Cuộc Chiến Chip Mỹ-Trung: Ai Chịu Thiệt ?

Ảnh: Jakub Porzycki/NurPhoto via Getty Images

Việc chính phủ Hoa Kỳ thắt chặt thêm các hạn chế xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo (AI) sang Trung Quốc (TQ) khiến các công ty sản xuất chip hàng đầu như Nvidia và Intel bị rơi vào thế khó. Những quy định mới bổ sung khiến họ càng khó khăn hơn khi bán những con chip tiên tiến cho thị trường TQ, dù đã “hạ cấp” để không phạm luật.

Gặp phản ứng mạnh

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang thắt chặt các hạn chế trong việc bán chip AI cho TQ. Nhưng cách làm này cũng gây đụng chạm đến quyền lợi của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang bán chip cho thị trường TQ rộng lớn. Ngày 17 Tháng Mười, Bộ Thương mại tuyên bố “sẽ hạn chế đáng kể” việc xuất khẩu chip AI của Mỹ, khiến các công ty Nvidia và Intel không thể làm ăn như cũ tại TQ và cũng không thể bán các chip AI “lách luật” cho thị trường TQ.

Động thái mới của chính quyền Biden là nhằm lấp những lỗ hổng trong luật kiểm soát xuất khẩu chip ban hành cách đây một năm, bất chấp luật vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và làm căng thẳng leo thang với Bắc Kinh. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo giải thích:

“Mục tiêu của các quy định bổ sung là nhằm hạn chế khả năng tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến giúp TQ có được những đột phá về AI và máy tính phức tạp. Những con chip này cũng rất quan trọng trong lĩnh vực quân sự của TQ. Hạn chế mới cũng để giảm sự lo ngại là Mỹ có thể tụt hậu so với TQ về các công nghệ quốc phòng quan trọng”.

Đạo luật Chip ban hành cách nay không lâu với khoản kinh phí lên đến $53 tỷ cũng là để chấm dứt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào chip sản xuất từ nước ngoài, đặc biệt là những loại chip được Ngũ Giác Đài sử dụng. Đạo luật Chip còn là ví dụ mới nhất về việc chính phủ liên bang sử dụng tiền mặt để tái thiết một ngành được xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Cổ phiếu của Nvidia và các cổ phiếu chip khác đã giảm khi tin tức về các hạn chế mới xuất hiện. Các hạn chế này mở rộng đáng kể thẩm quyền của chính phủ liên bang trong việc xác định sản phẩm nào của các công ty Mỹ không thể bán cho nước ngoài vì an ninh quốc gia.

Theo hướng dẫn mới, các lô hàng chip AI cao cấp, kể cả chip do Nvidia và Intel phát triển riêng cho thị trường TQ, đều bị cấm mà không cần lệnh. Các chip “vùng xám” nằm dưới ngưỡng cấm nay cũng phải thông báo cho chính phủ, sau đó chính phủ sẽ quyết định cho phép hay không cho phép bán hàng ra nước ngoài. Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (Semiconductor Industry Association) đại diện ngành công nghiệp chip của Hoa Kỳ, than phiền “chính phủ đã vi phạm các quy tắc” trong một văn bản.

Hiệp hội nhấn mạnh: “Các biện pháp kiểm soát đơn phương dàn trải quá rộng chỉ gây tổn hại cho công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ mà không mang lại lợi ích gì cho an ninh quốc gia. Lý do, chúng khuyến khích khách hàng nước ngoài tìm mua ở những nơi khác”.

Lưu Bằng Vũ, Phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Washington tuyên bố: “TQ kiên quyết phản đối các hạn chế mới chúng vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, làm gián đoạn và gây mất ổn định chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến và bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Bắc Kinh đã trả đũa các hành động trước đây của Hoa Kỳ bằng cách cấm bán một số chip do công ty Micron Technology có trụ sở tại Hoa Kỳ sản xuất và giảm xuất khẩu các nguyên liệu cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn.

