Kỳ 1: Dòng đời đổi thay…
Đời người ai cũng có những kỷ niệm luôn ở tận sâu trong lòng dĩ vãng, khó chôn vùi, nghệ sĩ Nam Lộc cũng vậy, có những chuyện xảy ra cách đây gần nửa thế kỷ, mà khi kể lại, ông nhớ từng chi tiết, và bảo: “Cứ như ngày hôm qua.”
Hơn 60 năm làm việc trong lĩnh vực âm nhạc và hoạt động xã hội của nhạc sĩ Nam Lộc, khó có giấy bút nào lột tả hết được trên vài trang giấy, nhưng những dấu ấn đặc biệt về một con người đa tài này, đáng phải ghi nhận.
Thuở thiếu thời
Nhạc sĩ Nam Lộc (tên đầy đủ: Nguyễn Nam Lộc) người gốc Bắc Ninh sinh năm 1944, cha ông, một thiếu úy trong quân đội Pháp được thuyên chuyển về Hà Nội ngay sau khi ông chào đời, cho đến năm ông lên 10, gia đình di cư vào Nam.
Thân phụ nhạc sĩ Nam Lộc. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Có lẽ uống nước làng quê quan họ Bắc Ninh từ tấm bé, Nam Lộc mang trong mình “máu văn nghệ” và biểu lộ khá sớm biệt tài tổ chức. 18 tuổi, cậu học trò lớp đệ Nhị cấp của trường Chu Văn An đã đứng ra tổ chức Đại Nhạc Hội Liên Trường, có Trưng Vương, Gia Long, Nguyễn Trãi, Petrus Ký, Lê Văn Duyệt, Marie Curie… Nhưng tính cách thích hoạt động xã hội lấn lướt máu nghệ sĩ, nên từ thời trung học, Nam Lộc tổ chức nhiều lần gây quỹ qua các sinh hoạt văn nghệ, chủ yếu là âm nhạc, để giúp những nạn nhân chiến tranh, cô nhi quả phụ, nạn nhân hoả hoạn, nạn nhân bão lụt.
Nam Lộc kể, đến khi lên đại học, ông thường qua chơi bên Trung Tâm Sinh Hoạt Học Đường, gặp ông Đỗ Ngọc Yến (nguyên chủ nhiệm báo Người Việt) và ông Nguyễn Trọng Nho.
Nam Lộc, Sài Gòn, 1965. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
“Hồi còn là sinh viên, ông Nguyễn Trọng Nho hay qua trường Chu Văn An để kêu tụi tôi bỏ lớp học đi biểu tình, biểu tình chống TT Diệm, chống đàn áp Phật Giáo…” Nam Lộc nhớ lại. “Vì thế, tụi tôi hay gọi đùa ông Yến là đàn anh của ‘trung tâm sinh hoạt học đường’, còn ‘trung tâm sinh hoạt ngoài đường’ phải là ông Nho”.
Gọi là biểu tình nhưng Nam Lộc thừa nhận lúc đó ông chỉ đi chơi cho vui thôi, chứ chưa có lý tưởng đấu tranh gì như lớp đàn anh. Nhưng thời ấy, ông Đỗ Ngọc Yến đánh đúng tâm lý của các thanh niên trai tráng, kêu gọi sinh viên tham gia những sinh hoạt ở quán Văn của giới văn nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Miên Đức Thắng,… của phong trào du ca và tình ca.
Sau khi quán Văn bị nhóm sinh viên thân Cộng tấn công, ông Ngô Vương Toại bị bắn, Nam Lộc, khi đó mới ngoài 20 tuổi, lập quán Gió trên đường Võ Tánh, Sài Gòn, với mục đích là dời quán Văn về, làm nơi cho Khánh Ly và Trịnh Công Sơn phổ biến tác phẩm và giọng ca của mình. Chỉ trong vòng một năm, ông đã đủ tiền để xây dựng quán Hầm Gió, một tụ điểm sinh hoạt nghệ thuật rất thanh tao và lịch sự.
Nhạc sĩ Nam Lộc, Sài Gòn, 1972. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nghệ thuật vị nhân sinh
Quán Gió hay Hầm Gió cũng đều là nơi mà các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Miên Đức Thắng, Nguyễn Đức Quang, Đức Huy, Đoàn Thanh Tuyền, các nhà văn như Tạ Tỵ, Thế Uyên, Tú Kếu, Nguyễn Thụy Long, Duyên Anh, Huyền Anh… thường xuyên lui tới sinh hoạt. Ngoài ra còn có những chương trình nhạc trẻ cuối tuần.
Nam Lộc tại Hầm Gió, Sài Gòn, năm 1970. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Là người thích và có khiếu về tổ chức các tổ chức phi lợi nhuận (non-profit), nhưng khi thấy giới trẻ khao khát nghe nhạc, mà đất nước còn trong chiến tranh, không thể nào tổ chức các đại nhạc hội được, ông bèn nghĩ cách tổ chức ca nhạc có thu phí, rồi đóng góp tất cả tiền bạc để giúp cho cô nhi quả phụ.
Nam Lộc và Nhạc sĩ Phạm Duy tại Hầm Gió, Sài Gòn, năm 1970. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Làm như thế, anh em nghệ sĩ có môi trường hoạt động, ban nhạc có chỗ chơi, mà người trẻ có nơi để đến thưởng thức công khai chứ không phải nghe lén, lại có tiền làm công việc lợi ích cho cộng đồng xã hội.
Nam Lộc (bìa phải) và ban nhạc trẻ Crazy Dogs trong khuôn viên trường Tabert, 1970. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nam Lộc đem ý nghĩ này, đến gặp các sĩ quan tâm lý chiến như Phạm Huấn, Hà Huyền Chi, Du Tử Lê tức đại úy Nguyễn Cự Phách… đề nghị hỗ trợ. Lúc trình bày ý tưởng, Nam Lộc khẳng định: “Quí vị bên khối Chiến Tranh Chính Trị quản trị hết tất cả mọi tiền bạc, quí vị lo an ninh, sân khấu, chúng tôi đem ban nhạc, ca sĩ tới trình diễn hoàn toàn tự nguyện, không nhận thù lao.”
