Một Chút Trao Đổi Với GS Lê Đình Cai Về Cuốn Sách Mới Xuất Bản “Chiến Tranh Quốc-Cộng Tại Việt Nam” (1954-1975)

Ngày 15/3/2023, tôi nhận được cuốn sách mới xuất bản do GS Lê Đình Cai ở San Jose gửi tặng. Sách này vốn là một bản thảo luận án Tiến sĩ Sử học dự trù trình bày và bảo vệ tại Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn năm 1975 nhưng vì thời cuộc tác giả cũng như rất nhiều người khác dưới thời Đệ II Cộng Hoà phải đi tù nhiều năm thời Cộng Sản nên công trình phải bỏ dở cho đến khi tác giả được sang tái định cư tại Hoa Kỳ mới được anh bổ sung lại và cho xuất bản trên nhiều tạp chí ở San Jose.

* * *

1.- Về tên gọi của cuộc chiến tranh Quốc Cộng

Trong phần DẪN NHẬP, tác giả viết:

“Cuộc chiến tranh Quốc Cộng (1954-1975) tại Việt Nam, có nhiều người cho rằng đó là một cuộc nội chiến Nam Bắc vì rõ ràng là người miền Bắc đã đánh nhau với người miền Nam. Cũng có một số nhà nghiên cứu quan niệm rằng đó là một cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm” vì lẽ Hà Nội được sự viện trợ vũ khí từ Liên Xô và Trung Cộng trong khi miền Nam thì tiếp nhận vũ khí của Hoa Kỳ. Cả hai bên đều được các thế lực ngoại quốc uỷ nhiệm để thi hành chính sách riêng của họ.

Nhìn theo nhiều góc cạnh thì cách gọi tên cho cuộc chiến Việt Nam như đã trình bày không phải là sai. Nhưng nhìn vào tổng thể của cuộc tranh chấp toàn cầu, với sự phát triển của phong trào Cộng Sản trên toàn thế giới, thì Hồ Chí Minh đã phát động cuộc chiến tranh theo lệnh của Đệ III Quốc Tế Cộng Sản để xâm lăng miền Nam. Người Việt Quốc Gia đang cố gắng chống đở “làn sóng đỏ” với sự giúp đở của Hoa Kỳ khi người Mỹ nhận thấy nguy cơ bành trướng của Trung Cộng xuống vùng Đông Dương và Đông Nam Á.

Đây quả là một cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa phe Thế giới Tự Do và phe Cộng Sản Đệ III Quốc Tế (Comintern)… Cuối cùng là Phần Tổng Luận, nêu bật những lý do dẩn đến thất bại của Hoa Kỳ và phe Đồng Minh cũng như của chính quyền Miền Nam. Đồng thời cũng nhấn mạnh đến việc chế độ Cộng Sản Miền Bắc chỉ thắng được phe Miền Nam trên chiến trường. Họ chỉ mới thắng một trận đánh, nhưng chưa thực sự chiến thắng được cuộc chiến tranh ý thức hệ này (The war of Ideology). Nói rõ hơn người Cộng Sản Miền Bắc chưa thắng được “lòng dân” của người Miền Nam dù cuộc chiến đã kết thúc từ gần nửa thế kỷ nay.” (Đăng Trình, California, 2023, trang 8).

Nói đến cuộc chiến tranh Quốc-Cộng được nhìn một cách khái quát là từ 1954 đến 1975 tại Việt Nam trong các sách vở xuất bản thường được gọi là cuộc chiến tranh Việt Nam (The Vietnam War) cũng có khi được biết là cuộc nội chiến Nam Bắc (the Civil War of Vietnam), cuộc chiến tranh uỷ nhiệm (The Proxy War) hay cuộc chiến tranh ý thức hệ (the War of Ideology).

Trong Đại hội toàn quốc của Mặt Trận Liên Việt tháng 3-1951, nhân dịp đảng Lao Động Việt Nam ra mắt quốc dân, Trường Chinh lúc ấy là Tổng Bí Thư Đảng Lao Động đã định nghĩa kháng chiến như sau: “Kháng chiến Việt-Nam là một hình thức cao rộng của giai cấp đấu tranh.”
Như vậy Trường Chinh đã muốn lấy lòng đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao nên mệnh danh cuộc kháng chiến này là cuộc kháng chiến của “giai cấp đấu tranh”.

Nhận định về khẩu hiệu này, ông Minh Võ viết rằng: “Chính vì kháng chiến, theo Cộng sản, là một hình thức giai cấp đấu tranh, mà trong suốt thời kỳ kháng chiến “Liên Việt” đã vô tình tiếp tay cho Cộng sản, trong việc tiêu diệt các giai cấp khác không phải là giai cấp của đảng Cộng sản, thay vì đáng lý ra, liên kết và điều hoà mọi giai cấp.” (Minh Võ, Sách lược xâm lăng của Cộng Sản, bản in lần thứ ba, California, 2007, trang 140)

Không kể việc Trịnh Công Sơn viết nhạc phẩm phản chiến “Gia Tài Của Mẹ” năm 1965 có những câu như: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày, gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ là nước Việt buồn”… khẳng định cuộc chiến tranh giữa Nam và Bắc là một cuộc nội chiến để có lẽ một phần cũng vì bài hát này mà TCS bị chính quyền CS không tin dùng sau ngày 30-4-1975, người CS có lẽ cũng dè dặt với tên gọi “cuộc nội chiến” này.

Một người lính cộng sản từng chiến đấu trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ từ năm 1945 đến 1975, nay cũng đã rời hàng ngũ của những người kháng chiến cũ, bỏ đảng CSVN, là một nhà bất đồng chính kiến, nhà văn Nguyên Ngọc đã bày tỏ ý kiến của ông. Ông Nguyên Ngọc trong một cuộc phỏng vấn gần đây dành cho ký giả Nguyễn Hồng Anh tại tư gia ở Hội An, ngày 9.3.2023, qua bài phát biểu có tên Văn chương về đề tài chiến tranh – Trí nhớ của ngôn từ và sự độc đoán của văn học sử thi, đã cho biết:

“Kháng chiến chống Pháp, ít nhất đến trước năm 1950, còn rất đẹp. Năm 1950 biên giới Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn được giải phóng, kháng chiến của Việt Nam nhận được viện trợ của Trung Quốc, rồi Liên Xô, đồng thời tư tưởng Mao Trạch Đông cũng được nhập khẩu, lý thuyết đấu tranh giai cấp khiến cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng trở thành chiến tranh ý thức hệ, rồi đến huynh đệ tương tàn.
Chúng tôi ở Liên Khu 5 (tức Nam Trung Bộ), xa biên giới phía Bắc hơn, nên ảnh hưởng có tính bi kịch ấy đến chậm hơn và nhạt hơn…”

“Tôi nhớ có lần ông Võ Chí Công, bấy giờ là Bí thư, Chính uỷ Khu 5 tổ chức thảo luận: Chiến tranh ở miền Nam có tính chất nội chiến hay không? Thảo luận suốt một ngày, cán bộ nhà ta, đủ cả tham mưu, chính trị, hậu cần, anh nào cũng lên gân chỉ tuyệt đối là chống ngoại xâm thôi, làm sao gọi là nội chiến được, vậy nguỵ quân cũng là anh em à!… Cuối cùng ông Võ Chí Công mới kết luận. Tôi nhớ hôm ấy ông nói rất chậm, khó nhọc và hơi buồn. Ông bảo tất nhiên chống ngoại xâm là đúng rồi, nhưng theo tôi cũng có chen cả tính chất nội chiến nữa. Cần bình tĩnh xem xét cho kỹ thì mới có thể xử lý được đúng các vấn đề thực tế trên chiến trường…
Kỳ thực, thực tế chiến trường cũng đã khiến chúng tôi phải suy nghĩ. Sau hội nghị Paris, Mỹ đã rút hết quân, chỉ còn đánh nhau với quân đội Sài Gòn, lại thấy khó hơn đánh Mỹ. Cả năm 1974, không diệt gọn được đại đội quân Sài Gòn nào trên chiến trường. Cho đến năm 1975 mới vỡ từng mảng lớn và sụp đổ. Có thể chắc chắn là do từ sai lầm chiến lược của Nguyễn Văn Thiệu quyết định bỏ Tây Nguyên. Nếu không có sai lầm đó sự thể sẽ còn rất phức tạp.” (Trang mạng Bauxite VN, ngày 20/3/2023).

Tuy nhiên, người đã phát biểu quan điểm đầu tiên, chính xác nhất về bản chất của chiến cuộc Việt Nam đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trong cuốn sách có tên Sách Lược Xâm Lăng Của Cộng Sản (in lần thứ ba, California 2007), tác giả Minh Võ trong phần nói về “trung lập” có viết ở mục chú thích:

Đề cập tới vấn đề trung lập ở đây, chúng tôi chỉ có ý đưa ra một hình thức sách lược của Cộng sản, và dựa vào những danh từ mà gần đây thường thấy xuất hiện trên các tấm thảm xanh quốc tế. Chúng tôi không quan niệm rằng thế giới thực sự chia làm hai khối: một Tự do, một Cộng sản và do đó có thể thành lập một khối trung lập tích cực ở giữa. Chúng tôi đồng ý với Tổng thống Ngô Đình Diệm (Thông Điệp Song Thất 1961) rằng trên thế giới hiện nay chỉ có một khối Cộng sản với một ý thức hệ duy nhất, với một bộ máy thống trị duy nhất, và Cộng sản coi tất cả những nước nào chưa nằm trong khối đó là địch thù, là đối tượng cần thủ tiêu hay chinh phục để cuối cùng bá chủ thế giới. (Trang 108)
Như vậy vấn đề tên gọi cuộc chiến tranh này, như TS Lê Đình Cai hay một người nào khác gọi, là chiến tranh ý thức hệ thật sự cần phải được nghiên cứu thêm.

