Con Đường Xưa Anh Đi

Ngược dòng lịch sử, biết bao người con trung hiếu của Mẹ Việt Nam đã miệt mài đem tài năng điểm tô cho non sông gấm vóc. Trải qua đoạn đường gian lao vất vã, mỗi một người để lại phần di sản tinh thần, tuy khiêm tốn nhưng vô cùng quý giá cho quê hương đất nước.

Làm sao kể hết câu chuyện của hằng vạn danh nhân. Bài này xin lược thuật dặm đường thiên lý mà năm bậc hiền sĩ từng đi qua như muốn thêm một lần vinh danh tấm lòng yêu nước vô biên của họ. Người viết ước mong đem lại những phút giây thư giãn tới quý độc giả sau những ngày bận rộn lo toan cho cuộc sống thường nhật.

1. CÁT TƯỜNG (1912 – 1946)

Trong bài “Chuyện Về Danh Họa Nguyễn Cát Tường, người đầu tiên thiết kế nên chiếc áo dài Việt Nam”, saigoneer, 9/2/2022, tác giả Linh Phạm nói rằng vào thời Pháp thuộc, câu chuyện về một bộ y phục thể hiện bản sắc dân tộc đã được khởi xướng bởi Lemur (tiếng Pháp có nghĩa là bức tường) mà bạn bè đặt cho Anh dựa theo tên Cát Tường (nghĩa Hán Việt là điềm đạm).
Anh dáng cao, gầy, luôn tươi cười, trong tay lúc nào cũng cầm cây cọ. Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, trở thành hoạ sĩ danh tiếng nhất Hà Nội.

Martina Thục Nhi Nguyễn, Phó Giáo Sư Lịch Sử, City University of New York phát biểu:
“Cát Tường là người đầu tiên nói Việt Nam cần có trang phục mô tả danh tính cho quốc gia của mình”. Anh quan niệm “quần áo không chỉ để che thân mà còn như tấm gương phản chiếu trình độ tri thức của một nước”. Anh cho rằng “y phục phụ nữ thời ấy có phần lùng thùng bất tiện, họ cần quần áo gọn gàng, giản dị, thanh lịch, và hơn hết là phải có tính cách riêng của nước nhà”.

Năm 1934, Anh giới thiệu trang phục cách tân nhưng gặp phải nhiều đả kích phát xuất từ mối xung đột giữa cái cũ và cái mới. Họ bảo chiếc áo của Anh không tả được Việt Nam thuần chất mà còn lai Pháp.

Anh biện luận rằng vào giai đoạn đó nước nhà chịu nhiều ảnh hưởng Âu Tây như đầu hớt ngắn thay vì búi tóc, mặc veston và bắt tay nhau khi gặp gỡ. Vì thế mà Anh mang cái đẹp, cái tiện lợi từ y phục phụ nữ nước ngoài vào thay thế cái bất tiện trong y phục của người Việt.

Chị Martina giải thích rằng thế hệ Cát Tường tiếp thu nền giáo dục của thực dân, họ học ngôn ngữ và văn chương mẫu quốc. Dẫn đến cả một lớp người nói tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Hoa và ảnh hưởng phương Tây lấn áp triết lý Nho Giáo.

Đồng thời nhiều tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn khuyến khích người dân giải phóng bản thân, thoát ly khỏi tư duy cổ hủ, tự do thể hiện cái tôi của mỗi người. Cát Tường ra sức sáng tạo theo tinh thần đó. Loại áo cũ không mấy thẩm mỹ. Còn những cô gái mặc áo dài Lemur với thiết kế ôm sát người làm tôn dáng vẻ, thể hiện tư tưởng tân thời của mình.

Cô Hồng Vân, người đầu tiên mặc áo dài Lemur ở Saigon kể lại: buổi tối nọ khi đi hội chợ cùng bạn bè, họ thấy bà lớn tuổi cứ lãng vãng đi theo phía sau. Bất thình lình, Cô nghe một tiếng “roạt” thật to và tà áo của cô bị lưỡi dao sắc bén cắt toạc ra làm đôi. Người ấy vội vã chạy mất dạng.

Cô Vân không vì thế mà mất đi tự tin. Cô nói: “Chúng ta chả nên lung lay khi bị kẻ khác chỉ trích. Thấy thứ gì đẹp đẽ đúng đắn thì cần mạnh dạn theo đuổi. Tôi tin tới một ngày mỗi người phụ nữ sẽ có bộ trang phục đẹp, màu sắc độc đáo và phù hợp với mình”.

Chẳng bao lâu lời Cô trở thành sự thật. Nhiều nữ nhi thành phần trí thức đua nhau mặc áo dài Lemur, trong đó có cả Hoàng Hậu Nam Phương. Đầu tiên là Luật Sư Nguyễn Thị Hậu, cựu Thị trưởng Đà Lạt (1965-66). Cô Hòa Vân (em gái Thi Sĩ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả Em Đi Chùa Hương) nằm trong số người sớm nhất ưa chuộng kiểu áo dài mùa thu của Cát Tường.

“Anh đóng góp bước tiến quan trọng trong lịch sử phát triển áo dài Việt Nam. Kiểu mẫu của Anh không chỉ là trang phục đẹp mắt, mà còn là tư tưởng thời đại thể hiện qua chất vải và thiết kế”.

Về sau, Bà Trần Lệ Xuân, em dâu Tổng Thống Diệm, phu nhân Cố Vấn Ngô Đình Nhu, vừa có tài vừa có sắc, Bà đã tiếp bước Cát Tường để làm cho nữ giới thêm phần phong thái trang nhã, quý phái hơn. Đó là vào cuối thập niên 50 thế kỷ trước, Bà mạnh dạn khởi xướng loại áo không cổ hay cổ thuyền, tạo nên một phong trào “áo dài Bà Nhu” thịnh hành, nở rộ khắp các tỉnh thành miền Nam. Ngắm khung cảnh thướt tha diễm ảo đó, Nhà Thơ Nguyên Sa không ngăn được niềm cảm xúc dạt dào qua mấy dòng đậm đà thi vị trong bài Tương Tư:

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Thi Hào Nguyễn Du từng nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Phải chăng vì vậy mà Cát Tường gặp phải số phận nghiệt ngã đau thương. Anh bị những người cộng sản nhẫn tâm thủ tiêu lúc mới 34 tuổi đời. Họ kết tội Anh là “tiểu tư sản” và góp phần làm phụ nữ “đánh mất thuần phong mỹ tục”.

Cũng có nguồn tin Tường dính dáng với Việt Nam Quốc Dân Đảng nên bị truy lùng ráo riết. Người ta thấy Việt Minh bắt Anh lên trại lao động miền Bắc rồi chịu hành hình ở đó vào cuối năm 1946, chỉ trước ngày Khái Hưng bị bỏ bao bố thả trôi sông vài tuần.

