Sinh Viên Trung Quốc Ở Mỹ Tạo Không Gian An Toàn Cho Bất Đồng Chính Kiến Để Chống Lại Bắc Kinh

Bích chương chống Tập Cận Bình tại Trường Đại học George Washington (GWU) ở Washington D.C.

Một nhóm sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Washington lập một hiệp hội sinh viên độc lập, với hy vọng cung cấp một không gian và nền tảng an toàn cho các sinh viên và học giả Trung Quốc tại trường đại học của họ bày tỏ bất đồng chính kiến mà không bị các sinh viên và tổ chức thân Bắc Kinh quấy rối.

Các sinh viên Trường Đại học George Washington (GWU) gọi tổ chức này là Ngọn đuốc trên sông Potomac (Torch on the Potomac).

Một tuyên bố của tổ chức vào ngày 25/4 cho biết: “Chúng tôi muốn cung cấp cho các sinh viên và học giả Trung Quốc tại Đại học George Washington, cũng như các đồng nghiệp của họ ở hải ngoại, một nền tảng, hỗ trợ xã hội và cộng đồng độc lập với đảng Cộng sản Trung Quốc và những con rối của họ. Ngoài ra, chúng tôi hoan nghênh sinh viên từ mọi nguồn gốc quan tâm đến văn hóa, chính trị và bản sắc Trung Quốc.”

Tổ chức này có hơn 12 thành viên. Tất cả đều chọn ẩn danh vì lý do bảo mật, theo Luo Qiu, một trong những người tổ chức.

“Trước khi tổ chức này được thành lập, chúng tôi hoạt động lẻ tẻ,” Thomas, người cũng sử dụng một bút danh, cho biết. “Nhiều sinh viên Trung Quốc của chúng tôi đã tham gia vào một số hoạt động phản kháng, bao gồm dán áp phích hoặc tổ chức các buổi thắp nến cầu nguyện. Nhưng vì loại hình này vẫn còn tồn tại sợ hãi trong khuôn viên trường – tức là sợ Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc C.S.S.A. và sợ những người thân đảng Cộng sản Trung Quốc có thể báo cáo chúng tôi.”

Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc từ lâu đã được liên kết với chính phủ Trung Quốc.

“[Chúng tôi muốn] để nhà trường, bao gồm cả những người bên ngoài, biết rằng C.S.S.A. không phải là đại diện duy nhất của sinh viên Trung Quốc của chúng tôi,” Thomas nói. “Chúng tôi cũng có nhiều sinh viên Trung Quốc phản đối đảng Cộng sản Trung Quốc và ủng hộ dân chủ. Họ cũng nên có tiếng nói của chính họ.”

Các thành viên bày tỏ sự thất vọng với GWU trong tuyên bố của họ, tin rằng trường đại học đã không làm đủ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của những sinh viên quốc tế chỉ trích chính phủ Trung Quốc.

Tuyên bố viết: “Là những sinh viên và học giả Trung Quốc bên Sông Potomac, bên Đài tưởng niệm Lincoln, và dưới chân Đồi Capitol, chúng tôi cách xa hàng ngàn dặm từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhưng vẫn ở dưới bóng tối của sự sợ hãi: chúng tôi thấy chúng tôi đang phải đối mặt với sự đàn áp có hệ thống. Chúng tôi và gia đình của chúng tôi đã phải đối mặt với sự đe dọa, giám sát, quấy rối, tống tiền và các hình thức ép buộc khác. Chúng tôi bị từ chối quyền tự do học thuật và quyền công dân thực sự mặc dù học tại một trường đại học tuyên bố thúc đẩy và bảo vệ các quyền.”

VOA đã liên hệ với GWU để xin bình luận nhưng không nhận được phản hồi vào thời điểm đăng bài.

Phản ứng của GWU

Trang mạng tin tức Axios báo cáo rằng trong Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022, một số sinh viên Trung Quốc đã treo nhiều áp phích trong khuôn viên trường học chỉ trích các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc. Các sinh viên Trung Quốc khác đã xé chúng xuống và một số tổ chức sinh viên Trung Quốc thân chính phủ Trung Quốc đã đưa vấn đề này lên hiệu trưởng trường đại học, Mark Wrighton, cho rằng các áp phích này mang tính phân biệt chủng tộc, Axios đưa tin.

Ban đầu, ông Wrighton bày tỏ sự ủng hộ trong một email đối với lập trường của các tổ chức sinh viên Trung Quốc thân chính phủ và hứa sẽ điều tra vấn đề, theo Axios.

Nhưng sau khi thảo luận với các giảng viên và nhân viên quen thuộc với các vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, ông đã chuyển sang bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những sinh viên đã dán áp phích và hứa sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ, Axios nói.

Vào tháng 10, một số sinh viên Trung Quốc tại trường đại học cũng dán áp phích trong khuôn viên trường phản đối việc tái đắc cử của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng những tấm áp phích đó cũng bị xé bỏ.

“Torch on the Potomac” cho biết trong tuyên bố của mình rằng cách đây không lâu, “Bức tường Dân chủ” trong khuôn viên trường, bao gồm các áp phích do sinh viên Trung Quốc, Iran, Nga, Đài Loan và Ukraine dựng lên, đã bị phá hoại.

Sinh viên Luo nói: “Chúng tôi đã cố gắng để nhà trường tham gia vào cuộc điều tra trước đó, nhưng phản hồi từ cảnh sát trường và trưởng khoa hầu như không có gì.”

