Cầu Nguyện Hay Lên Tiếng ?

(Ảnh: alicia-quan-unsplash)

Sau Phật giáo, nay đến Công giáo, những cái tát làm rát mặt tín hữu lẫn tu sĩ cả hai tôn giáo lớn này. Nếu sư tham làm Phật tử mất mặt thì linh mục được tấn phong trái phép đang làm cả cộng đồng công giáo Việt Nam đi từ ngạc nhiên này đến ngạc khiên khác; và có lẽ cái kết phẫn nộ không phải là điều khó xảy ra khi câu chuyện ngày một rối rắm, phức tạp và chen vào hàng chục cách nghĩ, cách phán xét đầy cảm tính của giáo dân, tu sĩ trong và ngoài nước.

Đối với Công giáo, việc tổ chức trong một nhà dòng có lịch sử hàng trăm năm với hàng ngàn trói buộc phải đi theo đúng con đường mà giáo hội toàn cầu quy định thì một linh mục muốn vượt phép tắc để được truyền chức là không thể. Muốn đi tu thành linh mục, giáo luật buộc phải qua rất nhiều giai đoạn tuyển chọn, thử thách và nếu không chịu nổi người ta bị buộc phải rời nhà dòng để trở lại đời sống bình thường trở thành người tu xuất. Cách đào tạo một linh mục, nữ tu đã được thực hiện không tì vết hàng trăm năm nên giáo hội Công giáo luôn được nhìn với ánh mắt tin tưởng và thiện cảm của xã hội.

Lề luật và sự tuân giữ đã khiến đạo Công giáo khắp thế giới phát triển mạnh mẽ và tín đồ vững tin rằng họ được hướng dẫn bởi những tâm hồn thánh thiện, đạo đức. Đây chính là chiếc chìa khóa của niềm tin trước khi nói tới ý niệm thật sự ảnh hưởng tới tâm tình của họ đối với Thiên Chúa. Một linh mục hiền lành sẽ tạo nên lòng bác ái trong cộng đồng, một linh mục sống động trong đời sống đức tin sẽ lôi cuốn người trẻ vào con đường mục vụ, thế nhưng một linh mục vụ lợi luôn là tấm gương xấu cho đời sống tâm linh của người Ki tô hữu.

Những nhà thờ có một linh mục như thế thật ra không nhiều, nhờ cách thức điều hành chặt chẽ của giáo hội. Nhà thờ nào cũng thuộc về một giáo phận, đứng đầu là một Giám mục và mọi sự đều được quản lý rất khoa học, và trên hết của quy định về quản lý ấy là “Đức vâng lời” có nghĩa rằng khi bề trên nói hay làm tất cả các linh mục tu sĩ đang sinh hoạt trong giáo phận ấy không được phép bất tuân, không được phép cãi lại hay bày tỏ ý kiến của mình.

Đức vâng lời đối với tu sĩ không có ngoại lệ và không ai có thể giải tỏa nó.

Câu chuyện của JB Hồ Hữu Hòa đang làm giáo hội Công giáo Việt Nam rung chuyển. Phải dùng từ rung chuyển mới nói hết tầm mức nghiêm trọng của nó vì đây là lần đầu tiên câu chuyện tấn phong cho một người có tiền án và tham gia nhà dòng trong tư thế bất minh. Nếu cách đây vài mươi năm thì sẽ không ai tin vào nội dung có vẻ “hư cấu” này, nhưng dưới chế độ hiện tại người ta không những tin mà còn nghiền ngẫm nguyên nhân nào tạo ra câu chuyện hoang đường này.

Từ việc tìm kiếm cho ra chân tướng tới việc đánh giá những “đấng”, “bậc” trong câu chuyện dẫn đến tranh luận giữa người Công giáo với nhau về vai trò của con chiên và người chăn chiên. Không ít lời khuyên, thậm chí là cáo buộc: “Con chiên không nên phân tích phán xét vụ việc mà chỉ nên cầu nguyện để Thiên Chúa mang ra ánh sáng. Nếu tự ý cáo buộc hay tìm hiểu là phạm thánh và mọi ân sủng về thông minh của loài người sẽ bị thử thách”.