* Câu chuyện kỳ thú về Mối Lương Duyên của Hoạ Sĩ Cát Tường, Gia Quan, chungta.com, 20/7/21:

Trên báo Phong Hóa số 90, ngày 23/3/1934, Cát Tường công bố bản vẽ áo dài đầu tiên. Ông viết loạt bài “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”.

Để mẫu mã bước từ trang báo ra cuộc đời, họa sĩ đã hợp tác với một số hiệu may rồi đích thân đi tìm phụ kiện nhằm tăng sức hấp dẫn cho chiếc áo. Và lần đầu ra ga Hàng Cỏ chờ gặp Chủ xưởng dệt ren ở Bắc Ninh lên, hoạ sĩ nhận được món quà nhân duyên cho đời mình.

Khi tàu từ Bắc Ninh vào ga, đợi mãi không thấy người đã hẹn. Đang dáo dác giương đôi mắt kiếm tìm, Ông sửng sờ khi phát hiện một cô gái đi ngang qua, không trang điểm, đầu chít khăn xô đại tang, nhưng nhan sắc chim sa cá lặn làm cho chàng ngẩn ngơ.

Qua cơn choáng váng bần thần, hoạ sĩ hoàn hồn rồi chạy theo mỹ nhân. Lễ nghi thuở ấy không cho phép trai gái làm quen sổ sàng. Ông dò la biết được tên cô là Nội, ái nữ chủ xưởng vừa qua đời.

Ông tìm cách kết thân người kéo xe của cô để cậy nhờ đưa thư, tất nhiên là không quên khoản tiền thưởng cho anh ta. Thế rồi hoạ sĩ được thông báo cô gái hẹn Ông ở chuyến tàu Bắc Ninh-Hà Nội vào dịp cuối tuần.

Đúng giờ, Ông chưng diện bảnh bao, ngóng đợi ở ga Hàng Cỏ. Cô xuống tàu với hai va li to đùng. Họa sĩ nhào tới cúi chào lịch lãm điệu đàng. Cô gái có phần ngơ ngác nhưng vẫn không bộc bạch thái độ gì. Dù chẳng mấy khỏe mạnh, Ông vẫn tỏ ra hết sức ga-lăng, hai tay nhấc bỗng va li lên.

Nàng thư thả đi trước, chàng hổn hển theo sau. Ra khỏi cổng ga, nàng chạy thẳng vào… đồn cảnh sát. Không hiểu nổi, chàng bỗng dưng choáng váng mặt mày, hồn xiêu phách lạc khi nghe nàng tố giác: “Ông này ăn cắp va li của tôi”!

Họa sĩ không biết cách nào kêu oan. Đành lấy xấp thư cô Nội gởi mà lúc nào cũng mang theo bên mình để chứng minh hai người có quen biết nhau. Cô gái khăng khăng “không phải chữ của tôi”, rồi mượn giấy bút biểu diễn vài nét bay bướm hoa hòe gấp trăm lần những trang thư họa sĩ từng nhận được.

Trời đất như quay cuồng sụp đổ. Cô Nội lấy lại va li ra về. Còn họa sĩ phải ngồi tường trình sự việc, chờ người của báo Phong Hóa đến bảo lãnh.

May thay, văn hào Nhất Linh – chủ bút đầy thế lực, hết lòng bảo chứng nên họa sĩ mau chóng thoát nạn trớ trêu. Bấy giờ Ông mới vỡ lẽ bị gã kéo xe lừa gạt. Bao lá thư trước đây đều do anh ta độc diễn để kiếm tiền thưởng.

Oan gia ngõ hẹp, mấy ngày sau họa sĩ nhận trát hầu toà. Đó là do cô Nội về kể lại cho Mẹ nghe những điều vừa xảy ra. Thế là bà không buông tha kẻ bôi nhọ thanh danh con gái mình “viết thư cho trai”. Sau đó, tên kéo xe bị vạch mặt, còn họa sĩ chỉ phải “bồi thường một đồng danh dự” cho khổ chủ.

Tuy chồng đã quá vãng, nhưng người vợ thừa kế vẫn cam kết thực hiện giao ước cung cấp nguyên liệu. Họa sĩ được mời về Bắc Ninh thanh thỏa thương vụ dang dỡ.

Thật bất ngờ, người thay mặt Mẹ rót trà mời khách lại là cô Nội. Lần này bà Mẹ hết lời khen ngợi tài năng của họa sĩ và không giấu giếm ý muốn nhận chàng làm rể.

Cuối năm 1936, sau khi mãn tang, cô Nội xuất giá. Đám cưới được tổ chức long trọng. Trong ngày vu quy, cô dâu mặc chiếc áo dài do tân lang thiết kế.

Thụ hưởng dòng máu di truyền kinh doanh của gia tộc, Cô giúp chồng phát triển thương hiệu áo dài Lemur rất thịnh vượng. Cũng nhờ người mẫu Nguyễn Thị Nội mà Cát Tường dạt dào cảm hứng sáng tạo nhiều kiểu áo dài, in thành sách “50 mẫu y phục phụ nữ Lemur”.

Đương thời hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Bà sinh hạ 5 người con, 3 trai 2 gái. Sau ngày đất nước chia đôi, Bà đưa cả nhà vào Nam, một mình làm lụng nuôi đàn con khôn lớn.

2. NGUYỄN BÁ HỌC (1857 – 1921)

Hơn 30 năm tận tụy làm thầy giáo mà Cụ tự nhận là Ông Đồ Nghèo. Cụ còn là nhà báo chuyên về nghị luận những vấn đề luân lý, dịch bài Hán văn và Pháp ngữ đăng trên Nam Phong Tạp Chí. Là một trong vài người đi tiên phong viết truyện ngắn bằng chữ Quốc ngữ trong buổi giao thời giữa cũ-mới giai đoạn đầu thế kỷ 20.

Cụ là nhạc gia Nhà Cách Mạng Nguyễn Bá Trác (tác giả bài thơ nổi tiếng Hồ Trường), đồng thời là anh ruột Bà Nội Nhà Văn Nguyễn Thụy Long (với tiểu thuyết Loan Mắt Nhung).

Nguyễn Bá Học mất năm 64 tuổi, để lại sự nghiệp văn học đáng kể. Trong đó có câu danh ngôn được rất nhiều người ghi nhớ và truyền tụng. Ngay tại các quân trường vào những ngày huấn luyện gian khổ, người ta vẫn hay mượn lời Cụ dạy để động viên nhau.

* Danh ngôn của Nguyễn Bá Học:

Trong kỳ thi vào Ban Cao Học Hành Chánh năm 1973, người dự tuyển gặp phải câu hỏi cho bài bình luận thời sự là bài quan trọng nhất, có hệ số cao nhất:
“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Bạn hãy bình giảng câu nói trên và xét xem giá trị của nó đối với cuộc cách mạng hành chánh đang diễn ra hiện nay.

