Quái Thú Bidenomics

Tổng thống được bầu lên với 3 trách nhiệm lớn nhất: 1) thực hiện hòa bình thế giới, 2) bảo đảm an ninh trật tự trong nước, và 3) phát triển kinh tế mang lại phồn vinh cho dân. Thực tế, trong hai năm qua, dưới thời Biden, 1) thế giới không có chiến tranh nhưng cả Âu Châu bị thu hút vào cuộc chiến Nga đánh Ukraine và cả Mỹ lẫn Tây Âu đã chi ra chẳng ai biết chắc bao nhiêu trăm tỷ cho cuộc chiến;  2) đất nước chẳng thấy ổn định mà trái lại bị nạn trộm cướp công khai tác oai tác quái hoàn toàn vô kiểm soát và vô tội vạ, chẳng tên cướp nào bị truy tố gì hết; và 3) kinh tế đã đạt những kỷ lục mà cả nửa thế kỷ nay thiên hạ chưa từng thấy, mà điều khốn khổ cho dân, cho nước, là những kỷ lục đó lại là những kỷ lục không nên có, là kỷ lục lạm phát, vật giá leo thang, giá xăng trên mây,…

Bỏ qua chuyện khác, bài này sẽ chỉ bàn về chuyện kinh tế.

KINH TẾ BIDEN: TÌNH TRẠNG THẬT   

Hai năm đầu của Biden, cả nước, hay chính xác hơn, khối đại đa số trung lưu Mỹ, toát mồ hôi với những thành quả kinh tế của Mỹ thảm hại ít khi thấy: lạm phát bộc phát nhanh hơn cuồng phong hurricane, chỉ trong vòng hơn một năm, tỷ lệ lạm phát đã leo lên tới mức chưa từng thấy từ hơn 40 năm qua, giá xăng vọt lên mây, có lúc lên tới gần 10 đô một ga-lông tại tiểu bang Cali, giá thuê nhà tăng vọt mỗi tháng khiến giới trung lưu thấp không có phương tiện mua nhà phải đi ở thuê hồi hộp đếm tiền trả mỗi cuối tháng.

Tình trạng lạm phát cuối năm 2022
[Xin so sánh các con số của Trump với Biden!]

Kinh hoàng hơn nữa, cả vạn tiệm chạp phô, siêu thị kẹt không có hàng bán với cả chục thương thuyền khổng lồ nằm ngoài khơi các hải cảng chờ hàng được bốc trong khi ‘chị’ bộ trưởng Giao Thông bận cùng ‘chồng’ ở nhà thay tã cho hai đứa con song sanh mới cấy ra. Ngay cả những ngày đen tối nhất của triều đại Carter cũng chưa thấy cảnh quái dị như vậy.

Tại sao lại có cảnh đó? Vì đó là hậu quả không thể tránh được khi những giải pháp kinh tế xã nghĩa được chiên xào hổ lốn trong chảo kinh tế thị trường, bất kể dưới thời Carter hay Biden. Khi Nhà Nước tung tiền vào thị trường, đảo lộn cán cân cung-cầu trong một nền kinh tế hoàn toàn dựa trên cân bằng cung-cầu mà không có kế hoạch hóa quy mô, thì hậu quả tất nhiên là mất cân bằng cung cầu đưa đến khan hiếm hàng và giá cả gia tăng. Quy tắc kinh tế nhập môn! 

Biden phản ứng như thế nào?

Cụ Biden bối rối hơn tơ vò. Bí vì không có giải pháp, cụ quay qua đổ thừa dĩ nhiên, vì đó dù sao cũng vẫn là chiêu võ phòng thân sở trường của cụ. Nếu tốt thì đâu cần đổ thừa, phải lo đấm ngực khoe công chứ, phải không?

Theo cụ Biden phân bua, kinh tế tồi tệ vì rất nhiều yếu tố. Đây nhé: gia tài tệ hại ‘kinh tế MAGA’ do Trump để lại, cuộc chiến Nga đánh Ukraine, các xứ dầu hỏa tham lam tăng giá dầu, tình hình bất an tại Trung Đông khiến đường giây cung ứng quốc tế bị kẹt, đại tập đoàn thông đồng tăng giá kiếm lời, bây giờ hết dịch, kinh tế mới mở cửa lại, dân hăng hái xài tiền gỡ, nhưng vẫn còn nhiều công ty chưa thuê lại nhân công kịp, do đó sản xuất chưa bắt theo tiêu thụ được, ông trời ghét cá nhân Biden muốn hại Biden, trời nắng, trời mưa, trời lạnh, trời nóng, và còn biết bao nguyên do tại, bị, vì, rằng thì là mà. Tại cả vạn chuyện, nhưng chẳng chuyện nào dính dáng tới Biden hết. Như Biden đã tuyên bố trong vụ công nợ quá cao “I am totally blameless!“, đúng theo tinh  thần trách nhiệm siêu đẳng của Biden. The buck stops… somewhere, never here!

