Tường Trình Hội Thảo Giới Thiệu Sách Sử Tại Washington DC

AI GIẢI PHÓNG AI? AI GIẢI PHÓNG CÁC SỬ GIA MỸ?

  • Buổi Hội thảo sôi nổi, nghiêm túc nhưng cởi mở
  • Đừng lầm lẫn chủ nghĩa Cộng Hòa với đảng Cộng Hòa
  • LỊCH TRÌNH HỘI THẢO TRONG THÁNG 6, 2023

(Hình trái:) Thư viện Thomas Jefferson
(Hình phải:) Quan khách đứng nghiêm trang chào cờ Việt Mỹ

Đầu tháng 5, mùa xuân thực sự đã về với vùng Hoa Thịnh Đốn. Không khí thật mát mẻ, mặt trời vàng óng tỏa những ánh sáng dịu dàng. Con đường đến thư viện Thomas Jefferson xế trưa thứ bảy 6 tháng 5 tấp nập những quan khách đang đi đến tham dự buổi Hội Thảo Giới thiệu hai cuốn sách sử giáo khoa đầu tiên về VNCH và Người Mỹ Gốc Việt.

Đến sớm nhất là quý anh chị của các đài truyền thông VATV, VOA, SBTN, VIETV… sau là quan khách, đặc biệt là quý bác cao niên cùng với ông hội trưởng Cao Nguyên đã đến từ lúc buổi Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa hoàn tất vào lúc trưa. Tiếp đến là đủ thành phần từ cao niên tới giới trẻ, đã có nhiều năm hoặc ít khi tham dự sinh hoạt cộng đồng đã lấp đầy hai căn phòng đọc sách Reading Room 1 & 2. Cho tới giờ khai mạc lúc 2:30pm thì đã không còn chỗ ngồi và khoảng 20 vị khách đã phải đứng.

Sau nghi thức chào quốc kỳ Viêt Mỹ và phút mặc niệm trang nghiêm, MC Vi Kha, đã mở đầu bằng lời chào mừng và chân thành cám ơn quan khách, quý hội đoàn và cá nhân đã góp phần vào việc tổ chức gồm: Nhóm trẻ Việt Toon, Nhà Việt Nam, Tủ sách Tiếng Quê Hương, hội VAHF, trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ Đại học Oregon, đặc biệt là Thư viện Thomas Jefferson và nhà Bảo trợ Lê Tống Mộng Hoa của nhóm Từ Thiện Tình Thương VA.

Đông đảo giới truyền thông yểm trợ

Tiếp đó, bà Nancy Bùi, hội trưởng hội VAHF giới thiệu 2 diễn giả Gs. Vũ Tường, chủ biên  và Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi đồng tác giả cuốn sách sử về VNCH “Building A Republic Nation in Vietnam 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa ở Việt Nam 1920-1963), và “Toward A Framework For Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory” (Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng đồng và Ký Ức).

Nạn nhân của nền giáo dục gian trá

Bà Nancy chia sẻ: sau khi Cộng sản chiếm miền Nam, các cơ sở báo chí, truyền thông đã tịch thu toàn bộ, báo Sóng Thần nơi bà từng làm việc cùng chung số phận, bà cùng hầu hết các ký giả thất nghiệp. Bà trở về với nghề dạy học. Bà đã phải dạy những bài học sai đến phải xấu hổ và bị lương tâm cắn rứt: “Bác Hồ là cha già dân tộc, có công đánh đuổi thực dân Pháo rồi Mỹ đem lại độc lập tự do, hạnh phúc cho người dân và rồi “Đảng CS sinh ra nằm trên máng cỏ” không khác gì Chúa Jesu, đấng cứu thế!”

(Hình trái:) Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi – (Hình phải:) Bà Nancy Bùi

Bà đã phải bỏ nước ra đi tìm tự do năm 1979, và nền giáo dục dối trá đó, gần nửa thế kỷ qua, hôm nay vẫn còn tiếp tục. Vì thế ngày nay Việt Nam có lớp trẻ cuồng lãnh tụ một cách trơ trẽn, đến không biết xấu hổ. Như vụ Sea Games tại Cambodia đã có những người trẻ VN đem hình Hổ Chí Minh và cờ đỏ vào vận động trường hò hét điên cuồng, đã bị cảnh sát nước sở tại dùng vòi rồng, xịt nước đuổi khỏi vận động trường, thật là một sỉ nhục cho Việt Nam. Những người trẻ này là sản phẩm, là nạn nhân của nền giáo dục xảo trá, phản khoa học của CS.