2.- Thử đọc lại một bài báo cũ của Linh mục Sử gia NGUYỄN PHƯƠNG

Tôi đón tiếp cuốn sách của TS Lê Đình Cai với sự vui mừng, nhưng chỉ mới đọc thoáng qua cũng đã hơi khựng lại khi có một vài nhận xét sơ khởi về các nguồn tài liệu trong đó tác giả tham khảo để hình thành nên tập luận án sử học này. Trong các nguồn tài liệu tham khảo tôi để ý đến cuốn hồi ký của Thiếu Tướng Đỗ Mậu có tên “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” (VNMLQHT) mà GS Lê Đình Cai có trích dẫn khá nhiều trong cuốn sách của mình. Một cuốn sách thứ hai tôi lưu ý đến đó là cuốn hồi ký “Công Và Tội” của Nguyễn Trân, Cựu Tỉnh Trưởng Định Tường dưới thời Cố TT Ngô Đình Diệm, nhưng cuốn sách này sẽ được tôi đề cập đến khi có dịp thuận tiện.

Trong tác phẩm Phương Pháp Sử Học, sử gia linh mục Nguyễn Phương, vị thầy khả kính của tôi cũng như một số môn sinh khác trong đó có Lê Đình Cai, cách nay hơn sáu thập niên tại Trường Đại Học Văn Khoa Huế đã viết rằng: “Hồi ký – Đó là một nguồn sử liệu quý, chép bởi chính những người đóng vai trong những biến cố được thuật lại. Dầu vậy sử gia cũng nên nhớ rằng nó vẫn có thể chứa đựng sai lạc vì những lý do nầy: Trước, hồi ký thường dựa vào ký ức để viết, mà hỏi ký ức đâu phải luôn luôn trung thành? Bởi đó một việc xảy ra càng cách xa lúc viết càng có thể bị sai lạc hơn. Nếu người chép hồi ký có được thư tín, hoặc nhật ký nâng đỡ, thì công việc sẽ được chắc chắn. Lý do nữa khiến cho hồi ký có thể bị sai lạc, là thường người ta chép hồi ký với tiền ý bênh vực sự nghiệp của mình. Vì lo lắng tự biện chính như vậy mà nhiều khi tác giả phóng đại sự thật, hay che giấu đi những chỗ không được mấy tốt đẹp”.

Về tập hồi ký của J. Laniel, nhan đề là Le Drame Indochinois (de Điện biên phủ au “Pari” de Genève) xuất bản năm 1957, chẳng hạn, tướng Henri Navarre đã viết: “Không ai sẽ lấy gì làm lạ nếu sách đó, như chính tác giả đã nói, là một “tài liệu” chép ra “chỉ vì lòng ưu ái đối với sự thật”. Chẳng may xem ra vị cựu thủ tướng đã cố tìm cách đem những trách nhiệm, chính ra là của ông, trút đổ một phần cho các vị chỉ huy quân sự, một phần cho kẻ kế vị ông. Sách ông đầy dẫy những chỗ bỏ bớt, sai lạc, mâu thuẫn, ẩn ý, và có khi xuyên tạc sự thật nữa.” (Nguyễn Phương, Phương Pháp Sử Học, Phòng Nghiên Cứu Sử, Viện Đại Học Huế, Nhà in Sao Mai, 1964, trang 133).

Dùng một cuốn sách được cho là hồi ký như VNMLQHT của Đỗ Mậu làm tài liệu để tham khảo, trích dẫn, việc làm của GS Lê Đình Cai khiến tôi chú tâm bởi vì trong con mắt của những người từng được huấn luyện về Phương Pháp Sử Học, chúng tôi ắt phải cẩn thận hết sức khi sử dụng đến loại tư liệu này nhất là cuốn sách hơn 1200 trang đầy luận điệu chửi rủa, vu khống, chụp mũ mệnh danh là của Đỗ Mậu lại do những người được dư luận cho là Thích Nhất Hạnh, Trần Quang Thuận và Ngô Trọng Anh viết.

Để đánh giá được hồi ký VNMLQHT của Đỗ Mậu, chúng tôi đã tìm đọc lại sách báo cũ ở Hoa Kỳ trong hơn ba thập niên về trước, và may mắn gặp được một bài nhận định về Đỗ Mậu và cuốn VNMLQHT của Trúc Long, bút hiệu viết báo của Linh mục Sử gia Nguyễn Phương (1921-1993) khi ra sống ở hải ngoại. Bài báo viết như sau:

CHỈ VÌ “KHÔNG CÓ HỌC…
Trúc Long

Mới đây, tôi được đọc bản văn của Nhị Lang đề là “Vạch Trần Thủ Đoạn Xuyên Tạc Bôi Nhọ của Hoành Linh Đỗ Mậu Trong Tác phẩm ‘Việt-Nam Máu Lửa, Quê Hương Tôi’”. Thoạt thấy cái đề, tôi chờ đợi những giòng chữ thô bạo, ôm đồm, mạt sát. Nhưng không. Trước mắt tôi đã dần dần diễn ra cả một áng văn tuyệt tác, lời lẽ ôn tồn mà sắc như gươm, thanh tao nhưng xoi bói như ánh sáng. Hiệu lực của hơn hai chục trang đánh máy dài đó chắc chắn đã có thể kinh khủng như những tia lasers, nếu đối tượng của nó cũng thuộc hạng người có cảm giác tinh, vi, có tâm hồn tế nhị như Nhị Lang. Tiếc thay, đối tượng lại là tác giả, hoặc các tác giả, của tập VNMLQHT, tức là người thiếu lương tâm, vô trách nhiệm, cảm giác đã chai lì vì trác táng, tâm hồn đã thác loạn vì phản trắc, nên lời văn cao thượng của Nhị Lang chỉ còn là những tiếng đàn tuyệt diệu gảy vào tai trâu đó thôi. Mà thật, Thiếu tướng Đỗ Mậu, dầu đã già, vẫn đành đem thân làm trâu ngựa lần cuối cho những “bóng ma”, với tập sách mà công nhiên ông là tác giả.

… NÊN KHÔNG THỂ CHÉP LỊCH SỬ…

Phê bình tập sách nói là của TT Đỗ Mậu, Ông Nguyễn Đạt Thịnh đã dùng nhan đề “Sử Gia Đỗ Mậu” (bài đăng trong tờ báo biếu Tiếng Việt rồi in lại trong Tiền Phong số 265). Vì tiếng sử gia không được đóng trong ngoặc kép, và vì cuối đề không có dấu nghi vấn, tôi cứ tưởng phê bình gia đã tìm được một vài sử chất nơi tập sách dày đến 1267 trang kia. Không ngờ, theo ông Đạt Thịnh, tiếng Sử Gia đặt vào đó chỉ là để châm biếm, chứ tập sách đã không có gì là sử cả, mà chỉ là những lời thoá mạ trường thiên. Nhà phê bình lo rằng tập sách sẽ di hại cho lịch sử vì các thế hệ mai sau sẽ tưởng rằng các điều được nói trong sách là có thật. Có thể thế, nhất là khi tác giả của tập sách lại là một ông tướng, có nghĩa là một người có văn hoá, hơn thế nữa, khi ông tướng này đã từng giữ chức vụ Tổng Trưởng Văn hoá Xã hội. Nhưng nghĩ lại, không đáng lo lắm, vì thế hệ nào cũng vậy, người có lương tri không bao giờ tin vào những tài liệu chủ trương xuyên tạc và bôi nhọ, chửi bới, như tập sách mang tên TT Đỗ Mậu. Đối với người học sử, một tiếng khả nghi mà thôi đã đủ để làm mất giá trị của một tài liệu, huống hồ đây tất cả tài liệu đều kết bằng những tiếng rất khả nghi.

Vì thế, không cần phải đợi thế hệ sau, chính hôm nay đây, những kẻ đã để mắt vào tập VNMLQHT, đều có những phản ứng vô cùng tiêu cực. Không phải thiên hạ chỉ chê rằng người viết không biết cách viết mà thôi, mà người ta chê cả tư cách của người viết, nó hiện hình ra nơi mỗi câu văn. Nhưng thiết tưởng không cần phải dừng lại lâu ở mục này, vì câu văn đây nhất thiết không phải là câu văn chép sử. Sử là thuật chuyện, cả những chuyện chửi bới, nhưng không bao giờ sử là những lời chửi bới.

… CŨNG KHÔNG THỂ CHÉP HỒI KÝ…

Tác giả tập VNMLQHT mệnh danh cho công trình của mình là một tập hồi ký. Nhưng Nhị Lang không tin. Ông đã nhìn vào khía cạnh này và bươi ra toàn là rắc rối cho tác giả. Trước, Nhị Lang đặt ra mực thước để đo hồi ký, nói “hồi ký là một thể văn tự thuật” chứ không phải bất cứ chuyện nào cũng thuật, như những chuyện cả đời không hề có dính dáng gì với tác giả, chẳng hạn. Và nó phải được thuật “với những diễn tả trung thực” chứ không phải chủ trương xuyên tạc, bôi nhọ.

