Người Nga đang xếp hạng chờ thanh toán tại một cửa hàng nội thất IKEA ở ngoại ô Moscow.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa phát huy tác dụng và sự chống lưng của Trung Quốc đã giúp giữ nền kinh tế Nga không bị sụp đổ sau một năm chống chọi nhưng tình hình sẽ xấu đi nhanh chóng trong năm nay và năm sau, các nhà phân tích nhận định.
Cho đến nay, phương Tây đã công bố hơn 11.300 lệnh trừng phạt kể từ khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, trong đó có việc loại các ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, và đóng băng khoảng 300 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Nga ở các ngân hàng nước ngoài.
Cứu tinh năng lượng
“Nền kinh tế và hệ thống chính phủ Nga đã trở nên mạnh hơn nhiều so với những gì phương Tây nghĩ,” Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga hồi cuối tháng trước.
Thật vậy, Nga đã cho thấy khả năng chống chọi đáng kinh ngạc các lệnh trừng phạt. Ngân hàng trung ương Nga đã chặn được khủng hoảng tiền tệ bằng cách tích cực kiểm soát vốn và tăng lãi suất. Chi tiêu quân sự cho cuộc chiến đã giúp hỗ trợ công nghiệp, trong khi cuộc chạy đua thay thế thiết bị và công nghệ của phương Tây đã giúp đẩy mạnh đầu tư.
Cứu tinh lớn nhất của kinh tế Nga là giá năng lượng cao và thế giới tiếp tục khát dầu Nga. Khi châu Âu giảm mua dầu Nga, Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn mua đến 2,3 triệu thùng mỗi ngày cho đến tháng 11 năm ngoái, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Trên thực tế, doanh thu xuất khẩu dầu trung bình hàng tháng của Nga đã tăng 24% trong năm ngoái lên 18,1 tỷ USD, theo IEA.
Tuy nhiên, các vết nứt đang bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế Nga và sẽ lan rộng trong 12 tháng tới. Liên minh châu Âu – vốn đã chi hơn 100 tỷ đô la để mua dầu khí Nga vào năm 2021 – đã đi những bước dài để loại bỏ dần dầu khí Nga. Điều này đã kéo căng tài chính của Nga khiến họ phải vật lộn tìm khách hàng.
Chính phủ Nga trong tháng Giêng cho biết nước này đã thâm hụt ngân sách khoảng 23,5 tỷ đô la. Chi tiêu ngân sách đã tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái còn doanh thu giảm 35%.
Kinh tế Nga đã bước vào quỹ đạo suy giảm. GDP Nga trong năm 2022 đã giảm 2,1%, theo ước tính sơ bộ từ chính phủ nước này. Nhưng mức giảm này là thấp hơn nhiều so với dự báo của một số nhà kinh tế phương Tây hồi một năm trước là từ 10% đến 15%.
Tuy nhiên, theo thời gian, tác động các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ leo thang thành khủng hoảng đối với Nga. Bloomberg Economics ước tính cuộc chiến của Putin ở Ukraine sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội của Nga mất 190 tỷ đô la vào năm 2026 so với trước khi có chiến tranh.
Hậu quả là ông Putin sẽ buộc phải chọn giữa tăng chi tiêu quân sự hay đầu tư xã hội như nhà ở và giáo dục – quyết định có thể gây hậu quả cho sự ủng hộ của công chúng Nga đối với cuộc chiến.
Mất thị trường
Trên trang Fortune, Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld, phó Trưởng khoa Cấp cao Trường Quản lý tại Đại học Yale và Giáo sư Steven Tian, giám đốc nghiên cứu tại Viện Lãnh đạo Điều hành cũng thuộc Đại học Yale, đã có cái nhìn bi quan về triển vọng kinh tế Nga trong bài phân tích có tiêu đề ‘Nền kinh tế Nga đã tự sát như thế nào trong một năm qua kể từ khi Putin xâm lược Ukraine’.
