Sau nhiều năm bất ổn, cùng với đại dịch toàn cầu và cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine đã để lại trong ký ức chúng ta những trang đen tối nhất trong lịch sử. Riêng tại Hoa Kỳ thì còn có thêm khủng hoảng chính trị, biên giới, kinh tế … khiến người dân hoang mang không hiểu phải chuẩn bị thế nào để giải quyết những gì sắp tới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn biết “kinh nghiệm là những bài học quý giá để chuẩn bị cho tương lai.” Thế cho nên chúng ta thử nhìn lại một số dữ kiện trong năm 2022 vừa qua, để xem những bài học đó đã dạy cho chúng ta điều gì để có thể bỏ vào “túi khôn” đời người, với hy vọng có thể đem ra dùng trong năm tới, 2023. Hiển nhiên là không thể giúp đem lại hoà bình cho thế giới, nhân loại; mà chỉ hy vọng rằng sẽ giúp cá nhân, và gia đình chúng ta nhìn sự việc sắp tới một cách kỹ càng hơn để đưa ra những phán đoán, quyết định ít sai lầm hơn.
Trước hết, chúng tôi xin gửi đến quý vị một tin vui trong năm 2022, đó là tin vui từ trên trời, nhưng lại thuộc về khoa học.
Kể từ đầu năm 2022, viễn vọng kính không gian James Webb của NASA đã bắt đầu gửi về quả đất những hình ảnh lộng lẫy, rõ ràng chi tiết của Những Cây Cột Của Sự Sáng Tạo (Pillars of Creation), nơi mà các vì sao mới đang thành hình, bên trong một vùng mây của khí (gas) và bụi (dust). Hình ảnh ba chiều của những cây cột trông giống như những khối đá hùng vĩ, nhưng không dầy đặc như đá, mà có thể nhìn xuyên thấu qua được. Những cột này được tạo thành bởi sự kết hợp của khí và bụi đã nguội ở giữa các vì sao, đôi khi gần như là trong suốt dưới ánh sáng hồng ngoại tuyến.
Những Cây Cột Của Sự Sáng Tạo này lần đầu tiên được biết đến, và nổi danh, khi hình chụp của Viễn Vọng Kính Không Gian Hubble được NASA công bố năm 1995. Hình ảnh mới do Viễn Vọng Kính Không Gian Webb đã giúp các khoa học gia hoàn chỉnh lại mô hình về cách kiến tạo của những ngôi sao, bằng cách xác định chính xác hơn về số các ngôi sao mới hình thành, cùng với số lượng của khí và bụi trong khu vực. Theo thời gian, họ sẽ bắt đầu hiểu rõ hơn về cách các ngôi sao hình thành và tách ra khỏi những đám mây bụi này trong hàng triệu năm.
oOo
Bây giờ trở lại chuyện dưới đất.
Có thể chúng ta dễ đồng ý với nhau là chuyện chiến tranh là chuyện đau thương nhất của con người sống trên mặt đất này, bất kể ở khu vực địa dư nào. Điều đau buồn hơn cả là chiến tranh lúc nào cũng có. Hiện nay, chúng ta đang có cuộc chiến tranh xâm lăng của Nga vào quốc gia láng giềng Ukraine. Cuộc xâm lăng bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 và tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Khởi đầu của cuộc xâm lăng, với lực lượng quá chênh lệch giữa đôi bên; về binh lính thì Nga nhiều gấp bốn lần Ukraine, về vũ khí thì ít nhất cũng gấp hàng chục lần, vì vũ khí của Ukraine thuộc thế hệ Liên Xô, trong khi vũ khí của Nga thì hiện đại, tối tân ngang ngửa với Hoa Kỳ. Thế cho nên, qua mấy tháng đầu của cuộc xâm lăng, Putin và hầu như cả thế giới đều cho rằng Ukraine sẽ bị Nga “nuốt chửng” và cuộc xâm lăng sẽ kết thúc nhanh chóng, tương tự như cuộc chiến tranh Hoa Kỳ – Iraq. Thế nhưng thế giới phải ngạc nhiên về ý chí của người dân và giới lãnh đạo của Ukraine; và như thế cuộc chiến vẫn dai dẳng đến ngày hôm nay, ở tháng thứ 10; không những chưa có dấu hiệu chấm dứt, mà còn có thể khốc liệt hơn với quân số của Nga xua thêm vào mặt trận và vũ khí của Hoa Kỳ cùng với Âu châu viện trợ cho Ukraine.
