Một cách tóm tắt, nhìn vào Việt Nam hiện nay sau gần nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, chúng ta thấy gì?
Một đảng cầm quyền thất bại. Một chính phủ thất bại. Một quốc gia thất bại.
Cho đến nay các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đã thực hiện thành công hai mục tiêu duy nhất và quan trọng nhất đối với đảng: Một, giành được độc quyền lãnh đạo trên toàn cõi Việt Nam bằng mọi giá. Hai, giữ được quyền lực đó bằng mọi giá.
Cho đến nay đảng cộng sản Việt Nam vẫn là một trong vài đảng cộng sản còn lại trên thế giới được nắm trọn quyền. Không những thế, đảng cộng sản đã biến đất nước, nhân dân Việt Nam thành tài sản riêng, quyền sở hữu riêng của đảng, Với giang sơn lãnh thổ này đảng cộng sản muốn khai thác vơ vét tài nguyên đến cạn kiệt ra sao, muốn cắt nhường lãnh thổ lãnh hải hay đem cho thuê dài hạn, tùy ý. Với 100 triệu người dân, đảng tha hồ vắt kiệt mồ hôi sức lao động của dân qua đủ loại thuế phí cắt cổ, đưa dân đi “lao động xuất khẩu” để thu gom ngoại tệ, đảng muốn bắt ai, thả ai, kết án ai với đủ thứ tội danh mù mờ, đày ải ai… như thế nào, tùy ý. 5,3 triệu đảng viên hầu hết là có đời sống sung túc, của chìm của nổi hơn rất nhiều thành phần khác trong xã hội. Chức càng cao thì càng giàu, có nhà cửa bất động sản, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, con cái toàn đi học ở những trường ngon nhất tại các quốc gia phương Tây giàu có, văn minh nhất. Đúng với câu hát “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” (lời bài hát Quốc tế ca, tiếng Pháp: L’Internationale). Đúng với ý nghĩa đảng cộng sản đi làm cách mạng không phải để cứu nước, giải phóng nhân dân mà để “giải phóng” chính họ.
Nhưng sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày giành được toàn Việt Nam về tay mình, đảng cộng sản vẫn là một đảng cầm quyền thất bại, chính phủ này vẫn là một chính phủ thất bại, và Việt Nam vẫn là một quốc gia thất bại.
Tại sao lại nói đảng cộng sản thất bại? Bởi vì, họ thắng một cuộc chiến nhưng đại bại trong hòa bình, khi đã phản bội lại toàn bộ lý tưởng xây dựng “một nước XHCN giàu mạnh, công bằng, tốt đẹp gấp trăm lần các nước tư bản phương Tây”, phản bội lại toàn bộ học thuyết, lý luận chủ nghĩa Mác Lenin, mô hình thể chế XHCN mà họ từng tôn thờ lúc đầu và bắt nhân dân phải đi theo, tất cả những gì mà hồi xưa họ lên án thì bây giờ họ đang quay ngược 180 độ làm theo mà còn tệ hại hơn gấp bội.
Họ cũng thất bại vì đối nội không thu phục được nhân tâm, đối ngoại phải quay sang bắt tay với Mỹ, thắng Mỹ nhưng bây giờ từ người dân cho đến quan chức đều cho con đi du học ở Mỹ (và các nước dân chủ phương Tây), thích hàng hóa cho tới cuộc sống Mỹ, đều tìm đường sang Mỹ định cư; và vẫn phải cần đến Mỹ trước sự hung hăng bành trướng của Bắc Kinh trên biển Đông. Chưa kể, họ thất bại vì đuổi Mỹ đi nhưng lại tự nguyện rơi vào cái vòng kim cô của Trung Cộng, bị trả giá thêm 2 cuộc chiến khác, bị mất thêm đảo, lãnh thổ lãnh hải vào tay Bắc Kinh v.v…
Không những đã phản bội hàng chục triệu người dân miền Bắc, trong đó có hàng triệu người ngã xuống vì tin vào “cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ, giải phóng miền Nam” cho một tương lai tốt đẹp hơn, họ cũng phản bội xương máu của những người lính đã ngã xuống ở Trường Sa và trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, khi quay lại cầu hòa với Trung Cộng, gọi kẻ thù là đồng chí, anh em và nhiều năm sau vẫn không dám nhắc đến cuộc chiến này.