Hai ông đã chỉ ra một loạt vấn đề của nền kinh tế Nga hiện nay, từ doanh thu dầu khí giảm mạnh, sự ra đi của các nhà đầu tư nước ngoài, chảy máu vốn và nhân tài cho đến các đòn bẩy khác mà phương Tây có thể áp dụng để tăng sức ép lên Nga.
Nền kinh tế Nga từ lâu đã bị dầu khí chi phối, vốn chiếm hơn 50% thu nhập xuất khẩu, 50% doanh thu của chính phủ và gần 20% GDP mỗi năm. Ngân sách chính phủ Nga trong năm 2021 có đến 45% là đến từ bán dầu khí.
Khác với những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược khi thu nhập của Putin từ bán năng lượng tăng vọt, giờ đây, theo các kinh tế gia tại Deutsche Bank, ông Putin đã mất 500 triệu đô la từ xuất khẩu dầu khí mỗi ngày.
Sự sụt giảm này càng được đẩy nhanh bởi những bước đi sai lầm của chính ông Putin, theo nhận định của hai vị giáo sư này. Ông đã chặn việc giao khí đốt cho châu Âu – vốn trước đây chiếm đến 86% doanh số khí đốt của Nga – với hy vọng người dân châu Âu lạnh cóng sẽ phẫn nộ đến buộc các lãnh đạo của họ ra đi trong các cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, mùa đông ấm hơn bình thường và nguồn cung khí đốt toàn cầu tăng lên có nghĩa là Putin đã khiến Nga mất đi vĩnh viễn vai trò nhà cung cấp năng lượng chính cho châu Âu, với sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga giảm xuống còn 7% – sẽ và sớm về 0. Với ít đường ống để xoay sang châu Á, Putin hiện chỉ kiếm chưa tới 20% doanh thu từ khí đốt so với trước đây.
Mức trần giá dầu mà khối G7 áp đặt vừa giúp giữ cho dầu Nga được đưa vào thị trường vừa khiến doanh thu của Putin sụt giảm, hai vị giáo sư phân tích. Xuất khẩu dầu của Nga hiện được duy trì ở mức trước chiến tranh là khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, giúp đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu toàn cầu, nhưng giá trị xuất khẩu đã giảm từ 600 triệu đô la xuống còn 200 triệu đô la một ngày khi giá dầu Urals rớt xuống còn vào khoảng 45 đô la một thùng.
Bị thay thế trong chuỗi cung ứng
Trao đổi với VOA từ Fort Worth, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Trường Keller về Quản lý, chỉ ra rằng trong năm 2022, châu Âu đã mua dầu của Nga còn nhiều hơn trước chiến tranh, và mua với giá cao khi giá dầu thế giới tăng vọt. Phải đến khi các lệnh cấm dầu Nga có hiệu lực vào cuối năm ngoái thì doanh thu dầu khí của Nga mới bắt đầu bị tổn thương.
Mặc dù các nước không tham gia áp giá trần dầu Nga, chẳng hạn Ấn Độ và Trung Quốc, có thể tăng mua dầu Nga, nhưng họ cũng lợi dụng tình hình để đòi Nga chiết khấu lên tới 30%. Và ngay cả khi họ tăng mua dầu của Nga đến tối đa thì ‘cũng chỉ thay thế được 1/3 lượng mua của châu Âu mà thôi’, ông Lộc chỉ ra.
Mức chiết khấu cao, thiếu thốn linh kiện máy móc, chi phí sản xuất cao khiến cho doanh thu dầu Nga sẽ không còn được như trước, cũng theo vị giáo sư này. Ngoài ra, khi các nước khác trong khối OPEC, Na Uy hay Venezuela tăng sản lượng, các nước nhập khẩu dầu sẽ có thêm nhiều lựa chọn trong khi dầu Nga ‘chưa chắc phù hợp với các cơ sở lọc dầu của họ’.
