Có thể, cùng trong một lúc nào đó, quý vị cũng như chúng tôi tự hỏi: “Trên đời này còn có gì khác ngoài thiên tai, tham vọng, và chiến tranh?”
Thành ngữ Mỹ có câu “Never ask a question unless the answer makes a difference” đại ý là “Đừng bao giờ đặt câu hỏi, trừ khi câu trả lời có thể tạo nên điều khác biệt.”
Để trả lời cho câu hỏi của chúng tôi, thì câu trả lời là “Hãy nhìn cuộc đời qua ống kính của nhiếp ảnh gia nghệ sĩ.”
Nghệ sĩ, hoạ sĩ và nhiếp ảnh gia, là những người có thể nhìn thấy cái đẹp từ một ngọn cỏ héo úa, cho đến một vườn hoa nở rộ. Mỗi cảnh tượng đều có một vẻ đẹp riêng của nó, và họ đã diễn tả, vẽ nên hay chụp lại khung cảnh khiến thời gian ngưng đọng lại ở giây phút đó cho đến muôn đời.
Với kỹ thuật hiện có trong thời đại của chúng ta, với con mắt “nghệ thuật” của từng cá nhân, bất cứ người nào trong chúng ta cũng có thể dùng chiếc điện thoại cầm tay để ghi lại những hình ảnh đáng nhớ trong đời sống. Chúng ta không phải ai cũng là nhà văn, thế nhưng mỗi bức ảnh có giá trị bằng ngàn lời nói thì biết đâu chừng những hình ảnh do chúng ta ghi nhận sẽ là những câu chuyện tuyệt vời cho người khác và những thế hệ mai sau?
Trong ý tưởng đó, chúng tôi xin mời quý vị nhìn cuộc đời này qua ống kính của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và tài tử.
oOo
Chẳng phải ngẫu nhiên mà quả đất tròn. mà hình tròn là hình ảnh thông thường nhất mà bất cứ ai cũng có thể nhận biết. Dưới đây là một số những hình tròn qua ống kính …
Molly Mae Bergum: “Một con ếch nhô đầu ra khỏi mặt vũng nước mùa xuân.” Hình ảnh này khiến chúng ta gợi nhớ đến một bài Haiku của thiền sư Basho:
“古池や 蛙飛び込む 水の音”
“Chiếc ao cũ
Con ếch nhảy vào
Nước khua động xôn xao.”
Claire Louot: “Tại sao phải nghĩ phức tạp khi bạn có thể nghĩ nó đơn giản?”
Vâng, còn gì đơn giản hơn một ly cà-phê buổi sáng?
Tony Cullen: “Tôi chụp bức ảnh này ở dưới gầm của bến xe buýt Seville[, Tây Ban Nha (Spain). Tất cả các cầu thang đều có cửa sổ như một khung hình tự nhiên.”
Thomas Burke: “Những chú hải âu có được chỗ ngồi cao nhất để ngắm nhìn tác phẩm nghệ thuật công cộng ở hải cảng Ermoupolis, Syros, Hy Lạp.”
Mark Roughley: “Tôi đang học cách chụp ảnh pháo bông để chuẩn bị cho đêm lửa trại.”
Phil Sinclair: “Không hiểu tại sao hai lòng đỏ trứng này lại khiến mọi người đều mỉm cười?”
Nếu chúng ta xoay bức hình 90 độ theo chiều kim đồng hồ, thì đó quả nhiên là một ký hiệu nổi tiếng của nụ cười.
Jane Cropp: “Một mâm hoa trang trí, với tất cả là hình tròn.”
Nicola Wallace-Blaker: “Khi đến thăm Lindisfarne, [Northumberland,] chúng tôi đã đến lò nung vôi ở Đảo Thánh (Holy Island) được xây dựng vào những năm 1860, để được nhìn lên bầu trời từ bên trong.”
Tấm hình này khiến chúng tôi nhớ đến câu thành ngữ: “Ếch ngồi đáy giếng, xem trời bằng vung.”
David Granshaw: “Những chiếc ghim của thợ may.”
Những vật nhỏ bé, thông thường, tạo nên hình ảnh đẹp đẽ dưới con mắt nghệ thuật của nhiếp ảnh gia.
Marius van Tetteode: “Trong khu rừng gần Duesseldorf, Đức, tôi nhìn thấy ‘vòng tròn’ này.”
Duncan Brookes: “Một chiếc Porsche 911 nhìn qua tấm gương chiếu hậu của một chiếc xe khác tại Bicester Heritage Scramble [Oxfordshire]”.
Diana Turner: “Những lá hoa súng khổng lồ hoàn hảo được chụp trong chuyến thăm Kew Gardens [Richmond].”
Sandra Prytherch chụp bức ảnh này tại Hội nghị thượng đỉnh Gondola núi Loon, Lincoln, New Hampshire, Mỹ.
Ken Hirons: “Lá của cây dương xỉ (fern) mọc thành vòng tròn.”
Lester Cunningham: “Gwennap Pit, ở Redruth [Cornwall] – được đồn đại là địa điểm của một mỏ bị chìm hoặc được cho là hình thành tự nhiên, các vòng tròn đồng tâm xếp lớp được sử dụng như một nhà hát vòng tròn tự nhiên.”
Sarah Swanson: “Những quả sồi tươi (Fresh acorns).”
oOo
Thưa quý vị,
Cho dù một lúc nào đó chúng ta dừng lại để nhìn về hình ảnh đẹp của cuộc đời, thế nhưng một nửa không đẹp vẫn là thiên tai và chiến tranh. Đó là thực tế, và những thực tế đó đều có thể được ghi nhận bằng ngòi bút hoặc hình ảnh. Xem ra thì câu nói “một bức ảnh bằng ngàn lời nói” quả nhiên là chính xác. Vì con người, dù văn chương tài giỏi cỡ nào đi chăng nữa cũng không thể tả hết ý nghĩa một cảnh tàn phá hay vui mừng. Chỉ có hình ảnh mới có thể ghi nhận trung thực được. Và thưa quý vị, hiện nay, chúng ta đã may mắn có trong tay một chiếc điện thoại có thể chụp ảnh, thì hãy dùng nó để ghi nhận lịch sử, hay ít ra cũng để lưu lại một chút gì đáng nhớ, như trong câu hát “còn một chút gì để nhớ …”
Lâm Viên
Theo Đặc San Lâm Viên ngày 13/11/2023
Tham khảo:
Your pictures on the theme of ‘circles’:
https://www.bbc.com/news/in-pictures-67346555
Be the first to comment