Hằng năm, rất nhiều sĩ tử bị rớt vì bài bình luận. Mục đích cuộc thi này là để tuyển chọn những người có kiến thức và am hiểu về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… của đất nước. Vì thế mà Ban Giám Khảo phải loại bớt một số người không đạt điểm yêu cầu, chỉ chọn những ai có điểm cao. Sau đó mới chấm tiếp các bài thi khác có hệ số thấp hơn như hành chánh công quyền, soạn thảo văn thư, dịch Anh hoặc Pháp ngữ. Qua vòng 2 chỉ còn 13 thí sinh được vào thi vấn đáp với phần khảo sát Anh ngữ và khả năng ứng xử giao tiếp. Cuối cùng chỉ có 12 người trúng tuyển.

Cũng cần nói thêm là vì sao vào giai đoạn đó lại đề ra cuộc cách mạng hành chánh.
Chính quyền Việt Nam Cọng Hòa nhận thấy rằng nền hành chánh toàn quốc nói chung vẫn còn chậm chạp, mang nhiều nhược điểm, vì vậy cần chấn chỉnh lại, mau chóng tạo nên một sự thay đổi mạnh mẽ, triệt để, toàn diện từ trung ương tới địa phương sao cho hoạt động được hiệu quả hơn, đáp ứng tình hình đất nước trong thời chiến.

Đầu tháng 4/1972, Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Vũng Tàu khai mạc cuộc hội thảo về Bình Định Phát Triển dành cho các Tư Lệnh Quân Khu, Tỉnh Thị trưởng, Ty Sở trưởng của cả nước. Sau đó chiến sự trở nên khốc liệt, Cộng quân đồng loạt tấn công Quảng Trị, Kontum và An Lộc. Đáp ứng tình thế cấp bách, Tổng Thống đành ra lệnh hủy bỏ cuộc hội thảo để mọi người kịp thời trở về nhiệm sở chiến đấu chống giặc xâm lăng.

Chừng hai năm sau, vào mùa hè 1974, khóa hội thảo tương tự lại được tổ chức tại Trường Quốc Gia Hành Chánh. Qua mấy ngày ngắn ngủi, các giới chức tập trung thảo luận về những vấn đề cốt lõi như sửa đổi lề lối làm việc, tranh thủ nhân tâm, đơn giản hoá thủ tục, tinh giản bộ máy, tiết giảm chi tiêu…

* Học Giả Phạm Quỳnh nói về Nguyễn Bá Học:

– “Phải được đến gần Cụ, phải được tiếp chuyện Cụ, phải được nghe những người từng quen biết Cụ, phải được rõ cái cách Cụ ₫ối nhân xử thế, khắc kỷ tu thân, mới hiểu thấu rằng một người như vậy mà mất đi là thiệt cho xã hội nước ta biết chừng nào.

– “Cụ thuở sống không có quyền thế, không có chức vụ gì đủ ra oai giáng phúc mà khiến cho người ta phải sợ phải phục. Cụ chẳng qua chỉ có một tấm lương tâm trong sạch, ngoài sáu mươi năm trời giữ gìn trọn vẹn, cho đến lúc nhắm mắt không còn chút di hận gì, chỉ có thế mà cảm phục được lòng người. Lúc sống người yêu người kính, lúc chết người tiếc người thương, không phải vì quyền thế hay ân uy gì, mà chỉ vì cái tiết tháo đó thôi.

Lúc đọc ai điếu hạ huyệt, Phạm Quỳnh trang nghiêm ca ngợi văn tài của Cụ:
“Sau khi trân trọng lĩnh lấy tập cảo Lời Khuyên Học Trò ở tay Cụ, về đọc một lượt, bất giác có cái cảm khái vô hạn, mới biết sách này tuy văn thể bình thường, mà thật là lời tâm huyết của một người tiền bối muốn truyền lại cho kẻ hậu sinh cái tâm thuật ở đời.

“Từ đấy, cứ cách vài tháng, Cụ lại gởi cho mấy bài đoản thiên tiểu thuyết, toàn là ngụ ý răn đời. Lập ý đã hay, lời văn lại nhã. Tôi thường nhận được thư ở các nơi, tất cả đều đồng thanh mà khen rằng: “Nguyễn tiên sinh không những là bậc đạo đức mô phạm, mà thật là một tay văn sĩ có tài”.

Là những người trọng đạo thánh hiền, chúng ta hãy cùng nhau bày tỏ lòng tôn kính bậc hiền nhân quân tử qua mấy vần thơ:

Nhớ Ơn Thầy

Thầy dạy con chớ quản điều gian khó
Lội suối, băng đèo, trèo núi, vượt sông
Chướng ngại đó chỉ toàn là chuyện nhỏ
Nếu như con biết giữ vững tất lòng

Đường đi cho dù nguy nan hiểm trở
Cũng đừng bao giờ nhụt chí rút lui
Quyết tiến tới chẳng rụt rè than thở
Không sợ phong ba bão táp dập vùi

Lời Thầy khuyên con mãi hằng ghi nhớ
Cố gắng lên với công việc mỗi ngày
Danh ngôn ấy là một lời nhắc nhở
Xin khắc sâu tạc dạ nghĩa ân Thầy

3. AN KHÊ (1923 – 1994)

Tên thật là Nguyễn Bính Thinh. Chưa tới 20 tuổi đã nung nấu lòng yêu nước nhiệt thành. Do tham gia hoạt động chống Pháp nên bị bắt giam. Từng ngồi tù Khám Lớn tới ngục thất Côn Đảo.

Cựu Thiếu Tá Quân đội Quốc Gia thời Vua Bảo Đại. Bị thương nặng trong trận đánh Việt Minh tại Đèo An Khê (Bình Định), là ngọn đèo dài hơn 10 km, nổi tiếng hiểm trở qua hai câu ca dao:

Không đi thì mắc cái eo
Mà đi thì ngại vượt đèo An Khê

Giải ngũ năm 1950. Phó Hội Trưởng Thương Phế Binh Việt Nam Cọng Hòa. Cộng tác với 20 tờ báo và viết 250 tiểu thuyết cho đến 1975. 1988 định cư tại Pháp, vẫn hăng say giúp đỡ đồng đội còn kẹt lại ở quê nhà.

An Khê là nhà báo hàng đầu về viết feuilleton (phơi – ơ – tông, tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ). Mỗi ngày Ông gởi bài cho 13 tờ báo ở Saigon.

Là người có nhiều kinh nghiệm về mánh khóe và thủ đoạn đầy gian manh xảo quyệt của cộng sản. Ông cho biết tại Côn Đảo, bọn chúng thường bảo rằng trên đảo chỉ có màu đỏ, không màu vàng. Phe quốc gia muốn yên thân trả nợ tù thì phải nhuộm đỏ. Không cộng sản tức là kẻ thù, không thể khác, cũng không được lưng chừng.