Nga trước giờ là nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu hàng đầu cho kinh tế thế giới, dẫn đầu thị phần về năng lượng, nông nghiệp và kim loại. Tuy nhiên, ông Putin đang nhanh chóng khiến Nga mất đi vai trò này vì khách hàng thay người bán hàng không đáng tin cậy luôn dễ hơn là người bán hàng tìm kiếm khách hàng mới, hai vị giáo sư Đại học Yale cho biết.
Theo phân tích của hai ông, chuỗi cung ứng đã thích nghi bằng cách xây dựng nguồn cung thay thế không phụ thuộc vào sự tùy hứng của ông Putin. Đối với một số mặt hàng kim loại và năng lượng quan trọng, các nguồn cung ứng được xây dựng trong hai năm tới có thể sẽ thay thế hoàn toàn và vĩnh viễn hàng hóa của Nga.
Ngay cả các đối tác thương mại còn lại của Nga dường như cũng muốn lợi dụng thị trường giao ngay ngắn hạn để được giá hời hơn là đầu tư vào các hợp đồng dài hạn hoặc phát triển nguồn cung mới ở Nga.
“Dường như Nga đang trên đường đi tới điều vốn là nỗi sợ hãi lớn nhất của họ lâu nay: trở thành một nền kinh tế yếu ớt lệ thuộc vào Trung Quốc và là nguồn cung ứng nguyên liệu thô giá rẻ cho nước này,” bài phân tích trên trang Fortune viết.
Chảy máu vốn và nhân tài
Hai vị giáo sư Đại học Yale dẫn ra số liệu chính thức của các nước cho thấy kể từ tháng 2 năm ngoái, hàng triệu người Nga đã chạy khỏi đất nước. Làn sóng tháo chạy ban đầu của khoảng 500.000 nhân lực có trình độ hồi tháng 3 được nối tiếp bởi làn sóng di cư của ít nhất 700.000 người, chủ yếu là nam giới trong độ tuổi lao động. Họ trốn bắt lính sau lệnh động viên một phần của Putin hồi tháng 9. Chỉ riêng Kazakhstan và Gruzia đã có ít nhất 200.000 người Nga không muốn chiến đấu ở Ukraine chạy đến.
Hơn nữa, những người ra đi này đem theo rất nhiều tiền mặt. Lượng tiền gửi từ Nga đến các nước láng giềng đã tăng hơn mười lần. Trong khi đó, những nơi trú ẩn ở nước ngoài cho những người Nga giàu có như UAE đang bùng nổ, với ước tính có đến 30% cá nhân với giá trị tài sản cao của Nga đã bỏ đến đây.
Điện Kremlin đã cố gắng vực dậy nền kinh tế với các biện pháp ngày càng mạnh tay nhưng những biện pháp này đã chứng tỏ là rất tốn kém. Chi tiêu của chính phủ Nga đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân sách liên bang năm 2022 của Nga bị thâm hụt 2,3% dù lợi nhuận thu được từ năng lượng cao.
Giáo sư Khương Hữu Lộc cho rằng các biện pháp tung tiền ra chi xài cho nền kinh tế và hỗ trợ an sinh-xã hội của Chính phủ Nga đã ‘khiến người dân Nga không cảm thấy áp lực gì nhiều từ các biện pháp cấm vận’. “Mặc dù giá cả tăng rất nhiều nhưng lạm phát ở Nga chỉ có 12% thôi,” ông Lộc phân tích.
Tuy nhiên, ngay cả những phương cách này cũng không đủ. Tổng thống Putin đã buộc phải đánh vào hầu bao của các công ty Nga trong hành động mà ông gọi là ‘huy động doanh thu’ khi doanh thu từ dầu khí giảm. Ông truy thu khoản thuế khổng lồ 1,25 nghìn tỷ rúp từ ngân khố của Gazprom – và sẽ phát hành số trái phiếu khổng lồ trị giá 3,1 nghìn tỷ rúp để công dân Nga mua vào mùa thu.
