Chính Sách Da Đen Của Biden

Từ ngày cụ Biden tuyên thệ nhậm chức, chính sách của chính quyền Mỹ đối với khối dân da đen đã có thay đổi lớn, được đánh dấu bởi việc đi sâu thêm cả chục bước nữa vào cái mà kẻ này gọi là ‘chính sách thượng tôn da đen’, hay nếu muốn nói kém lịch sự hơn thì phải gọi là ‘chính sách nịnh dân da đen’.

Trước khi các cụ vẹt tị nạn nhao nhao nổi giận, tố cáo Vũ Linh này thuộc loại dân man rợ, giờ này đầu óc vẫn còn kỳ thị da đen, xin các vị đó bình tĩnh, kiên nhẫn đọc bài dưới đây.

Bây giờ, ta… vào đề.

Tất cả những ai theo dõi tin thời sự từ vài năm qua, nhất là từ ngày cụ Biden chấp chánh, đều thấy rõ chính quyền Biden một cách công khai, không e lệ, dấu diếm gì, đã tung ra một chính sách nói nặng thì gọi là thượng tôn da đen, nói nhẹ thì là ưu đãi dân da đen. Đây là chuyện hiển nhiên, cả thế giới đều thấy.

Công bằng mà nói thì ngay từ thời Obama, ta đã thấy một chuyển hướng trong tư duy của dân Mỹ đối với dân da đen.

Obama đắc cử TT phần lớn nhờ dẻo lưỡi, có cái duyên cá nhân thu hút được cử tri, có cái tài bắt mạch chính trị để có thể hứa hẹn và cố thực hiện những gì mà đa số dân Mỹ muốn thấy, bất kể thực hiện được hay không. Nói tóm gọn lại, khó ai chối cãi được Obama là một thiên tài chính trị, hiểu và biết khai thác mô thức dân chủ ma-dzê in USA để đi đến thành công. Đồng ý với ông hay không là chuyện khác.

Tuy nhiên, cũng phải nói ngay, một lý do khác đưa đến thành công của Obama là mặc cảm của đại đa số dân da trắng Mỹ, cảm thấy hổ thẹn với lương tâm chính mình và trước cả thế giới khi vẫn bị cả thế giới coi như là xứ man ri mọi rợ thua xa dân khai phóng Âu Châu, khi vẫn còn kỳ thị da đen quá nặng, do đó, đám da trắng, nhất là khối gọi là ‘trí thức’, tìm cách xóa bỏ cái thành kiến kỳ thị bằng cách biểu diễn cho cả thế giới và cho ngay cả chính họ, thấy rõ họ KHÔNG kỳ thị, bằng cách bầu một anh da đen làm TT, bỏ qua mọi tiêu chuẩn khác như khả năng hay kinh nghiệm an bang tế thế. Khi anh da đen này đắc cử TT thì những anh da trắng này, nhất là trong giới truyền thông, ồn ào tung hô việc bầu một ông da đen làm TT đánh dấu sự cáo chung của nạn kỳ thị da đen ở Mỹ. Ngay cả cụ VVL nhà ta, tuy chỉ là Mỹ giấy, cũng run sợ cái mặc cảm kỳ thị nên phải cố đấm ngực tâng bốc và bầu cho Obama để chứng minh mình không dám kỳ thị dân da đen đâu. Cái mâu thuẫn khổng lồ mà họ không muốn thấy, là bầu một TT vì màu da của ông ta sao lại có thể xoá bỏ việc phân biệt đối xừ vì màu da?

Chẳng những vậy, mà ngay cả trong thời Obama nắm quyền, những người chống đối ông hay chính sách của ông cũng đều phải uốn lưỡi bẩy lần trước khi dám lên tiếng công kích TT vì sợ mang tiếng là kỳ thị da đen. Và Obama cũng rất ranh ma, khoác ngay cái áo giáp da đen lên người làm bia đỡ đạn chống đỡ mọi chỉ trích. Nôm na ra, màu da chưa khi nào quan trọng như dưới thời Obama, sao có thể nói nước Mỹ đã hết phân biệt màu da?