(Hình trái:) Gs Tường Vũ – (Hình phải:) Thầy Vi Kha Hoàng

Những người trẻ làm nên lịch sử

May mắn thay có một lớp trẻ được lớn lên tại hải ngoại hay sinh ra tại hải ngoại, họ được hấp thụ nền giáo dục khoa học và nhân bản để biết yêu quý lẽ phải, cái hay và cái đep. Họ là con em của chúng ta, các em phải chứng kiến cảnh cha mẹ, ông bà đã đánh đổi mạng sống để tìm tự do, đến bến bờ tự do, phải vất vả khổ cực để lo kinh tế cho gia đình, họ còn phải đau buồn vì những bài học trong trường giảng dạy trong học đường, những cuốn sách, cuốn phim xuyên tạc, bóp méo lịch sử, nhục mạ họ.

Các em đã lặng lẽ tìm hiểu, nghiên cứu, chọn ngành sử học, giáo dục học và nhân chủng học, và hôm nay đây cộng đồng chúng ta có một nhóm giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu sử trẻ, suất sắc. Trên 60 người đã hội tụ tại Trung tâm nghiên cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon dưới sự lãnh đạo của Gs. Vũ Tường, người đã mài miệt trên 10 năm qua, vừa dạy học vừa xuất bản 8 cuốn sách sử và chính trị về Việt Nam và Á châu.

Ông đã tạo được một chỗ đứng vững chắc trong ngành sử học và chính trị học tại Hoa Kỳ để phát triển nghề nghiệp, và nâng đỡ những người trẻ yêu mến ngành sử để cùng thực hiện quyết tâm trả lại sự thật cho lịch sử và để xoa dịu và chấm dứt những đau buồn, đem lại bình an tâm hồn cho thế hệ cha anh vào những ngày cuối đời, và hơn thế nữa, cho cả người Việt Nam khắp nơi, bởi vì, dưới độ CS, lịch sử Việt Nam đã bị chấm dứt vào ngày 30 tháng 4, 1975. Cái mà họ gọi là lịch sử trong nước gần nửa thế kỷ qua, chỉ là lịch sử gian dối của đảng CSVN.

Khó khăn những ngày đầu Trung Tâm Nghiên cứu Việt Mỹ
Những tiêu chuẩn để trở thành sách giáo khoa

(Hình trái:) Đặc phái viên Nguyễn Thành công đài SBTN phỏng vấn Gs. Tường Vũ
(Hình phải, từ trái:) Đậu Thanh Vân Pv đài VATV, ông Bùi Hữu Thư, nhà văn Lê thị Nhị, Nguyễn Thị Bé Bẩy, Trần Thủy, pv SBTN Bích Phượng, bà Nguyễn Lê Kim.

Gs. Vũ Tường bày tỏ sự xúc động và mang ơn đồng hương đã đến đông đảo và dành những cảm tình đặc biệt cho buổi Hội thảo. Ông đã nói về sự hình thành của Trung tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ, bắt đầu từ cuộc Hội thảo tại Đại học Berkely năm 2016 hội tụ đông đảo một số viên chức và giới quân đội VNCH, kết quả là 2 cuốn sách viết về những kinh nghiệm của họ ra đời như cuốn Voices From The Second Republic Of South Vietnam 1967-1975, và The Republic of Vietnam 1955-1975.

Sau đó là cuộc hội thảo tại Đại học Oregon năm 2019 hội tụ các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu sử  hầu hết là người Mỹ Gốc Việt trẻ với trên 30 bài tham luận, và đã được chọn và biên khảo lại để làm thành hai cuốn sách sử giáo khoa viết bởi trên 20 tác giả và 4 vị chủ biên, được giới thiệu trong dịp này.