Nhà đầu tư bỏ đi
Trong những tuần lễ sau tháng 2 năm 2022, Nga đã mất vĩnh viễn trên 1.000 doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu vốn tự nguyện rời Nga. Phần lớn trong số các công ty này đã giữ đúng cam kết là thoái vốn hoàn toàn hoặc đang trong quá trình cắt đứt với Nga mà không tính đường trở lại.
Những công ty này có doanh thu tương đương 35% GDP của Nga, sử dụng 12% lực lượng lao động, theo hai nhà phân tích thuộc Đại học Yale.
“Những công ty phương Tây rút ra ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Nga, còn những công ty vẫn còn bám trụ ở Nga chỉ hoạt động bán thời gian,” ông Lộc nói nhưng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Nga được báo cáo ở mức thấp do hàng trăm ngàn thanh niên đã bị gọi nhập ngũ để chiến đấu ở Ukraine.
“Ảnh hưởng lớn nhất không phải là thiếu tiền, mà là thiếu công nghệ,” vị giáo sư này nhấn mạnh và cho rằng khi phương Tây ngưng làm ăn ở Nga và cấm xuất khẩu các sản phẩm công nghệ vào Nga, Nga ‘sẽ không còn phụ tùng và thiết bị để sản xuất vũ khí phục vụ chiến tranh cũng như xuất khẩu’.
Ông chỉ ra việc Nga phải lấy những con chíp từ máy giặt, máy sấy ra để sử dụng cho xe tăng để cho thấy ‘Nga đang thiếu hụt công nghệ đến mức nào’.
“Nga trước đây sản xuất mỗi tháng 150 ngàn chiếc xe hơi bây giờ chỉ còn 15 ngàn vì thiếu phụ tùng,” ông cho biết. “Họ mua đến 40% các thành phần từ châu Âu.”
Phương Tây còn có thể làm nhiều hơn?
Do đó, Giáo sư Khương Hữu Lộc dự đoán nền kinh tế Nga sẽ ‘ngấm đòn trừng phạt’ bắt đầu từ nửa sau năm 2023 cho đến suốt năm 2024.
“Đói vốn, đói nhân lực, thiếu nhân tài, không có phụ tùng – các yếu tố quan trọng đối với nền kinh tế Nga đều bị phong tỏa khiến Nga sẽ bị bóp nghẹt,” ông Lộc nói.
Dựa trên số liệu do IMF đưa ra là kinh tế Nga trong năm 2022 đã suy giảm ở mức 4%, ông Lộc dự đoán sự sụt giảm này sẽ xuống đến 10% trong năm nay và 15% trong năm 2024.
“Đến cuối năm 2024 kinh tế Nga sẽ bị áp lực rất nhiều. Ngân sách sẽ cạn dần, tín dụng cho nền kinh tế sẽ cạn dần, hàng hóa nhập từ nước ngoài sẽ đắt đỏ, lạm phát sẽ tăng lên đến 20-30% ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân Nga,” Giáo sư Lộc dự báo.
Theo lời ông thì các biện pháp cấm vận của phương Tây sẽ ‘kéo lùi kinh tế Nga đến mấy chục năm’.
Tuy nhiên, nhiêu đó vẫn là chưa hết và phương Tây ‘vẫn còn 15-20% các biện pháp chế tài chưa áp dụng lên Nga’, cũng theo ông Lộc.
Ông liệt kê các biện pháp như loại hết các ngân hàng còn lại của Nga, vốn chủ yếu là ngân hàng nhỏ, ra khỏi hệ thống SWIFT, đóng băng tài sản của người thân các tài phiệt Nga, trừng phạt các nước mua bán chui với Nga để tuồn hàng từ các nước phương Tây vào Nga và buộc những công ty nào còn làm ăn ở Nga phải rời đi nếu không sẽ bị đánh thuế rất nặng.
Theo VOA Tiếng Việt ngày 2/3/2023
Be the first to comment