Liên Kết Châu Á: Chiến Lược Đối Phó Trung Quốc Của Biden

Hội nghị thượng đỉnh ở Camp David giữa ba nguyên thủ quốc gia Mỹ, Nhật, Hàn Quốc thực sự là một sự kiện hết sức quan trọng: “Một kỷ nguyên mới có thể sắp xuất hiện.” (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Mỗi tổng thống Mỹ có chính sách ngoại giao đối với các quốc gia khác nhau, tùy thuộc vào ưu tiên và tầm nhìn của họ. Nổi bật của chính sách ngoại giao thời cựu tổng thống Donald J. Trump là “America First”: từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới và xem thường vai trò của các liên minh dân chủ.

Donald Trump, từ 2017 đến 2021, nổi tiếng với chính sách châu Á hỗn loạn, đã bỏ qua ba Hội nghị Cấp cao Đông Á (East Asia Summit) liên tiếp từ 2018 đến 2020. Trong khi đó, Tổng thống Biden đã tham dự hội nghị East Asia Summit trực tuyến năm 2021 và tại Campuchia năm 2022. Có thể nói, Hoa Kỳ thời Trump đã gần như bỏ mặc châu Á và châu Âu để chọn đứng một mình.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi tiến hành cuộc gặp song phương tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 2 Tháng Chín năm 2018 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Andy Wong-Pool/Getty Images)

Kể từ khi nhậm chức tổng thống vào Tháng Giêng năm 2021, Tổng thống Biden đã ký hàng loạt các sắc lệnh thương mại nghiêm ngặt để phá hủy âm mưu thống trị thế giới của Trung Quốc. Quan trọng hơn, Biden đã liên kết chặt chẽ về quân sự và kinh tế với các đối tác chiến lược ở châu Á, bao gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phillippines, để tăng cường mạng lưới phòng thủ, tạo thành gọng kiềm vững chắc nhằm đối phó với Trung Quốc.

Liên minh Trung Quốc lãnh đạo

Lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và sa hoàng mới của nước Nga Vladimir Putin đều cho rằng mối đe dọa lớn nhất của họ chính là Hoa Kỳ. Cả Trung Quốc và Nga đều tin rằng Hoa Kỳ không chỉ thách thức lợi ích của họ ở Đông Âu hay Biển Đông, nhưng còn muốn làm suy yếu chế độ độc tài chuyên chế của họ.

Bởi thế, Trung Quốc cũng tìm cách thành lập liên minh để đối phó Hoa Kỳ. Cụ thể, khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) do Trung Quốc lãnh đạo, với hội nghị thượng đỉnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2009. Các mục tiêu của BRICS gồm mở rộng số lượng thành viên và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực như cho vay phát triển và thanh toán tài chính.

Tuy nhiên, uy tín của khối BRICS không cao. Bởi Trung Quốc muốn biến tổ chức này thành một diễn đàn toàn cầu để chống Mỹ và liên minh châu Âu. Thêm vào đó các xung đột giữa các thành viên, khiến các bên khó có thể liên kết chặt chẽ. Kể từ Tháng Năm năm 2020, Ấn Độ và Trung Quốc đã có các xung đột biên giới căng thẳng. Trong khi đó, Ấn Độ, Nam Phi, và Brazil luôn mong muốn có mối quan hệ nồng ấm với liên minh dân chủ do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo

Ngược lại, các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo ngày càng vững chắc. Cuộc xâm lược của Putin ở Ukraine đã đoàn kết và tiếp thêm sinh lực cho NATO, với việc kết nạp thêm Phần Lan và tương lai là Thụy Điển. Quan trọng hơn, Biden cũng đang tích cực kết nối với các quốc gia châu Á để chống lại Trung Quốc.

Với Nhật Bản và Nam Hàn

Vào Ngày 18 Tháng Tám, lần đầu tiên Tổng thống Biden mời Tổng thống Nam Hàn và Thủ tướng Nhật Bản đến Trại David, để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Trung Quốc. Dưới sự trung gian của Hoa Kỳ, cả Nam Hàn và Nhật Bản đã đồng ý gạt bỏ bất đồng lịch sử, để cùng nhau tăng cường hợp tác về quân sự. Các quan chức công bố hợp tác mở rộng, không chỉ trong các cuộc tập trận quân sự chung và chia sẻ tình báo, mà còn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng, an ninh mạng, và kinh tế.

Robert Sutter, cựu sĩ quan tình báo quốc gia phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, hiện là giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, cho biết hội nghị thượng đỉnh ở Trại David, giữa ba nguyên thủ quốc gia, thực sự là một sự kiện mang lại ý nghĩa quan trọng: “Một kỷ nguyên mới có thể sắp xuất hiện.”