Theo An Khê, nhà cách mạng Nguyễn An Ninh chết vì nghe theo hai tên cộng sản. Khi Ông bệnh nặng, chúng đưa cho hai con vích, bảo ăn vào thì sẽ hết bệnh! Thế mà theo tài liệu của Đảng cộng sản, Ông bị cai ngục hành hạ tới kiệt sức rồi chết.

Những ngày ngồi tù, Nguyễn An Ninh bị anh em phiền trách sao lại để cộng sản lợi dụng tên tuổi mình.

Sau 1975, cộng sản xây tượng đài lớn cho Ông ở Saigon, cũng như cho anh hùng Nguyễn Thái Học tại Yên Bái, mặc dù chúng thẳng tay tận diệt thế hệ thứ hai của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Từ sau 1930, hàng vạn Đảng viên Việt Quốc bị thủ tiêu, bắt bớ giam cầm. Để giải thích cho cách đối xử này, nhà văn Trần Trung Đạo nhận định: đối với Việt Nam Quốc Dân Đảng, cộng sản chủ trương để lại gốc nhưng đốn sát thân, tỉa ngọn và chặt cành.

* Tác phẩm nổi tiếng: Theo ký giả Nguyễn Ang Ca, Người Vợ Hai Lần Cưới là tác phẩm thành công nhất của An Khê, đăng trên báo Tiếng Chuông được nhiều người đón đọc, giúp tăng số phát hành ở Đô Thành lên gấp bội phần. Chủ Nhiệm và tác giả đều không ngờ kết quả khả quan ngoài sức tưởng tượng. Được chuyển thể Cải Lương thành Hai Chuyến Xe Hoa và còn dựng phim. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga diễn trọn 19 đêm, đợt sau suốt 3 tuần mà vẫn đông khách. Rồi nhà xuất bản Sống Mới cũng hốt bộn bạc khi in thành sách.

* Câu chuyện Đền Ơn Đáp Nghĩa: Trong hồi ký Từ Ngồi Tù Khám Lớn Tới Côn Đảo, An Khê cho biết:

Ở Khám Lớn tôi quen anh Tư Có, người Mỹ Tho, thầy thuốc nam, gia nhập Đảng Huỳnh Long, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Miên, tiếng Nhật. Anh bị tra tấn dã man, kẹp điện vào dương vật, da lở loét không dám ăn đồ biển. Hôm nào cơm tù có những món ấy anh đành ăn cơm lạc.

An Khê kể tiếp: Một buổi trưa Mẹ tôi vào thăm tại Khám Lớn. Bà đem cho mấy bịch cốm kẹo và hai gáo dừa bự đựng thịt heo cùng thịt bò ram mặn. Sau đó, tôi lấy cốm kẹo ra bày tiệc liên hoan với anh em. Anh Tư Có và vài bạn tù được bữa ăn thêm chút thịt kho. Nhờ vậy mà anh mau lành mấy vết thương, ban đêm không còn rên rỉ đau nhức nữa.

Anh thường ngâm Kiều cho chúng tôi nghe. Tới đoạn Từ Hải sang sảng thề ước sau này khi lập nên nghiệp lớn, quyền cao chức trọng, phú quý công danh thì sẽ không bao giờ quên Thúy Kiều:

Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau

Lúc ấy anh tỏ vẻ đắc ý lắm, tới gần nắm chặt tay tôi, ngâm đi ngâm lại như một lời hứa hẹn. Tôi lắng nghe và chỉ mỉm cười ghi nhận thiện tâm ấy cho anh vui lòng, chứ nào dám nghĩ đến ngày được trả nghĩa.

Không dè một năm sau khi bị giải ra Côn Đảo, tôi đã mượn hai câu Kiều đó để nhắc anh nhớ đến tôi. Đây là thời gian anh đang cực khổ thê thảm thì may được trung đội lính Nhật gọi ra làm thông ngôn. Tư Có từ chốn địa ngục trở thành nhân vật quan trọng và là người tù đỡ khổ nhất Côn Đảo kể từ khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945.

Lúc ấy tôi ở phòng tù nhân bệnh liệt thuộc Khám 2, gặp anh Giáo Thố làm cặp rằn Sở Đốn Củi Chuồng Bò nơi anh Tư Có bị giam trước đó. Anh kể là Tư Có đến thăm anh. Tôi nhanh nhẩu nhờ anh khi gặp lại Tư Có thì ngâm giùm tôi hai câu Kiều ngày trước.

Qua hôm sau, anh Giáo tìm gặp tôi, kể rằng anh Tư sau khi nghe hai câu ấy, liền hỏi ngay:
– “Phải anh Thinh nhắn không? Được rồi. Tôi có cách kéo anh về ở chung với tôi”.

Sau khi chiếm đảo, quân đội Nhật muốn tìm một số tù chính trị thuộc khuynh hướng Quốc Gia ra làm việc. Anh Tư biên tên tôi vào.
Thế là Viên Đội Nhật đi với Xếp Khám Tây vào tìm tôi rồi đưa về Tổng Hành Dinh quân Nhật, ở bên anh Tư Có cho đến ngày chính phủ Trần Trọng Kim ban hành lệnh trả tự do cho 123 chính trị phạm trở về đất liền vào tháng 8/1945.

Từ câu chuyện này chúng ta thấy rõ tính nhân bản, trọng ơn trọng nghĩa của những người quốc gia. Khác hẳn cộng sản ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván, mất cả lương tri… qua rất nhiều vụ việc. Không đâu xa, vào năm 1953, chúng không hề chùn tay, hùng hổ ra lệnh hành quyết ân nhân hàng đầu là bà Cát Hanh Long trong đợt đấu tố cải cách ruộng đất.

* Câu chuyện Sư Quốc Sư Cộng: Ở trong tù, An Khê chung đụng với đủ thành phần. Đây là chuyện kể của Ông về hai nhà sư, một Quốc Gia một Cộng Sản:

“Nhân kỳ nằm Khám Còng, tôi gặp hai nhà sư trẻ là can phạm chính trị. Một người không thích thân cận với ai là Sư Thiện Chiếu, nhà sư cộng sản. Lúc ấy là cặp rằn Khám Còng. Sư sống riêng biệt, ít hoà đồng với các bạn tù. Khám nhỏ và chật vì quá đông, mọi người chịu phận nằm ép mắm, song Sư Thiện Chiếu thì không, Sư chiếm chỗ rộng ở đầu dãy, nằm thẳng lưng ngủ.

Sau mỗi bữa cơm, Sư nằm phưỡn bụng, thao thao nói về đạo pháp. Sư mê chủ nghĩa cộng sản, cho rằng chỉ có cộng sản mới thực hiện được thế giới đại đồng.

Một buổi sáng đi lên trạm y tá khám bệnh, tôi nhặt được vài mẫu tàn thuốc lá đem về phòng. Sư nói: “nhặt làm gì cho chúng nó khinh”.

