Bẫy Rập Của Công An Cộng Sản Tràn Ngập Không Gian Mạng

(SGN)

Các mạng xã hội vẫn phát triển trong sự bủa vây của các chính quyền độc tài. Song song, người dùng cũng tìm ra nhiều phương thức để tiếp tục tồn tại với cách đàn áp internet của các chính quyền cộng sản, như Trung Quốc và Việt Nam. Giờ đây, nhiều người báo cho nhau, giúp nhận diện các trò công an mạng đang dùng, đủ các hình thức từ quảng cáo, đến kêu gọi, đưa mồi nhử để gài bẫy. Nhiều hiểm nguy rình rập sau từng cú click, mà không ít người dễ tin và không phòng bị, đã trở thành nạn nhân của các lực lượng SSF của Trung Quốc (Strategic Support Force) hay AK47 của Việt Nam.

Là học trò giỏi và trung thành của Bắc Kinh, Việt Nam luôn nối bước theo các phương thức kiểm duyệt, đàn áp và làm “luật” trên internet để kết án nhanh chóng những người bị coi là có vấn đề với nhà nước.  Tháng Mười Hai 2015, khi Tập Cận Bình chỉ đạo cho ra mắt đội quân tác chiến mạng, bao gồm tấn công, đột nhập danh khoản cá nhân, đánh cắp dữ liệu, tuyên truyền chống phản biện… thì Tháng Giêng 2016, Hà Nội cũng lập tức cho hình thành lực lượng 47. Quân số của cả SSF và AK47 là không thể đoán được, vì đến 2022, việc tham gia đã được “toàn dân hoá” theo chỉ đạo của Bộ Công An.

Luật An Ninh mạng của Trung Quốc được ban hành vào Tháng Sáu 2017, thì đến Tháng Một 2019, Việt Nam cũng hối hả đưa vào đời sống luật này, vốn được các nhà phân tích nói rằng toàn bộ nội dung và hoạt động giống Trung Quốc đến 90%. Sức đàn áp và ruồng bố của hai bộ luật này như thế nào đến giờ thì ai cũng đã rõ.

Dùng các tin nhắn đủ kiểu để lũng đoạn

Trung Quốc hiểu rõ các trang mạng mà mình ngăn chặn như Facebook, Twitter… vẫn có sức mạnh bên ngoài bức tường lửa của mình. Nên đội quân ảo hùng hậu với những kẻ thao túng và lừa đảo xuất hiện với những hình ảnh, và tin nhắn khiêu dâm, tục tĩu… được lập ra và luôn tấn công các diễn đàn chính trị bất đồng hay các danh khoản của những người có phát ngôn chỉ trích chính quyền như chiến dịch thường kỳ: Mục tiêu là đánh loãng những nội dung thảo luận quan trọng, hoặc cố làm mất uy tín của diễn đàn.

Các báo cáo thu thập từ giới bất đồng chính kiến Trung Quốc đến Tháng Năm vừa rồi, cho thấy hoạt động rất rõ của an ninh mạng Trung Quốc. Ông Wang Zhi’an, một trong những người nhận định về chính trị Trung Quốc – viết bằng tiếng Trung, nhận thấy một điều kỳ lạ: Mỗi lần ông ấy đăng bài trên X, trước đây gọi là Twitter, các câu trả lời của ông sẽ tràn ngập thư rác tình dục trong vòng vài phút. Một lần khác, nhà báo lưu vong người Trung Quốc này đăng một bài thảo luận về các chính sách kiếm tiền mới của mạng X. Một người dùng tên Zizizi963, với hình đại diện là một phụ nữ trẻ độc thân hấp dẫn, đã trả lời bằng một bức ảnh cô ấy mặc nội y và dòng chữ: “Khi nào bạn mới đến chỗ tôi và dọn giường của tôi?” Zizizi963 là một trong số các tài khoản đăng tin nhắn khiêu dâm trong hầu hết các câu trả lời với ông Wang. Bất ngờ hơn, Những tài khoản có hoạt động như Zizizi963, đều có dấu kiểm màu xanh và được cấp khả năng hiển thị cao hơn trên nền tảng.

