Tại một điểm ghi danh bầu cử của cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Falls Church, Virginia (Ảnh: Bill O’Leary/The Washington Post via Getty Images)
Một cuộc khảo sát mới nhất do cơ quan nghiên cứu Pew Research thực hiện cho thấy những người gốc Á nào ở Mỹ càng lâu thì càng nghiêng về phía Cộng Hoà hơn những thế hệ di dân đầu tiên, và càng tiến gần đến tỉ lệ của chung của cả nước.
Cuộc khảo sát thăm dò ý kiến hơn 5,000 cử tri – những người có ghi danh đi bầu (registered voters), từ tháng Bảy năm 2022 đến tháng Giêng năm 2023. Chương trình được thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ chứ không chỉ bằng tiếng Anh. Sơ đồ dưới đây liệt kê kết quả của sáu nhóm Á Đông lớn nhất, trừ dân gốc Nhật vì không đủ số người tham dự. Người gốc đảo Thái Bình Dương – Pacific Islanders, kể cả Hawaii, không có mặt.
Sau đây là sơ lược những khám phá quan trọng.
Những Con Số
Nhìn một cách tổng quát, khoảng 62% cử tri gốc Á hiện nay nghiêng về phía đảng Dân Chủ, so với 34% nghiêng theo đảng Cộng Hoà. Tuy nhiên, tỉ lệ Cộng Hoà trong số những người sinh ngoài nước Mỹ (foreign born) lại lên đến 39%.
Ngoài ra, thời gian cũng làm thay đổi cách nhìn của những người thuộc thành phần foreign born này. Trong số người chỉ ở Mỹ từ 11 đến 20 năm, tỉ lệ theo Cộng Hoà là 32%, nhưng từ 20 năm trở đi thì tỉ lệ này tăng lên đến 40%.
Tương tự như thế, khoảng 40% người gốc Á sinh tại Mỹ (native born) thuộc thế hệ thứ ba về sau nghiêng sang Cộng Hoà, so với 25% thuộc những thế hệ đầu. Điều này có nghĩa là càng ngày khối cử tri gốc Á nói chung càng đến gần với mức trung bình trên toàn quốc. Hiện nay cử tri Mỹ chia phe khá đều giữa hai đảng Dân Chủ (47%) và Cộng Hoà (48%).
Đào sâu vào những thông số, ta thấy có sự khác biệt khá rõ nét giữa cử tri gốc Việt và Hoa so với các cộng đồng lớn khác. Đại đa số người Ấn (68%), Hàn (67%) và Phi (68%) bầu cho đảng Dân Chủ. Trong khi đó chỉ có 56% cử tri gốc Hoa và 42% cử tri Việt là nghiêng theo Dân Chủ. Tuy nhiên, 68% cử tri gốc Á nói chung cho rằng điều quan trọng nhất trong nhà lãnh đạo là “người ấy phải đại diện cho những mối quan tâm của họ.” Điều này chứng tỏ người Mỹ gốc Việt quan tâm đến những thứ rất khác với cộng đồng Á Đông nói chung, luôn cả cộng đồng người Hoa. Ví dụ gần đây nhất là sự ủng hộ nhiệt liệt của người Việt cho Donald Trump, kể cả sau khi xảy ra cuộc phiến loạn 6 tháng Giêng.
Nạn Kỳ Thị
Theo thống kê nhà nước, số người Mỹ gốc Á hiện nay là 24 triệu, tức khoảng 7% dân số nói chung. Nghiên cứu riêng của cơ quan Pew cho biết có khoảng 68% người lớn gốc Á sinh ra ở ngoài nước Mỹ. Mặc dù họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau và biết khá rõ về những khác biệt văn hoá của nhau, người gốc Á vẫn cho là mình thuộc khối Asian-American nói chung. Đa số nói rằng những gì xảy ra cho cộng đồng gốc Á đều có ảnh hưởng đến đời sống riêng của họ.
Từ khi có đại dịch Covid, người Mỹ gốc Á phải đối diện với sự kỳ thị chủng tộc ngày càng nghiêm trọng, nhất là đối với cộng đồng người Hoa (kể cả từ Đài Loan và Hong Kong). Phần lớn sự kỳ thị này bị kích động bởi những ngôn từ chính trị nặng mùi chủng tộc xuất phát từ vị tổng thống thứ 45 và những viên chức đảng Cộng Hoà các cấp vào thời Covid đang hoành hành.
Một cuộc khảo sát do Đại học Columbia thực hiện gần đây cho biết trong vòng một năm qua, ¾ người Mỹ gốc Hoa nói họ đã gặp phải những trường hợp bị kỳ thị. Cơ quan FBI báo cáo con số hate crimes – tội ác gây ra bởi sự thù ghét, đối với người Mỹ gốc Á đã gia tăng đáng kể vào năm 2021, tức sau khi ông Trump thất cử. Chỉ riêng tại San Francisco, số tội phạm này đã tăng 567% so với năm trước.
Ảnh Hưởng Chính Trị
Thống kê nhà nước cho thấy trong thập niên 2010-2019 mức tăng trưởng của cộng đồng người gốc Á tại Mỹ là 81% (từ 10 triệu đến trên 18 triệu) cao hơn bất cứ cộng đồng nào khác kể cả người gốc Latin như Mễ, Nam Mỹ v.v. Với đà này, các chuyên gia tiên liệu đến năm 2060 tổng số người Mỹ gốc Á sẽ vượt mốc 35 triệu, đại diện một khối cử tri lớn có khả năng ảnh hưởng kết quả bầu cử không chỉ tại cấp địa phương hay tiểu bang mà đến cả quốc gia.
Vì vậy cho nên trong tương lai cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà sẽ ngày càng để mắt đến khối cử tri “phức tạp” này hơn. Nhiều năm sau nữa, các sử gia chắc chắn sẽ nhìn lại thời điểm hậu-Covid này như một cột mốc quan trọng trong nền chính trị của nước Mỹ, kể từ ngày bà Kamala Harris trở thành người gốc Á đầu tiên được bầu vào chức Phó Tổng thống.
Riêng đối với người Mỹ gốc Việt, kỳ bầu cử 2020 và 2022 vừa qua cho thấy trong số người trẻ ra tranh cử các cấp thì đa số theo đảng Dân Chủ và hầu hết thuộc thế hệ di dân thứ nhì. Nhưng nếu cuộc khảo sát mới nhất này mô tả chính xác những gì đang diễn ra, ta có thể tiên đoán số người Mỹ gốc Việt trong chính quyền ngày sẽ càng đông bất luận họ theo đảng nào.
Ian Bùi
Theo Saigon Nhỏ ngày 1 tháng 6, 2023
Be the first to comment