Tôi đáp: Tôi nhặt tàn thuốc không phải để hút mà cho anh em. Tôi có hút đâu. Nhưng thấy vẻ khoan khoái của anh em là tôi mừng. Trong tù nhiều người làm những việc còn đáng khinh hơn là nhặt tàn thuốc.

Người nằm kế bên tôi là Nhà Sư không cộng sản – Sư Tâm Chiếu. Sư cất tiếng cười khẩy:
– Đạo huynh không nhặt tàn thuốc vì đạo huynh ôm kè kè bịch thuốc lá và gói quà căn-tin bên người, có bao giờ đạo huynh cho ai món gì đâu. Cả khám không thuốc hút, một mình đạo huynh nằm gác tréo chân nhả khói phì phèo, phó mặc anh em ngáp trật quai hàm. Trong khám có người lở loét mình mẩy, sưng phù chân tay, không ăn được cá mắm. Đạo huynh có thịt chà bông, tóp mỡ, đường tán mà chẳng cho ai chút nào. Đạo huynh tự xưng là người tiến bộ, người cộng sản, sao cứ giữ bo bo vật tư riêng?

Sư Thiện Chiếu hay nói và nói nhiều song nhất thiết đừng ai đụng tới thứ gì của Sư. Tiền tín đồ ở Thủ Đức Hóc Môn gởi vào để “thầy” mua thức ăn bồi dưỡng tấm thân hoằng pháp. Đem của bá tánh gom góp cho mình chia lại người khác, lòng “thầy” sao nỡ.

Còn Sư Tâm Chiếu người Bạc Liêu, tu trong ngôi chùa ở Vĩnh Hội, Saigon. Cũng bị bắt vì tội quốc sự. Sư nhỏ con, ốm yếu, tay chân lỏng khỏng, người nhiều lông. Theo tướng pháp thì Sư có hầu tướng – tướng khỉ. Sư vụng về, ăn nói lôi thôi.

Khi nghe tiếng Sư, bọn cai tù hay nạt: “Im đi, thằng khỉ”. Quả thực, Sư có nhiều nét giống khỉ, hai tay dài quá đầu gối. So với Sư Thiện Chiếu, Sư Tâm Chiếu như con chim cú cạnh chim phượng hoàng. Một người cao ráo điển trai, một người cục mịch thô lỗ. Một người nói năng thanh thoát, điệu đàng hấp dẫn. Còn người kia lời nói cụt ngủn, chẳng ai muốn nghe.

Ở lâu bên nhau, tôi thấy tôi đã nghĩ sai, hiểu lầm Sư Tâm Chiếu. Tôi nhớ lại lời khuyên: “Đừng xem mặt mà đoán lòng người”.

Một hôm hai nhà sư tranh luận về cái Tâm trong Phật pháp. Sư Tâm Chiếu tỏ ra hoạt bát khác hẳn những lúc thường ngày. Sư không thua, không nhường Sư Thiện Chiếu một điểm nào, lắm lúc còn dồn Sư kia vào ngõ bí làm Thiện Chiếu phải dùng lời ngụy biện, cải bướng.

Sư Tâm Chiếu giỏi thuật xem chỉ tay đoán việc. Sư Thiện Chiếu bĩu môi, cho đó là trò mê tín dị đoạn. Một hôm Sư Tâm Chiếu xem chỉ tay tôi rồi nói: “Anh nghĩ anh bị tù nặng, nhưng không nặng chi lắm đâu. Anh đừng sợ, tù 5 năm là cùng”. Sư nói tôi nhẹ án nhờ “âm phước của ông bà”. “Mồ mã ông bà anh nằm kế bên một cảnh chùa. Chùa có cái giếng với mạch nước ngầm rất tốt chảy vào mồ ông bà anh. Chùa đó thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Đời anh nhờ Phật Bà phù hộ nên nhiều lần gặp nguy tưởng chết đến nơi mà rồi lại thoát”.

Ra Tòa án binh, tôi lãnh 5 năm tù cọng thêm 10 năm biệt xứ tại Côn Đảo. Nhưng Sư đã tiên đoán rằng tôi chỉ phải thọ án lâu lắm là 5 năm.
Ban đầu tôi cho lời Sư nói chỉ nhằm nâng đỡ tinh thần cho tôi khỏi tuyệt vọng. Nhưng qua thời gian, tất cả điều tiên tri của Sư về đời tôi đều đúng.

Sau 1975, tôi về viếng lạy mồ mã ông bà. Vào thăm cảnh chùa, thấy đúng là chùa thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Năm 1983, nhà nước cộng sản ra lệnh dân chúng đào mồ cuốc mã ông bà cha mẹ trong khu đó mang đi. Vợ tôi để ý thì thấy dòng nước trong chảy qua áo quan ông bà. Vì có không khí nên nước mới chảy mạnh làm xương cốt ông bà sạch trắng. Như vậy là đúng như Sư Tâm Chiếu nói từ mấy chục năm về trước.

4. NGUYỄN THANH THU (1934 – …)

Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Dạy hội họa tại Sai gon rồi gia nhập quân đội. Cấp bậc sau cùng là Thiếu Tá.

Được xếp vào nhóm điêu khắc gia hàng đầu của miền Nam với rất nhiều tác phẩm giá trị ca ngợi người lính Việt Nam Cọng Hòa như Tượng An Dương Vương đặt tại ngã sáu Chợ Lớn là Ông Tổ của ngành công binh, Tượng Ngày Về diễn tả niềm hân hoan của anh chiến sĩ trong phút giây đoàn tụ đoạt giải nhất Văn Học Nghệ Thuật 1963 và được tiếp kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Với những thành quả rực rỡ đó, năm 1966 Tổng Thống Thiệu (đang là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia) đề cử Ông lãnh nhiệm vụ xây dựng Tượng Thương Tiếc.

Vị Nguyên Thủ quốc gia nói: Những chiến sĩ Việt Nam Cọng Hòa đã vì lý tưởng tự do hy sinh đời mình thì những người ở hậu phương như “chúng ta” phải làm một cái gì để nhớ đến sự hy sinh cao cả đó cho xứng đáng.

Rồi Tổng Thống thân tình nhắc nhở nhà họa sĩ: Anh cần chú ý đến ý nghĩa của nghĩa trang phải xoay quanh cục “nhưn” là bức tượng. Tôi đặt nhiều hy vọng vào Anh.

Để bắt tay vào việc lớn, và không phụ lòng tin cậy của Tổng Thống, Ông làm việc suốt ngày đêm, lặn lội nhiều nơi tìm nguồn cảm hứng cho bức tượng.

Một bữa nọ, khi vào quán nước gần nghĩa trang Hạnh Thông Tây, Ông tình cờ thấy anh Hạ Sĩ đang cầm ly bia, mắt nhìn về hướng cái ghế trước mặt tuy không ai ngồi, nhưng cũng có ly bia trên bàn, anh ta nói như giục giã:

– “Uống đi mày! Vô đi mày!”