Không khó đoán, đằng sau những tin nhắn ảo đó là ai đang kiểm soát. Theo một cuộc phỏng vấn âm thanh giữa hai người mà Wang đã chia sẻ trên podcast của mình, một người đàn ông ở độ tuổi 20 ở Thâm Quyến đã liên lạc ẩn danh với Wang, sau khi họ trở thành nạn nhân. Những kẻ lừa đảo đã thuyết phục người đàn ông tải xuống phần mềm trò chuyện video đặc biệt vì “lý do an toàn”, dụ anh ta vào phòng trò chuyện, dùng A.I chỉnh sửa, biến thành anh ta không mặc quần áo và sau đó tống tiền hoặc tung ra để huỷ hoại uy tín. Nạn nhân này đã phải chuyển 200,000 nhân dân tệ ($27,500) cho những kẻ lừa đảo để ngăn ảnh của mình bị rò rỉ.

Tương tự như cảnh sát giao thông ở Việt Nam, những cú làm ăn riêng – tống tiền và đòi hối lộ như vậy – được coi như là tiền thưởng riêng cho nhân viên thực hiện.

Nói với tổ chức Rest Of World, ông Wang nhận định các cách nhũng nhiễu này đã làm cho việc sử dụng Twitter như một không gian quan trọng để thảo luận về các vấn đề chính trị nhạy cảm và các vấn đề thời sự ở Trung Quốc bị mất dần tính nghiêm túc. Là một danh khoản có đến hơn 850,000 người theo dõi,  nhà báo này nói rằng kẻ quấy rối như vậy đã phá hỏng các cuộc thảo luận của ông, chẳng hạn như về phong trào Giấy Trắng và lũ lụt Bắc Kinh. “Đó là một nỗi đau thực sự,” ông nói. Dù đã cố gắng chặn từng tài khoản spam nhưng Wang cảm thấy đây giống như một “trò chơi không bao giờ kết thúc” vì các danh khoản ảo mới liên tục xuất hiện.

Điều này cũng xuất hiện ở Việt Nam, với những cái bẫy về phụ nữ cô đơn, mời xem hình ảnh mát mẻ và giới thiệu các trang khiêu dâm không rõ nguồn gốc. Không ít người ở Việt Nam đã mắc bẫy nhưng im lặng trong cay đắng, vì chuyện click vào những nội dung đó, bị dư luận trên mạng coi là hạ cấp. Nhưng ở Trung Quốc thì ngược lại, khiêu dâm thực sự là một vũ khí quan trọng của đội quân tác chiến mạng SSF, bởi bên trong đại lục, tường lửa ngăn chặn toàn bộ các nội dung người lớn, không dễ tràn lan như các trang mạng bên ngoài.

Theo Runze Ding, trợ lý giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh – Đại học Baptist Hong Kong, Đại học Quốc tế Thống nhất, chiến thuật của những kẻ lừa đảo là rõ từ đâu đến. “Nội dung người lớn được quản lý chặt chẽ và khó truy cập trong Great Wall (tường lửa)”. Ding, người nghiên cứu về tình dục và truyền thông Trung Quốc, nói với Rest of World. “Kết quả là, nhiều người dùng Trung Quốc thiếu hiểu biết về mạng xã hội khi nói đến nội dung tình dục, điều này khiến họ dễ trở thành nạn nhân”.

Murong Xuecun, một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc, với 138,000 người theo dõi trên X, xác nhận ông cũng là mục tiêu của những kẻ quấy rối. “Twitter bản tiếng Trung giờ đây giống như một chiếc xe buýt chở đầy những người bất đồng chính kiến, bị lái đến khu đèn đỏ,” Murong Xuecun nói.

Dĩ nhiên, đó là không kể đến các đợt đánh cắp danh khoản, làm giả để lừa người quen, hoặc các tin nhắn quảng bá các thủ thuật giúp tăng lượng view hay like trên Facebook, vốn xuất hiện thường xuyên ở Facebook Việt Nam – nhưng có vẻ như chưa bao giờ bị hệ thống mạng này ngăn chặn.

Từ bạo lực mạng đến côn đồ ngoài đời

Việc quấy rối, theo dõi của các lực lượng an ninh mạng, được gắn kết chặt chẽ với các chiến dịch ruồng bố của nhà cầm quyền. Một khi bị phát hiện và vô tác dụng, các hành động côn đồ nối tiếp ở ngoài đời là chuyện đang diễn ra.