Trong hồi ký, tác giả phải thuật “những cảm nghĩ của mình” chứ không phải vay mượn của kẻ khác gặp được trong sách vở báo chí. Các cảm nghĩ này lại còn phải được thuật “theo từng giai đoạn và trình độ tuổi tác” chứ không phải tất cả đều được quan niệm theo tâm trạng của tác giả khi cầm bút viết hồi ký. Mực thước là như thế đó, vậy mà theo Nhị Lang, và cũng là theo nhận xét của mọi độc giả, toàn bộ tập sách không chỗ nào trúng vào bên trong ngoặc kép cả, nghĩa là tất cả đều trật đường rầy. Mà còn là trật một cách ngây ngô bởi lẽ thiếu hẳn kiến thức về bút pháp, vì nhiều chỗ tác giả còn chường ra ở mục ghi chú các tài liệu tác giả đã tham khảo. Thật là, thưa ông con ở bụi này!

Có một chỗ trong các mực thước của Nhị Lang đáng được chú ý đặc biệt. Tiên sinh nói rằng trong hồi ký “tác giả lần lượt kể lại các sự việc mà tác giả coi là đáng cho kẻ khác biết tới đời mình từ lúc trẻ tới lúc già”. Chữ đáng được Nhị Lang nhấn mạnh đó cho phép người viết hồi ký được quyền lựa chọn rộng rãi, nhưng chắc chắn một điều là các chi tiết có khả năng soi sáng cho lịch sử nhất thiết không được bỏ qua. Cho nên, khi thấy tập hồi ký của TT Đỗ Mậu bỏ qua nhiều chi tiết thuộc loại nầy, tôi nghĩ rằng kẻ khác cần phải giúp tác giả mà bổ túc vào. Ít ra hai chi tiết phải được nói đến, đó là về lý do tại sao TT Đỗ Mậu làm cách mạng, và về cách thức làm cách mạng của Thiếu tướng.

Thăng quan tiến chức, ai cũng muốn… Nhưng Thiếu tướng họ Đỗ đã muốn một cách vượt mức. Từ thuở ông vãng lai nhà tên Tử vi ở Đường Trần Quý Cáp (Testard cũ), ông đã nhập tâm một điều rằng mình là “một nhân vật đã mang chân mệnh SINH VI TƯỚNG, TỬ VI THẦN”. Cái ám ảnh làm tướng nơi Đại tá Đỗ Mậu càng hoa lên như lửa đốt vì bấy giờ là lúc ngoại bang đang chủ trương hạ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Trước khi mua các tướng tá làm trâu ngựa để tấn công họ Ngô, ngoại bang đã ranh mãnh mua các nhà tướng số để tấn công tướng tá, nhất là các tướng tá họ biết “cưỡi” được một cách dễ dàng hơn. Thế là câu “sinh vi tướng, tử vi thần” xuất đầu lộ diện. Trong cố gắng thực hiện cho đúng chân mệnh, dĩ nhiên không có phương sách nào mà Đại tá Đỗ Mậu không dùng. Kết quả đã được rất tốt đẹp nơi Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Lê Văn Tỵ, vì tên của ĐT Đỗ Mậu đứng đầu danh sách được đề nghị lên tướng. Đề nghị này có hơi khác thường, và đây chính là chỗ nêu cao cái tài vận động của nhà họ Đỗ, đó là Đại tá Mậu không có văn hoá cũng không có kinh nghiệm chỉ huy. Cụ Diệm vốn rất thương Đại tá họ Đỗ, vì nếu không thương, một người học đến ri me và xuất thân là một tên lính khố xanh, làm sao mà lên được đến chức Đại tá và giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng? Dầu thương, Cụ Diệm luôn luôn sáng suốt. Cụ đã nghiêm chỉnh gạt tên ĐT Đỗ Mậu ra khỏi danh sách lên tướng, và nói với Đại tướng Lê Văn Tỵ: “Đại Tá Mậu không có học, cũng không có kinh nghiệm hành quân, cho lên tướng, các nước ngoài và nhất là Võ Nguyên Giáp nó sẽ cười chúng ta”. Và thế là mối tử thù manh nha giữa nhà họ Đỗ và nhà họ Ngô, vì từ đó, tiếng của chân mệnh nổi lên ví von hơn nơi miệng của tên “nằm vùng” Lê Hoàn, thầy bói của Đường Trần Quý Cáp. Bấy giờ việc ngựa bị lùa vào chuồng ngoại bang chỉ còn là việc của thời gian.

Không mấy chốc thời gian đã đến vì ngoại bang nhận thấy trong chuồng chưa có đủ mặt ngựa. Một con cốt cán vẫn dùng dằng không chịu vào. Hỏi ai có đủ cái sức phản trắc cần thiết để làm thuyết khách? Ngoại bang biết, và các tướng lãnh biết, không còn ai bằng con người mang chân mệnh. Bao lâu còn Cụ Diệm là bấy lâu con đường của chân mệnh còn bị bế tắc. Nay có cơ hội để khai thông, dại gì lại không lăn xã vào. Và người ta thấy ĐT Đỗ Mậu vãng lai tư dinh TT Tôn Thất Đính.

Lần nầy rồi lần khác, Ông Đính vùng vằng. Lúc đầu Đại tá thuyết khách còn ăn nói như quân nhân với quân nhân, như nhà cách mạng với một nhà cách mạng. Nhưng rồi, vì đối tượng ngoan cố và vì chân mệnh thôi thúc, thuyết khách đã trở thành tên lính khố xanh trước Ông Quan Lớn, hơn nữa, như thần tử trước long nhan, lạy lấy, lạy để, van nài viên tướng một là bằng lòng làm cách mạng, không thì “giết tôi đi” vì tất cả bí mật của kế hoạch cách mạng đã bị tiết lộ. Không muốn đổ máu trong nhà, viên tướng bảo viên đại tá hãy về đi để mình nghĩ lại. Giúp cho Tôn Thất Đính nghĩ lại và chun vào chuồng của ngoại bang, Đại tá Đỗ Mậu đã có kinh nghiệm của những ngày chạy chọt để đứng đầu danh sách lên tướng.

Trên đây chỉ là nói ra dài dài hơn lý do TT Đỗ Mậu làm cách mạng và cách thức ông làm cách mạng. Chính Thiếu Tướng cũng đã đề cập đến vấn đề nầy một cách qua loa. Có lần ông đã nói với Nhị Lang rằng: “Chính Thằng Đỗ Mậu này mới thực sự làm cách mạng! Thằng Đỗ Mậu này đã phải quỳ lạy ‘hói đầu sứt trán’ chúng nó mới chịu đồng ý lật đổ ông Diệm cho”. Tội nghiệp cho T. Đỗ Mậu. Nhưng đó là chân mệnh của ông. Không nói đến các khúc mắt của con đường chân mệnh này, thì cho dầu viết đầy hơn nghìn trang giấy, tập sách vẫn không phải là hồi ký.

… NHƯNG LÀM NGỰA CHO “BÓNG MA” CƯỠI.

Cho đến nay, các bài bàn tán về tập sách mang tên TT Đỗ Mậu, ngoài của Nhị Lang và của Nguyễn Đạt Thịnh ra, còn có của Cộng đồng Công giáo Việt nam, Orange County, đề là “Nghĩ Về Tập Hồi Ký Đỗ Mậu”.

Bị thúc giục phải lên tiếng, vì trong ba mục tiêu lớn của tập hồi ký, mục tiêu “thứ ba chỉa mũi dùi công kích và mạt sát giáo hội Công giáo Việt nam, hàng Giáo phẩm VN, và xa hơn nữa là cả Đức Giáo Hoàng và Toà thánh La mã”, Cộng đồng này đã lên tiếng, nhưng là để nói rằng “xin nhường mọi phán đoán lại cho công luận” vì sợ chia rẽ. Dĩ nhiên thế là vô sự nhất, vì thế là thi hành đúng ngắt lời của ông bà dạy: biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe, mặc dầu là phải nghe thiên hạ kêu cha, kêu mẹ ra mà chửi. Dầu vậy, ngoài việc nghe tiếng chửi cha, chửi mẹ, họ còn nghe được tiếng của “bóng ma”. Họ nghĩ rằng “có những bóng ma”, những bàn tay vô hình mượn khuôn mặt họ Đỗ như một thứ bình phong để tạo chia rẽ trong tập thể người Việt. Đang khi buồn cười vì thái độ của Cộng đồng – không can thiệp vào việc tạo ra chia rẽ để tránh chia rẽ – tôi phải nhận rằng lỗ tai họ đã khá thính. Họ nói có những “bóng ma” “những bàn tay vô hình”, vì họ không có mặt trong ngày ra mắt tập hồi ký. Thực ra tại Chùa Học viện Phật giáo Quốc tế đã có một ngày ra mắt tưng bừng dưới sự chủ toạ của Thích Trí Niệm, và với lời thuyết trình của Trần Quang Thuận, cùng với nhiều người yêu nước làm thính giả. Sự việc đã xem ra quá chướng kỳ đến nỗi một ký giả phải đặt câu hỏi tại sao tập sách sặc mùi chính trị như thế lại được ra mắt trong khung cảnh tôn nghiêm đó. Và vị chủ toạ đã lúng túng nói rằng phải làm gấp để ông đi Đông Nam Á.

Nhưng nhìn cho kỹ, thiết tưởng không có gì chướng kỳ khi tác giả đứng ra làm chủ toạ hay làm thuyết trình viên trong cuộc ra mắt của tập sách mình viết. Và “bóng ma” hoá ra người thật… Và “những bàn tay vô hình” tự nhiên thấy được rõ như những bàn tay của bạn và của tôi. Việc này có lẽ không có gì khó hiểu. Đã thấy rằng tập sách không phải là lịch sử, cũng không phải là hồi ký. Nó chỉ lặp lại, với một giọng gắt gỏng hơn, cực đoan hơn, những luận điệu đã một thời quen biết. TT Đỗ Mậu nói rằng ông đã lật đổ Cụ Diệm. Nhưng không phải Phật giáo Ấn Quang cũng có thể nói họ đã lật đổ Cụ Diệm đó sao?