Bù lại, Obama cũng phải nhìn nhận rất tế nhị, không dám tung ra những chính sách thiên vị dân da đen quá nhiều để tránh mang tiếng và giữ hậu thuẫn của giới trí thức da trắng.

Đến thời ông da trắng Biden lên thì cái tế nhị Obama cần có đã không cần thiết nữa. Và Biden công khai công kênh khối dân da đen lên vai, lên đầu.

Câu hỏi là tại sao phải làm vậy?

Trên căn bản, chính sách ‘thượng tôn da đen’ của Biden đáp ứng nhiều nhu cầu của ông, đảng DC và cả khối cấp tiến như ta sẽ xem qua dưới đây.

1. Nhu cầu xã hội

Điều hiển nhiên trong tất cả mọi xã hội từ ngàn xưa tới nay là xã hội có bất công thì sẽ không có ổn định, sẽ có nổi loạn lớn hay nhỏ. Tất cả các cuộc cách mạng lớn của nhân loại từ cách mạng thành lập ra cái xứ Mỹ này tới các cuộc cách mạng khác của Pháp, Nga, Tầu,… đều xuất phát từ sự nổi giận của một khối dân bất mãn vì bị đối xử tồi tệ.

Vấn đề dân da đen ở Mỹ cũng nằm trong quy luật này. TT Lincoln của Mỹ đã có viễn kiến hơn người nên nhất quyết phải chấm dứt thảm trạng nô lệ da đen để tránh những bất công quá đáng sẽ giết cả nước về lâu về dài, chưa kể việc cái gông nô lệ đi ngược lại mọi nguyên tắc nhân bản nền tảng nhất.

Nội chiến của Lincoln chấm dứt chế độ nô lệ bất nhân, nhưng chỉ phá vỡ được cái gông nô lệ, vẫn chưa xóa được tất cả những đối xử không công bằng đối với dân da đen. Tới thời TT Johnson thì có thêm nhiều tiến bộ khi TT Johnson tung ra những luật cải tiến tình trạng dân da đen, từ nhân quyền (hết kỳ thị trên xe buýt, trong trường học, tiệm ăn,…) tới dân quyền (được đi bầu).

Đó là những bước tiến khổng lồ. Dù vậy, thực tế cuộc sống vẫn mang lại nhiều thiệt thòi cho khối dân da đen. Đây cũng vẫn là khối nghèo nhất, ít học nhất, ít quyền hạn lãnh đạo nhất,… Là khối ‘công dân hạng hai’ trong xứ Mỹ này. Nghĩa là vẫn còn cần nhiều thay đổi để khối dân này có thể coi như ngang hàng với khối dân da trắng, giảm bất mãn, củng cố an ninh xã hội.

Và đó chính là nhu cầu lớn trong chính sách an bang tế thế của cụ Biden.

Việc cần nâng đỡ, bảo vệ khối dân da đen nhiều hơn nữa là việc làm đúng, cần phải làm. Nhưng Biden đã làm sai.

Cả ngàn dân da đen bị bắt vì nổi loạn, đốt xe, phá nhà, cướp cửa tiệm nhân vụ tên du thủ du thực George Floyd bị chết dưới đầu gối cảnh sát da trắng. Đó là dưới thời Trump. Biden lên nắm quyền, tất cả được tha bổng hết, không một người nào bị truy tố bất cứ tội gì. Đám cảnh sát bị coi là thủ phạm giết chết Floyd lãnh những án nặng nề nhất. Floyd được cả quốc hội DC quỳ gối tạ lỗi.

Dưới khía cạnh tư pháp, tức là vấn đề an ninh trật tự công cộng, việc chính quyền Biden lo bảo vệ khối dân da đen, tránh truy tố họ khi họ phạm tội, hay né trừng trị quá tay những hành động gây hại của họ, đã đưa ra một thông điệp sai lệch. Khiến một số không nhỏ dân da đen hiểu lầm họ đã trở thành một thứ mà Mỹ gọi là ‘untouchables’, tức là bất khả… đụng tới. Kể cả khi họ phạm tội. Đẻ ra một tình trạng quái lạ. Vì muốn tránh bất ổn xã hội, Biden tung ra chính sách đưa đến… bất ổn xã hội như chưa từng thấy. Nạn trộm cướp, công khai hôi của, bắn giết ào ạt trong các khu dân da đen, hoành hành đúng là … như chưa từng thấy.

