Tình Thầy Trò

Trong cuộc sống, có những mối quan hệ tình cảm đặc biệt đáng trân trọng, một trong những mối quan hệ đó là tình thầy trò. Ai cũng đã trải qua và nuối tiếc thời học sinh. Tình thầy trò không chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ở trường lớp mà có thể kéo dài suốt đời. Người thầy hoặc cô giáo có thể ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của học trò, định hình tương lai và giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Con trai tôi sinh ra và đi học ở Canada, nhưng cũng rất quý cô giáo, nghe lời cô giáo răm rắp. Nhiều cháu bé đã nói lớn lên sẽ cưới cô giáo làm vợ! Thế nên hôm nay đẹp trời, mời bạn cùng tôi trở về tuổi Hoa, tuổi Ngọc, tuổi Thần Tiên ấy nhé.

Đầu tiên, mời bạn tìm trong kho tàng ca dao Việt Nam. Đã có khá nhiều câu nhắc tới tình thầy trò, chứng minh lòng biết ơn và sự tôn trọng đối với mối quan hệ thầy trò. Có lẽ chúng ta ai cũng từng nghe qua các câu:

  • Tiên học lễ, hậu học văn.
  • Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
  • Công cha, áo mẹ, chữ thầy, Gắng công mà học có ngày thành danh.
  • Muốn sang thì bắt cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
  • Không thầy đố mày làm nên.
  • Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
  • Mồng 1 tết cha, mồng ba tết thầy.
  • Trọng thầy mới được làm thầy….

Về nhạc thì sáng tác cho học sinh, cho trường lớp và tình thầy trò thì có rất nhiều, không kể hết. Nổi tiếng có bài “Hè Về” của tác giả Hùng Lân, mà thời học sinh có lẽ ai cũng được thầy cô dạy cho hát:
Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song… Cành mềm mềm, gió ru êm, lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên…

Trong bài Phượng Buồn, tác giả Thanh Sơn & Song Ngọc đã da diết:
Mỗi năm một lần hoa phượng rơi, thôi nhé bạn ơi xa biệt rồi….”

Trong bài Hạ Hồng của Phạm Duy, ông đã diễn tả:
Mùa hè đi qua như làn gió. Mùa hè trong ta đã đỏ hoe. Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy

Trong bài Nỗi Buồn Hoa Phượng:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương….
Thanh Sơn và Lê Dinh đã làm tình bạn, tình yêu thương trường lớp được nâng cao hơn ca.

Trong bài “Đưa Em Vào Hạ” Trầm Tử Thiêng đã nỉ non:
Mùa Hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày. Qua miền xa mà nghe rừng thiêng gọi lá“.

Tuổi học sinh thì luôn gắn liền với hoa Phượng, nên đã có các nhạc phẩm “Tôi Với Phượng Buồn” của nhạc sĩ Thanh Sơn:
Như giấc mơ chợt về gọi nỗi nhớ. Tìm thấy đâu hoa phượng đỏ ngây thơ“.

Nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ thơ Nhất Tuấn để có bài “Hoa học trò” thật nên thơ. Tuổi thơ qua đi nhưng kỷ niệm cũ không bao giờ phai nhạt:
Bây giờ còn nhớ hay không? Ngày xưa hè đến, phượng hồng nở hoa. Ngây thơ anh rủ em ra. Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung“…

Trịnh Công Sơn cũng có một số ca khúc nhắc tới hoa phượng:
Em đi về cầu mưa ướt áo, đường phượng bay mù không lối vào…

Nhạc phẩm “Phượng yêu” của Phạm Duy thì diễn tả:
Yêu người, yêu Phượng, Yêu hoa đầu mùa, Yêu màu rực rỡ, yêu em mù loà…

Bài “Khúc ca mùa hè” của nhạc sĩ Canh Thân cũng rất nổi tiếng:
Khúc ca mùa hè. Lắng trong chiều về. Vang trong đêm êm đềm thánh thót. Ngân nga tiếng ai ca. Khúc ca mùa hè….

Trong nhạc phẩm “Ngày tạm biệt” của nhạc sĩ Lam Phương, ông cũng đã nhắc nhớ:
Nhớ hàng phượng thắm ven đường, mỗi lúc chiều buông. Tan tác rơi cài lên mái tóc xanh“.

Nhiều lắm và nhiều lắm, càng già nghe lại càng thấm thía.