Gs Tường Vũ cho biết; để được chọn làm sách giáo khoa giảng dạy tại các trường, sách phải được viết bằng những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu trong ngành sử và phải qua một quá trình phê duyệt gắt gao và phải được một nhà xuất bản danh tiếng về sách giáo khoa xuất bản. Hai cuốn sách này đã trải qua những đòi hỏi trên nên đã chính thức được giảng dạy tại Trung và Đại học Hoa Kỳ

Ông cũng cho biết những bước đầu đã không dễ dàng bời vì giới học giả, sử gia kinh điển Hoa Kỳ, họ đã có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy theo cái nhìn lệch lạc của của hai quan điểm chính; khuynh tả và tuyên truyền của CS, họ không dễ dàng gì chấp nhận là họ đã sai. Họ theo dõi và tìm mọi cách để chận những bài viết của Gs. Tường trên những diễn đàn học thuật; họ phê phán ông không hiểu lịch sử của Việt Nam, họ còn viết thư tới các nhà xuất bản để ngăn chận việc xuất bản sách của ông và các đồng nghiệp của ông. Nhưng nhờ vào sự phong phú của những tài liệu, những nghiên cứu sâu rộng và những lập luận vững chắc, họ dần phải chấp nhận.

Vì sao chọn mốc 1920 cho sự hình thành chính thể VNCH?

(Từ trái:) Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi, Gs. Tường Vũ đang ký sách cho một quan khách.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi sau đó đã lên trình bày về nguồn gốc của chủ nghĩa Cộng Hoà từ những năm đầu của thâp niên 1920 do các nhà cách mạng Việt Nam như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Phạm Quỳnh rồi sau đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn phổ biến tư tưởng Cộng hòa qua văn chương như nguyên tắc người dân mới là chủ của đất nước, không phải là vua chúa, những viên chức chính phủ là do dân bầu, không phải do vua chúa bổ nhiệm, nước phải được cai trị bằng luật pháp (Rule of laws) không phải của riêng ai, và tách biệt tôn giáo và chính quyền. Những khái niệm đó bắt đầu từ cuộc cách mạng Pháp từ cuối thế kỷ 18 rồi truyền sang Nhật bản qua những cuộc thay đổi xã hội tận gốc rễ để không tụt hậu so với phương Tây từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, tinh thần cộng hòa sau lan tới Trung Hoa với Tôn Dật Tiên. Tinh thần Cộng hòa của Việt Nam ảnh hưởng từ Nhật và Trung Hoa nhiều hơn, dù Việt Nam cũng có những nhà cách mạng, học giả như Phan Chu Trinh ảnh hưởng tư tưởng này từ Pháp.

Như thế, từ tư tưởng, đến chủ nghĩa cộng hòa đã được hình thành và ăn sâu trong xã hội Việt Nam từ đó. Đến năm 1920 với sự ra đời của chính phủ Trần Trọng Kim và Việt Nam Sử Lược, đánh dấu sự có mặt của chủ nghĩa Cộng hòa tại Việt Nam.

Trong khi đó, tại Việt Nam chưa ai biết đến chủ nghĩa Cộng sản là gì. Ông Hồ Chí Minh còn đang ở Nga để học chủ nghĩa CS rồi gia nhập đảng CS quốc tế. Khoảng đầu thập niên 1940 chủ nghĩa CS mới du nhập vào Việt nam dưới danh hiệu Đảng CS Đông Dương rồi trá hình dưới Đảng Lao Động để mong được sự ủng hộ của người dân và quốc tế. Đến năm 1945 trước khi họ cướp chính quyền của các đảng phái quốc gia với tinh thần Cộng Hòa thì họ là đảng ít người nhất, yếu nhất nhưng bạo lực nhất. Họ thắng nhờ mưu mô, lừa đảo và ác độc giết những người mà họ từng gọi là anh em mà họ đã chiêu dụ vào mặt trận Việt Minh để cùng đánh Pháp.