2. Nhu cầu kinh tế  

Dân giàu nước mạnh, ai cũng biết châm ngôn này. Dân giàu có nghĩa là tất cả mọi người, kể cả dân da đen dĩ nhiên cũng phải giàu. Nhưng trong cái xứ thành đồng của kinh tế thị trường, chính quyền bị nhiều giới hạn, khó điều khiển guồng máy kinh tế theo ý muốn, nên khối dân da đen nghèo nhất vẫn nghèo nhất, chính quyền trên thực tế chỉ có thể giúp khối dân da đen qua các chính sách liên quan đến các trợ cấp đủ loại. Nhưng cũng vậy, chính sách của Biden chẳng giúp gì nhiều khối dân đen mà chỉ sinh ra đủ loại lạm dụng, khai thác kẽ hở, kiểu như khuyến khích khai gian tình trạng gia đình, hay phá vỡ nền tảng gia đình, khuyến khích phá thai loạn xà bần,…

Chuyện quái lạ hơn cả là chính sách ưu đãi dân da đen của Biden đã khiến khối dân này tự cho mình quyền vòi đủ loại bổng lộc, thậm chí đòi cả bồi thường tài chánh cho mỗi ông bà da đen hiện đang sống ở Mỹ. Nếu chuyện này thành sự thật thì thực tế sẽ có nghĩa là những anh nông dân cầy sâu cuốc bẩm Mỹ ruộng sẽ phải đóng thuế trả tiền ‘bồi thường’ cho các anh cầu thủ bóng rổ triệu phú như Michael Jordan. Dựa trên nguyên tắc những người chưa bao giờ sở hữu một nô lê da đen nào phải bồi thường cho những người da đen chưa một ngày làm nô lệ cho ai hết. Một anh Việt qua Mỹ tị nạn chẳng dính dáng xa gần gì đến chuyện nô lệ da đen của thế kỷ trước, cũng vẫn phải è cổ ra đóng thuế ‘bồi thường’ cho chị tỷ phú Oprah Winfrey. Ai thấy có lý, xin giơ tay!

3. Nhu cầu y tế

Nhà Nước có trách nhiệm lo cho sức khỏe người dân, kể cả dân da đen tất nhiên. Nhưng Obamacare mà cụ Biden thừa hưởng từ ông xếp cũ, vẫn chẳng có một thành tích cụ thể lớn nào, vì thực tế, Obamacare chỉ giúp giải quyết hậu quả -tức là giúp chữa bệnh- trong khi nguyên nhân của bệnh -tức là tình trạng nghèo khổ, sống thiếu vệ sinh đẻ ra bệnh- vẫn chẳng có giải pháp. Mà ngay cả trong Obamacare, Biden cũng chẳng nghĩ ra được chuyện để cải tiến thêm.

4. Nhu cầu giáo dục

‘Affirmative action’ là chính sách xác định nhu cầu giúp dân da đen, xuất hiện từ ngay sau khi nội chiến Mỹ chấm dứt cách đây hơn trăm năm. Chính sách này khi đó nhắm vào việc bảo đảm dân da đen có được việc làm trong thị trường lao động. Lúc sau này, từ thời TT Johnson ra những luật bảo vệ nhân quyền và dân quyền cho dân da đen, chính sách này lan qua phạm vi giáo dục, bắt các trường từ tiểu học đến đại học phải tiếp nhận, hay đi xa hơn nữa, dành một số tối thiểu ghế nhà trường cho khối da đen. Ngay cả việc thi cử cũng phải có điểm ưu đãi cho học sinh và sinh viên da đen để giúp họ có cơ hội vào học. Không khác gì chế độ giáo dục VC với con liệt sĩ được thêm điểm trong khi con ngụy bị trừ điểm.