Trong lịch sử VN, đã có nhân vật rất nổi tiếng là Chu Văn An. Ông không chỉ là một thầy giáo, thầy thuốc bình thường mà còn là một người cha đáng kính, đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước vào thời đó. Học trò của Chu Văn An nhiều người đã trở thành những vị quan to, ai cũng kính nể mang ơn thầy. Tên Chu Văn An được đặt cho một số trường học.

Trên thế giới, có nhiều thầy trò nổi tiếng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử và mang lại những thành tựu đáng ghi nhớ. Chẳng hạn Socrates và Plato. Socrates là nhà triết học Hy Lạp cổ đại, đã truyền đạt triết lý của mình cho học trò là Plato. Plato sau đó trở thành một trong những triết gia lớn nhất của thế giới, sáng lập trường Athens và viết nên các tác phẩm triết học vĩ đại.

Kế tới là Leonardo da Vinci và Francesco Melzi. Leonardo là một trong những nhà nghiên cứu đa tài và họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử, đã có một mối quan hệ đặc biệt với học trò của mình là Francesco Melzi. Francesco không chỉ là học trò mà còn là người đồng nghiệp và người thừa kế tài sản cũng như nắm rõ các bí mật của Leonardo sau khi ông qua đời.

Hai người khác đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của vật lý hạt nhân và lý thuyết tương đối là Albert Einstein và Niels Bohr. Albert đã có những cuộc tranh luận nổi tiếng với Niels Bohr – học trò của mình.

Mahatma Gandhi, người lãnh đạo phong trào đấu tranh cho Ấn Độ, đã có một mối quan hệ thầy trò đặc biệt với Jawaharlal Nehru, Nehru đã trở thành Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, nhờ theo đuổi tư tưởng bất bạo động và phát triển ý tưởng của thầy là Gandhi.

Những cặp thầy trò nổi tiếng này chỉ là một phần nhỏ trong danh sách rất dài trên thế giới. Họ đã ghi dấu ấn không chỉ trong cuộc sống của nhau mà còn trong lịch sử nhân loại, làm thay đổi thế giới và truyền cảm hứng cho hàng triệu người sau này.

Riêng vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trở thành một trong những người quyền lực đáng chú ý trên thế giới. Bà Brigitte Macron, vợ ông – chính là cô giáo dạy ông thời trung học. Bà đã giúp ông trong việc phát triển sự nghiệp cũng như đồng hành cùng ông trong cuộc sống và sự nghiệp chính trị. Sự chênh lệch tuổi tác giữa ông Emmanuel và bà Brigitte đã là đề tài bàn tán cho công chúng. Bà lớn hơn ông 24 tuổi, tình yêu của họ đã chứng minh sự vượt qua trở ngại tuổi tác và qui luật xã hội. Bà Brigitte Macron được nhận xét là một người phụ nữ mạnh mẽ, thông minh, tham gia nhiều hoạt động từ thiện và những vấn đề xã hội quan trọng.

Quý vị đã đọc qua chuyện Vòng Tay Học Trò chưa? Cuốn tiểu thuyết này do nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng xuất bản tại Sài-Gòn vào năm 1964. Tác phẩm được chia thành 11 chương, kể về mối tình giữa cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm với cậu học trò Nguyễn Duy Minh. Bối cảnh chính là phố núi Đà Lạt mùa Giáng Sinh và biển Nha Trang. Cô giáo Trâm là nhân vật xuất thân tại Huế – nơi rất cổ kính mà người xưa đã nghiêm khắc với phái nữ và tôn trọng lễ giáo vào bậc nhất.

Tác phẩm Vòng Tay Học Trò đã có một tiếng vang lớn trong giới văn nghệ miền Nam thời đó. Câu chuyện tình yêu “trái luân lý” giữa học trò và cô giáo đã trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời bấy giờ. Bạn nghĩ sao, cô giáo yêu nam sinh nhỏ tuổi thì cũng hơi kỳ, chứ thầy yêu nữ sinh thì OK chứ nhỉ. Cùng lắm thì ráng chờ ra trường cưới nhau thì đâu có ai nói gì được.