Trong ảnh chụp màn hình một email do VOA thu được, cảnh sát nói với các sinh viên đã gọi điện cho họ: “Thật không may, [khi] bạn đăng một tấm áp phích, bạn từ bỏ quyền sở hữu đối với tấm áp phích và miễn là tòa nhà không bị hư hại gì thì nó sẽ không là hành vi hủy hoại tài sản.”

VOA đã liên lạc với cảnh sát GWU để biết thông tin cụ thể về thiệt hại nhưng không nhận được phản hồi.

‘Bịt miệng’ sinh viên

Ông Rory O’Connor, chủ tịch của tổ chức sinh viên Hoa Kỳ có tên gọi là Viện Athenai, nói với VOA rằng hành vi phá hoại Bức tường Dân chủ “đồng nghĩa với việc bịt miệng những sinh viên không có nhiều cách khác để lên tiếng một cách an toàn.”

Trang web của Viện Athenai cho biết tổ chức này “là một tổ chức phi lợi nhuận do sinh viên thành lập, phi đảng phái, chuyên giáo dục sinh viên, học giả và công chúng Mỹ về những nguy cơ do ảnh hưởng diệt chủng, phản dân chủ của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với các trường đại học của chúng ta và về các công cụ mà các trường đại học có thể sử dụng để thoát khỏi đảng Cộng sản Trung Quốc và các hành vi vi phạm nhân quyền của họ về mặt tài chính.”

Theo tuyên bố của ban tổ chức, Viện Athenai đã hỗ trợ thành lập “Torch on the Potomac.”

Ông O’Connor nói: “Chẳng cách nào sử dụng tốt hơn thời gian và nguồn lực của chúng ta hơn là hỗ trợ các sinh viên Trung Quốc ủng hộ dân chủ, những người chỉ đơn giản bằng cách cố gắng thể hiện bản thân một cách chân thực, giờ đây đang phải đối mặt với những kẻ ủy nhiệm của một đảng phát xít.”

Các tổ chức sinh viên khác tại GWU cũng đã hỗ trợ “Torch on the Potomac”, bao gồm các tổ chức trong khuôn viên của các đảng Dân chủ và Cộng hòa, Nữ quyền Trung Quốc GW, Sáng kiến Nhân quyền GW Uyghur và Hiệp hội Nói tiếng Nga GW, theo tuyên bố của “Torch on the Potomac.”

Bà Sarah McLaughlin, học giả tại Tổ chức vì Quyền cá nhân trong Giáo dục, nói với VOA: “Các trường đại học cũng có thể làm được nhiều hơn thế. Họ có thể nỗ lực giáo dục sinh viên quốc tế về các quyền của họ ở Hoa Kỳ và trong khuôn viên trường, cũng như những gì họ có thể làm nếu họ đang đối mặt với các mối đe dọa đối với khả năng phát biểu tự do trong khuôn viên trường.”

“Torch on the Potomac” nói rằng C.S.S.A. đứng đằng sau việc đàn áp các yêu cầu chính trị của tổ chức, và “ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vẫn là bảo vệ các sinh viên Đại học George Washington khỏi bị ảnh hưởng bởi C.S.S.A. tại trường và đảng Cộng sản Trung Quốc. … Trong một thời gian dài, C.S.S.A. và các tổ chức tương tự đã duy trì một độc quyền về đại diện văn hóa và chính trị của sinh viên Trung Quốc.”

Một phúc trình của Foreign Policy năm 2018 cho biết các tổ chức C.S.S.A. trên khắp Hoa Kỳ đã tổ chức cho sinh viên quốc tế chào đón các nhà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm và trả cho họ một khoản phí để có mặt trong số những người chào đón.

Mối quan hệ thân thiết giữa C.S.S.A. với chính phủ Trung Quốc không có gì bí mật. Năm 2017, Liu Chen, chủ tịch của C.S.S.A. tại Đại học George Washington, cho biết trong một video rằng C.S.S.A. là “hội sinh viên chính thức duy nhất của Trung Quốc. Nó được chỉ đạo bởi Tòa đại sứ Trung Quốc và hoạt động ở mọi trường đại học quốc tế.”

Sự thống trị của C.S.S.A.

William, thành viên của “Torch on the Potomac”, cho biết: “Trước đây không có tổ chức nào như vậy. Trong quá khứ, C.S.S.A. đã thống trị lĩnh vực công cộng của sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài.”

Một thành viên khác của “Torch of the Potomac” tên là Sally nói: “Tôi nghĩ mục tiêu của tổ chức là cho thấy có những hình thức đại diện thay thế và không phải tất cả sinh viên Trung Quốc đều đồng nhất.”

“Bởi vì ngay bây giờ chúng ta thấy rất nhiều tâm lý bài Trung Quốc và rất nhiều người đang nói về việc họ là gián điệp trong các trường đại học ở Hoa Kỳ như thế nào,” Sally nói. “Và chúng tôi nhận thấy những cuộc thảo luận này là có thật, và chúng tôi muốn chứng tỏ rằng hầu hết sinh viên Trung Quốc không ủng hộ chính phủ, và hầu hết sinh viên Trung Quốc đến đây không phải để làm gián điệp Trung Quốc. Nhưng chúng tôi không có cách nào để tiếng nói của mình được lắng nghe, vì vậy chúng tôi đã cố gắng … hỗ trợ những sinh viên đó để họ không cảm thấy cô đơn và họ không cảm thấy bị xa lánh và cô lập.”

Theo VOA tiếng Việt ngày 11/5/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*