Cuộc gặp lịch sử giữa Mỹ, Nhật, Hàn Quốc ở Camp David. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Với Philippines

Trước đó, vào Tháng Hai năm 2023, Tổng thống Phillipines Marcos Jr. đã đồng ý cho phép Hoa Kỳ sử dụng ít nhất chín căn cứ quân sự của Philippines dưới Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký kết năm 2014. Ba căn cứ trong số này thuộc hòn đảo Luzon, là phần lãnh thổ duy nhất của Philippines gần Đài Loan. Một căn cứ quân sự khác nằm ở đảo phía tây Palawan, hướng về quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tin của Reuters cho biết Hoa Kỳ cũng đã viện trợ quân sự 100 triệu USD cho Philippines sử dụng theo ý muốn, cũng như 82 triệu USD để nâng cấp các căn cứ quân sự EDCA. Vào Tháng Tư, quân đội Hoa Kỳ và Philippines đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển. Tháng Năm, sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Marcos Jr., Ngũ Giác Đài đã mạnh mẽ đưa ra cam kết bảo vệ Philippines, trong trường hợp nước này bị tấn công ở Biển Đông.

Với Úc

Mối quan hệ quốc phòng “không thể phá vỡ” giữa Hoa Kỳ và Úc đang ngày càng thắt chặt, sau khi liên minh Hoa Kỳ, Anh, và Úc ký thỏa thuận tàu ngầm lịch sử vào Tháng Ba năm nay. Theo thỏa thuận AUKUS, Hoa Kỳ sẽ bán cho Úc ba tàu ngầm lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân do General Dynamics chế tạo, và có thể mua thêm hai chiếc nữa nếu cần.

Đây cũng là lần đầu tiên Washington chia sẻ công nghệ hạt nhân, kể từ sau một cam kết tương tự của Mỹ với Anh vào những năm 1950. Ba đối tác dân chủ cũng mong muốn hợp tác về các công nghệ quân sự khác, tên lửa siêu thanh, máy bay không người lái dưới nước, và giúp huấn luyện hải quân Australia. Tất nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố phản đối thỏa thuận của AUKUS.

Với Việt Nam

Vào ngày 28 Tháng Bảy, theo Reuters, Tổng thống Joe Biden cho biết ông đã nhận được cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam”, cho biết “rất muốn gặp ông” khi ông sẽ tới Ấn Độ để tham dự hội nghị G-20 vào giữa Tháng Chín, vì Việt Nam muốn nâng cao mối quan hệ với Hoa Kỳ.

Theo các nguồn giấu tên của Politico, Biden sẽ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới. Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này sẽ là một chiến thắng của Biden trong chiến dịch tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương , nhằm kéo Hà Nội lại gần Washington hơn, vào thời điểm xung đột gia tăng với Bắc Kinh.

Thỏa thuận này sẽ đánh dấu sự nâng cấp trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, bằng Thỏa thuận Đối tác Toàn diện hiện, được ký bởi cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2013, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Nhưng thỏa thuận mới này không nhất thiết báo hiệu rằng Việt Nam chọn xa Trung Quốc, để gần Hoa Kỳ. Rất có thể, thông qua thỏa thuận này, Hoa Kỳ muốn gửi một tín hiệu quan trọng tới Việt Nam rằng, mối quan hệ tốt hơn giữa hai quốc gia là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden.

Việt Nam đã ký “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Nga năm 1992 và với Trung Quốc vào năm 1998. Điều này phần nào cho thấy chính sách ngoại giao “hai hàng” rất thực dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Nhìn chung, so với thời Obama và Trump, chính sách ngoại giao thời Biden thể hiện cam kết hợp tác với Việt Nam để đối phó Trung Quốc, trong sự dè dặt và lo sợ của ĐCSVN.

Liên kết đồng minh để đối phó Trung Quốc

Tổng hợp “mạng lưới” các thỏa thuận hợp tác an ninh cho thấy chiến lược xoay trục sang châu Á thời Biden đang tăng tốc nhanh chóng. Tất nhiên, kế sách này của Biden không phải là hoàn hảo, bởi Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á hiện vẫn chưa có cam kết chung nào để bảo vệ lẫn nhau.

Đáng chú ý hơn, nếu Trump tái đắc cử tổng thống vào năm 2024, các thỏa thuận với các đồng minh châu Á của Biden sẽ có thể bị hủy bỏ. Đây có lẽ là lý do để Biden và các đồng minh châu Á đang đẩy nhanh các thỏa thuận an ninh.

Chính quyền Biden đã cho thế giới thấy rằng tình bạn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á là rất quan trọng, trong nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Biden đang nỗ lực thuyết phục các đồng minh châu Á rằng, ngăn chặn Trung Quốc có thể thành công, nếu họ đứng cùng một chiến tuyến với Hoa Kỳ.

Mai Vũ Phạm

Theo Saigon Nhỏ ngày 24 tháng 8, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*