Trong văn chương thế giới, cũng có nhiều tiểu thuyết nổi tiếng đã viết mối quan hệ đặc biệt giữa người thầy và học trò. Thí dụ cuốn “Dead Poets Society” của N.H. Kleinbaum đã được làm thành bộ phim cùng tên nổi tiếng. Câu chuyện kể về một thầy giáo tên là John Keating, người đã truyền cảm hứng và thay đổi cuộc sống của các học sinh qua việc khuyến khích học sinh khám phá niềm đam mê và tự do trong cuộc sống. Rất nhiều trường lớp đã chiếu cho học sinh xem cuốn phim này.

Nổi tiếng cũng có cuốn tiểu thuyết của Muriel Spark với tựa đề “The Prime of Miss Jean Brodie” viết về một giáo viên đầy cá tính và có ảnh hưởng với nhóm học sinh của bà.

Cuốn “Goodbye, Mr. Chips” cũng thế. Tác giả James Hilton đã kể về cuộc đời của Mr. Chipping, một thầy giáo trung học tại Anh rất có ảnh hưởng với học sinh.

The Miracle Worker” là vở kịch của William Gibson dựa trên câu chuyện có thật về Anne Sullivan và Helen Keller. Anne là người giáo viên mù đã truyền đạt kiến thức đặc biệt cho Helen, một cô bé khiếm thị và điếc, mở ra một thế giới mới cho cô.

Trong chuyện chuởng thì sư phụ đóng vai trò rất quan trọng. Sư phụ phải kén đệ tử, không phải ai cũng truyền võ công cho. Người phải nói tới là Diệt Tuyệt sư thái, được cho là người sư phụ tàn nhẫn nhất chốn võ lâm. Bà sẵn sàng giết chết đệ tử chỉ vì không làm theo ý mình. Còn đối với Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt sư thái bắt nàng phải thề độc không được lấy Trương Vô Kỵ làm chồng.

Gian ác nhưng lúc nào cũng đóng vai cao cả, ngụy quân tử là Nhạc Bất Quần. Ông không chỉ là sư phụ mà còn như người cha nuôi Lệnh Hồ Xung. Sau khi lấy trộm Tịch Tà Kiếm Phổ, Nhạc Bất Quần đổ hết mọi tội lỗi lên đệ tử. Sau này, Nhạc Bất Quần không nhận Lệnh Hồ Xung là học trò nữa chỉ vì sợ đệ tử giỏi hơn mình. Con hơn cha nhà có phúc, học trò giỏi hơn thầy thì đáng được khen ngợi chứ sao lại ganh tị mà đì cho sói trán, đúng là Nhạc Bất Quần!

Đặc biệt là câu chuyện Dương Quá sau khi đi lạc vào Cổ Mộ, gặp được Tiểu Long Nữ và bái nàng làm sư phụ. Quá đã học được rất nhiều võ công và mối tình cô trò giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ bắt đầu từ đây. Họ chịu sự thị phi của giang hồ vì nó đi ngược lại đạo nghĩa sư đồ truyền thống. Tiểu Long Nữ lại lớn hơn Dương Quá tới 4 tuổi. Nhưng Dương Quá không “care“, ngày càng yêu Tiểu Long Nữ hơn và quyết lấy nàng làm vợ. Đây được kể là một tư tưởng rất mới của tác giả Kim Dung, vượt qua các định kiến thông thường, một “Vòng tay học trò” của giới võ lâm.

Bây giờ mời bạn rời chốn giang hồ mưa tanh gió lạnh, trở lại chuyện đời thường cũng đầy hỉ nộ ái ố không kém, Chắc bạn vẫn còn nhớ lại cách đây không lâu, vì quá nghèo đói, hình ảnh các học trò ở vùng quê Việt Nam phải dùng bao nylong để lội qua sông đi học đã làm nhiều người xúc động. Hoặc thời sau 1975, cô giáo phải bán bánh kẹo trong lớp cho học sinh để kiếm thêm tiền nuôi gia đình, thật là tội nghiệp.

Ngày nay một số các đại gia lại rất giàu, cho con học trường ngoại quốc, mỗi năm đóng học phí mấy chục ngàn đô Mỹ, mắc hơn học bên hải ngoại nhiều Một số nơi lại lòi ra là trường giả, không thật sự là chi nhánh của các trường bên ngoại quốc. Quả là ở VN và bên Tàu Cộng cái gì cũng có thể giả được.