Từ trái: Nam Lộc, Trung tá Phạm Huấn, Trường Kỳ, 1970. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Được sự đồng ý, ông đứng ra tổ chức buổi Đại Hội Nhạc Trẻ đầu tiên vào năm 1971 tại sân vận động Hoa Lư, hát từ sáng đến tối, thu hút hàng chục ngàn người đến xem, với sự chủ tọa của đệ nhất phu nhân, bà Nguyễn Văn Thiệu. Toàn bộ tiền thu ngày hôm đó, được xung vào quỹ cứu trợ cô nhi, quả phụ của các chiến sĩ VNCH đã hy sinh trong trận Hạ Lào.
Phu nhân trung tướng Trần Văn Trung (thứ ba, từ trái) và đại tá Cao Tiêu (thứ tư, từ trái) chủ tọa một buổi Đại Hội Nhạc Trẻ Ngoài Trời, 1972. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Liên tục các năm sau đó, từ 1972 đến 1975, năm nào các buổi Đại Hội Nhạc Trẻ đều thu về hàng triệu bạc, và hoàn toàn cho mục đích từ thiện. “Hồi đó, có nhiều lời đồn đại, rằng nhóm nhạc trẻ này chỉ tụ tập hút sách, thật ra đâu phải vậy. Giới trẻ Việt Nam không như Hippy Mỹ,” Nam Lộc kể. “Vấn đề là chính tụi tôi không muốn giới trẻ Việt bị ngoại lai, hát nhạc ngoại quốc, đi theo ngoại quốc, nên anh em chúng tôi mới phát động ra phong trào Việt hóa nhạc trẻ.”
Nam Lộc – MC Đại Hội Nhạc Trẻ tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, 1973. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nam Lộc nhắc lại, có một lần được nghe ca sĩ Jo Marcel hát bài Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương, rồi bản Chiều của Dương Thiệu Tước, phổ thơ Hồ Dzếnh hay quá, nhất là lối hòa âm rất lạ và trẻ trung của nhạc sĩ Đức Huy, ông kêu lên: “Hết sẩy, mấy tay này có tài thật!”
Sau đó, ông và bạn là nhạc sĩ Trường Kỳ (mất năm 2008) cùng một số bạn hữu thấy mình có trách nhiệm kéo mọi người về với văn hoá người Việt, nên dịch những bài hát ngoại quốc sang lời Việt, với mục đích thỏa mãn nhu cầu yêu thích nghe nhạc ngoại quốc của giới trẻ, nhưng phải mang nghệ thuật đi xa hơn, với lời bài hát, ý nghĩ và tâm tình là người Việt Nam.
Từ trái: Tiến Chỉnh, Đức Huy, Billy Shane của ban nhạc The Spotlights năm 1968. (Ảnh tư liệu: Nam Lộc cung cấp)
Ba ca khúc đã gắn bó với tên tuổi nhạc sĩ Nam Lộc ngay trong những ngày đầu là “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” (Tell Laura I Lover Her), “Mây Lang Thang” (The Cowboy’s Work Is Never Done) và “Chỉ Còn Là Giấc Mơ Qua” (Yellow Bird), và hàng chục nhạc phẩm Việt hóa nổi tiếng khác, trong đó có cả bài “Mùa Thu Lá Bay”, ca khúc gắn liền với tên tuổi của nữ ca sĩ Kim Anh, hoặc bản “Dòng Đời” (dịch từ nhạc phẩm gốc “My Way”), mà nam ca sĩ Elvis Phương vẫn nghĩ rằng đó chính là ca khúc mà nhạc sĩ Nam Lộc viết tặng cho mình.
Một trong những tập sách Việt hóa nhạc trẻ thuở trước 1975. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nam Lộc không làm văn nghệ vì mục đích thương mại, mà làm nghệ thuật vì bản tính con người, ông còn làm cả tờ báo chuyên về nhạc trẻ. Nam Lộc nói: “Nhạc trẻ là một trong những hoạt động tôi rất lấy làm hãnh diện. Chính nhờ nhạc trẻ này mà nó đi theo tôi sang tới Hoa Kỳ, giúp tôi trở thành một ‘signature’ của người tổ chức đại hội âm nhạc ngoài trời. Một phần cũng nhờ tôi có mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ. Điển hình như các đại nhạc hội gây quỹ xây dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westmister, hoặc các buổi đại nhạc hội “Cám Ơn Anh”, để gây quỹ cứu trợ Thương Phế Binh VNCH…
Nam Lộc, MC Đại Nhạc Hội gầy quỹ Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, 2001. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Đêm 25 Tháng Tư, 1975, nhận ra binh biến, Nam Lộc một mình lang thang trong phi trường Tân Sơn Nhất thì bất chợt gặp nhạc sĩ Đức Huy. Với sự giúp đỡ của một bạn thân người Mỹ, Đức Huy có mặt trong phi trường từ mấy ngày trước, làm công việc đọc danh sách những người được lên phi cơ. Hôm ấy, do đã mệt mỏi, Đức Huy nhờ Nam Lộc nhận công việc này thay mình, rồi chia tay lên đường sang Mỹ trước.
Ba hôm sau, ông cũng rời Sài Gòn trên một chuyến bay. Tưởng sẽ định cư tại Montreal, Canada, như lời hứa của một gia đình người bạn quen nằm trong danh sách những người do anh đọc tên lúc ở phi trường Tân Sơn Nhất, khi đến đảo Guam, lời hứa kia trở thành “gió thoảng mây bay”, nhưng với ông, lời thất hứa đó lại hóa hay, vì nhờ thế ông mới có cơ hội phát triển được mọi khả năng của mình tại Mỹ.
Ám ảnh chiếc xe bus màu vàng
Ngày 2 Tháng Năm, 1975, sau một thời gian ngắn ở đảo Guam, khi vừa bước vào tuổi 30, Nam Lộc có mặt tại trại tị nạn Pendleton, thành phố San Clemente, Nam California. Với thân xác khỏe mạnh, nhưng tâm trạng thì bị tê liệt, vì không có gia đình hay người thân bên cạnh, không biết số phận mình sẽ ra sao, ông từng tức giận. “Thật sự lúc đó, tôi giận nhiều hơn là nghĩ tới tương lai, giận vì người Mỹ phản bội, giận vì phải xa rời quê hương, đất nước, giận vì gia đình mình bị bỏ rơi,” nghệ sĩ Nam Lộc hồi tưởng những ngày đầu tiên của cuộc đời mình cách nay gần 50 năm.