Để làm cho các tiếng nói bất đồng chính kiến phải sợ hãi và bị khủng bố tinh thần thường xuyên, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành dựng các trạm mật vụ trên thế giới, để đe doạ và thậm chí là đánh đập, bắt cóc khi cần. Hồi Tháng Tư 2023, FBI đã bắt giữ hai người bị cáo buộc là đặc vụ Trung Quốc, cùng nhiều người khác tham gia trong loạt âm mưu bịt miệng và quấy rối những người bất đồng chính kiến ​​ở Hoa Kỳ – một số thậm chí còn điều hành một “đồn cảnh sát không khai báo” ở Thành phố New York.

Lu Jianwang và Chen Jin bị cáo buộc điều hành đồn cảnh sát ở Khu Phố Tàu của Thành phố New York. Cả hai người đàn ông đều là công dân Hoa Kỳ và bị buộc tội âm mưu làm mật vụ cho chính quyền Trung Quốc. Tất cả những người này được gọi là “Nhóm công tác dự án đặc biệt 912” nhằm hành động đối với những ai gây hại về nhận thức đối với Bắc Kinh. Các trạm cảnh sát mật như vậy đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, khởi động từ năm 2022.

Ông Gedong, 65 tuổi, trước đây từng là giáo sư ở Đại học Thượng Hải, nhưng sau đó tỵ nạn ở Hoa Kỳ và làm việc giúp cho Nhóm hoạt động nhân quyền Thiên An Môn ở New York, nói rằng ông đã phải đối mặt với hai vụ tai nạn cố ý, xảy ra liên tiếp. Đầu tiên, một chiếc xe hơi tông hụt vào ông rồi phóng đi. Sau đó, một chiếc xe tải ép ông suýt văng ra khỏi đường cao tốc, khiến ông đâm vào hàng rào chắn. Gedong cũng cho biết bánh xe của ông đã từng bị rạch hai lần. Có lần đăng bình luận chỉ trích Chính phủ Trung Quốc lên mạng, ông đã nhận được hàng ngàn cuộc gọi quấy rối trong một tuần, trong đó có cuộc gọi đe dọa sẽ làm hại gia đình ông.

Việt Nam không phát triển trạm cảnh sát mật, nhưng có hoạt động mật vụ hải ngoại ở nhiều nước, đặc biệt là ở Đông Âu, Thái Lan, Campuchia… Những nhân viên này có nhiệm vụ theo dõi, chụp hình và báo ngày giờ, địa điểm các cuộc bắt cóc, nếu cần thiết. Vụng về và liều lĩnh hơn đàn anh Bắc Kinh, Hà Nội cũng đã có những cuộc bắt cóc bị phát hiện, nổi tiếng khắp toàn cầu, chẳng hạn như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, bắt cóc nhà báo Trương Duy Nhất và Blogger Thái Văn Đường ở Thái Lan. Năm 2020, Nguyễn Hải Long, kẻ tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức, khai nhận là nguồn nhân lực hỗ trợ lớn của mật vụ cộng sản Việt Nam, chính là các cư dân đang sinh sống ở nước sở tại có nhu cầu làm ăn hay cần đi về Việt Nam thường xuyên.

Còn ở trong nước, việc hành động như côn đồ đã trở thành thói quen của công an Việt Nam. Tháng Một 2022, ông Nguyễn Thái Hưng ở Đồng Nai khi đang livestream kể chuyện xã hội chính trị Việt Nam trên kênh YouTube “Nói bằng thực TV”, công an đã đạp cửa xông vào nhà bắt mà không cần có bất kỳ lệnh hay văn bản nào của toà án, mục đích nói là để “bắt quả tang”.

Tháng Bảy 2023, Phan Tất Thành, một người xuống đường chống Trung Quốc ở Sài Gòn từ năm 2008, đột nhiên bị công an gọi lên để “hỏi một vài chuyện”. Thế nhưng sau đó anh bị bắt cóc và nhốt ở đồn công an quận 10, Sài Gòn. Suốt 3 ngày, anh bị đánh đập và không cho ăn, để tra xét về một vài người quen trên mạng Facebook. Khi Thành tìm cách trốn ra, công an đã đến tận nhà bắt mẹ già hơn 70 tuổi, và đứa em trai đưa về đồn và tra tấn để buộc khai ra chỗ của Thành đang trú ẩn. Mục đích của những cuộc bắt cóc bất ngờ như vậy, chủ yếu là để tịch thu điện thoại, tra xét về các tin nhắn và mạng xã hội, nhằm cưỡng bức lấy chứng cứ cho nhanh, để không mất thời gian điều tra.

Mai Nguyễn
Theo Saigon Nhỏ ngày 6 tháng 9, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*