Trước cảnh tượng kỳ lạ, Ông Thu thắc mắc rồi tìm cách lân la tới chuyện trò với người lính cho tỏ rõ sự tình. Được biết anh tên Võ Văn Hai, vừa trở về từ chiến trường. Anh đang mang nặng nỗi niềm u uẩn nhớ thương người bạn thân thiết nhất vừa bỏ mình ngoài trận tuyến. Trước đi đâu cũng bên nhau mà bây giờ anh đành lẻ loi cô quạnh.

Nét mặt đượm buồn cùng với tâm sự xót xa quặn lòng của anh lính Nhảy Dù đã khắc sâu vào tâm khảm nhà họa sĩ. Như một định mệnh, khi vào Dinh Độc Lập gặp Tổng Thống để trình bày mấy bản vẽ cho đồ án. Lúc đang đứng ngoài hành lang đợi chờ Tổng Thống bận tiếp khách, Ông vội vã lượm bao thuốc và phác họa ngay hình ảnh Hạ Sĩ Hai. Liền sau đó đệ trình lên Tổng Thống và được hoan hỉ chấp thuận. Sau khi cùng bàn bạc, Tổng Thống quyết định đặt cho cái tên là Thương Tiếc.

Nhờ ráo riết chạy đua với thời gian, Nguyễn Thanh Thu đã hoàn tất dự án một cách mỹ mãn, kịp thời cho lễ khánh thành Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa vào ngày 1/11/1966.

Tượng cao 4m, nếu tính luôn mô đất và cái bệ đá thì tượng đài cao khoảng 8m. Đó là hình ảnh người lính đang ngồi nghỉ chân sau cuộc hành quân gian lao vội trở về thăm mộ đồng đội. Quân phục ba lô còn vương vấn bụi đường. Súng gác trên đùi, lưỡi lê đeo ngang hông, quai nón thắt buông thỏng, cặp mắt đăm chiêu thẩn thờ nhìn về chốn xa xăm, tâm tư như đang sầu muộn nhớ thương người bạn mới hy sinh ngoài chiến địa.

Quá thành công vượt sự mong đợi. Nguyễn Thanh Thu đã lột tả hết nỗi niềm Thương Tiếc đồng đội từ người lính Cọng Hòa. Ông vinh dự nhận giải thưởng đặc biệt của Tổng Thống.

Rồi vận nước điêu linh, Ông cũng bị bắt đi tù. Nghe đồn về tài năng xuất chúng của người họa sĩ, bọn cai ngục yêu cầu Ông nặn tượng lãnh tụ. Tuy nhận lời nhưng Ông lại làm tượng Tổng Thống Thiệu. Việt cộng phát hiện rồi đánh đập tàn bạo khiến tai Ông hư hỏng nặng. Chịu biệt giam 22 tháng. Cuối cùng được thả về với di chứng Rối Loạn Căng Thẳng Sau Chấn Thương hay PTSD (Post Traumatic Stress Disorder).

Qua Mỹ theo diện HO. Sau 10 năm không có môi trường hành nghề điêu khắc, ông đành trở lại Việt Nam sống với vợ con. Cuộc đời cô độc. Ít giao du. Tháng ngày quanh quẩn sau mãnh vườn với nỗi buồn thấm thía khi nhìn lại những bức tượng của mình bị bỏ hoang phế lâu ngày, nằm khuất sâu trong lòng khóm trúc hay bụi chuối.

Hiện nay đã 90 tuổi. Tai hầu như không còn nghe được. Hay hoảng hốt và giao động tinh thần khi gặp người lạ do hậu chấn từ những trận đòn thù mấy chục năm trước.

Xin mời đọc bài thơ và nhạc phẩm về Tượng Thương Tiếc:

Bức Tượng Thương Tiếc Nghĩa Trang Quân Đội

(Thơ Trần Xuân Dũng)

Bất động ngồi trên xa lộ
Trầm tư súng đặt ngang đùi
Chiều buông, nắng ngang nửa mặt
Mắt nhìn, sao ánh không vui

Anh là ai hay là tượng
Về từ mọi ngã quê hương
Bình Giả, rừng cao su thẩm
Kontum, đất đỏ nhiều sương

Bóng anh dân đã từng gặp
Quanh khu rừng núi Bồng Sơn
Dường như chân đèo Phủ Cũ
Máu trên vai áo đã sờn

Quê em ngày còn thơ ấu
Rất nghèo, trên đất Gio Linh
Anh đã nhiều phen chiến đấu
Ra tử nhiều hơn vào sinh

Nhắc tới tên vùng Quảng Trị
Anh ngời ánh mắt hiển linh
Rồi Đông Hà, sông Thạch Hãn
Bâng khuâng như nhớ người tình

Anh là Thiên Thần Mũ Đỏ?
Ngực còn lấp lánh huy chương
Ôi chao! Em chưa nhìn rõ
Dường như máu rỉ bên sườn

Lãng đãng áo anh đổi sắc
Hoa rừng đã đổi màu đen
Huy hiệu trên vai nhòe biến
Mọi quân binh chủng thay phiên

Anh như Kình Ngư Ó Biển?
Cánh tay “Sát Cộng” ngang tàng
Anh là Thủy Quân Lục Chiến?
Mùa Hè Đỏ Lửa hiên ngang

Em muốn mời anh ly nước
Rót từ dừa xứ Tam Quan
Đôi môi anh sao mím chặt
Lạnh như đồng đúc khô khan

Đêm sâu em nghe rờn rợn
Mắt anh rực lá quốc kỳ
Hãnh diện đền ơn tổ quốc
Chiến trường nào anh ra đi?

Bài Hát Tiếc Thương
(Nhạc Anh Bằng – Thơ Cao Tần)

Không nhận ra người nữa, đầu người vỡ tan rồi
Toàn thân đầy vết đạn, ôi tượng hình tả tơi
Súng trận không còn đó, nón sắt vương nơi nào
Bệ ngồi trơ sương gió, người ơi người về đâu?

Tôi vịn vào pho tượng, tượng trách non sông mình
Rằng sao tàn lửa khói, hận thù vẫn sục sôi
Linh hồn tôi rơi lệ, chạnh nhớ xưa nơi này
Bao người vì quê hương, chết trong mộ tiếc thương

Viên đạn ai thù oán, bắn nát pho tượng này
Để giờ lật trang sử, run mười đầu ngón tay
Run mười đầu ngón tay, viên đạn ai thù oán
Bắn nát pho tượng này, để giờ lật trang sử
Run mười đầu ngón tay.

5. VÕ ĐẠI TÔN (1935 – …)

Sĩ Quan Cấp Tá Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa. Ngoài viết văn, Võ đại Tôn còn làm thơ với bút hiệu Hoàng Phong Linh. Xuất bản 11 tác phẩm. Ông cũng có năng khiếu về hội họa. Từng tặng Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu một số tranh bán đấu giá giúp gây quỹ cho các hoạt động về nhân quyền.