Trên nguyên tắc, lý do đưa ra là vì học sinh và sinh viên da đen từ hồi nào tới giờ đã không được hưởng nền giáo dục rộng rãi và đầy đủ như khối da trắng, nên khó cạnh tranh được với học sinh và sinh viên da trắng. Không giúp thì họ sẽ vĩnh viễn bị thiệt thòi, kềm hãm và không bao giờ vào học đại học và ngóc đầu lên nổi, để rồi khi ra đời, cũng thua thiệt khối dân da trắng. Trên thực tế, chế độ ưu đãi đưa đến tình trạng kỳ thị ngược, nhiều học sinh và nhất là sinh viên đại học da đen được ưu tiên nhận vào học cho dù chưa đủ điều kiện hay thi vào trường với số điểm thấp, trong khi nhiều sinh viên da trắng và da vàng thi đậu cao hơn, đầy đủ điều kiện hơn lại bị loại để nhường chỗ cho khối da đen.

Cái sai lầm căn bản là tìm cách chữa bệnh kỳ thị da đen bằng cách kỳ thị da trắng. Hiển nhiên không thể là thuốc chữa bệnh hữu hiệu, mà chỉ là thuốc… chuyển bệnh, chuyển bệnh từ khối dân này qua khối dân khác. Đi xa hơn nữa, chính sách này đi ngược hẳn lại nguyên tắc  tất cả mọi công dân phải được đối xử công bằng, được ghi nhận rõ ràng trong Hiến Pháp liên bang. Để rồi mới đây, trong một phán quyết lịch sử, Tối Cao Pháp Viện liên bang đã bác chính sách ‘affirmative action’, vì là chính sách vi phạm Hiến Pháp, đã đối xử không công bằng với tất cả mọi công dân.

Affirmative action là chuyện cũ, đã có từ lâu, không phải chính sách do Biden mới sáng chế ra. Tuy nhiên, việc áp đặt chưa bao giờ cứng rắn hơn dưới thời Biden, đưa đến việc rất nhiều sinh viên, đặc biệt là Mỹ gốc Á đông đã bị thiệt thòi, không được vào đại học dù khả năng cao hơn xa nhiều sinh viên da đen được nhận. Đưa đến việc họ khởi kiện hai đại học North Carolina và Harvard. Đưa đến phán quyết của TCPV.

Các cụ vẹt tị nạn trước khi làm vẹt nhai lại những công kích của truyền thông loa phường nên nhớ lại việc bỏ luật affirmative action sẽ giúp cho chính con cháu của các cụ vào những đại học lớn dễ hơn đấy.

5. Nhu cầu chính trị 

Bầu cử nội bộ trong đảng DC năm 2020, cụ Biden liên tục trong những tiểu bang bầu đầu tiên, bị thảm bại dưới tay lão đồng chí xã nghĩa Bernie Sanders. Nhiều người tiên đoán Biden đã hết thời. Tới cuộc bầu sơ bộ tại South Carolina. Đây là cuộc bầu thử thách một sống hai chết của Biden. Cụ vận động với khối chính khách da đen, nhắc lại chuyện cụ đã được đích thân ông da đen Obama lựa chọn, rồi trung thành làm thái giám đứng cạnh tung hô ông TT da đen đó trong 8 năm trời. Hiển nhiên cầu cứu khối dân da đen. Một dân biểu cột trụ trong khối da đen, nổi tiếng đã từng tranh đấu rất mạnh dưới mục sư Martin Luther King thời thập niên 1960, cũng là dân biểu South Carolina, DB Jim Clyburn, công khai lên tiếng kêu gọi cử tri da đen South Carolina bầu cho Biden. Y như rằng, Biden đại thắng tại đây, hoàn toàn nhờ phiếu cử tri da đen. Rồi từ đó, sẵn trớn, hạ luôn cụ Sanders trong một loạt bầu sơ bộ trong các tiểu bang miền nam, qua phiếu của dân da đen, rồi tiếp tục vào luôn Tòa Bạch Ốc.

Nói trắng ra, cụ Biden chính là người của khối da đen. Đưa đến tình trạng cụ phải trả nợ. Để còn tiếp tục được phiếu của họ trong kỳ bầu tới. Tung ra những chính sách hoàn toàn có lợi cho khối da đen, đến độ thiên hạ đã nhìn nhận thời Biden là thời ‘thượng tôn da đen’ trắng trợn lộ liễu nhất. Mà dĩ nhiên, cũng không phải chỉ là chuyện trả nợ, mà cụ Biden cũng thấy rõ cử tri da đen chính là  lá bùa hộ mạng của cụ, bảo đảm tương lai chính trị của cụ.

