Nhà phê bình Đặng Tiến (trái) và cố dịch giả Dương Tường. (Ảnh: Facebook Đặng Tiến)
Vài giờ sau khi nhà phê bình văn học Đặng Tiến qua đời vào sáng 17 Tháng Tư năm 2023 tại nhà riêng ở Orléans, nước Pháp, những báo lớn trong Việt Nam đồng loạt đưa tin. Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Phunuonline. Ngờ đâu, những tưởng “nối vòng tay lớn” đã vang lên để “nối sơn hà”, thì ngay sau đó, tất cả đường dẫn đều biến mất, không một lời trăn trối. Chỉ còn mỗi VnExpress với lời báo tử đúng nghĩa đen, dẫn dụ thêm vài ý cá nhân của nhà báo Nguyễn Hồng Lam trong nước, chủ yếu về quan điểm văn thơ của nhà phê bình Đặng Tiến.
Nhà phê bình văn học Đặng Tiến. (Ảnh: Facebook Đặng Tiến)
Trong một bài viết trên BBC có đến ba nguồn tin cho biết:
Một nguồn tin của BBC từ Sài Gòn cho biết, báo chí được chỉ đạo miệng về việc không đưa tin về sự qua đời của nhà phê bình Đặng Tiến. Nguồn tin không muốn nêu tên từ Hà Nội thì nói với BBC “đó là lệnh từ Bộ Thông tin và Truyền thông.”
Một nguồn tin khác thì nói với BBC rằng, họ nhận được chỉ đạo qua tin nhắn như sau: “Về trường hợp ông Đặng Tiến vừa qua đời tại Pháp, đề nghị các cơ quan báo chí không thông tin (nếu đã thông tin thì gỡ ngay) vì đây là nhân vật tham gia tổ chức chống Đảng và Nhà nước Việt Nam (Văn đoàn Độc lập). Trân trọng.” (hết trích.)
Đường dẫn vẫn còn, nhưng lại là một nội dung khác.
Văn đoàn Độc lập, với diễn đàn là Văn Việt (vanviet.info) là một tổ chức xã hội dân sự gồm những người trong và ngoài nước, do nhà văn Nguyên Ngọc thành lập năm 2014. Tên gọi thế nào, thì tính chất và nội dung thế ấy. Nghĩa là, đây là một nhóm tập hợp các văn sĩ, tri thức, nhà phê bình, nghiên cứu trong nước và hải ngoại, với khát khao làm sống dậy một nền văn học tự do, nhân bản, và khai phóng. Chỉ cần nghe những tên tuổi có mặt trong tổ chức này, có thể hiểu sự lo ngại của giới chức thẩm quyền khi đối diện với yêu cầu cấp giấy phép cho hoạt động. Đó là những cây bút lừng lẫy như Vũ Thư Hiên, Bùi Chát, Bùi Minh Quốc, Trương Anh Thuỵ, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Đặng Tiến, Hoàng Hưng, Dzũng Hoàng, Nguyễn Duy, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Quang Lập, Phạm Đình Trọng, Phạm Xuân Nguyên, Lưu Trọng Văn, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thanh Bình,…
Vì Văn đoàn Độc lập hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước, nên đã trở thành “tổ chức chống Đảng và nhà nước Việt Nam.” Chuyện không phải mới, cũng không lạ.
Chống như thế nào? Chống điều gì cụ thể? Chỉ đạo không nói rõ. Chỉ biết rằng, nội nội dung như thế đã phơi bày một nỗi sợ hãi mơ hồ và hèn nhát. Mơ hồ vì chẳng có gì rõ ràng cụ thể trong một văn bản cấp nhà nước đưa ra từ Bộ Thông tin và Truyền thông. Hèn nhát vì dù là “bên thắng cuộc”, vẫn không dám đối diện với quá khứ của một nền văn hoá đẹp đẽ đã bị tước đoạt không thương tiếc. Hèn nhát vì sợ cả người đã khuất. Nỗi sợ gì mà đeo bám thiên thu?