BIDENOMICS

Bài ca con cá vàng, kinh tế bết bát vì Biden chẳng có trách nhiệm gì, tất cả là lỗi tám phương tứ hướng đã là bài ca ‘top hit’ của hai năm qua. Thế đấy, nhưng trong thời gian mới đây, bất thình lình không biết từ hang cùng ngõ hẻm nào nhẩy ra, lại tự nhiên thấy khắp nơi con quái thú Bidenomics, là tên ‘khoa học’ của chính sách kinh tế của Biden (Biden economics). Mà kinh ngạc hơn nữa, tự nhiên, đột nhiên, bất thình lình, ta lại thấy Biden đấm ngực thình thịch khoe Bidenomics trong hai năm qua đã là cha đẻ của một nền kinh tế chưa bao giờ vững mạnh, tốt đẹp như hiện nay!!! Tình hình kinh tế trong hai năm qua đang bết bát vì lỗi của tất cả mọi chuyện, bây giờ bất thình lình biến xác thành một kinh tế hùng mạnh chưa từng thấy nhờ Bidenomics???

Hả? Đúng là tin ‘lạ’!!! Cụ lờ mờ Biden mà cũng có ‘chính sách’ gì sao? Hai năm qua sao không ai nghe nói tới Bidenomics?

Tại sao tự nhiên lại đẻ ra cái quái thai Bidenomics này? Chỉ vì dù sao các phụ tá cũng biết đọc thăm dò dư luận và giải thích cho cụ lẩm cẩm hiểu dân Mỹ mệt mỏi với những đổ thừa của cụ, muốn cụ phải ‘làm một cái gì’ để giúp dân. Đổ thừa không thể nào là một chiến lược tranh cử hữu hiệu. Do đó, phải thay đổi chiến lược. Từ một nền kinh tế bết bát do cả vạn yếu tố linh tinh bên ngoài mà Biden đổ thừa đi đổ thừa lại, bất thình lình chiến lược mới hóa phép nền kinh tế hấp hối trên giường bệnh thành một nền kinh tế đại thành công, “mạnh hơn bao giờ hết” nhờ Bidenomics. Có thật vậy không?

  • Công trạng của Biden

Cụ Biden khoe qua Bidenomics, cụ đã thực hiện được 3 chuyện: 1) giảm lạm phát, 2) tạo ra được 13,5 triệu việc làm, và 3) tăng sản xuất -GDP- lên mức cao nhất.

Ta thử nhìn qua những điểm này.

1) Giảm lạm phát

Cụ Biden đấm ngực khoe lạm phát đã giảm. Bằng chứng là tỷ lệ lạm phát đang giảm:

  • Tháng 5/2023: 4,0%
  • Tháng 4/2023: 4,9%
  • Tháng 3/2023: 5,0%

Tỷ lệ lạm phát dưới Trump và Biden. (Nguồn: Văn Phòng Thống Kê Lao Động Mỹ)

Có vẻ như lạm phát đang giảm đúng như Biden đấm ngực. Tuy nhiên, theo trang mạng Tipp Insights, đây là cách tính gian trá của Biden để lừa những người thiếu hiểu biết, không hơn không kém. Biden dùng giá cả hiện hữu so sánh với giá cả cùng kỳ của một năm trước, tức là so với mức giá đã quá cao của năm ngoái. Thật sự lạm phát đã chậm lại chút đỉnh, nhưng chỉ là tăng chậm lại, chứ không phải giảm như Biden bốc phét.

