Nhà thơ Bùi Thạch Trường Sơn giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Thiện Lý

Dưới đây là bài phát biểu của nhà thơ Bùi Thạch Trường Sơn trong “Đêm Thơ Nhạc Hoa Văn – Thảo
Chi -Thiện Lý” tại Boston, 13 tháng 5, 2023:

Kính thưa quý anh chị em văn nghệ sĩ và quý đồng hương!

Trong chương trình sinh hoạt mang chủ đề “Đêm Thơ Nhạc Hoa Văn – Thảo
Chi -Thiện Lý”. Ca Sĩ Hoàng Vân – Người chịu trách nhiệm tổ chức đêm
họp mặt – là một người em, một người bạn văn nghệ thân thiết của chúng
tôi từ gần hai mươi năm qua ở Boston – đã nhờ tôi làm hai việc: hát một
hai bài cho chương trình văn nghệ và phát biểu đôi lời về Nhạc Sĩ
Nguyễn Thiện Lý.

Thưa quý vị! Đối với Boston, Nhạc Sĩ Nguyễn Thiện Lý là một khuôn
mặt rất thân quen. Anh đã có mặt trong hầu hết các sinh hoạt của cộng
đồng, của bạn bè thân hữu, của những chiến hữu thuộc Quân Lực
VNCH. Và hôm nay, lại một lần nữa, từ thành phố San Diego xa xôi,
anh chị Nguyễn Thiện Lý đã bay hết cả bề ngang nước Mỹ để đến đây
sinh hoạt cùng chúng ta. Trong dịp hội ngộ đặc biệt này chúng tôi xin
được nói đôi điều về vị niên trưởng khả kính của những cựu quân nhân
hải quân VNCH đang hiện diện nơi đây, và nói về người “chiến sĩ – nghệ
sĩ” dễ mến của chúng ta.

Nhiều danh nhân văn hóa đã từng nói : “Nếu thiếu đi âm nhạc, cuộc
đời này của chúng ta sẽ buồn tẻ biết bao?…” Từ những băn khoăn ray
rứt đó, cộng với nỗi đam mê âm nhạc tột độ, bằng những cảm xúc đến
bất chợt với một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, Nhạc Sĩ Nguyễn Thiện Lý
đã mày mò nghiên cứu để sáng tác và đóng góp vào nền tân nhạc Việt
Nam những tác phẩm rất có giá trị!

Nguồn cảm hứng đến với anh từ những cơn mưa trên phố vắng, từ
những phút chia tay với người thương khi con tàu rời bến để bắt đầu
một chuyến hải hành…từ những nét đẹp muôn đời của quê mẹ Việt Nam
mến yêu mà anh được nghe, được thấy từ khi mới lớn cho đến lúc
trưởng thành, từ những phút giây sôi động của cơn binh lửa chiến tranh
tàn phá quê hương trong nhiều năm tháng…Anh đã hình thành và cho ra
đời những ca khúc thật hay, thật ý nghĩa, làm xao xuyến lòng người!
Trong một lần anh em đổi trao tâm sự với nhau về việc sáng tác một ca
khúc, anh cho tôi biết: thường thường là vào một lúc nào đó, trong một
tình huống nào đó, ý nhạc đến trong đầu anh một cách bất chợt, anh ghi
lại rồi tìm lời hoặc là của chính anh hoặc là lựa chọn những vần thơ hay
của các thi hữu (như Hoa Văn, Trần Thu Miên, Võ Đình Tuyết, Đỗ
Quảng, Trần Trung Đạo…) bổ sung, trau chuốt để hoàn thành những tác
phẩm âm nhạc.

Nói về kỹ thuật sáng tác thì theo anh: để sáng tác một bản nhạc, anh
thường lựa chọn một thể điệu ưa thích để viết rồi tùy sự rung cảm mà
giữ nguyên hoặc ở một đoạn thích hợp nào đó, chuyển sang một thể điệu
khác cho bài hát trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn. Ví dụ từ Slow chuyển
sang Tango, Rumba hoặc từ Valse chuyển sang Boston v.v…như anh
đã thực hiện trong nhiều sáng tác.

