Cuộc Chiến Chip Nóng Hổi Giữa Mỹ Và Trung Quốc

(Ảnh: Mediacolors/Construction Photography/Avalon/Getty Images)

Hạn chế xuất khẩu đối với chất bán dẫn (chip) và các công nghệ tiên tiến khác đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng vấn đề nào cũng có mặt trái…

Vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau

Tháng Mười năm ngoái, chính quyền Biden đã tung ra một trong những biện pháp đối phó lớn nhất nhằm chống lại tham vọng quân sự của Trung Quốc (TQ): Kiểm soát xuất khẩu mà nổi bật là lệnh cấm xuất khẩu sang TQ các chip tiên tiến được sử dụng cho hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI).

Quy định mới không chỉ hạn chế các công ty Hoa Kỳ mà còn hiệu lực với bất kỳ nhà sản xuất chip nào sử dụng phần mềm hoặc công nghệ Mỹ để tạo ra sản phẩm. Nói như Kevin Wolf, người điều hành cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ từ năm 2010-2017: “Sự phụ thuộc của nước ngoài vào chip tiên tiến của Hoa Kỳ có nghĩa là mọi con chip trên hành tinh đều chịu Mỹ giám sát chặt chẽ”.

Cây bút Thomas Friedman từng nhận định “chuỗi cung ứng chip là một ví dụ điển hình về thế giới phẳng của toàn cầu hóa, trong đó sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế sẽ tạo ra hòa bình và thịnh vượng”. Tuy nhiên, Mỹ đã nhận ra lợi thế của sự phụ thuộc lẫn nhau và “vũ khí hóa” nó trong cuộc đối đầu với TQ. Các công nghệ của Mỹ, vốn trải dài như sợi dây dài của tàu đánh cá xuyên qua toàn bộ hệ thống sản xuất chip toàn cầu nay bắt đầu cuốn trở lại khiến cả các đồng minh lẫn đối thủ đều bị vặn vẹo trên lưỡi câu.

Cho đến gần đây, các doanh nghiệp Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp TQ thực hiện suôn sẻ các tham vọng công nghệ thông qua quan hệ đối tác, đầu tư và chuyển giao công nghệ (tự nguyện hoặc bắt buộc). Nói cách khác, chính Mỹ là quốc gia (từng) giúp Trung Quốc nhiều nhất trên con đường phát triển của họ. Như Matt Pottinger, Phó Cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Donald Trump, nói với Nikkei Asia vào Tháng Năm: “Chúng tôi nhìn thấy một con cá mập con và nghĩ rằng có thể biến nó thành con cá heo hiền lành. Nhưng con cá mập vẫn được ăn đầy đủ, và bây giờ chúng tôi có một con cá mập trắng đáng gờm!”.

Tăng cường năng lực sản xuất chip là chiến lược được nội các Joe Biden đẩy mạnh tối đa (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Mỹ áp dụng chiến lược gì?

Chiến lược kiểm soát xuất khẩu của chính quyền Biden hiện nay là tạo ra một “sân nhỏ với hàng rào cao” (small yard with a high fence) nhắm vào các lĩnh vực then chốt.

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chỉ bắt đầu nhận được sự quan trong từ thời chính quyền Trump và nhận được cú hích đầu tiên từ những sai lầm ngớ ngẩn của công ty viễn thông TQ ZTE. Dưới chính quyền Obama, công ty này bị phát hiện không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, bị đưa vào “danh sách thực thể” bị trừng phạt của chính phủ Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp khác không được phép cung cấp hàng hóa cụ thể cho ZTE nếu không có sự cho phép của chính phủ Mỹ. ZTE chỉ được đưa ra khỏi danh sách sau khi đồng ý tuân thủ luật Mỹ, chịu nộp phạt $430 triệu và nhận án treo.

Nhưng sau đó ZTE vi phạm thỏa thuận giảm nhẹ và khai man. Bộ Thương mại của Trump đã áp dụng hình phạt đình chỉ, cắt quyền tiếp cận của công ty vào công nghệ Hoa Kỳ trong bảy năm (được xem là “bản án tử hình” đối với ZTE). Một cựu quan chức cấp cao của Mỹ kể lại: “Tập Cận Bình liên tục nhắc đến ZTE trong các cuộc điện đàm với Trump, yêu cầu ông giảm hình phạt như một ân huệ cá nhân”. Trump, vẫn rất muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Tập, viết trên tweeter là “đang làm việc với Tập để mở cho ZTE một con đường quay trở lại hoạt động kinh doanh vì có quá nhiều việc làm ở TQ bị mất”.