Nam Lộc, Camp Pendleton, Tháng Năm, 1975. (Ảnh Nam Lộc cung cấp)
Từ đảo Guam, chiếc phi cơ đáp xuống phi trường El Toro, trong khu trại lính gần thành phố Irvine, Nam Lộc bước ra với tâm hồn trống rỗng, lạnh tanh của một “kẻ bị bỏ rơi” như lời ông nói. Bất chợt nhìn thấy những người lính mặc quân phục lái chiếc xe bus màu vàng, ông rợn người, nhớ tới xe buýt màu vàng ở Sài Gòn, tâm trí hoang mang, nhưng ông tự mình định thần khi nhớ lại rằng mình đang được đưa tới Los Angeles, nơi mà trong đầu ông được định sẵn, là chốn phồn hoa, nhà cửa chọc trời và Hollywood hoa lệ.
Phi trường quân sự El Toro, thành phố Irvine đổ người tị nạn, tháng 5, 1975. (Ảnh tư liệu: Nam Lộc cung cấp)
Nhưng ở phi trường EL Toro, không khí im vắng quá, rồi chiếc xe đưa ông ra Freeway 5 hướng tới San Diego, hai bên đường chỉ toàn… cam là cam, những trái cam vàng ửng, nằm trên cây, hay rụng tràn lan dưới đất (À thì ra người ta gọi là Orange County!).
Chiếc bus cũng màu vàng chạy được một lúc, vẫn không thấy nhà cửa, chỉ toàn những đoàn xe ngược xuôi lao vút trên xa lộ, ông lo lắng: “Mình đang được đưa đi đâu đây?”. Tới lúc xe rẽ vào San Clemente city, nơi có ngôi nhà của cựu tổng thống Nixon, ông mới chợt tỉnh, ồ thì ra mình đang ở Mỹ. Nhưng ông lại nhanh chóng rơi vào tâm trạng hoang mang, khi được chở tới thung lũng – nơi không hề có cỏ hoa thơ mộng, mà toàn là những chiếc lều màu xanh. Trại tập trung? Mình phải ở đây bao lâu? Mắt ông mờ đi…
Quang cảnh những chiếc lều được dựng lên làm nhà ở tạm thời cho người tị nạn Việt Nam tại trại Pendleton, Oceanside, California. (Ảnh: HUM Images/Universal Images Group via Getty Images)
Trời California tháng Năm vẫn còn lạnh lắm, nhất là khi mới từ xứ nóng qua, những người tị nạn, như Nam Lộc, chưa chịu được thay đổi đột ngột, được phát mỗi người một cái áo khoác (jacket) nhà binh, già trẻ, lớn bé, trai gái, cao thấp gì cũng chỉ có một size. Nhận áo xong, mọi người được đưa về lều.
Một em bé Việt Nam mang đôi giày thủy quân lục chiến quá khổ tại trại tị nạn Pendleton, Oceanside, California, năm 1975 (Ảnh: George Rose/Getty Images)
Nam Lộc nhớ lại: “Trong lều có sắp hàng dãy ghế bố, khoảng 20 cái cho mỗi lều, và chia đều hai bên. Buồn, lo, nhớ nhà, nhớ cha mẹ anh em, tôi không tài nào ngủ được. Cứ đêm đến là tôi đi lang thang, uống cà phê quanh quẩn khu mobile homes của Red Cross và các cơ quan điều hành trại gần đó, nơi có chỗ gửi thơ, ngồi viết thơ, gửi về nhà. Ban ngày ấm hơn, không có việc gì làm, tôi lăn ra ngủ. Đến giờ trưa người ta kêu đi ăn, người Mỹ phục vụ, toàn đồ Mỹ, nhớ và thèm thức ăn Việt mẹ nấu, chịu không nổi!”
Nam Lộc và “căn nhà đầu tiên” trên đất khách. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Kỳ 2: Tấm cheque đầu tiên & sáng tác đầu đời
Cuộc sống tha phương, nỗi ray rứt, khoắc khoải đeo bám chàng thanh niên Nam Lộc từ khi phải rời Sài Gòn với biết bao kỷ niệm đẹp, để chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ, ông bất thần viết nên một sáng tác đầu đời và để đời.
Khi đã quen quen với cuộc sống “vô gia đình”, hàng ngày, Nam Lộc đứng chờ ở trạm xe bus có những chiếc xe màu vàng chở người tị nạn từ nơi khác tới, đêm xuống lại chạy ra chỗ gửi thơ, xem có tin tức gì của nhà không. Cứ thế, cuộc sống chậm rãi trôi qua với niềm hy vọng được đoàn tụ cùng gia đình, cho đến một hôm…
Công việc đầu tiên: $2.1/giờ
Hôm ấy, Nam Lộc gặp được một cô gái đến từ trại Hong Kong. Qua lời kể của cô gái, ông biết bố của mình đang ở Hong Kong. “Em gặp bác bên đó, bác nói chỉ có một mình bác lên được tàu Trường Xuân, cả nhà bị kẹt lại hết rồi anh ơi.”
“Nghe xong, bầu trời trước mặt tôi tối sầm lại,” Nam Lộc kể. “Tôi ráng gượng để nhận địa chỉ bên Hong Kong mà cô bé đưa, để viết thơ cho bố, nhưng ngay lúc ấy, tôi cảm giác cuộc đời mình hoàn toàn bị đổi thay, suy sụp hết rồi!”
Chia tay cô bé, Nam Lộc vội vàng viết thơ cho bố. Một tháng sau, ông nhận được tin, bố ông đã được đưa sang quốc gia thứ ba ở Âu châu, là Bỉ. Sau khi liên lạc được và nghe người cha kể lại, lòng dạ ông đau đớn như bị cắt từng khúc, gia đình ông, từ ngày 28 Tháng Tư đến sáng 30 Tháng Tư, 1975, chờ đợi trực thăng tới đón, nhưng cuối cùng bị bỏ lại, nên phải trở về ngôi nhà cũ. Riêng bố của ông thoát được bằng đường biển.
Trước 30-4 ông cụ là nhà báo với vai trò chủ nhiệm của một đặc san về chính trị, nhưng khi biến cố xảy ra, mạnh ai nấy tìm đường thoát, ông cụ chạy lên chiếc tàu gần như bất khiển dụng, vì máy móc hư hỏng rồi. 5,000 người la liệt trên tàu, nhiều người chịu không nổi nên xuống tàu, chỉ còn những người tuyệt vọng thì ráng ngồi lại, vào giờ chót, máy sửa được, và con tầu Trường Xuân từ từ ra khơi rồi đến Hong Kong trong phép lạ.
