Những Ngõ Ngách Trong Hành Trình Tìm Về Cội Nguồn

Steven Duong (grinnell.edu)

Cuộc đối thoại giữa hai nhà văn Mỹ gốc Việt

Steven Duong là một nhà văn-nhà thơ trẻ, 25 tuổi (sinh năm 1997; lớn lên ở San Diego, California). Anh có bằng Cử nhân Văn chương từ Đại học Grinnell College ở Iowa. Khi còn là sinh viên, Steven Duong đã thắng một số giải thơ từ Grinnell College và Academy of American Poets. Năm 2019 Steven Dương nhận học bổng (Fellowship) từ Thomas J. Watson Foundation để thực hiện một chuyến du hành ngoài nước Mỹ với mục đích hoàn tất một tập thơ trong vòng một năm.

Thơ của Steven Dương đã xuất hiện trên vài tạp chí và thi đàn online như Guernica, The American Poetry Review, và New England Review. Một số truyện ngắn và tiểu luận của anh đã đăng trên Catapult và Astra Magazine. Steven hiện là thành viên Poetry Coalition Fellow của Kundiman – một tổ chức phi vụ lợi chuyên nuôi dưỡng và trợ giúp tác giả người Mỹ gốc Á. Steven Dương đang làm Luận án Cao học (Master of Fine Arts) về Văn Chương tại Iowa Writers’ Workshop.
Nhà văn Phong Nguyen (tiến sĩ, giáo sư Đại học Missourri) – tác giả quyển tiểu thuyết về Hai Bà Trưng có tựa Bronze Drum (2022) – đã thực hiện cuộc phỏng vấn Steven Duong (bằng tiếng Anh) dành riêng cho Saigon Nhỏ. Dưới đây là bản dịch Việt ngữ của anh Ian Bùi.

_________

Anh có thể kể sơ về hành trình trở thành một nhà văn của mình? Nó bắt đầu từ đâu và đã định hình con người anh hôm nay ra sao?

Tôi bắt đầu viết nghiêm túc như một nhà văn vào những năm đầu đại học – ở Grinnell College, một ngôi trường rất ư là “cool.” Các vị giáo sư mà tôi biết đều là những con người độ lượng. Năm thứ nhì tôi tham gia một trại sáng tác [workshop] về thi ca; đó là lần đầu tiên tôi tiếp cận các thể thơ cổ điển như sonnetpantoumghazal v.v. Trước đó thì tôi cũng có biết sơ về chúng, nhưng tôi nghĩ chúng chỉ là các loại cổ thi cứng ngắc. Không ngờ một khi phải làm thơ trong những khuôn khổ ấy tôi bỗng dưng thấy mình được tự do. Đây là điểm mâu thuẫn giữa sự gò bó của niêm luật và sự giải phóng của ngôn ngữ; mặc dù phải làm việc với những mô hình đã được hoàn chỉnh qua nhiều thế kỷ, tôi phát hiện mình vẫn có thể tạo ra phong cách mới. Từ đó tôi bắt đầu làm thơ một cách nghiêm chỉnh.

Mãi đến những năm cuối đại học tôi mới chuyển sang viết truyện. Tôi lấy một cua với giáo sư Lan Samantha Chang, đúng ra là một cái workshop rất ngắn nhưng cực kỳ chuyên môn; bà ta đưa ra nhiều câu hỏi lạ lùng nhưng cực kỳ thâm thúy về các mẩu truyện của tôi, dẫn tôi vào những ngõ ngách bất ngờ. Tới khi đó tôi mới bắt đầu nghĩ mình muốn học viết văn. Từ hồi còn nhỏ tôi đã đọc tiểu thuyết khá nhiều, nhưng khi bắt tay vào việc viết truyện hư cấu tôi mới nghiệm ra, có những điều từng thôi thúc tôi làm thơ đã giúp tôi đến với văn xuôi qua một lối khác.