Năm 2003, Tổng Thống George Bush trao tặng Huân chương Quân Công Bội Tinh.

Ngay từ tháng 7/1975 đã sớm vượt biển qua Mã Lai. Nhờ thông thạo Anh Pháp ngữ và từng hành nghề tình báo, Ông được chính phủ nước này nhận vào làm việc trong Bộ Quốc Phòng với lương cao và phụ cấp đầy đủ.

Nhưng do khắc sâu giấc mộng tang bồng hồ thỉ, quyết chí làm tròn sứ mạng của người con trung hiếu với Tố Quốc, Ông đành giả từ xứ Mã để xếp hành trang sang Úc vào khoảng tháng 4/76. Từ đây dong ruổi dặm đường chinh nhân, Ông đi khắp nhiều nơi, vận động và cổ xuý cho phong trào phục quốc, quang phục quê hương như hằng tâm nguyện:

Dù là bụi, xin vuông tròn hạt bụi
Lăn theo đường Tổ Quốc của ta đi

* Phục Quốc: Đầu năm 1981, chấp nhận rời xa vợ đẹp con thơ, bắt đầu hành trình cứu nước, tìm đường xâm nhập quốc nội gầy dựng cơ sở kháng chiến.

Được Tướng Vang Pao, Lãnh Đạo Mặt Trận Phục Quốc Lào nhận làm em kết nghĩa và tận tình giúp đỡ. Ngài đã phái Đại Tá Khâm Sỹ tháp tùng Ông Tôn cùng 2 chiến hữu vào mật khu của Lực Lượng Kháng Chiến Lào Tự Do. Tại đây Ông đã tuyển chọn được một trung đội kháng chiến quân Lào nhằm đảm trách bảo vệ an ninh và hướng dẫn đường đi về vùng nội địa Việt Nam.
Chẳng may đại sự bất thành. Ông bị Lào Cộng bắt khi đã gần tới biên giới hai nước. Sau đó chúng giải giao cho Hà Nội.

* Họp báo lịch sử: nhằm tạo dựng cơ hội tuyên truyền, bạo quyền cộng sản ráo riết sửa soạn bài bản, ngày đêm bắt Ông tập dượt “những lời thú tội” để trình bày tại cuộc họp báo 13/7/82, với sự tham dự của 200 ký giả trong ngoài nước và được truyền thanh truyền hình. Thấy “tên phản động” tỏ vẻ ăn năn hối cải, chúng tin chắc lần này sẽ đưa Ông vào rọ, để cho thế giới tai nghe mắt thấy bọn ngoan cố vẫn qủy quyệt âm mưu cấu kết với bè lũ đế quốc chống phá cách mạng.

Thế nhưng Võ đại Tôn đã làm được kỳ tích “đánh lừa” độc nhất vô nhị. Trước đông đảo cử tọa, Ông hiên ngang bày tỏ thái độ bất khuất, tố cáo tội ác dã man của đám công an cai tù, rồi dõng dạc tuyên bố:

– “Tôi, Võ đại Tôn, Chỉ Huy Trưởng Chí Nguyện Đoàn Phục Quốc. Tôi xác nhận hoàn toàn chịu trách nhiệm về dự mưu xâm nhập Việt Nam… Tôi mong các nhà báo vì lương tâm chức nghiệp của người cầm bút, xin hãy tường thuật trung thực những lời tôi nói.

“Chúng tôi về đây là để đấu tranh chống lại chế độ độc tài cộng sản.
“Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã ủng hộ giúp đỡ tôi.
“Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị, quyết tâm dành lại tự do cho đồng bào và giải phóng dân tộc.
“Tôi sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào mà chính quyền cộng sản dành cho tôi.

Nói ngang đến đó, toàn hội trường bị cúp điện, cuộc hội thảo bị hủy bỏ ngay lập tức. Bọn công an vô cùng tức giận, hò hét người lôi kẻ kéo, tranh nhau đấm đá xô đẩy Ông vào hậu trường rồi liên tục bị tra tấn biệt giam hơn 10 năm tại trại tù Thanh Liệt.

Cũng may là đoạn phim ngắn ngủi này đã được các nhà báo quốc tế chuyển ra nước ngoài và phát tán khắp nơi, gây chấn động dư luận thế giới. Cộng sản Hà Nội chịu một phen bẽ mặt ê chề, từ đó không bao giờ dám cho tù nhân họp báo nữa.

Mãi đến năm 1991, sau những nỗ lực can thiệp của chính phủ Úc và nhiều nước khác, Ông mới được trả tự do.

Hiện nay tuy tuổi già sức yếu, Ông vẫn còn đi nhiều nơi để vận động cho một nước Việt Nam tự do – dân chủ – nhân quyền.

* Người thương kẻ ghét: Trong suốt cuộc đời trần ai gió bụi, Võ đại Tôn được nhiều người ái mộ mến thương, nhưng cũng không tránh khỏi những lời chê trách thị phi. Âu đó cũng là chuyện nhân tình thế thái.

¤. Những người ít thiện cảm:
+ Bị gièm pha ngay từ lúc chưa lên đường phục quốc. Họ cho Ông huyễn hoặc háo danh, ảo tưởng, điên khùng, thiếu trách nhiệm với vợ con. Hơn thế nữa, Ông chỉ làm trò bịp bợm, rồi gán cho cái biệt danh: Võ đại Bịp

+ Năm 1960, Ông là Trưởng Ban 5 Trại Biệt kích Long Thành. Nói giỏi cả Anh Pháp ngữ nên không cần thông ngôn. Vậy mà một số người phao tin Ông chỉ là hạ sĩ quan thông dịch viên.

+ Có kẻ ngụy tạo điện thư loan truyền trên mạng: Ông Tôn đang sống an nhàn tại Úc, bỏ quên đồng đội đã anh dũng hy sinh cũng như các chiến hữu còn kẹt lại trong nước.

Trước những chiêu trò xuyên tạc mạ lỵ hay đặt điều bôi xấu đó, Ông chẳng hề bận lòng. Lúc nào cũng tâm niệm: Hãy thương yêu những kẻ đã đối xử đẹp với ta và hãy cầu trời tha thứ cho ai đã cư xử tệ với ta.

Trả lời nhà báo Hữu Nguyên vào dịp kỷ niệm 40 năm Quốc Hận, Ông nói rằng: “Đức Chúa Giê-su và Đức Phật chỉ đi rao giảng truyền bá Đạo Sống Từ Bi Bác Ái cho chúng sinh mà Quý Ngài còn bị đóng đinh trên thập tự giá hay ném đá vào gốc bồ đề thì huống gì bản thân tôi chỉ là hạt cát bé nhỏ và còn nhiều khiếm khuyết, làm sao tránh khỏi những ngang trái oan khiên”.

