Ảnh: Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên – Huế
Tin từ người thân của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường cho hay, vào 2:30 AM ngày 24 Tháng Bảy, ông Tường đã trút hơi thở cuối cùng, nhưng có lẽ quá bối rối nên người thân mới công bố vào hôm sau. Ông Tường mất ở tuổi 86, sau một thời gian dài bệnh nặng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9 Tháng Chín 1937 tại Huế, quê gốc ở làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp Ban Việt Hán – trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, tốt nghiệp cử nhân Triết học – Đại học Văn khoa Huế trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Là một nhân vật trí thức xuất sắc nổi bật ở Huế, mỗi buổi giảng của ông ở các trường đại học luôn tràn ngập sinh viên theo dõi và phấn khích theo các ngôn luận chống Việt Nam Cộng Hòa sắc sảo của ông.
Từ năm 1966, Hoàng Phủ Ngọc Tường đi theo cộng sản, tham gia các hoạt động tuyên truyền và thường xuyên dẫn đầu các chỉ trích chế độ Việt Nam Cộng Hòa trên mặt trận văn nghệ. Sau năm 1975, ông Tường được chính quyền mới đưa vào chức Tổng thư ký, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên cũ, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Năm 1998, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đột nhiên trở nên bệnh nặng, và nằm liệt giường từ đó đến nay. 18 ngày trước, vợ ông, là bà Lâm Thị Mỹ Dạ, cũng là một đồng chí trên mặt trận văn nghệ đã qua đời.
Một nhân vật gây nhiều tranh cãi và chỉ trích
Hoàng Phủ Ngọc Tường từng được coi là gương mặt trí thức lớn của Việt Nam Cộng Hòa, nhưng sau khi đi theo cộng sản, đã dần rơi vào những dữ kiện tranh cãi không ngớt về tư cách cũng như qua biến cố thảm sát Mậu Thân 1968, khi cộng sản tiến chiếm Huế và giết hàng ngàn người dân vô tội, trước khi rút đi.
Năm 1981, khi trả lời cho loạt phim truyền hình về chiến tranh Việt Nam, có tên “Việt Nam Thiên sử Truyền hình” của đạo diễn Stanley Karnow, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện, mỉm cười và nói về những người đã chết trong vụ thảm sát là “những con rắn độc”.
Ông Tường trong phần trả lời phỏng vấn của phim Việt Nam – Thiên sử Truyền hình
Kể từ đó, dư luận nhiều phía chỉ trích không ngớt về ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, thậm chí chính quyền Hà Nội cũng có vẻ ngại ngùng nhắc đến ông, vì sự kiện thảm sát Mậu Thân bị xét như một cuộc đại khủng bố, mà Hà Nội trong quá trình cố gắng đi vào thế giới phương Tây thì muốn xóa dần những điều tồi tệ về mình.
Năm 2018, đột nhiên xuất hiện một lá thư được phát đi từ nhà văn Nguyễn Quang Lập, được cho rằng ông Hoàng Phủ Ngọc Tường đọc cho con gái viết, cậy nhờ gửi đi, như muốn xin lỗi và tỏ bày. Trong đó, ông nói vì sự kiêu ngạo của tinh thần cộng sản mà ông đã đứng ra nói như một nhân chứng về thảm sát Mậu Thân. Ông Tường xác nhận những hình ảnh liên quan ông quả thật là bản gốc cuộc phỏng vấn, và ông cũng thú nhận: “Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim Việt Nam Thiên sử Truyền hình, để trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc”.
Thư viết: “Mậu Thân 1968 tôi không về Huế… Tôi xin thành thật nhìn nhận về hai sai lầm, xin ngàn lần xin lỗi. Tôi đã tự rước họa cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và quy kết tôi như một tội phạm chiến tranh”. Bức tâm thư này có tên “Lời cuối cho câu chuyện quá buồn” được cậy nhờ đăng tải trên Facebook Nguyễn Quang Lập ngày 10 Tháng Hai, 2018.