Lập luận Chính phủ VNCH là sản phẩm của Mỹ là gian dối
Và HCM và đảng CS mới là đại diện cho VN là sửa lịch sử 

Năm 1955 sau khi đất nước bị chia đôi, TT Ngô Đình Diêm thành lập chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa theo tinh thần cộng Hòa đã được hun đúc trong xã hội Việt Nam mấy chục năm trước Vì thế, lập luận cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là sản phẩm của Mỹ đưa vào Việt Nam là hoàn toàn sai. Và lập luận cho rằng ông Hồ Chí Minh và chủ nghia CS mới chính là đại diện cho dân tộc VN, là đã sửa lịch sử và cố tình cắt xén đoạn lịch sử của các đảng phái quốc gia, như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt… Những đảng phái này đã chống Pháp đòi độc lập cho Việt Nam trước khi đảng CS đặt chân tới Việt Nam.

Gs. Tường Vũ khẳng định; đó là những gì con cháu của quý vị khi đi học tại nhà trường Mỹ đã được học. Chúng tôi quyết tâm chứng minh điều đó là sai. Chúng tôi đem tài liệu và lập luận để chứng minh, ban đầu họ không chấp nhận nhưng sau vì những nghiên cứu của chúng tôi đầy đủ và xác đáng nên dần già họ phải chấp nhận.

Nhóm Tham luận viên trẻ, hùng hậu

(Hàng đứng từ trái:) Tham Luận viên Vi Kha, bà Nancy Bùi
(Hàng ngồi từ trái:) Võ sư Len Trần, cô Destiny Nguyễn, Gs. Phan Thông Hưng.

Cuộc Hội thảo sau đó đã được Gs Tường Vũ và Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi điều phối thật linh hoạt và sôi nổi. Với nhóm tham luân viên hùng hậu gồm những người trẻ đã và đang sinh hoạt tích cực trong cộng đồng: cô Destiny Nguyễn, chủ tịch cộng đồng Người Việt Quốc Gia miền Trung tiểu bang Virginia và tổ chức Hậu Duệ VNCH Hải Ngoại, võ sư Len Trần, thuộc trường Virginia Shorin Ryu Karate, còn là tác giả của cuốn “Split up by the Sea” nói về chuyến vượt biên bằng thuyền của gia đình anh, Gs. trẻ Phan Thông Hưng, chủ tịch Hội Đồng Quản trị Cộng Đồng Người Việt tiểu bang Pennsyvania và là chủ tịch hội đồng quản trị tổ chức ngày Nhân quyền cho Việt Nam và Thầy Vi Kha, Hiệu trưởng trường Việt Ngữ Thăng Long, cũng là chủ tịch nhóm bạn trẻ Việt Toon sinh hoạt trong lãnh vực giáo dục và văn hóa tại vùng DC.

Hội thảo sôi nổi, linh hoạt và bổ ích

(Hình trái:) Anh Huỳnh Đáng Đổi đang xem phần trưng bày của cuộc triển lãm mini
(Hình phải:) Nhóm bạn Trưng Vương giúp bán sách, (hàng đứng:) bà Nancy Bùi, Bà Trần Ngọc Hoàn – (hàng ngồi, từ trái:) bà Nguyễn Thị Định, bà Lê Thị Thanh Hà.

Khi Gs. Vũ Tường nêu ra những câu hỏi cho Phần 1 của đề tài thảo luận về VNCH: Tại sao chúng ta tự hào về Việt Nam Cộng Hoà? Những giá trị gì của Việt Nam Cộng Hoà cần được gìn giữ và truyền lại cho thế hệ tương lai? Làm sao để thế hệ tương lai hiểu được và tự hào về quá khứ của dân tộc và gia đình? Làm sao để cộng đồng người Việt tự do bảo tồn được di sản của mình?

Chúng tôi xin ghi nhận một số ý kiến được nhiều hưởng ứng như sau:

“Chúng ta tự hào về VNCH vì chúng ta có nền văn hóa phong phú và nhân bản, một nền tảng giáo dục tốt đẹp và khai phóng và một hệ thống tư tưởng tự do tiến bộ mà chúng ta còn giữ được sau 48 năm tại hải ngoại và còn tiếp tục?”.  
(Anh Tùng)

“Làm sao để phổ biến những người trong nước về những điều tốt đẹp của VNCH?”
(Ông Đinh Hùng Cường)

