Buổi sáng thức dậy đọc lời nhắn trên điện thoại: “Nguyễn Chí Linh lớp Tôma vừa qua đời!” Anh bạn cùng lớp ở Houston báo tin. Tôi không biết đã có bao nhiêu người qua đời trong số những người bạn cùng lớp, nhưng tin Linh qua đời không làm mình bàng hoàng ngỡ ngàng. Có thể vì năm nay tôi đã nghe tin nhiều người quen lần lượt chia tay cõi đời nên chẳng còn băn khoăn xao xuyến. Cũng có thể đến một thời điểm nào trong đời sống, ta bỗng nhận thức được mình không có lựa chọn nào hơn là chấp nhận, nhất là sự chết.
Chúng tôi là những chú đệ tử của tu viện Châu Sơn, Đơn Dương, Tuyên Đức, tỉnh Đà Lạt từ những năm cuối thập niên 1960 đến năm 1973. Thời chúng tôi nội trú, trường đệ tử có từ lớp 6 đến lớp 12, và mỗi lớp đều có một vị thánh quan thầy hay thánh bảo trợ (patron saint) vì thế ai học lớp nào thì được mang căn cước của lớp mình, chính là tên thánh quan thầy của lớp. Linh bỏ tu viện về từ năm lớp 9 hay lớp 10, còn tôi vẫn ở lại cho đến năm cuối trung học. Từ ngày Linh từ giã Châu Sơn, tôi chưa hề gặp lại bạn mình. Trong trí nhớ đang tàn phai, tôi không còn chút hình ảnh gì về dáng vóc của Linh. Tôi nhìn tấm di ảnh của Linh trên thiệp báo tin buồn nhiều lần mà vẫn không nhận ra nét gì quen thuộc. Nếu gặp lại nhau ở ngoài đường, không cách nào tôi nhận ra Linh và chắc Linh cũng chẳng thể nhận ra tôi. Những chú đệ tử thời niên thiếu ấy nay đã thành những lão ông, da mặt-da cổ đã nhăn lại và tóc đã sang đổi màu sương khói.
Dù không nhớ được diện mạo bạn mình ra sao, nhưng khi nghe ai nhắc tên các bạn cùng lớp, những kỷ niệm còn sót lại về từng người vẫn hiện lên trong hồi ức mình. Nhắc đến Nguyễn Chí Linh là tôi nghĩ ngay đến ca khúc Linh hát ở những buổi văn nghệ của trường đệ tử. Bài hát Linh để lại dấu ấn cho nhiều người bạn cùng lớp là bài “Tha la Xóm Đạo”. Tôi không nhớ Linh đã hát bài Tha la Xóm đạo bao nhiều lần, nhưng lúc anh bạn Đức Minh nói chuyện với tôi qua điện thoại, cả hai chúng tôi đều nhắc về kỷ niệm này như một dấu ấn mà Nguyễn Chí Linh đã để lại trong ký ức nhiều bạn cùng lớp. Có lẽ vì Linh đã hát một cách tự tin và thuộc lòng ca từ, và giọng ca của Linh phải có gì quyễn rũ lắm nên cả tôi và Đức Minh đều nhớ. Chẳng hiểu sao Linh đã không trở thành ca sĩ. Bản thân tôi rất thích hát, nhưng cả đời không thuộc lời bài hát nào, ngay cả những ca khúc mình sáng tác.
Tuyến đường từ nhà tôi đến ngôi giáo đường của giáo xứ Đức Mẹ La Vang ở Houston dài gần 246 dặm Anh hay 396 cây số. Thời gian di chuyển bằng ô-tô mất khoảng 3 tiếng rưỡi nếu giao thông xuôi chảy. Thánh lễ tiễn đưa Linh bắt đầu 8 giờ 30 sáng nên chúng tôi phải rời nhà đúng 4:00 giờ sáng cho kịp. Thứ Bảy đường xá không bận rộn vào buổi sáng như các ngày khác trong tuần. Tôi có thói quen dậy sớm nên nhận lái xe chuyến đi và Uyên-Sa sẽ lái chuyên về nhà buổi chiều.
