Võ Phiến, 7 Năm Xa Đời

Nhà văn Võ Phiến đã qua đời vào lúc 7 giờ tối ngày 28.9.2015 tại Califonia.

Tác phẩm tôi đọc gần đây nhất (2015) của ông là “Quê hương tôi”, NXB nhã Nam, ông ký bút danh Tràng Thiên (cũng là bút danh chung của BBT Bách Khoa trước kia, có cả Đặng Tiến, Vũ Hạnh).

Tuy nhiên, thế hệ tôi không biết gì về ông, nói đúng hơn, không biết gì về những nhà văn cầm bút miền Nam giai đoạn 1954-1975. Chúng tôi bị ngắt đứt khoảng lịch sử nhân văn ấy, chỉ được biết về chiến tranh và những tác phẩm “đồi trụy, phản động”… nhưng ngay cả “đồi trụy, phản động” như thế nào cũng không được biết.

Hòa bình đã 40 năm rồi, chiến tranh cũng chỉ còn là quá khứ. Chúng tôi, những thế hệ hậu chiến, bị xem là “phản bội”, “phản động” nếu đọc các tác phẩm cũ của “ngụy quân, ngụy quyền”– nhưng cũng bị coi là “ngu dốt”, “bất nghĩa”, “nhồi sọ bởi độc tài” nếu không tiếp nhận lịch sử như nó vốn có.

Bị mắng chửi, nhưng chúng tôi cũng không thể lấy quá khứ không rõ nét và bị biến dạng theo một chiều hướng tuyên truyền nhất định ra khỏi mình. Mà trái lại, hãy để chúng tôi tiếp nhận và tìm hiểu lịch sử – quá khứ của cội nguồn mình một cách khách quan, tìm tòi và thậm chí có cái nhìn riêng của một thế hệ bị giằng xé bởi các quá khứ của các thể chế chính trị.

Nhưng tôi sẵn lòng tìm thêm những tác phẩm của Võ Phiến, để đọc và cảm nhận về thân phận người, như nhà văn Thụy Khuê đã giới thiệu về Võ Phiến cùng với các tác phẩm của ông, với giác độ nhân văn, con người.

Xin trích đoạn:

“Ở miền Nam những năm 60, khi lớp trẻ đọc thơ Nguyên Sa, hát Tiễn em của Phạm Duy, Cung Trầm Tưởng… thì Võ Phiến đưa ra những nhân vật quê mùa, tầm thường, như anh Bốn Thôi, ông Ba Thê Đồng Thời, chị Bốn Tản, Bốn Chìa Vôi, những thân phận lạc loài, không hẫp dẫn, chẳng ai bận tâm, mất thì giờ mô tả. Đó là những mảnh vụn, thừa thẹo của xã hội, sống âm thầm như chưa hề có mặt. Võ Phiến chiếu xuống từng mảng thân xác và tâm hồn ấy, ông banh bét ra, ông đi vòng vo quan sát, nhẩn nha trò truyện. Người nóng tính bực mình, chờ đợi một cái gì ghê gớm xẩy ra thì chẳng bao giờ thấy. Cho nên thời 55-75, ở trong nước, Võ Phiến không phải là một nhà văn ăn khách.

1975, di tản sang Hoa Kỳ, uy thế văn học của ông đổi khác. Người ta tìm đọc Võ Phiến. Trước hết, vì Võ Phiến là người tiên phong khơi lại nền văn học đang bị xoá sổ ở quê nhà; thêm nữa, nhà xuất bản Văn Nghệ của Võ Thắng Tiết in lại toàn tập Võ Phiến, trường hợp duy nhất tại hải ngoại, lần này sách bán chạy, nhiều người cầm bút hết lời ca ngợi. Nhưng lý do sâu xa nhất của sự biến đổi tâm lý trong lòng người đọc đối với tác phẩm của Võ Phiến là khi đã bị tróc rễ, đắm thuyền, mất hết cả, chỉ còn lại độc một chiếc áo vá trên vai, người ta mới thấy quý mến và trân trọng nó. Tác phẩm của Võ Phiến đối với người Việt di tản, như manh áo rách cuối cùng còn lại trên thân sau cuộc đổi đời, như bữa cơm đầu sau những ngày đói khát trên biển. Lạc loài, bơ vơ trên đất khách, không thể bám víu vào nguồn cội nào, những cụ già bị bấn ra khỏi nước đứng xếp hàng trước một tiệm chạp phô ở Paris để mua vài miếng trầu, miếng vỏ bỏ mồm. Trong cơn thèm khát quê hương thấu suốt thịt da, người ta chỉ còn biết bám vào hũ mắm cua chua, vào quả ổi tầu, vào chiếc bánh tráng Bình Định để ăn lai rai, ăn hàm thụ, mỗi ngày một miếng qua tác phẩm của Võ Phiến.

 Tác phẩm của Võ Phiến chiếu vào phần u uẩn, khuất lấp trong tâm hồn những người dân tầm thường, quê mùa như ông Bốn Tản (Lẽ sống) chị Bốn Chìa Vôi (Chim và rắn), anh Bốn Thôi (Lại thư nhà), ông Ba Thê Đồng Thời (Giã từ), những thân phận lạc lõng, thừa thẹo, rách rưới, sống ngoài lề xã hội, trong một quê hương mà chiến tranh có thể tàn phá được tất cả, trừ những hũ mắm, những hạt trà… Đó là phần tinh túy nhất trong nước cốt quê hương, là mùi dân tộc mà nhà văn cất ra được dưới giọng văn khề khà, thô lậu, với nghệ thuật miêu tả tinh vi.

Những nhân vật của Võ Phiến khởi đi từ ký ức tuổi thơ của một cậu bé lớn lên trong thế giới đàn bà, bà nội và các cô, ở miền quê Bình Định; rồi từ Bình Định, phiêu bạt đi nơi khác, trôi dạt như chính bản thân ông trong các chuyến đi, chuyển nhà, chuyển ở.

Tác phẩm của Võ Phiến thầm kín nói lên những chua xót không nói ra được, làm bật những nín thinh của kẻ suốt đời tìm kiếm những mất mát của chính mình qua độc thoại mà không ai đối thoại. Tác phẩm của ông chiếu vào sự vong thân của con người khi phải bứt khỏi nguồn cội”. (Trích: THỤY KHÊ: VÕ PHIẾN)

Tôi đọc từng chữ về ông lại và xem đây như những giây phút sau khi thắp một nén nhang trước vong linh của ông và từ từ chờ nó tàn để bắt đầu một hành trình mới bước tiếp những bước chân khập khiễng, như một kẻ tàn tật, của một trong những kẻ hẫng hụt quá khứ.

* * *

Stt này tôi viết ngày ông mất năm 2015, tới nay đã 7 năm.

Nhưng năm nào tôi cũng đọc tác phẩm của ông, có khi trong một buổi ngồi lục tìm tư liệu, có khi ngồi soạn sách trên thư viện, có khi lại nhớ nhà thơ Trần Vấn Lệ nhắc ông trong một email hay bài viết nào đó.

Vì lẽ tâm cảm về quê hương với tâm tình hiến dâng của những nhà văn, thi sĩ đi vào thi ca và văn chương thực sự vượt lên trên mọi định chế, thành kiến, quy tắc, đức lý thông thường… mà trở nên phổ quát cho Con Người, là vĩnh cửu.

Ngân Hà

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*