Lạm Phát Đang Nguội Và Điều Gì Sẽ Xảy Ra?

Ảnh chụp Nasdaq MarketSite ở Times Square vào ngày 30/7/2018 tại thành phố New York. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Lạm phát đã chậm lại, xét về căn bản trong sáu tháng liên tiếp: Giảm còn 6.5% sau khi đạt đỉnh khoảng 9% vào Hè 2022, một phần do khí đốt trở nên rẻ hơn. Tuy nhiên, mức độ căng thẳng của nền kinh tế vẫn còn.

Cái gọi là giá tiêu dùng cốt lõi (core consumer prices) đã tăng trung bình 0.3%/tháng (hoặc ít hơn một chút) trong ba tháng qua. Tốc độ đó nhanh hơn so với mức thay đổi 0.2% hàng tháng vốn là điển hình trước đại dịch nhưng chậm hơn so với mức cao nhất 0.9% vào Tháng Tư 2021. Câu hỏi bây giờ tập trung vào những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Một số nhà kinh tế dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn so vi trướđi dch, trong khi những người khác dự đoán lạm phát sẽ giảm tốc mạnh. Một số dự đoán một cái gì đó ở giữa. Thế nào đi nữa thì cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng:

Tốc độ và phạm vi của việc hạ nhiệt lạm phát sẽ cho biết mức độ mà các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang (FED) tăng lãi suất, trong thời gian bao lâu, và mức độ ảnh hưởng gây ra cho nền kinh tế như thế nào.

Hiện tại, sự không chắc chắn của nền kinh tế đã khiến các quan chức FED ủng hộ việc tiếp tục chậm lại – nhưng không dừng lại – việc tăng lãi suất, trong cuộc họp tiến hành từ ngày 31 Tháng Một đến ngày 1 Tháng Hai 2023. FED đã rút lại mức tăng ba phần tư điểm trước đó xuống còn nửa điểm vào Tháng Mười Hai, và nhiều người ủng hộ việc tăng lãi suất lần này chỉ một phần tư điểm. Việc xê dịch dần dần sẽ mang lại cho các nhà hoạch định chính sách nhiều cơ hội hơn để quan sát nền kinh tế phát triển như thế nào, giảm bớt rủi ro đẩy nền kinh tế lao dốc.

Lorie Logan, chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas (Federal Reserve Bank of Dallas), cho biết trong một bài phát biểu vào tuần trước: “Nếu bạn đang đi trên đường và gặp thời tiết sương mù hoặc trên đoạn cao tốc nguy hiểm, bạn nên giảm tốc độ. Những cân nhắc tương tự khiến các ngân hàng trung ương giảm tốc độ vào Tháng Mười Hai đã cho thấy điều đó ‘có nghĩa nên giảm tốc độ hơn nữa tại cuộc họp sắp tới” (dẫn lại từ The New York Times).

Giá hàng hóa có khuynh hướng giảm dần (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Bản thân nhiều nhà kinh tế học và các quan chức FED tính rằng tình trạng giá cả tăng sẽ mất nhiều năm mới có thể quay trở lại mức tăng trung bình 2% hàng năm vốn được xem là mức thông thường. Nhưng một số người ở Wall Street cho rằng lạm phát có thể giảm mạnh, thậm chí có thể quay trở lại mức thấp trong lịch sử như trước đại dịch.

Khi các quan chức và các nhà kinh tế cố gắng tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với lạm phát, thì số phận của người tiêu dùng Mỹ còn bị treo lơ lửng. Nếu FED hãm quá mạnh nền kinh tế trong nỗ lực kiểm soát giá cả và gây ra suy thoái sâu hơn mức cần thiết, nhiều người đối mặt nguy cơ thất nghiệp. Nhưng nếu tình trạng tăng giá nhanh tiếp tục làm mất đi tiền lương và làm xói mòn tiền tiết kiệm thì điều đó cũng khiến đời sống các hộ gia đình trở nên tồi tệ hơn.

Cần biết, chi phí nhà ở vẫn đang tăng, theo dữ liệu chính thức về giá nhà ở, nhưng các công cụ theo dõi giá thuê theo thực tế (real-time rent trackers) lại cho thấy giá rao cho thuê đang giảm mạnh. Về xe hơi, hàng tồn kho đang khá dồi dào, cho thấy giá xe nói chung sẽ giảm. Cùng lúc, hàng hóa nói chung trong những ngày sắp tới có thể giảm do chi phí vận chuyển giảm trở lại mức trước đại dịch và tình trạng thiếu hụt nguồn cung không còn trầm trọng. Tỷ lệ các loại sản phẩm có lạm phát trên 3% đã giảm từ gần 3/4 vào đầu năm 2022 xuống còn chưa đến một nửa vào Tháng Mười Hai – Christopher Waller, thành viên ban thống đốc Cục dự trữ liên bang (Federal Reserve Board of Governors), cho biết trong một bài phát biểu vào tuần trước.

Trước dữ liệu lạm phát gần đây, Lawrence H. Summers, nhà kinh tế học Harvard và cựu Bộ trưởng Tài chính, người từng cảnh báo nền kinh tế có thể hướng tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng, gần đây bày tỏ rằng nước Mỹ có cơ hội tránh được một cuộc suy thoái đau đớn và kinh tế Mỹ có thể “hạ cánh nhẹ nhàng”. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại rất nhiều trong những tháng tới và sẽ rơi vào suy thoái hoàn toàn, buộc FED phải cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, bởi vì không ai rõ liệu những yếu tố hiện đang kéo lạm phát xuống có đủ ổn định để nhanh chóng đưa giá cả trở lại mức trung bình hàng năm là 2% như mục tiêu của FED hay không. Những biến động ngắn hạn có thể xảy ra. Thế giới nói chung ngày càng khó dự báo. Các sự kiện bất ngờ, từ những diễn biến mới ở Ukraine, cuộc tranh chấp trần nợ trần giữa Cộng hòa và Dân chủ ảnh hưởng đến tăng trưởng, đến khả năng xảy ra đợt tăng giá dầu mới một cách bất ngờ…, tất cả có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng và tác động đến các chỉ số lạm phát.

Việt Bình
Theo SGN News ngày 23 tháng 1, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*