Nay, với diễn biến của các năm sau khi Cụ Diệm bị lật đổ, nhất là với việc mất trọn Miền Nam vào tay Cộng sản, chính nghĩa của Cụ Diệm càng ngày càng sáng tỏ. Nhưng Cụ Diệm càng thấy được anh minh, những kẻ đã giết Cụ càng cảm thấy cứng họng. Muốn cho họng đỡ cứng, cần phải hét lên thật to, nhưng bằng cách nào đây? Thế là những kẻ đồng cảnh ngộ đã ngồi lại. Con người trước đây có đủ phản phúc để làm thuyết khách, nay cũng có đủ nhẫn tâm để làm tác giả. Dường như ông nghĩ rằng cái tiếng tác giả sẽ xoá được mặc cảm “không có học” (thất học) đang giày vò ông. Và dường như ông cũng nghĩ rằng ngậm cho thật nhiều máu rồi phun ra cho thật mạnh vào thanh danh của Chí Sĩ Ngô Đình Diệm, vào gia đình họ Ngô, và vào bất cứ gì có dính dáng gần xa với họ Ngô, như hàng Giáo phẩm Việt nam, Đức Giáo Hoàng, là có thể lấp được cái tội phản phúc chất đống lên mà ông và những kẻ lợi dụng ông đã tạo ra. Không ngờ, những kẻ chính thức cầm bút viết tập hồi ký, vì họ biết quá rõ cái tịt “không có học” của ông, lại vì họ được ở trong tình trạng vô danh – nghĩa là vô trách nhiệm – đã làm cho tập “Hồi ký Đỗ Mậu” thành “những câu chửi rủa dài trên một ngàn trang”. Độc giả của tập hồi ký có cảm tưởng như bị long tai điếc óc bởi những lời thô bỉ, đổ thừa trơ trẽn, xuyên tạc trắng trợn, của những bóng cuồng “ma” đang lồng lộn trên mình con ngựa đã già mà còn dại. Trong lời kết của bài phê bình tập “Hồi ký Đỗ Mậu”, ông Đạt Thịnh vô tình đã hầu như lặp lại lời Cụ Diệm, nói: “Ông tướng họ Đỗ đã tệ hơn mức dại nữa: ông không học (bất học)…” Và tập sách sẽ không hoàn toàn vô dụng, vì ít ra nó có công hiệu bất hủ hoá mặc cảm không có học và lòng phản phúc đen ngòm của viên tướng già lưu vong.

Tệ hơn mức dại chưa phải là hết mức tệ…

Người xưa còn nói: Nhân bất học, bất như vật.
Trâu ngựa đâu có manh tâm phản chủ? Trâu ngựa đâu có tìm cách chữa tội phản phúc bằng cách cố tình xuyên tạc bôi nhọ vào thanh danh của ông chủ mình đã giết đi vì phản phúc. Chỉ có những kẻ đem thân làm trâu ngựa mới làm được như thế.
Trên bia miệng của các độc giả tập VIỆT NAM MÁU LỬA QUÊ HƯƠNG TÔI, khi họ đã đưa mắt qua trên hơn một ngàn trang vấy đầy máu Cụ Diệm, họ sẽ hồn nhiên lặp lại câu chân mệnh làm như bia mộ cho tác giả, nhưng với một thay đổi. Họ xướng lên:
SINH VI TƯỚNG PHẢN PHÚC,
TỬ VI THẦN không phải chỉ THẤT HỌC, mà là
BẤT HỌC.
Ô HÔ! AI TAI!
Trúc Long

Bài báo trên đây được trích trong tập “Những bài của Nguyễn Phương tự Trúc Long đã được in trong các báo chí Việt kiều ở Hải ngoại” là một trong số di cảo quý giá Cố Linh mục Nguyễn Phương đã để lại cho tôi sau khi ngài qua đời ngày 27/12/1993 tại Chi Dòng Đồng Công Missouri, Hoa Kỳ.

3.- Đối chiếu vào những kinh nghiệm bản thân

Trong thời gian ở trại cải tạo của CS (1975-1988), tôi cùng nhiều anh em khác đều chia xẻ một quan điểm rằng nếu TT Ngô Đình Diệm không bị bọn tướng lãnh tham tiền của Mỹ, loại người mà TT Hoa Kỳ Johnson mệnh là “một bọn côn đồ ác ôn”, thì chưa chắc đã có ngày 30/4/1975 và chúng tôi trong đó có cả TS Lê Đình Cai làm gì đã gặp phải cảnh khốn khổ hậu quả thảm khốc của cái ngày đó.

Trong tác phẩm Dòng Họ NGÔ ĐÌNH Ước Mơ Chưa Đạt, ông Nguyễn Văn Minh (tác giả là anh rể bạn tôi là Hoàng Văn Sự cùng học Viện Hán Học Huế 1959-1962) có nhắc đến một cuốn sách mà tác giả là nữ Trung tá Tình báo Gián điệp Việt cộng Đinh Thị Vân, tức Trần Thị Mỹ, một nữ sĩ quan của tổ chức Tình Báo Chiến Lược VC hoạt động tại Miền Nam đã từng bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của ông Ngô Đình Cẩn bắt. Sau ngày 30-4-1975, cô viết và phổ biến cuốn Cuộc Chiến Tranh Đặc Biệt, thể loại hồi ký:

“Theo một số cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã được đọc cuốn hồi ký này trong trại cải tạo kể lại, nội dung hồi ký bày tỏ sự kinh ngạc trước hiệu quả chống Cộng của chính sách Cải Tạo Và Sử Dụng Những Người Kháng Chiến Cũ của miền Nam. Họ hoảng sợ trước đường lối, phương pháp thực hiện chính sách này của Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung. Số sĩ quan có tinh thần chống Cộng quyết liệt, vô tư, đã có những phản ứng tích cực sau khi đọc cuốn hồi ký này, như trường hợp dưới đây.

Trung tá N. khi còn là Trung uý, đã từng làm việc dưới quyền Đại tá Dương Hiếu Nghĩa, sau khi đọc hết cuốn chuyện, anh cầm cuốn sách đến gặp Đại tá Nghĩa đang bị giam cùng trại. Và sau đây là cuộc đối đáp giữa hai người:

– Thưa ông thày, nhiều người nói ông thày có nhúng tay vào việc giết Tổng Thống Diệm và ông Nhu, chuyện ấy có đúng không?
– Không đúng. Tôi không có nhúng tay vào việc này.
– Vậy ai đã giết các ông ấy, ông thày có biết không?
– Tôi biết, nhưng lúc này chưa thể nói ra được.
– Đến bao giờ ông thày mới nói được?
– Có ngày tôi sẽ nói ra cho mọi người biết.
– Xin lỗi ông thày, anh giơ cuốn sách lên, chế độ các ông ấy chống Cộng hữu hiệu như vầy mà giết người ta đi, để bây giờ phải vô ngồi tù cả đám như thế này. Tất cả những đứa dính vào vụ này, từ thằng Dương Văn Minh trở xuống, tôi gọi bằng “thằng” hết!

Một trong những người được chứng kiến cuộc đối đáp này là cựu Trung tá Lê Thiện Phước.” (Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, Ước mơ chưa đạt, Hoàng Nguyên xuất bản, Tái bản lần thứ nhất tháng 11-2003, trang 92-94).

Trước khi xuất bản cuốn “Chiến Tranh Quốc Cộng”, TS Lê Đình Cai đã cho in cuốn Khúc Quanh Định Mệnh nói rất nhiều về những thành tích học hành của mình dĩ nhiên là dưới thời Đệ I và Đệ II Cộng Hoà, qua lãnh vực giáo dục mà các chế độ Miền Nam đều rất mực lưu tâm. Tôi chia xẻ với TS Lê Đình Cai những giòng chữ anh viết như sau:

“Năm 1954 mùa hè năm đó chúng tôi đã đỗ rất cao trong kỳ thi văn bằng Tiểu Học (hết cấp 1 nói theo hệ thống giáo dục hiện nay) khiến cô giáo Kim Trâm vô cùng hãnh diện. Tiếp đó, chúng tôi tham dự kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường Trung Học Nguyễn Hoàng niên học 1954-55 cùng với rất nhiều sĩ tử các quận huyện và các trường tư thục trong tỉnh.

Năm 1954 cũng là năm ký hiệp định Genève (20-7-54) chia đôi đất nước Việt Nam với con sông Bến Hải làm ranh giới. Dạo đó, dù còn nhỏ nhưng chúng tôi đã cảm thấy có cái gì mất mát lớn lao trong thực trạng chia cắt của quê hương. Dòng người di cư đổ vào thành phố nhỏ bé Quảng Trị ngày càng đông và phải chia nhau ở các trại tạm trú tại sân vận động. Rất nhiều con em của các gia đình di cư này cũng dự thi vào lớp Đệ Thất Trung Học Nguyễn Hoàng năm đó và anh Nguyễn Văn Thưởng (nhà thơ Chu Vương Miện) là bạn cùng học với tôi ở trong số này. Sau khi thi xong chúng tôi chờ đợi giờ đọc tên “bảng vàng” mà lòng như lửa đốt và rồi kết quả như chúng tôi kỳ vọng, anh em chúng tôi đều trúng tuyển với thứ hạng cao nhất toàn tỉnh.” (Lê Đình Cai, Khúc Quanh Định Mệnh, Đăng Trình California, 2022, trang 22).