Thể truyện ngắn có một cái gì đó rất ngộ – lề trang giấy dường như muốn làm ta chùn bước. Trong một buổi seminar với nhà văn Dean Bakopoulos, chúng tôi cùng đọc Jesus’s Son; So Long, See You Tomorrow của Maxwell; We the Animals của Justin Torres. Tôi tự đọc What We Lost in the Fires của Mariana Enriquez. Đó là những tác phẩm đã truyền cảm hứng cho tôi viết những truyện ngắn đầu tay của mình. Chúng đa phần mang sắc thái truyền thống và quen thuộc, nhưng đồng thời ẩn sâu thật sâu bên trong có cái gì đó vô cùng ngoại lai. Đó chính là khởi điểm; kể từ đó tôi bắt đầu viết văn và làm thơ nhiều hơn.

Anh chỉ xuất hiện trong giới văn đàn gần đây. Anh nghĩ gì khi thấy những bài viết hoặc trước tác thơ văn của mình được xuất bản?

Lần đầu tiên thấy tác phẩm của mình được in, tôi nghĩ trong đầu, “Trước đây mình cũng đã viết, và đó là chuyện thật. Nhưng giờ cầm quyển sách trong tay, đúng là chuyện khó tin. Sách là những thứ tôi đã gặp hàng triệu lần.” Nói chung, tôi rất trân quý những gì đã được xuất bản trên mạng hoặc trên trang giấy, bởi qua chúng, tôi tiếp xúc với các nhà văn khác trong cùng một ấn phẩm hay tạp chí.

Tôi cũng có một lượng nhỏ độc giả hâm mộ theo dõi. Được người khác đọc truyện của mình là một kinh nghiệm mới lạ và thú vị, nhưng đồng thời nó cũng có mặt trái – dần dà tôi có cảm tưởng mình hay suy nghĩ về việc xuất bản, mà đối với tôi nó như một thứ thuốc độc. Tôi thường tự hỏi, “Người ta sẽ thích cái gì?” Riết rồi những gì tôi viết dần dần xa cách những gì mình muốn nói lúc ban đầu. Nhưng giờ thì tôi đã khá tự tin vào văn phong của riêng mình.

Đây là năm thứ nhì anh tham dự Iowa Writers Workshop, chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật [Master of Fine Arts, MFA] về văn chương lâu đời và danh giá nhất nước Mỹ. Để giúp các độc giả không biết nhiều về tiếng tăm của Iowa, anh có thể nào cho mọi người biết nó mang ý nghĩa nào đối với anh?

Iowa Writer’s Workshop là một chương trình Thạc sĩ Văn chương đầy phẩm lượng với một bề dày lịch sử nhất định. Biết bao tác giả lớn đã đi qua đây – thi sĩ, văn sĩ – Raymond Carver, Denis Johnson, Yiyun Li, Robyn Schiff, Alexander Chee, và nhiều nữa. Vô số người tôi ngưỡng mộ từng có mặt nơi đây vào lúc này hay lúc khác. Và cũng vì vậy mà nó nổi tiếng là nơi có nhiều sự cạnh tranh. Cách đây vài thập niên người ta vẫn còn giữ bảng xếp hạng các cây viết xuất thân từ Iowa.

Nhưng từ ngày nằm dưới lãnh đạo của Sam Chang, Iowa đã có nhiều thay đổi trong cung cách làm việc; người ta bớt chú trọng đến việc xuất bản hay cạnh tranh trong chuyện viết lách. Đối với tôi, có mặt ở đây nghĩa là được ngồi cùng những người đồng đẳng mà tôi kính nể, những độc giả và tác giả rộng lượng, những thành viên của cùng một cộng đồng. Tôi cảm thấy mình rất may mắn. Những vị giáo sư hướng dẫn không những giỏi giang mà còn tận tuỵ cống hiến thì giờ và sự hiểu biết của mình. Họ luôn thay đổi cách làm việc sao cho thích hợp với tác phẩm dùng làm đề tài. Họ rất quan tâm đến sinh viên.

Là một nhà văn người Mỹ gốc Việt đối với anh mang ý nghĩa gì? Những di sản văn hóa anh thừa kế ảnh hưởng thế nào đến cách làm nghệ thuật của mình?