Theo Tipp Insights, muốn đánh giá thành quả kinh tế của Biden, cách tính chính xác và khoa học hơn là phải tính giá cả hiện nay so với giá cả của tháng 2/2021, là thời điểm cụ Biden nhậm chức. Và nếu so với ngày đó, thì tỷ lệ lạm phát hiện nay là 15,6% chứ không phải 4% như Biden hóa phép lừa thiên hạ. Và tỷ lệ này mỗi ngày mỗi tiếp tục tăng, tuy tăng chậm lại chút đỉnh:

  • Tháng 5/2023: 15,6%
  • Tháng 4/2023: 15,3%
  • Tháng 3/2023: 14,8%
  • Tháng 2/2023: 14,4%
  • Tháng 1/2023: 13,7%

https://tippinsights.com/bidenflation-climbs-to-15-6-as-high-prices-persist/

Lập luận của Tipp Insights có vẻ hơi khó hiểu cho những người không phải chuyên gia kinh tế, nên VL xin phép đưa một thí dụ cụ thể dễ hiểu hơn, chẳng hạn về một món hàng X nào đó:

  • Tháng 2/2021 (Biden tuyên thệ): giá X: $100;
  • Tháng 5/2022 (một năm trước đây, cùng kỳ): giá X: $110, +10% so với ngày Biden tuyên thệ; nghĩa là tỷ lệ lạm phát khi đó là 10%;
  • Tháng 5/2023 (bây giờ): giá X: $115, tức là tăng +4,5% so với giá năm ngoái, cùng kỳ 5/2022; nhưng tăng +15% so với giá ngày Biden nhậm chức 2/2021.

Tính theo kinh tế học và chính xác, tới hôm nay, món hàng X dưới thời Biden đã tăng giá 15%, nhưng Biden chơi trò mánh mung, dùng gia tăng 4.5% để khoe lạm phát giảm so với 10% của tháng 5/2022. Trên thực tế, giá vẫn tăng, chỉ là tăng tương đối chậm lại thôi, chẳng có giảm gì hết.

Câu hỏi cho quý vị: tăng 15% thì sao, có ý nghĩa gì? Nếu quý vị thấy từ ngày Biden nhậm chức, lương quý vị cũng tăng 15% thì xin chúc mừng quý vị. Nếu không thì xin quý vị đi hỏi Biden.

Vâng, lạm phát có tăng chậm lại chút đỉnh, nhưng xin nhắc lại, việc tăng chậm đó là hậu quả trực tiếp của việc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang liên tục tăng lãi suất cả chục lần, chứ chẳng liên quan gì đến bất cứ chính sách hay hành động nào của Biden hết. Biden đấm ngực là nhận vơ không hơn không kém.

Trong thể chế kinh tế Mỹ, có một nhân vật độc đáo là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Các Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang -Chairman of the Federal Reserve Banks-, là một chức vị độc nhất, không xứ nào có. Hiện nay là ông Jerome Powell, do TT Trump bổ nhiệm năm 2018. Ông này là người thật sự nắm quyền điều hành kinh tế Mỹ, tuy một cách gián tiếp, qua việc ấn định lãi suất các ngân hàng dự trữ liên bang cho các ngân hàng thương mại vay ngắn hạn. Những quyết định của các ngân hàng dự trữ hoàn toàn độc lập với chính quyền đương nhiệm, không TT nào có quyền xía vào bất cứ bằng cách nào. 

Đại khái, ngân hàng dự trữ cho ngân hàng thương mại vay tiền rất ngắn hạn, qua đêm, để các ngân hàng thương mại này có tiền cho khách hàng vay mượn lại. Lãi suất do ngân hàng dự trữ ấn định sẽ được dùng làm căn bản để các ngân hàng thương mại ấn định lãi suất của họ cho dân mượn tiền, do đó, việc ngân hàng dự trữ ấn định lãi suất cao hay thấp sẽ là những yếu tố quyết định mức vay mượn, tức là mức sinh hoạt của kinh tế Mỹ. Lãi suất cao sẽ giảm sinh hoạt trong khi lãi suất thấp sẽ khuyến khích hoạt động kinh tế. Khi ta hiểu kinh tế Mỹ hoàn toàn dựa trên hệ thống vay mượn vì tất cả dân Mỹ đều mắc nợ hơn Chúa Chổm, thì ta hiểu quyền lực của ông chủ tịch NHDTLB.

Trong hơn một năm qua, để chặn lạm phát của Biden, ông Powell đã liên tục tăng lãi suất để giảm hoạt động kinh tế và hậu quả là giảm lạm phát. Từ tháng 3/2022 tới tháng 5/2023, lãi suất đã được tăng 10 lần, từ 0,25% lên tới 5,25%.

Nguồn: Forbes, 14/6/2023

Tóm lại, lạm phát thật sự đã KHÔNG giảm như Biden bốc phét, chỉ tăng chậm lại thôi. Và tăng chậm không phải nhờ Bidenomics gì ráo, mà nhờ ông Powell do Trump bổ nhiệm liên tục tăng lãi suất, một quyết định mà Biden hoàn toàn không có quyền xía vào.