Giai đoạn này cũng là lúc mà TT Ngô Đình Diệm bù đầu trong việc đối phó với thực dân Pháp, sự lật lọng tráo trở của người Mỹ, sự phá phách của các giáo phái, với việc định cư một triệu người từ ngoài Bắc dồn vào, mà cũng vẫn không quên lo cho người dân vùng Quảng Trị nghèo đói, khốn khổ như anh Cai được học hành, thì công ơn Cụ Diệm phải nói là không biết để vào đâu cho hết. Lúc này, gia đình tôi từ Quảng Bình bỏ cả giáo xứ, mồ mả, nhà cửa, tài sản để di cư vào Nam.

Tôi không ở trong số người di cư vào tỉnh Quảng Trị, nhưng rời phi trường Đông Hà sau khi bay vào từ phi trường Hoàn Lão, Đồng Hới, tôi theo các bà chị của tôi lên xe đò Quảng Trị vào Huế. Những phần tiếp của cuốn sách nói về những thành đạt của anh LĐC trong lãnh vực giáo dục, một lãnh vực được giành nhiều ưu tiên dưới thời Cụ Ngô Đình Diệm.

Trong cuốn sách xuất bản năm 2022 có tên Khúc Quanh Định Mệnh, tác giả Lê Đình Cai có viết:

“Tôi được thả ra vào ngày gần tết (đầu năm 1982) từ trại cải tạo Bình Điền (Nằm ở vùng núi Trường Sơn Đông thuộc phía Tây Nam thành phố Huế, gần biên giới Lào-Việt), nơi mùa hè thì nắng cháy nghiệt ngã, mùa đông lại lạnh buốt tới xương, quả là miền đất sơn lam chướng khí, như cách nhận xét của những người từng sinh sống lâu năm ở đó:
Cọp Bình Điền, nước khe điên,
Vào thôi cũng đủ, muộn phiền, khó ra.

Ngày rời trại, trời âm u, mưa lất phất… Tôi cùng một số bạn tù đi bộ ra bến đò Bình Điền, xuôi về quận lỵ Nam Hoà rồi đáp xe lam về thành phố Huế. Khi chiếc xe Honda ôm đưa tôi ngang cầu Trường Tiền, hướng vào nội thành, tôi nhờ bác tài dừng lại… Tôi đứng trên cầu quay nhìn về hướng khách sạn Morin, nơi mà trước đây là toà nhà của trường Đại Học Văn Khoa Huế. Chính ngôi trường này là nơi ghi dấu kỷ niệm cuộc đời sinh viên qua bốn năm dài đèn sách (1962-1966) Rồi hơn bốn năm sau (1970), từ Sài Gòn tôi trở lại Huế và cũng ở ngôi trường Văn Khoa này, tôi đã đứng trên bục giảng, truyền thụ những điều mình học hỏi được cho lớp sinh viên đàn em đang háo hức mộng ước vào đời… Thời gian và kỷ niệm dồn về đầy ứ trong tâm tư…” (Trang 119)

Và ở đoạn dưới, GS Lê Đình Cai viết tiếp những đoạn thấy rất tội nghiệp:

“Tôi chỉ ở Huế được vài ngày thì phải thu xếp vào ngay vùng kinh tế mới Phú Cường, Đồng Nai vì chính quyền địa phương không cho phép tôi ở lại thành phố này lâu hơn…”
“Tôi cùng gia đình vào vùng kinh tế mới ở miền Đông Nam Bộ (vùng Dầu Giây, Long Khánh). Đúng ra miền đất hoang sơ và khô cằn này là vùng Phú Cường thuộc tỉnh Đồng Nai.
Đối diện với một thực tế quá sức nghiệt ngã: chung quanh là rừng cây bao phủ, ngôi nhà chúng tôi ở (phải gọi là túp lều mới đúng); vách ngăn bằng tre và mái lợp bằng tranh. Tôi đến vùng này vào cuối đông; hương xuân đã lãng đãng đâu đó ngoài khu chợ nhỏ bé lưa thưa những chòi tranh tạm bợ… (Trang 120)

Đọc bài báo viết về sách của Đỗ Mậu của linh mục sử gia Nguyễn Phương vốn là thầy dạy của mình như đã được trích dẫn ở trên, cùng đoạn văn của ông Nguyễn Văn Minh trong sách “Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt”, viết về những việc làm hiệu quả của ông Ngô Đình Cẩn trong việc đem lại an ninh cho Việt Nam Cộng Hoà từ những ngày đầu thành lập, tôi không biết anh Lê Đình Cai có nghĩ gì về những công lao Cụ Ngô Đình Diệm đã đóng góp vào việc xây dựng nên nền Đệ I Cộng Hoà hay không? Ít nhất là trên lãnh vực giáo dục mà chính anh đã được thừa hưởng? Uống nước phải nhớ nguồn. Toàn bộ cuốn sách của TS Lê Đình Cai không thấy có lấy một chữ nói lên lòng cám ơn của người được học hành đến nơi đến chốn đối với vị lãnh đạo nền Đệ I Cộng Hoà (quả thật là thiếu sót lớn) mà chỉ là những lời phụ hoạ theo luận điệu của Đỗ Mậu và một số tên bồi bút khác của Mỹ sau khi lật xong Cụ Diệm? Tôi thật tình trách tác giả LĐC và cũng lấy làm tiếc.
Nếu TT Ngô Đình Diệm không bị Hoa Kỳ thuê tiền bọn tướng lãnh ác ôn côn đồ giết trong cuộc đảo chính năm 1963 thì làm sao có việc đi tù mút mùa, tán gia bại sản, phải vật vờ kiếp sống trên vùng kinh tế mới của hàng triệu người ở Miền Nam mà anh Lê Đình Cai là một nạn nhân và là nhân chứng đã ghi lại trong hồi ký của mình?

4.- Về một quan điểm cần được phân tích thêm

Trong tác phẩm Chiến Tranh Quốc Cộng tại Việt Nam 1954-1975, ở trang 205, tác giả Lê Đình Cai viết: “Giáo Hoàng Paul VI lên ngôi vào năm 1963 là một vị giáo hoàng được xem là thân Nga và thân Hà Nội. Đỗ Mậu kể rằng “ngày 11-2-1965 Đức Giáo Hoàng nổi tiếng thân Nga và thân Hà Nội, kêu gọi ngưng chiến ở Việt Nam”. Cũng trong năm 1965, Giáo Hoàng Paul VI liên tiếp kêu gọi tín đồ cầu nguyện cho hoà bình thế giới vào ngày 11-7-65 và ngày 19-9-65. Qua ngày 4-10-1965, ngài đích thân đến Hoa Kỳ hội đàm với TT Johnson, bàn về tình hình thế giới và chiến tranh Việt Nam.” (Đăng Trình xb, 2023, trang 205)

Ý kiến cho rằng Giáo Hoàng Paul VI là vị giáo hoàng “thân Nga và thân Hà Nội” là quan điểm của Đỗ Mậu viết ra vì thù ghét Công Giáo, nhằm bôi nhọ và tỏ ra không hiểu biết gì về lịch sử cả.

Trong cuốn sách Phương Pháp Sử học của linh mục Nguyễn Phương mà tôi coi như cẩm nang, thấy có đoạn viết:

“Vấn đề sử còn phải viết lại khi sử gia nhận thấy các sử liệu không được giải thích đúng đắn. Giải thích sử liệu là một công tác quan trọng trong việc chép sử, mà sử liệu nhiều khi có thể giải thích cách này hay cách khác. Người ta phải giải thích lại tài liệu cũ phần nhiều là vì, với sự tấn bộ của nền sử học, sử gia hiểu rõ ý nghĩa hơn hoặc có những liên tưởng rộng rãi hơn.” (Nguyễn Phương, Sách đã dẫn, trang 53).

Đưa ra nhận định rằng Giáo hoàng Paul VI là người “thân Nga và thân Hà Nội” dĩ nhiên độc giả, nhất là những người Công Giáo Việt Nam đòi buộc tác giả Đỗ Mậu phải giải thích. Nhưng ông này không giải thích được vì trình độ quá kém vả lại ông có phải là tác giả chính cống của cuốn sách dày cộm nghìn trang đầy ngôn từ chửi rủa đó đâu? Thế thì đến lượt những người viết sau, như TS Lê Đình Cai chẳng hạn, phải giải thích, mà chúng tôi vốn là độc giả chỉ thấy tác giả Lê Đình Cai chép lại nguyên văn quan điểm đó, tức là hoàn toàn đồng ý với Đỗ Mậu mà không soi chiếu thêm một chút ánh sáng nào, nên tôi buộc lòng phải góp ý.

Trong một cuốn sách có tên “Lịch Sử Giáo Phận Vinh” do ông Vương Đình Chữ chủ biên với nhiều tác giả gồm giáo dân và linh mục, có viết: “Trong các biến cố xảy ra sau Cách mạng Tháng 8-1945 mà chúng ta vừa nêu trên đây, không ai nhắc đến hai từ “Cộng sản”. Nhưng trước đó hơn 10 năm, các thừa sai đã nói đến Cộng sản như một thách đố mới. Mới là mới đối với Công giáo Vinh nói riêng và với Công giáo Việt Nam nói chung, còn đối với Công giáo hoàn vũ, vấn nạn này đã được đặt ra cả trăm năm trước.

Phong trào Cộng sản ra đời tháng 2-1848 khi Karl Marx và Friederich Engels công bố “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Phong trào lan rộng ra nhiều nước Châu Âu và lớn mạnh dần, đưa đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), thiết lập chế độ chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới. Năm 1921, thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 3-2-1930, thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam, nên nhiều người Nghệ Tĩnh gọi năm 1930 là “năm Cộng sản”.