Càng ngày họ càng không thuyết phục được phần lớn người dân Việt Nam tin vào mô hình thể chế, vào tính chính danh, vào con đường đi lên CNXH của họ. Xã hội Việt Nam bây giờ ai cũng biết, hoàn toàn không phải là một xã hội XHCN, mà là một xã hội tư bản hoang dã, rừng rú, kết hợp với mô hình thể chế độc tài toàn trị. Và bây giờ thì có thể nói hơn 90% đảng viên cũng không tin vào điều đó hay có lý tưởng gì cả, ngoài chuyện phải bám lấy đảng vì quyền lợi.
Về mặt chính quyền, nhà nước cộng sản Việt Nam là một chính quyền thất bại, vì không xây dựng được một nền kinh tế tự lực tự cường, mà chủ yếu vẫn chỉ bán nông ngư sản, bán nguyên liệu thô, bán sức lao động rẻ mạt của nhân dân. Một nền kinh tế và chính trị quá phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Cộng còn vũ khí thì phụ thuộc vào Nga, để bây giờ khi vũ khí của Nga đã chứng tỏ sự thua kém rất xa so với vũ khí của Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây trong cuộc chiến Ukraine và Nga phải bắt tay với Trung Cộng cũng như tương lai sẽ phải phụ thuộc vào Trung Cộng nhiều thứ thì Việt Nam bị rơi vào thế khó. Không xây dựng được xã hội tốt đẹp, mọi điều nhà nước cộng sản hứa hẹn họ không làm được, ngay một ví dụ là chống tham nhũng họ tiến hành bao lâu nay, mở cả chiến dịch “đốt lò”, bắt bớ hàng trăm quan chức tham nhũng thuộc mọi lĩnh vực, cấp bậc, nhưng tệ nạn tham nhũng vẫn cứ hoành hành, tàn phá xã hội như một căn bệnh ung thư ở thời kỳ cuối.
Cuối cùng, Việt Nam là một quốc gia thất bại vì bị tụt hậu, thua kém nhiều mặt ngay đối với các nước láng giềng chứ chưa nói đến vị trí trên toàn cầu, không được thế giới ngưỡng mộ vì những thành tích trong các lĩnh vực kinh tế, quân sự, quốc phòng, hay sự hào phóng, tử tế với thế giới, ngược lại, luôn luôn bị đánh giá rất tệ về tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, hồ sơ nhân quyền, chỉ số minh bạch quốc gia, chỉ số Dân chủ v.v… Một quốc gia thất bại vì người dân không được sống trong tự do, dân chủ, văn minh, hạnh phúc, bằng chứng rõ ràng của điều này là ngay sau khi cuộc chiến vừa kết thúc chưa bao lâu, người Việt đã ồ ạt bỏ nước ra đi và suốt gần nửa thế kỷ, dòng người ra đi chưa bao giờ dừng lại. Không biết ai đã nghĩ ra cụm từ “bỏ phiếu bằng chân” chính xác đến thế.
Để hiểu rõ hơn, hãy thử tìm hiểu ngược lại thế nào là một quốc gia thành công, một dân tộc thành công? Không so sánh với những cường quốc lớn về diện tích, dân số, về nền kinh tế, hãy thử nhìn sang các nước Bắc Âu như như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy dù nhỏ bé, dân số chỉ có từ 5 đến 10 triệu người nhưng thế giới luôn luôn khâm phục, đánh giá rất cao các quốc gia này vì có nền kinh tế phát triển cao, có một hệ thống phúc lợi xã hội rộng rãi, luôn đạt thứ hạng cao trong nhiều bảng xếp hạng quốc tế về chất lượng cuộc sống, y tế, giáo dục, bảo vệ tự do dân sự, cạnh tranh kinh tế, bình đẳng, thịnh vượng và phát triển con người cho tới Chỉ số Liêm chính công, Chỉ số Dân chủ… Các quốc gia này cũng luôn luôn nằm trong top các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới hàng năm.
Thế giới cũng khâm phục quốc gia Israel mặc dù có diện tích lãnh thổ nhỏ cũng như dân số khiêm tốn chưa đến 10 triệu người, nhưng có bình quân thu nhập đầu người vào mức rất cao, với hạng 19 toàn cầu, đồng thời là nền kinh tế lớn thứ 30 trên thế giới, lực lượng lao động có tư chất, có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp cao, có sức mạnh quân sự, kinh tế và tầm ảnh hưởng lớn về văn hóa, chính trị nên vẫn được công nhận là một cường quốc khu vực tại Trung Đông cũng như là một trung cường quốc trên thế giới.