2) Tạo việc làm

Biden cũng hùng hổ khoe Bidenomics đã ‘tạo ra’ -created- được đâu 13,5 triệu việc làm. Đây có lẽ là bốc phét thô bỉ nhất. Theo tất cả mọi thống kê chính thức, Biden chẳng tạo ra được tới một job nào hết. ZERO! Những 13,5 triệu việc làm mà Biden khoe là đã ‘tạo ra’ thật sự chỉ là những việc làm bị tạm ngưng khi kinh doanh đóng cửa vì dịch COVID, bây giờ hết COVID, người ta đi làm lại, thế thôi. Theo tiếng Mỹ, chính xác là ‘jobs recovered’ chứ không phải ‘jobs created’ như Biden bốc phét. Buổi tối, cả nước đóng cửa đi ngủ, sáng hôm sau, mở cửa lại, cả trăm triệu người đi làm lại, có thể nói sáng hôm sau, Biden đã ‘tạo ra’ cả trăm triệu việc làm không? Mà phần lớn những việc làm phục hồi lại đó lại xẩy ra tại những tiểu bang CH chống chính sách đóng cửa kinh tế của Biden, là Florida và Texas. Nôm na ra, Biden đang nhận vơ công của các thống đốc CH tại Florida và Texas.

Chưa hết. Biden cũng đấm ngực khoe “lương lao động tăng nhanh nhất từ hai thập niên qua“. Vẫn là chuyện bố láo bịp dân. Lương coi như tăng chỉ vì đồng tiền mất giá vì lạm phát, nếu điều chỉnh theo lạm phát để tính mức lương thực tế, thì mức lương đã giảm 3,1% từ ngày Biden nhậm chức tới nay, theo thống kê chính thức của bộ Lao Động. Và dân Mỹ càng ngày sống nhờ… thẻ tín dụng khi mức nợ thẻ tín dụng tăng 28% trong hai năm qua, bây giờ lên tới mức kỷ lục 986 tỷ đô, nghĩa là trung bình, mỗi người dân Mỹ, kể cả trẻ con mới sanh, mỗi người mắc nợ thể tín dụng đâu 3.000 đô, một gia đình hai vợ chồng hai con, mắc nợ thẻ tín dụng 12.000 đô!

3) GDP tăng mạnh nhất

Biden hùng hổ khoe nhờ Bidenomics, tỷ lệ tổng sản xuất nội địa -Gross Domestic Product hay GDP- đã tăng nhanh nhất trong thời gian qua.

Sự thật khác xa.

Theo thống kê chính thức của Nhà Nước Biden, tỷ lệ tăng trưởng của GDP trong 5 tam cá nguyệt từ đầu 2022 tới nay (sau COVID), trung bình là 1,1% [(-1,8% -0.5% +3% +2,6% +2%)/5= 1,06%]. Mà từ tam cá nguyệt III của 2022, lại liên tục tuột dốc. So với trung bình 2%-3% thời Obama và Trump, thì 1% coi thật èo uột, không có gì đáng đấm ngực khoe công. Không ai hiểu Biden dựa vào đâu để bốc phét GDP tăng trưởng mạnh nhất dưới Bidenomics? (Tỷ lệ cao cuối năm 2021 bị các kinh tế gia loại bỏ vì tính bất thường khi kinh tế Mỹ mới mở cửa lại sau COVID)

Tóm lại, cả 3 chuyện Biden nêu ra như bằng chứng thành quả của Bidenomics đều là bá láp, nói láo, không hơn không kém.
Thế nhưng, vẫn theo mô thức Biden: hỏng thì đổ thừa, tốt thì đấm ngực nhận công bừa, cụ Biden cho rằng những khó khăn kinh tế của Mỹ suy giảm nhờ quái thai cụ mới sanh ra, Bidenomics và đang quảng cáo còn hơn mấy lang băm Tầu quảng cáo thuốc tễ trị bá bệnh.

  •  Bidenomics là gì

A) Bidenomics trong quá khứ

Theo Biden, trong quá khứ, đó là những biện pháp Biden đã lấy. Trong thời gian nửa nhiệm kỳ đầu, trong hai năm 2021-2022, Biden đã tung ra ba gói quà vĩ đại, tổng cộng đâu gần 4.000 tỷ đô: 1) 1.900 tỷ cứu trợ COVID tháng 3/2021, 2) 1.200 tỷ trùng tu hạ tầng cơ sở tháng 11/2021, và 3) 740 tỷ mạo danh là ‘luật giảm lạm phát’ tháng 8/2022. Đó là 3 cột trụ dựng nên Bidenomics, đã khiến “kinh tế chưa bao giờ mạnh như bây giờ“, theo lời bốc phét của Biden.