Phong trào Cộng sản và các Đảng Cộng sản đều dựa trên ý thức hệ duy vật biện chứng và chủ nghĩa vô thần chiến đấu (Athéisme militant) nên đối kháng mạnh mẽ với các tôn giáo, thậm chí những người Cộng sản còn xác tín rằng “Chúng ta chỉ có thể thực hiện được một cách đầy đủ chủ nghĩa Cộng sản khoa học nếu chiến thắng được triệt để mọi thứ tôn giáo” [Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Tây dương Giatô bí lục, (Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1981),

5.- Trong mục “Vài lời nói đầu” của NXB Khoa Học Xã Hội

Điều này đã được cụ thể hoá trong thực tế khi các đảng Cộng sản cầm quyền đã có những biện pháp gắt gao chống lại tôn giáo, cách riêng Công giáo.
Trước chủ thuyết này, Giáo hội đã liên tiếp lên tiếng phê phán và kết án, qua các triều đại giáo hoàng, từ Đức Piô IX (1846-1878), Lêô XIII (1878-1903), và nhất là Giáo hoàng Piô XI (1922-1939). Quả vậy trong Thông Điệp Đấng Cứu Thế (Divini Redemptoris) ngày 19-3-1937, ngài nhận định rằng “Chủ nghĩa Cộng sản là một hệ thống đầy dẫy sự sai lầm và ảo tưởng, đối nghịch với cả lý trí và Mặc khải” (số 35); ngài kết luận: “Chủ nghĩa Cộng sản tự thân là xấu xa và bất cứ ai còn muốn cứu vãn nền văn minh Kitô giáo đều không thể hỗ trợ chủ nghĩa đó dưới bất cứ hình thức nào” (số 109). (Lịch sử Giáo Phận Vinh, Tập I, Công Giáo Nghệ Tĩnh Bình Thời Các Thừa Sai Nước Ngoài, Định Hướng Tùng Thư, 2015, trang 486).

Trong số các vị Giáo Hoàng có thái độ quyết liệt nhất đối với chủ nghĩa Cộng Sản phải nói là Đức Giáo Hoàng Piô XII (Giáo Hoàng 1939-1958). Có lẽ ngài là vị giáo hoàng biết nhiều nhất về những tác hại chế độ Cộng Sản trên thế giới gây cho nhân loại nên ngày 2 tháng Sáu năm 1949, ngài ra một sắc lệnh cấm người Công Giáo tham gia đảng Cộng Sản, cấm người Công Giáo ấn hành và viết các bài báo khuyến trợ cho chủ nghĩa Cộng Sản, cấm các linh mục không được phép ban hành các Bí tích cho những người Công Giáo vi phạm các điều kể trên… Tờ Sắc lệnh này được dán ngay tại Toà giải tội khắp trong các giáo xứ nước Ý, mục đích là để cảnh cáo không chỉ người giáo dân Ý thôi mà còn cho cả khối người Công Giáo ở phía Đông Âu châu nữa. Cũng chính Đức Giáo Hoàng Piô XII ban hành vạ tuyệt thông, tuyên chiến bất cứ nơi nào chủ nghĩa Cộng Sản bùng phát khi ngài nhìn về phía các quốc gia Đông Âu có rất nhiều người Công giáo như Poland, Slovakia, Lithuania, Hungary… (John Cornwell, Hitler’s Pope, The secret History of Pius XII, Published by the Penguin Group, 1999, trang 331 và 332).

Một vị linh mục nổi tiếng ở Giáo phận Huế là Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1979), con cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, là một bậc chân tu, nhiều năm dạy tại Viện Đại Học Huế và Viện Đại Học Đà Lạt, trước năm 1975. Năm 1927, khi còn ở Quy Nhơn, linh mục Nguyễn Văn Thích viết cuốn sách nhỏ có tên Vấn Đề Cộng Sản (The Question of Communism) đã có những ví von cụ thể khi viết rằng:

“Nếu như anh muốn biết hậu quả của chủ nghĩa Cộng Sản, đơn giản là hãy nhìn vào Trung Hoa. Từ hơn mười lăm năm qua, chủ nghĩa Cộng Sản có trách nhiệm trong việc lật đổ nền quân chủ, thành lập dân chủ, khích động nội chiến và đẩy người dân xuống vũng bùn sâu hơn. Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi là Engels và Marx của Trung Hoa. Tôn Dật Tiên là Lê Nin, với quan điểm của ông ta về cuộc sống của người dân là cũng một loại hạng như chế độ vô sản của Xô Viết.” (David G. Marr, Vietnamese Tradition on Trial 1920-1945, University of California Press, 1981, trang 85).

Những điều mà Linh mục Nguyễn Văn Thích nêu trong cuốn sách nhỏ về Cộng Sản thật ra cũng không có gì sai sự thật vì đó là những kinh nghiệm ở Liên Xô trong cách họ đối xử với Chính Thống giáo như giết các tu sĩ, khai thác các bản năng thấp hèn của con người như tham lam, độc ác, sử dụng các phương tiện bạo lực, man rợ để đạt tới mục tiêu mau chóng. (David G. Marr, cũng trang 85).

Trong cuốn sách A Pope and A President, tác giả Paul Kengor cho biết rằng:
“Các Mác đã gán cho tôn giáo nhãn hiệu là “thuốc phiện của nhân dân” và nhấn mạnh rằng “Chủ nghĩa Cộng Sản bắt đầu tại nơi chủ nghĩa vô thần bắt đầu.”Trong bản Tuyên Ngôn Cộng Sản, Mác đã viết, “Chủ nghĩa Cộng Sản triệt tiêu mọi chân lý vĩnh hằng, nó tiêu diệt tất cả mọi tôn giáo, và mọi luân lý”

Lê Nin đi xa hơn nữa. “Tất cả mọi hình thức thờ phượng một thực thể siêu việt là sự kích động bất thường. Trong một lá thư tháng Mười Một năm 1913, vị bố già Bôn Sê Vích đã viết rằng “bất cứ một tư tưởng tôn giáo nào, bất cứ một ý kiến nào về Thượng Đế, bất cứ một sự ve vãn nào với Thượng Đế đều là sự điên rồ không được phép bày tỏ… sự điên rồ nguy hiểm, một sự truyền nhiễm đáng xấu hổ.” Học giả James Thrower nói rằng với sự truyền nhiễm đó, Lê Nin muốn nhắc tới chứng bệnh giang mai.

Dưới chế độ Bôn Sê Vích, vô thần đã trở thành niềm tin chính thức của nhà nước. Lê Nin và bọn thủ hạ đã thúc đẩy điều đó rất tàn nhẫn. Chúng tiến hành việc thiết lập các tổ chức như Hiệp hội Không có Chúa (Society of the Godless), cũng được coi như Liên Đoàn Chiến Sĩ Không Có Chúa (the League of the Militant Godless). Chúng muốn chủ nghĩa Mác-Lê thay thế Chính Thống Giáo Nga và tất cả mọi tín ngưỡng quy ước khác, nó trở thành một tôn giáo dân sự mới.

Chế độ Bôn Sê Vích cấm chỉ việc dạy giáo lý cho bất cứ ai dưới 18 tuổi, và trẻ con được khuyến khích báo cáo cha mẹ dạy bất cứ điều gì về Thiên Chúa. Hôn nhân trở thành điều luật cứng ngắc về dân sự, cuộc lễ thế tục; việc cưới hỏi, rửa tội, chôn cất trở thành những nghi lễ lạ lùng theo nghi thức cộng sản. Luật cấm lâu đời của Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga về việc phá thai được dỡ bỏ, đã dẫn đến sự bùng nổ về các tốc độ phá thai và đổ vỡ trầm trọng trong các gia đình người Nga.

Lê Nin hứa chắc vào tháng Sáu năm 1913 là sẽ tiến hành ‘sự huỷ bỏ vô điều kiện các điều luật chống phá thai’. Năm 1920, việc phá thai được tự do và không phải trả tiền đối với phụ nữ Nga. Con số các vụ phá thai đã vượt qua mọi mức độ không thể so sánh được trong lịch sử nhân loại.

Nhà cầm quyền Xô Viết mới đã tịch thu đất đai, nhà cửa của Giáo Hội Chính Thống Nga, những thứ mà Giáo Hội này đã là sở hữu chủ từ nhiều thế kỷ. Bè lũ Lê Nin đã phá huỷ các thánh đường và tái tạo thành những câu lạc bộ cộng sản, công xưởng, nhà kho, văn phòng, và các viện bảo tàng vô thần. Ngôi nhà thờ mang tên Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, một thánh đường cổ kính được trang hoàng với những vòm cong rực rỡ ở về phía tây nam Mạc Tư Khoa, đã được dùng để chứa thóc. Trong số 657 ngôi thánh đường còn lại ở Mạc Tư Khoa trước cuộc cách mạng 1917, chỉ còn có 100 cho đến 150 nhà thờ còn lại cho đến năm 1976, theo thống kê chính thức của nhà nước Xô Viết. Về tình trạng đó, Toà Giáo Chủ Chính Thống Nga tại Moscow cho biết chỉ có 46 thánh đường là còn sử dụng được. Những người “theo dõi nhà thờ”, hoạt động toàn thời gian, được nhà nước thuê có nhiệm vụ báo cáo bất cứ ai đến nhà thờ để cầu nguyện.