Có không ít linh mục sống ờ nước ngoài công khai lên YouTube giải thích, chia sẻ về câu chuyện này và được tín hữu theo dõi nhiệt thành. Cũng không ít linh mục, tu sĩ trong nước khuyên lời khuyên ngược lại. Hai làn sóng đối kháng nhau nảy sinh tính cách thứ ba: Nên hay không nên chờ Chúa quyết định cho đời sống tâm linh của chúng ta, những Ki tô hữu đúng nghĩa.

Ông GB Hồ Hữu Hoà (trái) trong một Thánh lễ ở giáo phận Vinh (Ảnh: Facebook Hai Le)

Con người, theo đúng nguyên ủy của nó là yếu đuối. Vì yếu đuối mới phải nhờ cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Linh mục hay Giám mục là người đại diện Chúa hướng dẫn tín hữu đến gần Chúa hơn qua Phúc âm, tin mừng và qua cả tư cách lãnh đạo để tín hữu sống tốt hơn trong đời sống phục vụ lời Chúa. Cũng vậy, Giám mục hay Linh mục cũng là con người nên họ vẫn mang trên lưng tính yếu đuối của xác thịt. Tính yếu đuối ấy được Giáo hội nâng đỡ và an ủi nhưng hấp thu được hay không là chuyện khác.

Trong vụ Hồ Hữu Hòa, giáo dân trông cậy vào Hội đồng Giám mục Việt Nam nơi nhiều người cho rằng có thể lên tiếng giải quyết thỏa đáng việc hai Giám mục có liên quan đến câu chuyện nhưng sự thật lại khác hẳn, vì:

Một Giám mục lãnh đạo chính trong một giáo phận sẽ có toàn quyền trên địa hạt của mình về lập pháp, hành pháp và tư pháp (giáo luật số 391, triệt 1). Hơn nữa Hội đồng Giám mục chỉ có thể ban hành những sách luật trong những vấn đề mà luật phổ quát đã quy định, hay khi một quyết định riêng của Tông Toà đã ấn định điều đó bằng Tự sắc, hoặc do lời thỉnh cầu của chính Hội đồng (giáo luật số 455, triệt 1). Vì vậy cho nên, Giám mục Tổng giáo phận và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam không thể trọn vẹn can thiệp vào việc nội bộ của các giáo phận.

Nếu nhận ra được điều này giáo dân có thể an tâm rằng ít nhất Hội đồng Giám mục Việt Nam không làm ngơ mà bởi giáo luật đã quy định như vậy nên không ai nghe thấy một văn bản nào phát ra từ Hội Đồng là điều có thể hiểu được. Nhưng giáo luật cũng không có điều khoản nào cấm giáo dân lên tiếng trình bày những việc làm sai trái của tu sĩ và những việc lên tiếng tố cáo này đã từng xảy ra trên diện rộng, khắp thế giới.

Người Công giáo không mấy ai không biết vụ ấu dâm trong các nhà thờ do linh mục phạm phải với các em giúp lễ đã khiến Vatican sống trong một thời gian dài đau xót và khó khăn, nhưng 50 năm sau cuối cùng do dư luận cũng như luật pháp các nước không thể bỏ qua loại tội phạm này kể cả xảy ra trong nhà thờ là nơi khó xét xử nhất.

Từ thập niên 1980 đối tượng của các vụ án xâm hại tình dục này là các trẻ em nam và nữ, và phần lớn là nằm trong độ tuổi từ 11 cho đến 14 tuổi. Cuộc khủng hoảng này gây ảnh hưởng to lớn tới uy tín của giới lãnh đạo Giáo hội Công giáo Rôma. Trong vòng 10 năm từ 2001 tới 2010, Vatican đã xem xét các cáo buộc liên quan tới 3,000 linh mục xảy ra trong vòng 50 năm, với tình trạng lạm dụng kéo dài và lề thói của hàng giáo phẩm thường che đậy các báo cáo về lạm dụng.