Nvidia đang tìm cách lách luật Mỹ để có thể kiếm tiền từ thị trường Trung Quốc (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Nhưng không thể không làm

Động thái mới nhất về chip AI được đưa ra bất chấp các công ty sản xuất chip đã vận động hành lang mạnh mẽ trong nhiều tháng để nới lỏng các hạn chế. Nhưng họ không thành công mà còn bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Nvidia đối phó bằng cách phát triển các phiên bản chip AI tiên tiến riêng cho thị trường TQ mà không vi phạm các hạn chế xuất khẩu chip ban hành vào năm ngoái.

Động thái này hiệu quả một thời gian và giúp duy trì doanh số bán phần cứng của Nvidia ở TQ, nơi thị trường điện toán AI đang bùng nổ. Ngoài ra, nhu cầu chip ở những nơi khác ngoài TQ còn rất cao. Nhưng các quy định mới đã phá vỡ chiến thuật lách luật của công ty. Đoán trước tình hình, Tháng Sáu qua, Colette Kress, Giám đốc tài chính của Nvidia cảnh báo: “Các hạn chế dài hạn chip tại TQ sẽ khiến ngành công nghiệp chip của Mỹ mất vĩnh viễn cơ hội cạnh tranh, tác động xấu đến kết quả kinh doanh, tài chính của chúng tôi trong tương lai”.

Trong các quy định bổ sung, Bộ Thương mại cũng tìm cách không cho các chuyến hàng chip đến TQ qua các quốc gia khác. Cụ thể là áp dụng các hạn chế xuất khẩu đối với cả các công ty con của các công ty TQ và 21 quốc gia khác ở nước ngoài.

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo phân biệt rõ: “Chip sử dụng cho các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại thông minh, máy tính xách tay và trò chơi điện tử sẽ không cần giấy phép xuất khẩu”. Bộ cho biết trong tương lai sẽ nghiên cứu ban hành các quy tắc giới hạn khả năng TQ tiếp cận chip qua các nhà cung cấp như Amazon và Microsoft. Bộ cũng nghiên cứu hạn chế hơn nữa việc vận chuyển thiết bị sản xuất chip.

Tuy nhiên, các biện pháp mới không phải là bước quyết liệt hơn như một số nhà lập pháp và nhà phân tích an ninh quốc gia đòi hỏi trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy TQ đang nhanh chóng phát triển khả năng sản xuất nâng cao hệ thống vũ khí của mình.

Những quy tắc hạn chế mới cũng không đề cập đến việc chuyển giao công nghệ cho các công ty công nghệ TQ như Huawei Technologies và Semiconductor Manufacturing International (SMIC). Vì vậy, các công ty này vẫn có thể mua một số thiết bị sản xuất chip từ các nhà sản xuất châu Á và châu Âu. Lý do, không phải đồng minh nào của Mỹ cũng áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt như Mỹ.

Theo TechInsights, trang thông tin bán dẫn của Canada, tháng trước, Huawei tiết lộ một loại điện thoại mới có khả năng tương tự 5G dùng chip tiên tiến do SMIC sản xuất. Bộ trưởng Raimondo đánh giá thông tin này là “cực kỳ đáng lo ngại”. Một nhà phân tích của TechInsights lưu ý: “SMIC có thể đã sử dụng những máy móc không hiện đại để chế tạo chip này”.

Dân biểu Michael McCaul (Cộng hoà-Texas), người thường xuyên không hài lòng với chính sách kiểm soát xuất khẩu “mềm mỏng” của chính quyền Biden, tuyên bố khi nghe các hạn chế bổ sung: “Việc tiếp tục cảnh giác là cần thiết để ngăn chặn hành vi gian lận và lách các hạn chế”, dẫn lại từ Wall Street Journal.

Lương Thái Sỹ
Theo Saigon Nhỏ ngày 18 tháng 10, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*