Nguồn hình ảnh: Getty Images
Chính quyền Biden đã công bố kế hoạch cắt giảm thêm hoạt động xuất khẩu chip tiên tiến sang Trung Quốc.
Chúng nhằm mục đích lấp những lỗ hổng dần hiện rõ, sau khi Mỹ công bố hạn chế xuất khẩu chip vào tháng 10 năm ngoái.
Các biện pháp hạn chế được thiết kế để ngăn quân đội Trung Quốc nhập khẩu chất bán dẫn hoặc thiết bị tiên tiến.
Động thái này sẽ khiến các công ty như Nvidia, Advanced Micro Devices và Intel gặp trở ngại hơn trong việc bán cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới những con chip hiện có hoặc chip mới.
Nvidia cho biết trong một hồ sơ rằng các hạn chế xuất khẩu mới sẽ ngăn việc bán hai loại chip trí tuệ nhân tạo cao cấp mà hãng đã tạo ra cho thị trường Trung Quốc và một trong những chip chơi game của hãng cũng sẽ bị chặn lại.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, đại diện cho 99% ngành bán dẫn Hoa Kỳ tính theo doanh thu, cho biết trong một tuyên bố rằng các biện pháp mới là “quá rộng” và “có nguy cơ gây tổn hại cho hệ sinh thái bán dẫn Hoa Kỳ mà không thúc đẩy an ninh quốc gia vì chúng khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm kiếm ở nơi khác.”
Người phát ngôn của đại sứ quán Trung Quốc cũng cho biết họ “kiên quyết phản đối” các hạn chế mới, vốn cũng nhắm vào Iran và Nga và sẽ có hiệu lực sau 30 ngày.
Hai tháng trước, để trả đũa Mỹ, Trung Quốc bắt đầu hạn chế xuất khẩu hai loại vật liệu là gali và gecmani, đóng vai trò chủ chốt của ngành công nghiệp bán dẫn.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước lớn nhất trong chuỗi cung ứng gali và germani toàn cầu. Theo cơ quan công nghiệp của Liên minh Nguyên liệu thô Quan trọng (CRMA), nước này sản xuất 80% gali và 60% gecmani của thế giới.
Các vật liệu này là “kim loại phụ”, nghĩa là chúng thường không được tìm thấy trong tự nhiên và thường là sản phẩm phụ của các quá trình luyện kim khác.
Ngoài Mỹ, cả Nhật Bản và Hà Lan – quê hương của nhà sản xuất thiết bị chip chủ chốt ASML – cũng đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ chip đối với Trung Quốc.
Sự ăn miếng trả miếng liên tục giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm dấy lên mối lo ngại về sự trỗi dậy của cái gọi là “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” khi các chính phủ tích trữ các nguyên liệu quan trọng để gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác.
Mariko Oi
Phóng viên Kinh doanh
Theo BBC tiếng Việt ngày 18 tháng 10, 2023
Be the first to comment