Hình tầu Trường Xuân, do ông chủ tầu Trần Đình Trường ký tặng. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Sau một thời gian ở trại, những người độc thân được chuyển ra ngoài để sớm định cư. Nam Lộc nghĩ, bố thì tạm thời ổn rồi, còn mẹ và các em tuy bị kẹt nhưng vẫn còn một chút le lói là biết đâu sẽ còn nhiều “phép lạ”, nên ông không muốn đi đâu cả, hy vọng gặp gia đình. Ông được chấp thuận, nhưng phải ký vào đơn tình nguyện ở lại, và làm việc cho đến khi đóng cửa trại. Tuy làm thiện nguyện, nhưng ông vẫn được trả mức lương tượng trưng: $5/ngày, gọi là tượng trưng.
Một cảnh phát đồ dùng ở trong tại Pendleton. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nhưng khi đã chính thức ở lại trại và được thuê làm việc hẳn hoi, ông được trả $2.1/giờ, là mức tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động Hoa Kỳ thời ấy. Công việc của ông là liên lạc với những người ở Los Angeles, San Diego, Riverside,… sao cho phù hợp để bảo trợ người tị nạn trong trại, và làm thông dịch viên cho người tị nạn.
Đa số người những Việt biết nói tiếng Mỹ, hầu hết đều là các sĩ quan cao cấp trong quân đội hay nhân viên sở Mỹ, còn dân thường hoặc những người đánh cá đi theo các linh mục do không rành Anh ngữ, cần ông thông dịch, hoặc giải thích.
Ở trong trại, không tốn tiền chi tiêu, ăn uống gì, nên ông để dành được tiền, và “tậu” cho mình một chiếc xe, lại được trả góp, mỗi tháng vài chục đồng.
Đến ngày 31 Tháng Mười, 1975, trại đóng cửa.
Nam Lộc trong ngày dỡ lều, đóng trại. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Những cuộc gặp định mệnh
Thời gian còn ở trong trại, Nam Lộc có giới thiệu cho ông Nguyễn Văn Cư, đại úy cảnh sát, một người Mỹ bảo trợ. Lúc Cư xuất trại sống ở San Clemente, cứ tới cuối tuần lại rủ Nam Lộc “trốn trại”, leo lên GreyHouse đi Los Anngeles chơi.
“Đó mới là lúc tôi biết được cảm nhận đầu tiên đến nước Mỹ,” Nam Lộc kể. “Tụi tôi lên Los Angeles mua quần mua áo, hoặc có ai trong trại gửi mua trái cây thì mua vác về giùm người ta. Thời gian ấy ở Los Angeles rất an ninh, thanh bình. Tụi tôi lang thang thâu đêm suốt sáng, chỉ thấy có một, hai người vô gia cư, không cướp giật gì cả. Tuần nào cũng vậy, cứ sáng Thứ Bảy đi, chiều Chủ Nhật về.”
Làm công việc kết nối người trong trại tị nạn với người bảo trợ, nhưng tới mình thì Nam Lộc lại bị… bỏ quên, nên khi ra trại, lúc được hỏi sẽ đi đâu, ông ngớ người: “Ừ nhỉ, đi đâu bây giờ. Thôi thì tôi mặc kệ, đi đâu cũng được, vì trong thời gian làm việc trong trại, tôi cũng đã quen với nhiều người, nên không bỡ ngỡ cho lắm.”
Ngày Nam Lộc chia tay ra trại, Cư nói: “Nam Lộc, tao thấy mày dân văn nghệ sĩ, không biết nấu nướng, đau yếu lấy ai cạo gió, nấu cháo cho mà ăn, tao không bỏ mày được, thôi tụi mình hãy đi cùng nhau.” Nghe vậy, Nam Lộc rất cảm động.
Sau khi bàn luận, hai người quyết định trực chỉ Los Angeles, nộp đơn vào nhà máy ép giường nước (waterbed) ở Inglewood, thành phố nằm gần phi trường LAX, phía tây nam Los Angeles. Có job rồi, hai người đi tìm nhà, thuê được cái studio có một giường và một sofa, giá $175/tháng. Sáng sớm ra khỏi cửa, làm tới trưa, hai người lại nhảy qua job thứ hai, đến 8, 9 giờ tối mới về tới nhà, mua mấy lon bia, với chân giò heo ngâm dấm, ngồi uống nhâm nhi, ngẫm nghĩ sự đời.
“Hai thằng cố gắng để giành tiền mua chăn gối mền, nồi niêu soong chảo,” Nam Lộc nhớ lại. “Nhưng cái cheque đầu tiên lãnh, chỉ được $150. Hai thằng ngồi tính, còn tiền điện, tiền nước, còn phải gửi về Việt Nam cho mẹ và các em nữa chứ, sao đủ đây!” Chợt nhớ lúc xuất trại, họ dặn, mỗi người tị nạn sẽ nhận được $300 tiền định cư – khoản tiền cho người bảo trợ – và vì không có ai bảo trợ nên ông được nhận trực tiếp, nhưng lúc đó ông không lấy, nghĩ có thể tự mình kiếm sống được, không cần đến khoản trợ cấp đó. Giờ gặp lúc khó khăn, bần cùng bất đắc dĩ, dẹp phăng tự ái, ông đành đi lãnh tiền.
Ngày đến nhận tiền, ông gặp cô nhân viên tên Thúy nói chuyện và cho biết sẽ gửi ngân phiếu về sau, nhưng khi vừa bước chân ra khỏi cửa, Thúy gọi giật ông lại: “Anh Nam Lộc ơi, bà giám đốc muốn nói chuyện với anh.” Giám đốc? Sao bà biết ông tới đây, lại muốn nói chuyện? Thì ra, khi ông đi ngang qua văn phòng của giám đốc, là bà Elizabeth Kirnis, bà nhận ngay ra ông, nên kêu nhân viên mời ông trở lại.
Elizabeth Kirnis là giám đốc Cơ Quan Di Trú và Tị Nạn thuộc Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCC), Tổng Giáo Phận Los Angeles, gặp Nam Lộc bà mừng ra mặt: “Trời đất ơi, may quá, gặp anh rồi, tụi tôi tìm anh quá chừng luôn.” “Có chuyện gì sao? Tìm tôi để làm gì?,” Nam Lộc hỏi. Bà trả lời: “Tụi tôi mới có chương trình giúp đỡ và hỗ trợ người tị nạn định cư, đang tìm người có kinh nghiệm về người tị nạn, thì chỉ có anh, người từng hoạt động trong trại Pendleton, anh là ứng viên thích hợp nhất, chúng tôi mời anh làm phụ tá cố vấn định cư nhé.”
