Mùa hè năm nay (2023) tại vùng Toronto, Canada, là một mùa hè đẹp tuyệt trần đời. Ngay từ giữa tháng 5, nhiệt độ hầu như là ngày nào cũng trên 150C, làm cho bắp thịt và hai cái cẳng già của người viết không hề bị đau nhức gì hết. Sang đến giữa tháng 6, trời nắng to và khí hậu giống như mùa hè ở Việt Nam vậy.
Người viết muốn ngồi xuống để ghi lại những nguồn cảm hứng liên quan đến khí hậu nhiệt đới của cội nguồn Việt Nam khi còn đang đi học Trung học ở Saigon. Tiếc thay, vì công việc phải làm cho xong nhiều thứ linh tinh của Tượng Đài Thuyền Nhân cùng với các anh chị em trong Hội Đồng Quản Trị nên đành phải lo phận sự này vậy.
Sáng sớm Mùa Thu hôm nay, trời rất đẹp cho nên người viết bèn trèo lên xe đạp, đạp xe lên dốc, xuống dốc để đi thử máu xem sao. Đạp xe muốn hộc hơi luôn vì trên đường đi, phải lên dốc khá nhiều. Tới nơi, khóa xe đạp lại và dựng xe bên cạnh bức tường với thảm cỏ xanh. Xong việc thử máu, bèn đi bộ vào một cái Mall gần đó. Mua một ly cà phê (regular, small) có nghĩa là cà phê sữa không ngọt lắm, và ly nhỏ mà thôi. Nơi tôi đang ngồi viết có rất nhiều các bàn nhỏ, mỗi bàn có 4 cái ghế. Thật là tiện lợi cho việc đọc email, gọi điện thoại Cellular cho bạn bè.
Đã lâu lắm rồi, thấy mình chưa cảm thấy được khoan khoái như lúc đó. Ngồi nhâm nhi cà phê, ăn một cái bánh “meat patty”, vừa ăn vừa đọc email. Ôi chao là tuyệt vời!
Bèn thả hồn về với những năm tháng còn dạy học…
Xin kể cho quý vị nghe một vài giai thoại về “English as a second language” (Anh văn là sinh ngữ thứ hai)…
SURPRISE / SUPPLY
Khoảng giữa thập niêm 1980 gì đó, trong một “lecture” của môn Toán dậy cho các sinh viên năm thứ Hai của phân khoa Kỹ thuật (Cơ khí, Điện, Hóa Học, Công Chánh, Sinh Vật Học), anh chàng Johnny gốc Ý vừa vào lớp xong, bèn giơ tay để “xin phát biểu”:
Trong một công ty, có ba người Cai (foremen): một người gốc Anh, một người gốc Pháp, một người gốc Hoa. Người gốc Anh lo về việc các drawings (bản vẽ), người gốc Pháp lo về vụ workers (thợ thuyền), người gốc Hoa lo về vụ vật dụng (supplies).
Một toán thợ đang cần có rất nhiều gỗ cho việc xây cất. Họ đi kiếm người cai gốc Hoa khắp nơi. Kiếm đâu cũng không thấy ông cai này.
Gọi tên hoài, bỗng dưng ông này từ đâu nhẩy ra, nhoẻn miệng cười toe toét rồi nhẩy cẫng lên và nói to:
– Supply thay vì surprise (vì một số người Tàu hay nói lộn như vậy)!
Toán thợ tuy bực mình nhưng rồi lại đâm ra vui vẻ trở lại vì ông cai này nói ngọng (giống như một số người Bắc mình nói lộn giữa chữ “lờ” và chữ “nờ”.
Anh chàng Johnny này có ý muốn “chọc quê” ông Thầy gốc Việt (cùng màu da vàng với người Hoa). Học trò thích chí, vỗ tay. Ông Thầy cũng cùng cười với cả lớp.
