Muốn ăn mắm kho chỉ cần nửa ký lô mắm sặc, cho vô nồi nấu với hai lít nước lã để thịt con mắm rã ra. Lấy cái rây lược bỏ hết xương cá, nêm thêm bột ngọt, muối, đường, gốc sả đập hơi dập để tinh dầu xả tiết ra, rồi cột lại thành một nắm.
Chờ nồi mắm sôi lên, cà tím cắt khúc dài chừng ba, bốn phân, chẻ đứng, thả vài khứa cá ba sa vào. Cá ba sa là nhứt hạng, ăn mới đã. Không có con cá nào, kể cả cá lóc, cá ngát đua lại với cá ba sa trong nồi mắm kho nầy đâu! Thêm vài lát thịt ba rọi xắt nhỏ. Nhắc nồi xuống rưới nước mỡ tỏi phi lên mặt.
Nồi mắm kho bốc khói thơm phức, quyết liệt tấn công vào khứu giác; ai mà không ứa nước miếng cho được chớ?
Mùa gió chướng, sa mưa giông, người ‘ơn ớn’ lạnh; khỏi cần ‘aspirin’, chỉ cần ‘em yêu’ chơi cho một nồi mắm kho là giải cảm.
* * *
Ông bà mình đã dạy: “Đói ăn rau! Đau uống thuốc!”
Rau ăn với món mắm kho là các vị thuốc Nam, rau cỏ miền Tây, do ông Trời hào phóng ban cho như : rau đắng, rau nhút, rau dừa, rau má, rau muống chẻ, rau diệu, rau mát, rau ngổ, rau dền, rau càng cua, lá lốt, lá chùm ruột, lá vông nem, bông bí rợ, bông so đũa, bông lục bình, bông điên điển; đọt bầu, đọt bí rợ, đọt bí đao, đọt mướp, cải trời; có đầy dẫy trong vườn hay ngoài ruộng.
Mỗi loại rau có cái vị khác nhau; đăng đắng, chát chát, chua chua hòa quyện với nước mắm kho đâu phải đâu cũng có; kể cả nước Úc nầy đây, cho dù đứa nào giàu nứt đố đổ vách, rủng rỉnh xu hào muốn mua cũng làm gì mà có!
Nhiều loại rau như vậy nhưng khi ăn mắm kho có ít nhứt ba loại không thể nào thiếu cho được! Đó là rau ngổ, cọng bông súng và hẹ ruộng.
Rau ngổ mọc dưới ao, ruộng, đìa, láng ngập xăm xắp nước ở Miền Tây mới có. Thân rỗng giống rau muống, lá nhỏ và dài giống lá rau răm nhưng có răng cưa xung quanh. Vị đắng nhẫn nhẫn, dai dai giòn giòn Khi ăn chỉ lấy phần cọng rau, tuốt bỏ hết lá đi.
Ca dao cũng có câu:
“Muốn ăn bông súng mắm kho.
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm!”
Mắm kho không thể nào thiếu cọng bông súng cho được.
Cọng bông súng khi tước vỏ rất giòn dễ gãy, dùng dao tước mỏng, rồi chỉ cần bẻ thành từng khúc.
Nhưng tại sao rau ngổ và cọng bông súng chan với nước mắm kho lại ngon? Tui cho rằng do những khoảng không trong cọng bông súng, rau ngỗ, rau nhút, cà tím hút nước mắm kho vào rồi hòa quyện với nhau. Chớ không phải mắm đi đằng mắm; rau đi đằng rau đâu.
Cái anh hẹ nước nầy cũng vậy! Hẹ nước lá mỏng, có gân trắng chính giữa mỏng, mềm, xanh nhàn nhạt như lá sả, xốp và giòn. Chính vì xốp do có nhiều khoảng không để thấm thấu nước mắm kho vào.
Do đó, ông bà mình ăn món gì phải đi với rau gì mới đặng là một kinh nghiệm ăn uống hay hết biết, tích lũy từ mấy trăm năm khẩn hoang ở miền Nam chớ hổng phải chuyện một ngày một buỗi. (Xin đừng có mà giỡn mặt!)
* * *
Mùa nắng ruộng khô rang, nứt nẻ, không có cây cỏ gì sống được. Vậy mà mùa nước nổi từ tháng Bảy tới tháng Mười âm lịch không cần gieo, không cần trồng gì hết, như lúa ma trên đồng nước nổi tới đâu là hẹ nước nó đua tới đó.
Ruộng hẹ thường nước rất trong nên bà con mình phải đi theo lối, nhổ hết chỗ này mới đến chỗ khác để tránh làm đục nước không thấy hẹ. Bụi hẹ mềm, rễ chùm ngắn bám vào đất bùn nên nhổ cũng dễ. Thông thường, khi nhổ từ đầu đến cuối ruộng thì hẹ mới cũng đã mọc lên thay thế.
Ruộng đồng bưng nước càng sâu, lá hẹ càng dài, màu lá càng xanh nhạt, trong sáng, bề rộng lá lớn khoảng một phân. Ruộng nước thấp lá hẹ ngắn và màu sậm hơn, lá cũng dày hơn, bề rộng lá nhỏ hơn. Hẹ ở ruộng thì xốp, giòn và thơm hơn là hẹ mọc ở đáy mương.