Mới đây, chính quyền Biden, trong nỗ lực ‘nịnh’ dân da đen, tự ý tung ra luật mới, xóa nợ sinh viên.

Ngay đây, phải nói cho rõ, trong những năm nước Mỹ bị vi khuẩn COVID hoành hành, cả nước gặp khó khăn kinh tế chưa từng thấy. Chính quyền Trump ra luật có tính tạm thời là cho sinh viên hoãn trả nợ một thời gian. Đại học Mỹ, nhất là các đại học tư, chém tiền không nhẹ tay chút nào. Phần lớn sinh viên học đại học phải có tiền từ gia đình hay học bổng, nếu không thì phải đi vay tiền các ngân hàng. Để khuyến khích ngân hàng cho vay, các nợ của sinh viên được Nhà Nước bảo đảm, do đó, Nhà Nước có quyền cho hoãn trả trong thời đại dịch.

Năm 2020, vài tuần trước bầu cử quốc hội giữa mùa, Biden tự ý tung ra sắc luật xóa nợ một phần cho các sinh viên. Không phải là hoãn trả nợ trong một thời gian, mà là xóa vĩnh viễn một phần nợ. Chỉ là xóa một phần, nghĩa là thực tế mà nói chỉ giúp sinh viên một phần thôi. Nhưng cái ‘phần’ này chính là khối sinh viên nghèo nhất, hay cụ thể, là khối sinh viên da đen. Trên nguyên tắc, đó là hành động giúp sinh viên nói chung, trên thực tế, ai cũng hiểu đó là hành động giúp sinh viên da đen nhiều nhất.

Nghe cũng tạm được, cho đến khi thấy đây hiển nhiên là hành động chính trị, mua phiếu cử tri sinh viên nói chung và sinh viên da đen nói riêng, chứ không phải là hành động có tính nhân bản gì. Sao lại có quyết định lớn này chì vài ngày trước ngày bầu cử quốc hội giữa mùa?

Vì đó chính là hành động đáp ứng nhu cầu chính trị của thời thế khi đó. Chính giới Mỹ chưng hững vì sắc lệnh của Biden. Tất cả các chuyên gia chính trị đều hiểu cụ Biden, cho dù trong tư cách TT, hoàn toàn không có cái quyền này. Cụ Biden chắc chắn có cả lô phụ tá và cố vấn hiểu rõ chuyện này, nhưng cụ cứ làm bừa. Trong ngắn hạn, lừa được cả chục triệu cử tri sinh viên, đen cũng như trắng, giúp đảng DC thoát được ‘cơn tsunami đỏ của CH’ trong cuộc bầu quốc hội. Trong dài hạn, giúp cụ Biden được tiếng là ưu ái sinh viên nghèo cho dù TCPV sau đó có thể bác.

Việc tất nhiên phải xẩy ra là sắc lệnh ẩu của Biden bị kiện, lên đến Tối Cao Pháp Viện luôn. Tại đây, cũng dĩ nhiên không kém, sắc lệnh đã bị phán vi phạm Hiến Pháp và không được thi hành. Có gì lạ? Chánh thẩm John Roberts viết bài giải thích phán quyết của khối đa số, đã trích dẫn nguyên văn câu nói của chính bà cựu chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi là sắc lệnh này đúng là vi phạm Hiến Pháp, lấn quyền của quốc hội là cơ quan làm luật.

Chính sách ‘nịnh’ dân da đen của Biden ở đây hoàn toàn bị thúc đẩy bởi nhu cầu chính trị, kiếm phiếu, không hơn không kém. Khối dân da đen nói chung và khối cử tri da đen đi bầu nói riêng dù sao vẫn là một thiểu số nhỏ, nhưng lại có tiếng nói chính trị cực lớn. Chẳng qua chỉ vì khối đại đa số dân da trắng -ít nhất 75% khối dân Mỹ- là khối cử tri ô hợp nhất, chia năm xẻ bẩy, từ cực hữu/trung hữu CH, tới cực tả/trung tả DC. Trong khi khối cử tri da đen tương đối thuần nhất, chính là khối cử tri trụ cột của đảng DC. Ông chính khách Biden, thành công nhờ hậu thuẫn của khối này, tất nhiên càng ngày càng lệ thuộc vào khối này, và càng ngày càng có những chính sách gọi là ‘nịnh’ họ.