Liên Xô là một quốc gia rộng rãi trải dài trên 12 múi giờ. Riêng Giáo Hội Chính Thống Nga cũng đã có hơn 40,000 ngôi thánh đường và khoảng 150,000 linh mục, tu sĩ, phó tế và giám mục. Lê Nin ra lệnh giết khoảng từ 14,000 đến 20,000 giáo sĩ và giáo dân tích cực. Các vị linh mục cứng đầu cùng những nữ tu không bị xử tử thì sẽ bị chở đi đày sang Tây Bá Lợi Á. Các nữ tu bị biệt giam trong những gian phòng đặc biệt chung với bọn gái điếm. Họ được xem là “gái điếm của Chúa Ki Tô”

Các thánh đường ở Nga Xô lưu trữ các thánh vật, đá quý, các hình tượng, tượng ảnh, tất cả mang giá trị phụng vụ và bí tích. Người Bôn Sê Vích chỉ nhìn thấy đó là có giá trị tài chánh để cưỡng chế tịch thu mà Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Tikhon đã chống lại trong Vụ Án Giáo Hội Mạc Tư Khoa. Con số cướp giựt toàn bộ là bao nhiêu chúng ta không biết được, nhưng một danh sách trong nội bộ biết được những cái mà họ cướp được trước ngày 1 tháng Mười Một, 1922 là 1,220 pounds vàng; 828,275 pounds bạc; 35,670 kim cương; 536 pounds đá quý, 3,115 kim thạch (gold rubles); 19,155 bạc thạch; 1,902 “các loại báu vật khác”; và 71,762 báu vật đặc thù khác.

Người Xô Viết tiêu diệt hoàn toàn Giáo Hội Công Giáo ở Liên Xô. Không như các giáo hội khác ở Liên Bang Xô Viết, Công Giáo không được phép thiết lập một bộ máy trung ương sau Thế Chiến II, phần lớn bởi vì quyền lãnh đạo của tôn giáo này (đóng đô tại Rôma) không thể kiểm soát được bởi Moscow. Viết trong khoảng giữa thập niên 1970, học giả Gerhard Simon báo cáo rằng không còn có ngay cả một tu viện Công Giáo, một dòng tu, trường học hoặc cơ quan từ thiện còn sót lại trong toàn cõi Liên Xô. (Paul Kengor, A Pope and A President, John Paul II, Ronald Reagan, and the
Extraordinary Untold Story of the 20 th Century, ISI Book, 2017, trang 32-34).

Để có một ý niệm tổng quát về sự chia rẽ trong hàng ngũ Công Giáo và Chính Thống Giáo khởi đi từ giữa thế kỹ XI, cũng chính là một trong những vấn đề quan yếu của Công Đồng Vatican II, xin đọc một đoạn văn ngắn sau đây:
“Trong thiên niên kỷ đầu của Kitô giáo, Chính thống Đông phương và Công giáo Rôma là một Giáo Hội hiệp nhất, mặc dù có một số khác biệt giữa Đông phương và Tây phương. Vào thế kỷ 11, những khác biệt trở nên nghiêm trọng hơn ở nhiều mặt như tối thượng quyền của Đức Giáo hoàng, việc thờ ảnh tượng, giáo lý về Chúa Thánh Thần, nghi thức phụng vụ v.v… Những khác biệt này dẫn đến cuộc Ly giáo Đông phương năm 1054, hai bên phạt vạ tuyệt thông cho nhau và từ đây Chính thống Đông phương ly khai khỏi Công giáo Rôma. Đã có nhiều nỗ lực hoà giải giữa Đông và Tây, nổi bật nhất là cuộc gặp gỡ giữa Đại Thượng phụ Athenagoras và Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI; năm 1999 Đức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đầu tiên kể từ cuộc Ly giáo 1054 đến thăm một quốc gia Chính thống giáo là Rumani; tuy nhiên vẫn còn rất nhiều trở ngại trên con đường đi tới hiệp nhất.” (Nguyễn Đình Diễn, Từ Điển Công Giáo Anh-Việt, Bản mở rộng (Expanded Edition), Nhà xb. Đồng Nai, 2014, trang 1828).

Trong lịch sử Công Giáo hoàn vũ hiện đại, Công Đồng Vatican II tổ chức tại Rôma (1962-1965) là một biến cố lớn mà một nhà thần học nổi tiếng thế kỷ XX, cha Karl Rahner nhận xét là: “Công đồng Vatican II đã khai mở thời kỳ thứ ba trong lịch sử Kitô giáo. Thời kỳ đầu tiên là một thời kỳ ngắn ngủi của Kitô giáo gốc Do thái, chấm dứt vào lúc thánh Phaolô rao giảng cho Dân ngoại. Thời kỳ thứ hai bắt đầu từ đó cho tới Công đồng Vatican II, thời kỳ của văn hoá Hy lạp và Hội thánh tại Âu châu. Thời kỳ thứ ba, hiện nay sau Công đồng, là giai đoạn của Hội thánh toàn cầu.” (Karl Rahner, “Towards a Fundamental Theological Interpretation of Vatican II; Theological Studies, 40 (1979), 716-727, John W. O’Malley, Linh mục Nguyễn Đức Thông, CSsR, dịch, Nhà xb Đông Phương, 2015, trang 5)

Công đồng này mà trong các tài liệu được gọi là “Thánh Công Đồng” đã thảo luận rất nhiều vấn đề của Giáo Hội cũng như của thế giới, được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII loan báo ý định triệu tập tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao lô ngoại thành Rôma, đó là ngày 25 tháng Giêng năm 1959, ba tháng sau khi ngài trở thành giáo hoàng. Thao thức của hầu hết các vị giáo hoàng làm làm sao tạo được sự hoà giải với các giáo hội Chính Thống Giáo ở Đông phương tức phía Đông châu Âu, mà muốn vậy đường lối của Giáo Hội Công Giáo phải được thay đổi.

Từ khi chứng kiến các hành vi tiêu diệt tôn giáo của chế độ Cộng Sản tại Liên Xô, từ năm 1925 trong Giáo Hội đã có rất nhiều giám mục theo nghi lễ La Tinh ở Xô Viết Nga bị loại trừ, tống giam hay xử tử, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã gửi một linh mục Dòng Tên người Pháp là Michel d’Herbigny trong một sứ vụ bí mật đến Nga Xô để phong chức cho nửa tá các vị linh mục hầm trú làm giám mục. Trên đường trở lại Moscow, cha Herbigny ở lại với Pacelli (ngài lúc đó chưa làm giáo hoàng) và Đức Pacelli đã khuyên vị linh mục này nhận chức giám mục và đã truyền chức thánh đó cho ông. Sứ vụ của Herbigny thành công viên mãn đến mức ngài đã truyền chức giám mục bí mật cho sáu vị giám mục Nga Xô, nhưng rồi các vị này bị phát giác và bị loại bỏ (John Cornmell, sách đã dẫn, trang 263).

Năm 1929, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII còn là Hồng Y Quốc Vụ Khanh, Đức Piô XI đã thiết lập tại Vatican một Uỷ ban gọi là “Uỷ Ban về Nước Nga” (Commission for Russia), rồi cuối năm đó lập viện Đại Học gọi là “Học Viện Giáo Hoàng về Nước Nga” (Pontifical Russian College) gọi tắt là Russicum và “Học Viện Giáo Hoàng Ruthenian” để đào tạo các sinh viên dùng vào các công tác tại Liên Bang Xô Viết. Các tổ chức khác cũng được bí mật thành lập để giáo dục nhân sự cho các sứ vụ tại Nga trong đó gồm có tu viện Grotta Ferrata ở ngoại thành Rô ma, tu viện Chevetogne ở Bỉ, và tu viện Velehrad ở Moravia. Một vài dòng tu có thế lực mạnh trong Giáo Hội như Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đức Bà Lên Trời, Dòng Tên, và các giới tu sĩ thuộc nhiều lãnh vực ở Ba Lan đã khai triển nhiều chương trình riêng của họ nằm trong kế hoạch bí mật truyền báo Tin Mừng ở Nga Xô. Điển hình cho lòng nhiệt thành của vị linh mục trong một giáo xứ thường đã tình nguyện dấn thân sâu xa hơn trong sứ vụ tại nước Nga đó là tấm gương của linh mục John Carmel Heenan, linh mục của một họ đạo thuộc một quận ở phía đông Luân Đôn, sau này trở thành Hồng y Tổng giám mục. Cha Heenan đã có phép vắng mặt của vị giám mục sở tại, và giám mục đó không hay biết (mặc dầu với sự chúc lành của vị giáo phẩm ở Westminster, Hồng Y Hinsley), đã lén vào nước Nga năm 1932 giả dạng là một khách đi đường lo việc buôn bán, mang theo trong túi hành trang một cây thánh giá có thể xếp gọn được nhét vào trong một ngòi viết máy giả. Giữa vô vàn các cuộc phiêu lưu, ông ta lại phải lòng với cô thư ký của ông để rồi cuối cùng bị bắt; ông ta phải vất vả lắm để rồi cuối cùng thoát được nạn và trở về lại an toàn với xứ đạo ở nước Anh. (John Cornwell, sách đã dẫn, trang 264).

Công Đồng Vatican II khai mạc ngày 11/10/1962 thì bốn ngày sau một máy bay U-2 trinh sát Hoa Kỳ đã chụp được nhiều bức ảnh về các dàn hoả tiễn tầm trung của Liên Xô đặt tại San Cristóbal ở Cuba, khoảng năm mươi dặm bên ngoài thủ đô Havana nhằm đe doạ nước Mỹ. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cùng nhà ngoại giao lỗi lạc vốn trong thực tế là ngoại trưởng, Tổng giám mục Agostino Casaroli rất đỗi chấn động vì Cuộc Khủng Hoảng Hoả Tiễn Cuba này. Ba vị gồm Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Tổng giám mục Casaroli cùng các chuyên viên đã bắt đầu soạn thảo lại chính sách Ostpolitik tức “Chính trị xoay chuyển về hướng Đông” của Giáo Hội đối với các chế độ theo chủ nghĩa Cộng Sản ở Đông Âu. Chính sách này được tăng triển và mở rộng trong suốt cả nhiệm kỳ của Giáo hoàng Phaolô VI. Các vị này không chỉ cho thấy phản ứng của họ đối với các biến cố trên thế giới mà còn duyệt xét lại đường lối của Giáo Hội trước đây khi sáng suốt nhận định rằng việc Giáo hoàng Piô II cấm những cuộc thương thảo với người Cộng sản đã làm kiệt quệ các luật lệ về ngoại giao và trở nên thiếu khôn ngoan.