Lội xuống ruộng sâu, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ. Nhổ về, ngâm trong thau nước khoảng một giờ đồng hồ để rửa phèn và sình. Xong xếp ngay ngắn đầu theo đầu, đuôi theo đuôi trong cái rổ lớn cho ráo nước. Lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi, cuộn nó lại cỡ ngón chưn cái.
* * *
Hẹ nước được bà con mình ăn sống chấm nước cá kho, thịt kho nhưng ngon nhất là chấm mắm kho. Chấm với mắm kho, rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, vừa giòn tan, vừa mềm, vừa ngọt, vừa mát lạnh trong cổ họng, thiệt không có thứ rau nào có thể chiếm được ngôi bá chủ võ lâm trong các giống rau dùng ăn lẩu mắm.
Bưng chén đầy rau và hẹ ruộng không cần thêm bún mà chi, gắp thêm miếng cá ba sa chấm muối hột và ớt sừng trâu giả cho dập dập mới đặng. Ngon nhứt, mồi bắt nhứt là phần ức có mỡ hoặc thịt hai bên má của cái đầu cá ba sa. Gắp vài miếng thịt ba rọi, miếng cà tím, múc mắm kho chan ngập vào, thêm một lát ớt sừng trâu chín đỏ xắt miếng xéo xéo (cho miếng ớt được lớn).
Xong kính cẩn bưng chén lên lua vô họng, nhai rau ráu. Bên cạnh có ca nước mưa còn có tiền thì chơi một chai la de con cọp của BGI để giải khát vì dẫu sao mắm kho cũng còn hơi mằn mặn làm mình khát nước!
* * *
Ở Mỹ Tho có cái địa danh ‘Chợ Bưng’! (quê của bà Ngoại tui). Hồi xưa tui cứ tưởng bà con mình đi chợ nầy mua gánh, bán bưng không hè; sau ngẫm lại không phải. Chợ Bưng là chợ của đồng Bưng; nơi đất nhiễm phèn nên có rất nhiều hẹ nước. Không có bán hẹ nước ngoài Chợ Bưng vì một lẽ muốn ăn với mắm kho thì cứ ra ruộng mà nhổ về ăn, ngu sao mà mua hè?
Tháng Bảy tới tháng Mười âm lịch hằng năm vào mùa nước nổi. Vùng trũng Đồng Tháp Mười, nơi giáp ranh biên giới Campuchia, do mưa kéo dài nên nhiều sông ngòi, kinh rạch, đồng đất đã có nước về. Dẫu nước chưa nhảy lên bờ nhưng cũng bắt đầu lé đé và đó cũng là lúc những đám hẹ nước không biết từ đâu ngoi lên giữa mênh mông đồng nước.
Tuy nhiên có không ít dân Sài Gòn hay ngay cả người miền Tây vẫn chưa biết tới loại hẹ nước độc đáo nầy. Như miệt Cần Thơ, mấy em mình nói với tui rằng sao em hổng thấy hẹ nước đó anh hai? Tại sao vậy? Chẳng qua thằng Tây nó ác lắm (He he) cho xáng cạp, xáng múc đào kinh dẩn nước rửa phèn; rồi phù sa sông Hậu bồi lắp bưng biền ngày một chút thành đồng bằng, thành đất thuộc để bà con mình lên liếp lập vườn hết ráo. Mà hẹ nước chỉ khoái mọc hoang trong bưng biền còn nhiễm phèn vào mùa nước nổi; nên miệt vườn Cần Thơ làm sao có nó cho em thấy, em ăn?
* * *
Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã từng nhiều lần mất nước. Nhưng tập đoàn thống trị ‘cà chớn’ phương Bắc có bao giờ thành công trong việc đồng hóa dân ta đâu?
Ngày nay, dân tộc Việt Nam mình đang chìm trong vận hạn, trong sự áp bức gông cùm của chủ nghĩa CS độc tài kềm kẹp tự do. (Một hệ thống mục ruỗng, băng hoại từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, một hệ thống làm đâu sai đấy; sai rồi lại sửa; và sửa rồi lại sai).
Tuy nhiên sức sống của dân tộc chúng ta giống y chang như sức sống của loài hẹ nước là vô cùng bền bỉ lớn lên và tồn tại suốt cuộc đời trong nước. Hẹ nước cũng như đất nước mình không phải của riêng ai; không phải của riêng bất kỳ một đảng phái chánh trị nào hết ráo mà là chung của chúng ta.
Cây hẹ khi nước cạn chúng lụi tàn, chỉ còn chút củ chìm trong đất. Khi mùa nước nổi về, đất biến thành bùn nhão, cộng thêm nước khiến củ nó bung ra, mọc thành cây.
Cũng giống như thân phận của bà con mình sau 75, mất nước là héo rũ đi. Tưởng là chết ráo nhưng không, nó chìm, chìm xuống nhưng vẫn tiếp tục tồn sinh để chờ thời cơ đến. Chỉ cần có nước là nó lại đâm chồi, lại mọc.
Tui tin chắc như bắp vào tương lai của dân tộc mình. Như bà con mình đã từng dỏng dạc tuyên cáo với Tàu Cộng và Việt Cộng là: “Tao không chết đâu bây! Chỉ cần có nước về, là như loài hẹ ruộng tao sẽ sanh sôi nẩy nở! Không gì mà cản cho được!”
Đoàn Xuân Thu
Melbourne, Úc
Be the first to comment