Lần Đầu Đến Sài Gòn

Đường Lê Thánh Tôn Sài gòn năm 1973. Rạp cinéma Lê Lợi nằm tại số 112 Lê Thánh Tôn, tại tòa nhà cao phía bên phải. (Ảnh của Nick DeWolf)

Đại Học Sư Phạm Huế. (Hình: Thanh Nien)

Hè 1973, sau khi kết thúc năm học thứ 3 ở Đại Học Sư Phạm Huế, tôi về Hòa Khánh (cách Đà Nẵng non 10km) để nghỉ Hè. Gia đình tôi tản cư đến ở đấy. Nhưng chưa nghỉ được ngày nào, thì có người rủ đi làm thợ nề trên đèo Hải Vân. Tôi đi làm ngay vì muốn có ít tiền để vào Sài Gòn cho biết “Hòn Ngọc Viễn Đông” nó như thế nào?!

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”
(“Áo lụa Hà Đông” – Nguyên Sa – Trần Bích Lan)

“Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát”
(“Trả lại em yêu” – Phạm Duy)

Và ca khúc “Ghé Bến Sài Gòn” của nhạc sĩ Văn Phụng cứ thôi thúc tôi.

Công việc thợ nề của tôi là xây các vách ở hai đầu các cống thoát nước. Vách có hình thang vuông, đáy 2 mét, đỉnh 0.2 mét. Cống có đường kính 2 mét, bằng thép. Và xây các đường dẫn nước phía vách núi để khi mưa lớn, nước chảy mạnh không bị xói lở. Mỗi ngày được trả 250 đồng.

Tôi dự định sẽ bắt xe Phi Long hay Tiến Lực để đi Sài Gòn. Nhưng, làm được hơn một tháng đã có hơn 10,000 đồng (1 xe gắn máy Honda 50 cc nguyên thùng chỉ 29,000 đồng) thì ông anh họ nói sẽ gửi đi máy bay. Thích quá!

Đúng ngày giờ hẹn, tôi đến chỗ làm của ông anh họ (gần Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Chờ một lát, thì có người đọc danh sách những người được bay chuyến sáng hôm ấy. Nghe tên mình, tôi lên xe.

Chiếc GMC chở gần 30 người chạy ra phi trường Đà Nẵng. Xe đến gần một chiếc máy bay khổng lồ. Đó là chiếc máy bay Lockheed C-130 Hercules.

Chúng tôi được hướng dẫn lên máy bay từ phía đuôi máy bay và được chia đều ngồi dọc hai bên. Mỗi ghế một người và phải buộc dây ngang bụng.

Máy bay Lockheed C-130 Hercules. (Hình: Wikipedia)

Tấm bục lớn ở đuôi máy bay được nâng lên, khép kín phía đuôi máy bay và chiếc Lockheed C-130 Hercules lăn bánh, cất cánh. Qua ô cửa nhỏ, tôi thấy bên dưới toàn là núi rừng trùng điệp. Có lẽ nó đang bay trên Tây Nguyên.

Tôi đã bay trên một số loại máy bay trực thăng, C123… nhưng phải công nhận, anh C130 này rất êm, rất thoải mái.

Có người bảo: “Đến rồi! Sông Đồng Nai kia rồi!” Và máy bay hạ dần độ cao rồi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn.

Tôi lên một chiếc Lambro 550 để ra cổng phi trường rồi đi xích lô về nhà bạn, người bạn cùng lớp thời trung học đã vào Sài Gòn để học đại học.

Ngày thứ nhất, bạn giao cho tôi một chiếc xe gắn máy Suzuki. Tôi đi đổ xăng và mua một cái bản đồ thủ đô Sài Gòn và bắt đầu khám phá “Hòn Ngọc Viễn Đông”.

Tôi đến đường Trương Minh Giảng, ngắm Viện Đại Học Vạn Hạnh. Đi hết đường Trương Minh Ký, rẽ trái, đến Ngã tư Bảy Hiền, ngắm bệnh viện Vì Dân đồ sộ, vào Hương Lộ 14 để thăm ông anh cô cậu. Khu Bảy Hiền có rất đông người Quảng Nam vào làm ăn sinh sống.

Ở chơi nhà ông anh cô cậu đến 2 giờ trưa, tôi đến đường Trần Quốc Toản để thăm bà chị kết nghĩa.

Năm 1964, Quảng Nam bị lụt lớn, thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản. Trường trung học Trưng Vương (Sài Gòn) của chị Nga quyên tiền giúp học sinh miền Trung.

Lớp 11A2 của chị Nga đã gửi tiền giúp lớp tôi. Tôi và bạn tôi, mỗi người nhận được 200 đồng. Tôi viết thư cảm ơn lớp 11A2 của chị Nga. Từ đó, chị Nga và tôi thường viết thư cho nhau. Chị Nga học trên tôi hai lớp. Tôi cũng nhận được nhiều thư của các chị cùng lớp với chị Nga nữa.

Ba của chị Nga là một bác sĩ và sau này chị Nga cũng trở thành một bác sĩ. 21 năm sau (1973-1994), trong dịp đi tăng cường cho bệnh viện Đa Khoa tỉnh Ninh Thuận, chị Nga có đến khu tập thể trường Trung Học Phổ Thông Dân Tộc Nội Trú Ninh Thuận để thăm gia đình tôi.