Hoặc như Đài Loan bị hạn chế công nhận chủ quyền, bị Trung Cộng tìm mọi cách cản trở sự phát triển và hội nhập với thế giới bằng chính sách ngoại giao thù địch dựa trên nguyên tắc Một Trung Quốc, nhưng Đài Loan vẫn vươn lên mạnh mẽ. Nền kinh tế Đài Loan từ thập niên 1960 trở đi có sự phát triển thần tốc, tạo nên Kỳ tích Đài Loan. Từ thập niên 1990, Đài Loan trở thành quốc gia phát triển. Đài Loan hiện nay là trung cường quốc, nền dân chủ đang hoàn thiện từng ngày, xã hội văn minh, tiến bộ…
Sơ sơ như thế để thấy Việt Nam, có diện tích trung bình, dân số gần 100 triệu đứng đứng thứ 15 trên thế giới, có tài nguyên khoáng sản, vị trí địa chính trị thuận lợi, nhưng sau gần nửa thế kỷ thống nhất làm một dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản đã thành công hay thất bại. Những sự thay đổi trong đời sống của một bộ phận dân chúng hay trên bề mặt tại các thành phố, tỉnh thành lớn chỉ là so với chính Việt Nam của thời kỳ bao cấp hay với Miền Bắc trước năm 1975 mà thôi, còn nếu đi về làng quê, vùng sâu vùng xa, đời sống của dân nghèo, đồng bào các sắc dân bản địa, dân tộc thiểu số vẫn rất cực khổ, thiếu thốn đủ mọi thứ.
Những sai lầm, tội ác và những di sản nào nặng nề nhất mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho đất nước, dân tộc Việt Nam?
Không có một đảng cầm quyền nào, một chế độ nào trong lịch sử hơn 4000 năm của Việt Nam mà mức độ phá hoại của nó lại kinh khủng và di họa để lại về sau lại to lớn như chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo. Có thể kể ra rất nhiều sự phá hoại vô cùng nghiêm trọng như:
– Tài nguyên cạn kiệt, môi trường thiên nhiên bị tàn phá nặng nề.
– Gây thêm sự chia rẽ trong dân tộc. Dân tộc Việt Nam vốn đã bị chia rẽ nặng nề do hậu quả của một cuộc nội chiến dài 30 năm, vết thương đó lại càng bị khoét sâu vì những chính sách trả thù tàn bạo của đảng và nhà nước cộng sản đối với những người thua cuộc sau ngày 30/4/1975, chính sách phân biệt lý lịch, bất công vùng miền… trong suốt thời gian qua.
– Những sai lầm trong chính sách nhu nhược với Trung Cộng khiến Việt Nam bị mất thêm đảo, lãnh thổ lãnh hải, bị phụ thuộc nặng nề về kinh tế, chính trị, quốc phòng.
– Nhưng nghiêm trọng hơn là đảng cộng sản đã hủy diệt bao nhiêu nhân tài của đất nước, tiêu diệt tầng lớp trí thức với ý nghĩa thực sự của hai từ này – trí thức là có kiến thức độc lập, quan tâm đến vận mệnh đất nước, có tinh thần phản biện lại những sự sai trái của chính phủ… – chỉ còn lại “đội ngũ” công chức, cán bộ ngoan ngoãn cúi đầu ngậm miệng vâng theo lệnh đảng. Tiêu diệt văn hóa tự do sáng tạo, chỉ còn lại những sản phẩm tuyên truyền một chiều. Tàn phá niềm tin của con người vào con người, vào luật pháp, vào tương lai vận mệnh của đất nước và khi hoàn toàn mất niềm tin thì người dân không cảm thấy phải gắn bó sống chết vì một tương lai chung, vận mệnh chung, ngược lại chỉ lo vơ vét thủ thân, thậm chí coi quê hương như cái “quán trọ” để sống tạm rồi tìm cách “hạ cánh an toàn” ở nước ngoài khi có cơ hội v.v… Chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam cũng tiêu diệt dũng khí, tính nhân bản, lòng tử tế, sự trung thực, phẩm giá, nhân cách của con người.
– Xã hội Việt Nam bây giờ là một xã hội khủng hoảng giá trị, khủng hoảng niềm tin, đạo đức xuống cấp. Và tất cả những điều đó sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi, xây dựng lại.
Quê hương sau 48 năm, tương lai đi về đâu?
