“Đất Lành Chim Đậu”

Bài viết “hot” tuần qua – (Hình: vnexpress.net)

Alice Roosevelt Longworth con gái Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ nói về thói háo danh của cha mình: “Cha tôi muốn là đứa bé trong mọi lễ rửa tội, cô dâu trong mọi đám cưới, và xác chết trong mọi đám tang.”

Tôi đã bật cười khi đọc lời mô tả trên, không chỉ cười sự tự trào của vị chính khách trên, mà còn cười vì thấy… quen quen. Chắc ở đâu cũng có nhiều người như vậy, nhưng ở Việt Nam có rất, rất nhiều người hơn vậy. Ðiều này được chứng minh rất nhiều qua các bài báo lên gân của nền báo chí nước nhà mỗi khi Việt Nam may mắn được tổ chức một sự kiện nào đó  có chút tầm cỡ, ngoài ra còn nằm ở các lời phát biểu thiếu dinh dưỡng của các vị lãnh đạo chức cao quyền trọng của bộ máy chính quyền đương thời. Họ – các nhà báo, các chính khách – không phải là tất cả người dân Việt Nam, họ cũng chẳng được số đông người Việt Nam ưa thích, nhưng họ chính là bộ mặt/cánh tay nối dài của Việt Nam khi giao tiếp với quốc tế, vì vậy mà đôi khi, nếu chỉ đọc báo thì không thể không nghĩ thói háo danh/ưa ra vẻ là căn tính của dân tộc Việt hiện nay.

Ngoài ra, thứ quảng bá cái tên Việt Nam ra quốc tế còn là các số liệu thống kê chuyên nghiệp, thật không may là…

Nếu tính cả những quốc gia chưa được Liên Hợp Quốc công nhận thì trên thế giới năm 2022 sẽ có ít nhất là 206 quốc gia. Vậy mà bằng một cách nào đó, có rất, rất nhiều người Việt luôn tự tin thể hiện sự vô văn hóa của mình trên mạng, giúp Việt Nam vượt qua hơn 200 quốc gia trên thế giới để đứng top ở các bảng xếp hạng ứng xử kém văn minh trên Internet trong nhiều năm qua. Nhất là qua các trận túc cầu giữa Việt Nam và các nước khác, cứ trận nào mà đội Việt Nam bị xử thua là trọng tài của các trận đấu đó phải khóa Facebook để “trốn” hàng triệu bình luận chửi rủa tục tĩu của cư dân mạng viết tiếng Việt. Hay mới đây, khi rất, rất nhiều người Việt đã chê cười Qatar chi hơn 200 tỷ USD cho World Cup 2022, rồi lập kỷ lục là đội chủ nhà bị loại sớm nhất ở lịch sử World Cup. Và có rất, rất nhiều người Việt đã tự hào khi thấy cờ Việt Nam tung bay phất phới ở các trận đấu trong giải túc cầu lớn nhất thế giới, dầu đội tuyển Việt Nam chưa chạm chân vào được giấc mơ World Cup. Chưa hết, các báo Việt còn tự hào vì một cô gái Việt đã cầm khay đựng huy chương bạc để các đại diện của ban tổ chức World Cup trao các đội tuyển. Sự tự hào ngớ ngẩn này được báo chính thống trong nước (vốn được kiểm soát chặt chẽ) lên bài luôn mới ghê rợn.

Ngoài ứng xử kém văn minh nhất cõi mạng trong nhiều năm thì thứ giữ chân Việt Nam ở bảng xếp hạng cấp thế giới là… phim sex. Theo báo cáo của Google Trend, trong 12 tháng qua Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ tìm kiếm phim sex nhiều nhất thế giới, vị trí này luôn được Việt Nam giữ chặt cả chục năm qua. Các tỉnh miền núi phía Bắc như: Ðiện Biên, Lai Châu, Bắc Giang đã đóng góp lượt tìm phim sex cao nhất cho nước nhà.

Tất nhiên ở bất cứ xã hội/dân tộc nào trên thế giới đều có những mặt xấu và mặt tốt. Nhưng hãy nhìn các tỷ lệ xấu mà Việt Nam “may mắn” đạt được trên và ngừng hy vọng về cái nhìn thiện cảm dành cho đất nước nhỏ bé này khi họ chưa từng đặt chân tới đây. Giống như cách dân Việt đọc tin về Ấn Ðộ và lo ngại việc có thể bị hiếp dâm khi tới đó du lịch. Ðọc tin về nước Mỹ và lo là có thể gặp một tay súng điên loạn khi đi tham dự lễ hội tập thể khi tới đó du lịch. Ðọc tin về Thái Lan và lo lắng yêu nhầm một cô gái/chàng trai chuyển giới khi tới đó du lịch. Người ta có quyền lo lắng, dầu trong túi chưa đủ tiền đổ đầy bình xăng.