Thực tế lịch sử theo tất cả chuyên gia kinh tế là những biện pháp của Biden mới chính là nguyên nhân mang kinh tế xuống tình trạng thê thảm ta thấy.

Trước hết, xin bàn qua về ba bộ luật này để rõ trắng đen.

– Gói COVID

Ngay sau gói quà COVID tháng 3/2021, tất cả các chỉ số kinh tế đều cho thấy tình trạng gia tăng đồng loạt của tất cả mọi loại giá cả, từ giá sỉ tới giá lẻ, giá sản xuất tới giá tiêu thụ. Nghĩa là gói quà COVID 1.900 tỷ đô đã là lỗ thủng đầu tiên làm chìm con thuyền kinh tế Biden, không hơn không kém. Tất cả thống kê chính thức đều rõ hơn ban ngày.

Hậu quả trên vật giá của các quyết định của Biden

Theo tất cả các chuyên gia kinh tế, gói cứu trợ của Biden khi được tung ra, đã không còn cần thiết nữa vì COVID đã suy giảm rất nhiều, người dân không cần sự giúp đỡ này. Các thống kê ngân hàng cho thấy phần lớn số tiền người dân nhận được qua gói cứu trợ này đã không được xài mà trái lại đã được bỏ vào các trương mục tiết kiệm của dân. Nghĩa là thực tế, người dân không cần có số tiền này. Gói quà này chỉ là cách Biden ra mắt, muốn lấy điểm, dụ khị dân thôi.

– Gói trùng tu hạ tầng cơ sở

Thứ nhất, phải nói ngay, đây không phải là sáng kiến của Biden hay Bidenomics gì hết, mà người đầu tiên đưa ra ý kiến này chính là Trump. Khi vận động tranh cử năm 2016, ông Trump đã đưa ra hai kế hoạch kinh tế lớn: giảm thuế cả nước và trùng tu quy mô hạ tầng cơ sở. Giảm thuế được thực hiện ngay cuối năm 2017. Trùng tu hạ tầng tốn bạc ngàn tỷ phải chờ kinh tế ổn định sau khi giảm thuế quy mô cũng như phải chờ các công ty chuyển tiền về nước, kinh tế phát triển mạnh, thuế thu vào tăng mạng, Nhà Nước mới có tiền trùng tu. Chưa kịp làm gì thì đầu năm 2020, COVID tấn công cả nước và cả thế giới, đảo lộn tất cả mọi chuyện, kế hoạch trùng tu tạm xếp lại. Hai năm sau, cuối 2021, cụ Biden mới phủi bụi, mang kế hoạch của Trump ra lại, và mau mắn được phe ta thông qua, cùng với hậu thuẫn của cả phe CH trong quốc hội. Rồi Biden nhận vơ là sáng kiến của mình ngay, chứ không đổ thừa ai hết, nhận vơ mà quên mất nếu không có hậu thuẫn của khối CH và nếu không có thêm tiền do Trump mang về qua việc trừ thuế cho các đại công ty đa quốc gia, thì đã chẳng ra được gói trùng tu gì ráo.

Tuy nhiên, cũng đừng nên quên đây là kế hoạch 10 năm, tới nay mới hơn một năm, một phần mười, số tiền tung ra còn rất nhỏ, khó mà có thể nói kinh tế phát triển “mạnh hơn bao giờ hết” nhờ gói quà này.

Quan trọng hơn nữa, đây thực sự chỉ là gói quà Biden đấm mõm các thượng nghị sĩ và dân biểu phe ta, khi ưu tiên trùng tu được dành cho các vùng của phe ta. Chẳng hạn như New York, là đất của TNS Chuck Schumer, lãnh đạo khối DC trong thượng viện, vừa được lãnh 7 tỷ đô để xây một đường hầm chạy từ New York qua New Jersey.

TNS Schumer đang cùng bà thống đốc NY Kathy Hochul ăn mừng được 7 tỷ

– Gói ‘giảm lạm phát’

Trước hết, phải minh định đây là chuyện lừa đảo trắng trợn, không hơn không kém. Trong bộ luật gọi là ‘Luật Giảm Lạm Phát’ này, tuyệt đối không có tới một điều nào, một xu nào được dành cho việc giảm lạm phát. Trên 740 tỷ dành cho chuyện này hoàn toàn được dùng vào các kế hoạch cấp tiến như sạch môi trường, chống hâm nóng trái đất,… Số tiền này chẳng giúp giảm lạm phát gì, hay đi xa hơn, chẳng có hậu quả kinh tế gì, ngoài việc tăng thêm khối lượng tiền lưu thông trong nước thôi, trầm trọng thêm nạn lạm phát chứ chẳng giảm gì.

