Một nhóm công nhân xuất khẩu lao động từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Xuất khẩu lao động được xem là một lĩnh vực góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tăng nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam.
Gần 15.000 lao động Việt Nam đã đến Đài Loan trong hai tháng đầu năm 2023, chiếm một nửa trong tổng số 28.429 công nhân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, một số lượng cao gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của chính phủ Việt Nam, trong hai tháng đầu năm 2023, Đài Loan là thị trường lớn nhất của lao động Việt Nam nhập cư, với 14.609 lao động đến Đài Loan, tiếp theo là Nhật Bản với hơn 12.000 người.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam dự kiến lượng công nhân xuất khẩu sẽ từ 110.000 đến 120.000 người trong năm nay. Nhưng chỉ trong hai tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã là hơn 28.000 người, đạt gần 26% so với kế hoạch năm 2023.
Bộ này nói rằng lao động Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng cho đất nước khi họ hồi hương, với sự cải thiện về “tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động” và trở thành “cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế”.
Thị trường việc làm Đài Loan được đánh giá là nơi mang lại thu nhập và điều kiện làm việc tốt cho người Việt Nam.
Xuất khẩu lao động được xem là một lĩnh vực góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, lao động Việt Nam đã có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề. Mỗi năm, Việt Nam đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Lượng kiều hối do lực lượng này về nước hàng năm vào khoảng hơn 3 tỷ USD.
Theo VOA Tiếng Việt ngày 8/3/2023
Be the first to comment