Tại sao không đặt vấn đề “Ta đánh thắng cả thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ, không lý gì kinh tế lại để thua!” – (Hình: thanhnien.vn)

Chưa kể, trong khi chính quyền Việt tính chuyện hồi phục kinh tế sau dịch COVID-19 bằng lượng khách du lịch, thì tôi muốn nói một sự thật không tốt đẹp lắm: Việt Nam từng được “nổi tiếng” khắp thế giới qua các vụ “chấn động” kiểu như: “39 người Việt chết ngạt trong container đông lạnh ở Anh”, “41 người Việt tháo chạy khỏi casino Campuchia, cùng bơi qua sông về nước”, “9 người đi cùng chuyên cơ đoàn chủ tịch Quốc hội VN trốn lại Hàn Quốc”… Toàn là cảnh người Việt bỏ xứ ra đi không. Một nơi mà không “thân thiện” với chính dân bản xứ như vậy, liệu có “thân thiện” với khách du lịch như quảng bá? Kết quả nói lên tất cả:

“Theo thống kê, sau 11 tháng của năm 2022, Việt Nam chỉ đón 2.7 triệu lượt khách du lịch (dự kiến hết năm 2022 sẽ đón 3.5 triệu lượt khách du lịch) – kém rất xa mục tiêu đặt ra hồi đầu năm là 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022. Con số dự kiến đạt được của Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt là hơn mười triệu, hơn chín triệu và hơn sáu triệu du khách nước ngoài.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO), 2019 – năm hoàng kim của du lịch Việt Nam – tỷ lệ khách nước ngoài trở lại Việt Nam rơi vào khoảng hơn 10%, trong khi của Thái Lan và Singapore lần lượt là 82% và 89%. Các con số này cho thấy lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng không bền vững và do sự tò mò ở lần đầu tiên hơn là do bị “gây nghiện” để trở lại.

Thống kê trên tôi lấy từ trang vnexpress.net – Tờ báo chính thống trong nước, thuộc Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam. Cũng tại đây, có bài viết của tác giả Ðình có tên ban đầu là “Cảm giác sợ hãi sau một chuyến về Việt Nam du lịch” (sau lại bị đổi tựa “Cảm giác ngại ngùng sau một chuyến về Việt Nam du lịch”) tạm tóm tắt đủ các ám ảnh của du khách lẫn người dân trong nước khi nghĩ tới cảnh du lịch ở Việt Nam, như: Khổ từ chuyện xin visa tới Việt Nam (phải chầu chực, bị Lãnh sự quán VN ở nước ngoài làm khó, số tiền làm visa VN không nhất quán…), sự thiếu thiện cảm của các nhân viên hải quan tại các sân bay ở VN, ra đường sá Việt Nam còn hơn ra trận (kẹt xe, ổ gà, ổ voi, giao thông hỗn loạn, lề đường bị lấn chiếm, khách du lịch phải đi bộ dưới lòng đường…) và đặc biệt là phần tác giả liệt kê cách kinh doanh du lịch kiểu “ăn xổi” của người Việt Nam. Xin trích ra đây đoạn này:

“Nhiều đường phố, bãi biển đầy rác, nhiều nhà vệ sinh công cộng còn mất vệ sinh.

Du khách bị những “ngộ không”, “gấu bunny”… làm tiền công khai (dụ/ép chụp ảnh chung rồi đòi tiền công) nhiều năm trời giữa các trung tâm thành phố lớn – (Hình: Facebook)

Ðeo bám du khách: người bán dạo sẵn sàng bám dính lấy gia đình tôi khi đi du lịch, thậm chí họ thẳng tay nhét đồ vào túi áo, túi quần để ép chúng tôi mua đồ cho họ một cách trắng trợn.

Ðỏ mắt tìm nhà vệ sinh: Ngay cả những thành phố du lịch lớn như Ðà Lạt, Nha Trang, Ðà Nẵng… cũng không dễ để bạn tìm được một nhà vệ sinh công cộng.

Trước khi định cư ở nước ngoài, anh chị em của tôi đi du lịch khá nhiều nơi như Ðà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Ðà Lạt, Huế, Phú Quốc, Phan Thiết, các tỉnh miền Tây vào những năm 1990. Khi tôi dẫn họ đi quay lại các nơi này thì họ thất vọng vì nhiều nơi đã bê tông hóa hết rồi.

Chẳng hạn, lên thành phố Ðà Lạt mà người thân tôi nói: “Sao giống như Sài Gòn vậy, toàn nhà với nhà, ở Sài Gòn bật máy lạnh lên cũng vậy thôi”. Hay như đến Phan Thiết, chẳng còn những rừng cây nằm ngả ra phía bờ biển dài thơ mộng nữa, vì resort che hết quang cảnh biển rồi còn đâu.