Hậu quả của ba gói quà đó: tung tiền ra quá nhiều trong khi việc sản xuất hàng hóa chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch COVID, đưa đến tình trạng ‘tiền thừa hàng thiếu’, và tất nhiên vật giá leo thang, với tỷ lệ lạm phát cao nhất từ đâu 40 năm qua, từ thời cuối trào đại họa Carter.

Chỉ cần nhìn thoáng qua thì ta thấy ngay liên hệ ‘nhân-quả’ giữa các biện pháp kinh tế của cụ Biden với tình trạng bết bát của kinh tế, chứ không phải những biện pháp đó đã đưa kinh tế Mỹ đến tình trạng ‘chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ’.

Ta đừng quên một khiá cạnh khác: vấn đề công nợ. Câu hỏi đặt ra: Biden tung gần 4.000 tỷ tiền tươi vào thị trường qua 3 gói quà vừa bàn, thế thì cụ lấy đâu ra số tiền đó? Câu trả lời rất giản dị khi ta nhìn vào biểu đồ công nợ của Mỹ:

[Biểu đồ này chưa ghi nhận gói 740 tỷ mạo danh là ‘luật giảm lạm phát’, tháng 8/2022]

Khi Biden nhậm chức, công nợ Mỹ là 27.800 tỷ đô, cứ cho là 28.000 tỷ cho chẵn tròn. Bây giờ, tháng 5/2023, mức công nợ đã tăng lên tới 32.000 tỷ, tức là tăng 4.000 tỷ đô trong hơn hai năm dưới thời Biden. So với 4.000 tỷ tiền của 3 gói quà Biden tung ra trong khi nắm quyền có trùng hợp không? Ta thử tính nhẩm xem sao. Tăng 4.000 tỷ trong 2 năm, hay 8.000 tỷ trong một nhiệm kỳ, hay tăng 16.000 tỷ nếu Biden làm TT đủ 2 nhiệm kỳ. So với ‘sư phụ’ Obama đi vay 10.000 tỷ trong 2 nhiệm kỳ của ông ta, rõ ràng trò hơn thầy xa.

Cụ Biden chối bai bải: “I’m totally blameless” trong vụ công nợ bay bổng, nhưng chẳng lừa được bao nhiêu người.

Tất cả các chuyên gia kinh tế, bất kể quan điểm chính trị thân DC hay CH, đều nhận định những biện pháp trên -là cột trụ của Bidenomics- đã là nguyên nhân đưa đến thảm trạng kinh tế, chứ không phải đưa đến tình trạng “kinh tế Mỹ chưa khi nào mạnh và tốt đẹp như bây giờ” như Biden bốc phét sảng và truyền thông loa phường Mỹ-Việt nhai theo. Dưới đây là hai báo cáo của hai cơ quan không thuộc đảng nào:

Khủng hoảng kinh tế là lỗi Biden – Báo cáo của Ủy Ban Ngân Sách Hạ viện:

https://budget.house.gov/press-release/cbo-confirms-bidens-agenda-will-worsen-economic-crisis-caused-by-democrats-failed-policies/

Khủng hoảng kinh tế là lỗi Biden – Báo cáo của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang

https://nypost.com/2022/04/04/new-fed-study-shows-biden-owns-our-economic-disaster/

Hai cơ quan, một của lưỡng đảng trong quốc hội, một của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, không phải của Fox News, cả hai đều khẳng định khủng hoảng kinh tế hiện nay chính là con đẻ của Bidenomics.

Thiếu sót lớn nhất mà cụ Biden không dám nhắc tới là một cột trụ lớn của Bidenomics là tình trạng gia tăng luật lệ, thủ tục hành chánh rườm rà, là chuyện đương nhiên dưới tất cả các chính quyền DC. Theo giáo sư kinh tế của Đại Học Chicago Casey Mulligan, hậu quả việc này sẽ là một khủng hoảng nhân bản toàn diện chưa từng thấy. Chẳng hạn, chỉ riêng trong khu vực xe hơi và nhiên liệu, hậu quả sẽ là việc mỗi người dân Mỹ sẽ tốn thêm 10.000 đô so với thời Trump. Chưa kể việc các nhân công sẽ giảm năng xuất, học sinh sẽ học ít hơn, và lương bổng không theo kịp lạm phát.