Ngày nay, nhiều người đã nhận xét học sinh bây giờ với ngày xưa khác nhau xa lắc. Học trò bây giờ biết yêu sớm hơn, qua các trang mạng xã hội, các em bớt ngây thơ dễ thương, ngược lại bạo dạn nói về “chuyện ấy” nhiều hơn, hành xử ít lễ phép ngoan hiền hơn. Các em cũng dám nói, dám chia sẻ suy nghĩ, biểu lộ sự khó chịu, bất bình mạnh mẽ hơn, không cần tham khảo ý kiến người lớn, không sợ sệt như ngày xưa. Điều này cũng có những cái hay vì chúng ta phải chấp nhận để đi theo sự phát triển của xã hội. Nhưng để có nhiều thuận lợi và giảm bớt các hạn chế, thầy cô cần phải điều chỉnh cách nhìn, không áp đặt những điều lệ cũ lên xã hội hiện nay, nhưng cũng không thể vượt quá các tiêu chuẩn đạo đức, truyền thống căn bản. Không dễ để phân biệt và áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, nên giới làm công tác giáo dục cần phải cảnh giác và cố gắng rất nhiều.

Mặc dù có sự thay đổi trong môi trường và yêu cầu giáo dục, tình thầy trò vẫn là một mối quan hệ quan trọng và thiết yếu. Sự hỗ trợ, động viên và sự thấu hiểu từ phía thầy cô giúp học sinh phát triển tốt hơn và tự tin hơn trong việc đối mặt với thách thức của cuộc sống. Thầy cô giáo là người mang sứ mệnh giáo dục, lòng nhiệt huyết và trái tim tràn đầy tình yêu thương trải ra cho học trò. Học trò không chỉ tiếp thu tri thức từ từ thầy cô mà còn là người được thầy cô chia sẻ những kinh nghiệm quý giá trong cuộc sống. Tình cảm thầy trò từ đó được nuôi dưỡng và bồi đắp và trở thành nét văn hóa tốt đẹp.

Tuy nhiên, hiện nay sinh hoạt trong nhà trường đang gặp phải nhiều thách thức. Một số giáo viên chỉ coi học sinh như một đối tượng để thực hiện công tác giảng dạy, không quan tâm đến những khó khăn, nỗi lo của học sinh, dẫn đến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh không còn được tốt đẹp như trước. Hơn nữa với chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam, giáo dục đã xuống cấp hơn xưa nhiều. Từ đó có nhiều học sinh vô tâm, thậm chí còn thô bạo trong trường lớp. Trình độ học hành và đạo đức, công dân giáo dục ngày nay so ra thua ngày xưa rất nhiều.

Cái nghề “bụi phấn bám đầy tay“, “bán cháo phổi” của thầy cô đôi khi bị chê là bạc bẽo, nhưng với tôi, đây là một nghề rất cao quý, cần có lương tâm, truyền dạy sự thật. Cũng có câu: “Khoai lang chấm muối thì bùi, lấy chồng sư phạm lấy … cùi sướng hơn“. Không hiểu tại sao có câu ca dao mới này, nghe qua rất là thảm, vị nào hiểu biết xin chỉ dẫn dùm.

Nói về chuyện tiêu cực, thì thế giới cũng có nhiều vụ án thầy cô rất xấu. Một vài trường hợp được biết tới là Sandeep Mahale, một nam giáo viên 34 tuổi sống tại Dombivli Ấn Độ. Ngoài việc giảng dạy tại trường, Mahale còn mở các lớp học thêm tại nhà. Mahale thường đe dọa sẽ cho điểm xấu học sinh nếu họ không đóng tiền để được kèm riêng. Chuyện này cũng quen quen như tại Việt Nam ta, nếu không đóng tiền cho con học thêm thì cô giáo không dạy những bài hay, chi tiết.

Đặc biệt trong lãnh vực xâm phạm tình dục các học sinh, thì đã có nhiều vụ án, chẳng hạn cô Rachel Bauer, 25 tuổi, là giáo viên tại trường trung học Frankston quận Anderson, tiểu bang Texas, Mỹ. Cô đã có hành vi lạm dụng tình dục với 3 học sinh nam trong độ tuổi 14, 16 và 17. Rachel bị tòa tuyên án 10 năm tù giam.

Cảnh sát cũng đã bắt giữ một cựu giáo viên tiểu học, đã lạm dụng tình dục với 24 nữ sinh mà còn đăng ảnh của các bé trên trang web ấu dâm. Sau khi chính quyền Mỹ đưa ra bằng chứng, người này đã bị cảnh sát Thái Lan bắt được khi trốn ở Uttaradit nước Thái.