Nạn chặt chém, ăn nói thô tục tại các địa điểm buôn bán đồ lưu niệm ở các khu du lịch: chuyện này như một bộ phim dài tập, nhiều người đã nói quá rồi nên tôi cũng không muốn nhắc lại nữa. Bao năm qua dường như chúng ta chưa làm được gì để thay đổi thực trạng đáng buồn này.

Bức ảnh rất tình, nhưng bạn có thấy họ đang phải đi bộ dưới lòng đường  – (Hình: Facebook)

Nạn móc túi, cướp giật: đây cũng là nỗi nhức nhối năm này qua năm khác ở nước ta, thế nhưng nếu hỏi tình hình có cải thiện hơn không thì có lẽ tôi chẳng tìm được lý do, dẫn chứng gì để nói “có”.” – (Từ vnexpress.net)

Trên các trang mạng xã hội, dư luận trong nước cũng bàn tán rôm rả vấn đề này. Như Facebooker Cao Xuan Minh viết:

“Ði nhiều nước, bạn sẽ thấy không nơi đâu đẹp, điều kiện thuận lợi như Việt Nam để phát triển nhiều thứ trong đó có du lịch. Trong vùng Ðông Nam Á này thì Thai, Sing, Mã, Indo, Phi… vứt hết đi khi so sánh với các điều kiện của Việt Nam:

– Từ TPHCM bay đi các nước Ðông Nam Á  chỉ là 2 giờ bay.
– 3000 km bờ biển với những bãi tắm tuyệt đẹp ở Phú Quốc, Côn Ðảo, ven biển Miền Trung… thì các nơi khác quên đi.
– Núi đồi sông suối trải theo chiều dài đất nước.
– Thời tiết thì Bắc Nam có đặc trưng rõ 4 mùa và 2 mùa.
– Văn minh lúa nước 2 vùng châu thổ.
– Nền Văn Hoá bề dầy 4000 năm.
– Nông Nghiệp truyền thống còn lưu giữ.
– Thức ăn thì tuyệt vời.
– Chiều dài đất nước đủ để tạo nên khác biệt văn hoá vùng miền thu hút khám phá.

Hình ảnh tài sản cấp quốc gia của Việt Nam trong mắt quốc tế:  – (Hình: Facebook)

Vậy ta thua họ cái gì? Thua ở cái gì?

Buồn hiu!

Bao giờ chính ta thấy nhục, thấy hèn thì mới nỗ lực thay đổi được. Còn mãi tự hào ảo thì đừng mong đợi gì. Phải đổi thay, đầu tư từ những cái căn bản nhỏ nhất chứ không phải đi tắt đón đầu, chụp giật. Lãnh đạo, chính quyền phải làm gương, phải nghiêm túc thì người dân mới noi theo được.. còn không tạo nên nếp sống xấu bất chấp luật pháp.» – Hết trích.

Quả tình, nếu chọn đi du lịch, tôi chọn đi Thái, Sing, Mã, Phi… chứ không đi trong nước, nhất là sau chuyến du lịch xuyên Việt tôi vừa trải qua hồi tháng 11, đi khắp ba tỉnh Bắc-Trung-Nam về mà trong lòng tôi trống rỗng, không biết viết gì luôn. Vì ngoài các liệt kê ở trên, thì vấn đề lớn nhất ở Việt Nam là cách quy hoạch du lịch đã phá vỡ chính thứ thu hút khách du lịch đến với các địa danh nổi tiếng. Ðể thu hút khách du lịch thì ngoài vẻ đẹp thiên nhiên/tánh cách con người thì cần có thêm chữ lạ (sự khác biệt so với các vùng đất khác). Nhớ ơn ai-đó, các điểm du lịch ở Việt Nam sau một thời gian phát triển thì sẽ thấy nó cứ na ná nhau, thậm chí là giống nhau y chang, ngoài ra còn có thêm những tác phẩm sao chép tệ hại từ các điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Tôi và đám bạn vẫn khuyên nhau là hãy nhanh chân đi du lịch đến các vùng đất mới ở Việt Nam chứ không vài năm nữa là nó y chang Sài Gòn.

Tôi tin, nếu muốn nhìn tương lai một dân tộc, cách dễ nhất là nhìn cách người quản lý đất nước sử dụng tiền thuế của dân đóng góp. Chúng ta hãy nhìn vào cách quy hoạch du lịch, tài sản quốc gia được quản lý, các con số thống kê… nhìn bộ mặt quốc gia các nước khác để biết là câu «đất lành chim đậu» không dành cho Việt Nam. Rất buồn, nhưng phải thừa nhận điều này!

Du Uyên
Bà Tám ở Sài Gòn
Theo baotreonline.com ngày 5/1/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*