Nói về cuộc chiến Nga-Ukraine thì có lẽ không ai mà không biết, tuy nhiên nếu nhìn vào các con số và hình ảnh thì sẽ thấy sự tàn khốc của chiến tranh.
Theo bản tin của hãng Reuters thì số thiệt hại tính đến ngày cuối năm 2022:
Tử vong: hơn 42,295 người
Bị thương: hơn 54,132 người
Mất tích: hơn 15,000 người
Di tản: khoảng 14 triệu người
Nhà cửa, cơ sở bị phá huỷ: hơn 140,000
Trị giá thiệt hại: khoảng 350 tỉ dollars
Những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh:
Một người phụ nữ Ukraine, đang có thai, được khiêng ra khỏi khu vực nhà thương ở Mariupol bị máy bay của Nga bắn sập ngày 9 tháng 3 năm 2022
Những người dân ở Mariupol bị chết bởi phi cơ Nga oanh tạc được chôn tập thể, vì không đủ điều kiện an táng dưới sự oanh tạc và pháo kích liên tục của quân Nga, ngày 9 tháng 3 năm 2022.
Người dân Ukraine di tản đang trốn bom dưới gầm cầu của sông Irpin đã bị quân Nga đánh sập, ngày 5 tháng 3 năm 2022.
Nụ hôn từ giã vội vàng của người lính trẻ Ukraine, đưa vợ con di tản, trước khi xông vào vùng lửa đạn để chống giữ quê hương.
Hình tổng thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine (bên trái chụp ngày 22 tháng 2, bên phải chụp ngày 4 tháng 4) chỉ cách nhau 41 ngày. (RONALDO SCHEMIDT/AFP via Getty Images)
Chúng ta đều biết câu thành ngữ “a picture is worth a thousand words – một bức hình có giá trị bằng một ngàn chữ”. Thế nhưng với những bức hình trên thì bao nhiêu chữ để diễn tả cho đầy đủ? Tiếng Việt ta có câu than “Trời đất ơi!” tiếng Mỹ có câu tương tự, thường được viết tắt là OMG! Có lẽ như thế thì ngắn gọn và đầy đủ nhất, vì đã vượt qua ý niệm của con người trần thế.
oOo
“Energy Crisis“, hai chữ này vẫn thường xuyên được nhắc đến bởi cả hai phía “tả, hữu” của giới truyền thông Hoa Kỳ.
Bên bênh vực thì tìm đủ mọi cách để biện minh cho giá xăng dầu gia tăng vùn vụt, kể cả việc đổ lỗi cho chiến tranh Nga xâm lăng Ukraine, việc ngăn cản ống dẫn dầu từ Nga qua Âu châu; nếu hết lý lẽ thì dùng biện pháp “làm thinh” cho qua chuyện.
Bên chống thì đưa ra mọi bằng cớ từ việc cấm khai thác dầu nội địa, cấm đường ống dẫn dầu từ Canada vào Mỹ.
Rồi thì chính phủ lại mở kho dầu dự trữ của quốc gia, cung cấp cho dân tiêu thụ một phần, và xuất cảng xang Trung Cộng một phần. Tại sao lại xuất cảng sang Trung cộng? Có nhiều người hỏi như thế. Điều này chỉ có thể được trả lời là chính phủ Mỹ đã thực hiện đúng câu thành ngữ trích ra từ thánh kinh “love your enemies – hãy yêu kẻ thù của các anh.” Nếu tẩn mẩn phân tích câu nói thì đây là câu nói của một người khuyên người khác “hãy yêu kẻ thù của các anh,” nên chúng ta cần hỏi lại là “Thế ông có yêu kẻ thù của ông không?” Tìm khắp nơi nhưng chẳng thấy ghi câu trả lời. Thế cho nên nhiều người không tin, bởi vậy mỗi lần đi đổ xăng là lại nghe đâu đây vang tiếng chửi thề bên tai. Mới hai năm trước, giá xăng mới chỉ nhích vài xu trên 2 đô-la một ga-lông là đã có tiếng cằn nhằn, bây gìờ thì xuống vài xu dưới 5 đô-la một ga-lông là đã có vài “bình luận ra, bình luận vào” lên tiếng hoặc viết bài khen rối rít, chẳng khác gì cảnh tượng dân Bắc Hàn sau khi được nhóm bác sĩ không biên giới chữa khỏi bệnh mắt cườm là vội vã đến trước hình của cha con nhà họ Kim, cúi rạp người xuống “cảm ơn lãnh đạo anh minh” rối rít.