“Sau 48 năm, con em chúng ta đã trở thành bác sĩ, kỹ sư. Phần lớn cha mẹ các em muốn các em học các ngành khoa học để dễ kiếm việc và không muốn cho các em học các ngành văn chương, lịch sử, Gs làm thế nào để có những người học ngành này để có thể tiếp tục những công trình của quý vị?”
(Ông Bùi Dương Liêm)

“Ai giải phóng ai? Miền bắc giải phóng miền Nam hay miền nam giải phóng miền Bắc? Rồi ai giải phóng các sử gia Mỹ khỏi cõi u mê của họ?”
(Một người trẻ xưng tên hiệu là Huỳnh Đáng Đổi)

“Sự ngăn cách giữa giới già và giới trẻ. Làm thế nào để các em hiểu được miền nam có một quân đội hùng mạnh, mình thua không phải ở ngoài mặt trận”
(Ông Trần Quang Duật)

“Đảng Cộng Hòa và chủ nghĩa cộng Hòa khác nhau ra sao? Xin đừng lầm lẫn”
(Ông Nghĩa Trần)

Cần nhiều thay đổi trong cộng đồng chúng ta

Ban Tổ chức tặng Thư viện Thomas Jefferson 2 bộ sách. Hiện sách đang được xếp và phân loại, khoảng tháng 6 sẽ bắt đầu cho khách mượn đọc.

Hội thảo Phần 2 cũng sôi nổi không kém khi Gs. Vũ Tường đưa ra một số câu hỏi, một số kinh nghiệm thực tế hơn cho đời sống cộng đồng của người Việt: Làm thế nào để cộng đồng người Việt tự do có tiếng nói mạnh mẽ hơn để ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam? Làm sao để hoá giải xung đột văn hoá và quan điểm chính trị giữa thế hệ đến từ Việt Nam và thế hệ sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ? Quan khách đã đưa ra những kinh nghiệm tực tế và mong muốn có những sự thay đổi:

“Chúng ta muốn ảnh hưởng về vấn đề giáo dục, nhưng rất hiếm thấy các phụ huynh tham gia hội phụ huynh trong các trường”
(Thầy Vi Kha)

“Chúng ta đã sống ở đây gần nửa thế kỷ nhưng chúng ta vẫn chưa tổ chức được những Ủy Ban tranh đấu cho quyền lợi của chúng ta (PAC: Political Action Committee”
(Một vị khách không rõ tên)

“Khi phân bổ ngân sách, chính phủ chia theo các nhóm dân. Tôi thường tham gia các sinh hoạt của nhóm người Mỹ Gốc Á, bao nhiêu năm qua, chúng tôi chỉ gặp rất ít người Việt, Khi phân chia ngân sách thì chỉ thấy người Mỹ Gốc Đại Hàn, gốc Trung Hoa, gốc Ấn độ… có phần, trong khi chúng ta không có mặt thì chúng ta chẳng nhận được gì?”
(Ông Nguyễn Quốc Khải)

(Hình trái, từ trái:) Ông Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt vùng DC, Maryland và bà Nancy Bùi, ông Paul Văn và phu nhân
(Hình phải, đứng bên phải:) Bà Lê Tống Mộng Hoa, chủ tịch Nhóm Thiện Nguyện Tình Thương VA

Giờ thì đã hết, nhưng tâm tư của người tham dự Hội thảo như vẫn còn tràn đầy, nhưng cuộc gặp gỡ dù thú vị đến đâu cũng có lúc tàn. Gs. Tường Vũ đúc kết buổi thảo luận với những lời lẽ biết ơn tới quan khách vì ông đã thu thập được những ý kiến rất tốt từ cộng đồng người Việt từ vùng DC để làm chất liệu cho những cuốn sách kế tiếp.

Trong lúc Gs Tường Vũ và Ts Nguyễn Lương Hải Khôi ký tên kỷ niệm cho quan khách mua sách, ca sĩ  Thủy Tiên đã trình bày hai bản nhạc: Về Quê của Phó Đức Phương và Đường Xưa Lối Cũ của Hoàng Thi Thơ đem lại tình quê hương ấm áp cho mọi người.