Thực trạng kinh tế Mỹ sau hai năm dưới tay thuyền trưởng Biden, là một bức tranh xấu vô cùng trong con mắt của gần 80% dân Mỹ trực diện với những khó khăn cụ thể trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa là dân Mỹ KHÔNG tin tưởng vào Bidenomics. Theo một thăm dò đầu tháng 5 vừa qua của báo loa phường Washington Post, 78% dân Mỹ cho rằng tình hình kinh tế rất xấu, chỉ có 21% cho là kinh tế tốt. Kết quả này cũng tương tự như thăm dò của Gallup: 75% cho rằng tình hình kinh tế ngày càng xấu, trong khi chỉ có 19% cho rằng kinh tế đang tiến triển tốt.

Quý độc giả không cần phải tin những thăm dò trên vì chưa chắc đã chính xác hết. Quý ông ở Bolsa chỉ cần hỏi quý bà đi chợ Thuận Phát lúc này giá cả ra sao rồi? Tiền gạo, tiền nước mắm, tiền trứng gà,… cao hơn năm ngoái hay thấp hơn? Tăng nhanh hay tăng chậm? Hay quý vị chỉ cần móc bóp ra trả tiền tô phở thì biết ngay tình hình kinh tế trong hai năm qua dưới thời Biden như thế nào. Khỏi cần tranh cãi với bạn bè mất tình bạn. Cứ bình tĩnh tự kiểm tra rồi tự nhận định. Không có lý luận, diễn văn nào có thể khỏa lấp thực tế, che mắt được người dân hết, trừ phi người dân đó muốn tự mình bịt mắt, bịt tai vì thành kiến phe đảng.

B) Bidenomics trong tương lai

Trong mùa vận động tranh cử, không thể chỉ nói chuyện quá khứ, mà quan trọng hơn, phải chú trọng vào tương lai, tức là phải hứa trăng hẹn biển. Nhìn vào tương lai, cụ Biden long trọng cam kết Bidenomics sẽ đặt trọng tâm vào 1) đầu tư vào tương lai, 2) gia tăng thế lực nhân công, và 3) giảm chi phí. Nghĩa là gì?

1) Đầu tư vào tương lai

Dịch ra tiếng nôm cho dễ hiểu, đó là chính sách đầu tư bỏ dầu xăng, chú tâm vào phát triển nguồn năng lượng sạch như gió, ánh sáng mặt trời và điện.

Đây hiển nhiên là chủ trương của giới cấp tiến, mà một cách thực tế, chẳng ai có thể khẳng định sẽ là giải pháp thật cho tương lai. Không biết bao nhiêu khoa học gia bảo thủ đã đặt vấn đề. Tất cả còn trong vòng tranh cãi, chẳng ai nhất trí đâu là lợi, đâu là hại. Chỉ biết Biden đã đầu tư rất mạnh vào xe điện, mà cho đến nay, xe điện vẫn chưa chứng minh được đó là giải pháp của tương lai. Chưa ai chứng minh được nước Mỹ sẽ có đủ khả năng nhận mấy trăm triệu chiếc xe điện như Biden quảng bá, có đủ trạm sạc điện, đủ điện và nhất là người dân sẽ có đủ tiền để đổi xe điện.

Một chuyên gia nhận định đây không phải là một đầu tư kinh tế hay xã hội mà chỉ là một đầu tư chính trị (not an economic or social investment, just a political investment), để lái nước Mỹ qua các chính sách của phe tả thôi.

2) Tăng thế lực nhân công

Cụ Biden gọi là ’empowering workers’.

Trong chính sách kinh tế quốc gia, khối bảo thủ chủ trương chính sách gọi là ‘kinh tế nhỏ giọt xuống dưới’ -trickle down economy. Nghĩa là kinh tế mạnh từ trên xuống dưới: củng cố các đại tập đoàn và gia tăng thế lực của tài phiệt, để phát triển kinh tế, khiến cả nước giàu, dân mạnh.

Biểu đồ trên giải thích rõ ràng chính sách kinh tế nhỏ giọt từ trên xuống: nhà giàu có tiền đầu tư tạo công ăn việc làm, đưa đến gia tăng khối cầu, đưa đến nhân công được lương cao hơn, và Nhà Nước tăng thu nhập thuế. Chính sách kinh tế này đã được TT Reagan tận dụng, đưa đến việc cứu Mỹ ra khỏi cái hố TT Carter đã chôn kinh tế Mỹ.