Từ giã chị Nga và gia đình, tôi đến chợ Bến Thành, đi qua nhà sách Khai Trí, vòng ra đường Bạch Đằng chiêm ngưỡng tượng đài Đại Vương Hưng Đạo – Trần Quốc Tuấn.

Sau đó, tôi đến dinh Độc Lập, ngắm công trình của kiến trúc sư lừng danh Ngô Viết Thụ, đến chiêm ngưỡng Nhà Thờ Đức Bà rồi đến Bảo Tàng Lịch Sử.

Tại Bảo Tàng Lịch Sử, nhìn những cây cọc Bạch Đằng, hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung… lòng tôi dào dạt cảm xúc tự hào, cảm phục cha ông mưu trí, anh hùng, kiên cường, bất khuất!

Ngắm những phiên bản trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh, những mũi tên đồng… tôi như thấy lại cả một quá khứ gian khổ, hào hùng và tài hoa của dân tộc.

Rời Bảo Tàng Lịch Sử, tôi vào Thảo Cầm Viên để xem voi, gấu, sư tử… Con cọp trong Thảo Cầm Viên lúc này trông rất giống con cọp của Thế Lữ trong bài thơ nức tiếng “Nhớ Rừng”. Nó khinh khỉnh, nghênh ngang, dữ dằn, hung tợn lắm! Chắc là được ăn uống đầy đủ nên rất sung sức, mạnh mẽ.

Sài Gòn thật tuyệt vời! Đúng là một Hòn Ngọc! (Hình: Wikipedia)

Gần 5 giờ chiều, khát nước và mệt, tôi quay về nhà bạn. Gặp một chị bán trái cây đang đẩy xe đi bên đường, tôi dừng lại hỏi:
– “Bao nhiêu một chục cam vậy chị?”

Chị trả lời ngay:
– “Bốn đồng chú à.”

Tôi nói:
– “Chị bán cho em một chục!”

Chị nhặt cam, bỏ vào một bao giấy đã được dán sẵn. Tôi trả tiền cho chị.
Cầm bịch cam, nghe nằng nặng, tôi mở xem. Thấy 13 trái cam, tôi nói với chị:
– “Dư 3 trái chị ơi.”

Chị bảo:
– “Không dư đâu! Một chục là 12 trái, tôi biếu chú 1 trái nữa là 13. Nghe tiếng chú, tôi biết chú ở ngoài Trung mới vào. Quảng Nam phải không? Ở đây, tôi tính chục 12, chứ chú xuống miền Tây, người ta tính cho chú chục 14, chục 16 nữa kìa.”

Tôi vô cùng ngạc nhiên: chục 12, chục 14, chục 16 và còn biếu 1 trái vì “tôi biết chú ở ngoài Trung mới vào!” Người Sài Gòn sống nghĩa tình quá! Tôi vô cùng cảm động trước tình cảm của chị bán trái cây, tôi nói:
– “Vậy, em cảm ơn chị! Chào chị nhé!”

Ngày thứ hai, tôi đi lung tung: đến cầu Chữ Y, qua Khánh Hội, đến Đa Kao, Chợ Lớn… Đi trên các con đường Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan… rợp bóng me, hoa và lá me rắc vàng trên đường. Đúng là những con đường dành cho các nhà thơ.

Đến chiều, tôi đến nhà sách Khai Trí mua gần 20 quyển sách các loại: từ điển, thơ, tiểu thuyết, sách dịch, sau khi tính toán số tiền cần để ăn uống và đi xe.

Sáng hôm sau, tôi chia tay bạn và lên xe đò Phi Long để về lại Đà Nẵng.

Xe chạy tới Sa Huỳnh thì trời tối, những người anh em “con Lạc cháu Hồng” đang bắn giết nhau, xe không thể đi tiếp. Xe phải đưa hành khách xuống bờ biển để lên hai chiếc thuyền.

Thuyền chạy cách bờ vài cây số. Nhìn vào trong đất liền, thấy đạn bay đỏ trời, hỏa châu chiếu sáng, tiếng súng lớn nhỏ, lúc nhặt lúc thưa. Tôi không hiểu sao người Việt Nam mình lại thích bắn giết nhau dữ vậy.

Ra tới gần thị xã Quảng Ngãi, thuyền mới cập bến, chúng tôi lên bờ và lên một xe đò Phi Long khác để đi tiếp ra Đà Nẵng.

Đấy, lần đầu đến Sài Gòn của tôi là như thế. Còn rất nhiều tình tiết, nhưng tôi xin thuật vắn tắt như vậy vì sợ làm mất thì giờ của người đọc.

Sài Gòn thật tuyệt vời! Đúng là một Hòn Ngọc! Hòn Ngọc không chỉ là nhà cửa, lâu đài, cao ốc, đường sá… mà quan trọng hơn (tôi nhấn mạnh), đó là Hòn Ngọc của Tình Người, của Nhân Cách, của Tâm Hồn người Sài Gòn!

Phan Thành Khương
Theo Người Việt online ngày 22/7/2023

1 Comment

  1. Người dân Việt Nam Cộng Hoà thật dễ thương, tử tế, nhân hậu…
    Giá xe gắn máy Honda 50cc (thật sự chỉ 49cc) nhập cảng từ Japan, giá 29,000 đồng của VNCH. Lương giáo viên một tháng là 23,011 đồng của VNCH, tiền cơm 3,000 đồng/ tháng. Bây giờ đi dạy bao lâu mới mua được một chiếc xe gắn máy của Japan?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*