Tổ chức Amnesty International minh họa hình ảnh tin tặc. (Hình: Amnesty International)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chính phủ các nước không chấp nhận việc bị tin tặc từ Việt Nam lộng hành mà người ta nghi ngờ dính líu tới nhà nước CSVN.
Báo Nikkei của Nhật hôm Thứ Hai, 16 Tháng Mười, dẫn các cuộc phỏng vấn viên chức nước ngoài nói như vậy. Một phần mềm gián điệp có tên “Predator” (dã thú, kẻ săn mồi) xuất phát từ Việt Nam bị tìm thấy đã len lỏi vào máy tính hay điện thoại các chính trị gia, nhà báo Mỹ, Đài Loan và Âu Châu.
Cuộc điều tra do một nhóm nhà báo Mỹ và Châu Âu hợp tác với tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Amnesty International cáo buộc CSVN dùng “Predator” theo dõi những người bị họ nhắm đến. Tuy nhiên, ít nhất 58 dịp xâm nhập đã có vẻ không thành công. Mà nếu thành công, tin tặc sẽ lấy được nội dung, dữ liệu của điện thoại, máy thu âm.
Chính phủ Liên Âu cho hay họ đang chất vấn nhà cầm quyền CSVN về những cáo buộc trên. Chính phủ Mỹ thì coi vụ việc là “nghiêm trọng” còn chính phủ Pháp nói theo dõi bất hợp pháp “không thể dung thứ”.
Một tổ chức nghiên cứu an ninh mạng có tên Citizen Lab ở Canada trước đây cho hay cả chính phủ Indonesia và Philippines cũng có thể dùng phần mềm gián điệp.
Tin tặc có liên quan với chế độ CSVN lâu nay đã bị một số công ty an ninh mạng ở Mỹ tố cáo tấn công các người bất đồng chính kiến ở trong nước hay hải ngoại, nhiều khi học theo sách lược của Trung Quốc. Những gì mới bị phơi bày hồi tuần qua cho thấy họ tấn công những người từ các nhà lập pháp đến ký giả báo chí ngoại quốc.
Điều mỉa mai là khi Tổng Thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội ký thỏa hiệp nâng cấp mối quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, hai bên đều nói gồm cả hợp tác đối phó với “vấn đề gia tăng các hoạt động lừa đảo trên mạng”.
Nhưng khi các cuộc đàm phán nâng cấp quan hệ đang diễn ra thì gián điệp Việt Nam lại gửi các liên kết độc hại tới các nhà lập pháp Mỹ qua mạng xã hội để xâm nhập máy móc của họ, báo Washington Post cáo buộc qua bài viết phân tích điều tra khá dài ngày Thứ Hai, 9 Tháng Mười. Bài điều tra này là công trình tìm hiểu của một số nhà báo chuyên về mạng của Washington Post, Der Spiegel (Đức) điều tra về hoạt động của nhóm tin tặc “Predator”.
“Nỗ lực nâng cấp quan hệ với Washington có thể giúp họ hiểu biết rõ hơn về những gì Mỹ nghĩ về Trung Quốc và Đài Loan vốn quan trọng cho (sách lược) của Việt Nam,” báo Washington Post ngày nói trên nhận định. Còn báo Đức thì nói CSVN đã bỏ ra $5.9 triệu để mua phần mềm tin tặc kể trên.
Tổ chức Citizen Lab cho hay những gì họ khám phá cũng trùng khớp với cuộc điều tra của Amnesty International, nghĩa là tổ chức tin tặc nói trên nhắm vào các nhà phân tích và những nhà hoạt động nước ngoài, tổng thống Đài Loan, các viên chức Liên Âu điều tra hoạt động đánh cá lậu của ngư dân Việt Nam.
Bộ Thông Tin Truyền Thông CSVN khoe đã áp lực Facebook, TikTok, YouTube gỡ bỏ gần 800 tài khoản “xấu độc” trên mạng trong một tháng. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
“Chúng tôi đã nêu các quan ngại nổi lên từ cáo buộc nói trên với nhà cầm quyền CSVN,” một phát ngôn viên của Ủy Ban Châu Âu nói với Nikkei. “Bất cứ hành vi xâm nhập bất hợp pháp dữ liệu của công dân, nhà báo và đối thủ chính trị, cũng đều không được chấp nhận.”
Đại diện Liên Âu có mặt tại Việt Nam thảo luận để gỡ bỏ “thẻ vàng” đe dọa cấm Việt Nam xuất cảng thủy sản sang Châu Âu nếu không dứt khoát trừ diệt nạn đánh cá bất hợp pháp.
Nikkei cũng đã giao tiếp với nhà cầm quyền CSVN yêu cầu bình luận nhưng cho tới khi bài báo lên mạng vẫn chưa nhận được hồi đáp.
“Chúng tôi coi mọi cáo buộc sử dụng bất hợp pháp phần mềm gián điệp là nghiêm trọng.” Một viên chức Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội phát biểu với Nikkei. “Từ hệ quả của việc nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hội đàm trực tiếp với họ để giải quyết các vấn đề cốt lõi, cả cơ hội cũng như thách thức.”
TN
Theo Người Việt online ngày 16/10/2023
Be the first to comment