Trên đường đi Uyên-Sa hỏi tôi về Nguyễn Chí Linh, tôi bảo: “Anh chỉ nhớ Linh hay hát bài Tha La Xóm Đạo trong các buổi văn nghệ ở trường đệ tử Châu Sơn ngày xưa.” Uyên-Sa nhanh nhẹn google bài hát và tìm ra ngay hai phiên bản trên Youtupe.
“Có hai danh ca hát bài này, Hoàng Oanh và Phương Dung, anh muốn nghe ai?” Nàng hỏi.
“Cho anh nghe cả hai.” Tôi trả lời.
“Nghe Hoàng Oanh trước nhá.”
“Okay.”
Giòng nhạc Bolero nhịp nhàng đã đi vào trái tim Việt Nam mấy chục năm qua, phụ hoạ cho giọng ca quen thuộc tỉ tê-kể lể của Hoàng Oanh và tiếng hát nhẹ nhàng-sâu lắng của Phương Dung rót vào tai mình như chợt khơi dậy một trời dĩ vãng thời niên thiếu ở tu viện Châu Sơn.
Đây suối rừng xanh đùn quanh
Đầy mây trắng nghìn hoa với cây lành
Còn gì viễn khách về đây chi hỡi người
Đất Việt giặc tràn lan…
…………
Lòng người viễn khách
bỗng dưng tê tái lạnh
với rừng già mong manh
Đám mây tan phủ quanh
trời tối về bàng hoàng…
(Thơ: Vũ Anh Khanh – Nhạc: Dzũng Chinh)
Tiếng hát Hoàng Oanh và Phương Dung êm đềm như hai dòng sông chuyên chở phù sa của kỷ niệm mênh mang lấp đầy cánh đồng dĩ vãng của một thời niên thiếu. Điệu nhạc và lời ca bài hát “Tha La Xóm Đạo” khiến tôi nghĩ về Linh và hình ảnh các chú bé mười hai mười ba, tâm hồn như những tờ giấy mới. Mình nhớ về những giờ kinh nguyện, nhớ tiếng chuông đổ hồi mỗi sáng tinh sương đánh thức những chú bé còn ngái ngủ, không muốn thò đâu ra khỏi chăn vì khí trời rất lạnh ở giữa khu rừng tịch mịch phủ đầy sương trắng ban mai.
Bạn tôi sang Hoa Kỳ định cư từ khi nào không ai biết. Một vài anh bạn Châu Sơn ở Houston biết là Nguyễn Chí Linh ở chung với gia đình người em, nhưng Linh không liên lạc và không tham gia vào những buổi anh em Châu Sơn họp mặt nên chẳng ai biết thêm chi tiết gì về đời sống của Linh. Có vài bạn Châu Sơn ở Houston đi lễ ở nhà thờ Đức Mẹ La Vang nơi Linh và gia đình các em cũng đi lễ, nhưng chả biết vì lý do nào đã khiến Linh không còn tha thiết nối lại liên hệ với anh em Châu Sơn. Tang lễ của Linh chỉ có ba vợ chồng anh em cựu đệ tử Châu Sơn tham dự: Thành-Đức, Đức-Minh và Trần-Thành dù ở Texas có ít nhất là 10 anh em.
Nhờ đi dự tang lễ của Nguyễn Chí Linh tôi gặp được hai người em của Nguyễn Thế Hùng cũng là cựu đệ tử Châu Sơn hiện ở Việt Nam. Gia đình Hùng là ân nhân của tôi. Lúc Đức Minh báo tin Linh đã ra đi, Minh cho tôi biết là em trai của Linh là chồng của Ng., em gái của Nguyễn Thế Hùng. Tôi bảo Minh thế nào tôi cũng phải gặp cho được em gái của Thế Hùng trong buổi tang lễ. Gia đình Hùng có đông anh chị em, nhưng tôi chỉ còn nhớ 2 người em gái kế Hùng. Tôi đã kể cơ duyên đưa tôi gặp gia đình Hùng trên đường di tản năm 1975 trong nhật ký tôi viết theo thể thơ lục bát có tựa đề: “Đường Biệt Xứ”. Tôi nhắc lại đoạn thời gian tôi ở trọ nhà Hùng ở Đá Bạc, Cam Ranh vào cuối tháng Ba, 1975, rồi cùng đi với gia đình Hùng vào trại tỵ nạn Rạch Dừa, Vũng Tàu trước khi tôi lên đường vĩnh biệt quê nhà.