Giới chức giáo phận và giới hàn lâm chuyên về Công giáo nói rằng các lạm dụng tình dục do giáo sĩ nhìn chung không được thảo luận và do vậy nên khó đo lường. Một số người trong hàng giáo phẩm của Giáo hội cho rằng truyền thông đưa tin quá mức và không cân đối, rằng các lạm dụng cũng xảy ra tại các tôn giáo và tổ chức khác; quan điểm này làm quan ngại những người chỉ trích coi việc này là một cách lảng tránh giải quyết vấn đề lạm dụng trong Giáo hội.

Mãi tới ngày nay những vụ ấu dâm trong nhà thờ vẫn còn được đem ra xét xử kể cả tòa án đời lẫn giáo quyền của Vatican, điều này cho thấy nếu cha mẹ nạn nhân cũng như truyền thông im lặng chờ Chúa trừng phạt thì không biết các nhà thờ Công giáo ngày nay sẽ ra sao, các em bé vị thành niên tiếp tục bị xâm hại tình dục, nếu cha mẹ chúng vẫn âm thầm cầu nguyện xin Thiên Chúa soi sáng và làm phép biến phạm nhân lộ ra gương mặt ma quỷ?

Cầu nguyện là đúng nhưng Chúa không bao giờ ra tay trừng phạt kẻ xấu xa cho chúng ta, những con người yếu đuối. Chúa chỉ giúp chúng ta tự vượt qua chính nỗi sợ hãi của mình để mang công lý lại cho cộng đồng dân Chúa.

Trong vụ JB Hồ Hữu Hòa, thay vì nhân vật chính bị mổ xẻ thì người ta chú trọng tới hai vị Giám mục trực tiếp can hệ tới vụ này đó là Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận Vinh và Giám mục Phao Lô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục Giáo phận Hà Tĩnh, nguyên Giám mục Giáo phận Vinh. Giám mục Nguyễn Hữu Long bị phát giác là người ký tên trên giấy giới thiệu JB Hồ Hữu Hòa được nhận phép tấn phong tại Philippines, còn Giám mục Nguyễn Thái Hợp là người giới thiệu cho Hồ Hữu Hòa được tham gia nhà dòng bắt đầu công cuộc tu luyện.

Dư luận chú ý tới Giám Mục Nguyễn Hữu Long nhiều hơn, khi trước đây ít lâu vị Giám mục này đã treo chén linh mục Đặng Hữu Nam mà không đưa ra nguyên do nào thuyết phục giáo dân. Dĩ nhiên là một linh mục, cha Nam phải theo phép “vâng lời” khi nhận quyết định, nhưng với giáo dân thì không.

Giáo dân thương yêu người mục tử của mình bởi linh mục Đặng Hữu Nam là người dám bỏ công ra trong vụ Formosa tranh đấu với nhà cầm quyền đòi hỏi quyền lợi của giáo dân trong giáo phận. Ngài bị Giám mục Long thuyên chuyển ra khỏi núm ruột của mình rồi bị kéo về Tòa Giám mục để GM Long theo dõi trực tiếp. Sau đó cha Nam bị cấm dâng thánh lễ kể cả trong ngày mất của bà cụ thân sinh đã khiến người biết chuyện không thể không căm phẫn.

Giáo dân không bị “Đức vâng lời” khống chế nhưng những thứ “vâng phục” khác làm cho tư tưởng lên tiếng của họ biến mất. Mặc dù giáo dân biết linh mục Nam không hề phạm tội nhưng họ không biết làm sao bảo vệ cho ngài. Thay vì lên tiếng công khai trên những phương tiện xã hội hầu hết đều im lặng cầu nguyện cha Nam sớm vượt qua trầm luân để quay lại bàn thánh.

Qua câu chuyện tấn phong, một tín hữu có lòng với Giáo hội sẽ tìm hiểu và lên tiếng theo khả năng của mình. Chỉ cần nhớ rằng sự lên tiếng của mình không hề phạm giáo luật mà ngược lại đang góp phần thánh thiện hóa Giáo hội mà mình yêu thương là đủ.

Kim Ngữ
Theo saigonnho.com ngày 18 tháng 2, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*