Bà Elizabeth Kirnis và Nhạc sĩ Nam Lộc tại sở làm. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nghe lời mời này, mà việc lại đúng “nghề của chàng”, còn hơn bắt được vàng, Nam Lộc đồng ý liền! Đó là cuộc gặp bất ngờ và định mệnh, khiến anh trở thành nhân viên của USCC trong những công tác định cư người tỵ nạn, suốt từ ngày ấy, cho đến năm 2016 mới nghỉ hưu, sau 41 năm phục vụ.
Từ phụ tá cố vấn, chẳng bao lâu sau Nam Lộc trở thành cố vấn định cư. Công việc này đòi hỏi sự lanh lợi trong giao tế và đủ uy tín để tìm được những cá nhân, nhà thờ hay hội đoàn đứng ra bảo lãnh người tỵ nạn. Ông chứng tỏ được khả năng của mình, để rồi được đề cử làm “Supervisor”, sau đó trở thành phụ tá giám đốc. Năm 1992, ông thay thế chức vụ của giám đốc Elizabeth Kirnis, khi bà về nghỉ hưu.
Cho đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, Nam Lộc vẫn còn giữ tấm cheque đầu tiên nhận từ USCC vào Tháng Sáu 1975, vì với ông, đó là kỷ niệm vô giá.
‘Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt’ – 45 phút diệu kỳ, dòng lệ hay dòng nhạc tuôn trào?
“Cuối tuần, Cư và tôi vẫn ghé đến phòng trà Roosevelt ở Hollywood, nơi tụ họp các ca nhạc sĩ như Huỳnh Anh, Hồ Xuân Mai, Trung Nghĩa, Vũ Huyến, Đoàn Thanh Tuyền, Trung Hành, Quang Minh… Tụi tôi ghé đến chơi, uống vài ly bia, tản mạn vài câu chuyện, xong rồi về nhà để mai đi cầy tiếp! Chợt nghĩ không lẽ cuộc đời mình chỉ là những chuỗi ngày sống như vậy thôi sao! Thật là vô nghĩa,” Nam Lộc kể. “Đêm đó là Thứ Sáu, Cư rủ tôi lên Roosevelt. Tôi không muốn đi, nói Cư đi một mình. Cư đi được 45 phút thì quay trở về, tay xách theo 6 chai bia Lucky và mấy cái giò heo ngâm dấm.”
Nam Lộc, “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, Tháng Mười Một, 1975. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Thì ra, Cư đi giữa đường, nghĩ tội cho bạn mình, nên ông ghé mua đồ, về nhậu giải sầu với bạn. Đó cũng là lúc Nam Lộc vừa xong bài “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, liền hát cho Cư nghe. Vừa nghe vừa khóc, lúc Nam Lộc dứt bài, Cư hỏi: “Ở đâu ra bài này, lẹ quá vậy!”. “Bài này tao nhen nhúm từ khi ngồi trên phi cơ rời khỏi Sài Gòn, qua đến trại thì viết được vài đoạn đầu. Đêm nay, lúc mày đi, tao buồn quá, ngồi viết tiếp, niềm xúc động cứ thế tuôn trào. Tao có cảm tưởng như mình chép ra chứ không phải là sáng tác? Có ngờ đâu chưa đầy 1 tiếng đồng hồ đã viết xong bản nhạc.”
Cư nhìn đồng hồ lúc đó chỉ 10 giờ đêm, bèn xốc nách Nam Lộc: “Đi, mày phải đến Roosevelt, hát cho mọi người nghe bài này, nhanh!”
Roosevelt đóng cửa lúc 1 giờ sáng, kịp để Nam Lộc đến nơi và xin nhạc sĩ Huỳnh Anh lên hát ca khúc “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”.
“Sài gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng!
Sài gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đưòng ngày xưa, mưa có ướt ngập lối người về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đang khóc thương cho người yêu
Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng phút sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên ai mãi thôi.
Sài gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, anh xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.”
Nghe xong bài hát, cả khán phòng lặng người, đến vài giây sau mới vỗ tay rầm rầm. Đó là đêm 12 Tháng Mười Một, 1975, cái đêm mà nhạc sĩ Nam Lộc không bao giờ quên, vì ông như đã trút được nỗi đau tận cùng ở trong lòng, niềm ray rứt, đắng cay kể từ giây phút phải vĩnh biệt Sài Gòn.
“Bài ‘Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt’ được nhạc sĩ Huỳnh Anh kẻ nhạc dùm cho tôi, vì khi ấy trình độ nhạc lý của tôi chưa đủ để viết thành một bài hoàn chỉnh”, nhạc sĩ Nam Lộc thiệt tình, kể lại. “Bản nháp mà anh Huỳnh Anh kẻ bằng bút chì trong ngôi nhà của anh ở Hollywood, tôi còn giữ đây, và chắc chắn sẽ là một kỷ niệm quý giá trong đời.”
Nguyên bản “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, được Nhạc sĩ Huỳnh Anh ghi lại bằng bút chì. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Ngoài “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt”, viết lời Việt cho hàng chục nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng, nhạc sĩ Nam Lộc còn sáng tác nhiều ca khúc khác nữa như “Anh Đã Quên Mùa Thu” (viết chung với Tùng Giang), “Người Di Tản Buồn”, “Xin Đời Một Nụ Cười”, “Mẹ Ơi, Khi Con Vừa Trở Lại”, “Em Vẫn Chờ Anh”, “Giọt Tình Sầu” (thơ Trần Mộng Tú), “Một Mai Khi Trở Lại” (thơ Ngô Văn Quy), “Sài Gòn Bây Giờ Buồn Không Em?”…
Nhưng với câu chuyện mang đầy cảm xúc, “Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt” có lẽ là sáng tác để đời, mang dấu ấn rõ nhất của một nghệ sĩ mang nặng tình cảm với đất nước, quê hương.
Kỳ cuối: ‘Duyên nợ’ với người tị nạn và cuộc sống viên mãn
$660 là lương tháng đầu tiên, Nam Lộc nhận được từ Cơ Quan Bác Ái Công Giáo Hoa Kỳ (Catholic Charities / USCC) vùng Los Angeles, nơi ông gắn bó suốt hơn 40 năm với công việc và cũng là ‘duyên nợ’ với những hoàn cảnh như ông: người tị nạn!