Sau khi quan tài Linh đã được thả xuống lòng huyệt và nhân công nghĩa địa đã lấp đất đầy huyệt mộ, Đức Minh đưa tôi đến giới thiệu tôi cho cô em của Thế Hùng. Vài phút sau người em Trai của Thế Hùng tên Ph. cũng tham dự tang lễ chạy lại bên Ng. và tôi. Hai em này năm 1975 còn quá bé nên chúng tôi không nhớ gì về nhau. Vả lại gia đình Hùng cũng như mấy chục triệu gia đình dân miền Nam thời ấy đã trải qua cuộc đồi đời cực kỳ bi đát nên có lẽ hai em đã chôn vùi những kỷ niệm bi thương vào sâu trong tiềm thức và đã gạn lọc những điều không đáng nhớ khỏi tâm hồn mình.
Mỗi lần về Việt Nam tôi đều tìm gặp Hùng, nhưng Hùng không nhắc đến gia đình ở Hoa Kỳ nên tôi không biết gì về bố mẹ cà các em của Hùng ở Hoa Kỳ. Mấy chục năm trước tôi đã nhận được tin bố mẹ Hùng sang Mỹ định cư theo chương trình HO, nhưng có lẽ lúc ấy tôi đang bận rộn với công việc và gia đình rồi lại di cư nhiều lần nên không bắt được liên lạc với bố mẹ Hùng dù trong tim tôi không bao giờ quên ơn ông bà. Gia đình Hùng đã cho tôi và anh bạn Châu Sơn tá túc lúc quê hương đang rơi vào cơn lốc lịch sử đầy nhiễu nhương.
Gặp được hai em của Hùng trong tang lễ tiễn biệt Nguyễn Chí Linh đã khơi lại trong tôi một khúc đời đấy ắp kỷ niệm bi tráng từ chuyến di tản với các nữ tu Mến Thánh Giá ở 9 B Bà Triệu, Đà Lạt ra tu viện Mỹ Ca ngoài bán đảo Cam Ranh, và những ngày tìm đến ở trọ nhà Hùng, đi bán nước đá, bán mía cây cho đồng bào tỵ nạn vào từ miền Trung để kiếm tiền. Tôi đã trở lại thăm ngôi giáo đường gần nhà Hùng nơi mình đã vào trốn nắng những buổi trưa oi bức, nhưng không tìm ra được căn nhà của bố mẹ Hùng.
Anh bạn Châu Sơn của tôi ra đi rất thảnh thơi, nhẹ nhàng như trẻ thơ vừa được mẹ dỗ vào giấc ngủ. Đến phiên tôi từ giã kiếp người, tôi cũng chỉ mong được lên đường như bạn thôi. Bạn ra đi không vướng mắc vợ con vì cả đời đã sống độc thân. Lúc bạn còn sống hẳn có người đã hỏi tại sao không lấy vợ? Có lẽ bạn đã trả lời: “Tạo sao phải lấy vợ?” Nếu bạn còn nghe được tôi, tôi sẽ bảo: “Chúc mừng mày đã sống trọn kiếp người và đã ra đi thanh thản bình an”. Gửi bạn hai câu thơ của tôi trích từ bài “Trăng và Tôi”, nhạc sĩ Thiện Lý phổ thành ca khúc và Diệu Hiền thu âm.
Khi tôi đi vào nơi bao la
Trong nấm mộ rất gần nhưng xa
Trần Thu Miên
tranthumien@yahoo.com
Be the first to comment