Hai hôm sau, ông Thầy “ra chiêu”. Sau khi đã vào lớp, tôi tuyên bố:
– Yêu cầu các anh chị bỏ hết giấy tờ trên bàn xuống đất. Hôm nay tôi có phần “Quick Quiz” (bắt học trò giải bài toán để nộp mà không báo trước). Không ai được phép “giúp bạn”. Tôi sẽ phát bài “Quick Quiz” cho các anh chị. Không ai được phép lật giấy lên cho đến khi tôi cho phép.
Trong lớp có tiếng lào xào “sẽ lên mách ông Chairperson của trường Toán” về ông thầy không báo “Quick Quiz” trước. Tôi bỏ ngoài tai…
Sau khi đã đứng trước cái bảng đen, tôi tuyên bố:
– Lật tờ giấy đề thi lên và các anh chị bắt đầu làm bài!
Cả lớp ngỡ ngàng vì sau khi giở tờ giấy, chỉ thấy tờ giấy trắng. Họ tưởng rằng ông Thầy phát lộn đề thi.
Ông Thầy hứng chí, nhẩy cẫng lên và tuyên bố:
Supply! (thay cho chữ “surprise”)
Thế là huề nhau 1-1.
LOGARITHM
Sau khi đã biết “bí kíp về vụ entertaining” học trò, mỗi lần ban đêm khi ngồi nghe danh hài Johny Carson “cracking joke” trước khi đi ngủ, tôi thường ghi lại các câu truyện vui do ông ta kể lại.
Một số sinh viên thấy “buồn ngủ” khi tôi phải dạy họ phần “LOGARITHM” vì họ không hiểu tại sao họ lại phải học phần này. Có người còn hỏi tôi: “Liệu em có cần phải học phần này cho ngành học của em không?”
Để mở đầu, tôi “đánh trống lảng” và định nghĩa chữ “LOGARYTHM” theo “tự vị” Johnny Carson.
LOGA: Liên quan đến chữ “Log” (Thân cây) và người đi đốn củi trong rừng (Bắt nguồn từ chữ Log rồi Logger, rồi Lumber jack, Lumber worker)
RHYTHM: Phương pháp ngừa thai.
Cho nên, danh hài Johnny Carson định nghĩa như sau:
Logarithm is a contraceptive method being practiced by lumber workers.
(Logarythm là một phương pháp ngừa thai của dân đi đốn cây trong rừng)
Học trò khoái trí, cười vang và ông Thầy không còn bị học trò than phiền gì về đề tài “Logarithm” nữa…
CONJUGATE VERB “TO COME”
Trong một lớp học tiếng Anh cho những người di dân mới tới Canada (ESL class), một giáo sư bắt học trò (phần lớn đã có gia đình) chia động từ “TO COME”. Một anh chàng học trò “sồn sồn” mới đến Canada giơ tay và chia động từ ngay lập tức:
I (chồng) come
She (vợ) comes
We (cả hai) come
They (2 đứa con) come
.
.
.
How come?
Tiếng Anh rất chỉnh nhưng người nghe thì không tài nào có thể nín cười được vì động từ “to come” có 2 nghĩa vừa “chay”, lại vừa “mặn” nữa!
RIDING MY BICYCLE
Một nhà truyền giáo người Canada sang Phi Châu làm việc. Công việc chính của ông là dạy tiếng Anh và giảng đạo cho người Phi Châu. Người học trò đầu tiên của ông ta là một ông Tù Trưởng (tribe chief).
Cách dạy hay nhất là thấy cái gì ông Thầy gốc Canada chỉ vào cái đó trong cuốn sách mà ông ta mang theo từ Canada: con chim (bird), con nai (antelope), con sư tử (lion), người đàn ông đi xe đạp (man riding his bicycle)…
Như thường lệ, ông tù trưởng và nhà truyền giáo đi từ nơi này sang nơi khác và mỗi nơi thầy và trò chỉ trỏ cho nhau rất nhiều thứ.
Một hôm trên đường đi, cả 2 thầy trò thấy một cặp đang “làm trò dấm dớ” trong một bụi cây. Ông Tù Trưởng bèn thổi ống xì đồng (blowing pipe) giết thủ phạm đàn ông ngay lập tức.