Quan khách cũng có ít phút để ngắm hình ảnh từ cuộc triển lãm mini của anh Nguyễn Tấn Phước, một thân hữu của Nhà Việt Nam và Việt Toon với những hình ảnh của những cái loa tuyên truyền xảo trá thời chiến tranh VN như Jane Fonda, Kissinger…

Buổi Hội thảo Giới thiệu sách đã bế mạc trước 6 giờ chiều cùng ngày để lại dư âm đáng nhớ cho người tham dự.

Triều Giang
Tháng 5/2023

(Hình ảnh của Vân Đậu và thân hữu)

* * *

THÔNG BÁO

Để hoàn thành chương trình hội thảo giới thiệu hai cuốn sách sử đầu tiên về VNCH và lịch sử người Mỹ gốc việt đến các cộng đồng người Việt, Trung tâm Nghiên cứu Việt Mỹ đại học Oregon và Hội Bảo tồn Lịch sử người Mỹ gốc Việt được sự hỗ trợ của các tổ chức, hội đoàn địa phương sẽ tổ chức tại 3 thành phố trong tháng 6/2023 với lịch trình như sau:

HOUSTON

50 NĂM CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ
TỪ LỊCH SỬ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Thời gian:  từ 1:00pm – 4:00pm. Thứ Bảy 3 tháng 6, 2023
Địa điểm: Hội Quán Saigon Houston, số 10613 Bellaire Blvd., Suite 900, Houston, TX. 77072

Liên Lạc:
Hoàng Quân: (832) 638-6352,
Teresa Trinh: (832) 443-3323,
Triều Giang-Nancy Bùi: (512) 844-9417

BAN TỔ CHỨC TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI

– Hội đồng đại diện cộng đồng người Việt quốc gia Houston và Vùng phụ cận
– Hội Văn Hóa Khoa Học
– Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ Đại Học Orregon
– Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF)

* * *

DALLAS

50 NĂM CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ
TỪ LỊCH SỬ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Thời gian: từ 2:00pm – 5:00pm. Chủ Nhật 4 tháng 6, 2023
Địa điểm: Trụ sở của Cộng Đồng Người Việt tại số: 3221 Beltline Rd. Garland, Texas, 75044.

Liên Lạc:
Lily Nguyễn: (469) 233-0289
Huệ Nguyễn: (512) 659-8104
Triều Giang: (512) 844-9417

BAN TỔ CHỨC TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI

– Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ Đại Học Orregon
– Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) và Thân hữu

Với sự Yểm trợ của:
VIETV NETWORK, Radio Saigon Dallas 1160 AM, SBTN-Dallas, Người Việt Dallas News, Báo Trẻ, Mercedes Realtors, Bumblebee Little School

* * *

SAN JOSE

50 NĂM CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ
TỪ LỊCH SỬ HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Thời gian: từ 1:00pm – 4:00pm. Chủ Nhật 11 tháng 6, 2023
Địa điểm: Thư viện Village Square, số 4001 Evergreen Village Square, San Jose’, CA. 95135

Liên Lạc:
Ông Nguyễn Trung Cao: (510) 529-1665
Ông Cao Hồng: (408) 679-9149
Bà Triều Giang: (512) 844-9417

VÀO CỬA TỰ DO – CÓ VĂN NGHỆ GIÚP VUI VÀ THỨC ĂN NHẸ

BAN TỔ CHỨC TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI

– Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ Đại Học Orregon
– Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF)
– Vietnamese American Roundtable (VAR)

Với sự Yểm trợ của:
Tập Thể Chiến Sĩ VNCH, Viet Museum San Jose, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose, Ủy Ban Điều Hợp Sinh Hoạt Cộng Đồng Bắc California, Trung Tâm Asian American Santa Clara County, Hội Đồng Liên Kết Đấu Tranh Dân Chủ Nhân Quyền Cho Việt Nam, Đoàn Du Ca Bắc California, CaliToday, Phụ Nữ Cali, Đài Quê Hương, Radio Tiếng MÕ Bắc Cali, Báo Mõ, Đoàn Du Ca Bắc California, Website Viet Vùng Vịnh, VÌ DÂN Media Network, VIETTODAY Media, Đài Radio VIỆT NAM Bắc Cali, VIETV. DIRECT TV, NETVIET TV, Đặc Phái Viên Vũ Nhân Đài SBTN

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*