Lời thú nhận vào lúc đó của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa ra đúng thời điểm Nhà nước Việt Nam đang tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm 50 năm biến cố Mậu Thân 1968 như một “trận đại thắng”. Nhà nước cộng sản trước đây vẫn hay sử dụng ông Tường như một nhân chứng sống để phản bác các cáo buộc về vụ thảm sát Mậu Thân. Theo phía quân đội cộng sản và ông Tường dựng nên, khẳng định tội ác này là do Mỹ gây ra, rồi đổ tội cho quân đội cộng sản miền Bắc.
Ông Tường xác nhận trong thư rằng: Không thể lấy “tội ác của Mỹ” để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968. Ông đã mang theo một “nỗi thống thiết tận đáy lòng”, mỗi khi nghĩ về “những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân”. Theo ông Tường, đây là “một sai lầm không thể nào biện bác được”.
Tuy nhiên, ngay lá thư này cũng gây nhiều tranh cãi như chính cuộc đời đi theo cộng sản của ông. Việc nằm xuống của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường được khép lại trong sự tiếc thương của đồng nghiệp gần gũi, đồng hương và những người biết ông lâu năm; và cả sự oán giận không nguôi của những người từng trải qua hoặc từng đọc biết về sự kiện kinh hoàng Mậu Thân trong lịch sử đương đại quá nhiều oan khiên của Việt Nam.
Đọc lại bức tâm thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường
“Tôi đọc cho con gái chép một bài viết nhỏ này xin gửi tới bà con bạn bè thương mến, những ai yêu mến, quen biết và quan tâm đến tôi. Còn những kẻ luôn đem tôi ra làm mồi nhậu cho dã tâm của họ như ông Liên Thành và bè đảng của ông ta, tôi không muốn mất thời giờ đối đáp với họ. Dĩ nhiên bài viết này không dành cho họ.
Năm nay tôi 81 tuổi, và tôi biết, còn chẳng mấy hồi nữa phải về trời. Những gì tôi đã viết, đã nói, đã làm rồi trời đất sẽ chứng nhận. Dầu có nói thêm bao nhiêu cũng không đủ. Tốt nhất là im lặng bằng tâm về cõi Phật. Duy nhất có một điều nếu không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt. Ấy là câu chuyện Mậu Thân 1968. Vậy xin thưa:
1/ Mậu Thân 1968 tôi không về Huế. Tôi, TS. Lê Văn Hảo và bà Tùng Chi (những người lên chiến khu trước) được giao nhiệm vụ ở lại trạm chỉ huy tiền phương- địa đạo Khe Trái (thuộc huyện Hương Trà – tỉnh Thừa Thiên) để đón các vị trong Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế như Hoà thượng Thích Đôn Hậu, cụ Nguyễn Đoá, ông Tôn Thất Dương Tiềm… lên chiến khu.
Mồng 4 Tết tôi được ông Lê Minh (Bí thư Trị-Thiên) báo chuẩn bị sẵn sàng về Huế. Nhưng sau đó ông Lê Minh báo là “tình hình phức tạp” không về được. Chuyện là thế. Tôi đã trả lời ở RFI, Hợp Lưu, Báo Tiền Phong Chủ Nhật… khá đầy đủ. Xin không nói thêm gì nữa.
2/ Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim “Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu Thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.
Tôi xác nhận đây là link clip tung lên mạng là bản gốc cuộc phỏng vấn:
Để chứng tỏ mình là người trong cuộc, tôi đã dùng ngôi thứ nhất “tôi”, “chúng tôi” khi kể một vài chuyện ở Huế Mậu Thân 68. Đó là những chuyện anh em tham gia chiến dịch kể lại cho tôi, tôi đã vơ vào làm như là chuyện do tôi chứng kiến.
Đặc biệt, khi kể chuyện máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viện nhỏ ở Đông Ba chết 200 người, tôi đã nói: “Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu… Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra…”. Chi tiết đó không sai, sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi, mà là tôi nghe những người bạn kể lại. Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Đó là sự nguỵ biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu Thân 1968.
Tôi đã nói rồi, nay xin nhắc lại:
Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.
3/ Từ hai sai lầm nói trên tôi đã tự rước hoạ cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và quy kết tôi như một tội phạm chiến tranh.
Tôi xin thành thật nhìn nhận về hai sai lầm nói trên, xin ngàn lần xin lỗi.
Ngày 1 tháng 2 năm 2018
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Như Hồ
Theo Saigon Nhỏ News ngày 25 tháng 7, 2023
Be the first to comment