Kinh nghiệm làm việc trong trại tị nạn, Nam Lộc có thừa, nhưng vẫn băn khoăn, không biết được trả lương bao nhiêu, có đủ sống không? Có dư tiền gửi cho mẹ và các em không? Khi nghe mức lương khởi điểm của mình là $660/tháng, ông như… mở cờ trong bụng: “Đỡ khổ rồi, dù sao làm ở đây vẫn sướng hơn việc lao động, đứng ép giường nước, đã thế, lại còn có cơ hội giúp đỡ đồng bào mình nữa.”
Bảo lãnh gia đình
Nam Lộc được nhận vào làm từ ngày 1 Tháng Mười Hai 1975. Họ chỉ nhận một mình Nam Lộc, nên Cư buồn rầu, nói: “Thôi thì, ông đi đường ông, tôi đi đường tôi vậy, chớ biết sao.” Nam Lộc an ủi: “Không, hãy cứ yên tâm, tôi sẽ tìm cách đưa ông vô làm chung, giờ ông cứ tạm thời ép giường đi nhé.”
Nhưng khi về nhà, thấy còn những hai tuần… ở không, Nam Lộc nói với Cư: “Tôi muốn lên San Francisco thăm Tùng Giang, Khánh Hà, Jo Marcel,… Giờ rảnh không đi, chẳng biết bao giờ mới đi được. Cư nghe vậy, bỏ luôn việc, đi theo tôi. Ừ mà công việc chỗ đó, quay lại lúc nào chẳng được. Thế là tụi tôi xách xe lên đường.”
Thăm Tùng Giang đang làm việc đổ xăng ở thành phố Oakland, California. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Sau hai tuần rong ruổi trở về, lúc đi làm, Nam Lộc biết tin chương trình mới của USCC cần thêm bốn, năm người nữa, ông liền giới thiệu ông Jo Marcel, bà Kiều Chinh, ông Lê Quỳnh, những người biết Anh ngữ, có kiến thức, lại là nghệ sĩ, nên đồng bào tiếp xúc thì rất thích. Tất nhiên không thể thiếu Cư, và thêm ông bạn vừa quen trong trại nhưng rất thân, nhà thơ Ngô Văn Quy, cùng thi sĩ Kiêm Thêm…
Nam Lộc nói, cuộc đời ông thay đổi từ đó, và đầu óc đấu tranh cũng xuất phát từ lúc đó. Với lòng khắc khoải làm sao để được đoàn tụ gia đình, ông tìm mọi cách để bảo lãnh mẹ và các em sang. Ông lân la, hỏi thăm những người tị nạn đã định cư trước ở đây như từ Cuba, Trung Quốc, Phi Luật Tân… Họ nói, muốn bảo trợ thân nhân thì phải có thẻ xanh, muốn bảo lãnh bố mẹ anh chị em thì phải có quốc tịch. Nam Lộc nghe xong, lại rơi vào tuyệt vọng.
Công việc đầu tiên tại USCC cùng với Kiều Chinh, Jo Marcel và các bạn đồng sở. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Đầu năm 1977, lần đầu tiên Nam Lộc viết thơ và gửi được tiền về cho mẹ và các em. “Bố tôi ở Bỉ, chúng tôi viết thư qua lại và nói chuyện với nhau được rồi, nên lúc đó, cuộc đời tôi chỉ có niềm hạnh phúc khi làm được hai việc là: viết thơ và gửi tiền về nhà,” Nam Lộc kể. “Vì thơ bị kiểm duyệt, nếu biết gia đình có tiền, quà từ Mỹ về sẽ bị tới ‘hỏi thăm’, ‘làm tiền’, nên thời đó, viết thơ phải dùng mật mã. Ví dụ nếu nhận được tiền thì nhắn ‘Chú Tám gửi thư rồi’, hoặc “Anh Tư có tới thăm’,…”
Lúc đó mẹ tôi nuôi các con, dành dụm số tiền tôi gửi về, tổ chức cho mấy đứa em đi vượt biên. Nhà tôi khi đó còn bảy đứa con gái và ba thằng con trai, một đứa ở lại cho gia đình, hai thằng thử ‘thời vận’ vượt biển đầu tiên vào giữa năm 1977, cùng với mấy đứa bạn vượt biên trên chiếc thuyền nhỏ xíu. Vừa ra hải phận quốc tế thì máy hư, cứ lênh đênh trên biển, không có tàu nào vớt, cuối cùng có một chiếc tàu chở dầu của người Kuwait đi ngang, cứu vớt cho ăn uống, nhưng mấy đứa phải cạo rỉ sét trên tàu.
Chuyến vượt biển đầu tiên của hai cậu em trai do thủy thủ Kuwait chụp trước khi cứu vớt. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Chiếc tàu chở những người em của nhạc sĩ Nam Lộc và bạn bè quả là may mắn. Mọi người được ăn uống, lại được nghe nhạc ABBA, an toàn rồi. Chiếc tàu đi tới Singapore để giao dầu, thì thả mọi người xuống, nhưng chính phủ Singapore không nhận, tàu chạy tiếp qua Mã Lai, nhưng cũng bị từ chối, Hong Kong cũng lắc đầu.
Một tháng sau, tàu đưa mọi người về Kuwait và bị đưa vào trại giam di dân lậu tại quốc gia này. Cũng may, nhờ một thủy thủ tốt bụng viết thư cho Nam Lộc, ông mới nhận được tin mấy đứa em. Nam Lộc cho biết, phải vất vả lắm ông mới đưa được các em qua trại tị nạn ở Hy Lạp, rồi từ đó bảo trợ các em sang Hoa Kỳ.
Người em trai của nhạc sĩ Nam Lộc, thời gian được tạm trú ở Kuwait. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Có điều oái ăm, là chương trình bảo lãnh bố đi đâu thì con theo đó. Bố ông ở Bỉ nhưng những người em lại muốn ở Mỹ. Thế là Nam Lộc đứng ra bảo lãnh bố qua Mỹ. Năm 1978, Nam Lộc được gặp bố và các em, không lâu sau, gia đình ông đoàn tụ. “Từ đó, cuộc đời tôi thay đổi, bước sang một trang mới,” ông nói.