Nhiều nỗ lực để tạo ra một cuộc đối thoại mới với chính quyền Xô Viết đã được tiến hành trước khi xảy ra biến cố hoả tiễn Cu Ba chẳng hạn như Toà Thánh Rôma đã xin được phép cho các giám mục Công giáo và các vị đại diện của Chính Thống giáo Nga tới tham dự Công Đồng Vatican II. Tông thư Pacem in Terris (Hoà bình trên thế giới) của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, ban hành vào tháng Tư năm 1963 cũng được đón nhận rất nồng nhiệt trong khối Xô Viết. (George Weigel, Witness To Hope, The biography of Pope John Paul II, 1920-2005, Harper Perennial, 1999, trang 227). Tông thư này được nhiều người hoan nghênh như các nhà chính trị ở Đức và cũng bị nhiều người trong giáo triều Rôma phản đối như Hồng Y Ottaviani chẳng hạn. Theo nhận định của Jonathan Kwitny “Thông điệp này thay vì được gửi cho người Công Giáo thì được gửi cho “Tất cả những người thiện chí” (To All Men of Good Will” (gồm cả những người cộng sản); Giáo hoàng Gioan đã gửi trước cho Khruschev một bản văn)”. [Jonathan Kwitny, Man of The Century, The life and times of Pope John Paul II, A John Macrae Book, Henry Holt and Company, New York, 1997, trang 183].

Chính sách Ostpolitik (Chính trị xoay chuyển về hướng Đông) của Đức Phaolô VI dựa căn bản trên sự phân tích tình hình thế giới và một viễn ảnh cho tương lai Âu châu theo đó sự phân chia lục địa này là một nét thường trực cho nhiều thập kỹ nữa phía trước. Liên Bang Xô Viết đã là một khối quyền lực nguyên tuyền và bao lâu nó còn như vậy thì Bức Tường Bá Linh cũng khó mà sụp đổ. Toà Thánh phải tỏ ra thực tế. Chủ nghĩa thực tế có nghĩa là phải coi nhẹ vai trò của sự xung đột ý thức hệ trong các quan hệ quốc tế, và trong khuôn mẫu quốc gia đối với quốc gia trong những quan hệ quốc tế mà Tổng giám mục Casaroli đang vận hành. Sự đổi thay trong thế giới cộng sản cũng phải từ từ, và sự ổn định cũng là điều kiện tiên quyết cho việc cải cách. Toà Thánh phải thừa nhận nguyên trạng để đặt một căn bản vững chắc cho sự quan hệ mới với các quốc gia trong Minh ước Warsaw. Như vậy trong tương lai, có thể một phía Đông dần dà được tự do sau nhiều thập kỹ sẽ gặp gỡ được với một phía Tây cũng dần dà trở nên xã hội dân chủ hơn trong nền chính trị và kinh tế của mình. (George Weigel, Sách đã dẫn, trang 229).

Khi các tác giả hồi ký Đỗ Mậu viết rằng Giáo Hoàng Paul VI “thân Nga và thân Hà Nội” mà anh Lê Đình Cai nhắc lại, thật sự quan điểm đó nếu đúng thì chỉ là một cái nhìn biểu kiến, nhưng điều quan trọng phải nhìn cho được là Toà Thánh qua nhiều triều đại giáo hoàng vẫn không bao giờ quên anh chị em Chính Thống Giáo của mình ở Đông Âu, tìm cách giải cứu họ khỏi bàn tay của Stalin rồi những người kế vị ông nên Giáo Hội Công Giáo phải đi tìm một chính sách thực tiễn (realistic) nghĩa đối với Vatican, trong thời gian đó các Giáo hội bị đàn áp quá sức sau bức màn sắt phải làm sao để được sống còn. Với Đức Giáo hoàng Paul VI và Tổng giám mục Casaroli “sống còn” có nghĩa là sự sống còn của đời sống bí tích của Giáo hội.

Điều này muốn chỉ các linh mục, và trên hết, nó muốn chỉ các giám mục. Một mục tiêu chiến thuật trong tầm ngắn của chính sách Ostpolitik là phải đạt tới những thoả thuận chính thức của các chính quyền trong khối Vácsava (Warsaw Pact) cho phép Giáo Hội (sau khi đã tham khảo với các chính quyền liên hệ) được chỉ định giám mục. Chiến lược này, nhắc lại bằng tiếng Ý là salvare il salvabile – cứu cái gì có thể cứu được – chính là sáng tạo cái mà Casaroli nhắc tới như là “chỗ để thở” cho Giáo Hội. Sự vận hành chiến lược này đòi hỏi phải có những nhượng bộ chiến thuật từ Giáo Hội thí dụ hạ nhiệt đối với những tu từ chống Cộng sản của người Công Giáo, giải gỡ Toà Thánh ra khỏi nền chính trị Tây phương, và điều này có thể gây nhiều tranh cãi nhất đó là kềm chế Giáo hội hầm trú đã được thiết lập ở Đông Âu trong hai thập niên đầu của cuộc Chiến Tranh Lạnh. Đặc biệt nhất, điều này có nghĩa là chấm dứt sự phong chức chui cho các linh mục do các giám mục hầm trú chủ trì vì nó là một cái gai đâm vào hông các chính quyền cộng sản, đặc biệt là ở Czechoslovakia. (George Weigel, sách đã dẫn, trang 229).

Trong cuốn sách có tên Pope John Paul II, The biography, Tad Szulc là một tác giả nổi tiếng, phóng viên của tờ báo The New York Times ở ngoại quốc và tại Washington cho biết Giáo Hoàng Gioan XXIII chết ngày 3 tháng Sáu, 1963, sáu tháng sau khi ban hành Tông thư Pacem in Terris là một việc làm có ý nghĩa tiên khởi trong sự kiện chấm dứt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa Đông và Tây. Vào tháng Ba ngài đã đón tiếp Alexis Adzhubei, con rể của Khrushchev và là chủ nhiệm một tờ báo lớn của chính quyền Xô viết cho thấy cuộc tiếp xúc công khai đầu tiên giữa một vị giáo hoàng với một viên chức trọng yếu của nhà nước Xô Viết. (A Lisa Drew Book, Scribner, New York, London, Toronto, Sydney, Tokyo, Singapore, 1995, trang 229). Kết quả sự kiện này là Tổng giám mục Josef Slipyi của Giáo Hội Công Giáo Ukraina được thả ra từ trại tập trung Siberia, một cử chỉ của chính quyền Xô Viết được biểu lộ để đáp lại chính sách hoà dịu của Toà Thánh Vatican đối với chủ nghĩa Cộng Sản.

Tóm lại, một tác phẩm sử học được trình bày như một luận án tiến sĩ chắc chắn phải nói lên được bản sắc độc đáo của mình cả về đề tài, lẫn tư liệu và văn phong. Cuốn sách của TS Lê Đình Cai đã đáp ứng được những đòi hỏi của ba phạm trù nêu trên không thua kém gì các công trình nghiên cứu sử học đã xuất hiện trước đây như Chiến Tranh 1954-1975 của GS Trần Gia Phụng, Những Ngày Cuối Cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm của TS Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Lịch Sử Chính Trị Cận Đại Việt Nam của TS Phạm Văn Lưu…

Bố cục của tác phẩm Chiến Tranh Quốc Cộng 1954-1975 của TS Lê Đình Cai tỏ ra rất chặt chẽ, chủ đề được chứng minh rõ ràng, tư liệu sử dụng khá đắn đo chỉ trừ một vài sự cố nhỏ nhặt như vừa phân tích ở trên. Tác phẩm sử học này đã cập nhật được rất nhiều vấn đề của đất nước bởi vì tác giả là người đã dấn thân trong một tổ chức chính trị, đã đảm nhận công tác giáo dục ở cấp bậc vĩ mô của quốc gia có nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho đất nước trước năm 1975. Được đào tạo trong một nền giáo dục nhân bản, khai phóng và dân tộc của Việt Nam Cộng Hoà và được huấn luyện trong môi trường của một nền sử học tự do, TS Lê Đình Cai có đầy đủ tư thế để tiếp cận với các nguồn tư liệu trong nước trước đây và đã hình thành nên một số tác phẩm sử học giá trị.

Tôi cũng có dịp đọc qua cuốn sách của ba tác giả Hồ Sỹ Khoách, Hà Minh Hồng, Võ Văn Sen có tên Lịch Sử Việt Nam 1945-1975, do phía Hà Nội qua Tủ sách Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh in năm 1996 rồi so sánh với các tác phẩm sử học nêu ở trên của các tác giả Miền Nam Việt Nam để, công bình mà nói, thấy được sự hơn hẳn của các nhà nghiên cứu sử học VNCH qua các công trình trước đây cũng như hiện tại đã nêu trên, nhờ đó mà thấy được tác phẩm nào là công trình nghiên cứu sử học giá trị còn sách nào chỉ là sản phẩm rẻ mạt của một bộ máy tuyên truyền cho một nhà nước độc tài đảng trị.

Nguyễn Đức Cung
Philadelphia, ngày 24/3/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*