thức hữu hiệu như không du lịch Vn, không gởi tiền về Vn… mà chúng ta cố tình tránh nế những hoạt động nầy vì nhiều lý do…
Bất cứ hành động phân hoá nào cũng có lợi cho csvn trước và lịch sử đã chứng minh!