Sự việc khác cũng xảy ra tại miền nam Queensland, nước Úc. Vào năm 1990, Lyndal, nữ sinh 11 tuổi của trường đã bị Kevin Guy, một thầy giáo lạm dụng tình dục. Cô bé bị dọa không được nói với bất cứ ai, nhưng Lyndal đã dũng cảm gửi đơn tố cáo. Vào ngày 18/12/1990, 40 phút trước khi Kevin phải có mặt ở phiên tòa, người ta đã tìm thấy xác ông trong một chiếc xe do ông đã tự tử.

Ở Việt Nam cũng có nhiều vụ án giáo viên, hiệu trưởng làm bậy với học sinh, thật là điều đáng lên án.

Nhưng lại có một thầy giáo hết sức đạo đức, yêu nước, yêu sự toàn vẹn lãnh thổ là thầy Nguyễn Năng Tĩnh đã bị xử đi tù 11 năm và phạt quản chế 5 năm, chỉ vì thầy dạy cho học sinh bài hát: “Trả lại đây cho nhân dân tôi…” Sau khi nghe tuyên án, thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh đã nói: “Đây là một lũ bất nhân đã làm ra phiên tòa bất công.” Được biết thầy Tĩnh bây giờ rất gầy ốm, gia đình gặp nhiều khó khăn do sự đàn áp, trù dập của công an VC, thật là thương hết sức.

Tôi cũng có nghe kể lại chuyện một thầy giáo rất hiền nhưng đã nổi nóng đánh 2 học sinh vì chúng quá tinh nghịch. Bạn có còn nhớ lúc đi học, còn gọi là thời “mài đũng quần ở ghế nhà trường” mỗi tuần đều có sinh hoạt dưới cờ. Mọi người đều nghiêm chỉnh hát bài quốc ca “Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…” trong lúc có 2 em học sinh đại diện kéo lá cờ Vàng ba sọc đỏ lên cột cờ. Hôm ấy có 2 em vừa kéo cờ vừa rắn mắt giật dây phá phách làm cờ không lên được tới đỉnh cột cờ, người thầy chờ lễ xong liền tát 2 em một bạt tai. Đánh học trò là điều tối kị không nên làm, nhưng vì quá yêu lá cờ mà người thầy giáo hiền lành này đã nổi nóng không kềm chế được. Thật là “thiện tai“!

Tình thầy trò là sự tận tâm dạy bảo của người thầy với mong muốn học sinh của mình trở thành những con người có ích cho xã hội. Do đó, học trò phải biết ơn, tỏ lòng kính trọng, yêu mến với thầy cô giáo đã dạy mình. Tình thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp nhất trong xã hội. Những trường hợp thầy cô đánh đập học sinh, học sinh vô lễ với thầy cô giáo của mình… đáng bị lên án và nhắc nhỏ để mọi người cảnh tỉnh.

Nói chung, trong hành trình học tập, chúng ta thường gặp được những người thầy tuyệt vời, những người đã truyền cảm hứng và định hướng cho chúng ta. Họ không chỉ đứng trên bục giảng và truyền đạt kiến thức một cách cơ bản, họ cũng đã dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng học trò trên con đường phát triển cá nhân và học tập.

Thầy cô không chỉ là người dẫn đường, mà còn là người truyền lửa để học sinh có ước mơ, có năng lực để phát triển. Những kỷ niệm về tình thầy trò là những mảnh ghép quý giá trong cuộc sống. Nhớ lại những lúc ngồi trong lớp học, những buổi trò chuyện, những lần học trò nhận được sự khích lệ và động viên từ thầy cô, chúng ta nhận ra rằng tình thầy trò thật đáng quý trọng. Do đó những người Việt ở hải ngoại khi về Việt Nam thường đi thăm lại trường lớp, thầy cô bạn bè cũ. Các nơi trên thế giới đều có ngày dành riêng để học sinh tỏ lòng biết ơn thầy cô. Chúc các bạn luôn đóng trọn vai trò học sinh và bậc thầy cô để tính nhân văn, tâm tình tốt đẹp luôn phát triển.

Nguyễn Ngọc Duy Hân
Theo Đặc San Lâm Viên ngày 2/8/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*