Nhạc của Nguyễn Thiện Lý rất đa dạng về tiết điệu. Chúng ta cảm thấy
buồn ray rứt với “Mưa Bên Kia Sông” với điệu slow chậm rãi và thấy
phấn chấn vui tươi với bài Dáng Xuân bởi một khúc Rhumba duyên
dáng…

Trong kho tàng âm nhạc VN, có nhiều tác giả chỉ sáng tác vài bài, có
khi chỉ cần một bài là đã đủ để mọi người biết đến tên tuổi và những tác
phẩm này sẽ tồn tại lâu dài với thời gian. Có thể nói “ Mưa Bên Kia
Sông” sáng tác tiêu biểu nhất của Nguyễn Thiện Lý mà không riêng một
mình tôi yêu thích nằm trong trường hợp ấy! Bài này ra đời từ khoảng
cuối thập niên 50, đã được những danh ca hàng đầu của thế hệ ca sĩ tiền
bối trước 75 như Lệ Thu, Thanh Vũ, Thái Hiền… trình bày rất thành
công và gần đây nhất là nữ ca sĩ Thu Phương (thuộc thế hệ sau 75) bằng
một chất giọng đặc biệt cũng đã “hớp hồn” người nghe qua một giai điệu
buồn ray rứt, buồn …nhức nhối, buồn ơi là buồn (!) cùng với những lời
ca lay động lòng người: “ chiều thu tím áo vàng nàng bước sang
ngang…nào ai biết có người còn mãi đơn côi…” . Một chuyện tình thật
buồn nhưng thật đẹp và những tâm tư rất thật, rất xót xa mà Nhạc Sĩ
Nguyễn Thiện Lý đã khéo léo đưa vào âm nhạc để bày tỏ nỗi niềm
riêng. Tại thành phố Boston này, ca sĩ Hoàng Vân và các ca sĩ trẻ Hoàng
Thông, Ngọc Diễm cũng đã thể hiện khá thành công nhạc phẩm này.

Số lượng tác phẩm của Nguyễn Thiện Lý không nhiều nhưng đủ để cho
mọi người thưởng thức với sự trân trọng, quý mến! “Mưa Bên Kia
Sông” là một bản nhạc xưa rất hay, rất nổi tiếng từ nhiều thập niên, và
gần đây, “Tháng Tư Nhớ Sài Gòn”, một nhạc phẩm được anh phổ từ thơ
của nhà thơ Hải Quân Phạm Hồng Ân, do ca sĩ Đặng Thế Luân hát cũng
đã làm người nghe yêu thích.

Ngoài những lời ca của chính mình được dùng trong các bài hát, NS
Nguyễn Thiện Lý cũng đã chắp cánh cho rất nhiều vần thơ hay của các
thân hữu trong và ngoài hải quân VNCH (quân chủng mà anh đã phục
vụ trong nhiều năm) bay đi thật cao thật xa trong vòm trời nghệ thuật.
Nếu có chút thời gian rảnh rỗi, tôi đề nghị quý anh chị em hãy tìm
những CD đã được anh phát hành hoặc vào trang web Youtube Nhạc Sĩ
Nguyễn Thiện Lý để thưởng thức những bài thơ thật hay của nhiều thi sĩ
nổi tiếng như Hoa Văn, Trần Thu Miên, Trần Trung Đạo, Võ Đình
Tuyết, Đỗ Quảng, Phạm Hồng Ân đã được anh thổi vào cái hồn nhạc êm
đềm, thiết tha, lôi cuốn. Chúng ta hãy thử nghe những bài Nhân Sinh,
Tôi và Trăng, Tình Đất, Mùa Thu Và Cô Gái Miền Nam, Tháng Tư Nhớ
Sài Gòn và một số nhạc phẩm khác để thấy những nhà thơ của chúng ta
làm thơ rất tuyệt vời và Nhạc Sĩ Nguyễn Thiện Lý đã phổ nhạc cho
những bài thơ đó một cách nhuần nhuyễn, tài tình!

Do thời lượng của chương trình có hạn, chỉ trong vài phút mà nói về
Nhạc Sĩ Nguyễn Thiện Lý: một cấp chỉ huy hải quân hào hoa, một nghệ
sĩ đa tài , một người hoạt động cộng đồng tích cực hăng say không mệt
mỏi thì không thể nào không có những thiếu sót. Xin quý vị thông cảm!
Chúng tôi hy vọng sẽ có những lần sinh hoạt khác để được nói nhiều
hơn nữa về anh.

Có lẽ mọi người sẽ đồng ý với tôi: âm nhạc của Nguyễn Thiện Lý vui
có, buồn có, ôn nhu, bình dị, dễ gần gũi và rất lôi cuốn, giống như con
người của anh. Tôi không biết nói gì thêm là gửi đến anh lời cám ơn về
những cống hiến của anh cho cuộc đời, cho âm nhạc. Chúc anh luôn
khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc trong cái tuổi vàng anh đang được

hưởng bên gia đình và nếu có thể, cho ra đời thêm nhiều nhiều tác phẩm
thật hay nữa.

Xin cám ơn quý vị đã chịu khó lắng nghe phần phát biểu của tôi!
Kính chào quý vị!

Bùi Thạch Trường Sơn

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*