6. Nhu cầu ý thức hệ

Công bằng mà nói, chính sách nịnh dân da đen không phải chỉ vì những nhu cầu nhất thời. Mà phải nhìn nhận việc đó cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu ý thức hệ của phe cấp tiến thiên tả. Với khối này, ai cũng biết, họ chủ trương công bằng xã hội phải là ưu tiên cũng như mục tiêu tối hậu của mọi chính sách trị dân. Việc cụ thể đầu tiên phải làm là mang lại công bằng xã hội cho khối dân da đen đã bị chèn ép từ hồi nào tới giờ.

Nguyên tắc hiển nhiên là đúng, cho dù không theo đường lối xã nghĩa. Bất kể quan điểm tả hữu gì gì thì ai cũng thấy xã hội cần có công bằng hơn.

Nhưng vấn đề ở đây vẫn là nhu cầu đúng nhưng cách làm sai. Xoá bỏ kỳ thị da đen là đúng và cần thiết, nhưng bằng cách kỳ thị ngược lại những ai không phải da đen là sai. Công bằng xã hội cần thiết là công bằng ở mức mọi người đều an nhàn, no đủ, chứ công bằng trước chén bo bo như dân Việt ta hay nói, hay như Mỹ nói, “công bằng trước phiếu thực phẩm” là sai.

Sau khi TCPV phán ‘affirmative action vi phạm Hiến Pháp, phải thu hồi’, cụ Biden đã mau mắn lên tiếng công kích TCPV “bất bình thường”. Theo Biden, TCPV đã không hiểu được mục đích thật sự của chính sách thu nhận sinh viên của các trường không phải là phát triển khả năng -search for excellency-, mà là tính đa dạng -diversity của trường. Để thực hiện chính sách đa dạng này, việc tuyển lựa sinh viên không phải là theo khả năng của sinh viên xin học, mà phải là theo màu da của người sinh viên đó, vì người đó là ‘đại diện’ cho một khối dân, cho dù người sinh viên đó khả năng yếu kém, đưa thành quả giáo dục của cả trường và cả hệ thống giáo dục Mỹ xuống thấp đi vài bực. Tương tự như việc ‘công bằng trước chén bo bo’, đây là chính sách ‘công bằng trước tình trạng dốt nát’. Chủ trương ‘đa dạng’ quan trọng hơn chuyện sinh viên thành tài của Biden là bài bản đề ruột của phe tả, luôn luôn cho những nguyên tắc bình đẳng bằng mọi giá là mục tiêu tối hậu của xã hội, chứ không chấp nhận cạnh tranh phân biệt ai nỗ lực, ai tài giỏi,…

Việc cụ Biden công kích TCPV là “bất bình thường’ gặp phản ứng ngược, bị ngay cả những tờ báo loa phường chỉ trích là thiếu tôn trọng TCPV là một trong ba cơ chế trong hệ thống tam quyền phân lập của thể chế dân chủ Mỹ. Cụ Biden bối rối, phân trần ý cụ chỉ muốn nói TCPV đã liên tục lật ngược nhiều luật đã được áp dụng cả mấy chục năm nay như luật phá thai, luật bình đẳng làm việc -affirmative action-, nên cụ cho đó là những quyết định bất bình thường.

Vấn đề kỳ thị trước đây được định nghĩa như cư xử theo kiểu phân biệt màu da, do đó, biện pháp để chặn kỳ thị, không kỳ thị nữa, phải là không còn phân cách, hay chính xác hơn, không còn nhìn thấy khác biệt về màu da, hay như người Mỹ gọi là ‘color blind’. Tất cả mọi người, bất kể màu da, đều giống nhau, ngang nhau về đủ chuyện, từ quyền lợi đến trách nhiệm.