Ông chấp nhận tất cả, không một chút buồn phiền. Bởi vì Ông hiểu thấu lời dạy của người xưa:

Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống, xương sườn phơi ra.

Thôi thì học theo ngạn ngữ của người Tây Phương: Dog bark, We go !

Trong bài thơ Tiếng Chim Bên Dòng Thác Champy, Ông đã tâm tình với
Vũ Hoài, chiến hữu đã hy sinh tại Hạ Lào:

Anh không sợ kẻ thù trước mặt
Mà ngại tình chiến hữu sau lưng
Anh nhìn ngọn tre cao vút giữa rừng
Như ngọn dáo lén đâm vào chiến sĩ
Ngọn dáo của lòng ganh tỵ
Ai người vong bản bon chen ?
Ngọn dáo của kẻ ương hèn
Vội quên mối thù vong quốc
Đường ta đi đã lên đèo xuống dốc
Hành trang nghèo mà nặng gánh Cô Đơn…
(Bài thơ này được hai nhạc sĩ Song Ngọc và Trần Chí Phúc soạn thành hai bản trường ca khác nhau)

¤. Những người ái mộ:
+ Cuối năm 1991, Võ đại Tôn được trả tự do. Trong đoàn người đông đảo đón đợi tại phi trường Sydney, khi thấy Ông bước ra, một phụ nữ không cầm được nước mắt đã la toáng lên: “Trời ơi ! Sao mà ốm quá Ông Tôn ơi!”. Sau 10 năm đoạ đày, thân thể Ông tiều tụy, tay chân ốm tong ốm teo muốn nhìn không ra. Trông thật là thê thảm!

+ Một sáng mùa hè nắng ấm, có cụ bà dắt cháu ngoại lang thang quanh khu shop đông đúc khách vãng lai. Chợt xa xa thoáng hiện cặp vợ chồng rảo bước tới gần. Ai trông như ÔngTôn. Không ngại chốn đông người, bà cất giọng oang oang:
“Kính chào Bác Võ đại Tôn. Nghe danh Bác từ lâu nay mới được gặp mặt. Mừng Bác còn mạnh khỏe. Trong vùng này có Bác là một trong những người tôi hằng quý mến khâm phục, vì Bác biết trọng danh dự, dám nói dám làm, dám xả thân cho đại cuộc”.

Cả Ông Bà Tôn đều trố mắt ngạc nhiên. Cảm ơn rối rít. Còn gì vui hơn khi được người chưa từng quen biết trân trọng chào đón mình với những lời lẽ chân thành.

+ Là nhân sĩ trong cộng đồng, Ông Tôn hay được mời phát biểu tại nhiều lễ hội. Khi thì tiếng Việt, lúc bằng Anh ngữ vì nhiều vị khách không phải là đồng hương Việt Nam. Ông biết rộng hiểu nhiều, ứng khẩu mạch lạc lưu loát. Nhiều người nhiệt liệt ngợi khen Ông có tài hùng biện.

+ Sau thời gian ngắn ra khỏi tù, Ông vội vã lên đường sang Hoa Kỳ tiếp lửa đấu tranh. Gặp lại Tướng Vang Pao và hàng ngàn dân tị nạn H’mong. Biết Ông là em kết nghĩa phục quốc của Vị anh hùng Lào, ai ai cũng hân hoan chào đón, tay bắt mắt mừng người bạn Việt Nam thân thương.

+ Năm 1993, nhân dịp sang Nga cùng các tổ chức nhân quyền Liên Âu. Ký giả Palov bất ngờ tái ngộ người tù năm xưa. Quá xúc động, anh ôm mặt nghẹn ngào nức nở rồi kể lại câu chuyện cũ:

Tôi có thấy Ông trong buổi họp báo nằm 82. Ngay sau khi Ông phát biểu những lời lẽ chống chế độ, cả hội trường bị giải tán. Tiếp theo đó, chính quyền cộng sản liền họp kín với sự tham dự của đại diện ngoại giao Liên Sô. Hầu như ai cũng biểu quyết đưa Ông ra xử bắn, nhưng Đại sứ nước tôi lại đề nghị tiếp tục giam giữ để khai thác. Nhờ vậy mà Ông thoát chết.

+ Nhiều bậc thức giả không ngần ngại gọi Võ đại Tôn là anh hùng. Trong đó có các thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Cao Tiêu, nhà văn Xuân Vũ, hai nhà báo Giao Chỉ, Nguyễn Đạt Thịnh…
Hai ký giả Palov và Watanabe của đài truyền hình Nhật cũng rất tán đồng với danh xưng này.

Mặc dù hết lòng tri ân những tình cảm quý giá đó. Nhưng tác giả vẫn không dám nhận vì cảm thấy mình chưa làm được gì ích lợi cho Tổ Quốc.

* Nước Trôi Mồ Mẹ: Võ đại Tôn làm thơ và viết văn về nhiều đề tài. Ông không quên bày tỏ nỗi lòng yêu thương Mẹ thiết tha.

Năm 1947, lúc 43 tuổi, Bà Cụ lâm trọng bệnh. Phải nhờ hai cậu em chồng cùng lặn lội đi đường bộ từ quê Điện Bàn ra Đà Nẵng tìm thầy cứu chữa. Lộ trình vô cùng hiểm trở gian nan, nhiều đoạn không có một bóng người nhưng vẫn cứ liều tiến bước. Chưa tới nơi thì cả ba bị Việt Minh bắt bớ tra khảo rồi đem chôn sống cùng lời kết tội “liên lạc với Tây”, mãi hơn mười năm sau mới tìm được xác.

Năm 1972, nhân chuyến công tác từ Saigon ra Quảng Nam, gặp ngày mưa gió bão bùng. Đứng bên ni bờ sông Thu Bồn thấy nước lụt dâng lên ngập cả làng Kim Bồng (quê hương Ông) bên kia sông, tưởng chừng nước cuốn trôi luôn mồ Mẹ, khiến Ông xúc động làm bài thơ được Nguyệt Ánh phổ thành ca khúc cùng tên: Nước Trôi Mồ Mẹ

Con quỳ bên ni dòng sông
Bên tê mồ Mẹ
Trời ơi, nước ngập tràn đồng
Từng khúc xương trôi đau lòng con trẻ
Con mang trong người thịt xương của Mẹ
Chừ trông nước lụt dâng về
Con còn bên ni, Mẹ mất bên tê
Sóng bao la vỗ, bốn bề Mẹ mô?
Ngày xưa Mẹ chết, con khóc mắt khô
Chừ xương Mẹ trôi, hồn con nước lụt…
Con quỳ bên ni, linh hồn tê buốt
Mần răng mà về bên tê chừ, Mẹ ơi!
Quê hương nước ngập tận trời
Hồn con khóc suốt một đời không nguôi!

Phạm Văn Duyệt
Ngày 11/8/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*