Ông Canada bực mình: “What the hell are you doing? You just killed that man!”
Ông Tù Trường nhanh nhẩu trả lời vì còn nhớ bài vừa mới học: “Man rides my bicycle!”
TIẾNG ANH BỊ NÓI NGỌNG
Lâu lắm rồi, tôi đã được nghe một câu chuyện như sau:
Một người đàn ông Nhật Bản được gửi sang Mỹ để tu nghiệp. Ông ta ở trọ trong một gia đình người Mỹ.
Một hôm, trong bữa ăn tối, bà chủ nhà đợi ông ta rất lâu mà không thấy ông ta đâu. Mãi đến 10 giờ đêm, ông ta mới về đến nhà và xin lỗi bà chủ nhà vì về đến nhà quá trễ. Ông ta giải thích như sau:
Solly that I got home late: I took the long load home
Bà chủ nhà trố mất không hiểu ông ta nói gì.
May quá, trong nhà người Mỹ có một người đã sống ở Nhật, và giải thích dùm cho bà chủ nhà như sau:
Sorry that I got home late: I took the wrong road home.
Rất nhiều người Nhật (và người Tàu) nói phụ âm “r” thành “l”. Thí dụ như FRIED RICE (cơm rang/ cơm chiên) đọc lên thành con rận nó bay (FLIED LICE), nguy to rồi! (Ăn cơm rang/chiên mà lại hóa ra… ăn con rận nó bay!)
BRUCE LEE, JEAN CLAUDE VAN DAMME LÂM TRẬN
Phần lớn các sinh viên Canadians rất thích xem các màn đấu võ của Bruce Lee và họ thường hỏi tôi có biết võ không.
Tôi bèn trả lời:
– Bruce Lee takes off his shirt before the fight. As for me, I take off my shirt before I take… a shower.
(Tài tử Bruce Lee thường hay cởi áo trước khi đấu võ. Còn tôi, tôi chỉ cởi áo trước khi… đi tắm).
Đối với các sinh viên năm thứ Nhất, trong giờ học đầu tiên của môn Công Chánh Đại Cương (Introduction to Civil Engineering Technology), tôi phải viết tên Phan Dam, Room number trên bảng để họ biết tên tôi và đến kiếm tôi những khi họ muốn đến hỏi bài… Cái tên tiếng Việt của Phan Dam (Đàm Trung Phán) thì học trò Canadian khó nhớ lắm.
Để cho học trò dễ nhớ tên mình, tôi bèn viết tên tài tử Jean Claude Van Damme (gần giống Phan Dam!) lên bảng đen và tôi “giúp học trò” dễ nhớ tên tôi: đề nghị họ gọi tôi bằng tên Jean Claude (Chirstian, first name) để họ… dễ nhớ tên tôi (Phan Dam so với Jean Claude Van Damme).
Không ngờ một số học trò đã gọi tên “cúng cơm của tôi (nickname)” là Jean Claude trong một khoảng thời gian gần suốt cả thập niên 1980.
Nhớ nhất là có một anh chàng sinh viên da trắng. Trước khi vào học College trong ngành Bảo Vệ Môi Sinh (Environmental Engineering Technology Department) với chúng tôi, anh chàng đã trên 30 tuổi. Anh chàng đã có bằng BA nhưng không kiếm được việc làm thích hợp, bèn vào học Ngành Bảo Vệ Môi Sinh để sau khi ra trường sẽ dễ kiếm việc cho đúng ngành nghề hơn. Anh chàng rất dễ thương và quen với một số đông sinh viên Việt Nam trong trường. Khoảng năm 1995 gì đó, anh chàng gửi cho tôi một thiệp chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt từ Vancouver và còn tự viết “Chúc Mừng Năm Mới, Jean Claude Phan Dam”.
Niềm vui này tôi còn nhớ đến tận hôm viết bài này!
Đàm Trung Phán
Ngày 26/9/2023
Mississauga, Canada
Be the first to comment