Đó là mới nói đến chuyện xăng dầu, nếu có dịp hỏi chuyện quý bà hàng tuần đi chợ mua thực phẩm cho gia đình thì cũng sẽ được nghe các câu than thở. Tuy không phải là văng tục, chửi thề như “quý ông (gentleman)”, thế nhưng quý bà, quý cô cũng có thể dùng từ ngữ hiện đại: “Let’s go Brandon!” Có lẽ cũng sắp được đưa vào tự điển thành ngữ tiếng Anh của Webster. Trong khi đó từ ngữ “recession – suy thoái kinh tế” đã gần như thường xuyên xuất hiện trên các trang báo kinh tế, không hiểu là một dấu hiệu cảnh cáo, nhắc nhở, khuyên nhủ … hoặc để người dân “làm quen” với hiện tình kinh tế sắp tới? Dầu sao đi nữa thì đây cũng là một “điềm xấu” bắt đầu từ 2022, và có thể sẽ thành sự thực trong năm 2023. Có lẽ chúng ta nên “làm quen” với thành ngữ “Let’s go Brandon!” để tiện dụng, vì biết đâu sẽ trở thành câu “chào hỏi” hàng ngày trong năm 2023 và 2024 nữa!
Tin tức mới nhất trên các trang báo điện tử của “phe ta” cho biết là, trong năm mới, Putin sẽ nổi máu điên (dễ chừng hắn ta chưa bao giờ làm thế hay sao?), để dằn mặt Âu châu và Mỹ, sẽ chỉ bán xăng dầu và khí đốt cho Trung cộng và Ấn Độ; và như thế sẽ khiến giá xăng và khí đốt lò sưởi ở Âu châu sẽ tăng vọt. Nghe rất có lý, thế nhưng việc này ảnh hưởng gì đến Hoa Kỳ? Có người gân cổ cãi rằng ở cương vị lãnh đạo thì “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” như ông Tàu già nào ở thế kỷ thứ 11 đã nói như thế. Tuy nhiên, nói là một chuyện, làm được lại là một chuyện rất khác (mà thực ra có chắc là ông Tàu già nào đó đã nói như thế hay chăng?). Ông bà ta có nhiều thành ngữ về chuyện này như: “Làm chuyện bao đồng.” “Ăn cơm nhà vác ngà voi.” “Chuyện nhà chưa xong đã lo chuyện thiên hạ” … Ấy vậy mà khi nghe khẩu hiệu “Make America Great Again” hay “American First” thì lại la hoảng. Thử hỏi trên thế giới này có quốc gia nào bỏ bê dân của họ để lo cho dân nước ngoài được ấm no, thanh bình trước hay không? Cứ thử tưởng tượng nếu giá xăng và thực phẩm ở Âu châu, Trung cộng, Ấn độ rẻ hơn ở Mỹ (tính theo vật giá và đồng lương bản xứ) thì sẽ biết hậu quả.
Có một điều mà người dân không biết là việc lấy lượng dầu dự trữ của quốc gia đem xài vung vít thì rất nguy hiểm. Dầu dự trữ là để ngừa trường hợp có chiến tranh, hoặc thiên tai, thì có đủ xăng dầu cho máy bay, tàu thuỷ, xe cộ, xe tăng, nhà máy chế tạo vũ khí, chế biến thực phẩm … Nếu thiếu thì phải thay màu cờ quốc gia bằng màu trắng! Nó cũng giống một người cứ xài hết tiền để dành (tiền tiết kiệm), rồi đến khi đau ốm thì sao?
oOo
“Roe v. Wade” nôm na là “luật phá thai” được Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chấp thuận năm 1973 về quyền phá thai của phụ nữ, và tiểu bang có quyền đưa ra các quyền phụ thuộc liên hệ đế tình trạng của người phụ nữ mang thai. Đây là một đạo luật “nhức đầu” và bị liên tục chống đối cũng như bảo vệ. Tháng 6 năm 2022, Tối Cao Pháp Viện lật ngược đạo luật này, và cũng vẫn giao quyền quyết định sau cùng cho từng tiểu bang. Nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng sự kiện lật ngược quyết định quyền phá thai của Tối Cao Pháp Viện đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kế quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua vào tháng 11 năm 2022; đã khiến “Red Wave – Làn Sóng Màu Đỏ Của Đảng Công Hoà” không trở thành hiện thực. Tuy nhiên đảng Cộng Hoà cũng chiếm được đa số ở Hạ Viện, và như thế, chính trị của Mỹ sẽ “đổi màu” và, có lẽ, sẽ chuyển hướng từ tấn công tổng thống Trump qua tấn công tổng thống Biden và gia đình của ông ta, trước khi lo cho dân. Chính trị là như thế, hai đối thủ bắt tay nhau, hoặc lễ phép chào nhau, trước khi đấm đá thẳng cánh; và khi “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết.”