Cứ nhìn vào chân dung giới lãnh đạo ở những vị trí cao nhất và tư duy, trí tuệ, tầm nhìn của họ qua từng hành động, phát ngôn, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào đám quan chức từ Nam ra Bắc tiếp tục điên cuồng vơ vét, bán đắt bán rẻ mọi thứ còn lại cho tới từng phần lãnh thổ của Tổ quốc, đua nhau hốt hụi chót trước khi nhảy sang nơi khác và hạ cánh an toàn… là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào phần lớn tầng lớp người giàu trong xã hội, đồng tiền của họ từ đâu ra, cách họ làm giàu, cách họ tiêu tiền, có phần nào dành đầu tư vào những lĩnh vực/những dự án lâu dài mang tính quốc gia, trả nợ lại cho xã hội hoặc vun đắp cho các thế hệ tương lai hay không… là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào giới trí thức, có bao nhiêu phần trăm lên tiếng vì những bất công, phi lý của xã hội, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào những người trẻ tuổi, hầu hết đang nghĩ gì, mơ gì, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào bức tranh của ngành giáo dục, là sẽ có câu trả lời.
Cứ nhìn vào dòng người suốt 48 năm qua vẫn không ngừng bỏ nước ra đi, bằng nhiều con đường khác nhau, ngày càng thêm nhiều thành phần khác nhau kể cả những người thành đạt, các đại gia, các quan chức cộng sản và con cháu họ… là sẽ có câu trả lời.
Hòa hợp hòa giải dân tộc, vì sao vẫn chưa làm được?
Có cuộc chiến nào đã kết thúc gần nửa thế kỷ nhưng trong lòng đa số người dân, dù có trực tiếp dính líu đến cuộc chiến hay không, dù ở phe nào, vẫn chưa hoàn toàn bình yên, vẫn đầy chia rẽ, như cuộc chiến Việt Nam?
Không chỉ nhà cầm quyền Việt Nam từ nhiều năm qua cứ lặp đi lặp lại cụm từ “hòa giải hòa hợp dân tộc”, mà rất nhiều người, phần lớn chưa thực sự trải qua những bi kịch sau ngày 30/4/1975, cũng lên giọng chỉ trích những người khác rằng sao cứ nhắc mãi về quá khứ, tại sao không bỏ qua những hận thù cũ, cùng nhau xây dựng đất nước v.v… Thật ra mọi lời kêu gọi “hòa giải hòa hợp dân tộc” hay gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, trong một chừng mực nào đó là ngây thơ (hoặc giả dối, đứng về phía nhà nước Việt Nam khi họ nói rất nhiều ở đầu môi chót lưỡi nhưng không làm được một hành động thành tâm thiện ý nào cụ thể) và vẫn sẽ không làm được, chừng nào chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam còn chưa thay đổi về bản chất.
Về phía đảng và nhà nước cộng sản, khoan hãy nói tới những điều xa vời như kêu gọi họ khoan dung, “hòa giải hòa hợp” với bên thua cuộc, hay thừa nhận những sai lầm, tội ác của họ trong quá khứ, mà trước hết họ hãy tỏ ra khoan dung đối với những người dũng cảm nói lên thực trạng đất nước, chỉ ra những cái sai trong đường lối chính sách của nhà nước Việt Nam trong hiện tại đi đã. Chừng nào họ còn đối xử tàn bạo, dã man, coi dân như kẻ thù, chừng nào họ còn cướp đất của dân, còn không cho phép người dân mở miệng, không cho phép người dân được có những cái quyền cơ bản của một Con Người, một công dân, chừng nào họ còn coi đất nước này chỉ là của riêng của một đảng, thậm chí của riêng của một nhóm người, và muốn làm gì đất nước này thì làm… thì đừng nói đến chuyện họ khoan dung với bất cứ ai.
Và một khi họ còn hành xử như vậy thì có cửa nào để người khác hợp tác với họ xây dựng đất nước không, hay mới có mấy người ra ứng cử đại biểu Quốc hội là bị bắt hết, có mấy người định lập hội (như Hội nhà báo độc lập), định làm báo khác đi (nhóm Báo Sạch) thì cũng bị tóm hết?
Hòa giải hòa hợp ở đây theo cái nhìn của đảng cộng sản chỉ có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện chế độ độc tài Việt Nam và quyền lãnh đạo duy nhất, vĩnh viễn của đảng cộng sản. Và nếu như gần 100 triệu người dân trong nước không có quyền gì đối với nhà nước cộng sản ngoài cái quyền đóng thuế, thì người Việt Nam ở hải ngoại cũng chỉ có một cái quyền duy nhất là gửi tiền về, hoặc bỏ tiền ra đầu tư làm lợi cho chế độ. Mà ngay cả chuyện đầu tư này cũng đã có nhiều người về Việt Nam làm ăn, cuối cùng bị nhà nước Việt Nam tìm cách “bẫy”, lấy hết tiền, trở thành trắng tay!
Ứng xử thế nào với quá khứ?
Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể thấy biết bao nhiêu bài học từ các dân tộc “trưởng thành” trong việc ứng xử với quá khứ.