Là nhà phê bình văn học, cả cuộc đời của ông gắn liền với con chữ. Ông tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1963 nhưng đã bắt đầu phê bình, điểm sách từ năm 1960. Năm 1966 ông lập nghiệp ở Pháp, dạy văn chương Việt Nam trong Ban Việt Học, Đại học Paris 7 từ ngày thành lập (năm 1967) cho đến ngày nghỉ hưu, năm 2005. Cho dù ở Pháp, ông vẫn viết cho nhiều tạp chí trong nước sau năm 1975.
Sau khi nghỉ hưu, ông nhiều lần về nước, gặp gỡ bạn văn thơ từ trước 1975. Thậm chí, từng tham dự hội thảo Thơ Việt Nam đương đại do khoa Ngữ văn Báo chí của trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thực hiện vào năm 2008. Tác phẩm “Thơ, thi pháp và chân dung” của ông do NXB Phụ Nữ phát hành năm 2009.
Điều này có thể được hiểu là ông không nằm trong “sổ đen” của chế độ hiện tại. Nhà lý luận văn học Trần Đình Sử từng có lời nhận định về ông: “Đọc sách của ông người ta thấy ông thiên về thưởng ngoạn văn học nhiều hơn là nghiên cứu lí thuyết, phê bình văn học của ông có nét riêng.”
Thế nhưng, ngày ông từ giã cõi trần ở nước Pháp xa xôi, giữa hàng trăm lời chia buồn của bạn bè, độc giả trên khắp thế giới, thì quê hương, cái quê hương mà “mỗi người chỉ một” ấy đã từ chối lời ai điếu. Vì sao? Vì ông là thành viên của Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam.
Và hơn nữa, quan trọng nữa, ông là một tri thức bước ra từ nền văn hoá Việt Nam Cộng Hoà. Tư duy của ông, chữ nghĩa của ông, học thức của ông, là hoa thơm trái ngọt của nền giáo dục VNCH.
Cũng từ BBC, viết rằng: “Một nhà văn giấu tên chia sẻ với BBC rằng, dù lý do chỉ đạo không đưa tin về ông Đặng Tiến là gì thì có lẽ nhà nước Việt Nam xem ông Đặng Tiến thuộc về phía Việt Nam Cộng Hòa và “vẫn coi văn học miền Nam là thù địch và tìm mọi cách để xóa sổ nó. Một số tác giả được cho in lại hay nhắc đến cũng chỉ là cách họ muốn tỏ ra hòa hợp hòa giải thôi,”
“Nếu đưa tin rộng rãi ông Đặng Tiến sẽ dẫn đến nhiều người tìm đọc ông. Và người ta sẽ nhận ra, phương pháp hay nghệ thuật bình trong chế độ tự do của miền Nam nó sẽ rất khác với phê bình có định hướng, hay phê bình dưới góc độ Mac-xit. Ở một góc độ khác, điều này sẽ tạo ra sự so sánh bất lợi cho chế độ,” người này nói. (hết trích)
Chỉ cách đây vài tháng thôi, ca khúc “Gia tài của Mẹ” trong tập nhạc Ca khúc Da Vàng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở mình, càng thêm nổi tiếng gần 60 năm sau. Cũng chỉ vì một nỗi sợ. Sợ cuộc chiến hai mươi năm “hào hùng, vàng son cách mạng” bị hoen ố, bị sai lệch với hệ thống tuyên truyền của miền Bắc suốt nửa thế kỷ qua. “Hai mươi năm nội chiến” là gì? Nội hàm của nó ra sao? Bản chất của nó thế nào? Ai cưỡng chiếm, ai bội tình? Câu trả lời tự thân nó đã có, từ năm 1973.
Vì sao một ca khúc (trong nhiều ca khúc), sau hơn nửa thế kỷ vẫn bị “bên thắng cuộc” cấm tuyệt cho dù nó nói lên đúng bản chất điêu tàn của chiến tranh? Vì sao một nhà phê bình văn học khi nằm xuống vẫn làm cho Bộ Thông tin và Truyền thông sợ hãi?
Nỗi sợ gì mà đeo bám đến nghìn thu?
Sen Đá
Theo Saigon Nhỏ ngày 19 tháng 4, 2023
Be the first to comment