Thầy Giáo Kiêm Thầy Lang Ở Vùng Biên Giới Việt – Campuchia

Thầy lang Huỳnh Văn Tê đang bắt mạch khám bệnh cứu người. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Sống độc thân, hơn 30 năm, thầy giáo Huỳnh Văn Tê cũng là thầy lang Đông y mát tay ở vùng biên giới Việt – Campuchia.

Câu chuyện đẹp về thầy Huỳnh Văn Tê (55 tuổi) được phóng viên Tuổi Trẻ tường thuật ngày 10 Tháng Tư 2023 và trước đó, được Biên Phòng kể lại ngày 20 Tháng Năm 2020.

Thầy Tê dạy môn hóa học ở trường trung học cơ sở (cấp 2) Thường Lạc, tọa lạc bên bờ sông biên giới Sở Thượng, thuộc xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ngoài giờ đứng lớp, thầy còn chẩn bệnh, bốc thuốc thảo dược cho mọi người. Điều đặc biệt là thầy hoàn toàn miễn phí cho người bệnh, từ chối nhận tiền của tất cả bệnh nhân, cũng như có thói quen kỳ lạ là không bao giờ hỏi tên tuổi, quê quán hay lai lịch của bệnh nhân.

Được điều về dạy ở trường Thường Thới Hậu B (nay là Thường Lạc) hồi năm 1990 sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm, thầy nhớ lại hình ảnh ngôi trường nằm chơ vơ bên bờ sông biên giới Sở Thượng – đường biên giới hai nước Việt – Cam ở giữa sông.

Lúc ấy cả xã chưa có con lộ, đi lại bằng đò, thuốc men khan hiếm, dân nghèo xơ xác. Ai bị bệnh thường phải đến phòng khám Đông y từ thiện của xã. Với kiến thức bắt mạch, bốc thuốc Nam từ thời phổ thông do một sư phụ trong một ngôi chùa ở TP. Sa Đéc (quê hương của thầy) truyền dạy, cứ hết giờ dạy học, thầy Tê lại đi tìm và hái cây thuốc, mang về chặt, phơi khô, có ai cần thầy lại hướng dẫn cho họ cách sắc uống. Căn phòng nhỏ trong khu tập thể của trường của thầy trở thành kho thuốc, người bệnh uống thuốc của thầy thấy khỏe họ đồn nhau, ngày càng có nhiều người đến tìm thầy.

Thầy giáo Huỳnh Văn Tê vùng biên giới Việt – Campuchia hơn 30 năm vừa là thầy giáo cấp 2 môn hóa, vừa là thầy lang khám chữa bệnh miễn phí. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Khi căn phòng ở khu nhà tập thể không còn chỗ cho bệnh nhân, thầy Tê được mời sang phòng khám Đông y của xã để hỗ trợ bắt mạch, bốc thuốc. Nhu cầu dược liệu ngày càng lớn, thầy Tê gom góp 80 triệu đồng tiền riêng xây nhà thuốc bên bờ sông biên giới Sở Thượng. Ông kể với Biên Phòng: “Nhà làm 2 gác bằng sắt và gỗ, đang làm bị thiếu tiền, tôi phải chạy đi xin mấy Mạnh Thường Quân “tiếp” thêm mới hoàn thiện được nhà thuốc này. Phía trên để thuốc, phía dưới cũng để thuốc và có chỗ rộng khi bà con cô bác về đây ngồi chờ bốc thuốc”.

Nhờ có đồng lương giáo viên đủ nuôi thân, lại không có gia đình riêng, thầy Tê chú tâm vào việc khám chữa bệnh trong khi các thầy thuốc Đông y khác bỏ nghề. Sau 10 năm vừa làm thầy giáo vừa làm thầy lang, bệnh nhân kéo đến ngày càng đông, phòng khám Đông y của xã không đủ chỗ ngồi chờ, bệnh nhân phải đứng ngoài đường chờ đợi. Thấy vậy, nhà cầm quyền địa phương đã giao văn phòng Trung tâm y tế xã đang bỏ trống cho thầy Tê làm chỗ khám chữa bệnh và chứa dược liệu.

Được tạo điều kiện, thầy Tê liền bỏ tiền làm thêm mái che cho Trung tâm y tế xã có chỗ chờ đợi rộng rãi. Ông thổ lộ với Tuổi Trẻ: “Cả nhà trường lẫn lãnh đạo địa phương rất ủng hộ tôi khám chữa bệnh miễn phí. Nhà trường xếp lịch dạy thường “né” những ngày cuối tuần để tôi có thời gian cho bệnh nhân. Thỉnh thoảng các anh ấy lại ghé để động viên, nhờ vậy mà mình càng thêm yên tâm làm tốt cả hai việc”.

Yêu việc khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo, mỗi lần nhà trường gợi ý cất nhắc lên vị trí quản lý, thầy Tê đều từ chối. “Tôi yêu nghề dạy trẻ nhưng cũng tâm huyết với việc khám trị bệnh miễn phí cho người nghèo. Nên tôi có đề đạt nguyện vọng với lãnh đạo ngành giáo dục cho tôi được có thời gian cho vai thứ hai. Các thầy ấy cũng cảm thông, nhờ vậy mình càng yên tâm làm tốt cả hai việc” – thầy Tê trải lòng.