Như cách người Mỹ thừa nhận mình thua trong cuộc chiến Việt Nam và mổ xẻ về những thất bại đó để không lập lại, cách người Nhật vươn mình đứng dậy sau đại bại trong thế chiến thứ Hai và trở thành một cường quốc như ngày nay, cách người Đức tự sám hối những tội ác của mình trong giai đoạn phát xít nói chung và với dân tộc Do Thái nói riêng – cả hai dân tộc Nhật, Đức ngày nay đều trở thành những quốc gia thân thiện, tích cực giúp đỡ các nước khác… Người Đức cũng có thêm tấm gương về chuyện thống nhất bằng con đường hòa bình và hòa giải hòa hợp dân tộc giữa hai miền Đông-Tây, người Mỹ là chuyện ứng xử với nhau sau cuộc nội chiến Nam-Bắc v.v…
Điều đó cho thấy dân tộc nào biết nhìn thẳng vào sự thật, biết sám hối và biết học những bài học từ quá khứ thì dân tộc đó, quốc gia đó sẽ vượt lên quá khứ, trở thành những quốc gia giàu mạnh, thành công, tốt đẹp hơn.
Điều đó cũng lý giải tại sao đảng cộng sản có thể bình thường hóa quan hệ với những cựu thù như Mỹ, Trung Quốc mà vẫn không làm hòa được với chính đồng bào của mình. Đảng cộng sản Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ từ năm 1995, tức là 20 năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Đối với Trung Cộng, họ còn mau mắn hơn – năm 1991, sau một loạt các cuộc đụng độ quân sự trên biên giới và hải đảo giữa hai nước kéo dài từ 1979-1989 và việc Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma mới xảy ra năm 1988.
Cái khác nhau là vì khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ hay với Trung Cộng, không ai bắt họ phải nhìn lại quá khứ, mổ xẻ quá khứ, sám hối hay sửa chữa những gì họ đã làm!
Vấn đề bây giờ không chỉ riêng đảng và nhà nước cộng sản mà chỉ khi nào người Việt Nam chúng ta có thể ứng xử với quá khứ như một số các dân tộc vĩ đại khác, thì chúng ta mới có hy vọng bước qua quá khứ, hướng tới tương lai.
Những gì mỗi người Việt chúng ta có thể và cần phải làm
Vận mệnh của một quốc gia, một dân tộc phải do chính dân tộc đó tự quyết định.
Một chế độ độc tài đã quen với việc nắm trọn quyền lực trong nhiều năm và dày dạn kinh nghiệm “đối phó” với nhân dân và dư luận quốc tế như đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ chịu lùi bước, nhân nhượng nếu chưa thật sự bị ép vào đường cùng, và sức ép đó phải từ người dân Việt Nam cộng với những biến chuyển của tình hình chính trị trên thế giới. Sức ép đó phải diễn ra hàng ngày, ngày này qua ngày khác, và là công việc chung của mọi người, mỗi người góp phần một chút, trên hành trình thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa đất nước.
Không chờ đợi, kêu gọi gì ở đảng và nhà nước độc tài này, mỗi người chúng ta tập hòa hợp với nhau, tôn trọng sự khác biệt, đa nguyên. Tập làm người dân chủ. Tập suy nghĩ độc lập, tự do. Sống trung thực, tử tế. Không chờ đến khi giành được đất nước rồi mới xây dựng con người dân chủ.
Nhìn lại lịch sử hàng ngàn năm, chúng ta thấy so với nhiều dân tộc khác, dân tộc Việt Nam thật bất hạnh vì cho tới tận bây giờ, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 20 năm một nửa nước được sống trong một thể chế tương đối dân chủ, một xã hội tương đối tự do và nhân bản. Còn lại, vừa thoát ra khỏi thời kỳ thực dân phong kiến là rơi vào nội chiến, rồi bị kìm hãm bới một chế độ độc tài toàn trị.
Nhưng có những dân tộc đã biến cái không may thành lợi thế, nhờ biết học bài học của quá khứ, của lịch sử.
Biết đâu nhờ cái không may, nhờ sự bất hạnh đó mà người Việt sẽ không còn lầm lẫn, mơ hồ về chủ nghĩa cộng sản, về những lời mỵ dân, về cái bánh vẽ “thiên đường XHCN dưới sự dẫn dắt của đảng cộng sản”, nhận chân ra nhiều sự thật và từ đó khát khao dân chủ hóa đất nước càng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Song Chi
Theo Diễn Đàn Thế Kỷ ngày 30 tháng 4, 2023
Be the first to comment