Kinh tế nhỏ giọt từ trên xuống có ba nền tảng: giảm thuế đồng loạt, tự do hóa kinh doanh thương mại, và cắt bỏ luật lệ và thủ tục hành chánh rườm rà. Đó cũng chính là những việc TT Trump đã làm, đưa đến những thành quả kinh tế kỷ lục.

Khối cấp tiến thiên tả chủ trương ngược lại: gia tăng chú tâm vào hạ tầng thấp nhất, nghĩa là vắt sữa nhà giàu để chuyển tải sản và lợi nhuận qua khối dân lao động thấp nhất, đẩy khối này lên để cả nước phát triển một cách công bằng, kiểu như mực nước tăng đẩy tất cả các con thuyền lên cao hơn. Thêm vào đó, gia tăng vai trò kiểm soát và điều hành của Nhà Nước qua các luật lệ và thủ tục kinh doanh nặng nề nhất.

Lý thuyết này nghe bùi tai vì có vẻ công bằng hơn, và lo cho tuyệt đại đa số dân chứ không phải chỉ lo cho đám thiểu số nhà giàu. Thực tế là trong mấy thập niên qua, từ ngày các quốc gia Âu Châu nhẩy bổ vào các chính sách thiên tả, ta đã thấy tất cả các nước xã nghĩa, từ đỏ đậm như Liên Bang Xô Viết tới hồng nhạt như Anh, Pháp,… tất cả đều đã gặp khủng hoảng kinh tế lớn, đã thất bại khi tuột hậu nặng so với phát triển kinh tế ở Mỹ. Các cụ tị nạn chỉ cần so sánh tình trạng của chính mình, tị nạn tại Mỹ, so với các bà con, bạn bè tị nạn bên Âu Châu thì thấy ngay chính sách nào giúp dân giàu mạnh nhiều hơn và nhanh hơn.

3) Giảm chi phí

Đây chính là điểm láo xạo nhất. Không cần bàn giông dài, chỉ cần nhìn vào tình trạng lạm phát trong hai năm qua thì thấy ngay Bidenomics ‘giảm chi phí’ như thế nào.

————

Nhìn cho kỹ vấn đề, Bidenomics thật ra chỉ là con quái thú mới được đẻ ra vì nhu cầu vận động tranh cử. Nếu đó thật sự là chính sách của Biden đã có ngay từ đầu thì nhìn vào quá khứ để suy đoán tương lai, nếu Biden tái đắc cử, Bidenomics được áp đặt triệt để trong sáu năm tới, thì nước Mỹ sẽ gặp đại họa kinh tế lớn gấp bội đại họa kinh tế Carter, dân cả nước Mỹ sẽ có quyền … đi bán muối hết.

Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 7/7/2023

ĐỌC THÊM:

Thất bại của Bidenomics – Washington Times:
https://www.washingtontimes.com/news/2023/jul/4/editorial-failure-of-bidenomics/

– Bidenomics sẽ không cứu Biden – Free Beacon:
https://freebeacon.com/columns/bidenomics-wont-save-this-presidency/

– Bidenomics theo GS Harvard – FoxNews:
https://www.foxbusiness.com/economy/harvard-economist-explains-bidenomics-president-touts-economy-speech-people-happy

– Cái hại của Bidenomics – GS kinh tế ĐH Chicago:
https://www.foxbusiness.com/economy/us-human-capital-crisis-decades-budget-watchdog

– Biden nói láo về kinh tế – CNN:
https://www.cnn.com/2023/01/28/politics/fact-check-biden-economic-speech-january-2023/index.html

1 Comment

  1. Ông Biden đi cộng du, họp báo tụ nêu thành tích tạo trên 13 triệu công việc làm mà ông cho là chưa TT nào đạt được thành tích vĩ đại như thế:
    – Nhiều kinh tế gia phủ nhận việc này vì nhân công trở lại làm việc cũ sau Covid, chứ không phải ai tạo ra công việc mới!
    – Nếu công việc mới ” vô địch ” như ông Biden tuyên bố thì Bộ trưởng Lao Động Martin Walsh đã không từ chức sau 2 năm nhận việc!
    – Nếu trên 13 triệu công việc mới do ông Biden tạo ra thì lạm phát không gia tăng, thuế thu vào lại nhiều hơn thì làm gì có nợ trần mà ông phải xin Quốc hội chấp thuậc trong 2 năn qua?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*