Thế nhưng chuyện kỳ thị đã chuyển hướng mạnh, nhất là từ sau khi Biden lên nắm quyền nhờ hậu thuẫn của khối dân da đen.

Bây giờ, định nghĩa của kỳ thị vẫn không thay đổi, nhưng biện pháp thì đã chuyển hướng 180 đô. Bây giờ biện pháp không còn là ‘color blind’ nữa, mà trái lại, phải tìm đủ mọi cách tôn vinh khối da đen, đủ mọi cách nâng đỡ họ, dành cho họ đủ mọi ưu tiên, phải chứng minh mình đã hiểu rõ vấn đề là trước đây mình đã lạm dụng quyền thế của người da trắng, đàn áp, khai thác dân da đen quá đáng, bây giờ phải đền bù để chuộc tội. Nói chuyện ‘color blind’ bây giờ lại mang ý nghĩa là khỏa lấp tội kỳ thị trước đây, muốn xí xóa tội lỗi trước đây, do đó, vẫn là mang tội kỳ thị. Đưa đến tình trạng hiện hữu mà kẻ này gọi là ‘thời đại thượng tôn da đen’.

Một cách cụ thể, nếu bây giờ, bạn nói “Tôi không kỳ thị gì ráo, có nhiều bạn da đen, tôi coi họ ngang hàng với tôi, đối xử với họ như đối xử với tất cả bạn bè da trắng hay da vàng hay da nâu khác“, nếu bạn nói câu đó, thì bạn VẪN là người kỳ thị. Muốn chứng minh bạn KHÔNG kỳ thị thì bạn phải nói “Trước đây tôi coi thường người da đen, thậm chí lợi dụng họ, bây giờ tôi phải đền bù, coi trọng các bạn da đen hơn xa các bạn da trắng, da nâu hay da vàng khác“. Đó mới là người đã sáng mắt, đã thấu hiểu vấn đề, đã… ‘thức tỉnh’.

Trong tương lai, các sử gia nhìn vào vấn đề kỳ thị sẽ thấy nước Mỹ nhẩy từ thái cực này qua thái cực khác trong vòng nửa thế kỷ. Cách đây hơn nửa thế kỷ, thời Kennedy và Johnson, dân da đen đi xe buýt công cộng, còn phải ngồi vài ba hàng ghế cuối xe. Học sinh và sinh viên còn bị cấm cửa không được học nhiều trường trung học hay đại học, không được nhận làm việc trong nhiều công ty,… Chỉ vì màu da. Ngày nay, quái dị thay, là tình trạng trái ngược hẳn. Cũng chỉ vì màu da, dân da đen lại phải được ưu tiên vào học các trường, từ trung đến đại học, rồi được ưu tiên nhận việc làm, cho tới cả Tối Cao Pháp Viện, và cả Tòa Bạch Ốc luôn. Như cụ VVL nhà ta, ‘thức tỉnh’ hơn ai hết, hay nói như các cụ, ‘bảo hoàng hơn vua’, còn đi xa tới độ phải cầu xin cho ông da đen làm TT cơ! Bất cần biết những chuyện lắt nhắt ngoài lề vớ vẩn như khả năng hay kinh nghiệm.

Cả hai phán quyết mới đây của TCPV, phá bỏ ‘affirmative action’ và thu hồi sắc lệnh xóa nợ sinh viên, và cả nhiều phán quyết khác (xin xem trang Tin Tức tuần này, 1/7/2023) dù muốn dù không, cũng là những việc do công của 3 ông TT bảo thủ CH, Bush cha, Bush con, và Trump, qua việc họ đề cử những thẩm phán tôn trọng Hiến Pháp vào TCPV. TT Bush cha bổ nhiệm TP Clarence Thomas, TT Bush con bổ nhiệm các TP John Roberts và Samuel Alito, TT Trump bổ nhiệm các TP Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Barrett. Nhưng thực tế mà nói, chính sách thượng tôn da đen của chính quyền Biden sẽ còn được duy trì, níu kéo, ít ra cho tới khi cụ hết nắm quyền. Sau đó cũng sẽ chưa biến mất một sớm một chiều đâu.

Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 30/6/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*