Tôi có cả ngàn cách để trả lời câu hỏi này. Truyện kể và truyền thống kể chuyện là một phần của văn hóa và lịch sử Việt trong sâu thẳm hồn tôi, dù đến từ bạn bè hay người thân. Phần vì đó là kinh nghiệm sống của những người di dân – không thể tiếp cận văn hóa hoặc truyền thông Việt Nam một cách trực tiếp. Điều này khiến cho tôi muốn tự mình kể chuyện: Một mặt vì mình có mối liên hệ với một nền văn hóa đậm sâu và đẹp đẽ, mặt khác vì mình cách xa nó quá nên tôi phải tìm đến nó qua nhiều con đường cũng như hình thức khác nhau. Nó dẫn tôi qua nhiều ngõ ngách vòng vo trong hành trình tìm về nguồn cội, về sự hiện hữu của mình.

Ẩn trong tâm thức của thế hệ cha mẹ và ông bà tôi là một nỗi đau sâu sắc về sự mất mát. Hầu hết cộng đồng di dân nào cũng cảm thấy như họ đã đánh mất quê hương mình; riêng tôi thì lại không cảm nhận điều đó giống như họ. Tôi không cảm thấy mình đã đánh mất Việt Nam, mà lúc nào cũng khám phá thêm về nó. Sáng tác của tôi tất yếu phản ảnh những kinh nghiệm về sự mất mát, điều đó quan trọng thật, nhưng tôi viết nhiều về những chứng bệnh tâm thần, về sự nghiện ngập, về tình bạn, về những mối quan hệ tình yêu hay tình dục. Thành thử cảm giác mất mát trong thơ văn của tôi được đặt ở vị trí bên cạnh cái mất mát của thế hệ cha ông mình.

Tôi phần nào nghĩ rằng không có một ý niệm nhất định cho cái kinh nghiệm gọi là người Việt hay người Mỹ gốc Việt. Tôi là người Việt-Mỹ vừa do định mệnh vừa do sự lựa chọn. Tôi rất hãnh diện được làm một nhà văn người Mỹ gốc Việt, cũng như được tiếp xúc những cây viết Việt-Mỹ khác không những tài giỏi mà còn quái dị nữa.

Các thi phẩm của anh đa số được xuất bản trong vòng hai năm trở lại. Truyện ngắn đầu tiên được xuất bản năm 2021. Phải nói sự nghiệp văn chương của anh thật sự bắt đầu từ mùa đại dịch. Covid đã ảnh hưởng thế nào đến việc viết lách cũng như đến việc xuất bản của anh  nếu có?

Sau khi ra trường, tôi nhận được học bổng Watson Fellowship. Nó cho phép tôi chu du nước ngoài trong vòng một năm để hoàn tất tập thơ của mình. Đề tài của tôi là kỹ nghệ nuôi cá kiểng. Tôi ghé thăm các chợ bán thú cưng, những nhà nuôi cá giống, những quốc gia nơi các loại cá kiểng xuất phát. Nhưng chuyến tham quan của tôi bị cắt đứt sớm hơn dự tính khi đại dịch xảy ra. Tháng Ba năm 2020 tôi buộc phải quay trở lại Mỹ, lúc đó tôi đang ở Việt Nam.

Năm nay tôi 25 tuổi. Tôi cảm thụ dễ dàng các nét văn hóa đặc thù của thế hệ thiên niên kỷ [millennial]. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình thuộc về thế hệ Gen Z trước đó nhiều hơn. Phần vì phải đối diện với cuộc khủng hoảng môi trường, với sự trỗi dậy một lần nữa của phong trào phát-xít, với trận đại dịch và phương thức đối phó khác nhau của chính quyền các nước – tất cả vấn đề ấy chiếm ngự phần lớn tác phẩm của tôi và những gì tôi đọc. Thành thử những gì tôi viết bao giờ cũng tiềm ẩn nét nguy khốn.