Đoàn tụ cùng Bố và hai em, 1978. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Lên China Town, ăn món Việt
Nam Lộc mê làm công việc xã hội, siêng năng và có tinh thần cầu tiến. Ông thừa nhận lúc đầu, với vốn tiếng Anh hạn chế, nên chỉ làm việc phụ, nhưng ông tiếp tục đi học, trau giồi Anh ngữ, tìm hiểu, nghiên cứu và được huấn luyện về luật di trú, nên từ phụ tá, ông lên được chức giám đốc không lâu sau đó. Ông được mọi người yêu mến vì sự tận tâm và không ngại khó khăn, đặc biệt là khả năng vận động lập pháp rất quyết tâm và hăng hái của ông. Đam mê đó đã kéo dài và theo đuổi ông cho đến ngày hôm nay.
Năm 1981, khi mới lập gia đình được một năm, ông phải đi huấn luyện về “đời sống mới” cho các thầy cô giáo người Phi ở trại tị nạn Bataan cả tháng trời. Cơ quan thiện nguyện USCC, cần cắt cử đi công tác ở trại tị nạn nào, ông cũng vác ba lô lên đường, từ trại tị nạn HongKong, qua Singapore, có khi được “điều” qua Afghanistan, Phi châu, Áo, Cuba,… ông cũng không hề quan ngại.
Nam Lộc và đồng bào tại trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân 1981. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
“Nhiều người nói tôi may mắn. Tôi cũng thấy vậy, có thể do được cha mẹ đặt tên là ‘Lộc’,”, ông Nam Lộc cười, nói. “Khi chứng kiến hoàn cảnh của bao nhiêu người tị nạn khác, khổ hơn mình nhiều, tôi thấy mình may mắn thật.”
Những người tị nạn thời ấy, thèm món ăn Việt, đều phải lái xe lên phố Tàu “China Town” trên Los Angleles. “Tôi tìm được chai nước mắm đầu tiên, là ở trên đó,” Nam Lộc kể. “Có chuyện vui là lúc trong trại tị nạn, lúc có gà, mọi người xếp hàng ăn nhiều, nhưng khi có cá thì dân mình đem đổ, vì cá mà thiếu nước mắm thì sao ngon được. Ra khỏi trại, cứ cuối tuần là mọi người đổ xô lên phố Tàu ăn mì, China Town lúc đó là thiên đường của người tị nạn.”
Mess Hall trại Pendleton, những ngày có gà, thì xếp hàng dài “thưởng thức”! (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Ở Los Angeles khi ấy cũng đã có sự hiện diện của người Việt, là quán ăn của nữ ca sĩ Thanh Thúy, của bà Hồng Phượng ở Vũng Tầu ngày trước và một quán ăn Việt Nam nằm trên Hollywood mở từ trước năm 1975. Cuối tuần, mọi người rời Roosevelt là phải ghé vào các quán ăn Việt, trước khi về nhà.
Người Việt nhanh nhẹn, tháo vát và thức thời, mua nguyên liệu và chế biến nhiều món ăn, mở quán bán. Càng ngày số người Việt về Orange County càng đông, vì lúc đó đất đai còn rộng rãi, nhà cửa không mắc mỏ, cho đến khi có một “làn sóng” những người ra đi bán chính thức từ Việt Nam.
Theo ông Nam Lộc, vào cuối năm 1979, đầu năm 1980, chính quyền Cộng Sản lấy tài sản của người Hoa và tống khoảng 200,000 người về Trung Quốc. Nhưng nhiều người Hoa đã mang quốc tịch Việt Nam, không muốn trở lại Trung Quốc, mà tìm cách vượt biên, thì được Cộng Sản tổ chức thu tiền, rồi “ngoảnh mặt làm ngơ” cho họ vượt biên, gọi là đi “bán chính thức”, còn ra ngoài hải phận thì “sống chết mặc bay”.
Mỗi chuyến tàu như vậy khoảng 3,000 người, đa số là người Tàu ở Chợ Lớn, ai giấu được tiền mang theo thì qua được tới Mỹ. Và những người Việt gốc Hoa này bắt đầu mở chợ búa. Chợ Ái Hoa, Hòa Bình ra đời từ đó. Chính phong trào ấy đã làm thay đổi toàn bộ đời sống người Việt, và vì được người Việt ủng hộ, nên nhiều người giàu lên rất nhanh
Chợ Ái Hoa ở Phố Tàu Los Angeles. (Ảnh tư liệu: Nam Lộc cung cấp)
Nguyên liệu nấu ăn từ Thái Lan, Trung Quốc, ngay cả Việt Nam cũng được lén lút đưa qua Thái và nhập vào Mỹ, nên chợ Việt thu hút đông đảo khách hàng, không chỉ chợ mà các tiệm tạp hóa, kinh doanh buôn bán, nhà hàng,… ở Orange County rất thành công. Vì thế, “China Town” ngày càng bớt khách, bởi đã có phở thì mắc gì phải ăn mì!
Về hưu, nhưng chưa dừng chân…
Đã qua tới năm thứ 48, kể từ ngày đặt chân đến đất Mỹ, quay đầu nhìn lại, nghệ sĩ Nam Lộc nhận ra mình có khả năng đặc biệt về hai lãnh vực: sinh hoạt xã hội cộng đồng, và vấn đề di trú. Ngoài công việc tại USCC, ông tham gia những chương trình phát thanh về luật di trú cho thính giả Việt Nam, đầu tiên vào năm 1992 trên đài Little Saigon Radio với chủ đề về sự cải tổ của Luật Welfare tức An Sinh Xã Hội, và phụ trách thêm chương trình thiết thực đối với những người muốn tìm hiểu về quyền lợi của mình qua các đạo luật về di trú.
Nam Lộc và viên chức lãnh đạo của Sở Di Trú Hoa Kỳ gặp gỡ đồng hương người Việt tại Orange County, California. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Trong suốt nhiều thập niên, mỗi tháng ông phụ trách hàng chục chương trình phát thanh về di trú trên hệ thống phát thanh Tiếng Nước Tôi ở San Jose, Việt Nam Hải Ngoại ở Washington, D.C., Radio Bolsa, Saigon Houston Radio ở Houston, Saigion Radio ở Seattle, … và thỉnh thoảng trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Giọng miền Bắc ấm áp và ngọt ngào phát lên trên các hệ thống phát thanh, cộng với các tin tức về di trú và tị nạn rất trung thực và cần thiết, được truyền đi khắp nơi, Nam Lộc ngày càng trở nên quen thuộc với cộng đồng người Việt cư ngụ ở Hoa Kỳ. Ông xem việc trực tiếp trả lời khán thính giả trên các hệ thống phát thanh hay qua đài truyền hình vệ tinh SBTN về các lãnh vực di trú và tị nạn, như là một bổn phận của mình, nhằm giúp đồng bào thực hiện được những quyền lợi một cách thiết thực hơn.