Cuối cùng, Trump và Tập cũng đạt được thỏa thuận, theo đó ZTE sẽ phải trả mức phạt lớn hơn để được tiếp tục tiếp cận công nghệ Mỹ. ZTE sống sót nhờ những gì John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Trump, mô tả trong cuốn hồi ký năm 2020: “Trump khao khát đạt được một thỏa thuận thương mại với TQ đến nỗi tất cả các vấn đề khác đều trở thành thứ yếu!”.

Tháng Năm, 2019, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross thực hiện bước tiếp theo, đưa gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies vào “danh sách thực thể” trừng phạt vì lý do an ninh quốc gia. Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) từng nói với cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản TQ Giang Trạch Dân: “Một quốc gia không có thiết bị chuyển mạch viễn thông (telecommunications switching equipment) riêng cũng giống như thiếu quân đội của riêng mình”.

Tiếp đó, Mỹ công bố bản “quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (foreign direct-product rule) và sử dụng quy tắc này để quản lý các sản phẩm được sản xuất ở các quốc gia khác có sử dụng phần mềm, công nghệ của Mỹ, thậm chí bằng các công cụ liên quan đến bí quyết công nghệ của Mỹ. Vì tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ hiện diện khắp nơi trong chuỗi cung ứng chip nên quy tắc này lập tức ảnh hưởng nặng nề đến Huawei. Một bản ghi nhớ bị rò rỉ năm 2022 của Nhậm Chính Phi cảnh báo các nhân viên Huawei: “Việc Mỹ tiếp tục phong tỏa đã biến sự sống còn trở thành ưu tiên hàng đầu của công ty”. Quy tắc này hiện vẫn là vũ khí của chính quyền Biden trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung và trong việc ngăn chặn một số sản phẩm chiến lược chuyển cho Nga.

Độc lập công nghệ để tránh bị vũ khí hóa

Động thái chống một công ty TQ (Huawei) của chính quyền Trump được chính quyền Biden phát triển thành chiến dịch cắt quyền tiếp cận của toàn bộ người TQ vào các công nghệ quan trọng của Mỹ. Sở dĩ Mỹ làm được như thế là nhờ toàn cầu hóa không tạo ra một thị trường toàn cầu phi tập trung như các học giả và chính trị gia dự đoán mà tập trung quyền lực một cách có hệ thống vào một số ít công ty lớn.

Trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, ASML, Nvidia, Synopsys và Cadence Design Systems thuộc số công ty này. Đó là lý do tại sao các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới lại có hiệu quả đến vậy. “Vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau” (ở đây là sự phụ thuộc của TQ vào chip tiên tiến Mỹ) đã mang lại cho chính phủ Hoa Kỳ quyền lực cưỡng chế và giám sát to lớn.

Tuy nhiên, chiến thuật vũ khí hóa cũng tiềm ẩn nguy cơ. Hiện TQ đang trả đũa Mỹ bằng cách đe dọa hạn chế các nguyên liệu chính cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn. Mỹ và các đồng minh có thể tìm nguồn khác, nhưng việc trả đũa qua lại đã trở thành vòng xoáy nguy hiểm cho cả hai bên. Trước mắt TQ đang huy động mọi nỗ lực đạt được “sự độc lập công nghệ”. Ali Wyne, một nhà phân tích cấp cao của Eurasia Group cảnh báo: “Điều duy nhất tồi tệ hơn sự phụ thuộc lẫn nhau là… không còn sự phụ thuộc lẫn nhau nào cả! Khi đó, TQ không còn phải lo sự trả đũa của phương Tây, nếu tấn công Đài Loan, nhũng nhiễu lãnh thổ ở Biển Đông, chống lại Ấn Độ và giành quyền bá chủ châu Á”.

Các quốc gia bài Mỹ khác có thể hợp tác với TQ hoặc theo chân TQ tự lực về công nghệ để không trở thành quốc gia tiếp theo bị Mỹ kiểm soát nhập khẩu. Chính quyền Biden đã cân nhắc những rủi ro này và xem giải pháp “sân nhỏ, hàng rào cao” là lựa chọn tốt nhất trong số những lựa chọn tồi. Câu chuyện về kiểm soát xuất khẩu, từ Obama đến Trump và Biden là “một trong những khám phá của Mỹ về cách khống chế đối thủ” nhưng đã đến lúc phải có chiến lược rõ ràng để không bị tác dụng ngược – nhận định của Wall Street Journal.

Lê Tây Sơn
Theo Saigon Nhỏ ngày 9 tháng 9, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*