Thoạt nghe có vẻ bi quan, nhưng điều quan trọng là phải viết về cõi thật. Một phần khác nữa là những vấn đề có liên hệ trực tiếp đến đời sống hôm nay. Đại dịch vẫn chưa qua khỏi, nhiều sự bất công vẫn tồn tại, chẳng hạn như quyền tự quyết của phụ nữ bị xóa sổ. Nhiều điều tồi tệ đang xảy ra, nhưng cũng có nhiều phản ứng tuyệt vời từ các cộng đồng bị làm hại. Tôi như một người luôn đánh đu giữa tuyệt vọng và hy vọng. Là một thành viên trong cộng đồng của mình, tôi hay tổ chức những buổi đọc văn thơ cho tác giả da màu, cùng nhiều sự kiện văn chương khác. Tôi muốn trở thành một nguồn cung cấp tài nguyên văn hóa; muốn đặt tình yêu cộng đồng vào tâm điểm của cuộc sống.

Anh đã kiếm được một văn phòng đại diện để lo việc xuất bản. Hiện thời anh và họ có dự án cụ thể nào? Nó có liên quan gì đến luận án thạc sĩ của anh?

Hiện tôi làm việc với Jin Auh của văn phòng Wylie Agency. Chúng tôi đang bàn soạn các bài thơ và truyện ngắn của tôi. Nhưng luận án của tôi lại là một quyển tiểu thuyết, cho nên đến một lúc nào đó nó cũng sẽ cần có người đại diện. Tuy nhiên thời điểm ấy còn khá xa trong tương lai. Một trong những điều khiến tôi thích làm việc với Jin là cô ta thích thơ tôi và muốn giúp tôi phổ biến nó.

Tập thơ của tôi có tựa là At the End of the World, There is a Pond (Ở chốn tận cùng của thế giới có một cái ao). Mới đầu nó chỉ là dự án về cuộc phiêu lưu của những con cá lang bạt từ chốn sông ngòi thiên nhiên đến các hồ cá kiểng nhân tạo. Thoạt kỳ thủy là vậy, nhưng một phần không nhỏ của nó được dùng để nói về người Mỹ gốc Việt, về chiến tranh và lưu lạc; phần khác đề cập đến những căn bệnh tâm thần và ý đồ tự tử. Điều khiến cho tôi thích làm thơ là, khi câu chuyện trở nên quá u ám, ta có thể mượn tiếng nói của một nhân vật hài hước hay láu cá nào đó để đánh trống lảng, để giảm bớt mức độ nghiêm trọng.

Và đây là câu hỏi anh nên làm quen, vì người ta sẽ hỏi anh tại hầu hết các buổi ra mắt hay đọc sách của mình: Anh lấy ý tưởng từ đâu? Từ đời sống, từ những giấc mơ, từ nghiên cứu, từ sự quan sát, hay từ những quyển truyện khác?

Ý tưởng của tôi phần lớn đến từ sự thật đời thường. Tôi rất hâm mộ Rachel Cusk. Gần đây tôi có đọc quyển 10:04 của Ben Lerner và A Tale for the Time Being và thích cả hai. Tôi ưa những gì phản ảnh cuộc sống và có liên hệ đến những sự việc tầm thường. Tôi viết lung tung đủ mọi đề tài. Tôi thích nghe nhạc, thích tìm hiểu đời sống các nhạc sĩ và quy trình sáng tác của họ. Tôi viết rất nhiều về nghệ sĩ, họa sĩ, văn thi sĩ; đôi khi tôi đến rất gần cương vực của siêu hư cấu. Nhiều ý tưởng nảy ra khi tôi đọc truyện của người khác. Tôi chơi video game rất nhiều. Những mẩu truyện gần chạm mốc giả tưởng của tôi thường đến từ video game.

Hồi còn nhỏ, tôi cứ tưởng nhà văn không phải là người thật. Nhưng tại trường Grinnell và Iowa tôi phát hiện nhà văn là những con người có thật và có khả năng cùng đọc bản thảo với mình. Thành thử nếu nhà văn là người thật thì tôi cũng có thể trở thành một nhà văn.

GS Phong Nguyen
Theo saigonnhonews.com ngày 3 tháng 1, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*