oOo
Shinzo Abe, cựu thủ tướng Nhật Bản, đã bị ám sát vào ngày 8 tháng 7 năm 2022 trong khi đang đọc bài phát biểu tranh cử cho một đảng viên của Đảng Dân Chủ Tự Do, bên ngoài nhà ga Yamato-Saidaiji ở Thành phố Nara, Tỉnh Nara, Nhật Bản. Ông bị một người đàn ông dùng súng tự chế bắn vào sau đầu. Ông được trực thăng y tế chở đến Bệnh viện của Đại học Y khoa Nara, và từ trần tại đây, hưởng thọ 67 tuổi.
oOo
Vào ngày 8 tháng 8 năm 2022, khoảng 30 nhân viên FBI đã thực hiện lệnh khám xét tại Mar-a-Lago, ngôi biệt thự ở Florida của cựu Tổng thống Donald Trump, một hành động chưa từng có.
Nhân viên của FBI đã tìm thấy 43 bìa cứng đựng hồ sơ có đánh dấu “MẬT” nhưng bên trong trống rỗng, không có gì cả.
Đây là một hành động chính trị chưa từng có và nguy hiểm nhất. Nó làm thành tiền lệ cho phép chính phủ đương nhiệm dùng đủ mọi phương tiện để triệt hạ đối thủ chính trị. Ngay cả việc tấn công vào nhà riêng để lục soát dưới danh nghĩa truy tầm tài liệu quốc phòng, không được phép mang ra ngoài toà Bạch Ốc. Cho dù kết quả là chẳng tìm được gì, nhưng tiếng xấu sẽ được đồn đãi và vang đi rất xa.
Tin tức về cuộc lục soát này được công bố lần cuối vào tháng 9 năm 2022, cho đến nay thì không còn thêm chi tiết nào nữa.
Đồng thời, sau một năm tìm đủ mọi cách để được xem tài liệu về việc đóng thuế của ông Trump, thành viên Hạ Viện thuộc đảng Dân Chủ đã được xem tài liệu về thuế trong sáu năm qua của cựu tổng thống, và đã phổ biến ra ngoài quần chúng. Giờ đây thì họ tuyên bố là tuỳ quyền quyết định của ông chủ tịch, Richard Neal, của Ways and Means Committee. Tuy nhiên, họ không nói rõ việc họ đã vi phạm điều lệ của sở thuế liên bang là không được phổ biến hồ sơ này ra ngoài quần chúng. Đây là trường hợp vi phạm luật pháp khá nghiêm trọng ở cấp bậc liên bang. Vả lại hồ sơ thuế của ông Trump không có gì vi phạm luật đóng thuế của liên bang, nên có lẽ đám dân biểu thuộc đảng Dân Chủ cũng cho “chìm xuồng” luôn.
oOo
Nữ hoàng Elizabeth II, vị nữ hoàng (vua) trị vì lâu nhất của nước Anh, đã qua đời ở tuổi 96, trị vì trên ngai 70 năm. Điện Buckingham xác nhận rằng nữ hoàng qua đời hôm thứ Năm tại Lâu đài Balmoral, nơi ở chính thức của bà ở Scotland. Con trai trưởng của bà, 73 tuổi, sẽ nối ngôi với vương hiệu Vua Charles III.
oOo
Cuối tháng 10, tỉ phú Elon Musk hoàn tất việc mua Twitter với giá 44 tỉ đô-la.
Musk, CEO của Tesla và SpaceX, đã nhắc lại kế hoạch biến Twitter thành một diễn đàn dành riêng cho việc thúc đẩy quyền tự do ngôn luận. Đây là thương vụ lớn nhất để tư nhân hóa một công ty trong ít nhất là hai thập niên qua.
Musk, một người viết nhiều tweet với 83 triệu người theo dõi, tự mô tả mình là “người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận tuyệt đối – free-speech absolutist”. Với những thay đổi bao gồm chấm dứt kiểm duyệt nội dung, loại bỏ quảng cáo, ngăn chặn spam và cho phép người dùng chỉnh sửa tweet. Chỉ vài ngày sau, Musk tuyên bố tái lập tài khoản cho cựu tổng thống Donald Trump, và một số ký giả cũng như người thường, trước đây đã bị Twitter kiểm duyệt và khoá tài khoản.