Dời về Trung tâm y tế xã rộng hơn, lượng bệnh nhân đến cũng đông hơn. Nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi quay trở lại hậu tạ, nhưng thầy Tê đều từ chối, trừ một bệnh nhân ở Hồng Ngự. Sau khi khỏi bệnh, bệnh nhân này quay lại phòng khám, khoe với thầy Tê vừa trúng số độc đắc nên mua cái xe tải nhỏ để “gửi” cho phòng khám có xe chở cây thuốc, một lý do quá chính đáng nên thầy Tê nhận.

Bệnh nhân của thầy Tê không chỉ là dân địa phương. Tiếng lành đồn xa, có cả những bệnh nhân thuộc các tỉnh thành khác, kể cả Sài Gòn, trong đó có cả những nông dân Campuchia và người Việt sống ở Campuchia cũng đến tìm thầy Tê. Một bệnh nhân nhớ ơn thầy Tê là ông Jutha ở Neak Loeang (tỉnh Prey Veng, Campuchia) kể với Tuổi Trẻ ông đến khám vì bụng phình to, da vàng sậm, sau vài lần khám thầy Tê và uống thuốc thầy cho thì bệnh đỡ nhiều, nhưng nói cách nào thầy cũng không nhận thù lao.

Trong số nhiều người dân đến làm thuốc phụ thầy có không ít người từng là bệnh nhân được thầy cứu. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Để có đủ nguồn thuốc dự trữ và bốc thuốc hàng ngày cho bệnh nhân, thầy Tê dựa vào nhóm tình nguyện giúp thầy tìm dược liệu, phơi thuốc, phân loại thuốc và sắp xếp bệnh nhân chẩn bệnh theo trật tự – người nào yếu nhất sẽ ưu tiên khám trước. Nhóm tình nguyện phụ thầy Tê có khoảng 50 người, thường xuyên có mặt tại nhà thuốc khoảng hơn 10 người, đa số đều là nông dân, từng là bệnh nhân từng được thầy Tê chữa khỏi bệnh. Trong số đó có bà Tư Xốp, bà Út Đỉnh, bà Tô Thị Giòng, dân Thường Lạc. Bà Út Đỉnh, 84 tuổi, nói với Tuổi Trẻ: “Thầy trị bệnh không lấy thù lao khám hay tiền thuốc men gì hết. Nên ai có lòng thì tới tiếp ổng một tay lo cho những bệnh nhân nghèo khác…”.

Còn bà Tô Thị Giòng, 83 tuổi, chia sẻ với Biên Phòng: “Trước đây, bệnh của tui nặng lắm, đi chữa hoài ở bệnh viện Chợ Rẫy, đại học Y Dược trên Sài Gòn mà không khỏi. Nghe người ta nói thầy Tê bốc thuốc hay, tui đến thầy bốc thuốc về uống một thời gian thấy khỏe. Ngày nào tôi cũng đến đây làm phước với thầy”.

Cũng theo Biên Phòng, có những người mang cả gia đình đến làm thiện nguyện ở nhà thuốc của thầy Tê như gia đình ông Bùi Văn Chức, 65 tuổi. Biên Phòng còn kể theo thầy Tê, một ngày thầy bốc gần 2,000 thang thuốc, một tháng cần rất nhiều dược liệu, thế nên, ngoài các anh chị em trong hội thiện nguyện đi tìm thì thầy phải tổ chức người đi hái, đi đào, có nhiều khi phải chạy xe gắn máy qua huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang),  vùng Đồng Tháp Mười (gồm các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Hòa và bảy xã phía Bắc của hai huyện Thủ Thừa và Bến Lức, thuộc tỉnh Long An) hoặc sang tận Campuchia… Trong số những người đi tìm dược liệu, còn có cả đồng nghiệp của thầy giáo Tê ở cùng trường hoặc các trường lân cận cùng tham gia.

Chi tiêu ở nhà thuốc như tiền ăn trưa cho nhóm thiện nguyện, tiền xăng cho người đi tìm dược liệu…. thầy Tê đều bỏ tiền túi là lương giáo viên. Hết tiền lương, thầy Tê phải đi xin Mạnh Thường Quân, trong đó có các anh chị em trong hội thiện nguyện.

Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Thường Lạc là Lương y Hai Chức, nhận xét về thầy Tê: “Ai chứ thầy Tê giúp người nhiều lắm à nhen. Không chỉ dân địa phương mà còn từ nhiều tỉnh, cả người Campuchia cũng qua đây nhờ ổng trị bệnh… Thầy làm tốt nên xã, huyện cũng hỗ trợ hết mình cho ổng làm phước”.

Ông Bùi Thanh Tiền, bí thư kiêm chủ tịch Ủy ban xã Thường Lạc, còn cho biết thầy Tê thỉnh thoảng còn vận động nhà hảo tâm trao tặng gạo, đồ dùng thiết yếu, vật liệu xây cất nhà… giúp các gia đình nghèo trong xã.

Hơn 30 năm, gác chuyện lập gia đình riêng sang một bên, thầy Huỳnh Văn Tê tâm sự với Tuổi Trẻ chỉ có đủ thời gian cho hai vai: vai thầy giáo cho bọn trẻ và vai thầy lang chữa bệnh cứu người.

Một con người đẹp, một đốm sáng nhỏ nhoi giữa một xã hội đầy những mảng tối, may mà cũng đủ soi rọi và dẫn đường sống tốt cho những phận đời cơ cực vùng biên giới.

An Vui
Theo SGN News ngày 12 tháng 4, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*