Nhạc sĩ Nam Lộc (bìa phải) nhặt rau cùng đồng bào tị nạn tại Thái Lan. Tháng Năm, 2023. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Ông Nam Lộc cũng đã đóng góp không ít trong việc tranh đấu quyền lợi cho những người thuộc diện HO cùng với con cái của họ, cũng như cho những đồng bào tị nạn ở Phi Luật Tân. Đầu thập niên 2000, Nam Lộc tạo thêm uy tín khi thành công trong việc vận động cho khoảng 20,000 người Việt thuộc diện PIP, tức diện chờ được duyệt cấp Thẻ Xanh (Green Card).
Đó là những người được qua Mỹ theo diện nhân đạo Public Interest Parole (tạm dung vì lý do công ích), đi theo cha mẹ hoặc anh em, nhưng sau khi được vào Mỹ, họ không được ra khỏi quốc gia này một khi chưa được cấp Thẻ Xanh. Nhiều người đã phải chờ đợi vất vả trong suốt mười mấy năm cho đến khi đạo luật được quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn.
Nam Lộc đang giúp đỡ một gia đình người tị nạn Phi Châu tại phi trường Sydney, Úc Châu, Tháng Năm, 2023. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Để vinh danh công trình này, Luật sư Đinh Việt, là phụ tá Tổng Trưởng Tư Pháp thời bấy giờ, đã đích thân trao tận tay đạo luật đó cho ông Nam Lộc tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam ở thành phố Westminster.
Luật sư Đinh Việt và Nhạc sĩ Nam Lộc. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Hơn 43 năm gắn bó với thân phận của người tị nạn, với những việc thiện nguyện như vận động tổ chức những chương trình gây quỹ giúp người cùi, những nạn nhân thiên tai ở quê nhà, trợ giúp thương phế binh tại Việt Nam, xây dựng tượng đài chiến sĩ Việt-Mỹ, và nhiều hoạt động xã hội khác, năm 2018, ông mới chính thức nghỉ ngơi.
Ngày 12 Tháng Bảy, 2022, Nam Lộc được Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ (USCIS) chọn làm một trong tám “Đại Sứ Quốc Tịch” (Citizenship Ambassador). Theo USCIS, nhiệm vụ của Đại Sứ Quốc Tịch bao gồm chia sẻ kinh nghiệm về thủ tục nhập tịch, nhấn mạnh lợi ích của việc trở thành công dân Mỹ, xóa tan tin đồn và hiểu lầm, và khuyến khích mọi người trở thành công dân Mỹ.
Nghệ sĩ Nam Lộc – Đại Sứ Quốc Tịch của Sở Di Trú Hoa Kỳ. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
“Về hưu rồi, tôi vẫn làm những công việc khác, nhưng vợ chồng tôi vẫn giữ cuộc sống kín tiếng và yên ả như mấy chục năm qua,” ông tâm sự. “Lập gia đình khi đã gần 40, đến năm 43 tuổi tôi mới có con, mà có con thì có, tôi vẫn cứ hoạt động. Vợ tôi ủng hộ, hết mực chiều chồng và để tôi tự do sinh hoạt cộng đồng cũng như đi đây đi đó.”
Vợ chồng Nhạc sĩ Nam Lộc và hai cô con gái, một người tốt nghiệp Brown University và một người tốt nghiệp YALE University. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Nam Lộc kể, ông là thành viên của một “đại gia đình” đúng nghĩa: “Bố mẹ tôi có 11 người con, lần lượt sang Mỹ định cư bằng nhiều đường khác nhau, nhưng định mệnh cho anh chị em tôi được sống gần nhau, quanh quẩn trong vùng Orange County ở Nam California. Mỗi lần có sinh nhật hay tiệc tùng gì, thì chưa kịp mời khách, mà anh chị em, dâu rể, con cháu đã lên đến gần 100 người. Còn gia đình vợ tôi là 12 anh chị em, năm trai, bảy gái, cũng đông đảo không kém.”
Chị Ngọc Lan, vợ nghệ sĩ Nam Lộc và con gái. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Một trong những điều mà nhiều người để ý là sự kín đáo của hiền thê nhạc sĩ Nam Lộc, chị Ngọc Lan, người rất ít xuất hiện trước đám đông. Ông cho biết, khi còn trẻ, bà chăm lo cho hai cô con gái, khi con trưởng thành, bà săn sóc mẹ già, nay cụ cũng đã gần trăm tuổi. Ông rất hãnh diện với hạnh phúc của mình, nhất là cuộc hôn nhân kéo dài đã hơn 43 năm.
Nghệ sĩ Nam Lộc dành hầu như trọn cuộc đời mình cho xã hội, cho cộng đồng, và đón nhận cuộc sống về hưu viên mãn cùng “đại gia đình” anh chị em hầu hết đang sinh sống tại Orange County.
Vợ chồng nhạc sĩ Nam Lộc trong ngày cưới năm 1980 (trái) và hiện tại. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Hiện nay nhạc sĩ Nam Lộc là một trong những thành viên của Phong Trào Việt Hưng, một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, phi đảng phái. Ngoài các hoạt động xã hội như cứu trợ Thương Phế Binh VNCH, giúp đỡ và bảo lãnh người tị nạn hoặc cấp học bổng cho các sinh viên hiếu học, thì mục đích chính của phong trào là đưa ra các tài liệu cùng những lời cảnh báo về chủ trương Hán hóa của Trung Cộng tại Việt Nam, cùng âm mưu xâm lược của họ tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Nghệ sĩ Nam Lộc cùng nhóm sáng lập Phong Trào Việt Hưng đã xuất hiện ở nhiều tiểu bang trên nước Mỹ, đồng thời cũng đã có mặt tại Úc, Canada, Thái Lan và Pháp. Hy vọng sẽ đến các nơi khác trong thời gian sắp tới.
Phong Trào Việt Hưng trong một buổi sinh hoạt tại Canada. (Ảnh: Nam Lộc cung cấp)
Về hưu, nhưng cái tên mang nhiều may mắn “Nam Lộc” vẫn còn xuất hiện nhiều ở các hoạt động trong cộng đồng, đó có thể là cái “nghiệp”, nhưng cũng là niềm đam mê hoạt động của một người chưa hề mỏi gối, chưa muốn dừng chân…
Đoan Trang
Theo SGN News các ngày 21, 23, 26 tháng 8, 2023
Be the first to comment