Tiếp theo đó, Musk đã công bố những tin tức bất lợi cho đảng Dân Chủ như việc FBI áp lực Twitter kiểm duyệt những tin về chiếc laptop của Hunter Biden có thể đưa đến việc quốc hội sẽ mở cuộc điều tra, vì hiện nay đảng Cộng Hoà chiếm đa số ở quốc hội.
oOo
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 vừa qua đã không đem lại kết quả như đảng Cộng Hoà mong muốn. Tuy nhiên họ vẫn thắng ở Hạ Viện.
Với thành quả như thế này, tình hình chính trị và sự phân chia khuynh hướng đảng phái của dân Mỹ sẽ không thay đổi bao nhiêu trong hai năm sắp tới, Biden vẫn vấp váp trong việc đọc những điều được ghi sẵn trên giấy; nếu có sai thì nhân viên và phát ngôn viên của Toà Bạch Ốc sẽ sửa lại, ngã thì có kẻ đỡ dậy, ngủ gật thì có kẻ đánh thức … và báo chí “phe ta” cũng xem những chuyện đó như “chuyện ở huyện“, vì từ xưa, có ai chê bai gì về những câu nói và việc làm của Lý Toét hay Xã Xệ đâu. Nhưng nếu có thay đổi thì là mũi dùi tấn công bây giờ là từ Cộng Hoà qua Dân Chủ. Người Mỹ gọi việc này là “A taste of your own medicine.” Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung gọi là chiêu “Gậy ông đập lưng ông.”
oOo
COVID-19, Corona Virus, đại dịch toàn cầu, gọi như thế nào chăng nữa thì cũng là một câu chuyện kinh hoàng lưu lại trong lịch sử thế giới. Theo báo cáo của WHO (World Health Organization – Tổ Chức Y Tế Thế Giới) thì tính đến ngày 23 tháng 12 năm 2022, trên toàn thế giới có:
651,918,402 người nhiễm bệnh.
6,656,601 người chết
oOo
Hôm 16 tháng 12 năm 2022, một bài báo trên trang điện tử của CNN có đăng bài về tệ trạng ở biên giới với tựa đề “Everyone can now agree – the US has a border crisis“, tạm dịch là “Bây giờ mọi người có thể đồng ý – Hoa Kỳ có một cuộc khủng hoảng ở biên giới.”
CNN trước nay vẫn là tờ báo bênh vực chính quyền Biden và đảng Dân Chủ một cách tuyệt đối. Thế nhưng qua việc Tối Cao Pháp Viện gia hạn cho Title 42 (ban hành thời tổng thống Trump) để giới hạn và trục xuất những người vượt biên giới nhập cư bất hợp pháp, cùng với số lượng người toan vượt biên giới đã lên tới hơn 900,000 trong năm 2022. Chính phủ Biden đã dặt bà phó Kamala Harris vào chức vụ Border Czar (Chúa tể Biên giới) để giải quyết tệ nạn này, thế nhưng bà hoàng này, cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa hề đặt chân đến biên giới chứ nói chi đến việc giải quyết! Có hỏi tại sao thì “bà hoàng vui tính” này cứ cười hô hố, chẳng thèm trả lời, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Một số thống đốc và thị trưởng đã tự giải quyết bằng cách “nếu không đến tận nơi để giải quyết khủng hoảng, thì chúng tôi sẽ đem khủng hoảng đến tận cửa nhà của quý vị.” Và chỉ như thế thì mới có bài viết trên CNN thừa nhận là “Hoa Kỳ đang có một cuộc khủng hoảng ở biên giới.”
Thế nhưng đã nửa tháng trôi qua, chính phủ Biden và bà hoàng Harris vẫn “ngậm tăm, nín thở qua cầu” với hy vọng “để lâu cứt trâu hoá bùn” … cứ lờ đi thì lâu ngày cũng chẳng ai thèm ngó ngàng tới nữa. Chẳng hiểu có ai trong quý vị đồng ý như thế không?
oOo
Bài viết này được mở đầu bằng một tin vui trên trời, nơi đây xin kết thúc băng một tin vui dưới đất: Tổng thống Ukraine, ông Volodymyr Zelenskyy đã được tuần báo Time chọn làm “Người Của Năm 2022”:
oOo
Trên đây là những sự kiện đã xảy ra trong năm 2022. Chúng ta hãy chờ xem diễn tiến trong năm 2023. Chúc quý vị qua năm mới được an bình, vui vẻ.
Bùi Phạm Thành
Những ngày đầu năm 2023
Be the first to comment