“Left” Có Phải Là Cộng Sản ? – “Liberal” Có Gì Sai ?

Quan điểm chính trị thường đươc chia làm hai phe: bảo thủ và cấp tiến. Người bảo thủ có nhiều quan điểm trái ngược với người cấp tiến. Người cấp tiến còn gọi là “khuynh tả”, có khi được cho là “thân cộng”. Chữ “liberal” được dùng với hàm ý miệt thị. Thật ra thì không đơn giản như vậy. Xin đọc tiếp.

Sự phân biệt “tả”, “hữu” và từ đó “khuynh tả”, “khuynh hữu” xuất phát từ cuộc cách mạng Pháp năm 1789 khi các thành viên Quốc Hội chia thành những người ủng hộ nhà vua bên phải, tổng thống và những người ủng hộ cuộc cách mạng ở bên trái. Cách sắp đặt này được xoá đi và lập lại nhiều lần. Cho đến năm 1814 đa số những người theo chủ nghĩa cực đoan đã chọn ngồi bên phải. Những người ủng hộ hiến pháp ngồi ở giữa trong khi các thành viên độc lập ngồi bên trái. Các thuật ngữ “cực hữu” “cực tả” được sử dụng để mô tả các hệ tư tưởng khác nhau của hội đồng.

Bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, các thuật ngữ “tả” “hữu” gắn liền với các hệ tư tưởng chính trị và được sử dụng để mô tả niềm tin chính trị của công dân, dần dần thay thế các thuật ngữ “đỏ” và “phản động”. Từ “tả”“hữu” cũng được dùng như những lời miệt thị để công kích nhau.

Theo Hans Jurgen Eysenck, các hệ tư tưởng chính trị được sắp xếp trong một biểu đồ như sau:


Trục ngang chia hai thái cực về quan niệm phân chia của cải trong xã hội. Bên trái là quan niệm mọi người trong xã hội nên chung sức với nhau để được hưởng đồng đều. Đây là quan niệm “làm theo năng xuất, hưởng theo nhu cầu”, gần với thuyết cộng sản. Bên phải là quan niệm cơ hội được phân chia đồng đều. Người làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Đây là quan niệm kinh tế thị trường tự do, “có làm thì mới có ăn”, gần với thuyết tư bản (capitalism).

Trục dọc chỉ mức độ can thiệp của chính phủ vào cuộc sống người dân. Ở trên cùng là chế độ độc tài, chính phủ kiểm soát và quyết định hành vi và lối sống của người dân. Tận cùng ở dưới là vô chính phủ, tự do tuyệt đối, người dân muốn làm gì thì làm.

Tất cả mọi người đều có một quan điểm chính trị nằm ở giữa hai trục này. Các lãnh tụ độc tài Cộng Sản nằm ở khung bên trái phía trên. Các lãnh tụ phát-xit, như Hitler, cũng độc tài nhưng không cộng sản thì nằm phía trên bên phải.

Chữ “liberal” xuất phát từ chữ “libre” có nghĩa là “tự do”. Ngày xưa có tiếng lóng “líp”, như trong “ăn líp ba ga” là ăn thả cửa. Hay “Líp đi” là cứ tự nhiên. Trong quan điểm chính trị, “liberal” là người phóng khoáng, ủng hộ cải cách để thăng tiến con người.

Tất cả chúng ta đều là “liberal” vì cùng chung một quan điểm sinh ra là người tự do và có quyền sống tự do. Nếu chính phủ không ngăn cản thì với thị trường tự do chúng ta có thể làm nên của cải và có một cuộc sống sung túc. Đó là quan điểm tự do cổ điển (classic liberalism). Bắt đầu từ những năm 1860, 1870, các nhà trí thức phát hiện rằng trong một xã hội tự do, con người không có tự do. Bởi vì có những rào cản như sự nghèo khổ, thất học, bệnh dịch, v.v… mà nền kinh tế thị trường không giải quyết được. John Maynard Keyes cho rằng kinh tế thị trường không thể tự điều chỉnh để đối phó với suy trầm. Vì thế cần phải có sự giúp đỡ của chính phủ để người ta có thể vượt qua thất nghiệp, đói nghèo, bệnh tật, già nua, để có một cuộc sống hoàn toàn tự do. Từ đó hình thành một hệ tư tưởng gọi là tự do xã hội (social liberalism).

Người social liberal vẫn không muốn chính phủ có quá nhiều quyền hành hay quốc hữu hoá tất cả của cải. Nhưng chính phủ cần phải đầu tư vào xã hội, kích hoạt kinh tế để cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn.

Nếu chính phủ phải nhúng tay vào để giúp người nghèo thì người giàu không được hưởng gì trong những chương trình này và có phần thiệt thòi vì phải góp phần từ tiền thuế mà họ đã đóng. Có vẻ không công bằng vì giống như lấy của người giàu cho người nghèo như trong chuyện Robinhood. Thật ra thì, các khoảng đầu tư vào xã hội góp phần thúc đẩy kinh tế, và mọi người cùng được hưởng trong sự phát triển. Như các nhà kinh tế học đã chứng minh, kinh tế thị trường không hoàn hảo, nếu để tự do thì khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng xa. Khi người nghèo quá nghèo thì họ không tiêu thụ, không góp phần cho kinh tế. Sự chênh lệch giàu nghèo dễ gây nên xung đột, tạo ra chiến tranh. Chi bằng tạo cơ hội cho những người không có điều kiện để mọi người cùng thăng tiến.

Năm 1932, khi nước Mỹ trong cuộc đại suy trầm, còn gọi là “The Great Depression”, tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đề nghị “The New Deal”, lập ra các chương trình xã hội như Social Security, Medicare, v.v… Tổng thống Roosevelt nói: “The test of our progress is not whether we add more to the abundance of those who have much; it is whether we provide enough for those who have too little.” (tạm dịch, “Thành quả của chúng ta không phải là chúng ta có cho thêm vào sự dư dả của những người đã có nhiều; mà là liệu chúng ta có giúp đủ cho những người có quá ít.”). “The New Deal” mở ra một kỷ nguyên mới cho nước Mỹ, giúp nước Mỹ phát triển mạnh, trở thành một cường quốc trên thế giới.

Khác với người cộng sản, người liberal không tin sở hữu toàn dân, không tin quốc hữu hoá doanh nghiệp. Người liberal ủng hộ tư hữu và tin rằng kinh tế thị trường sẽ tạo của cải và giúp cho mọi người có một cuộc sống sung túc. Doanh nghiệp do tư nhân làm chủ. Chính phủ giúp cạnh tranh công bằng và điều tiết nền kinh tế khi nó gặp khó khăn.

Người bảo thủ hay cấp tiến cùng có một niềm tin vào sự tự do của người dân. Người cấp tiến đặc biệt quan tâm hơn với lớp người thấp cổ bé miệng. Bill Gates và Warren Buffett cho rằng người cấp tiến không chống lại chủ nghĩa tư bản nhưng tin rằng luật thuế cần phải thay đổi để chính phủ có phương tiện xây dựng các chương trình y tế và xã hội hữu ích hơn cho người dân.

Nguyên Mai
Theo vietbao.com ngày 24/9/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*